Cảm thức về ‘Thiện nguyện và Sứ vụ’
Thời gian thấm thoắt trôi, vậy là anh chị em tu sĩ thiện nguyện TGP. Sài Gòn đã phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 16 được hơn nửa tháng. Hôm nay, nhân phút nghỉ ngơi để chuẩn bị ca trực tiếp theo, tôi muốn ghi lại một vài suy nghĩ của bản thân về công việc này.
Nhớ lại cách đây hơn 1 tháng (12/7), khi Văn phòng Tu
sĩ của Tổng Giáo phận Sài Gòn đưa ra lời mời gọi các tu sĩ tham gia nhóm tu sĩ
thiện nguyện phục vụ bệnh nhân Covid trong các bệnh viện, tôi và tất cả anh em
Học viện đều cảm thấy háo hức đăng ký tham gia. Và một điều chắc chắn, niềm háo
hức này có lẽ không chỉ có riêng nơi anh em chúng tôi, nhưng dường như là cùng
một “nhịp đập” nơi phần đông các tu sĩ trong giáo phận.
Như một kết quả, sau lời mời gọi đưa ra, anh chị em
tu sĩ đã tham gia đăng ký lên tới hàng trăm người, cách riêng anh em Học viện
DCCT cũng tham gia đăng ký lên tới con số 70 người cho công việc này. Tuy
nhiên, số lượng được chọn của mỗi Hội Dòng cũng bị giới hạn, bởi còn nhiều lý
do và chương trình khác cần thực hiện trong thời dịch này.
Quả thế, khi nhìn thấy tinh thần hăng hái dấn thân
nơi các tu sĩ trong môi trường bệnh viện, thì trong rất nhiều dấu hỏi được mọi
người đặt ra, một chất vấn được xem xét đó là: các tu sĩ có phải là những người
quá coi thường cơn dịch bệnh này hay không mà tham gia một cách dứt khoát đến
thế?
Có lẽ không ai trong chúng tôi “vui tính” đến nỗi vô
tư trả lời rằng “dịch bệnh này nhằm nhò gì!” bởi lẽ, tất cả những gì đã và đang
diễn ra đều đang cho thấy sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid kinh khủng đến như
thế nào! Đối với cá nhân tôi và có lẽ với nhiều tu sĩ, khi điền tên mình vào
bảng đăng kí tham gia phục vụ môi trường này, chúng tôi xác tín một điều rằng
chúng tôi đang đi vào Sứ Vụ của Hội Thánh và của Hội Dòng mình thuộc về.
Đến khi anh chị em tu sĩ chúng tôi lên đường đến phục
vụ trong các bệnh viện, có rất nhiều người yêu mến đã “phong tặng” chúng tôi
những lời đầy yêu thương, nhưng cũng thật kiêu hãnh là: anh hùng, tuyến đầu…
Nhưng tôi thiết nghĩ, những cách nói “tuyến đầu,” “tuyến sau,” “anh hùng” cũng
chỉ nằm ở mặt ngôn ngữ mà thôi. Điều quan trọng hơn cả đối với chúng tôi, là
được phục vụ anh chị em của mình đang bị tổn thương trong một thế giới đầy
thương tích này, cụ thể là các bệnh nhân nhiễm Covid. Đó có thể coi là một
trong những sứ vụ mà chúng tôi lãnh nhận trong thời điểm này.
Thật vậy, phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid là một trong những sứ vụ mà tu sĩ chúng tôi lãnh nhận, bởi vì trong khi chúng tôi tham gia trong sứ vụ đặc biệt này, thì có rất rất nhiều anh chị em tu sĩ khác đã quên mình, hằng ngày len lỏi vào các khu dân cư, phòng trọ đang bị phong tỏa, nhằm hỗ trợ kịp thời cho anh chị em của mình đang đói khổ. Điều đó cho thấy tất cả tu sĩ chúng tôi đều đang thi hành một Sứ Vụ chung, là phục vụ con người, xoa dịu nỗi đau mà mọi người đang gặp phải trong thời dịch bệnh này.
Chúng tôi, những tu sĩ thiện nguyện, lên đường và đi
đến phục vụ anh chị em đang đau khổ vì dịch bệnh Covid. Sự chọn lựa của chúng
tôi chắc chắn khởi nguồn từ tinh thần tự nguyện của mỗi cá nhân, nhưng sâu sa
hơn là sự thổn thức về sứ vụ của Hội Thánh và Hội Dòng dành cho những con người
đang cần được chăm sóc, là các bệnh nhân nhiễm Covid. Chính sự tổng hoà từ tinh
thần tự nguyện cá nhân, cảm thức sứ vụ của Hội Thánh và Hội Dòng cùng với niềm
tin tưởng vào Ơn Chúa ban, anh chị em tu sĩ chúng tôi mới có đủ sức mạnh, tình
yêu và hy vọng trong công việc đầy nguy hiểm, mà đa số dường như chưa từng có
kinh nghiệm.
Và rồi, tới hôm nay, tôi đã cảm nghiệm được phần nào
tinh thần “tự nguyện trong sứ vụ” khi mà bản thân tôi được trực tiếp phục vụ
các bệnh nhân Covid nặng trong khu Hồi sức Tích cực. Trong môi trường đặc biệt
này, nếu chỉ có tinh thần tự nguyện, mà không mang cảm thức về sứ vụ chăm lo
cho người bị tổn thương, cùng niềm tin tưởng vào Ơn Chúa ban, thì có lẽ tôi
không bao giờ có thể làm những công việc mà trước đây chỉ có thể nằm ở trong
trí tưởng tượng. Nơi đây, tôi trực tiếp nhìn thấy, đụng chạm và cảm nhận những
tổn thương của các bệnh nhân nhiễm Covid một cách cụ thể hơn bao giờ hết. Không
tổn thương sao được khi mà các bệnh nhân nằm trong nỗi cô đơn và đau đớn khi
giành giật từng hơi thở còn lại. Họ thiếu vắng sự chăm sóc trực tiếp của người
thân yêu bên cạnh trong những giờ phút cuối cùng và thậm chí họ vĩnh viễn rời
bỏ cõi đời trong một bầu khí lạnh lẽo, cô đơn, thiếu thốn…
Là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, mang trong mình cảm thức
của Hội Dòng là sẵn sàng đến với những con người bị tổn thương, việc phục vụ
các bệnh nhân Covid nặng trong khu Hồi sức Tích cực đã cho tôi thêm tinh thần
và động lực trên con đường thi hành sứ vụ. Quả thế, chính nơi đây bản thân tôi
không chỉ được đóng góp một phần nào đó trong việc xoa dịu nỗi đau của anh chị
em mình, nhưng thật sự còn cho tôi đi vào một kinh nghiệm về sự thổn thức của
Hội Thánh, và cách riêng là Hội Dòng đối với những người bị tổn thương.
Tạ ơn Chúa đã ban cho tôi cơ hội này, như là một sự
chuẩn bị cho sứ vụ rộng lớn, mà Hội Dòng và Hội Thánh đang chờ đợi chúng tôi
trong tương lai.
Bệnh viện Dã chiến số 16, 31/8/2021
Tu sĩ Phêrô
Nguyễn Quang Phùng, C.Ss.R.