
Sau một bi
kịch di cư khác ở Địa Trung Hải, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đăng trên Twitter sự
buồn phiền của mình và đồng thời kêu gọi tất cả những người nam nữ có tinh thần
thiện chí đừng thờ ơ trước những cái chết liên tục của những người di cư trong
những cuộc vượt biển nguy hiểm và những hành trình hy vọng.
“Tôi vô cùng đau buồn khi nghe tin về vụ đắm tàu liên
quan đến những người di cư ở Địa Trung Hải. Chúng ta đừng thờ ơ với những thảm
kịch này, và chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ.”
Dòng
tweet @Pontifex của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Năm, ngày
10 tháng 8, xuất hiện sau vụ việc một chiếc thuyền di cư khác bị đắm ngoài khơi
bờ biển Ý. Bốn mươi mốt người đã thiệt mạng hôm thứ Tư khi con tàu chở họ từ
Sfax ở Tunisia đến Ý bị lật úp. Bốn người sống sót đã được một tàu chở hàng của
Malta giải cứu và được lực lượng bảo vệ bờ biển Ý đưa đến Lampedusa. Những người
sống sót, đến từ Bờ Biển Ngà và Guinea, cho biết có 45 người trên thuyền, trong
đó có 3 trẻ em.
Con tàu được
cho là đã khởi hành hôm thứ Năm tuần trước và di chuyển trong khoảng 6 giờ trước
khi bị một cơn sóng lớn đánh lật úp.
Sự gia tăng
số lượng
Theo chính
quyền Ý, hơn 90.000 người đã đến Ý trong năm nay sau khi vượt biển Địa Trung Hải.
Con số này cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Họ đang chạy
trốn khỏi các cuộc xung đột ở các quốc gia như Sudan và Ethiopia, tình trạng mất
an ninh ở các vùng Sahel và hơn thế nữa, tình trạng hạn hán và nạn đói ở vùng Sừng
châu Phi, và cuộc khủng hoảng khí hậu trên khắp lục địa châu Phi đã tàn phá mùa
màng, đàn gia súc và sinh kế. Tuyến đường này cũng được sử dụng bởi những người
tị nạn chạy trốn khỏi sự đàn áp và bạo lực ở Afghanistan, Syria và các quốc gia
Trung Đông và châu Á khác.
Trong khi một
số bị chặn ngoài khơi bờ biển Bắc Phi và bị đưa trở lại các cảng khởi hành, nhiều
người đã được lực lượng bảo vệ bờ biển Ý hoặc các thuyền từ thiện đón và đưa họ
đến các trung tâm tiếp nhận.
Nghĩa trang
lớn nhất châu Âu
Tổ chức Di
cư Quốc tế báo cáo rằng việc băng qua Địa Trung Hải là một trong những tuyến đường
di cư nguy hiểm nhất trên thế giới. Ước tính gần 28.000 người đã mất tích khi nỗ
lực vượt biển kể từ năm 2014.
Đức Thánh
Cha Phanxicô, người đã mô tả Biển Địa Trung Hải là nghĩa trang lớn nhất của
Châu Âu, đã nhiều lần kêu gọi các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách
bảo vệ sự sống và phẩm giá của những người anh chị em của chúng ta đang sống cảnh
lênh đênh vô định.
Một mô hình
mà Đức Thánh Cha ủng hộ đó là mô hình “hành
lang nhân đạo” cung cấp lối đi an toàn cho những người di cư dễ bị tổn
thương, những người sau đó được hỗ trợ và giúp đỡ hòa nhập vào xã hội sở tại.
Sáng kiến này được thúc đẩy bởi các nhóm tín ngưỡng và cơ quan chính phủ của một
số quốc gia EU.
Hội nghị Địa
Trung Hải ở Marseille
Từ ngày
22-23 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thành phố Marseille của Pháp để
tham dự “Hội nghị Địa Trung Hải” do Hội đồng Giám mục Ý tổ chức và thúc đẩy như
một phần của sáng kiến thúc đẩy đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Địa Trung Hải
và đồng thời giải quyết các vấn đề chung của khu vực được đặt ra bởi các mô
hình di cư gia tăng, bất bình đẳng kinh tế, các vấn đề khí hậu, đối thoại liên
tôn.
Khoảng 70
Giám mục dự kiến sẽ tham dự cuộc họp ngoài các đại diện từ các Giáo hội khác và
khoảng 60 thị trưởng vùng Địa Trung Hải.
Thiên Ân (theo Vatican
News)