Vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 24/4/2021, Học viện thánh Anphongsô - Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo chuyên đề: Sứ vụ và công cuộc Phúc Âm hoá của Hội Thánh. Buổi hội thảo này có sự tham dự của quý Cha, quý Thầy trong cộng đoàn Học viện Dòng Chúa Cứu Thế, quý Cha giáo, quý Thầy sinh viên đang theo học tại Học Viện, quý tu sĩ nam nữ thuộc nhiều hội dòng và học viện khác nhau, nhóm Giới trẻ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế. Chuyên đề này nhằm mục đích tìm hiểu và làm sống lại tinh thần phúc âm hoá của mỗi người Kitô hữu, cách riêng nơi người tu sĩ trẻ. Đây cũng là mong muốn của hai diễn giả của buổi hội thảo, Cha Giuse Đỗ Quang Khang – Giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn và Cha Giuse Trần Sĩ Tín, vị thừa sai đã gắn bó hơn 52 năm trên vùng đất Tây Nguyên với anh chị em Jrai.
Điều
cốt lõi của Sứ vụ dưới góc nhìn Tin Mừng
Diễn
giả đầu tiên, Cha Giuse Đỗ Quang Khang, ngay lập tức đưa cử toạ quay trở lại với
nền tảng của Hội Thánh. Dựa trên đoạn Tin Mừng Gioan “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh
em.” (Ga 20, 21), vậy “là hai sứ vụ hay chỉ có một sứ vụ mà thôi?” vị diễn
giả đặt câu hỏi. Sau thời gian tìm hiểu và phân tích các bản Kinh Thánh thuộc
những nhóm ngôn ngữ khác nhau, sứ vụ ở đây chỉ là một sứ vụ duy nhất được Thiên
Chúa Cha uỷ thác cho Đức Giêsu, là “làm cho người nào đó thành con của Cha” cha
Khang nhấn mạnh.
Tuy
nhiên, cùng với một thẩm quyền, sứ vụ này mang một đặc tính kép. Thẩm quyền ‘là Cha’ mà Chúa Cha uỷ thác cho Đức
Giêsu đã đòi hỏi khi một người nào được làm cho trở thành con của Cha thì họ
cũng phải ‘được truyển trao lại việc thực thi sứ vụ’ để họ tiếp tục thực hiện.
Cuối cùng, qua kinh nghiệm ‘là con’ và bằng chính kinh nghiệm ấy, ta mới làm
cho người khác trở thành ‘con của Cha’. Chính ở kinh nghiệm này chúng ta mới hiểu
được tất cả là anh chị em của Đức Giêsu – cùng là con một Cha – cùng làm một sứ
mạng từ Cha, vị diễn giả kết luận.
Chứng
từ sống động nơi vùng đất Tây Nguyên
Bước
lên bục diễn thuyết trong tinh thần minh mẫn ở độ tuổi đã cao, “tôi không dám
nói là đứng trên đây để thuyết giảng, nhưng tôi đứng ở đây để làm chứng” cha
Giuse Trần Sĩ Tín ngỏ lời với cử toạ ở trước mặt.
Từ kinh nghiệm ‘là con của Cha’, cha
Sĩ Tín nhận ra rằng sứ vụ Phúc Âm hoá có tác dụng ở hai chiều: cho người được
sai đi và cho người đón nhận.
Đặt bước chân đầu tiên lên vùng đất
Pleikly vào ngày 10.10.1969, cha Sĩ Tín (lúc bấy giờ là thầy Phó tế) cùng ba vị
thừa sai khác là cha Tài, thầy Quân, và thầy Phó tế Mầu được Đức cha Paul Setz
cầu nguyện và chúc lành trước khi Đức cha để mọi người ở lại và quay về Toà
Giám Mục. “Chúng tôi không quen biết ai tại đó, chúng tôi cũng chẳng có nơi nào
trú ngụ”, cha Sĩ Tín nói, “trong suốt gần 20 năm, tôi chỉ biết sống với dân,
làm với dân, học với dân… và tôi nhận ra rằng thời gian ấy không phải là thời
gian vô ích, đó là thời gian Nazareth của Chúa. Tôi cũng đã nhận ra rằng, Chúa
đã ở đó với dân của Người, dường như người thừa sai là người đi tìm Chúa hơn là
người đem Chúa đến cho người ta”. Năm 1988 Người Jrai ồ ạt theo Đạo mặc cho những
cản trở bắt bớ.
“Sứ vụ được thực hiện nhờ cầu nguyện
theo Lời Chúa, tức Lectio Divina, chứ không phải bằng thuyết pháp”, vị thừa sai
khẳng định, “Việc cầu nguyện của người Jrai thường diễn tiến bằng việc lắng
nghe Lời Chúa – cầu nguyện theo Lời Chúa – mỗi người làm chứng về ơn của Chúa
và tạ ơn”. Cha Tín cho rằng việc làm chứng rất quan trọng vì chúng củng cố đức
tin cho cả người làm chứng lẫn người nghe. Ngang qua Lectio Divina, người ta nhận
ra và mạnh dạn xưng nhận Chúa Giêsu làm Chúa. Việc ấy chính là cao điểm của
lòng tin của Hội Thánh sau khi Chúa Giêsu Tử nạn và Phục sinh, đó chính là
KERYGMA. Cha Sĩ Tín kết luận, Lectio Divina và Kerygma là xuyên suốt và liên tục
trong Sứ vụ Jrai.
Qua
những gì hai vị diễn giả trình bày, Sứ vụ và công cuộc Phúc Âm hoá của Hội
Thánh không phải là một điều gì đó theo kiểu chiến dịch hoặc phong trào. Điều ấy
khởi đi từ chính kinh nghiệm thiết thân về việc nhận biết Thiên Chúa là Cha, nhờ
Thần Khí mà chỉ những ai tin và xưng nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa mới hiểu được.
Kinh nghiệm ấy được làm cho phong phú trong đời sống cầu nguyện Lectio Divina
và được truyển trao lại cho anh chị em xung quanh bởi Kerygma.
Một số hình ảnh của buổi Hội thảo