Dẫn lễ Chúa nhật Lễ Lá - Học viện thánh Anphongsô (2024)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ: 
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

 


NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC

Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, Thông tư về việc Chuẩn bị và cử hành Đại Lễ Phục Sinh, số 27-34:

Tuần Thánh

1. Trong Tuần Thánh, Hội Thánh cử hành những mầu nhiệm cứu độ mà Chúa Kitô đã hoàn tất vào những ngày cuối cùng của Người ở nơi trần thế, bắt đầu với việc Người tiến vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia.

Mùa Chay kết thúc ngay trước Thánh Lễ Tiệc Ly. Tam nhật Vượt Qua bắt đầu với Thánh Lễ ban chiều tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa, được tiếp nối với ngày thứ Sáu Tuần Thánh tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa và sang qua thứ Bảy Tuần Thánh, rồi kết thúc bằng giờ kinh Chiều Chúa nhật Phục Sinh; trung tâm của Tam Nhật là Đêm Canh thức Vượt Qua.

“Những ngày trong Tuần Thánh, từ thứ Hai đến thứ Năm, được ưu tiên hơn mọi cử hành nào khác, tức là chỉ cử hành Thánh Lễ theo ngày.” Trong các ngày này, không cử hành các bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức.

Chúa nhật Thương Khó (Chúa nhật Lễ Lá)

2. Tuần Thánh bắt đầu bằng Chúa nhật Lễ Lá. Sự kiện này nối kết lời tiên báo về cuộc khải hoàn vinh thắng của Vua Giêsu Kitô và Cuộc Thương Khó của Người. Sự liên kết hai khía cạnh này trong mầu nhiệm Vượt Qua nên được trình bày và giải thích trong khi cử hành nghi lễ và giảng dạy giáo lý.

3. Việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem phải được cử hành cách long trọng; các tín hữu nên bắt chước các trẻ em Do Thái khi tiến đến gặp Chúa Giêsu, vừa hát “Hosanna – Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” vừa làm cử chỉ tung hô kèm theo.

4. Cuộc rước kiệu có thể diễn ra chỉ một lần trước Thánh Lễ nào mà có số đông tín hữu tham dự nhất, ngay cả Thánh Lễ chiều thứ Bảy hoặc là chiều Chúa nhật. Cộng đoàn cũng có thể tập trung ở một nhà thờ nhánh, hoặc ở một nhà nguyện, hoặc một nơi nào thích hợp để rước kiệu lá về nhà thờ muốn cử hành Thánh Lễ.

Trong cuộc rước kiệu lá, các tín hữu cầm lá trong tay. Linh mục chủ tế và các thừa tác viên cũng cầm lá đi trước mọi người.

Lá cầm đi kiệu phải được làm phép. Rồi sau đó, lá phải được mang về lưu giữ ở gia đình nhằm nhắc nhớ về sự chiến thắng của Chúa Kitô.

­Các vị mục tử lo liệu làm sao để cuộc rước kiệu lá tôn vinh Chúa Kitô Vua mang lại nhiều ý nghĩa cho đời sống thiêng liêng của tín hữu.

Để tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, Sách lễ Rôma còn đưa ra hai hình thức khác dành cho những nơi không thể cử hành một cuộc rước kiệu. Hình thức thứ hai được áp dụng cho những nơi nào không thể rước kiệu ngoài nhà thờ được, thì cử hành nghi thức nhập lễ trọng thể. Hình thức thứ ba là cử hành nghi thức nhập lễ đơn giản cho tất cả mọi Thánh Lễ của Chúa nhật này mà không cử hành nghi thức nhập lễ trọng thể được.

5. Nơi nào không cử hành Thánh Lễ được, thì chiều thứ Bảy hoặc Chúa nhật, vào lúc thuận tiện, nên cử hành phụng vụ Lời Chúa về việc Đấng Cứu Thế vào thành Giêrusalem và Cuộc Thương Khó của Người.

6. Trong cuộc rước kiệu, ca đoàn và tín hữu nên hát những bài thánh ca được đề nghị trong Sách lễ Rôma, đặc biệt là Thánh vịnh 23 và 46, cũng như các bài thánh ca thích hợp nhằm tôn vinh Chúa Kitô là Vua.

7. Bài Thương Khó chiếm một vị trí đặc biệt trong Thánh Lễ. Bài Thương Khó nên được hát hoặc đọc theo cách thức truyền thống, tức là gồm ba người đóng ba vai: Chúa Kitô, người kể, và dân chúng. Phó tế hoặc Linh mục đọc Bài Thương Khó. Người đọc sách cũng có thể đọc Bài Thương Khó, nhưng phần những lời của Chúa Kitô thì dành cho Linh mục.

Khi đọc Bài Thương Khó, không mang đèn nến, không xông hương, không chào và cũng không ghi dấu Thánh Giá trên sách. Nếu Phó tế công bố Bài Thương Khó thì phải đến xin chủ tế ban phép lành như trong các Thánh Lễ khác. Vì ích lợi cho đời sống đạo của người tín hữu, cần đọc Bài Thương Khó trọn vẹn và các bài đọc trước đó không được bỏ.

8. Kết thúc Bài Thương Khó thì có bài giảng (vắn gọn) cho cộng đoàn tham dự.

Sách lễ Rôma 2002 (ấn bản mẫu thứ ba, 2002) trích trong Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN, Phụng vụ Tuần Thánh (2023):

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

1. Hôm nay Hội Thánh tưởng niệm việc Chúa Kitô vào thành Giêrusalem hoàn tất mầu nhiệm Vượt qua của Người. Vì thế, trong các Thánh Lễ, sẽ tưởng niệm việc Chúa vào thành hoặc bằng nghi thức rước kiệu hay nhập lễ trọng thể trước Thánh Lễ chính, hoặc nhập lễ đơn giản trong những Thánh Lễ khác. Có thể cử hành lại việc nhập lễ trọng thể, nhưng không được lặp lại cuộc kiệu, trước một hay hai Thánh Lễ thường có đông người tham dự. Nơi nào không thể tổ chức rước kiệu hay nhập lễ trọng thể thì nên cử hành Lời Chúa về việc vào thành và Cuộc Thương Khó của Chúa vào chiều thứ Bảy hay giờ nào thuận tiện hơn trong Chúa nhật.


Tưởng niệm Chúa vào thành Giêrusalem

Hình thức I: Rước lá

2. Vào giờ thuận tiện, dân chúng tụ họp tại một nhà thờ nhỏ hay một nơi thích hợp ngoài nhà thờ sẽ cử hành Thánh Lễ. Các tín hữu cầm lá trong tay.

3. Linh mục và Phó tế, mặc lễ phục đỏ như luật quy định, có các thừa tác viên khác cùng đi đến nơi dân chúng tụ họp. Linh mục có thể mặc áo choàng, và sau khi kết thúc cuộc rước, sẽ thay áo choàng bằng áo lễ.

4. Đang khi đi rước có thể hát đối ca sau đây hoặc một ca khúc thích hợp.

Linh mục và tín hữu làm dấu Thánh Giá Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, vị chủ sự chào chúc dân chúng như thường lệ, nói vắn tắt mời gọi tín hữu tham dự việc cử hành cách tích cực và ý thức.

8. Sau bài Tin Mừng, có thể giảng vắn tắt.

Để bắt đầu cuộc rước, Linh mục hoặc Phó tế hoặc một thừa tác viên giáo dân có thể dùng những lời sau đây hoặc tương tự kêu mời dân chúng: Anh chị em rất thân mến, như đám đông dân chúng ngày xưa, chúng ta hãy tung hô Chúa Giêsu và tiến bước trong bình an. 

Hoặc: Chúng ta hãy tiến bước trong bình an. 

Mọi người thưa: Nhân danh Chúa Kitô. Amen.

9. Đoàn rước bắt đầu tiến về nhà thờ cử hành Thánh Lễ. Nếu có xông hương, người cầm bình hương có than lửa cháy đi đầu, tiếp theo là thừa tác viên giúp lễ hay một thừa tác viên khác cầm Thánh Giá có trang hoàng những nhánh lá theo tập tục địa phương, đi giữa hai thừa tác viên cầm nến cháy. Theo sau là Phó tế mang sách Tin Mừng, rồi Linh mục cùng với các thừa tác viên, và tiếp đó là đoàn tín hữu cầm lá trong tay. Đang khi đi rước, ca đoàn và dân chúng hát những ca khúc sau đây hay những ca khúc khác để tôn vinh Chúa Kitô Vua.

11. Khi tới bàn thờ, Linh mục hôn kính bàn thờ và tuỳ nghi xông hương, rồi về ghế. Thay áo choàng bằng áo lễ. Không cử hành nghi thức nhập lễ và kinh Xin Chúa thương xót, đọc lời nguyện Nhập lễ, sau đó tiếp tục Thánh Lễ như thường lệ.

Hình thức II: Nhập lễ trọng thể

12. Nơi nào không thể kiệu lá từ ngoài nhà thờ, thì cử hành việc Chúa vào thành ở trong nhà thờ theo hình thức nhập lễ trọng thể trước Thánh Lễ chính.

13. Các tín hữu tụ họp tại cửa nhà thờ hay trong nhà thờ, tay cầm lá. Linh mục, các thừa tác viên và một số giáo dân đại diện tiến tới chỗ thuận tiện trong nhà thờ, ngoài cung thánh, nơi ít ra phần đông tín hữu có thể nhìn thấy.

14. Khi Linh mục tiến tới điểm đã chọn, hát đối ca Hoan hô con vua Đavid hay ca khúc thích hợp. Rồi làm phép lá và công bố Tin Mừng về việc Chúa vào thành Giêrusalem, như ghi ở trên (các số 5-7). Sau bài Tin Mừng, Linh mục cùng với các thừa tác viên và số giáo dân đại diện long trọng đi qua nhà thờ tiến lên cung thánh, trong khi đó hát đối ca: Khi Chúa vào thành thánh (số 10) hay ca khúc thích hợp.

15. Khi tới bàn thờ, Linh mục hôn kính bàn thờ rồi về ghế. Không đọc nghi thức đầu lễ và kinh Xin Chúa thương xót, đọc lời nguyện Nhập lễ và tiếp tục Thánh Lễ như thường lệ.

Hình thức III: Nhập lễ đơn giản

16. Trong tất cả các Thánh Lễ của Chúa nhật này, nếu không cử hành việc nhập lễ trọng thể, thì tưởng niệm việc Chúa vào thành Giêrusalem bằng hình thức nhập lễ đơn giản.

17. Khi Linh mục tiến đến bàn thờ, hát ca nhập lễ cùng với thánh vịnh (số 18) hay một ca khúc nào khác có cùng ý nghĩa. Linh mục hôn kính bàn thờ và về ghế. Sau dấu Thánh Giá, Linh mục chào chúc dân chúng rồi tiếp tục Thánh Lễ như thường lệ.

Trong những Thánh Lễ không thể hát ca nhập lễ, thì ngay khi tới bàn thờ, Linh mục hôn kính bàn thờ, chào chúc dân chúng, đọc ca nhập lễ và tiếp tục Thánh Lễ như thường lệ.

21. Khi đọc bài Thương khó, không mang đèn và hương, không chào chúc và ghi dấu Thánh Giá trên sách. Phó tế, hoặc nếu không có Phó tế, Linh mục đọc bài Thương khó. Các thầy đọc sách cũng có thể đọc, nhưng nếu được, nên dành phần của Chúa Giêsu cho Linh mục.

Trước khi hát bài Thương khó, các Phó tế xin Linh mục chúc lành, như trước khi đọc bài Tin Mừng. Những người khác không phải xin chúc lành.

22. Sau bài Thương khó, có thể giảng vắn tắt. Cũng có thể giữ thinh lặng ít phút. Đọc kinh Tin kính và Lời nguyện chung.

 


NHỮNG ĐỒ CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC

1. Trên gian bàn thờ chính:

- Thánh Giá.

- Bình cắm lá thay hoa.

- Nhà Tạm phủ khăn đỏ.[1]

2. Trên bàn nhỏ cạnh bàn thờ chính: tất cả những đồ cần dùng trong Thánh Lễ.

3. Trong cung thánh: giá sách với bài tường thuật Cuộc Thương Khó.

4. Nơi làm phép lá: bình nước thánh.

5. Trong phòng thánh:

- Thánh Giá (không phủ khăn) có gắn những cành lá để dẫn đầu cuộc rước lá.

- Áo lễ đỏ cho chủ tế (khi đi kiệu, chủ tế mặc áo choàng), lễ phục cho các phụ tế, các người đọc bài tường thuật Cuộc Thương Khó.

- Đèn, hương, lửa.


Cộng đoàn tụ họp ở một nơi thích hợp, tay cầm lá.

Người dẫn:

Kính thưa cộng đoàn, để bắt đầu nghi lễ, xin cộng đoàn cùng lắng nghe ý nghĩa của buổi cử hành phụng vụ hôm nay.

Trong Tam nhật Vượt Qua, vào thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta sẽ nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Hội Thánh cho đọc bài tường thuật Thương Khó ngay từ Chúa nhật hôm nay, để thập giá Chúa Kitô nổi bật trong suốt Tuần Thánh. Như vậy, Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá và kết thúc vào Chúa nhật Phục Sinh. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng: khổ nạn và phục sinh là hai giai đoạn của một mầu nhiệm duy nhất, mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Kitô cứu ta thoát khỏi tội lỗi và cho ta được tình nghĩa với Thiên Chúa.

Phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá hôm nay gồm hai phần:

Phần thứ nhất: NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHÚA VÀO GIÊRUSALEM.

Phần thứ hai: THÁNH LỄ TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA.

Mời cộng đoàn cùng bước vào phần thứ nhất: NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHÚA VÀO GIÊRUSALEM.[2]

Chủ tế mặc áo lễ (hoặc áo choàng)
cùng đoàn lễ sinh tiến ra nơi cộng đoàn đang tụ họp.


I. NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHÚA VÀO GIÊRUSALEM

Người dẫn (khi chủ tế và đoàn lễ sinh đang tiến ra):

Kính thưa cộng đoàn,

Hôm nay, chúng ta tưởng niệm Chúa Kitô vào thành Giêrusalem để hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua. Mỗi người chúng ta cầm lá trong tay và tung hô: “Hoan hô Thái Tử nhà Đavít! Chúc tụng Vua Israel, Đấng ngự đến nhân danh Chúa: Hoan hô Chúa trên các tầng trời!”

Hát: chọn bài hát thích hợp.

Linh mục và tín hữu làm dấu Thánh giá. Linh mục chào chúc dân chúng như thường lệ, nói vắn tắt với những lời sau đây hoặc tương tự để mời gọi tín hữu tham dự việc cử hành cách tích cực và ý thức.

Người dẫn (khi chủ tế đến nơi đã được sắp xếp): Linh mục chủ tế mời gọi cộng đoàn.

Chủ tế:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta tụ họp nơi đây, để cùng toàn thể Hội Thánh khai mạc Tuần Thánh tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, tức là Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Kitô.

Để chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt mùa Chay, chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho nhau.

Chúa nhật Lễ Lá hôm nay là ngày kỷ niệm Đấng Cứu Thế vào thành thánh Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, đem lại cho loài người Ơn Cứu Độ, chúng ta hãy đem cả niềm tin mà hăng hái bước theo Người.

Xin Người ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ Người đã chịu trên thập giá, hầu được chia sẻ vinh quang Phục Sinh và sự sống của Người.

Sau lời mời gọi, chủ tế dang tay đọc lời nguyện.

Người dẫn (sau lời mời gọi): Linh mục chủ tế dâng lời nguyện.

Chủ tế:

Lạy Thiên Chúa Toàn Năng hằng hữu, xin thánh X hiến những cành lá này, để chúng con cầm mà hoan nghênh Đức Giêsu là Vua chúng con. Xin ban cho mọi người chúng con đây là tín hữu Chúa được theo Người vào thành thánh Giêrusalem vĩnh cửu. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Cộng đoàn: Amen.

Sau lời nguyện, chủ tế thinh lặng rảy nước thánh trên lá.[3] Phó tế, nếu không có Phó tế thì Linh mục công bố theo cách thức thường lệ bài Tin Mừng về việc Chúa vào thành. TUỲ NGHI CÓ THỂ XÔNG HƯƠNG SÁCH TIN MỪNG.[4] 

Người dẫn (sau khi rảy nước thánh xong):

Mời cộng đoàn cùng lắng nghe Tin Mừng.

-  Năm A: Mt 21,1-11.

-  Năm B: Mc 11,1-10 hoặc Ga 12,12-16.

-  Năm C: Lc 19,28-40.

Sau Tin Mừng, có thể tuỳ nghi giảng một bài vắn tắt. Để bắt đầu cuộc rước, chủ tế hoặc một thừa tác viên khuyến khích giáo dân bằng những lời sau đây hoặc tương tự:

Người dẫn (sau bài giảng vắn tắt, nếu có, của chủ tế): Linh mục chủ tế mời gọi cộng đoàn.

Chủ tế:

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy noi gương dân thành Giêrusalem mà hoan hỷ lên đường nghênh đón Chúa Kitô.

Người dẫn (sau lời mời gọi của chủ tế):

Thứ tự đoàn rước như sau:

- Bình hương.

- Thánh Giá có gắn nhành lá và đèn hầu.

- Phó tế cầm Sách Tin Mừng (nếu có).

- Chủ tế tay cầm lá.

- Các thừa tác viên tay cầm lá.

- Lễ sinh, ca đoàn, cộng đoàn tay cầm lá.

Bắt đầu cuộc rước lá thì hát một bài hát thích hợp. Đoàn rước bắt đầu tiến về nhà thờ cử hành Thánh Lễ. Nếu có xông hương, người cầm bình hương có than lửa cháy đi đầu, tiếp theo là thừa tác viên giúp lễ hay một thừa tác viên khác cầm Thánh Giá có trang hoàng những nhánh lá theo tập tục địa phương, đi giữa hai thừa tác viên cầm nến cháy. Theo sau là Phó tế mang sách Tin Mừng, rồi Linh mục cùng với các thừa tác viên, và tiếp đó là đoàn tín hữu cầm lá trong tay.[5]

Tới bàn thờ, chủ tế chào kính bàn thờ và tuỳ nghi xông hương Thánh Giá và bàn thờ (nếu Thánh Giá đã được phủ khăn vào thứ Bảy trước Chúa nhật V mùa Chay thì không xông hương Thánh Giá). Sau đó tiến về ghế ngồi (cởi áo choàng, mặc áo lễ), đọc ngay lời nguyện Nhập lễ rồi tiếp tục Thánh Lễ như thường lệ (không hát Kinh Vinh Danh).


II. THÁNH LỄ

A. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1. Bài đọc 1 (Is 50,4-7): Ngôn sứ Isaia mô tả người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, tuy bị nhục mạ nhưng vẫn hiên ngang, can đảm chấp nhận. Đó chính là hình ảnh của Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa. Mời cộng đoàn cùng lắng nghe.[6]

2. Bài đọc 2 (Pl 2,6-11): Mầu nhiệm cứu độ được thực hiện nơi Đức Giêsu, Đấng tự hạ, vâng phục Thiên Chúa cho đến chết trên thập giá. Bất cứ ai muốn hiệp thông trong Ơn Cứu Độ này cũng phải khiêm hạ và từ bỏ mình. Mời cộng đoàn cùng lắng nghe.

3. Bài Thương Khó (không nến, không xông hương, không chào, không ghi Dấu Thánh Giá trên sách; kết thúc bài Thương Khó, Linh mục / Phó tế xướng “Đó là Lời Chúa” như thường lệ, nhưng không hôn sách)[7]

4. Bài giảng

5. Kinh Tin kính

6. Lời nguyện tín hữu[8]


Năm A

Chủ tế: Anh chị em thân mến, để chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt mùa Chay chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho nhau. Hôm nay, phụng vụ tung hô Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, đồng thời mời gọi ta bước theo Người trên con đường thập giá. Với tâm tình biết ơn và chia sẻ sự đau khổ với Đức Giêsu, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin:

1. Đức Kitô đã lên Giêrusalem chịu khổ hình để cứu độ nhân loại và bước vào vinh quang. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh Chúa, sau khi vượt qua cõi đời này được đạt tới vinh quang bất diệt. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Hiện nay bạo lực vẫn tràn lan trên khắp thế giới, người ta sẵn sàng lao vào giết chóc nhau, nhiều khi chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa thay lòng đổi dạ con người trên trái đất hôm nay, để mọi người biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Không nên tự phụ vào sức riêng mình nhưng cần trông cậy vào ơn Chúa trợ giúp, đó phải là điều tâm niệm hằng ngày của mỗi Kitô hữu. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu đừng tự cao tự đại, nhưng biết khiêm tốn tin tưởng vào ơn phù trợ của Chúa, vì bản tính con người vốn yếu đuối mỏng giòn. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Bước theo Đức Kitô trên con đường thập giá là điều xem ra không phải lúc nào cũng dễ dàng thuận lợi. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết cố gắng vượt qua mọi thử thách gian nan, để có thể dấn thân theo Chúa đến cùng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin cho mầu nhiệm thập giá là mầu nhiệm của tình thương luôn luôn sống động trong cuộc đời chúng con, để trong cuộc sống thường ngày, lúc nào chúng con cũng biết yêu thương và nâng đỡ nhau, đồng thời không bao giờ trở nên Thánh Giá cho những người chung quanh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.


Năm B

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Giờ của Đức Kitô đã đến. Người Tôi Trung sẽ hoàn thành công cuộc cứu độ của Người. Với tâm tình cảm tạ tri ân và chia sẻ sự đau khổ của Đức Giêsu Kitô, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. Đức Giêsu đã chịu khổ hình để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội Thánh biết hy sinh hãm mình, thông phần vào Cuộc Thương Khó của Người, để nhờ đó được vui mừng tham dự đại lễ Vượt Qua. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Trên thế giới ngày nay, vẫn còn biết bao người gặp đau khổ triền miên vì bệnh tật, vì chiến tranh, vì thiên tai. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những anh chị em đang gặp hoạn nạn được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ kịp thời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Đức Giêsu đã tự hạ sống phục tùng cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu cũng biết sống kiên nhẫn và phục tùng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Đức Maria là Mẹ của những ai đang gặp ưu phiền. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, biết chạy đến cùng Mẹ, để được Người phù trì, che chở mỗi khi gặp thử thách gian nan. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.


Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết để cho chúng con được sống và được sống dồi dào. Xin cho chúng con luôn sống xứng đáng với tình yêu bao la Chúa đã dành cho chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Năm C

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Đấng Cứu Độ chúng ta đã nói: Một khi được nâng lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi. Với ước muốn được chia sẻ chén đắng với Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. Hội Thánh mời gọi con cái mình cùng bước theo Đức Giêsu trên con đường Thương Khó. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu biế can đảm vác thập giá theo chân Chúa đến cùng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Trên thế giới ngày nay, khuynh hướng thích hưởng thụ và ngại hy sinh rất phổ biến. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều người dám xả thân phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh trong xã hội. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Con đường rộng rãi thênh thang là con đường dẫn tới cái chết. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu biết cố gắng sống theo con đường hẹp của Tin Mừng để nhờ đó mà được sống đời đời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Tuần Thánh là tuần lễ quan trọng nhất trong năm Phụng Vụ, đặc biệt là Tam nhật Vượt Qua. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết cố gắng sắp xếp để tham dự nghi lễ thật đông đảo và sốt sắng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương mà Chúa đã tự nguyện đón nhận cái chết trên thập giá để cho chúng con được sống dồi dào. Xin Chúa cho chúng con luôn sống xứng đáng với tình thương cao cả ấy. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

B. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ (như thường lệ)

1. Tiến lễ

2. Hiệp lễ

3. Kết lễ

Sau bài hát kết lễ, có thể dẫn: xin lưu ý cộng đoàn, lá được làm phép trong Thánh Lễ hôm nay được mang về và lưu giữ ở gia đình nhằm nhắc nhớ về sự chiến thắng của Chúa Kitô.



[1] Chỉ áp dụng cho những nơi mà Nhà Tạm, trước đó, đã phủ khăn hoặc phủ bằng một khăn màu khác.

[2] Nghi thức này có 3 hình thức: rước lá; nhập lễ trọng thể; nhập lễ đơn giản. Tuỳ nhu cầu mục vụ mà áp dụng (x. Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN, Phụng vụ Tuần Thánh (2023)).

[3] KHÔNG RẢY NƯỚC THÁNH TỪ PHÍA SAU LƯNG DÂN CHÚNG. Nếu một giáo xứ lớn với khá đông người tham dự Thánh Lễ và phải mất nhiều thời gian mới rảy xong, nên sử dụng thêm nhiều bình chứa khác. Các thừa tác viên [CÓ CHỨC THÁNH] sẽ chia nhau rảy trong khu vực được phân công cho mình với một giúp lễ cầm bình nước thánh đi theo [bên trái] (x. Ủy ban Phụng tự - HĐGM.VN, Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép (2019) ; Denis C. Smolarski, Q & A: The Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 2002), 6-7.

[4] Sách lễ Rôma 2002 (ấn bản mẫu thứ ba, 2002) – Chúa nhật lễ Lá, số 7.

[5] Sách lễ Rôma 2002 – Chúa nhật lễ Lá, số 9.

[6] Dù người dẫn lễ có đọc lời dẫn trước các bài đọc nhưng người đọc sách vẫn luôn phải đọc “Bài trích sách…” hoặc “Bài trích thư…” hoặc “Tin Mừng Chúa Giêsu…” (x. Mục lục các bài đọc trong Thánh Lễ (1981), số 121). Tiêu đề duy nhất được đọc lên là câu chỉ ra tên của cuốn Sách Thánh / Thánh Thư được công bố, hoặc, tác giả của bản văn / tác phẩm đó. Ví dụ: “Bài trích thư thánh Phaolô tông đồ gởi Timôthê;” “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh…” (x. Notitiae 14 [1978] 303, no. 5).

[7] Về Bài Thương Khó, xin lưu ý vài điểm:

-  Khi đọc Bài Thương Khó, không mang đèn và hương, không chào chúc và ghi dấu Thánh Giá trên sách. Phó tế, hoặc nếu không có Phó tế, Linh mục đọc Bài Thương Khó. Các thầy đọc sách cũng có thể đọc, nhưng nếu được, nên dành phần của Chúa Giêsu cho Linh mục.

-  Trước khi hát Bài Thương Khó, các Phó tế xin Linh mục chúc lành, như trước khi đọc bài Tin Mừng. Những người khác không phải xin chúc lành.

-  Sau Bài Thương Khó, có thể giảng vắn tắt. Cũng có thể giữ thinh lặng ít phút. Đọc kinh Tin kính và Lời nguyện chung.

-  Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, Thông tư về việc Chuẩn bị và cử hành Đại Lễ Phục Sinh, số 33: Bài Thương Khó chiếm một vị trí đặc biệt trong Thánh Lễ. Bài Thương Khó nên được hát hoặc đọc theo cách thức truyền thống, tức là gồm ba người đóng ba vai: Chúa Kitô, người kể, và dân chúng. Phó tế hoặc Linh mục đọc Bài Thương Khó. Người đọc sách cũng có thể đọc Bài Thương Khó, nhưng phần những lời của Chúa Kitô thì dành cho Linh mục.” Vai trò của Chúa Kitô là chỉ dành riêng cho Linh mục trong trường hợp hai người đọc kia là người đọc giáo dân. Quy tắc dành vai trò của Chúa Kitô cho Linh mục, khi đi cùng với các người đọc giáo dân, tuân theo một sự hợp lý phụng vụ nhất định, khi Linh mục thường đại diện cho Chúa Kitô trong vai trò thừa tác của mình (x. Edward McNamara, Linh mục giữ vai trò nào trong việc đọc Bài Thương Khó?).

-  Khi có giáo dân tham gia đọc Bài Thương Khó cùng với Linh mục / Phó tế thì việc xướng câu kết “Đó là Lời Chúa” là của Linh mục / Phó tế (x. Edward McNamara, Có câu kết sau Bài Thương Khó không?).

-  Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 38: “Đối với những văn bản phải đọc rõ ràng và lớn tiếng, cho dù là do Linh mục, Phó tế, người đọc Sách Thánh, hoặc tất cả mọi người, thì phải liệu sao cho giọng đọc phù hợp với từng loại bản văn, tuỳ theo đó là bài đọc, lời nguyện, lời nhắn nhủ, lời tung hô, hoặc bài hát, đồng thời cũng phải phù hợp với hình thức cử hành và tính cách long trọng của buổi lễ. Ngoài ra, còn phải để ý đến tính chất của các ngôn ngữ khác nhau và bản sắc của mỗi dân tộc.” Văn bản này nhắc trước hết đến cung giọng, chứ không nhắc đến việc kèm theo lời đọc cử chỉ nét mặt hoặc điệu bộ khác. Điều này là phù hợp với tính nghiêm trang đứng đắn truyền thống của nghi lễ Rôma, và với bản chất thừa tác của các công việc phục vụ, như việc đọc sách chẳng hạn. Việc hát các bản văn, ít là vào các dịp lễ trọng, nhắc nhở chúng ta rằng đây không phải là bản văn bình thường, nhưng là Lời Chúa nói với chúng ta. Nó cũng giúp tăng sự chú ý nhiều vào Lời Chúa. Vì thế, việc đọc Bài Thương Khó vào Chúa nhật Lễ Lá và ngày thứ Sáu Tuần Thánh cho phép một số yếu tố kịch, trong khi không nói gì đến việc diễn xuất. Các người đọc hoặc người hát duy trì tính chất trang trọng truyền thống của nghi thức, và tránh điệu bộ nét mặt và cử chỉ bề ngoài (Edward McNamara, Việc đọc Bài Thương Khó có được diễn như kịch không?).

[8] Về lời nguyện tín hữu, xin lưu ý vài điểm:

-     Trong lời nguyện chung, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, một cách nào đó cộng đoàn đáp lại Lời Chúa mà họ vừa đón nhận trong đức tin và thực thi chức vụ Linh mục nhận được qua bí tích Thánh Tẩy mà dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu xin ơn cứu độ cho mọi người. Thường nên đọc lời nguyện này trong các Thánh Lễ có giáo dân tham dự để cầu cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp các khó khăn khác nhau, cho hết mọi người và cho toàn thể thế giới được ơn cứu độ.

-     Những ý nguyện thường theo thứ tự này là:

a) Cho các nhu cầu của Hội Thánh;

b) Cho các nhà cầm quyền và cho toàn thế giới được ơn cứu độ;

c) Cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào;

d) Cho cộng đoàn địa phương.

-     Chính Linh mục chủ tế sẽ điều khiển việc cầu nguyện tại ghế. Ngài nói vắn tắt mấy lời dẫn nhập mời gọi các tín hữu cầu nguyện và ngài đọc lời nguyện kết thúc. Những ý nguyện đưa ra phải giản dị, bằng những lời vắn tắt tự nhiên và thận trọng, diễn tả ý nguyện của toàn thể cộng đoàn.

-     Thường thì các ý nguyện được đọc từ giảng đài hoặc một nơi khác thích hợp, do Phó tế, hoặc do một ca xướng viên, hoặc một độc viên, hoặc một tín hữu giáo dân.

-     Còn cộng đoàn thì đứng và biểu lộ lời nguyện của mình, hoặc bằng lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên, hoặc bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 69-71).

-     Nên chọn một ngôn thức nhất định để mở đầu các ý nguyện, ví dụ: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho…;” “Chúng ta hãy hiệp ý cầu xin Chúa cho...;” “Chúng ta hãy cầu nguyện cho…;” hoặc “Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho…,” vì đây là việc loan báo các “ý nguyện” (intentio) nhằm nói với cộng đoàn chứ không phải là những lời “cầu nguyện” thưa lên với Chúa (oratio). Ngoài ra, theo tác giả Columba McCann, trong 101 Liturgical Suggestions, Linh mục chủ tế sẽ bắt đầu lời nguyện tín hữu bằng lời mời gọi “Chúng ta dâng lời cầu nguyện…” hoặc “Anh chị em hãy cầu nguyện…..” Khi kết thúc mỗi “ý nguyện,” người xướng, vì không phải là đại diện dâng lời cầu nguyện, nên sẽ sử dụng câu mời gọi cộng đoàn khác với Linh mục chủ tế một chút, chẳng hạn như “Chúng ta cầu xin Chúa” hoặc “Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện,” tránh dùng câu “Chúng con cầu xin Chúa,” vì đây là lời kêu mời cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện theo một “ý nguyện” vừa được xướng lên chứ không phải thưa lên với Chúa (oratio) (x. Phạm Đình Ái, Lời nguyện tín hữu: hiểu và thực hành cho đúng).

Học viện Thánh Anphongsô