“Yang” đối với người Jrai phải chăng là “Thượng Đế” theo cái nhìn tư tưởng Triết học Spinoza

YANG ĐỐI VỚI NGƯỜI JRAI

PHẢI CHĂNG LÀ THƯỢNG ĐẾ

THEO CÁI NHÌN TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC SPINOZA

 

TIỂU LUẬN TRIẾT HỌC

nộp cho Phân khoa Triết học

của Học viện thánh Anphongsô

theo yêu cầu hoàn tất

Chương trình Đào tạo Triết học

 

Gioan Rmah Tôni, C.Ss.R



Sài Gòn, năm 2023


Sinh viên Gioan Rmah Tôni hoàn tất tiểu luận này dưới sự hướng dẫn của Cha Giáo sư Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R.

  

Cha Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R.

Giáo sư hướng dẫn


DẪN NHẬP

 

1. Lý do chọn đề tài

Khởi đầu cho bài tiểu luận đó là những ưu tư về “bản sắc văn hóa” mang tính tôn giáo của người viết về chính dân tộc mình. Dân tộc Jrai. Chúng tôi có những quan niệm đầy sự thánh thiêng về chính cuộc sống này. Bởi lẽ, môi trường mà chúng tôi sống là “vạn vật hữu linh,” nên mọi sự hiện hữu trên thế giới này đều linh thiêng, đều có Yang. Tuy nhiên đã bị những người được gọi là “văn minh” cho là cổ hũ, lạc hậu và bị xem như là “trò nhảm nhí”. Chuyện gì đã xảy ra cho cả một nền văn hóa mang đậm bản sắc thánh thiêng này?

Người Jrai cũng như những người thuộc các sắc tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, thường xuyên có những nghi lễ cúng tế và khấn vái. Việc cúng tế và khấn vái là một trong những nét đặc trưng của người Jrai. Bởi lẽ, cuộc sống của họ gắn liền với các nghi thức truyền thống mang đậm nét tôn giáo trước những thực thể linh thiêng mà họ gọi là Yang. Tuy nhiên Yang mà người Jrai quan niệm không hoàn toàn là những “thực thể ảo” mà nó được hiện diện cụ thể, hiện sinh ngay trong chính đời sống thường ngày của người dân: từ cục đá, cây cỏ, muông thú… tất cả đều mang trong mình là vật linh, có Yang trú ngụ.

Việc có Yang “ngự trị” ở những vật linh không gì kì lạ ở những bộ tộc trong vùng Tây Nguyên. Bởi lẽ, cuộc sống của họ gắn liền với môi trường “rừng thiêng nước độc,” nơi này có vô số những thực thể kì bí, đầy nguy hiểm, luôn đe dọa cuộc sống và vây bủa tâm trí họ. Chính những vật được gọi Yang là hình ảnh của các “vị thần” mà họ khẩn cầu để được bảo vệ, che chở cho “tai qua nạn khỏi,” dân làng được yên ổn và ấm no. Họ rất sợ bị các Yang trừng phạt, dù chỉ là hành động vô tình trong đời sống cũng có thể khiến Yang không vừa lòng. Thế nên, họ tôn thờ, sợ hãi và dâng những đồ cúng tế thật linh đình nhằm làm hài lòng các Yang. Có lẽ con người hiện đại, ngay cả những người Jrai thuộc “thế hệ mới” cũng cho điều đó là trò nhảm nhí, lạc hậu và cổ hũ cần loại bỏ. Thế nhưng, có thật sự chỉ những người mê muội mới tin rằng: Thượng Đế tồn tại và hiện diện cụ thể trong thế giới mình sống? người “văn minh” họ phủ nhận đều đó chăng?

Spinoza là một triết gia thuộc trường phái Phiếm thần. Ông là một trong những nhà tư tưởng có trí thức uyên thâm, nhưng bị chính dân tộc mình khai trừ khỏi Giáo hội Do Thái. Bởi lẽ, ông cho rằng: Bản thể, Thiên nhiên và Thượng đế là một. Thế nên, ông say mê lý thuyết nhất thể giữa vũ trụ và Thiên Chúa. Qua đó, ông khẳng định: Thượng Đế có hình dạng, hiện diện trong những thực thể với nhiều kiểu cách và tuân theo những quy luật của tự nhiên. Thật hợp lý, chính những tư tưởng này, phần nào đó cũng đồng quan điểm với quan niệm của người Jrai về sự “tồn tại” của Yang.

Thế nên, người viết muốn trình bày một vài khía cạnh trong tâm thức, cũng như cái nhìn tư tưởng về việc “hiện hữu” và “quyền năng” của Yang theo cách gọi của người Jrai và Thượng đế theo tư tưởng Triết học của Spinoza trong thế giới mà con người đang sống.

2. Mục tiêu của việc nghiên cứu

Qua những nhận định trên, người viết muốn tìm hiểu cái quan niệm về Thượng đế của dân tộc Jrai so với những triết lý của các nhà tư tưởng mà đại diện là Spinoza nhìn nhận về nó. Phải chăng, mọi vật hiện hữu cụ thể trong thế giới, vũ trụ này thật sự là Thiên Chúa đó? Ngài làm việc, Ngài là việc trong quy luật định sẵn của thiên nhiên, vũ trụ.  Ngài hiện hữu dưới hình dạng của tự nhiên, hết sức bình dị như quan niệm của người Jrai về Yang, hay trong mọi sự vật với bản chất Thiên Chúa, vì Ngài sáng tạo ra nó trong tư tưởng Triết học của Spinoza chẳng hạn.

3. Phạm vi và giới hạn đề tài nghiên cứu

Bản sắc văn hóa của người Jrai rất đa dạng và phong phú, mỗi khía cạnh trong cuộc sống đều có những ý nghĩa riêng biệt, mang tính chất thiêng liêng mà người viết sẽ không tài nào thâu tập lại hết được. Thế nên, người viết chỉ nhấn mạnh đến một vài khía cạnh nhỏ trong quan niệm về Yang của người Jrai mà thôi.

Bên cạnh đó, triết học Spinoza cũng chứa đựng vô số những tư tưởng rất uyên thâm, khác lạ và đồ sộ. Thế nên, để có một cái nhìn cụ thể và dễ dàng hơn về triết lý của tác giả, người viết chỉ có thể “mượn” một ít tư tưởng hay quan niệm về Thượng đế của triết gia Spinoza để làm “chất liệu” cho đề tài tiểu luận của mình.

4. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện bài tiểu luận, người viết sử dụng nguồn nghiên cứu chủ yếu từ một số tác phẩm của nhà sử học, linh mục Jacques Dournes, người đã bỏ ra cả cuộc đời để tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng và những tập tục linh thiêng của các bộ tộc thuộc vùng Tây Nguyên, đặc biệt là tộc người Jrai.

Bên cạnh đó, người viết cũng sử dụng nguồn tài liệu trong tác phẩm của Joseph Ratner để tìm hiểu về triết học Spinoza. Tuy nhiên, tư tưởng của Spinoza rất khó hiểu, vì ông sử dụng một thứ ngôn ngữ đặc loại, phải đọc nhiều lần và tham khảo nhiều tác giả mới có thể nắm bắt được kết cấu điều mà tác giả muốn nhắm đến. Thế nên, không tránh khỏi việc người viết có nhận định chủ quan về tác phẩm.

Trong quá trình thực hiện đề tài, người viết tuân theo những quy luật căn bản của một bài viết, lối suy tư và trình bày theo phương pháp diễn dịch, hay còn gọi là phương pháp lý thuyết, viết theo trình tự trên dưới, tổng hợp và phân tích. Kết hợp với đó, người viết sử dụng phương pháp đối chiếu nhằm có được cái nhìn tổng quan và đa dạng để đưa ra nhận định của bản thân.

5. Cấu trúc tiểu luận

Ngoài phần dẫn nhập và kết luận, người viết sẽ triển khai bài tiểu luận trong ba chương: Chương đầu tiên sẽ trình bày “Quan niệm của người Jrai về Yang.” Phần này, người viết sẽ tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, tập tục của người Jrai để có thể nắm rõ phần nào nguồn gốc về Yang mà họ quan niệm.

Tiếp đến, người viết sẽ đưa ra một vài cái nhìn khác nhau về Thượng đế trong tiến trình nhận thức của những triết gia theo dòng lịch sử Triết học. Qua đó, người viết muốn có một cái nhìn thực tế hơn về “Thượng Đế trong tử tưởng triết học của Spinoza.” Điều này được khái quát trong chương hai của bài tiểu luận.

Với chương ba “Yang trong tâm thức người Jrai phải chăng là Thượng đế trong cái nhìn của Spinoza.” Đây là phần tổng hợp của người viết, qua sự đối chiếu với hai quan niệm trên, để rồi đưa ra nhận định chủ quan trong “ý niệm” về Thiên Chúa mà họ cảm thức. Qua đó, tìm ra những điểm hạn chế trong quan niệm của người Jrai so với quan điểm của các các triết gia phiếm thần mà Spinoza là đại diện.


DÀN BÀI CHI TIẾT

DẪN NHẬP

CHƯƠNG I: QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI JRAI VỀ YANG

1. Thế giới quan của người Jrai

1.1. Thế giới con người

1.2. Thế giới người chết

1.3. Thế giới thần linh

2. Yang trong đời sống của người Jrai

2.1. Các nghi lễ cúng bái và cầu khẩn lên Yang

2.1.1. Trong hôn nhân

2.1.2. Hòa giải

2.1.3.          Kết nghĩa

2.2. Lễ hội với những nghi thúc cúng thần

2.2.1. Mừng lúa mới

2.2.2. Đâm Trâu

2.2.3. Bỏ m

2.3. Đời sống thường ngày gắn chặt với sự yểm trợ của thần linh

2.3.1. Lên rẫy

2.3.2. Săn thú

2.3.3. Chiến đấu

3. Quan niệm về Yang của người Jrai

3.1. Yang hiền – những vị thần của điều lành

3.2. Yang dữ - những tai họa âp đến do yang không ưng thuận

3.3. Ơi Adai – Yang cao cả vượt lên trên các yang

CHƯƠNG II: THƯỢNG ĐẾ TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC SPINOZA

1. Quan niệm về Thượng đế của Spinoza

1.1. Thượng đế theo dòng Lịch sử Triết học

1.1.1. Theo Aristotele

1.1.2. Theo Descartes

1.1.3. Theo Immanuel Kant

1.2. Thượng đế theo cái nhìn của Spinoza

1.2.1.Thế giới xét như là một tổng thể

1.2.2. Sự nhất thể giữa vũ trụ và Thượng đế

1.2.3.Thiên nhiên như là một trật tự thống nhất và đồng nhất tuyệt đối vô hạn

2. Thượng đế hay thiên nhiên

2.1. Thực thể và các thuộc tính

2.2. Thượng đế và thế giới: các kiểu thức

2.3. Các kiểu thức và tính tất yếu

3. Tư tưởng Triết học về Thượng đế của Spinoza

3.1. Chất thể thần linh là Thượng đế

3.2. Thiên nhiên và Thượng đế là một

3.3. Bản thể của vũ trụ là Thượng đế

CHƯƠNG III: YANG TRONG TÂM THỨC NGƯỜI JRAI PHẢI CHĂNG LÀ THƯỢNG ĐẾ THEO CÁI NHÌN CỦA SPINOZA

1. Tồn tại những thực thể thần linh chi phối mọi hoạt động của con người

1.1. Đại diện cho Ơi Adai ở trần gian

1.2. Mang đến sự bình an cho con người

1.3. Giúp đỡ con người trong cuộc sống thường ngày

2. Thiên nhiên là vị thần của Spinoza

2.1. Mọi vật tồn tại trong thế giới đều là Thiên Chúa.

2.2. Con người dùng lý trí để nhận ra ý định của Thiên Chúa.

2.3. Thượng đế toàn năng theo những quy luật đã định sẵn.

3. Ơi Adai và Thượng đế là một

3.1. Thực thể duy nhất, cao trọng vượt lên trên tất cả.

3.2. Thiên nhiên, vũ trụ và vạn vật là Thiên Chúa.

3.3. Thiên Chúa – Đấng toàn năng.

4. Những hạn chế trong quan niệm về Ơi Adai và Thượng đế của người Jrai và của Spinoza

KẾT LUẬN


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sách nguồn [theo thứ tự alphabet]

Dournes, Jacques. Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jơrai, Nguyễn Phương Chi dịch, Nguyên Ngọc hiệu chính. Hà Nội: NXB. Thế giới, 2021.

            Thiên Chúa yêu thương muôn dân, Tòa Giám Mục Kontum dịch. Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2018.

            Miền đất huyền ảo, Nguyên Ngọc dịch. Tp HCM: NXB. Thông tin và Truyền thông, 2018.

Ratner, Joseph. Triết học Spinoza, Phạm Viêm Phương dịch. Tp HCM: NXB. Tri thức, 2020.

2. Sách thứ yếu [theo thứ tự alphabet]

Condominas, Georges. Chúng tôi ăn Rừng. Trần thị Lan Anh, Phan Ngọc Hà, Trịnh Thu Hồng, Nguyễn Thu Phương dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính. Hà Nội: NXB. Thế Giới, 2020.

Cửu Long Giang và Toan Ánh hợp soạn. Cao nguyên miền thượng. Sài Gòn: NXB, 1974.

Dourisboure, Piere. Dân làng hồ, Giáo phận Kontum chuyển ngữ. Kontum: NXB. Đà Nẵng, 2008.

Durant, Will. Câu chuyện Triết học, Sài Gòn: NXB. Tổng hợp, 1994.

Hirschberger, Johannes. “Triết học đồng nhất của Spinoza.” Vũ Hoàng Lan Phương dịch. Truy cập ngày 16-11-2022, http://triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/thuyet-duy-ly/triet-hoc-dong-nhat-cua-spinoza_911.html.

Stumpf, Samuel Enoch. Lịch sử Triết học và các Luận đề. Tp HCM: NXB. Lao Động, 2004.

Trần Sĩ Tín. Hạt giống Kitô trong đất Jrai. Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2009.

 

Học viện Thánh Anphongsô