CON CHÚA – CON QUỶ - Chú giải Tin Mừng CN I MC A

CON CHÚA – CON QUỶ

Chú giải Tin Mừng CN I MC A (Mt 4,1-11)


Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, S.V.D.


Xin xem toàn văn bài chú giải tại: 

https://josephpham-horizon.blogspot.com/2023/02/con-chua-con-quy-chu-giai-tin-mung-cn-i.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo



Mt 4,1-11 có thể được chia thành ba tiểu đoạn rõ nét có độ dài ngang nhau, dựa trên nội dung của ba cách thức cám dỗ mà quỷ dùng để tấn công Đức Giêsu. Thử thách thứ nhất (3-4); Thử thách thứ hai (5-7) và thử thách thứ ba (8-10).

Mở đầu (1-2): Đức Giêsu, Thần Khí, quỷ, hoang địa, bốn mươi, chịu cám dỗ, ăn chay

Thử thách I (3-4):

Bối cảnh: Người đói

Thách thức: “Nếu ông là con Thiên Chúa nói cho đá biến thành bánh

Đáp trả: Không chỉ bởi bánh, mà tất cả những lời đến từ miệng Thiên Chúa

Thử thách II (5-7):

Bối cảnh: Trên một thành thánh – trên nơi cao nhất của Đền Thờ

Thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy ném mình xuống dưới”

Đáp trả: ‘Ngươi không được thử thách Chúa, Thiên Chúa ngươi’

Thử thách III (8-10):

Bối cảnh: Trên một ngọn núi rất cao – các vương quốc của thế giới và vinh quang

Thách thức: “Tôi sẽ ban cho ông tất cả những thứ này, nếu ông sụp xuống bái thờ tôi”

Đáp trả: “Ngươi phải bái thờ Chúa – phục vụ một mình Người mà thôi”

Kết (11): Quỷ để Người lại – sứ giả đến và phục vụ

Bình luận tổng quát

Đức Giêsu, ở trong vị trí hiện tại, vừa mới được Thiên Chúa công bố là “Con trai yêu quý” và được Thánh Linh ngự xuống như chim bồ câu (Mt 3,13-17), được dẫn vào hoang địa để chịu thử thách (Mt 4,1-11). Người cũng đang ở bên thềm của hành trình rao giảng. Đức Giêsu cần chứng tỏ vị thế, phẩm chất của Người Con yêu dấu và là sứ giả Tin Mừng của Chúa Cha. Hành trình trong hoang địa bốn mươi ngày quả là một hành trình đầy cam go, nhưng cần thiết. Nơi hoang địa có Chúa, có Thánh Linh dẫn dắt, nhưng cũng có quỷ, tên cám dỗ, Satan, mưu mô, quỷ quyệt. Nó biết dùng Lời Chúa một cách khéo léo, để buộc Đức Giêsu phải rơi vào chước cám dỗ. Hành trình hoang địa là hành trình xưa dân Israel đã đi và đã có nhiều kinh nghiệm thất bại. Họ kêu trách, phàn nàn, thoái lui khi thiếu bánh ăn, nước uống. Họ chạy theo tà thần “thờ bê vàng” thay vì thờ Chúa, Thiên Chúa, Đấng đã dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập. Họ thách thức Chúa thỏa mãn, cung ứng những nhu cầu thể xác, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn. Israel được gọi là “Con Đầu Lòng” của Chúa, Đức Giêsu được giới thiệu là “Con Thiên Chúa”. Con Thiên Chúa thuộc thế hệ hành trình hoang địa đã thất bại trong những cơn thử thách. Con Thiên Chúa, Con yêu dấu, Đức Giêsu đã chứng tỏ sự trung thành, tín thác, và yêu kính một mình Thiên Chúa. Sau khi nhịn chay bốn mươi ngày bốn mươi đêm, Người cũng đói như bao người, như dân Israel xưa trong hoang địa. Người có khả năng biến đá thành bánh, bằng chứng là Người có thể hóa bánh ra nhiều cho hơn 5000 người ăn no nê, nhưng Người đã không thỏa mãn cơn đói của chính mình. Thứ nhất, vì đó là thử thách của quỷ. Thứ hai, Người xác tín rằng Lời Chúa, giáo huấn của Chúa mới mang lại cho người ta sự sống đích thực và vĩnh cửu. Người ta không chỉ có sự sống thể lý mà còn có sự sống tinh thần, sự sống của linh hồn bất tử, sống theo thánh ý Chúa. Thứ ba, Người dám tín thác nơi Chúa hoàn toàn, thay vì cậy vào sức riêng của mình. Trong những cơn hoạn nạn, khốn khó của hành trình sa mạc, dân Israel xưa đã thử thách Chúa, đòi Chúa phải chứng minh về sự hiện hữu và quyền năng của Người qua sự giải thoát, ứng cứu kịp thời. Dân Do Thái thời Đức Giêsu cũng nhiều lần đòi Đức Giêsu làm dấu lạ để chứng tỏ uy quyền của Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Đức Giêsu sẵn sàng đón nhận đau khổ, bước đi hành trình thập giá cho đến cùng. Mặc cho quỷ xúi giục lao mình xuống từ nơi cao nhất của đền thờ, mặc cho dân chúng, thách thức, xúi giục Người xuống khỏi thập giá, Đức Giêsu vẫn một mực vâng phục đến cùng. Con Thiên Chúa, trong thân phận con người, chắc chắn thiếu thốn đủ điều, không tiền của, không địa vị xã hội, không vinh quang danh dự, thua cả quỷ nữa. Chính vì vậy, quỷ xúi giục phản bội, bất trung, tôn thờ quỷ để được vương quyền và vinh quang thế gian. Đức Giêsu không màng đến chức quyền, địa vị và vinh quang lợi lộc trần gian. Người rao giảng một “Nước Trời” (Nước Thiên Chúa), trong đó những người lớn nhất trở thành người phục vụ người nhỏ hơn; Trong đó, sự trao ban cách quảng đại, trở thành phúc lành hơn là sự tham lam thu tích, chiếm hữu. Đức Giêsu đã vượt qua tất cả những cơn thử thách của thế hệ hoang địa xưa. Người vượt qua tất cả những cám dỗ về danh, lợi, thú, và nỗi sợ hãi đau khổ, để chứng tỏ mình là “Con Thiên Chúa” đích thực, xứng đáng làm người giảng dạy, dẫn dắt dân mới vào Nước Trời. Những thử thách Đức Giêsu chịu trong hoang địa báo hiệu cho những thử thách trong suốt hành trình rao giảng của Người và sẽ được hoàn tất trong hành trình thương khó. Cái kết của trình thuật, tạm gọi là “những cơn thử thách của Con Thiên Chúa” (Mt 4,1-11), cũng báo trước cái kết của hành trình rao giảng, thương khó – phục sinh của Con Thiên Chúa làm người. Sau khi Đức Giêsu chiến thắng cả ba lần thử thách, tượng trưng cho mọi loại thử thách, “các sứ giả đến và hằng phục vụ Người.” “Các sứ giả” của Chúa sẽ “nâng bạn trên những bàn tay, để chân bạn khỏi vấp vào đá”, như lời trích dẫn của quỷ trước đó. “Các sứ giả” cũng cung ứng tất cả những nhu cầu bánh ăn, nước uống vì Đức Giêsu đã từ chối biến đá thành bánh. Động từ “phục vụ”, theo nghĩa hẹp là phục vụ bàn ăn, phục vụ bàn thờ, chăm sóc người nghèo, người đau khổ, nhưng theo nghĩa rộng là phục vụ bất cứ nhu cầu gì. Hơn nữa, động từ này được dùng ở thì “chưa hoàn thành” (imperfect), mô tả sự dài lâu của hành động phục vụ. Đức Giêsu đã chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa, khi Người loại bỏ quỷ để chỉ tín thác noi Chúa và phụng sự một mình Người mà thôi.

Học viện Thánh Anphongsô