Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế tại Madrid [thành lập vào năm 1869], phải trải qua cuộc bách hại tôn giáo trong cuộc cách mạng vào năm 1868. Sau khi phải di chuyển qua nhiều nơi khác nhau trong vùng Marid, Cộng đoàn này lại tiếp tục di chuyển đến một địa điểm bên cạnh nhà thờ S. Pascual, trên đường Paseo Recoletos, vào năm 1870. Đến năm 1879, Đức Hồng Y Moreno ban cho các Tu sĩ Thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế Nhà thờ Santa Barbara, hay còn gọi là “de las Salesas”. Đây là cơ ngơi chính thức đầu tiên của những người con Thánh Anphongsô tại Madrid. Sau đó, vào năm 1892, Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế này mở thêm được 2 Cộng đoàn khác nữa là San Miguel Arcángel và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong miền đất Thủ đô Tây Ban Nha.
Cụ thể: vào năm 1892, Sứ thần Tòa Thánh giao cho Dòng Chúa Cứu Thế Vương cung thánh đường San Miguel Arcángel ở Madrid, và các Ngài thiết lập nhà Cộng đoàn gần quảng trường Miranda. [Lúc này Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế ở Santa Barbara vẫn còn (cho đến ngày 6 tháng 7 năm 1892); còn Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thì chuyển đến đường Garcilaso (ngày nay là số 14 đường Manuel Silvela).] Từ năm 1892 cho đến ngày 8 tháng 11 năm 1959, Tòa Khâm Sứ rời đi và giao lại cho các Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Vương cung thánh đường San Miguel Arcángel. Từ đó, Dòng Chúa Cứu Thế có thêm một Cộng đoàn chính thức tại vùng Marid.
Vào tháng 6 năm 1936, Trung ương Dòng [từ Rôma] bổ nhiệm các Bề trên cho nhiệm kỳ ba năm [1936-1939], và điều chỉnh lại nhân sự trong các Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế. Những thay đổi này được triển khai vào đầu tháng 7 năm 1936; một số Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế khi vừa mới đến Cộng đoàn của họ thì cuộc đàn áp bắt đầu diễn ra. Trong số mười hai Chân phước tử vì đạo, thì ba vị: Antonio Girón, Donato Jiménez và Crescencio Ortiz tử vì đạo khi vừa đến Madrid; còn Ángel Martínez Miquélez thì tử vì đạo khi vừa mới rời Cộng đoàn để tìm nơi trú ẩn.
Vào Chúa Nhật, ngày 19 tháng 7, lễ kính Chúa Cứu Thế Chí Thánh [tước hiệu của Dòng], có lẽ Thánh Lễ đã được diễn ra trong Cộng đoàn San Miguel Arcángel [mặc dù vào buổi chiều đã có một số náo động trên đường phố]. Theo các dữ liệu thu thập được, vào ngày này, các thành viên của Cộng đoàn nghỉ đêm bên ngoài Tu viện, sau đó trở lại vào sáng sớm ngày hôm sau để cử hành Thánh Lễ kính Chúa Cứu Thế. Vào ngày 20 tháng 7, có lẽ hai Thánh Lễ đầu tiên trong ngày vẫn được cử hành cách bình thường; sau đó, vì các vụ nổ súng liên tục từ cuộc tấn công vào Doanh trại trên núi, nên các Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tại đây phải đóng cửa Tu viện. Các Ngài rước hết Mình Thánh Chúa, [để tránh bị xúc phạm, nếu có người ngoài ập vào]; rồi các Ngài rời Tu viện [từng người, từng người một] đến nơi trú ẩn đã được chỉ định. Cộng đoàn bị phân tán. Các Tu sĩ vừa nhận Bài sai đến Cộng đoàn San Miguel Arcángel vào ngày hôm sau đã thấy Nhà thờ bị thiêu rụi, cửa đóng then cài, và không có tin tức gì về bất kỳ anh em nào cả!
Có lẽ Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng cử hành Lễ Trọng kính Chúa Cứu Thế Chí Thánh. Vào ngày 20, Ngôi Đền vẫn mở cửa, và các Thánh Lễ vẫn diễn ra cách bình thường. Tuy nhiên, đêm đó, một số thành viên đã bắt đầu rời Tu viện. Vào ngày 21, chỉ còn lại các Thánh Lễ ban sáng được cử hành. Các Tu sĩ rước hết Mình Thánh Chúa, bởi có lệnh đóng cửa Đền cho đến khi chiến tranh kết thúc. Cộng đoàn quy tụ để dùng bữa trước lịch sinh hoạt bình thường, và sau đó, tất cả các Tu sĩ phải mặc quần áo thường dân rồi phải phân tán.
Từ ngày 20 tháng 7 ở Cộng đoàn San Miguel Arcángel, và từ ngày 21 tháng 7 ở Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, mỗi người phải tự lo cho cuộc sống của mình và phải né tránh cuộc đàn áp tôn giáo hết sức có thể.
Mười hai Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã nằm xuống bao gồm: 4 Tu sĩ từ Cộng đoàn San Miguel Arcángel và 8 Tu sĩ từ cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp; sáu người trong số các Ngài là Linh mục và sáu người là các Thầy trợ sĩ.
Dưới đây là tiểu sử về cuộc đời và cuộc tử vì đạo của 12 Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tại Marid, vào năm 1936.
CHÂN PHƯỚC CRESCENCIO ORTIZ
Chân phước Crescencio Ortiz sinh năm 1881, tại Pamplona. Ngài là anh cả trong gia đình có ba anh em. Khi Crescencio Ortiz được tầm vài tuổi, gia đình di cư để tìm một tương lai tốt đẹp hơn. Đầu tiên họ đến Vitoria và sau đó là một ngôi làng nhỏ Villareal - nơi Crescencio bắt đầu đi học. Khi kinh tế gia đình bớt khó khăn hơn, họ trở về và định cư tại Pamplona. Khi hoàn tất việc học, Crescencio Ortiz bắt đầu tìm việc làm, nhưng không có nghề nào phù hợp với Ngài cả. Một ngày nọ, Crescencio Ortiz vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Inhaxiô trong thành phố của mình. Tại đây, Crescencio Ortiz cảm thấy yêu thích đời sống và các bài giảng tĩnh tâm của các Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, và trên hết là bức tranh Đức Mẹ Đồng Trinh trong Vương cung thánh thường này. Kể từ đó, Crescencio Ortiz lui tới nơi này thường xuyên hơn để cầu nguyện. Sau đó, Crescencio Ortiz đã mạnh dạn trình bày ước muốn trở thành Tu sĩ của mình cho Cha Bề trên của Dòng biết, và đã được Bề trên đón nhận.
Crescencio Ortiz bước vào nhà Dòng khi mới 12 tuổi.
Crescencio Ortiz tuyên Lời Khấn Dòng vào năm 1900 và được đào tạo để trở thành Linh mục tại Astorga (León). Những anh em cùng thời với Ngài cho biết Ngài là một người đàn ông cao quý, chân thành, dễ thương và có một trí tưởng tượng tuyệt vời. Ngài rất chăm chỉ và cẩn thận trong mọi việc được trao phó. Ngài được thụ phong Linh mục vào ngày 28 tháng 12 năm 1905. Năm 1906, Ngài được gởi tới cộng đoàn Astorga. Một năm sau đó, Ngài được gởi đến Cuenca để sống năm Tập viện lần thứ hai. Khi năm Tập còn dang dở thì Ngài lại trở về Astorga theo yêu cầu của Bề trên, để dành hết tâm trí cho việc giảng dạy. Cha Crescencio Ortiz dạy Triết học cho đến năm 1908. Sau đó, Ngài thôi việc dạy học để dấn thân cho các sứ vụ tại Galicia, Madrid và Valencia. Năm 1927, Ngài được gởi đến cộng đoàn Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Madrid. Năm 1929, Ngài lại được gởi đến Barcelona. Tại Barcelona, vào tháng 6 năm 1936, đang lúc chuẩn bị qua Mỹ, thì Ngài gặp vấn đề về sức khỏe, nên phải trở về lại Madrid.
Khi cuộc nội chiến nổ ra cùng với những cuộc đàn áp tôn giáo, Cha Crescencio Ortiz đã rời khỏi Tu viện cùng với Cha Calvo vào chiều ngày 19 tháng 7, với ý định ở lại Torre de los Lujanes, trong Biệt thự Plaza de la Villa - nơi cha Calvo có những người bạn tốt lành. Nhưng họ không dám đón tiếp hai Tu sĩ trong cùng một lúc, nên Cha Ortiz chỉ ở lại đó vào đêm ngày 19 tháng 7, rồi trở lại Tu viện sau đó. Vào ngày 20, sau bữa ăn, Cha Ortiz rời Tu viện cùng với Cha Miquélez và Thầy Gabriel để tìm kiếm nơi ẩn náu, nhưng các Ngài đã bị bắt và đã cùng nhau làm chứng cho đức tin với phúc tử đạo tại Casa de Campo, Madrid.
CHÂN PHƯỚC ÁNGEL M. MIQUÉLEZ
Chân phước Ángel M. Miquélez sinh ngày 2 tháng 3 năm 1907 tại Funes (Navarra). Khi Ngài được 5 tuổi, cả gia đình chuyển đến Argentina với hy vọng cải thiện được tình hình kinh tế, nhưng sau 3 năm, gia đình Ngài đã không gặp may, nên đành phải trở về quê hương. Vài tháng sau khi trở về quê hương, Mẹ của Ngài qua đời. Dì của Ngài là Magdalena chăm lo việc học cho Ngài kể từ đó. Về phần mình, Cha của Ngài đã tìm cách để Ngài được nhận vào học miễn phí tại trường của những người thợ săn miền Pamplona. Nơi đây, Ángel sống những năm thơ ấu và được xưng tội rước Lễ lần đầu. Trong một cuộc Đại phúc diễn ra tại Funes, do các Cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách [gồm Cha Prieto và Cha Donato Jiménez (sau này là Chân phúc tử đạo tại Madrid, năm 1936)], Dì Magdalene đã giới thiệu Ángel cho các Ngài. Tuy nhiên, lúc này Ángel đang ở trường nội trú, nên các Ngài phải hẹn gặp vào lúc các Ngài trở lại làm Hậu Phúc.
Kỳ Hậu Phúc đã đến, Ángel được gặp các Thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế [lúc này Ángel mới 11 tuổi]. Cuối tháng 2 năm 1918, Ángel được Cha Jiménez gởi đến trường Dòng Chúa Cứu Thế Tây Ban Nha tại El Espino (Burgos).
Tiến trình học tập để trở thành Tu sĩ và Linh mục của Ángel diễn ra cách suôn sẻ và nhanh chóng. Năm 1925, Ángel trở thành Tu sĩ và học Triết học cũng như Thần học tại Astorga (León). Ángel rất ngoan và chăm học. Về tài năng, Ángel luôn đứng đầu trong số những anh em xuất sắc nhất. Ángel được thụ phong Linh mục vào năm 1930. Sau đó Ngài đến Nava del Rey (Valladolid) để sống năm Tập viện thứ hai của mình dưới sự hướng dẫn của Cha Giám tập Antonio Girón. Năm 1931, Ngài đến Astorga để làm giáo sư Triết học. Vào tháng 9 năm 1932, Ngài phụ trách các lớp học về Văn chương. Cha Ángel làm việc tại Astorga cho đến tháng 1 năm 1934. Sau đó, vì quá mệt mỏi và căng thẳng, Ngài bị suy nhược thần kinh và phải chuyển đến El Espino (Burgos) vào tháng 1 năm 1934. Sau hai tháng nghỉ dưỡng, Ngài đã hoàn toàn bình phục. Trong thời gian nghỉ ngơi này, Ngài giảng Đại phúc tại Álava. Vào tháng 5 năm 1934, Ngài thôi việc dạy học, và được gởi đến Granada. Vào ngày 6 tháng 10 cùng năm, Ngài được gởi đến Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Madrid và làm thư ký cho Cha Bề trên Giám Tỉnh. Vào tháng 6 năm 1936, Ngài được chuyển đến Cộng đoàn Thánh Micae [một nhà thờ thuộc quyền Giáo Hoàng] để chăm sóc mục vụ cho Giới trẻ. Chỉ sau vài ngày chuyển đến Cộng đoàn này, Ngài đã chứng kiến những bất ổn do cuộc cách mạng đang diễn ra. Khi những cuộc xung đột bắt đầu, Cha Ángel rời Tu viện cùng với Cha Crescencio Ortiz và Thầy Gabriel. Sau đó các Ngài bị bắt và bị giết chết trên đường phố bởi một nhóm dân quân, vào Ngày 20 tháng 7 năm 1936.
CHÂN PHƯỚC BERNARDO SÁIZ GUTIERREZ
Chân phước Bernardo Sáiz Gutierrez [tên gọi trong Dòng là Gabriel] sinh ngày 23 tháng 7 năm 1896 tại Melgosa (Burgos). Ngài được Rửa tội cùng ngày hôm đó, và được đặt tên là Bernardo. Từ khi con nhỏ, Ngài cảm thấy mình có ơn gọi làm Tu sĩ, nhưng cha mẹ Ngài không chấp nhận điều đó. Bạn bè thời thơ bé gọi Ngài là "el fraile" [thầy tu] vì Ngài rất đạo đức. Khi cảm thấy dường như không thể đáp lại lời kêu gọi của Chúa, Ngài đã dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Hằng Cứu Giúp, và thông qua chị gái của mình, Ngài đã tìm cách vào Dòng Chúa Cứu Thế, năm 1919. Bernardo Sáiz Gutierrez vào Dự Tập tại El Espino (Burgos) và sống năm Tập viện tại Nava del Rey (Valladolid). Ngày 13 tháng 11 năm 1920, Ngài được tuyên Lời Khấn Dòng và lấy tên là Gabriel. Sau khi Khấn Dòng, Ngài gắn bó với Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế tại Nava del Rey. Năm 1922, Ngài được chuyển tới Pamplona (Navarra). Năm 1923, Ngài trở lại Nava del Rey, nơi đây, Ngài sống năm Tập viện lần thứ hai và tuyên Lời vĩnh khấn vào ngày 25 tháng 3 năm 1924. Kể từ tháng 4 năm 1924, Ngài gắn bó với cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế tại San Miguel, Madrid. Ngài làm việc ở đó cho đến năm 1936, cho đến lúc Ngài được Chúa gọi về, vào chiều ngày 20 tháng 7.
Ngài phục vụ trong các cộng đoàn mà Ngài được gởi tới trong vai trò là người làm bếp. Có một thời gian Ngài học cách làm việc trong nhà của Sứ thần Tòa Thánh cùng với các Soeur Dòng Chúa Cứu Thế, sau đó phụ trách các công việc của Tòa sứ thần. Những người biết và làm việc với Ngài đều hết lời ca ngợi Ngài là một Tu sĩ thánh thiện thực sự. Ngài đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc tử đạo vốn có thể xảy ra cách chắc chắn theo như dự tính của Ngài. Do đó, vài giờ trước khi chịu tử đạo, Ngài cải trang đi ra ngoài và mang theo một số đồ dùng trong nhà đến cho bà Petra Muñoz [theo những gì mà bà Petra Muñoz nhớ, thì Thầy Gabriel là một Tu sĩ thánh thiện, rất gẫn gũi, điềm tĩnh và tách biệt với mọi thứ ở trần gian]. Khi đến nhà bà Petra Muñoz, Thầy Gabriel nói với bà ấy rằng: “Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, để tôi không bị quấy rầy; thậm chí, nếu họ bắt gặp tôi ngay bây giờ và đánh tôi bốn lần, tôi sẽ rất vui vì điều đó."
Khi cách mạng nổ ra, Thầy Gabriel rời khỏi Tu viện ngày 20 tháng 7. Cũng trong ngày này, cùng với các Cha Ortiz và Cha Miquélez, Thầy đã bị bắt cách bất ngờ trên đường phố, bởi một nhóm dân quân.
Thầy Gabriel đã được phúc tử đạo khi vừa tròn tuổi 40.
CHÂN PHƯỚC NICASIO PÉREZ DEL PALOMAR QUINCOCES
Chân phước Nicasio Pérez del Palomar Quincoces đã minh chứng cho đức tin và cuộc đời dâng hiến của mình bằng máu tử đạo ở tuổi 70. Ngài là vị tử đạo đáng kính nhất trong số những Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã tử vì đạo trong cuộc đàn áp tôn giáo từ những năm 1936 – 1939, tại Tây Ban Nha.
Ngài sinh vào ngày 2 tháng 4 năm 1859, tại thị trấn Alava, Tuesta. Chúng ta không có thông tin chi tiết về thời thơ ấu của Ngài. Chỉ biết rằng, lúc còn trai trẻ, Ngài đã tham gia vào các cuộc chiến tranh Carlist.[1] Những người cùng thời với Ngài cho biết: Ngài là một người dũng cảm và kiên định. Đức tính này đã thúc đẩy Ngài gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế như một chiến sĩ của Đức Kitô, khi Ngài chưa tròn 25 tuổi. Ngài vào Dự Tập ở El Espino (Burgos) và làm nghề thợ mộc tại đó. Năm 1883, Ngài được gởi đến Astorga (León), và năm 1884 đến Nava del Rey (Valladolid). Năm 1885, Ngài được gởi đến El Espino (Burgos) để sống năm Tập viện. Sau khi khấn Dòng, vào năm 1891, Ngài được gởi sang Contamine (Pháp) để học cách làm nông trại. Trở về từ Pháp vào năm 1893, Ngài trở lại El Espino một lần nữa và bắt đầu công việc canh tác nông trại cho nhà Dòng [Ngài rất giỏi nghề nuôi ong]. Ngài ở El Espino và phụ trách vườn cây ăn quả cho đến giữa năm 1901 thì nhà Dòng gởi Ngài về làm việc với Thầy Luís để nghiên cứu các kiệt tác nghệ thuật. Kể từ đó, Thầy Nicasio Pérez del Palomar Quincoces rảo bước khắp nơi, từ nhà nọ đến nhà kia, lúc thì liên quan đến nghề mộc, lúc thì liên quan đến vườn tược…
Chân phước Nicasio Pérez del Palomar Quincoces vẫn giữ tính khí mạnh mẽ ngay cả khi bị hành quyết. Một trong những lính gác chứng kiến cuộc hành quyết đã phải thốt lên: "Ông già đó có sức mạnh gì thế!".
Vốn thông minh và rất chăm chỉ, cũng như rất nghiêm túc trong nhiều công việc: làm mộc, làm vườn, nuôi ong, thợ nề, đốc công; cùng với những kỹ năng chuyên môn của mình, Ngài đã nhận được nhiều sự tin tưởng của các Cộng đoàn mà Ngài được gởi tới. Tận tụy trong công việc và trong cầu nguyện, Ngài đã sống một cuộc đời bình an, không chút lo lắng về những gì có thể xảy ra trên thế giới! Khi cách mạng nổ ra, Ngài đã là một cụ ông đáng kính với tuổi đời 80 [lúc này Ngài gần như bị mù]. Dù tuổi cao như thế, nhưng tính khí mạnh mẽ của Ngài vẫn không thay đổi. Bởi tính khí này mà nhiều người lo lắng cho sự an nguy của Ngài, trong tư cách là một Tu sĩ trước chế độ chính trị lúc bấy giờ. Ngài đã dám nói thẳng với tên lính chỉ huy trung đội sẽ ra lệnh bắn Ngài rằng: “…anh có dám giết một ông già bằng tuổi Cha anh, thậm chí là bằng tuổi Ông của anh không?” Nhưng họ đã dám, vì lòng căm thù cách mạng đã xóa sạch mọi tình cảm trong con người họ!
Kể từ lúc Chân phước Nicasio Pérez del Palomar Quincoces rời Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào ngày 19 tháng 7 năm 1936 cho đến khi Ngài chịu tử vì đạo, cuộc đời của Ngài gắn liền với cuộc đời của Thầy Gregorio Zugasti - người anh em đã không bỏ rơi Ngài và trở thành bạn tử đạo với Ngài trên “đồi Canvê”. Cả hai đều bị bắt vào ngày 14 tháng 8 và bị đưa đến đồn cảnh sát Chamberí. Thầy Gregory, trên đường tử đạo, đã nói với dân quân: “Các bạn đưa chúng tôi đi như đưa những người Do Thái đến với Chúa Kitô”.
Người đầu tiên ngã xuống là Thầy Gregory. Khi đến lượt mình, Thầy Nicesio yêu cầu họ để cho Thầy được cầu nguyện trước khi chịu tử đạo; [và họ đã để cho Thầy được cầu nguyện]. Theo Giấy báo tử, Thầy Nicesio được phúc tử đạo tại cột mốc km số 7, đường Castellón, vào khoảng 5 giờ, ngày 16 tháng 8 năm 1936.
CHÂN PHƯỚC GREGORIO ZUGASTI FERNÁNDEZ
Chân phước Gregorio Zugasti Fernández de Esquide sinh ngày 12 tháng 3 năm 1884, tại Murillo de Yerri (Navarra) [gần Estella]. Vị Linh mục trong làng quê của Ngài nói rằng: ngay từ khi còn nhỏ, Gregorio đã có lòng kính sợ Chúa và luôn mong ước làm đẹp lòng Chúa. Thời gian trôi qua, lòng đạo đức của Gregorio được thể hiện ngang qua việc Ngài luôn tìm những nơi thanh vắng và cầu nguyện [điều này đã giúp Ngài hướng đến đời sống tu trì sau này].
Năm 1906, Gregorio vào Dự Tập Dòng Chúa Cứu Thế tại Pamplona (Navarra); và vài tháng sau, Ngài được gởi đến Astorga và tiếp tục hai năm Dự Tập với công việc chính là làm bếp. Tháng 3 năm 1908, Ngài được vào Tập viện tại El Espino (Burgos). Vào ngày 18 tháng 4 năm 1909, năm Tập kết thúc; và vào tháng 5 năm 1909, Ngài được gởi tới Cộng đoàn Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Marid với tư cách là một Tập sinh. Tại đây, Ngài được bổ nhiệm làm phụ tá văn phòng tạp chí Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1909, Ngài được chuyển đến Cộng đoàn San Felipe tại Cuenca, để chăm lo y tế cho anh em trong cộng đoàn. Vào tháng 5, Ngài trở lại Cộng đoàn Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Madrid, và chăm nom văn phòng Tạp chí Mẹ Hằng Cứu Giúp cho đến tháng 6 năm 1912, khi Ngài lại được gởi tới El Espino. Chân phước Gregorio tuyên Lời Khấn Dòng vào ngày 25 tháng 12 năm 1912. Kể từ thời điểm đó, Ngài được bổ nhiệm trở lại Cộng đoàn Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Madrid, và làm việc ở đó cho đến khi Ngài qua đời. Ngài đã dành trọn cuộc đời của mình cho Tạp chí Mẹ Hằng Cứu Giúp, trong tư cách là thành viên và là người điều hành.
Về thể chất, Chân phước Gregorio là người khỏe mạnh và vạm vỡ. Về tính cách, những người đã từng tiếp xúc với Ngài nhận thấy rằng Ngài là một người luôn sống tinh thần vâng phục, chăm chỉ và rất ngăn nắp; luôn nghiêm túc và thận trọng trong mọi việc; tốt bụng, luôn tôn trọng và giúp đỡ người khác. Ngài cũng đã minh chứng về lòng bác ái và tinh thần hy sinh từ bỏ chính mình một cách sống động, khi Ngài đã không để cho Thầy Nicesio [người anh em cùng chịu tử đạo với Ngài] phải cô đơn trong lúc tuổi già.
Chân phước Gregorio rời Tu viện để tìm nơi ẩn trú vào ngày 19 tháng 7 năm 1936. Gần một tháng sau, Ngài đã được phúc tử đạo cùng lúc với Thầy Nicesio [vì đã thực thi lòng bác ái đối với Thầy già Nicesio, nên Chân phước Gregorio thường được mệnh danh là vị tử đạo của lòng bác ái].
CHÂN PHƯỚC ANICETO LIZASOAIN
Chân phước Aniceto Lizasoain sinh năm 1877, tại Irañeta (Navarra). Thời thơ ấu của Ngài gắn liền với quê hương - nơi có Thánh địa Navarrese nổi tiếng của vùng San Miguel. Ngài có một người anh trai là Linh mục thuộc Giáo phận Pamplona và một người anh khác tên là Lorenzo Lizasoaín - Tu sĩ Dòng Marist [cũng tử vì đạo trong cuộc đàn áp tôn giáo năm 1936 tại Toledo]. Chúng ta không biết nhiều về thời thơ ấu của Ngài, chỉ biết rằng tiếng mẹ đẻ của Ngài là ngôn ngữ Basque. Khi được 12 tuổi, vào tháng 2 năm 1889, Ngài vào El Espino (Burgos), để được đào tạo và trở thành Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tương lai. Nhưng vì Ngài hầu như không biết nói tiếng Tây Ban Nha, nên việc học tập của Ngài không mấy tiến bộ. Tuy nhiên, vì bản tính tốt lành và đạo đức, nên Bề trên đã gởi Ngài đến đến Nava del Rey (Valladolid) vào năm 1895, để tiếp tục quá trình tu học của mình. Ngài tuyên Lời Khấn Dòng vào năm 1896.
Aniceto Lizasoain là một người có chút tính ghen tương, nhưng lại rất ngây thơ, rất bác ái, và say mê cầu nguyện. Mặc dù Ngài không giỏi về lý thuyết, nhưng lại có óc thực tế và rất thông minh về vật lý. Sau khi khấn Dòng, vì trình độ học vấn Ngài không đủ để bắt đầu cho việc học Triết học, nên Bề trên đã gởi Ngài trở lại Astorga (León), để học lại hai khóa học mà Ngài đã từng được học trước đó. Mãi đến tháng 10 năm 1898, Ngài mới bắt đầu bước vào Triết học. Năm 1899, Ngài được Giám mục Astorga ban chức cắt tóc (tonsure), và các chức nhỏ.[2] Từ năm 1900 đến 1902, Ngài học Thần học Tín Lý; và vào đầu năm 1903, Ngài học Thần học Luân lý.
Vì khả năng học hành của Aniceto Lizasoain không đủ để có thể tiến chức Linh mục, nên các Bề trên đề xuất cho Ngài hai lựa chọn: một là tiếp tục ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế trong vai trò là một Thầy trợ sĩ; hai là phải rời khỏi nhà Dòng. Tình thế tiến thoái lưỡng nan khiến Ngài suy nhược thần kinh và phải về nhà nghỉ ngơi. Thời gian trôi qua, Ngài trở lại nhà Dòng vẫn với ý muốn trở thành Linh mục. Nhưng nhà Dòng chỉ giao cho Aniceto Lizasoain lo việc phòng Thánh trong Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Marid, và tại Granada [vào năm 1904]. Trong khoảng thời gian này, Ngài vẫn kiên định chờ đợi để có thể tiếp tục việc học của mình. Sau 30 năm, Ngài vẫn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành một Thầy trợ sĩ trong Dòng Chúa Cứu Thế.
Tại Granada, từ năm 1904 đến năm 1918, Aniceto Lizasoain vẫn tiếp tục công việc phòng Thánh, gác cổng và làm quản lý cho Cộng đoàn. Năm 1918, Ngài được bổ nhiệm đến Valencia. Từ Valencia, Ngài đến Madrid vào năm 1920, nơi Ngài làm việc cho đến khi qua đời. Tại đây, Ngài sống trong Cộng đoàn San Miguel từ năm 1920 đến năm 1922 để chăm sóc người già và người mù ở P. Azevedo. Vào tháng 5 năm 1922, Ngài được bổ nhiệm đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Madrid.
Chân phước Aniceto Lizasoain rời Tu viện vào ngày 19 tháng 7 năm 1936; và trong những tuần đầu tiên của cuộc đàn áp, Ngài đã trú ẩn trong nhà của bà Emilia Alcázar, gần Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngài ở đó gần một tháng cùng với Thầy Pascual và sau đó là với Thầy Maximo. Ngài thường nói với những người đến thăm mình rằng: “Tôi khỏe mạnh và tôi đã hiến dâng mạng sống của mình cho Chúa Giêsu Kitô.” Trước khi rời khỏi nhà bà Emilia, Ngài đã đốt tất cả những bài viết của mình, vì sợ rằng chúng có thể làm tổn hại đến chính Ngài, và chỉ để lại những cuốn sách tu đức ở đó mà thôi. Vào ngày 14 tháng 8 năm 1936, Ngài chuyển đến Calle Larra và trú ẩn trong căn hộ của một phụ nữ người Nga tên là Lydia. Vào ngày 16 tháng 8, một nhóm dân quân xuất hiện và bắt đầu lục soát. Nhưng khi thấy chủ nhà là người Nga, họ đã rời đi. Khi họ vừa rời đi thì phụ nữ người Nga ấy nói với họ: “Trong căn hộ của tôi có một vị khách, có lẽ là một Thầy tu”. Thế là họ lập tức quay lại để tìm bắt. Khi thấy dân quân đến, Ngài yêu cầu họ cho phép Ngài vào phòng tắm; ở đó, Ngài tiêu hủy cuốn nhật ký mà Ngài thường hay viết, cùng với những giấy tờ vốn có thể gây hại cho Ngài. Vì đợi lâu, cộng thêm việc nghe thấy tiếng giấy bị xé, nên dân quân đã nghi ngờ và xông vào phòng tắm một cách thô bạo, cố lấy được một số giấy tờ, đủ để biết được danh tính của Ngài.
Có vẻ như Ngài đã bị đưa đến Viện bảo tàng Mỹ thuật Czech, và bị giết chết [theo Giấy chứng tử của Tòa án thành phố Chamartín de la Rosa, có lẽ Ngài bị giết vào ngày 17 tháng 8 năm1936]
CHÂN PHƯỚC JOSÉ Ma URRUCHI
Chân phước José Ma Urruchi sinh năm 1909, tại làng Ayuelas miền Burgos. Ngài được phúc tử đạo khi chỉ mới 27 tuổi. Đây là vị Chân phước trẻ tuổi nhất, trong số các vị tử vì đạo của Dòng Chúa Cứu Thế tại Marid.
Theo lời kể của chính Ngài, từ khi còn bé: Ngài đã có lòng đạo đức; luôn giúp lễ cho Cha xứ; có lòng khao khát ơn gọi tu trì; và đã có cảm tình với các Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Espino (Burgos) [cách nhà Ngài khoảng 3km]. Mặc dù lúc đầu, điều kiện kinh tế gia đình không cho phép José Ma Urruchi vào Dòng Chúa Cứu Thế, nhưng vì cảm thương và thấy tính tốt của Ngài, nên Cha Giám đốc đã thu xếp mọi chuyện và mở rộng cửa đón Ngài vào nhà Dòng. Trong 5 năm ở đó (1921-1926) nỗi khổ lớn nhất của Ngài là học lực kém. Dù học hành chăm chỉ đến đâu, vẫn không đậu. Tuy nhiên, Ngài không bao giờ mất hy vọng được trở thành Tu sĩ và trở thành Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Năm 1927, Ngài được tuyên Lời Khấn Dòng tại Nava de Rey (Valladolid). Sau đó, Ngài được gởi đến Astorga (León), để học Triết học và Thần học [từ năm 1927 đến năm 1932]. Tại đây, Ngài phải rất vất vả với việc học; Ngài phải nổ lực lắm mới có thể đạt được một kết quả thấp hơn các anh em cùng lớp. Cuối cùng, sau những nỗ lực và kiên trì, Ngài đã hoàn tất chương trình đào tạo, và được thụ phong Linh mục vào ngày 2 tháng 10 năm 1932.
Việc hoàn thành chương trình đào tạo đã không đặt dấu chấm hết cho những đau khổ mà Ngài phải trải qua. Cụ thể là Ngài đã mắc bệnh tâm lý nặng nề. Để chữa bệnh, Ngài đã làm một cuộc hành hương tới một số Cộng đoàn như La Coruña, Cuenca (1934), Vigo (1935), nhưng cuối cùng Ngài lại phải trở về Madrid, với hy vọng rằng Cha Otero - Bề trên Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và nhà đào tạo trước đây của Ngài có thể giúp Ngài vượt thắng cơn khủng hoảng về bệnh suy nhược thần kinh mà Ngài đang phải trải qua [Ngài ở Madrid cho đến khi qua đời].
Ngày 20 tháng 7 năm 1936, Chân phước José Ma Urruchi rời Tu viện cùng với H.D. Rafael Perea (tức là Thầy Maximus) và trú ẩn trong nhà của ông D. Roberto. Vài ngày sau, Thầy Maximus đổi nơi trú ẩn của mình cho Thầy Pascual, vì nơi Thầy Pascual trú ẩn đang gặp nguy hiểm. Kể từ lúc đó, cuộc đời và số phận của Cha Urruchi gắn liền với cuộc đời và số phận của Thầy Pascual. Trong ngôi nhà ông D. Roberto, các Ngài cầu nguyện và dâng Thánh Lễ hằng ngày cùng nhau như đang ở trong một Tu viện.
Ngày 21/8, dân quân ập vào khám xét nhà và các Ngài bị bắt giữ. Có vẻ như các Ngài đã bị đưa đến cung điện Rhodes. Sau đó bị đưa ra ngoài và bị giết chết. Cha Urruchi đã tử vì đạo vào rạng sáng ngày 22 tháng 8, trên đường đến Andalusia.
CHÂN PHƯỚC PASCUAL ERVITI
Chân phước Pascual Erviti sinh năm 1902 tại Echalecu (Navarre). Ngài là người con thứ 11, trong số 12 người con trong gia đình. Khi lên 7 tuổi, Ngài mồ côi mẹ. Ngài thường giúp Lễ và đi chăn cừu. Ngài mơ ước trở thành Linh mục, nhưng Cha Ngài lại không chấp thuận. Mãi đến khi lên 16 tuổi, Cha Ngài mới ủng hộ ước mơ của Ngài, nhưng lúc đó Ngài lại trông quá già, nên Cha Ngài tỏ ra ngần ngại. Thế rồi, Ngài phải chấp nhận đi lính tại miền Pamplona [Ngài thường xuyên tham dự Thánh Lễ tại miền Pamplona này]. Khi trở về làng, vẫn như mọi khi, Ngài chuyên tâm vào việc chăn cừu và săn bắn. Lần trở về này, Ngài lại tiếp tục ghe được tiếng Chúa gọi. Để đưa ra quyết định, từ ngày 21 đến ngày 27 tháng 2 năm 1926, Ngài đến Loyola (Vizcaya) để Linh Thao. Sau cuộc Linh Thao này, Ngài vẫn chưa quyết định được, nên Ngài tiếp tục làm một cuộc Linh Thao khác vào tháng 2 năm 1927.
Cuối cùng, vào một ngày giữa tháng 8 cùng năm, Pascual Erviti nói với anh trai rằng mình sẽ đi tu. Thoạt đầu, Ngài có ý đi tu Dòng Tên, nhưng vị Linh mục đã hướng Ngài đến Dòng Chúa Cứu Thế. Đang lúc chuẩn bị bước vào Dòng Chúa Cứu Thế, thì Cha Ngài lâm bệnh nặng và qua đời vào tháng 5 năm 1928. Sau khi đã thu xếp mọi chuyện, Ngài chính thức bước chân vào Dòng Chúa Cứu Thế tại Pamplona ở tuổi 26.
Pascual Erviti sống trong nhà Dự Tập khoảng sáu tháng tại El Espino (Burgos). Sáu tháng Dự Tập cũng là sáu tháng Ngài phải đối diện với những nghi ngờ về chính ơn gọi của mình. Sau khi phó mình cho Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Hằng Cứu Giúp [vào ngày lễ của Mẹ (27 tháng 6)] những do dự ấy biến mất. Thế rồi, vào ngày 31 tháng 12 năm 1928, Ngài vào Tập viện tại Nava del Rey (Valladolid). Để ghi dấu về biến cố đã thay đổi cuộc đời của mình, Pascual Erviti đã đổi tên thành Hermano Pascual. Ngài tuyên Lời Khấn Dòng vào ngày 24 tháng 2 năm 1930. Sau khi tuyên khấn, vào ngày 1 tháng 3 năm 1930, Ngài được gởi đến Astorga (León). Tại đây, Ngài chăm lo việc dọn bàn và phụ bếp cho Cộng đoàn. Vào ngày 23 tháng 12 năm 1934, Ngài được bổ nhiệm đến Đền thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Madrid [nơi Ngài sẽ tử vì đạo]. Sau một năm rưỡi ở Marid, Ngài được tuyên lời Khấn trọn đời; và Ngài vẫn tiếp tục làm người phụ bếp cho Cộng đoàn.
Những người biết Ngài đều nhận thấy nơi Ngài là một người tốt bụng, giản dị, niềm nở và khiêm tốn; nhất là luôn sống kết hiệp với Chúa cách mật thiết.
Ngày 21 tháng 7 năm 1936, Thầy Pascual đã đi cùng với Thầy Aniceto Lizasoaín đến nhà của bà Emilia Alcázar [mẹ của Cha Antonio Hortelano Dòng Chúa Cứu Thế]. Thầy ở đó khoảng ba ngày, rồi phải rời đi, vì có vẻ như dân quân đang theo dõi Ngài. Để tránh nguy hiểm, Thầy phải đổi chỗ trú ẩn cho Thầy Maximus và đi với Cha Urruchi đến nhà của ông D. Roberto [có lẽ vì Thầy Pascual là người trẻ nhất trong số các Thầy Trợ sĩ tử vì đạo, nên Chúa đã đưa Thầy Pascual cùng Cha Urruchi là Linh mục trẻ tuổi nhất trong số các Linh mục tử vì đạo!]. Các Ngài trú ẩn cùng nhau một tháng trong ngôi nhà của ông D. Roberto, cho đến khi cả ba [bao gồm ông D. Roberto] bị bắt vào ngày 21 tháng 8 năm 1936. Vợ của ông D. Roberto kể lại: khi bị bắt, họ tỏ ra can đảm và không hề phàn nàn điều gì cả. Thầy Pascual, khi biết chồng tôi cũng đã bị bắt thì nói: “vì những gì anh Roberto đã làm cho chúng con, xin Chúa hãy cho con được chết thay anh ấy”. Rồi khi bị đưa ra khỏi nhà, Thầy Pascual quay sang tôi và mẹ chồng tôi mà nói: “Xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị”.
Thi hài của Thầy Judicial được Hội Chữ Thập Đỏ tìm thấy vào sáng ngày 22 tháng 8 năm 1936 ở Pradera (có thể là Pradera de San Isidro), thuộc thành phố Madrid, và được đưa đến sở tư pháp của Thành phố này.
Sau khi biết Thầy Judicial tử vì đạo, một số người đã đến khấn nguyện, và đã nhận được ơn lành, nhờ lời chuyển cầu của Ngài.
CHÂN PHƯỚC ANTONIO GIRÓN
Chân phước Antonio Girón sinh năm 1871, tại Campo, gần Ponferrada. Ngài là một người có tài năng. Khi Cha Ngài qua đời, mẹ Ngài đặt mọi hy vọng vào Ngài với mơ ước rằng Ngài sẽ là chỗ dựa vững chắc cho bà lúc về già. Chính vì thế mà Ngài đã phải vượt qua sự ngăn cản của gia đình mới có thể bước theo tiếng Chúa gọi. Năm 1882, Ngài vào chủng viện giáo phận Astorga với tư cách là chủng sinh ngoại trú. Tại đây, Ngài học Triết học và đạt kết quả suất sắc.
Antonio Girón luôn cảm thấy mình có ý hướng trở thành Tu sĩ. Và, một ngày nọ, trên đường đi dạo, Ngài tình cờ gặp một nhóm Tập sinh Dòng Chúa Cứu Thế, và Ngài đã quyết định bước theo. Thế là một lần nữa, Ngài lại phải vượt qua sự phản đối của người thân để bước vào đời sống tu trì.
Năm 1888, Antonio Girón vào Dòng Chúa Cứu Thế tại Astorga và tuyên Lời Khấn Dòng năm 1889, tại Nava del Rey. Sau đó, vào ngày 19 tháng 5 năm 1894, Ngài trở lại Astorga để tiếp tục chương trình đào tạo; và được thụ phong Linh mục tại Nhà thờ chính tòa León, vào ngày 19 tháng 5 năm 1894. Sau khi được thụ phong Linh mục, Ngài được lần lượt gởi đến các Cộng đoàn khác nhau trong miền Nava del Rey (Valladolid) [trong suốt 20 năm, với 5 lần thuyên chuyển]; sau đó, Ngài được gởi đến Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Marid; và ở đó trong khoảng thời gian 12 năm. Hai Cộng đoàn khác mà Ngài được gởi tới là Astorga và El Espino [với 9 năm trong mỗi Cộng đoàn].
Cha Antonio Girón làm Bề trên Cộng đoàn Cuenca và Nava del Rey. Ngài làm mục và truyền giáo trong khoảng thời gian rất ngắn. Phần lớn cuộc đời của Ngài giữ các chức vụ quan trọng trong Dòng: làm Cố vấn [Cố vấn và thư ký tỉnh Dòng trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp]; làm Giám đốc đào đạo các cấp khác nhau; làm Hiệu trưởng Trường Dòng; và các chức vụ quan trọng khác.
Cha Antonio Girón là một người thông minh và có tài phán đoán. Khi làm Bề trên, Ngài là một người đáng tin cậy, và có khả năng giải quyết các vấn đề của Cộng đoàn cách tốt đẹp. Nhưng vì áp lực công việc, Ngài cảm thấy mệt mỏi, phải nghỉ dưỡng và ngưng các hoạt động mục vụ.
Vào ngày 20 tháng 7 năm 1936, Cha Antonio Girón rời Tu viện và trú ẩn trong nhà của một gia đình ở phía sau Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Để tránh phiền lụy cho gia đình họ, Ngài đã không đi ngủ trong ba đêm ở lại đó. Vì muốn dâng Thánh Lễ, nên Ngài đã chuyển nơi trú ẩn đến Dòng Các Chị Em Người Nghèo trên đường Almagro, vào ngày 23 tháng 7. Tại đây, Ngài sốt sắng dâng Thánh Lễ mỗi ngày, và giải tội cho các Soeur. Ngày 15 tháng 8, khi nghe tin báo rằng cảnh sát sẽ tiến hành khám xét, Ngài lại di chuyển đến trú ẩn trong Cộng đoàn các Soeur Dòng Các Chị Em Hèn Mọn tại Ezquerdo. Tại đây, Ngài gặp Cha Phaolô [tức Chân phước Manuel Requejo Pérez]. Chỉ có Mẹ Bề trên và các Soeur phụ tá biết các Ngài là Linh mục.
Ngày 25 tháng 8, dân quân của Ủy ban Thái Bình Dương đóng quân trong khu vực Cha Antonio Girón đang trú ẩn. Ngài bắt đầu cảm thấy sợ. Khi được hỏi Cha sẽ làm gì khi dân quân phát hiện ra Ngài; Ngài liền trả lời: “Nếu họ phát hiện ra tôi, tôi sẽ không che giấu tư cách của mình là một Tu sĩ và là một Linh mục.” Chúa Nhật, ngày 30 tháng 8, các Ngài bị thẩm vấn và bị bắt đi. Các dân quân đưa các Ngài lên xe, rồi di chuyển cách nhanh chóng. Một số Soeur kể lại: khi các Ngài bị đưa lên xe, các Ngài đã cầu nguyện và giải tội cho nhau; và qua lời kể của những người lính thi hành lệnh bắn các Ngài thì người ta biết rằng các Ngài đã luôn cầm chắc tràng chuỗi Mân côi cho đến giây phút cuối cùng.
Căn cứ vào khoảng thời gian mà những người lính thi hành án quay trở về từ pháp trường, người ta phỏng đoán các Ngài có thể bị bắn cạnh các bức tường của Bệnh viện San Juan de Dios; hoặc ở một địa điểm nào đó gần chỗ các Ngài bị bắt.
CHÂN PHƯỚC DONATO JIMENEZ
Chân phước Donato Jimenez sinh ngày 21 tháng 3 năm 1873, tại Alaejos. Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, Donato là một đứa bé nghịch ngợm. Năm 14 tuổi, Ngài tham dự một cuộc Đại Phúc ở làng mình, và đã rất ngạc nhiên trước phong thái của các Thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế. Khi các Thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế rời đi, cuộc sống của Ngài đã thay đổi hoàn toàn. Trong Sơ yếu lý lịch của mình, Donato Jimenez kể lại rằng: Ngài đã cùng với ba người bạn cưỡi ngựa trong đêm, đến cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế ở Nava del Rey (Valladolid) để chúc mừng các Thừa sai, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Thánh Anphongsô thành lập Dòng Chúa Cứu Thế; khi đến nơi thì đã muộn, nên Donato Jimenez và các bạn phải đợi trước cửa Tu viện cho đến lúc mặt trời mọc.
Sau khi được gia đình cho phép, Donato Jimenez gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế tại El Espino (Burgos) vào năm 1887; rồi vào Tập viện tại Nava del Rey (Valladolid). Donato Jimenez đã có một khởi đầu tốt đẹp. Nhưng khi đến quãng thời gian giữa Tập viện, Ngài bắt đầu lo lắng và gặp khủng hoảng nặng nề bởi chủ nghĩa hoàn hảo [cầu toàn về ơn gọi của mình]. Cuối cùng, mọi chuyện lại tốt đẹp. Ngài tuyên Lời Khấn Dòng và được gởi đến Astorga để học Triết học, Thần học; rồi được thụ phong Linh mục vào năm 1899.
Từ Astorga (León), Cha Donato Jimenez đến Nava del Rey (Valladolid) để làm phụ tá Giám Tập. Một năm sau đó, Ngài đến đến El Espino (Burgos) và dạy tiếng Latinh trong trường Dòng. Năm 1901, Ngài được gởi đến Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Madrid; và năm sau, lại được gởi đến El Espino; rồi sau đó đến Cuenca trong tư cách là một nhà truyền giáo. Năm 1904, Ngài trở lại El Espino; và năm 1907 đến Astorga. Năm 1915, Ngài được gửi đến Pamplona - nơi Ngài đã từng làm việc trong khoảng thời gian 15 năm với ba lần là Bề trên của Cộng đoàn.
Các anh em trong Cộng đoàn đều nhận thấy Cha Donato Jimenez là một Tu sĩ nhiệt thành và có đời sống thiêng liêng sốt mến. Ngài nhân ái với hết thảy anh em, và luôn quan tâm lo lắng đến phần rỗi của từng giáo dân; bên cạnh đó, Ngài còn là người lạc quan trước những khó khăn thử thách; đồng thời là một người luôn chu toàn bổn phận trong cộng đoàn, và có lòng nhiệt huyết Thừa sai mãnh liệt.
Năm 1930, Ngài chuyển đến Santander; rồi đến Astorga vào năm 1933. Tháng 12 năm 1934, Ngài được bổ nhiệm làm Bề trên của Cộng đoàn tại Vigo.
Ngày 23 tháng 6 năm 1936, Ngài được gởi tới Cộng đoàn S. Miguel tại Marid. Sau hai tuần đến Marid, thì cuộc đàn áp tôn giáo nổ ra. Vào Chủ Nhật, ngày 19 tháng 7, nhằm ngày lễ kính Chúa Cứu Thế, sau bữa ăn tối, Ngài rời Tu viện và đến ẩn náu trong nhà một người bạn có tên là Jerónimo Fernández Puertas, tọa lạc tại số 8, đường Cava Baja. Cha Donato Jimenez ở đó cho tới ngày 12 tháng 9. Vào ngày 13, dân quân xuất hiện vào khoảng giữa trưa. Khi họ tìm thấy hành lý của Cha Donato Jimenez thì thốt lên: “Hôm nay, lại có thêm một con chim sa bẫy”
Họ bắt Ngài và bạn của Ngài đến nhà tù Checa de Fomento. Cha Donato Jimenez bị nhốt trong phòng giam số 5, trong các tầng hầm nổi tiếng của Checa. Ngay khi đến nơi, Ngài nói với các tù nhân: “Thưa quý vị, tôi là Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Đó là lý do tại sao họ bắt tôi.” Ở trong tù, Cha Donato Jimenez vẫn thi hành sứ vụ Linh mục bằng cách giúp đỡ các tù nhân, đặc biệt, đối với những ai đang nản lòng nhất, thì Ngài cố gắng truyền cho họ sự lạc quan của mình. Ngài vẫn tin chắc mình sẽ được trả lại tự do. Nhưng sau những cuộc thẩm vấn, mọi sự đã đổi khác. Dường như có ai đó trong tòa án biết rõ và đã đặt những chất vấn rất chi tiết về cuộc sống của Ngài cũng như của các Tu sĩ khác trong Dòng. Cha Donato Jimenez dường như nhận ra người đó là một cựu Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Sau cuộc thẩm vấn, Cha Jimenez biết rằng số phận của mình đã được định sẵn. Vào ngày 16 tháng 9, Ngài dọn mình xưng tội với một trong những người bị giam giữ cùng với Ngài là Cha Antonio Gómez. Cha Antonio Gómez khuyên Cha Donato Jimenez: “Con ạ, sau tất cả mọi sự, nếu chúng ta bị giết, chúng ta đã biết mình phải làm gì. Chúng ta sẽ kêu lên với tất cả sức mạnh của mình: Vạn tuế Đức Kitô... và chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc trên Thiên đàng.”
Vào khuya ngày 17, người ta nghe thấy giọng nói của một dân quân: “Tuyên cáo, hãy đưa Donato Jiménez đi.” Và anh ta đưa cho Cha Donato Jiménez một lá phiếu trắng: đó là bản án tử hình.
Cha Donato Jiménez đã được phúc tử đạo vào rạng sáng ngày 18 tháng 9 tại cột mốc km 12, đường Carretera de Francia, trong khu đô thị của thị trấn Fuencarral lúc bấy giờ. Trong tay Ngài nắm chặt cây Thánh Giá và tràng chuỗi Mân Côi như những dấu chỉ lòng trung thành với Chúa Kitô cho đến cùng.
CHÂN PHƯỚC MAXIMO PEREA
Chân phước Maximo Perea sinh năm 1903, tại Murita (Burgos). Cha Orive – Dòng Chúa Cứu Thế, trong khi đi truyền giáo ở một thị trấn gần đó, đã khuyến khích Maximo Perea trở thành một nhà truyền giáo. Kể từ đó, Maximo Perea luôn nghĩ đến El Espino (Burgos) là nơi có trường Dòng Chúa Cứu Thế; và cũng là nơi mà Maximo Perea đã từng một lần đặt chân đến trước đó với anh trai của mình là Eduardo và anh họ Daniel Pinedo [lúc bấy giờ, cả hai người anh này đã ở trong Tập viện].
Vào tháng 9 năm 1915, Maximo Perea đến El Espino, nhưng chỉ ít lâu sau, mắt của Maximo Perea bị cận thị; càng học thì mắt của Maximo Perea càng trở nên tệ hơn, và có thể sẽ bị mù. Dó đó mà Maximo Perea phải trở về nhà, khi chỉ mới học xong lớp 3 tại El Espino. Trở về Murita, Maximo Perea tiếp tục là một chú giúp lễ. Một năm sau đó, Ngài được Cha mẹ đưa đến Valladolid và làm bồi bàn trong một trường Công Giáo. Ở đó, Maximo Perea được các Tu sĩ đang học trong trường quý mến. Maximo Perea tìm thấy hy vọng và đã quyết định ở lại với họ trong trường ấy. Thế nhưng đường lối của Chúa dành cho Maximo Perea lại khác. Vào ngày 19 tháng 2 năm 1921, anh trai và anh họ của Maximo Perea được thụ phong Linh mục tại Astorga (León). Trong dịp đó, Maximo Perea đã cùng với gia đình đi dự Lễ phong chức và đã đồng ý với anh trai của mình xin gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế trong ơn gọi Trợ sĩ.
Maximo Perea vào Tập viện ở Nava del Rey (Valladolid). Ngài tuyên Lời Khấn Dòng vào năm 1923, và lấy tên Dòng là Maximus. Cuộc đời ngắn ngủi của Thầy Maximus phần lớn gắn liền với Cộng đoàn Astorga (León) và Madrid. Một tháng sau khi tuyên khấn, Thầy Maximus được gởi đến cộng đoàn Madrid ở San Miguel. Năm 1925, Thầy đến El Espino để sống năm Tập viện lần thứ hai, và tuyên Lời Khấn trọn đời vào năm 1926. Tại El Espino, Thầy vẫn tiếp tục lo việc nhà bếp cho Cộng đoàn. Tháng 5 năm 1927, Thầy được gởi đến Cộng đoàn Astorga trong vai trò là người gác cổng, lo phòng Thánh, và làm bánh cho đến tháng 6 năm 1933 [ngoại trừ một vài tháng trong năm 1928 và 1929, làm thợ xây ở El Espino và Santander]. Cuối cùng, Thầy Maximus được gởi đến Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Madrid, để lo việc gác cổng và làm thủ quỹ cho Cộng đoàn.
Cuộc sống của Thầy Maximus cứ lặng lẽ trôi trong việc phục vụ anh em trong Dòng bằng những công việc âm thầm như làm bếp, gác cổng, lo phòng Thánh, và thủ quỹ. Thầy làm việc cách khéo léo, chăm chỉ; và luôn được các anh em trong Cộng đoàn quý mến.
Ngày 20 tháng 7 năm 1936, Thầy Maximus rời Tu viện cùng với Cha Urruchi, và trú ẩn trong nhà ông Roberto. Vài ngày sau, do nguy hiểm, Thầy chuyển đến trú ẩn trong nhà của bà Dª Emilia Alcázar [Thầy Pascual đổi chỗ cho Thầy Maximus]. Vài ngày sau, Thầy Maximus rời khỏi đó, và đến số 5, phố Jenner [nơi Thầy gặp Cha Moran]. Lúc này Thầy Maximus vẫn chưa biết sợ và thường xuyên ra đường. Nhưng sau vài lần gặp dân quân,Thầy bắt đầu thấy bất an. Để che giấu danh tính của mình, một người anh em trong Dòng đã cho Thầy Maximus một căn cước giả với tên là Serafín Morán. Sau cuộc lục soát của dân quân trong ngôi nhà trên Phố Jenner, Thầy Maximus phải tìm một nơi trú ẩn khác. Sau vài lần chạm mặt dân quân trên đường
phố, vào đầu tháng 8, Thầy Maximus đi làm đầu bếp trong một cửa hàng làm bơ sữa. Đến ngày 24 tháng 9, do chủ cửa hàng chết, nên Thầy Maximus phải chuyển nơi trú ẩn một lần nữa! Cùng ngày hôm đó, Thầy tìm được một nơi trú ẩn mới tại số 45, đường Santa María. Thầy ở đó cho đến 2 giờ sáng ngày 2 tháng 11, thì bị bắt. Cùng với Thầy Maximus, dân quân cũng dẫn theo một thanh niên khác tên là Angel Bellot, nhưng thanh niên này được thả về lúc 4 giờ sáng. Khi họ bị bắt đi, những người dân quân đã nói rằng Thầy Maximus sẽ được trở về sớm; còn người thanh niên sẽ phải ở lại lâu hơn. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Bị đưa đến đồn cảnh sát và bị tra khảo, Thầy Maximus nói rằng mình là một thợ nề. Họ liền đưa cho Thầy một cái xẻng và ra lệnh cho Thầy trộn hồ. Nhưng Thầy đã không chứng minh được kỹ năng của một thợ nề! Thế là Thầy lại nói rằng mình là một thợ làm vườn. Nhưng, một lần nữa, Thầy lại không chứng minh được kỹ năng của một thợ vườn. Cuối cùng Thầy đã tuyên thật mình là Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.
Theo một số dữ liệu thu thập được vào thời điểm đó, có vẻ như Thầy Maximus bị giết tại El Pardo. Nhưng có lẽ không đúng, vì vào sáng ngày sau khi Thầy bị bắt [tức ngày 3 tháng 11 năm 1936], người ta tìm thấy Thi hài của Thầy tại Ciudad Universitaria.
CHÂN PHƯỚC N.RESIGNATION TORIBIO
Chân phước N.Resignation Toribio sinh năm 1876, tại Villayuda (Burgos), gần Cartuja de Miraflores. Với ước mơ trở thành Linh mục, Toribio vào học tại Chủng viện Burgos. Sau một thời gian tìm hiểu Dòng Tên, thì một vị Thừa sai trong đoàn Đại Phúc của Dòng Chúa Cứu Thế [lúc bấy giờ đang giảng tại Agés] khuyến khích cha mẹ Ngài xin cho Ngài được gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế tại El Espino. Toribio đã ở đó 6 năm và tu học rất nghiêm túc. Sau một tháng dự Tập, Toribi vào Tập viện, rồi sau đó tuyên Lời Khấn Dòng năm 1895. Sau khi tuyên khấn, Ngài được gởi đến Cộng đoàn Astorga (León) để học Thần học. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, Ngài được thụ phong Linh mục vào năm 1901.
Tháng 4 năm 1902, Cha Toribi đến El Espino để sống năm Tập viện lần thứ hai. Sau đó, được bổ nhiệm làm giáo sư trường Jovenado de Ntr. Sra. tại El Espino [từ tháng 8 năm 1902 đến năm 1906]. Từ năm 1906 đến năm 1909, Ngài là một nhà truyền giáo [đầu tiên ở Astorga và sau đó ở El Espino]. Cha Toribi truyền giáo trong các miền Burgos, Valladolid, León, Galicia. Ngài còn truyền giáo tại Daroca và Peñacastillo cùng với Cha Sarabia. Năm 1909, Ngài trở lại Jovenado de El Espino. Năm 1912, Ngài đến Madrid và phụ trách tạp chí “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” cho đến năm 1918. Năm 1923, Ngài thiết lập Cộng đoàn tại Carmona và trở lại Madrid vào năm 1924, cho đến khi Ngài tử vì đạo.
Ngày 18 tháng 7, Cha Toribi rời Tu viện và ẩn náu trong nhà ông D. Miguel Huidobro, tại số 11 đường Calle San Opropio. Vài ngày sau, dân quân đã lục soát ngôi nhà đó. May thay, lúc ấy Cha Toribi đi vắng. Khi biết tin ngôi nhà bị lục soát, Cha Toribi chuyển đến ẩn náu trong nhà bà Salinas, trên phố Carranza và ở lại đó trong một thời gian ngắn [kể từ ngày 24 tháng 7]. Sau đó, Ngài ẩn náu trong nhà bà Doña Dolores Rosado cho đến ngày 8 tháng 9. Trong thời gian ở nhà bà Doña Dolores Rosado, Cha Toribi vẫn tiếp tục đi ra ngoài dâng Thánh Lễ và làm mục vụ. Một ngày nọ, các giáo lý sinh [đã từng học giáo lý với Ngài] nhận ra Ngài trên đường phố. Ngài bắt đầu cảm thấy lo sợ, và đã hủy bỏ các tài liệu của mình.
Từ nhà bà Dolores, Cha Toribi đến một nhà trọ trên đường Malasaña. Đó là sai lầm của Ngài! Bởi vì, nếu không có giấy tờ tùy thân thì sẽ rơi vào tay cảnh sát trong lần khám xét đầu tiên. Và Ngài đã rơi vào hoàn cảnh đó.
Bị bắt vào ngày 17 tháng 9 năm 1936. Trước hết, Cha Toribi bị đưa đến Sở cảnh sát Chamberí, đến Tổng cục An ninh, và từ đó, vào ngày 18 tháng 9, Ngài bị đưa vào phòng giam số 2 của nhà tù Modelo. Khi vào nhà tù này, Cha Toribi đã dùng một danh tính giả, để che giấu danh tính thật của mình. Cha Toribi sợ rằng danh tính thật sẽ dấn đến cái chết, vì cuộc đàn áp tôn giáo đang diễn ra. Nhưng vì lương tâm không cho phép, nên Ngài đã dùng tên đệm của mình là “Nicasio” làm tên gọi; và dùng tên của cha mẹ Ngài là: “Manzanedo Arnáiz” làm tên họ. Còn về nghề nghiệp, Cha Toribi giới thiệu mình chỉ là một nhân viên bán hàng của tạp chí “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”.
Bị giam cùng phòng với Cha Toribi là luật sư D. José Rumbao Conde. Cả hai đều chia sẻ với nhau về danh tính của mình. Vị luật sư này viết về Cha Toribi như sau: “…luôn niềm nở, tốt bụng, và luôn bộc lộ một đời sống nội tâm tuyệt vời, Cha Toribi đã giúp nhiều tù nhân bằng sứ vụ Linh mục của mình; hơn một lần chúng tôi hàn huyên với nhau về hồi kết của những ngày đau buồn đó, Cha Toribi vẫn luôn tỏ ra thanh thản và điềm tĩnh”. Trong nhà tù Modelo những ngày đó, còn có Bề trên Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là Cha Machiñena. Kể từ khi luật sư D. José Rumbao làm hiệu lệnh viên của phòng giam số 2, ông đã sắp xếp mọi chuyện để Cha Bề trên được chuyển đến và ở cùng phòng giam này cùng với Cha Toribi.
Sáng sớm ngày 7 tháng 11, tên của Cha Toribi vang lên trong danh sách những người sẽ bị đưa đi. Bạn cùng phòng giam với Ngài là luật sư D. José Rumbao là người đọc lệnh! Cha Toribi rất ngạc nhiên, nhưng chỉ nghĩ rằng đó đơn thuần là lệnh chuyển giao tù nhân. Ngài xin một ít thời gian và ở lại một mình với Cha Bề trên, để xưng tội và tuyên lại Lời Khấn Dòng [mà Ngài vẫn thường làm hằng tuần khi ở trong tù].
Khi chào tạm biệt người bạn của mình là luật sư D. José Rumbao, Cha Toribi ôm hôn và nói: “Tôi đã sẵn sàng. Tôi không còn lo lắng về những gì có thể xảy ra.”; và với một giọng trầm ấm, Cha Toribi nói thêm: “Tôi đã xưng tội rồi. Nếu tôi đến một nhà tù khác, tôi sẽ viết thư cho anh. Nếu không, chúng ta sẽ gặp nhau trên Thiên đàng.” Khi rời phòng giam, Cha Toribi thốt lên với tinh thần kiên quyết: “Tôi hiến mạng sống mình vì anh em trong Dòng của tôi tại Tây Ban Nha, cho toàn thể Hội Dòng, và cho một Tây Ban Nha bất hạnh.”
Cha Toribi bị bỏ vào bao tải và bị đưa đi, vào ngày 7 tháng 11, và người ta không có tin tức nào về Ngài, kể từ hôm đó.
Tên của Ngài đứng đầu trong danh sách những người bị sát hại taih Paracuellos de Jarama (Madrid), trong hồ sơ Tuyên Thánh đầu tiên, vào ngày 7 tháng 11 năm 1936.
_____________________________
[1] Carlist là một loạt các cuộc nội chiến diễn ra ở Tây Ban Nha trong thế kỷ 19. Các cuộc chiến này diễn ra nhắm đến chủ nghĩa tự do trong đất nước.
[2] “Các chức nhỏ” là một thuật ngữ được sử dụng trong Giáo Hội trước Công Đồng Vatican II. Các chức nhỏ là những vai trò khác nhau trong Giáo Hội, như chức cắt tóc (tonsure), chức giữ cửa (porter), chức đọc sách (lector), chức trừ quỷ (exorcist), và chức giúp lễ (acolyte). Chức cắt tóc tượng trưng bằng việc cắt một chỏm tóc trên đỉnh đầu. Các đan sĩ và Tu sĩ thường được cắt một lượng lớn tóc trên đỉnh đầu bằng một dải ngang ra phía sau đầu. Đây là dấu hiệu của một cuộc đời tận hiến như là một Tu sĩ. Các giáo sĩ giáo phận (linh mục giáo xứ), khi chịu chức cắt tóc, chỉ cắt một ít tóc từ phía sau đầu, giống vị trí thường thấy nơi những người hói. Chức cắt tóc diễn tả việc một người bước vào đời sống giáo sĩ, nhưng họ vẫn có thể rời chủng viện hoặc Tu viện mà không cần phải được tòa thánh Rôma tháo cởi, nếu họ nhận ra họ không muốn dấn thân sâu hơn. Luật độc thân không được áp dụng trong các chức nhỏ, chỉ từ chức phụ phó tế (subdiaconate). [“Câu hỏi 96. “Các chức nhỏ” là gì?”, https://sjjs.edu.vn/cau-hoi-96-cac-chuc-nho-la-gi/, truy cập ngày 26/04/2022]