Giới thiệu các môn học trong phân khoa Triết học

- Các môn Triết học

1. Triết học Nhập môn

Phụ trách: Cha Giuse Trương Văn Tính, O.F.M.

Con người mở ra với thực tại bằng ba “cửa sổ” hay ba lãnh vực khác nhau: Khoa học, Triết học và Thần học. Triết học – yêu mến, tìm kiếm sự khôn ngoan – trước khi như là một khoa học, đã là một hoạt động, một lối sống, một thao thức của con người về ý nghĩa của sự hiện hữu. Học Triết và làm Triết là điều thực sự cần thiết đối với mỗi người, bởi vì, chúng ta có thể nói như Socrate: “[] Đời sống không suy xét là không đáng sống” (Platon, Socrates biện hộ, 38a). Nhập môn Triết học Tây phương là môn học hướng dẫn các học viên khám phá sơ khởi về các nội dung liên quan đến lãnh vực Triết học như: Triết học là gì? Nguồn hứng khởi của Triết học; Phương pháp Triết học; Tương quan giữa Triết học với khoa học và Thần học; Giá trị đào tạo của Triết học; Một vài triết gia, tác phẩm Triết học và các triết thuyết tiêu biểu trong dòng lịch sử Với những kiến thức cơ bản của Triết học Nhập môn, sinh viên có thể hứng khởi bước vào khám phá “ngôi nhà triết học” và tránh được những bỡ ngỡ.

2. Triết sử Tây phương Thượng cổ

Phụ trách: Cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.

Với môn học này, sinh viên tiếp cận và làm quen với nền Triết học Cổ đại qua khuôn mặt các triết gia nổi bật như Socrate, Platon, Aristốt… Các sinh viên tìm hiểu và đào sâu tư tưởng Triết học của các triết gia này, nhờ đó, có thể nắm vững nguồn mạch triết học chi phối hệ thống triết học lâu dài sau này như thế nào. Chẳng hạn, qua việc học hỏi, đào sâu tư tưởng Triết học Cổ đại, sinh viên nhận biết được nó có tầm ảnh hưởng thế nào trên truyền thống Triết học Kinh viện sau này.

3. Triết sử Tây phương Trung cổ

Phụ trách: Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Quảng, C.Ss.R.

Môn học này tiếp nối lịch sử tư tưởng Triết học Thượng cổ. Sinh viên, với môn học này, đào sâu các vấn đề Triết học cổ cựu dưới viễn tượng Triết học của thánh Augustinô, Boethius, Anselmô, Bônaventura, và thánh Tôma Aquinô. Nghiên cứu đào sâu Triết học Trung cổ, sinh viên cũng học biết mối liên hệ mật thiết giữa Thần học Kitô giáo và Triết học.

4. Triết sử Tây phương Cận đại

Phụ trách: Cha Gioan Bosco Nguyễn Hữu Thy, O.Cist

Thời Cận đại – từ cuối thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII – là thời kỳ chuyển tiếp giữa thời Trung cổ và thời Hiện đại. Đây là thời kỳ quan trọng nhất trong suốt dòng lịch sử Triết học nhân loại. Triết học thời Trung cổ – từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII – đặt nặng các vấn đề siêu hình và các hình thức đượm tính cách giáo điều; nó bị chi phối bởi Thần học và chịu ảnh hưởng sâu xa quan điểm của giáo lý Kitô giáo. Bước sang thời Cận đại, khuynh hướng Triết học được lật qua một trang sử hoàn toàn mới: Đề cao con người, các vấn đề nhân bản và thiên nhiên độc lập một cách cụ thể, loại bỏ khuynh hướng giáo điều.

Dưới cái nhìn tổng quát, Triết học thời Cận đại được chia ra làm hai khuynh hướng: Khuynh hướng duy lý và khuynh hướng duy nghiệm. Theo khuynh hướng duy lý, chân lý không nằm ở đối tượng được suy tư, nhưng nằm trong tư tưởng của chủ thể suy tư: Tôi có ý tưởng rõ ràng và phân minh về một cái chi đó thì cái đó phải hiện hữu. Trong khi, theo khuynh hướng duy nghiệm lại cho rằng người ta chỉ gặp được chân lý qua kinh nghiệm: không có gì hiện hữu mà không qua các giác quan.

Thời Cận đại cũng là thời kỳ “cách mạng” trong hầu như mọi lãnh vực, từ suy tư triết học, văn hoá, chính trị, xã hội, tôn giáo đến địa lý, kinh tế, thiên văn và các ngành công nghệ. Vì thế, thời Cận đại đã được mệnh danh là Thế kỷ Triết học hay thời kỳ Khai Sáng: Khoa học như ngọn hải đăng soi dẫn chúng ta đạt được chân lý chắc chắn!

5. Triết sử Tây phương Đương đại

Phụ trách: Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Quảng, C.Ss.R.

Bắt đầu cuối thế kỷ XIX, các trường phái Triết học mang tính hệ thống và phổ quát như Duy lý, Duy nghiệm, Duy tâm và Lãng mạn đã bị phê phán vì những ảnh hưởng tiêu cực của chúng. Triết học Tây Phương bắt đầu chuyển hướng, nhấn mạnh vào khía cạnh cụ thể và tiến trình phát triển của thực tại, quay trở về với kinh nghiệm hằng ngày của cuộc sống, tìm hiểu cách con người khám phá chân lý, và hoài nghi về khuynh hướng lạc quan trong Triết Cận đại. Phần Triết Hiện đại sẽ bao gồm năm chủ đề: phê bình tôn giáo (Nietzsche & Kierkegaard), thuyết Thực dụng (James & Pierce), Siêu hình học mới (Bergson & Whitehead), Triết Phân tích & Ngôn ngữ (tiền & hậu Wittgenstein), và Triết hiện tượng & Hiện sinh (Husserl, Heidegger, Sartre). Phần Triết Hậu Hiện đại sẽ khai triển những đóng góp của Derrida (thuyết Giải trừ cấu trúc) và tác phẩm Tình huống hậu hiện đại của Lyotard. Môn học này sẽ giúp cho sinh viên có cái nhìn phê phán và thực tế hơn về những thử thách mà Thần học phải đương đầu hiện nay.

6. Triết học Tôn giáo

Phụ trách: Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Quảng, C.Ss.R.

Môn Triết học Tôn giáo, trong khi tôn trọng bản chất và sự độc lập của hiện tượng tôn giáo, cố gắng mô tả nó trong bản chất đa dạng của các tôn giáo khác nhau. Triết học Tôn giáo, vì thế, không khởi đi từ một xuất phát điểm trừu tượng, cho bằng từ những phản tư trên các kinh nghiệm sống niềm tin. Các bài giảng trong bộ môn này được sắp xếp theo thứ tự lịch sử, từ kim đến cổ, tiếp cận những đề tài căn bản trong Triết học Tôn giáo: Thiên Chúa và điều thần thiêng, đức tin trong hiện hữu con người, kinh nghiệm tôn giáo, lý tính và ngôn ngữ tôn giáo… Các tác giả được chọn trong các bài giảng này chủ yếu đến từ truyền thống Kitô giáo, nhưng đồng thời có một định hướng về quan điểm rõ rệt: Triết học Tôn giáo phải vượt qua một quan niệm duy lý nơi bản chất nghiên cứu của chính mình.

7. Triết học về Tự nhiên

Phụ trách: Cha Phanxicô Assisi Nguyễn Hoài Lâm, O.Cist.

Bằng phương pháp riêng của mình, khoa học đã đi sâu vào cấu tạo của vật chất và muốn định nghĩa lại ý nghĩa của vật chất. Bên cạnh đó, Chủ nghĩa Duy vật cũng muốn khẳng định con người chỉ là một sản phẩm ngẫu nhiên của quá trình tiến hoá. Để trả lại ý nghĩa đúng đắn cho sự hiện hữu của hữu thể vật chất, và để xác đnh thế nào là một bản thể tự nhiên,… bộ môn Triết học Tự nhiên sẽ cống hiến cho các sinh viên cơ hội tìm hiểu tận căn về thế giới vật chất, tức bản chất nội tại, cơ cấu nền tảng… của hữu thể vật chất trong vũ trụ và tái xác định phẩm vị của hữu thể nhân linh dưới ánh sáng của Triết học Tân Kinh viện.

8. Triết học về Con người/Nhân luận Triết học

Phụ trách: Cha Gioan Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R.

Vấn đề: “Con người là ai?” đã là và vẫn còn là một lời hỏi và một ẩn ngữ chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Mặc dù được tìm hiểu và phân tích ở nhiều cấp độ cũng như trong nhiều chuyên ngành khác nhau, nhưng huyền nhiệm con người thực sự sâu thẳm và vượt xa mọi lý giải của những phân tích, kiểm chứng và những lý luận.

Nội dung khoá học: Truy tìm bản chất và ý nghĩa sâu xa nhất của hiện hữu người để trả lời câu hỏi “con người là ai?” Đây là một trong những mục đích chính yếu của bộ môn mà ngày nay đã trở thành một khoa học với ưu tiên quan trọng nhất: con người và những vấn đề của nó. Không thể trả lời câu hỏi về huyền nhiệm con người trong một khái niệm ngắn gọn, chúng ta phải tiếp cận con người dưới những mức độ khác nhau: 1) lược sử tư tưởng về con người, 2) khai triển một hiện tượng luận về hiện hữu người, 3) tìm hiểu con người ở tầm mức siêu hình, và 4) tiếp cận huyền nhiệm con người.

Tài liệu học tập: Nguyễn Ngọc Hải, Con người – một huyền nhiệm (TP. HCM: Học viện thánh Anphongsô, 2021).

9. Siêu hình học

Phụ trách: Cha Gioan Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R.

Vấn đề: Hiểu biết là một trong những nhu cầu căn bản của con người. Và một trong những cấp độ hiểu biết cao nhất, đó là hiểu biết về căn nguyên hay cái lý hiện hữu của tồn hữu. Bộ môn Siêu hình học (SHH) nghiên cứu những vấn đề này; và đối tượng căn bản của SHH là nghiên cứu “hữu thể xét như nó là.” SHH là nền tảng, vì nó là rường cột mà trên đó người ta xây dựng các triết thuyết và tùy theo việc người ta quan niệm nó thế nào mà có những lập trường Triết học khác nhau.

Nội dung khoá học: Chúng ta giới hạn tìm hiểu về hữu thể (ens) và hiện hữu (existentia) qua một số khía cạnh chủ yếu sau: 1) khởi đi những lời hỏi như hữu thể là gì?, thực tại là gì?, cái gì là những đặc điểm của hữu thể?, 2) chúng ta cố gắng xác định cấu trúc căn bản của hữu thể (tính thống nhất của hữu thể); 3) tuy nhiên, tính thống nhất của hữu thể lại luôn được đặt trong một thực tại đa dạng, biến thiên và hữu hạn, làm thế nào dung hoà hai cực của cùng một vấn đề này?; 4) một nguồn quy chiếu quan trọng, đó là kinh nghiệm căn bản của con người về việc hiện hữu và về hữu thể; 5) phân tích một số nét siêu nghiệm của hữu thể; và 6) bàn luận về bản chất của một số căn nguyên của “hiện hữu.”

Tài liệu học tập: Nguyễn Ngọc Hải, Những nẻo đường của hữu thể (TP. HCM: Học viện thánh Anphongsô, 2021).

10. Tri thức luận/Nhận thức luận

Phụ trách: Cha Gioan Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R.

Vấn đề: Làm sao chúng ta nhận biết được thực tại chung quanh mình? Đích thật “cái gì đó” chúng ta biết là gì vậy? Và cái chúng ta biết về “cái gì đó” thực sự chính là “cái gì đó” như nó là cái chúng ta biết?... Những câu hỏi đưa chúng ta đi xa hơn cái-biết, đụng đến cái-làm-thế-nào để biết và làm sao chúng ta chắc thực được cái chúng ta biết là thực như nó là.

Nội dung khoá học: Mục đích chính của khoá học nhằm tìm hiểu cái-làm-thế-nào của nhận thức con người nhìn từ quan điểm Triết học; tuy nhiên, để bàn luận rõ hơn, chúng ta cũng xét tới một số yếu tố liên quan. Cụ thể, chúng ta tìm hiểu: 1) bản chất của tri thức; 2) một số quan điểm về tiến trình nhận thức của con người; 3) một số phương pháp căn bản của việc truy tìm tri thức trong lịch sử tư tưởng; 4) một số yếu tố biện minh cho điều chúng ta chấp nhận hoặc nghi ngờ và những tiêu chuẩn nào chúng ta có thể sử dụng để thu nhận sự thật về thế giới và về hiện hữu của con người.

Tài liệu học tập: Nguyễn Ngọc Hải, Nhận thức luận. Triết học về tri thức của con người (TP. HCM: Học viện thánh Anphongsô, 2021).

11. Giải thích học/Thông diễn học

Phụ trách: Cha Giuse Vũ Liên Minh, O.F.M.

Giải thích học/Thông diễn học (Hermeneutics) có lịch sử lâu đời, từ thời triết học Hy Lạp cổ đại. Thời Trung cổ và Phục hưng, môn học này gắn liền với việc chú giải Kinh Thánh. Nhưng với trào lưu Triết học mới thời Cận đại và Hiện đại, vấn đề “hiểu” được suy xét dưới nhiều khía cạnh khác nhau và môn Giải thích học trở thành môn học quan trọng để tiếp cận chân lý. Môn học này giúp sinh viên tiếp cận các vấn đề “hiểu” trong bối cảnh văn học, lịch sử và nhân học. Môn học cũng giúp học viên biết đường hướng tiếp cận chân lý và có được những kỹ năng thực tiễn liên quan đến vấn đề thông diễn. Nói cách khác, môn học giúp sinh viên có khả năng biện phân trong linh hướng, tư vấn mục vụ, suy tư triết học và thần học.

12. Triết học về Chính trị

Phụ trách: Cha G. Bosco Nguyễn Hữu Thy, O.Cist

Xét về mặt ngữ pháp người ta có thể nói rằng khoa Triết Học Chính Trị là bộ môn được đúc kết bởi hai khoa học khác nhau – khoa Triết học và khoa Chính trị học – để cấu tạo nên một bộ môn duy nhất, với mục đích là nhờ ánh sáng của Triết học người ta có thể nhìn thấy và nhận chân được bản sắc và ý nghĩa đích thực của Chính trị. Đúng vậy, nếu Chính trị được nhìn dưới nhãn quan Triết học, nếu Chính trị được phân tích một cách triết học, nghĩa là nếu Chính trị được hiểu đúng theo cái bản chất cốt lõi của nó, người ta sẽ khám phá ra rằng tự bản chất đích thực của nó, Chính trị là mối tương quan có tính cách xã hội đầy ý thức và trách nhiệm hỗ tương giữa các thành phần xã hội với nhau.

Trên thực tế, Chính trị là một chính sách, là một đường lối cai trị và là một phương thức điều phối cần thiết trong sứ mệnh an dân trị nước của các nhà chức trách trong một Nhà nước Dân chủ, được đặt trên nền tảng công minh chính trực, trên sự tôn trọng đầy đủ và đúng đắn nhân vị, nhân phẩm và các quyền con người mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho mỗi người ngay từ giây phút đầu tiên sự hiện hữu của họ trên hành tinh này.

Điều đó muốn nói rằng một nền chính trị chân chính trước hết là nỗ lực lo cho xã tắc luôn được thái bình thịnh trị, lo kiến tạo công lý và hòa bình trong xã hội, đề cao các quyền cơ bản của con người. Nếu vậy, nền chính trị chân chính được khởi động khi con người bị oằn mình gánh chịu đủ thứ kỳ thị và bất công xã hội, khi những người vô gia cư, những người nhập cư, những người khuyết tật và những người vì sự xác tín tôn giáo hay ý thức hệ... mà bị đối xử như những công dân hạng hai và luôn phải hứng chịu mọi thiệt thòi mất mát trong cuộc sống.

13. Đạo đức học

Phụ trách: Cha Gioan Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R.

Hạnh phúc con người không chỉ hệ tại trong sự thoả mãn các nhu cầu bản năng nhưng còn nơi các giá trị đạo đức nền tảng để có một cuộc sống nhân bản. Nhưng các giá trị đạo đức đến từ đâu? Chúng tương quan với niềm tin tôn giáo như thế nào? Các tiêu chuẩn đạo đức thì tương đối hay tuyệt đối, chủ quan hay khách quan? Cuối cùng, tại sao chúng ta “nên” sống đạo đức? Môn học này sẽ giúp sinh viên nhận thức được những điều kiện phải có trong phán đoán đạo đức, trước khi chúng ta bước vào các chủ đề của Thần học Luân lý. Ngoài phần lý thuyết, chúng ta sẽ học cách áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức căn bản như vị lợi, vị kỷ, luật tự nhiên, bổn phận và nhân đức, để phân tích và phán đoán các trường hợp cụ thể.

14. Triết học Trung Hoa

Phụ trách: GS. TS. Trịnh Doãn Chính, KHXH-NV

Khi nhắc đến Triết học Trung Hoa, có lẽ chúng ta cần ghi nhận rằng đây là hệ thống Triết học tuy không sâu sắc bằng hệ thống triết học n Độ xét về phương diện siêu hình, nhưng nó lại phong phú hơn, nhiều sắc thái hơn, thậm chí có lẽ hơn cả hệ thng Triết học Hy Lạp. Triết học Trung Hoa không quá chú trọng vào sự giải thoát con người như hệ thống triết học Ấn Độ; cũng không căn cứ vào sự mạch lạc lý luận hay chú trọng vào sự hiểu biết như triết học Hy Lạp, nhưng nó căn cứ vào sự hoà hợp của con người với thiên nhiên, chú trọng vào đối nhân xử thế. Vì vậy, học hỏi, đào sâu môn Triết học Trung Hoa, sinh viên học hiểu về nhân sinh quan nhiều hơn là những vấn đề khác của Triết học. Học hỏi Triết học Trung Hoa, sinh viên học biết một nếp sống của con người phương Đông, một nếp sống giản dị, có trật tự, tuy an mệnh thủ thường mà vẫn có tinh thần phấn đấu; một nếp sống nhân bản, chú trọng tới toàn diện con người: tình cảm – Nhân; trí tuệ Trí; ý chí – Dũng; một nếp sống hoà hợp với xã hội và thiên nhiên.

15. Triết học Ấn Độ

Phụ trách: GS. TS. Trịnh Doãn Chính, KHXH-NV

Nếu Triết học Tây phương thiên về tìm tòi chân lý bằng những lý luận thuần lý hay loại suy thì triết học Ấn Độ hướng chúng ta đến sự trầm tĩnh suy tư hơn là khảo cứu, lý luận; tri gắn liền với hành. Nói cách khác, với triết học Ấn Độ, biết không phải để biết, nhưng biết để đạt tới Trí - Huệ (Prajnâ: Bát - Nhã).

Với môn học này, sinh viên sẽ khám phá một nền Triết học vừa có tính thống nhất, vừa có tính đa dạng. Thống nhất ở chỗ dù trực tiếp hay gián tiếp nó đều bị chi phối bởi quan niệm đồng nhất thể của Upanishad; hầu hết các trường phái đều hướng đến giải thoát; một số nguyên lý chung có ở nhiều trường phái. Đa dạng ở chỗ, Triết học Ấn Độ chia thành nhiều khuynh hướng, nhiều nhánh nhỏ; mỗi trường phái là những con đường khác nhau để đi đến giải thoát; nhiều vấn đề khác nhau được đặt ra ở những trường phái khác nhau.

16. Phật giáo

Phụ trách: Cha Đa Minh Lê Đức Thiện, O.P.

Môn học nhằm mục đích giúp sinh viên có thể nắm bắt một cách cơ bản về quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Ấn Độ qua các giai đoạn, từ Phật giáo nguyên thuỷ cho đến Phật giáo Đại thừa, đồng thời, tìm hiểu một số nội dung quan trọng của triết lý Phật giáo nguyên thuỷ qua việc tiếp cận các bản Kinh văn. Bên cạnh đó, môn học cũng giúp sinh viên có một cái nhìn khái quát về các trường phái chính của Phật giáo Đại thừa, cũng như sự truyền bá và phát triển của Phật giáo bên ngoài Ấn Độ, đặc biệt là Phật giáo tại Việt Nam.

17. Luận lý học

Phụ trách: TS. Nguyễn Anh Thường, KHXH-NV

Môn học giúp sinh viên có được những kiến thức cơ bản về mệnh đề, các phép logic, hàm mệnh đề, khái niệm và quan hệ giữa các khái niệm, các công thức, quy tắc suy luận; các phép suy luận, suy diễn; phương pháp chứng minh, bác bỏ và giả thích… Nhờ thủ đắc kiến thức căn bản về logic như thế, sinh viên có thể vận dụng vào đời sống của mình. Nói cách khác, nhờ nắm bắt những kiến thức căn bản về logic, sinh viên phát huy khả năng nghiên cứu khoa học về Triết học, Thần học, đồng thời tự học hỏi, trau dồi năng lực phán đoán, phản biện của mình trong cuộc sống hằng ngày.

-  Các môn Triết - Thần

1. Latin

Phụ trách: Cha Mátthêu Vũ Văn Lượng, O.P.

La ngữ (Latin) vốn là tiếng nói chính thức của Đế chế La Mã (SPQR). Nó được coi là nguồn cội của nhiều ngôn ngữ Âu châu, Ý, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Rumani, kể cả Anh và Đức ngữ. Trong lịch sử, Latin từng là ngôn ngữ chính thức trong giao tiếp quốc tế và học thuật cho đến thế kỷ XVIII. Trên thế giới người ta học Latin vì do đam mê hay tính “hấp dẫn” và “thách đố” nhất của nó. Hơn nữa, học và dùng được Latin đồng nghĩa với việc sử dụng chung ngôn ngữ với những vĩ nhân thời Cổ đại La Mã như Livius Andronicus, Augustus, Aurelius, Catullus, Ceasar, Cicero, Livy,… Đó là niềm tự hào (honor) tự nhiên.

Rất nhiều trường học trên thế giới (dù ở cấp trung học) dạy Latin như một học phần bắt buộc. Hiện tại, Giáo hội Công giáo sử dụng Latin (Ecclesiastical Latin) làm ngôn ngữ riêng (tiếng mẹ/matris lingua) cho các văn kiện chính thức (officialis) của mình. Về phần mình, môn Latin được đưa vào chương trình (học ngôn ngữ) trong các Học viện, Chủng viện như một công cụ, dẫu nhỏ bé, nhưng sắc bén và hữu hiệu (x. SDV, Nov. 04, 1963, # 17).

Thật vậy, có ít nhất 3 lĩnh vực có liên quan: Văn kiện Giáo hội, Giáo luật và nhất là Phụng vụ mà nhiều ít các sinh viên sẽ gặp để tìm biết. Như vậy, Latin sẽ giúp sinh viên hiểu được những từ ngữ học thuật quốc tế, hay ít ra những những nét chính yếu trong các Văn kiện Hội Thánh (x. OT, # 13) và nhất là chuẩn bị cho những chuyên viên về Thánh Kinh, Giáo lý, Giáo luật, Phụng vụ hoặc các môn ở cấp độ cao khác mà sinh viên có thể phát triển sau này (x. PDV, # 18).

2. Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam

Phụ trách: Cha Anphongsô Trần Ngọc Hướng, C.Ss.R.

Mỗi nền văn hoá đều có những đặc tính riêng biệt. Với tư cách là những người có đức tin, chúng ta đều ý thức rằng: nơi mỗi nền văn hoá đều có sự hoạt động của Thánh Thần để chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận Tin mừng. Với môn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam, các sinh viên học hỏi bản sắc văn hoá, tín ngưỡng Việt Nam với những đặc tính riêng biệt của nó. Sinh viên cũng được học các tầng văn hoá trong nền văn hoá Việt Nam. Việc học hỏi này giúp sinh viên hướng đến viễn tượng thi hành sứ vụ tương lai: làm cho các giá trị Tin mừng được thấm đượm vào nền văn hoá Việt Nam.

3. Nhập môn Phụng vụ

Phụ trách: Cha Giuse Đỗ Đình Tư, C.Ss.R.

Môn học cung cấp cho học viên những kiến thức căn bản về phụng vụ ở ba lãnh vực: lịch sử, nền tảng thần học và một số cử hành phụng vụ. Với tên gọi “Phụng vụ nhập môn,” hai lãnh vực đầu được chú trọng và đào sâu hơn lãnh vực thứ ba. Cùng với những kiến thức trình bày trên lớp, đòi buộc các học viên dành thời gian đọc kỹ các sách được giới thiệu trong suốt khoá học. Chỉ với đức tin chân chính và niềm đam mê nghiên cứu, các học viên mới hiểu và sống phụng vụ cách sinh động, tạo ý thức: “Phụng vụ là môn học chính trong các phân khoa thần học; phải được luận giải từ những góc nhìn liên quan đến thần học, lịch sử, tu đức và giáo luật” (x. PV, # 16).

4. Giờ kinh phụng vụ & Năm Phụng vụ

Phụ trách: Cha Giuse Đỗ Đình Tư, C.Ss.R.

Môn học xây dựng từ hai lãnh vực thuộc phạm vi cử hành: năm phụng vụ và các giờ kinh phụng vụ. Phần thứ nhất, môn học giới thiệu từ lịch sử đến cử hành năm phụng vụ, với những điểm nhấn thần học và linh đạo, giúp học viên hiểu “Mẹ thánh Giáo hội luôn ý thức về bổn phận phải thực hành việc tưởng niệm để cử hành công trình cứu chuộc của Đấng Phu Quân chí thánh vào những ngày được ấn định trong năm” (x. PV, # 102). Phần thứ hai, học viên sẽ học hỏi Văn kiện trình bày và quy định các giờ kinh phụng vụ. Đây là tài liệu Hội Thánh biên soạn cách khoa học về lịch sử và cách thức cử hành các giờ kinh phụng vụ. Với hai phần tưởng như không liên hệ, được trình bày xuyên suốt khoá học, sẽ cho học viên thấy mối liên hệ chặt chẽ và thêm xác tín: Cử hành năm phụng vụ và các giờ kinh phụng vụ là đang tuyên xưng chính Đức Kitô hiện diện trong Hội Thánh của Người.

5. Phương pháp Nghiên cứu & Biên soạn

Phụ trách: Thầy Giuse Phạm Vũ Phi Hổ & Cha Giuse Quách Minh Đức, C.Ss.R.

Môn học giúp các sinh viên nắm bắt phương pháp nghiên cứu có tính hàn lâm. Qua môn học này, các sinh viên có khả năng làm việc trên lớp học cũng như trong thư viên một cách khoa học và đạt hiệu quả. Cũng qua môn học này, các sinh viên đạt được sự nhuần nhuyễn tiến trình thực hiện các bài luận, các bài khảo cứu, tiểu luận, luận văn. Một điều quan trọng khác mà sinh viên thu lượm được từ khoá học này là khả năng trình bày bài nghiên cứu theo đúng quy cách học thuật đòi hỏi.

6. Linh đạo Kitô giáo

Phụ trách: Cha Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R.

Môn học được chia làm hai phần chính. Phần I là linh đạo sử; phần II là linh đạo thực hành. Ở phần I, sinh viên tìm hiểu những nét căn bản của linh đạo Kitô giáo bằng cách xem xét các giai đoạn lịch sử khác nhau của linh đạo Kitô giáo; đồng thời tìm hiểu, phân tích những chiều kích khác nhau của linh đạo trong những giai đoạn lịch sử cụ thể. Thêm vào đó, phần này cung cấp cho sinh viên một cái nhìn bao quát về các nguồn mạch, những kinh nghiệm thiêng liêng được đúc kết trong dòng lịch sử của Hội Thánh. Bên cạnh đó, nó cũng giúp cho sinh viên nắm bắt đường hướng trưởng thành tâm linh, kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện để hướng tới chân trời mới của một đời sống Kitô hữu thấm đẫm những giá trị Tin mừng.

Phần II – Linh đạo thực hành: Dựa trên nền tảng Kinh Thánh, Thần học và truyền thống cũng như kinh nghiệm thiêng liêng trong Giáo hội Công giáo, sinh viên đào sâu và trau dồi đời sống nhân bản Kitô giáo và đời sống tâm linh của bản thân. Hơn nữa, phần linh đạo thực hành cũng giúp sinh viên nắm chắc hành trình tâm linh dưới nhãn giới Kitô giáo cùng với những yếu tố liên quan mật thiết với đời sống tâm linh, nghĩa là những yêu tố có tính cách thực hành giúp họ được thăng tiến trong hành trình tâm linh của mình. Cuối cùng, môn học giúp sinh viên định hình được con đường tâm linh gắn với ơn gọi đặc thù của người tín hữu Chúa Kitô.

7. Tâm lý Nhân cách

Phụ trách: Cha Giuse Trần Hoàng Quân, ĐCV thánh Giuse - Sài Gòn

Môn học giúp sinh viên biết về mình hầu có thể điều chỉnh hay bổ sung thêm những nét nhân cách của mình và có thể qua đó cũng giúp biết thêm về người khác trong công việc mục vụ. 

Môn học này gồm 2 phần: 1) Tiến trình và những yếu tố hình thành nhân cách; 2) Biết và xây dựng một nhân cách lành mạnh. 

8. Tâm lý Tư vấn

Phụ trách: Soeur Maria Thécla Trần Thị Giồng, C.N.D.

Môn học này giúp cho sinh viên thêm tự tin trong việc mục vụ và biết một số k năng hầu có thể giúp đỡ một cách hữu hiệu hơn cho những người gặp khó khăn... đến tìm sự trợ giúp.

Nội dung môn học gồm: 1) Một số nguyên tắc và tiến trình trong việc giúp đỡ; 2) Một số chỉ dẫn cơ bản trong việc tìm hiểu về con người và vấn đề của người đến tìm giúp đỡ; 3) Một số kỷ năng cơ bản trong việc giúp đỡ những ai cần đến khi làm mục vụ.

9. Dẫn nhập Kinh Thánh

Phụ trách: Cha Giuse Phạm Đình Trí, C.Ss.R.

Môn học này được chia là hai phần: Dẫn nhập Cựu Ước và Dẫn nhập Tân Ước.

Phần Dẫn nhập Cựu Ước có mục đích cung cấp cho các sinh viên các kiến thức tổng quát về Kinh Thánh Cựu Ước và các phương pháp tiếp cận bộ Kinh Thánh Cựu Ước. Trước hết, phần này sẽ trình bày các khái niệm quan trọng liên quan đến Kinh Thánh nói chung, như: Hạn từ “Kinh Thánh,” Ơn Linh hứng, Quy điển, Sự Thống nhất của Kinh Thánh,… Thứ đến, phần này sẽ cung cấp các kiến thức tổng quát về lịch sử và văn hoá của dân tộc Isarel qua các thời kỳ khác nhau trong thời Cựu Ước, nhằm giúp cho các học viên hiểu rõ hơn về bối cảnh và lịch sử hình thành các bản văn Kinh Thánh Cựu Ước. Tiếp theo, phần Dẫn nhập Cựu Ước sẽ trình bày nội dung tổng quát của Kinh Thánh Cựu Ước, dựa theo cách phân chia các phần Cựu Ước của Quy điển Kinh Thánh Công giáo, cụ thể: 1) Ngũ thư; 2) Các Sách Lịch sử; 3) Các Sách Giáo huấn (Nền Văn chương Khôn ngoan); 4/ Các Sách Ngôn sứ. Mục đích cốt yếu của phần này làm nổi bật những sứ điệp chính của Cựu Ước. Sau cùng, phân này sẽ trình bày tổng quát về lịch sử và các phương pháp chú giải Kinh Thánh nói chung, và Cựu Ước nói riêng.

Sang phần Dẫn nhập Tân Ước, sinh viên có cái nhìn tổng quát về Kinh Thánh Tân Ước trước khi đi vào tìm hiểu từng tác phẩm cụ thể. Trước hết, trong phần này, sinh viên sẽ được trình bày những yếu tố căn bản liên quan đến Tân Ước, như: bối cảnh chung về lịch sử và văn hoá Do Thái thời Tân Ước; các giai đoạn hình thành bộ Kinh Thánh Tân Ước; Lịch sử Quy điển Tân Ước; các thể văn trong Tân Ước; cách sắp xếp các sách trong bộ Tân Ước và ý nghĩa của nó; các nguỵ thư,… Tiếp đến, phần này cũng trình bày cho sinh viên một số vấn đề khác liên quan đến khoa phê bình Tân Ước, như: các bản thảo cổ Tân Ước và tình trạng của chúng; một số phương pháp phê bình hiện đại; vấn đề Đức Giêsu lịch sử;... Sau cùng, phần Dẫn nhập Tân Ước sẽ giúp các sinh viên thấy rõ hơn sự “ẩn giấu” của Tân Ước nơi Cựu Ước và sự thành toàn của Cựu Ước nơi Tân Ước. Biến cố Đức Giêsu Kitô (Nhập thể, Đời sống, Lời rao giảng, Cái Chết và SPhục sinh của Người) không chỉ là biến cố trung tâm của Tân Ước mà là trung tâm của cả lịch sử cứu độ.

10. Huấn Giáo và Sư phạm Giáo lý

Phụ trách: Cha Giuse Nguyễn Hồng Phước, C.Ss.R.

Môn học này trang bị cho sinh viên những hiểu biết căn bản về mục vụ huấn giáo như một thực hành quan trọng trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Ngang qua việc học hỏi các văn kiện chính hướng dẫn về tầm quan trọng, nội dung giáo lý, phương pháp trình bày, và các chủ đề liên quan khác, sinh viên sẽ được tìm hiểu và đào sâu hơn những xác tín của người môn đệ Chúa Giêsu trong sứ mạng loan báo Tin mừng cho thế giới hôm nay. 

(cập nhật 04/9/2024)

Học viện Thánh Anphongsô