"TÌNH YÊU ĐỨC KITÔ THÚC BÁCH TÔI" (x. 2Cr 5,14)
Trong Thư Mục vụ gửi cho toàn thể
Linh mục và cộng đồng dân Chúa thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn (27/07/2021), Đức Tổng
Giám mục Giuse Nguyễn Năng mời gọi mọi người lắng nghe lời của Chúa Giêsu nói với
các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mc 6,37). Đó là lời mời gọi, đúng hơn
là lệnh truyền của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong khả năng của họ.
Là Kitô hữu, là môn đệ Chúa Kitô,
chúng ta mang trong mình niềm hy vọng vào sự chiến thắng của quyền năng Thiên
Chúa trên sự dữ. Nhưng Thiên Chúa muốn dùng mỗi người như cánh tay nối dài của
Thiên Chúa trên trần gian này. Những cánh tay nối dài là những cánh tay mang sứ
điệp yêu thương của Thiên Chúa cho con người, đặc biệt là những người cô đơn
hơn cả trước sự dữ.
Chúa cũng đang mời gọi chúng ta
“hãy cho họ ăn.” Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Giáo Hội còn dạy rằng hy vọng
vào đời sống mai sau không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian
này mà trái lại còn thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy”
(GS, số 21).
Bổn phận của môn đệ Chúa Kitô là
gặp gỡ Thiên Chúa nơi những người nghèo, những người cô đơn và đau khổ hơn cả.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh đầy hiểm nguy, đây là một thách đố. Khi được hỏi: “Động
lực nào giúp anh can đảm tham gia vào công việc (thiện nguyện) đầy nguy hiểm
này”? Tôi không ngần ngại trả lời rằng:
“Là người Kitô hữu, là môn đệ
Chúa Kitô, đặc biệt nữa là người sống triệt để các lời khuyên Tin Mừng, tôi phải
làm một cuộc “xuất hành” mới, đi ra khỏi nơi an toàn, để đến với những người
đang đau khổ hơn cả. Lời Chúa đang thôi thúc tôi: “Hãy trở nên người thân cận với
những người khác” thay vì ngồi phòng máy lạnh và hỏi: “Ai là người thân cận của
tôi?” (x. Lc 10,29-37).” Đó là bổn phận của người môn đệ Chúa Kitô, là trở nên
người thân cận với những người khác, mang sứ điệp tình yêu của Chúa đến cho người
khác. Vì “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi” (x. 2Cr 5,14).
Đức ái Kitô giáo vượt lên trên những
sợ hãi, những bấp bênh của phận người. Lời thánh Phaolô khẳng định: “Hiện nay đức
tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”
(1Cr 13,13). Đức ái được diễn tả bằng hành động. Hành động càng gây “phiền toái”
cho bản thân tôi, thì tình yêu càng được diễn tả cách mạnh mẽ.
Vượt lên trên những sợ hãi của phận
người, xin Chúa hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Và Chúa cũng chỉ cần
có thế, Chúa chỉ cần những bàn tay nhỏ bé nhưng chan chứa tình thương để kế hoạch
yêu thương của Chúa được thực hiện. Hơn bao giờ hết, lúc này Chúa đang đến với
người khác bằng đôi chân của ta, đụng chạm người khác bằng bàn tay của ta, nhìn
người khác bằng đôi mắt của ta, và trên hết, Chúa đang yêu thương người khác bằng
con tim của ta.
Chính bởi vì lý do đó, Đức ái
Kitô giáo không còn là chọn lựa, nhưng là điều làm nên căn tính hiện hữu của
người môn đệ Chúa Kitô. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm
này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Đầy tớ vô dụng