Sau ngày lễ an táng của anh, tôi vẫn
khó để chấp nhận sự ra đi của anh. Mặc dù biết anh đã về bên Chúa nhưng hình ảnh
thân thuộc của anh vẫn hiện lên rõ nét, tiếng cười nói của anh vẫn đang vang vọng
đâu đây làm tâm hồn tôi vừa có cảm giác thân thuộc với anh một cách linh thiêng
nhưng cũng có một cái gì đó làm tim tôi nhói đau lắm.
Buổi tối trước lúc anh ra đi, tôi vội
vã đi vào nhà nguyện để tập đàn cho ngày lễ sáng hôm sau. Tập gần xong, tôi thấy
anh bước vào, cầm lấy cuốn sách kinh phụng vụ, anh nhẹ nhàng đi vào phía cuối
căn nhà nguyện, chọn nơi kín đáo nhất để một mình tâm sự với Chúa qua lời kinh
sách và qua giờ gẫm riêng. Khi anh nhìn thấy tôi, chúng tôi chào nhau với một nụ
cười. Và rồi tôi tắt đàn, cả hai ngồi với nhau trong thinh lặng, một thứ thinh
lặng quý giá hơn ngàn lời nói mà chúng tôi nói với nhau hằng ngày. Cảm giác
thinh lặng ấy với anh tôi lại có được khi tôi ngồi bên quan tài, thật linh
thiêng nhưng trong tôi cũng thật đau đớn. Giờ phút ấy tôi thấy gần anh và hiểu
anh hơn bao giờ hết. Nhiều khi sự giới hạn của ngôn từ không biểu lộ, truyền đạt
hết ý người nói, lúc đó ta chỉ có thể thinh lặng để lòng mình lên tiếng. Khi để
cho con tim lên tiếng, ta mới thấy được giá trị, sự quý giá của sự thinh lặng
và còn hiểu nhiều điều hơn ta muốn biết. Lúc di quan, tôi nói thầm với anh rằng,
tối nay anh một mình thinh lặng trước mặt Chúa, đối diện với Đấng mà trọn đời
anh đã tôn thờ, đã yêu mến. Mặc dù khi sống anh chưa một lần giáp mặt về mặt thể
lý nhưng chắc chắn anh khi qua đời, anh sẽ nhận ra mùi Mục Tử Nhân Lành đang
dang rộng vòng tay mời đón anh trở về Nhà Cha. Khi ở bên Chúa, anh nhớ chuyển cầu
cho chúng em sống trung thành với Chúa cho đến chết. Là thân phận con người, hằng
ngày đối diện với biết bao nỗi sợ, nỗi sợ lớn nhất là sự bất tín, phản bội Chúa,
nhiều lúc em thấy mình không thể vượt qua. Xin anh cũng chuyển cầu cho em can đảm
bước đi trên những chông gai của cuộc đời để sau này em cũng được sum họp với
anh trên Nước Trời.
Từ nhỏ tới lớn, mỗi lần có ai qua đời
tôi đều cảm thấy sợ hãi và ớn lạnh, đặc biệt là những người thân quen. Mặc dù
là người Công giáo từ nhỏ, được học hỏi Kinh Thánh về niềm phục sinh, về cái chết
của con người là bước vào đời sống hạnh phúc, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy có một
bóng đen nỗi sợ xâm chiếm khiến niềm hy vọng trong tôi phai nhạt, lu mờ. Mường
tượng về cái chết của mình, điều tôi sợ là phải bước đi một mình khi không có
ai bên cạnh, nói chung là tôi sợ cô đơn. Cũng phải lắm, từ nhỏ tôi được sinh ra
trong một cộng đồng, hằng ngày tôi gặp gỡ biết bao người, nghe tiếng cười cười,
nói nói quá quen thuộc của những người thân yêu. Nay nghĩ đến cái chết, tôi hẳn
sợ điều phải bước đi một mình khi không có ai bên cạnh. Thế nhưng, qua cái chết
của anh Giuse Đức, tôi không còn sợ hãi như trước và tôi còn nhận ra một sự thật
mà bấy lâu nay tôi quá quen thuộc trong những trang Kinh Thánh, đó là niềm hy vọng,
niềm vui, niềm hạnh phúc khi được trở về bên Chúa. Phải chăng, hành trình của đời
người chỉ có một mục tiêu, một đích đến, đó là hướng về quê hương đích thực sau
cái chết!
Khi nói về anh Đức, tôi thấy anh là
một người cầu toàn, luôn muốn hoàn thành mọi việc một cách tốt nhất. Thường những
người có tính cách này có xu hướng này hay nhăn nhó và trách cứ về những điều
thiếu sót. Thế nhưng, mỗi lần làm việc gì với anh mà không vừa ý, thay vì nhăn
nhó, trách móc thì anh luôn nói với tôi kèm thêm nụ cười: “Thôi kệ nó em ạ, được
đến đâu hay đến đấy!” Anh nói vậy để cho tôi yên tâm, không lo lắng đến những
thiếu sót đó, nhưng kỳ thực tôi để ý thấy anh chỉ trách móc riêng bản thân mình
mà không muốn làm người khác phải buồn lòng. Thời gian sống trong Nhà Tập,
chúng tôi có thời gian từng 2 anh em ngồi riêng với nhau để chia sẻ thật lòng về
tất cả những điều liên quan đến đời sống riêng tư để anh em thực sự hiểu nhau
và hiểu rõ hơn về gia cảnh của mỗi người. Khi anh chia sẻ, tôi mới thấy những sự
chiến đấu nội tâm của anh về những gian khổ của đời sống tính dục, những gian
khổ khi phải hy sinh chính mình để lắng nghe ý kiến của người khác. Tất cả những
chiến đấu của anh nghe có vẻ nặng nhọc nhưng điều tôi thấy ở anh là mong muốn để
có một sự trung tín với Chúa và một đời sống vì tha nhân. Ngày mặc áo Dòng cho
anh trong nhà Đại thể, tôi thấy khuôn mặt anh tràn đầy bình an, mọi lo lắng, ưu
tư đều biến mất. Anh nằm đó để cho người ta muốn làm gì thì làm. Nọc độc của tử
thần đã cắn vào anh, thế nhưng chúng ta hy vọng rằng chắc chắc anh sẽ được Đức
Kitô ẵm và đưa vào cung lòng Chúa Cha để từ nay tử thần không làm gì được anh nữa
vì một đời anh đã ngước lên Đấng anh hằng yêu mến, Đấng anh hằng tôn thờ.
Ngày tiễn đưa anh đi ra nhà hỏa
táng, ngồi trên xe trong đầu tôi chỉ luẩn quẩn với câu nói của cha giáo dạy môn
Nhân luận: “Con người chỉ thực sự chết đi khi ta quên lãng họ, khi ấy dù họ còn
sống nhưng đã chết thực sự khi ta gạt họ ra khỏi trái tim của ta. Người đã chết
nhưng sẽ vẫn luôn sống khi ta luôn nhớ tới họ”. Tôi biết rằng, qua dòng thời
gian hình ảnh của anh chắc chắn sẽ phai nhạt ít nhiều trong cuộc đời tôi. Liệu
rằng, hôm nay tôi đậm đà, chứa chan tình cảm nhưng nay mai tình cảm ấy có chan
chứa, đậm đà như hôm nay chăng?! Tôi chỉ cầu xin Chúa cho tôi luôn nhớ tới anh
trong những lời cầu nguyện, mặc cho không còn sự mặn nồng như hôm nay nhưng đừng
để anh chết trong tâm hồn tôi.
Khi
chào đời, ta khóc, người khác cười
Ngày cuối
đời, mình cười, người khác khóc…
Sự ra đi của anh
Giuse Đức làm tôi phần nào bừng tỉnh để xem lại cách sống đạo của tôi, mối
tương quan của tôi với tha nhân thế nào để khi ra đi là đi về Nhà Cha trong niềm
vui hân hoan, niềm vui sướng, niềm bình an của Chúa như thánh vịnh gia đã mô tả:
“Ai nghẹn nghào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng, họ ra đi, đi
mà nức nở, lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126, 5tt).
Micae Trần Văn Hiển C.Ss.R