LỊCH SỬ HỌC VIỆN THÁNH ANPHONGSÔ

    Học viện thánh Anphongsô thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam hình thành và phát triển như hiện nay là ân huệ lớn lao Thiên Chúa thương ban cho Giáo hội Việt Nam nói chung và cho Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam nói riêng trong suốt nhiều thập niên qua, kể từ ngày Học viện được thành lập (năm 1935).

     Tính đến năm học 2020–2021, Học viện thánh Anphongsô đã trải qua 85 năm tồn tại và phát triển. Biết bao thế hệ tu sĩ, Linh mục thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế cũng như các tu sinh của các Hội Dòng khác được đào tạo, huấn luyện từ Học viện này. Đó chính là hồng ân Thiên Chúa đã và đang tặng ban cho Giáo hội Việt Nam nói chung và cho Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam nói riêng. Học viện thánh Anphongsô, với đặc nét riêng của mình, hiện nay vẫn đang tiếp tục là nơi để Thiên Chúa tỏ bày tình thương và quyền năng của Ngài cho Giáo hội Việt Nam.

    Ngày 30 tháng 11 năm 1925, đáp lại lời mời gọi của Đức Hồng y Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo, ba thừa sai thuộc Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Sainte-Anne de Beaupré, Canada, đã đặt chân đến Huế, bắt đầu sự hiện diện của Hội Dòng trên đất nước Việt Nam nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng và củng cố đức tin, gia tăng lòng nhiệt thành tông đồ cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Việt Nam, theo như mong đợi của Toà Thánh.


    Năm 1935, sau 10 năm hiện diện và hoạt động, các vị thừa sai Canada chính thức thiết lập Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tại Tu viện thánh Anphongsô, Thái Hà Ấp (Hà Nội), nhằm đào tạo các tu sĩ, Linh mục thừa sai theo Đặc sủng Dòng Chúa Cứu Thế. Vị Giám đốc tiên khởi của Học viện là cha Pamphile Conture. Châm ngôn của Học viện: “Soli Deo et Studiis – Duy chỉ Thiên Chúa và việc học.” Học viện thuở ban đầu không chỉ có các sinh viên người Việt mà còn có các sinh viên người Canada. Các giáo sư của Học viện là những người tài đức được gửi sang từ Canada.

    

    Năm 1938, toà nhà khang trang đầu tiên dành cho Học viện được khánh thành với nhà nguyện, các phòng học, phòng nghỉ dành cho các Giáo sư và sinh viên.


    Năm 1950, do thời cuộc nhiễu nhương, phức tạp, Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam được đưa vào Đà Lạt. Thời gian đầu, khi Học viện mới chuyển vào nơi đây, các thầy sinh viên vừa học vừa góp phần vào việc xây dựng cơ sở vật chất của Học viện.

    

    Ngày 20 tháng 7 năm 1952, nhằm dịp lễ Chúa Cứu Thế, toà nhà Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt được khánh thành với 100 phòng ở, phòng học, nhà nguyện, nhà cơm, và thư viện… Kể từ khi Học viện được chuyển vào Đà Lạt, sinh viên Học viện chỉ còn là người Việt, chứ không còn các sinh viên người Canada nữa.


    Năm 1956, Học viện có vị Giám đốc người Việt Nam đầu tiên là cha Stêphanô Nguyễn Tín (Chân Tín). Trước đó, Giám đốc Học viện là các Linh mục thừa sai Canada. Cũng kể từ thập niên này, các Giáo sư người Việt bắt đầu tham gia giảng dạy tại Học viện. Trong số đó, phải kể đến cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn (Giáo sư Kinh Thánh) và cha Inhaxiô Bùi Quang Diệm (Giáo sư Triết học).


    Đầu năm 1971, xét thấy việc đi lại của các Giáo sư từ Sài Gòn lên Đà Lạt gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chiến tranh, loạn lạc, hơn nữa trung tâm văn hoá-xã hội và tôn giáo lúc bấy giờ là Sài Gòn, cha Bề trên Giám tỉnh Henri Bạch Văn Lộc đã quyết định đưa Học viện từ Đà Lạt về Thủ Đức, Sài Gòn.


    Khi Học viện mới được dời về Thủ Đức, vì cơ sở chưa được ổn định, các sinh viên Học viện phải theo học tại Đại học Minh Đức. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, sau khi cơ sở Học viện ổn định, các sinh viên được theo đuổi chương trình học chính thức tại Học viện Thủ Đức.


    Những ngày cuối tháng 4 năm 1975 là những ngày đất nước có biến động lớn dẫn đến việc thay đổi chế độ ở Miền Nam, Việt Nam. Đời sống học tập, tu trì của các sinh viên Học viện bị xáo trộn và bấp bênh trước những thách đố của thời cuộc.


    Ngày 25 tháng 01 năm 1978, toàn bộ cơ sở Học viện Thủ Đức bị trưng dụng và Học viện bị đóng cửa. Hầu hết các sinh viên khi đó buộc phải sống ngoài Tu viện: một số trở về gia đình, một số khác tìm chỗ tá túc nơi những người thân quen và họ phải bươn chải với cuộc sống giữa đời. Tình trạng không cơ sở, không chương trình, không lớp học như thế kéo dài hơn 10 năm giữa những khó khăn, thử thách mà các sinh viên phải đối diện và phải vật lộn với cuộc sống như bao người trong chế độ mới.


    Trong suốt 10 năm kể từ 1987, dẫu thời cuộc đầy những bất trắc và khó khăn, các sinh viên Học viện vẫn vừa mưu sinh giữa đời, vừa âm thầm tham gia các buổi học “chui” tại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, Sài Gòn.


    Cuối năm 1989, hoàn cảnh xã hội có phần bớt ngặt nghèo, cha Bề trên Giám tỉnh Giuse Trần Ngọc Thao cùng với Ban Quản trị Tỉnh Dòng quyết định tái tổ chức Học viện, tái tổ chức chương trình đào tạo chính quy tập trung cho các sinh viên Học viện.


    Ngày 01 tháng 01 năm 1990, Học viện được chính thức tái tổ chức tại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, Sài Gòn. Thời gian đầu, các sinh viên cũng chỉ được tu học bán trú tại Tu viện, nghĩa là ban ngày tu học trong Tu viện, ban đêm ra khỏi Tu viện, tá túc nơi các gia đình thân quen.


    Từ năm 1995, sau khi Học viện được tái tổ chức, chương trình đào tạo chính thức được thiết lập với 2 năm Triết học và 4 năm Thần học. Các sinh viên Học viện tham gia chương trình 2 năm Triết học tại Trung tâm Học vấn Đa Minh và 4 năm Thần học tại Lớp Bồi dưỡng Thần học Phaolô Nguyễn Văn Bình.


    Từ năm 2006, xét thấy hoàn cảnh và điều kiện đã cho phép, cha Bề trên Giám tỉnh Giuse Cao Đình Trị quyết định thiết lập chương trình học đầy đủ Triết học và Thần học tại Học viện trong khuôn viên Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, Sài Gòn.


    Năm 2015, vì không gian Tu viện Kỳ Đồng quá chật chội, môi trường xung quanh quá ồn ào, nên cha Bề trên Giám tỉnh Giuse Nguyễn Ngọc Bích đã quyết định di chuyển Học viện về Tu viện Mai Thôn, toạ lạc trên bán đảo Thanh Đa – Bình Thạnh. Nơi đây, không gian yên tĩnh và không khí trong lành, phù hợp cho các sinh viên trong Dòng Chúa Cứu Thế và các Hội Dòng khác tu học.


Học viện Thánh Anphongsô, Hoc vien Thanh Anphongso, Học viện Dòng Chúa Cứu Thế, Hoc vien Dong Chua Cuu The, St. Alphonsus Theologate of Viet Nam,

Labels:
Học viện Thánh Anphongsô