THẦN HỌC LUÂN LÝ CỦA THÁNH ANPHONGSÔ MARIA ĐỆ LIGÔRI
Pr. Nguyễn Văn Pháp
Thánh Anphongsô Maria đệ Ligôri (1696
– 1787), Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế là “nhà thần học luân lý lỗi lạc và
một bậc thầy về đời sống thiêng liêng”[1],
là một “mẫu gương cho toàn thể Hội Thánh lên đường truyền giáo.”[2]
Những đóng góp của ngài vào nền thần học luân lý của Hội Thánh, mục vụ
giải tội và hướng dẫn các linh hồn, đã được Hội Thánh nhìn nhận qua việc tuyên
phong ngài lên bậc Hiển thánh (1839), Tiến sĩ Hội Thánh (1871) và Bổn mạng của
các cha giải tội và các nhà thần học luân lý (1950).
Thần
học luân lý của thánh Anphongsô nảy sinh từ việc “lắng nghe và chấp nhận những
yếu đuối của những anh chị em bị bỏ rơi nhất về khía cạnh tâm linh,”[3]
trong hiện thực của cuộc sống, kết hợp với đời sống chiêm niệm và cầu nguyện,
cần mẫn nghiên cứu và phân định mạch lạc về lý trí. Ngài trình bày
một “tổng hợp quân bình và có sức thuyết phục giữa các đòi hỏi của lề luật
Thiên Chúa… với các năng động của lương tâm và sự tự do của con người.”[4]
Trách
nhiệm với ơn cứu độ các linh hồn đã dấy lên những trăn trở trong lương tâm thánh
Anphongsô, đặc biệt khi xuất bản cuốn Thần học Luân lý. Lúc đầu, thánh
nhân cũng theo trường phái luân lý khắt khe Jansenisme nhưng kinh nghiệm thừa sai nơi vùng ngoại biên của những người nghèo, đã
biến ngài trở thành “một người cha và một người thầy đầy lòng nhân từ.”[5]
Trong tư cách là cha giải tội, ngài không chỉ nhắm tới sự phán xét nhưng hơn
hết nỗ lực giáo dục lương tâm, lôi kéo hối nhân cầu nguyện, tạm thời chấp nhận
những vấp ngã, lầm lỗi và khuyến khích hối nhân quay về với lòng xót thương của
Thiên Chúa.
Trong tác phẩm Thần học
luân lý, thánh Anphongsô đã viết: “... chắc chắn, hoặc phải được coi là chắc
chắn, rằng không cần thiết phải áp đặt bất cứ điều gì lên những người đang chịu
nỗi đau bởi tội lỗi nghiêm trọng, trừ khi có lý do là hiển nhiên... Xét đến
tình trạng mong manh của con người hiện nay, không phải lúc nào con đường hẹp
nhất cũng là con đường an toàn nhất để hướng dẫn các linh hồn; chúng ta thấy rằng
Hội Thánh cấm cả tự do thái quá lẫn khắt khe quá mức.”[6]
Không
cứng nhắc, cũng không dễ dãi, thánh Anphongsô can đảm “duyệt xét lại ngay cả
những nền tảng thần học và luật pháp”[7].
Ngài không “dừng lại xây dựng các nguyên tắc, mà còn cho phép mình bị
chất vấn bởi chính cuộc sống,”[8]
luôn đặt mình phục vụ các tâm hồn đang tìm kiếm điều đúng đắn phải làm, để
trung thành với ơn gọi nên Thánh, ngay cả giữa muôn ngàn khó khăn, đau khổ và
chống đối.
Với
thánh Anphongsô, đời sống luân lý là ứng đáp lại tình yêu của Thiên Chúa chứ
không chỉ chăm chú giữ luật cách tỷ mỉ. Người ta không thể sống luân lý Kitô giáo
cách tràn đầy nếu không yêu mến Thiên Chúa, chiêm ngắm những mầu nhiệm Chúa
Kitô. Thế nên, Ngài đã lập nên “các nguyện đường về đêm”, các lớp giáo lý, cổ
võ lòng đạo đức bình dân, đặc biệt là viếng Thánh Thể và tôn kính Đức Trinh Nữ
Maria. Ngoài những bài giảng, những chuyến đại phúc, thánh Anphongsô còn viết
nhiều sách nhằm đào tạo giáo lý cho dân chúng, với văn phong bình dân và thú
vị, góp phần đào luyện tu đức bình dân của thế kỷ 18-19.[9]
Đức Giáo Hoàng Piô XII,
người đã phong thánh Anphongsô làm “Đấng bảo trợ các cha giải tội và các nhà thần
học luân lý”, đã nhận định rằng: “Các kho tàng của lòng đạo đức thực sự đã được
truyền bá qua các tác phẩm của một vị thánh đầy lòng nhiệt thành truyền giáo,
tinh thần bác ái mục vụ, lòng yêu mến Thánh Thể nồng cháy, và lòng sùng kính dịu
dàng đối với Đức Trinh Nữ Maria; …”.[10]
Thánh
Giáo Hoàng Gioan XXIII thì nói rằng: “Ôi, Thánh Anphongsô! Sự vinh dự và là mẫu
gương học hỏi cho hàng giáo sĩ nước Ý! Chúng tôi đã quen thuộc với cuộc đời và
những tác phẩm của ngài kể từ những năm đầu tiên chúng tôi được đào tạo linh
mục.”[11]
Trong Tông thư Qui
Ecclesiae Suae (7/7/1871), Đức Piô IX, khi bình luận về tước hiệu Tiến
sĩ Hội Thánh của thánh Anphongsô, đã viết: “Thực tế người ta có thể khẳng định
rằng, ngay cả trong thời đại của chúng ta, không có một sai lỗi nào mà thánh
Anphongsô, ít nhất là trong một mức độ nào đó, đã không chiến đấu chống lại.”[12]
Đức Gioan Phaolô I, khi
còn là Thượng phụ Venice, đã nói: “Anphongsô là một nhà thần học về những vấn nạn
thực tế cần được giải quyết, theo kinh nghiệm sống của chính ngài. Nếu thánh
nhân thấy rằng lòng bác ái cần được nhen nhóm trong lòng các tín hữu, ngài sẽ
viết những tác phẩm khổ hạnh, nếu thánh nhân muốn đào sâu niềm tin và hy vọng
cho các tín hữu, ngài sẽ viết những tác phẩm thần học tín lý và luân lý.”[13]
Thánh Giáo hoàng Gioan
Phaolô II nhìn nhận thánh Anphongsô là “bậc thầy về sự khôn ngoan trong thời đại
của ngài, và là người tiếp tục soi sáng con đường của dân Chúa với gương sáng
và những lời dạy dỗ, như sự phản chiếu hình ảnh Chúa Kitô, Đấng là Ánh Sáng
Muôn Dân.”[14]. Theo Đức Thánh Cha, thánh
Anphongsô “đã mang lấy sensus Ecclesiae (cảm thức thuộc về Hội Thánh), một
tiêu chuẩn gắn chặt với ngài trong nghiên cứu thần học và thực hành mục vụ; và
bởi thế, trong một nghĩa nào đó, ngài trở thành “tiếng nói của Hội Thánh.”[15]
Thần
học luân lý của thánh Anphongsô để lại những giá trị quý báu cho thần học luân
lý của Hội Thánh. Thần học luân lý phải có khả năng kết hợp yêu cầu Tin Mừng và
sự mong manh của thân phận con người, tìm ra con đường mang họ đến gần với
Thiên Chúa. Thần học luân lý không được phớt lờ, sợ hãi lắng nghe tiếng kêu của
những người thấp cổ bé miệng và trăn trở với nỗi đau của người nghèo,[16]
phải nhìn từ góc độ của người nghèo, để hiểu những khó khăn thực sự và giúp
chữa lành những vết thương.[17]
Những
vấn nạn mới về kiểm soát cá nhân, trí tuệ nhân tạo, đạo đức sinh học, chiến
tranh nguyên tử, phá thai, khuynh hướng đồng tính, buôn bán người… đang đặt cho
thần học luân lý nhiều thách thức. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng “suy
tư thần học luân lý và công việc mục vụ có khả năng phục vụ thiện ích chung, và
được bám rễ sâu trong lời rao giảng ‘Kerygma,’”[18]
là những tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ sự sống, hướng đến thiên nhiên và tình liên
đới huynh đệ.
Ngày
nay, những trào lưu tiêu thụ, tục hóa, sự ích kỷ cá nhân… đang khiến lương tâm con
người ngày càng bị xói mòn, không còn nhạy cảm với luân lý thiện hảo. Việc huấn
luyện lương tâm biết chọn điều thiện, tránh điều ác là một đòi buộc không thể
thiếu đối với mỗi tín hữu. Thần học luân lý ngày nay không chỉ nhắm tới việc
đưa ra những tiêu chuẩn phân định đúng sai. Sự ân cần, hướng dẫn, khuyên bảo để
sửa chữa những lương tâm sai lầm, giúp lương tâm ngày càng tiến tới sự trưởng
thành hơn là nhiệm vụ quan trọng của thần học luân lý.
Qua một vài nhận định trên, chúng ta
thấy rằng thần học luân lý của thánh Anphongsô khởi đi từ thực tiễn cuộc sống,
đối diện với những đau khổ của con người, để tìm ra phương cách giúp con người
cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, thần học luân lý của ngài không chỉ là một cảm
thức nhưng còn là sự dày công nghiên cứu, đối chiếu, cân nhắc, biện luận và can
đảm lựa chọn giữa các lập trường. Có thể nói, thánh Anphongsô làm thần học với
trí óc sắc sảo của một nhà nghiên cứu và trái tim nhân hậu của người mục tử. Vì
thế, ngài xứng đáng là Bổn mạng của các cha giải tội và các nhà thần học luân
lý.
[1] ĐGH. Bênêđictô
XVI, Huấn
từ trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô (30.03.2011).
[2] ĐGH. Phanxicô,
“Sứ điệp nhân dịp mừng kỷ niệm 150 năm tuyên phong thánh Anphongsô Maria đệ
Liguori là tiến sĩ Hội Thánh.” Nam Cường C.Ss.R., chuyển ngữ, truy cập ngày
25-07-2021, http://dcctvn.org/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-nhan-dip-mung-ky-niem-150-nam-tuyen-phong-thanh-anphongso-maria-de-liguori-la-tien-si-hoi-thanh/.
[3] ĐGH. Phanxicô,
Sứ điệp nhân dịp mừng kỷ niệm 150 năm tuyên phong thánh Anphongsô Maria đệ
Liguori là tiến sĩ Hội Thánh.
[4] ĐGH. Bênêđictô
XVI, Huấn
từ trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô (30.03.2011).
[5] ĐGH. Phanxicô,
Sứ điệp nhân dịp mừng kỷ niệm 150 năm tuyên phong thánh Anphongsô Maria đệ
Liguori là tiến sĩ Hội Thánh.
[6] St Alphonsus
Liguori, Theologia moralis, ed. L. Gaudé, II, Romae, 1907, p. 53.
It is also important to note what the Holy Doctor added immediately afterwards:
"As St Anthony accurately noted, when he was discussing the question of
when some action should be condemned as mortal (sin) or not, and wrote: if, in
the case, there is not the explicit authority of Holy Scripture, or of a canon,
or of a decision of the Church, or if there is not evident reason, this
(action) cannot be called such except with the greatest risk".
[7] ĐGH. Phanxicô,
Sứ điệp nhân dịp mừng kỷ niệm 150 năm tuyên phong thánh Anphongsô Maria đệ
Liguori là tiến sĩ Hội Thánh.
[8] Ibid.
[9] x. ĐGH.
Bênêđictô XVI, Huấn từ trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô
(30.03.2011).
[10] Pius XII, Leltera
Autografa,for the new edition of the works of St Alphonsus: Spicilegium
Historicum Congregationis SSmi. Redemptoris, I(1953). n. 1-2, p. 247. Trích
trong ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông thư Spiritus Domini - Nhân kỷ niệm 200 năm
ngày mất của thánh Anphongsô.
[11] A.G.
Roncalli, Il giornale dell'anima, Roma 1964, p. 462. Trích trong ĐGH.
Gioan Phaolô II, Tông thư Spiritus Domini - Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của
thánh Anphongsô.
[12] Pius IX, Acta,
V(1869-1871), 337.
[13] A.
Luciani, S.Alfonso cent'anni faera proclamato Dottore della Chiesa. (Letter
to the presbyterate of Venice for Thursday, 1972), Venezia 1972, p. 41. Trích
trong ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông thư Spiritus Domini - Nhân kỷ niệm 200 năm
ngày mất của thánh Anphongsô.
[14] ĐGH. Gioan
Phaolô II, Tông thư Spiritus Domini - Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của
thánh Anphongsô.
[15] Ibid.
[16] ĐGH. Phanxicô,
Sứ điệp nhân dịp mừng kỷ niệm 150 năm tuyên phong thánh Anphongsô Maria đệ
Liguori là tiến sĩ Hội Thánh.
[17] Ibid.
[18] Ibid.