Những người THỢ ĐỤNG của DCCT

Nếu chỉ nhìn lướt qua những tấm hình này, nhiều người sẽ nghĩ đây là một nhóm công nhân đang leo trèo, xây cất công trình dân dụng nào đó. Nhưng với ai quen biết với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, họ sẽ nhận ra đây là những thầy phó tế và các thầy mới hoàn thành chương trình đào tạo Thần học, đang chuẩn bị đi năm mục vụ.
        Không biết ở những nơi khác thế nào, chứ các thầy Phó tế mới chịu chức mà đã lăn xả vào công việc, chẳng nề hà việc chân tay thì tôi chỉ thấy ở Dòng Chúa Cứu Thế mà thôi.
        Các thầy chẳng những chăm chỉ cày cuốc trên mảnh vườn tri thức, nhưng cũng rất nhanh nhẹn, tháo vát trong cuộc sống đời thường. Nào là khảo sát, thiết kế, thi công, cắt, hàn, … việc gì cũng biết, cũng mày mò tự mình làm được. Tôi cảm nhận đây là cách đào tạo rất thực tế của Nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Việc học không chỉ bó gọn trong kiến thức từ chương, nhưng còn là sự học hỏi từ những kinh nghiệm thực tế. Mà không có gì thực tế cho bằng việc lao động.
        Hồi mới vào Dự Tập năm một, Cha Giám đốc gợi ý một số hạng mục công trình cho anh em chúng tôi. Ngài không ép, nhưng để chúng tôi tự thảo luận xem có đảm nhận được không, rồi bàn tính sẽ làm cách nào, thực thi ra sao? Sau này ngài chia sẻ: “Tôi rất mừng vì anh em đồng ý. Thực ra, cũng với những phần việc ấy, ban giám đốc có thể gọi thợ đến làm vài ngày là xong. Nhưng như thế thì anh em đâu học hỏi được gì? Chi phí có thể rẻ hơn nếu thuê thợ, nhưng không sao, tôi chấp nhận để anh em làm sai, coi như đó là chi phí đào tạo.”
        Có lần tôi được lên vùng truyền giáo Tây Bắc, được phụ giúp cha bề trên lắp đặt hệ thống âm thanh cho một buổi lễ có Đức Cha về thăm. Ngài chia sẻ: “Hồi Học viện, mình tự học cách lắp âm thanh từ những anh em đi trước.” Tôi thấy ngài thật có cái nhìn xa, vì khi ra làm việc truyền giáo, nhiều khi chỉ có một thân một mình giữa miền sơn cước, nếu không biết tự xoay sở, lấy ai ra mà gọi đến giúp suốt ngày được?
        Lan man mấy chuyện lao động như thế, để thấy rằng đi tu Dòng Chúa Cứu Thế không chỉ dừng lại ở việc trau dồi học vấn suông mà thôi. Cách đào tạo của Nhà Dòng uốn nắn chúng tôi thành những con người năng động, biết quán xuyến lo toan công việc, chứ không phải là những con mọt cách chỉ biết chuyện lý thuyết.
Nhiều khi nghĩ về hình ảnh tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, tôi hay liên tưởng đến hình ảnh những anh thợ đụng. Đụng gì làm đấy! Giáo hội cần đi Đại phúc, có Đại phúc; cần giảng thuyết, có giảng thuyết; cần dạy học, có dạy học; cần truyền thông, có truyền thông; cần làm việc bác ái xã hội, có bác ái xã hội,... nói chung có gì làm đó. Nhiều lúc làm biếng thì ngồi nghỉ mệt cũng chẳng ai nói gì. Đùa thôi, hihi...
        Ấy là nói theo lối nói dễ hiểu. Nếu cần định nghĩa chính xác thì Hiến pháp Dòng số 20 chỉ rõ: “các Tu sĩ DCCT luôn luôn sẵn sàng đảm nhận những công việc được giao hầu mang lại Hồng Ân Cứu Độ đầy tràn cho mọi người.”
        Bất kỳ công việc gì nếu mang lại ơn cứu độ, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế chẳng quản vất vả, thiệt thòi cho bản thân mà dốc sức làm cho bằng được. Vì vậy mà “đụng chạm” cũng nhiều. Vì một khi lựa chọn đứng về phía người nghèo, người bị bỏ rơi, người cô thế cô thân là trở nên cái gai trong mắt của những người gây nên bất công. Nhất là khi "đụng" những chuyện tế nhị, nhạy cảm, nếu mình không lên tiếng thì ai, ai sẽ là người cất tiếng nói cho những người thấp cổ bé họng? Hay là cứ im ỉm ngậm miệng, mũ ni che tai, cho mọi sự qua đi ?
        Mà ngẫm cho kỹ thì đó chẳng phải là con đường mà thầy Giêsu cũng từng đi qua đấy thôi. Có lúc ngài ngồi trong Đền Thánh, đàm đạo với những vị học giả, đức cao trọng vọng; có lúc lại ngồi bên mâm cơm của anh em nghèo nhà Lazarô, Mácta và Maria; có khi lại đến nhà của những nhà biệt phái, thu thuế chỉ cốt mang lại thêm cho Nhà Cha những con chiên lạc Nhà Israel. Khi cần thì giảng trên manh thuyền đánh cá của dân chài, lại có lúc vào tận Đền Thánh, xua đuổi những người buôn bán khỏi khuôn viên Ðền thờ…. Thầy Giêsu chẳng ngại "đụng chạm" đủ thứ hạng người trong xã hội, dù nhiều khi là tự chuốc họa vào thân dưới con mắt người đời.
        Dòng Chúa Cứu Thế là vậy. Vào đây, mỗi người được đào tạo huấn luyện để phần tốt nhất nơi mình được vươn lên, tùy vào khả năng Chúa ban. Không có một mô hình chung áp đặt cho hết mọi người, vì như một nhà đào tạo thường nói với chúng tôi: “Nhà Dòng không phải là cái công xưởng sản xuất ra những cái bu lông ốc vít 100 cái thì giống nhau cả trăm.” Khi ra trường, mỗi người được sai đi dấn thân cho những lĩnh vực Truyền giáo khác nhau. Có người về miền quê, có người lên non cao, có người ở lại thành thị. Mỗi nơi, mỗi người, mỗi cách khác nhau cùng làm thăng tiến linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế, mang tinh thần thừa sai vào các ngóc ngách, góc cạnh của đời sống.
        Ngay cả chính trong địa hạt hàn lâm tri thức, một Cha giáo Dòng Chúa Cứu Thế cũng cần phải có "Thần Khí DCCT", thứ ơn huệ làm cho nó khác Dòng khác. Trí hòa lẫn với Lòng chạnh thương. Một Cha thuộc dạng hàn lâm DCCT luôn có giờ đi đến vùng ngoại biên vì lòng chạnh thương không là sản phẩm của tưởng tượng. Chuyện này đúng với Chúa Giêsu và đúng với cả thánh tổ Anphongsô, một trí thức vốn thuộc dạng nghiên cứu. Ở hiện trường người nghiên cứu thường không thể LÀM như anh em, nhưng THẤY và THẤU HIỂU việc anh em mình làm bằng con tim.
Tạ ơn Chúa vì một lối sống đậm chất Tin Mừng Chúa đã khơi lên trong lòng Giáo Hội nơi Dòng Chúa Cứu Thế. Xin Chúa gửi đến nhiều “thợ đụng” hơn nữa để quán xuyến, lo toan việc Nhà Chúa nơi trần gian này. Amen.

Những người THỢ ĐỤNG của DCCT

Labels:
Học viện Thánh Anphongsô