Phó thác

 


Vincent Hữu Tùng

Ta hãy can đảm mà tiến bước trong sự dẫn dắt của Thần Khí Chúa để chính nhờ Thần Khí hướng dẫn, người môn đệ mạnh dạn trao phó bản thân, mục nát cuộc đời, để làm nảy sinh nhiều bông hạt khác cho vinh quang Nước Trời.

Trong cuộc sống thường ngày, khi đi đâu người ta luôn cố gắng biết được điểm đến. Biết rồi, người ta mới bắt đầu tính toán đường đi nước bước sao cho phù hợp, an toàn và thuận lợi nhất. Chỉ có kẻ khờ dại, dở hơi mới cất bước ra đi mà không biết mình sẽ đi đâu, về đâu hoặc sẽ làm gì trên hành trình ấy. Kẻ nào đi lang thang thì chỉ hệt như cánh bèo trôi vô định, chẳng biết đường biết hướng về đâu. Vì thế, ta có thể xem những kẻ đi lang thang là những người không có định hướng. Tuy nhiên, có những người cũng chọn bước đi trong sự không định hướng trước, nhưng đó lại là ra đi trong sự phó thác, tin tưởng vào Đấng mà họ tôn thờ. Người môn đệ đi theo Đức Giêsu Kitô là một minh chứng cụ thể cho điều này.

Chúng ta có thể hiểu được phần nào điều này qua chính mẫu gương của các tổ phụ - những người được Thiên Chúa chúc phúc và sủng ái. Ta có thể kể đến mẫu gương của tổ phụ Abraham – người được gọi là “cha của các kẻ tin”, khi Đức Chúa mời gọi ông cất bước ra đi. Đức Chúa phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2). Mặc dù, đối với Abraham, tương lai phía trước của ông không mấy sáng sủa, nếu không muốn nói hoàn toàn mù mịt. Ông chỉ biết một điều là mình cần phải ra đi, đi theo lời chỉ dẫn của Chúa. Bởi ông xác tín rằng: Đi tới đâu, Chúa sẽ chỉ lối tới đó. Đi tới đâu, con đường sẽ rộng mở tới đó. Thật thế, không có con đường nào có sẵn phía trước cho ông, chỉ có con đường được tạo ra ngay lập tức khi và chỉ khi ông buộc phải đặt bàn chân của mình xuống đất trong một niềm tin sắt son kiên vững vào Chúa. Đấy thực sự là một cuộc phiêu lưu, vì vừa đi vừa khám phá, vừa đi vừa phó thác mặc dù không hề biết gì đến những thuận lợi hay chông gai phía trước. Một mặt, cuộc phiêu lưu ấy có thể đưa đến cho nhiều người cảm giác sợ hãi, vì đôi khi các biến cố xảy đến có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Mặt khác, nó cũng có thể khiến nhiều người cảm thấy ly kỳ, thú vị, vì càng bước đi, bao điều diệu kỳ lại từ từ lộ diện. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cứ nối đuôi nhau xảy đến. Và quả thực, hành trình phiêu lưu là hành trình của bao điều lôi cuốn, là cơ hội để trái tim ta có thể mở ra trong tương quan với Chúa và với tha nhân. Trong suốt hành trình khám phá ấy, ta có cơ hội nhận lãnh bao điều mới mẻ, để từ đây ta ra đi, trở thành những tay thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo còn bao la, bát ngát. Điều này đã được Hiến Pháp DCCT nhấn mạnh như sau:

“Như những chứng nhân Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa, các tu sĩ DCCT công bố trước hết vận mệnh rất cao cả của mỗi cá nhân và của toàn thể nhân loại. Họ biết rất rõ rằng mọi người đều là tội nhân, nhưng họ cũng biết ở một mức độ sâu hơn, tất cả đã được tuyển chọn, được cứu chuộc và được quy tụ trong Đức Kitô” (HP 7).

Có lẽ, tâm trạng của người sống đời dâng hiến cũng hệt như tâm trạng của tổ phụ Abraham khi xưa. Thật vậy, đã là một con người với trí khôn bình thường thì thử hỏi ai mà chẳng phải bận tâm lo cho chính tương lai của mình? Và thực sự phải thừa nhận rằng: khi một người quyết định liệu bản thân có sống đời sống dâng hiến hay không, thì một trong hàng tá những lý do khiến họ băn khoăn là họ không biết tương lai mình thế nào? Thật vậy, quyết định sống đời tu là một quyết định đòi hỏi phải có sự can đảm, tin tưởng và phó thác vì để bước đi, họ phải bỏ lại đằng sau tất cả, bởi: “Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đằng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Họ bước đi trong khi phía trước chẳng mấy hy vọng. Họ không biết là mình có được an toàn không, có thể đi tới cùng được không, hay đang đi nửa chừng lại nhận ra mình không có ơn gọi. Và nếu như đứt gánh giữa đường, họ sẽ phải làm lại từ đầu, tất cả mọi thứ, những cơ hội quý giá ngày xưa không còn nữa, cuộc đời họ sẽ trở nên dang dở hơn, khó khăn hơn biết chừng nào!

Thực tế đã có những con người dám liều mình bước đi như Abraham và đã khám phá ra biết bao điều kỳ diệu trên hành trình xem ra mạo hiểm này. Thật vậy, giữa bóng tối trùng điệp tư bề, họ luôn cảm thấy một bàn tay luôn dang ra đỡ nâng họ. Cứ mỗi lần họ vấp ngã, thì luôn có ai đó nhẹ nhàng, ân cần đỡ họ đứng lên. Xung quanh họ tuy là khó khăn nhưng bao giờ cũng có một tia sáng soi đường dẫn lối. Vì vậy, mỗi lần họ liều mình, là một chân trời mới lại mở ra, khiến họ không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Quả thế, bước đi trong đời dâng hiến là bước ra khỏi nơi an toàn của chính mình, như Phêrô bước ra khỏi thuyền để đi trên mặt nước mà tiến đến với Chúa Giêsu (x. Mt 14,22tt).

Sự an nguy của người tu sĩ không còn nằm trong tầm kiểm soát của họ nữa. Họ phó thác mọi sự cho Đấng đã lôi kéo và mời gọi họ bước đi. Giờ đây, hành trang trên vai của họ không phải là bạc tiền, khả năng hay sự giúp đỡ của một con người nào đó nhưng là một niềm tin mạnh mẽ, lòng trông cậy vững vàng và lòng yêu mến thiết tha vào Đấng mà họ tôn thờ và bước theo (x. HP 20). Cùng bước ra khỏi con người cũ kỹ của mình, họ càng nhận ra Chúa rõ ràng hơn, cứ như đang hiện diện ngay trước mắt họ. Điều này thúc đẩy người tu sĩ trở nên dấu chỉ và chứng tá, bởi lẽ:

“Qua việc hiến mình hoàn toàn cho sứ mạng của Đức Kitô, các tu sĩ tham dự vào sự bỏ mình của Đấng chịu đóng đinh, sự tự do thanh khiết của trái tim Ngài và sự toàn tâm dâng hiến chính Ngài cho sự sống trần gian. Như thế, họ phải trở nên dấu chỉ và chứng ta về quyền năng Phục Sinh của Ngài trước mặt người đời, khi loan báo sự sống mới và vĩnh cửu” (HP 51).

Thế nhưng, không phải lúc nào bàn chân của người tu sĩ cũng mạnh mẽ tiến bước. Có những khi thập giá đến, đôi bàn chân vẫn có đôi chút ngập ngừng. Ngày đầu mới theo Chúa, chứng kiến Chúa làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon tại Cana (x. Ga 2,1-12), các môn đệ hãnh diện và tự hào vì được làm môn đệ của một bậc thầy vĩ đại như thế. Suốt một khoảng thời gian dài bước theo Chúa, họ càng lúc càng cảm thấy vui vì Thầy mình vừa quyền năng mà cũng rất lỗi lạc. Họ tin chắc là suốt cuộc đời này, mình sẽ gắn bó với con người này. Họ tự hứa là sẽ theo Thầy mãi. Thế nhưng, khi Chúa vác thập giá lên đồi và chịu chết thì mỗi người một phương, ngại ngùng không ai dám bước đi để kết hiệp với Người trong mầu nhiệm Khổ Giá (x. Mc 14,50tt). Sau khi Người chết, các ông bủn rủn chân tay, thấy tương lai mù tối, chẳng biết phải làm gì, chẳng biết phải xoay sở ra sao.

Cũng vậy, trên bước đường đi theo Chúa, chắc chắn sẽ có những chông gai, những thử thách đang chờ đón người tu sĩ. Đây là điều không thể tránh khỏi, bởi lẽ:

“Các tu sĩ đi trên con đường chính Đức Kitô đã đi, đó là con đường khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, con đường phục vụ và hy sinh chính mình cho đến chết, bằng con đường ấy Ngài đã lên trời vinh hiển qua sự phục sinh. Các tu sĩ thực hiện điều này trong Hội Thánh mà sứ mạng của Hội Thánh là tiếp nối và rao truyền ơn cứu độ. Như thế, họ tham dự cách đặc biệt vào chính mầu nhiệm Hội Thánh và được thông dự cách mật thiết hơn vào mầu nhiệm Vượt Qua” (HP 50).

Quả thế, con đường Chúa đi chính là con đường của Thập giá, là con đường cúi xuống để phục vụ và leo lên đến đỉnh đồi của thương đau, khi hy sinh và chết cho người khác. Dù bên ngoài, nó có vẻ bị bao phủ bởi những điều tang tóc, đau thương, nhưng đó thật sự là con đường dẫn đưa tới hạnh phúc.

Con đường của Chúa chắc chắn không phải là con đường đi tìm sự an nhàn bản thân, tìm sự thừa nhận và những lời khen. Người môn đệ của Chúa có thể sẽ làm được rất nhiều điều cho người khác. Nhân danh Chúa, họ rao giảng, chữa lành, trao ban những lời khôn ngoan, giúp mọi người vượt qua những cơn giông tố, mang đến cho người đau yếu sự an ủi trong tâm hồn… Nhưng không bao giờ họ được phép đi tìm một sự “đền đáp” cho những gì mình đã “hy sinh”. Người môn đệ dâng mình cho Chúa là để trở thành khí cụ của Chúa, lấy thân mình phục vụ người ta, chứ không phải để mượn danh Chúa mà tô vẽ cho cái tôi của mình, hay để thu vén về cho mình những gì mình thích. Ngai vàng, điện ngọc, lầu son gác tía không phải là điều mà Chúa tìm kiếm. Thập giá, đinh nhọn và vòng gai mới là cái mà Chúa thấy vinh dự và tự hào khi mang vào. Người môn đệ nào không mang lấy những điều này giống như Thầy Giêsu thì không thể là một môn đệ chân chính của Người được.

Hành trình theo Chúa có khi phải trải qua những khoảnh khắc như vậy, khoảnh khắc của thử thách, của tôi luyện. Có những lúc Chúa như ẩn mình đi, bỏ ta bơ vơ lạc lõng giữa đời. Nhưng điều quan trọng hơn cả đó là, ta phải luôn phó thác và đặt niềm tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa như gương tổ phụ Abraham, để từ đây chính Chúa sẽ can thiệp vào cuộc đời ta. Bởi, không một ai bước theo Chúa mà không phải chết đi hoàn toàn cho chính con người với đức tin cũ kỹ của mình. Dám bước tiếp và chịu chết cùng Chúa chắc chắn ta sẽ cùng Phục sinh với Người. Ta hãy can đảm mà tiến bước trong sự dẫn dắt của Thần Khí Chúa để chính nhờ Thần Khí hướng dẫn, người môn đệ mạnh dạn trao phó bản thân để làm nảy sinh nhiều bông hạt khác cho vinh quang Nước Trời (x. Ga 12,22tt).


Phó Thác

Học viện Thánh Anphongsô