Dẫn lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh - Học viện thánh Anphongsô (2024)

TAM NHẬT VƯỢT QUA

CHIỀU THỨ NĂM TUẦN THÁNH: THÁNH LỄ TIỆC LY


NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC


Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, Thông tư về việc Chuẩn bị và cử hành Đại Lễ Phục Sinh, số 37-57:

Cử hành sám hối trong mùa Chay

1. Mùa Chay là thời điểm thích đáng để cử hành các sám hối cá nhân, cũng như toàn thể cộng đoàn tín hữu, nhằm chuẩn bị cho họ tham dự các mầu nhiệm Vượt Qua cách tích cực và sốt sắng.

Tuy nhiên, các cử hành sám hối nên được tổ chức trước Tam nhật Vượt Qua và không được tổ chức vào buổi chiều ngay trước Thánh Lễ Tiệc Ly.

Tổng quát về Tam nhật Vượt Qua

2. Hằng năm, Hội Thánh cử hành các mầu nhiệm cao cả nhất của công cuộc cứu thế, bắt đầu bằng Thánh Lễ Tiệc Ly vào chiều thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào giờ kinh Chiều Chúa nhật Phục Sinh. Thời gian này được gọi là “Tam Nhật của khổ nạn – chết – và sống lại,” và cũng được gọi là “Tam nhật Vượt Qua,” bởi vì trong suốt thời gian này cử hành mầu nhiệm Vượt Qua: cuộc vượt qua của Chúa Giêsu Kitô ra khỏi thế gian này về với Cha của Ngài. Với việc cử hành mầu nhiệm này, qua các dấu chỉ phụng vụ và các bí tích, Hội Thánh được kết hiệp với Chúa Kitô, Hôn Phu của mình, trong sự thông hiệp sâu xa.

3. Theo truyền thống lâu đời, Hội Thánh ăn chay “vì Chàng Rể bị đem đi rồi” nên chay Vượt Qua rất ý nghĩa và thánh thiêng vào hai ngày đầu của Tam Nhật. Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày ăn chay và kiêng thịt; việc này cũng được cổ võ tuân giữ cho thứ Bảy Tuần Thánh, để tâm hồn được nâng cao và mở rộng mà đạt tới niềm vui của Chúa Phục Sinh.

4. Hội Thánh khuyến khích việc cử hành chung giờ kinh Sách và kinh Sáng vào thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh. Rất là ý nghĩa khi Giám mục cử hành các Giờ Kinh Phụng vụ ở nhà thờ chính toà có sự tham dự của giáo sĩ và giáo dân.

Các giờ kinh này, trước đây gọi là Giờ Kinh Đêm (Tenebrae), được cử hành ở một nơi đặc biệt với lòng thành kính của tín hữu vì các giờ kinh này suy niệm về Cuộc Thương Khó, cái chết và việc an táng Chúa trong mồ, trong khi chờ đợi công bố niềm vui Phục Sinh.

5. Để cử hành Tam nhật Vượt Qua cách long trọng và đầy đủ, cần liệu làm sao cho đủ số thừa tác viên và cho họ biết bổn phận của họ trong các nghi thức. Các mục tử phải ý thức việc cần diễn giải ý nghĩa từng phần của các nghi thức cho tín hữu, để họ có thể tham dự cách tích cực hơn và mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng hơn.

6. Các bài thánh ca cho cộng đoàn, và cũng cho các thừa tác viên và chính Linh mục chủ tế, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc cử hành Tuần Thánh, và cách riêng trong Tam Nhật Thánh; bởi vì chúng tăng thêm phần long trọng cho những ngày đặc biệt này, đồng thời, cũng vì các bản văn phụng vụ được hát sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Hội Đồng Giám mục phải cung cấp các bản văn đã được phổ nhạc cho những phần này, trừ phi đã có sẵn rồi. Những bản văn ấy là:

a)   Những lời cầu nguyện chung của ngày thứ Sáu Tuần Thánh; lời kêu gọi của Phó tế và lời tung hô của tín hữu;

b)   Những bài thánh ca để kính thờ Thánh Giá;

c)   Những lời tung hô khi kiệu Nến Phục Sinh, công bố Tin mừng Phục Sinh, lời đáp ‘Halleluia,’ Kinh Cầu Các Thánh, lời tung hô sau khi làm phép nước.

Vì muốn tạo sự thuận lợi cho các tín hữu tham dự, nên cần được quan tâm phổ nhạc các bản văn. Nếu các bản văn dùng trong phụng vụ chưa được phổ nhạc, tạm thời có thể chọn những bản văn tương tự đã được phổ nhạc. Tuy nhiên, điều thích hợp hơn là quan tâm thu thập các bản văn có phổ nhạc cho những nghi thức:

a)   Những bài thánh ca cho việc làm phép lá và kiệu lá, và cho ca nhập lễ của ngày hôm đó;

b)   Những bài thánh ca cho việc rước dầu thánh;

c)   Những bài thánh ca cho dâng lễ vật trong ngày thứ Năm Tuần Thánh trong Thánh Lễ Tiệc Ly, và những bài ca tôn thờ Thánh Thể khi kiệu Thánh Thể sang bàn thờ phụ đã dọn sẵn;

d)   Những Thánh vịnh đáp ca trong Đêm Canh thức Phục Sinh, và các bài thánh ca khi rảy nước thánh trên dân chúng.

Tiếng nhạc cần cho Bài Thương Khó, công bố Tin Mừng Phục Sinh và làm phép nước thánh tẩy. Cách rõ ràng là các giai điệu âm nhạc cần đơn giản, tự nhiên để dễ sử dụng cho mọi người.

Đối với các nhà thờ rộng lớn, các sáng kiến được cho phép để làm phong phú hơn di sản thánh nhạc của Hội Thánh, kết hợp giữa nét cổ kính và hiện đại, sao cho không ngăn trở sự tham dự sống động của các tín hữu.

7. Các cộng đoàn tu trì ít người, cả giáo sĩ và tu sĩ, và những nhóm giáo dân khác nên tham dự các cử hành Tam Nhật Thánh ở các nhà thờ chính gần đó.[1]

Tương tự như thế, ở những nơi mà số người tham dự và các thừa tác viên quá ít đến nỗi Tam Nhật Thánh không thể cử hành cách long trọng được, thì họ nên tham dự với các cộng đoàn lớn hơn.

Cũng vậy, một Linh mục phụ trách nhiều giáo xứ nhỏ, thì thật là thích hợp để mọi người quy tụ lại ở một nhà thờ chính để cử hành Tam Nhật Thánh ở đó.

Vì lợi ích của tín hữu, ở những nơi mà Linh mục phụ trách hai hoặc nhiều giáo xứ, trong đó có đông giáo dân tham dự và các nghi thức có thể cử hành cách xứng đáng, long trọng thì việc cử hành Tam Nhật Thánh có thể được lặp lại ở những giáo xứ khác nhau, nhưng phải phù hợp với những quy định đã ban hành.

Vì vậy, các sinh viên ở chủng viện ‘ước mong sống mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô cách tròn đầy, và như thế có khả năng truyền dạy những ai mà họ được trao phó chăm sóc mục vụ.’ Các ứng sinh Linh mục cần được đào tạo cách kỹ lưỡng và toàn diện về phụng vụ. Thật là quan trọng trong suốt những năm đào tạo ở chủng viện, các ứng sinh phải có kinh nghiệm đầy đủ về những cử hành của Đại Lễ Phục Sinh, cách riêng những ai giúp lễ cho những cử hành do Giám mục chủ tế.

Chiều thứ Năm Tuần Thánh: Thánh Lễ Tiệc Ly

8. Với Thánh Lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh, “Hội Thánh bắt đầu Tam nhật Vượt Qua và tưởng nhớ Bữa Tối sau cùng của Chúa Giêsu, mà trong đó Ngài bị phản bội, Ngài tỏ lộ tình yêu cho những ai thuộc về Ngài, Ngài dâng hiến thịt và máu mình lên Chúa Cha dưới hình bánh và rượu rồi trao cho các Tông Đồ, để các ông chia sẻ với nhau, và rồi Chúa Giêsu truyền lệnh cho các ông và những người kế vị các ông trong chức Linh mục cử hành hy lễ này đến muôn đời.”

9. Phải chú ý tưởng niệm các mầu nhiệm trong Thánh Lễ này: thiết lập bí tích Thánh Thể, truyền chức tư tế, và lệnh truyền của Chúa Giêsu về tình yêu thương huynh đệ; do đó, bài giảng nên diễn giải các điểm này.

10. Thánh Lễ Tiệc Ly được cử hành vào ban chiều, lúc thuận tiện để toàn thể cộng đoàn địa phương tham dự đông đủ. Tất cả Linh mục được phép đồng tế trong Thánh Lễ này, cho dẫu các Linh mục đã đồng tế vào Thánh Lễ Làm Phép Dầu ban sáng, hoặc đã cử hành Thánh Lễ khác vì lợi ích giáo dân.

11. Nơi nào lý do mục vụ đòi hỏi, Đấng Bản Quyền địa phương có thể cho phép cử hành Thánh Lễ thứ hai trong các nhà thờ và các nhà nguyện vào ban chiều. Còn trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể cho phép cử hành Thánh Lễ vào ban sáng, nhưng chỉ dành cho các tín hữu không thể tham dự Thánh Lễ nào khác vào ban chiều. Tuy nhiên, phải xem xét cẩn thận để việc cử hành không chỉ vì lợi ích cá nhân hay của một nhóm nhỏ nào đó, mà làm thiệt hại cho việc cử hành Thánh Lễ chính vào ban chiều.

Theo truyền thống lâu đời của Hội Thánh, hôm nay cấm cử hành mọi Thánh Lễ không có giáo dân tham dự.

12. Nhà Tạm để trống hoàn toàn trước khi cử hành Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ chiều nay, bánh thánh sẽ được truyền phép để cho tín hữu rước lễ hôm nay và ngày mai.

13. Mình Thánh Chúa lưu giữ ở bàn thờ phụ, được chuẩn bị và trang hoàng xứng đáng, sao cho thuận lợi với việc cầu nguyện và suy niệm. Trong những ngày này, cấm mọi sự thích ứng chừng mực về phụng vụ, nhằm tránh xa và chấm dứt mọi lạm dụng.

Nếu Nhà Tạm ở trong một nhà nguyện tách riêng khỏi phần chính của nhà thờ, thì chuẩn bị một nơi xứng hợp để đặt Thánh Thể và tôn thờ ở trong nhà thờ.

14. Trong khi hát Kinh Vinh Danh, thì rung và kéo chuông, hoặc làm theo tục lệ địa phương. Sau đó không kéo hay rung chuông nữa (giữ thinh lặng) cho đến khi hát Kinh Vinh Danh trong Canh thức Vượt Qua, trừ phi Hội Đồng Giám mục hoặc Đấng Bản Quyền địa phương đã quy định cách khác. Cũng trong khoảng thời gian này, đàn và các nhạc cụ khác chỉ dùng để hỗ trợ tiếng hát.

15. Theo truyền thống, nghi thức rửa chân cho những người đã được chọn giữa cộng đồng dân Chúa được tổ chức trong ngày này, để nói lên ý nghĩa tinh thần phục vụ và bác ái của Chúa Kitô, Đấng đã đến “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ.” Truyền thống này cần được duy trì và diễn giải ý nghĩa cách xứng hợp.

16. Những phẩm vật dành cho người nghèo, nhất là các phẩm vật đã được thu góp trong mùa Chay như là hoa trái của việc sám hối, có thể được tiến dâng trong phần dâng lễ vật, trong khi mọi người hát “Đâu có tình yêu thương thì ở đó có chân lý” (Ubi caritas est vera).

17. Các thầy Phó tế, hoặc các thầy giúp lễ, hoặc các thừa tác viên ngoại thường mang Mình Thánh Chúa đến thẳng bàn thờ; và cùng lúc này, rất thích hợp để mang Mình Thánh Chúa đến cho các bệnh nhân và người già yếu ở nhà, nhưng họ đang hướng lòng về các cử hành tại giáo xứ. Như thế, họ được hiệp nhất gần gũi hơn với cộng đoàn qua các nghi thức.

18. Sau lời nguyện Hiệp lễ, việc kiệu Mình Thánh Chúa được tiến hành: đi đầu là một thừa tác viên giáo dân cầm Thánh Giá giữa hai người cầm nến cháy; theo sau là những người khác cầm nến cháy; người cầm bình có khói hương nghi ngút đi trước Linh mục mang Mình Thánh [cập nhật theo Sách lễ Rôma 2002]; trong khi đó, hát thánh thi Nào Ca Hát (Pange Lingua) hoặc một vài bài thánh ca nào khác kính Mình Thánh Chúa. Nghi thức kiệu Mình Thánh Chúa không được tổ chức trong các nhà thờ không cử hành nghi lễ phụng vụ tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa vào chiều thứ Sáu.

19. Mình Thánh Chúa phải lưu giữ trong Nhà Tạm đóng kín hoặc hộp đựng Mình Thánh. Không được đặt hay trưng bày Mình Thánh Chúa trong mặt nhật, với bất kỳ lý do nào.

Bàn thờ phụ đặt Nhà Tạm hoặc hộp đựng Mình Thánh không được làm theo kiểu nhà mồ, vì nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa không nhằm biểu thị nơi táng xác Chúa, nhưng chỉ nhằm lưu giữ để cho rước lễ vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh.

20. Sau Thánh Lễ Tiệc Ly, các tín hữu được khuyến khích dành thời giờ thích hợp trong buổi tối hoặc đêm để đến chầu Thánh Thể long trọng như đã được sắp xếp cho từng giới hoặc đoàn thể. Để việc tôn thờ Thánh Thể được kéo dài, nếu thích hợp thì đọc một vài phần trong Tin Mừng theo Thánh Gioan từ chương 13 đến chương 17.

Tuy nhiên, từ nửa đêm trở đi, không tổ chức chầu Mình Thánh Chúa trọng thể nữa, vì đã bắt đầu vào ngày tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa.

21. Sau Thánh Lễ hôm nay, lột khăn bàn thờ. Các Thánh Giá trong nhà thờ phải phủ khăn tím hoặc khăn đỏ, trừ phi chúng đã được phủ khăn vào thứ Bảy trước Chúa nhật V mùa Chay. Tắt hết các đèn trước tượng ảnh các Thánh.

Sách lễ Rôma 2002 trích trong Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN, Phụng vụ Tuần Thánh (2023):

1. Thánh Lễ Tiệc ly phải được cử hành vào buổi chiều, vào giờ thích hợp nhất cho việc tham dự đầy đủ của toàn thể cộng đoàn địa phương, có tất cả các Linh mục và thừa tác viên thi hành phận vụ.

2. Mọi Linh mục đều được đồng tế, dù đã đồng tế lễ Dầu, hoặc vì lợi ích của giáo dân, phải dâng thêm một lễ khác.

3. Nơi đâu có nhu cầu mục vụ, Bản quyền địa phương có thể cho phép cử hành một lễ khác tại các nhà thờ, nhà nguyện, vào giờ ban chiều, và trong trường hợp hết sức cần thiết, cũng có thể cho cử hành vào buổi sáng, nhưng chỉ dành cho những người không sao có thể tham dự Thánh Lễ chiều. Tuy nhiên, cần phải tránh đừng cho phép những cử hành như thế chỉ vì lợi ích cá nhân hay cho những nhóm nhỏ riêng biệt, và cũng đừng để ảnh hưởng không tốt cho Thánh Lễ chiều.

4. Chỉ cho tín hữu rước Thánh Thể trong Thánh Lễ. Nhưng có thể mang Mình Thánh cho bệnh nhân vào bất cứ giờ nào trong ngày.

5. Bàn thờ được trang hoàng cách chừng mực hợp với tính cách của ngày hôm nay. Nhà Tạm hoàn toàn để trống; chỉ truyền phép bánh lễ đủ cho giáo sĩ và giáo dân hiệp lễ hôm nay và ngày mai. Khi bắt đầu xướng kinh Vinh Danh, đổ chuông, rồi từ đó sẽ ngưng cho tới kinh Vinh Danh giờ Canh thức Phục Sinh, trừ khi Giám mục giáo phận quyết định thể khác. Trong những ngày này, chỉ được sử dụng đàn hay những nhạc khí khác để đệm theo tiếng hát. Sau khi công bố Tin Mừng, Linh mục giảng, quảng diễn mầu nhiệm cao cả được tưởng niệm trong Thánh Lễ này, nghĩa là việc thiết lập bí tích Thánh Thể và chức Linh mục cũng như lệnh truyền về tình yêu thương huynh đệ.

Rửa chân

10. Giảng xong, nếu thuận tiện, nên cử hành nghi lễ rửa chân.

11. Các thừa tác viên dẫn những người được chọn trước, đến ghế đã dọn sẵn tại nơi thích hợp. Linh mục (cởi áo lễ, nếu cần), có các thừa tác viên theo giúp, đổ nước và sau đó lau chân cho từng người.

12. Trong khi rửa chân, hát một số đối ca dưới đây hay những ca khúc thích hợp.

13. Sau nghi lễ rửa chân, Linh mục rửa và lau tay, mặc lại áo lễ và về ghế.

Không đọc kinh Tin kính, đọc Lời nguyện chung.

Phụng vụ Thánh Thể

14. Bắt đầu phần phụng vụ Thánh Thể, nên cho một số giáo dân lập đoàn rước dâng lễ vật, cùng với bánh rượu có thể dâng những quà tặng cho người nghèo.

16. Kinh Tiền tụng Thánh Thể I: Hy lễ và bí tích của Chúa Kitô.

[…]

23. Trong các công thức truyền phép, các lời của Chúa phải được đọc rõ ràng, lớn tiếng. Sau khi truyền phép, cầm bánh / rượu đã trở nên Thánh Thể Chúa, nâng lên cho cộng đoàn thấy, đặt lại trên đĩa thánh và cúi mình sâu thờ lạy.

[…]

33. Để thuận tiện, khi cho hiệp lễ, Linh mục nên lấy Mình Thánh từ bàn thờ trao cho các Phó tế hoặc thừa tác viên giúp lễ hoặc những thừa tác viên ngoại lệ khác để sau đó họ đưa Mình Thánh cho bệnh nhân cần rước Chúa tại nhà riêng.

35. Cho hiệp lễ xong, đặt bình đựng Mình Thánh dành cho hôm sau trên bàn thờ. Linh mục đứng tại ghế, đọc lời nguyện Hiệp lễ.

Kiệu Thánh Thể

37. Đọc lời nguyện Hiệp lễ xong, Linh mục đứng trước bàn thờ bỏ hương, làm phép và quỳ xông hương Mình Thánh ba lần. Sau đó nhận khăn vai trắng, đứng lên, cầm bình đựng Mình Thánh, lấy hai đầu khăn phủ lên bình.

38. Bắt đầu kiệu Mình Thánh, có nến và hương, đi trong nhà thờ đến nơi đã dọn sẵn trong nhà thờ hay một phòng nguyện được trang hoàng thích hợp. Đi đầu là một thừa tác viên giáo dân cầm Thánh Giá giữa hai người cầm nến cháy. Theo sau là những người khác cầm nến cháy. Người cầm bình có khói hương nghi ngút đi trước Linh mục mang Mình Thánh. Trong khi đó, hát thánh thi Lưỡi tôi hãy ca hát (trừ hai triệt cuối) hay một ca khúc về Thánh Thể.

39. Khi đoàn kiệu tới nơi đặt Mình Thánh, Linh mục, nếu cần, có Phó tế phụ giúp, đặt bình đựng Mình Thánh vào trong Nhà Tạm, cửa để mở. Linh mục bỏ hương, quỳ xông hương Mình Thánh, trong khi đó hát Đây nhiệm tích vô cùng cao quý hoặc một bài về Mình Thánh. Sau đó, Phó tế hay chính Linh mục đóng cửa Nhà Tạm.

40. Sau ít phút thinh lặng cầu nguyện, Linh mục và các thừa tác viên, cúi mình bái Mình Thánh rồi đi về phòng thánh.

41. Lột khăn bàn thờ vào lúc thuận tiện, và nếu có thể, nên đưa các Thánh Giá ra khỏi nhà thờ. Nếu còn Thánh Giá trong nhà thờ, nên phủ khăn.

42. Những ai tham dự lễ chiều, không phải đọc kinh Chiều.

43. Theo tập tục và hoàn cảnh địa phương, nên kêu mời các tín hữu, trong thời gian thuận tiện ban đêm, đến chầu Mình Thánh tại nơi được lưu giữ, tuy nhiên, sau nửa đêm, không nên chầu trọng thể.

44. Nếu không cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa ngày thứ Sáu Thánh trong nhà thờ này, thì kết thúc Thánh Lễ như thường lệ và đặt Mình Thánh ngay trong Nhà Tạm.

 


NHỮNG ĐỒ CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC

1.  Trên bàn thờ chính:

- Bàn thờ trang trí chừng mực.[2]

- Nhà Tạm hoàn toàn để trống, cửa mở, tắt đèn chầu.[3]

2. Trên bàn nhỏ cạnh bàn thờ chính:

- Tất cả những đồ cần dùng trong Thánh Lễ, riêng bánh lễ, dự trù số cần thiết cho rước lễ hôm nay và ngày mai.

- Chuông và mõ (trắc) sẽ thế chuông.

- Khăn choàng khi kiệu Mình Thánh Chúa.

- Chậu, bình nước, khăn lau cho nghi thức rửa chân.

- Chậu nước và khăn lau tay cho chủ tế rửa tay sau nghi thức rửa chân.

3. Trong cung thánh:

- Ghế cho chủ tế và các phụ tế.

- Ghế cho những người được rửa chân.

4. Trong phòng thánh:

- Lễ phục trắng cho chủ tế và các phụ tế.

- Hương, lửa,

- Đèn dùng khi đi kiệu Mình Thánh Chúa.

5. Trên bàn thờ sẽ đặt Mình Thánh Chúa:

- Nhà Tạm, khăn thánh.

- Đèn, hoa. 

 

Người dẫn:

Mỗi năm, dân Do Thái đều ăn Lễ Vượt Qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh áp bức và ký kết giao ước với họ. Chúa Giêsu Kitô cũng đã mở đầu Cuộc Thương Khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa ăn Vượt Qua đó. Nhưng Người đã muốn cho bữa ăn này trở thành bữa tiệc của Giao Ước mới, Giao Ước của Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là những thức ăn, thức uống đã trở thành Mình và Máu của Người, Người đã thiết lập nghi thức tưởng niệm lễ tế mà hôm sau Người sẽ dâng trên thập giá.

Mỗi lần cử hành Thánh Lễ, chúng ta cũng tái diễn bữa tiệc của Chúa để nhớ đến Người, để tưởng niệm Người đã chịu chết, mừng vui vì Người hiện diện, và trông mong Người trở lại.

Sau bài giảng, vị chủ tế sẽ làm lại cử chỉ của Chúa Giêsu là rửa chân cho những người đã được chọn giữa cộng đồng dân Chúa. Trong khung cảnh đặc biệt của buổi lễ hôm nay, không bài giảng nào nói rõ hơn rằng chức Linh mục là để phục vụ, cho bằng việc chủ tế quỳ xuống trước anh chị em của mình và rửa chân cho họ.

Trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy suy gẫm lời trối long trọng nhất của Chúa Giêsu khi Ngài nói: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.”

Để bắt đầu Thánh Lễ, chúng ta cùng chung lòng hát lên bài Ca Nhập lễ. Kính mời cộng đoàn đứng.

-     Nhập lễ.

-     Sám hối.

-     Kinh Vinh Danh (nhắc lễ sinh rung chuông).[5]

-     Lời nguyện Nhập lễ.


I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

a. Bài đọc 1: Xh 12,1-8.11-14

Người dẫn (sau lời nguyện Nhập lễ): Trích từ sách Xuất Hành trong Cựu Ước, bài đọc thứ nhất này nhắc ta nhớ lại những chỉ thị về bữa ăn chiên Vượt Qua mà xưa kia Môsê đã chỉ dạy cho dân Ítraen. Mời cộng đoàn cùng lắng nghe.

b. Đáp ca: Tv 115

c. Bài đọc 2: 1 Cr 11,23-26

Người dẫn (sau đáp ca): Qua bài đọc mà chúng ta sẽ được nghe sau đây, trích từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Côrintô, Hội Thánh muốn dạy ta nhớ rằng: mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta loan truyền mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Mời cộng đoàn cùng lắng nghe.

d. Tung hô Tin Mừng[6]

e. Tin Mừng

f. Bài giảng


II. NGHI THỨC RỬA CHÂN

Chủ tế thay áo lễ (lễ sinh giúp chủ tế thay áo lễ).[7] Ban Phụng vụ hướng dẫn những người đại diện cộng đoàn đến chỗ đã được chuẩn bị trước.[8] Lễ sinh chuẩn bị nước, chậu và khăn lau.


Người dẫn (sau bài giảng):

Tiếp theo là nghi thức rửa chân.

Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,14-16).

Ý thức được chức Linh mục của mình là để phục vụ dân Thiên Chúa và anh em đồng loại, giờ đây, Linh mục chủ tế sẽ làm lại cử chỉ đầy khiêm tốn, yêu thương của Chúa Giêsu khi xưa cho một số vị đã được chọn giữa cộng đồng dân Chúa.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài và cho tất cả mọi người chúng ta được thêm xứng đáng là những môn đệ của Đức Giêsu Kitô.

Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 13,34-35).

Hát: chọn bài hát thích hợp.

Khi xong nghi thức rửa chân, chủ tế quay về góc cung thánh để rửa tay. Lễ sinh giúp chủ tế mặc áo lễ.

Người dẫn (khi rửa chân xong): Nghi thức rửa chân đã chấm dứt, mời cộng đoàn đứng dâng lời nguyện tín hữu.

Lời nguyện tín hữu (không đọc Kinh Tin kính)

Năm A

Chủ tế: Anh chị em thân mến, trong bữa Tiệc Ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình thập giá, Đức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể và chức Linh mục, đồng thời rửa chân cho các môn đệ để nêu gương bác ái và tinh thần phục vụ khiêm tốn. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời nguyện xin:

1. Vắng bóng vị Linh mục trong cộng đoàn là một bất hạnh lớn nhất cho người tín hữu. Hôm nay nhân dịp kỷ niệm ngày Đức Giêsu thiết lập chức Linh mục, chúng ta hiệp lời cầu xin cho việc phục vụ anh em cũng như chính cuộc đời của các Linh mục, vừa hữu ích cho tha nhân vừa góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Trong cuộc sống thường ngày, ghen ghét vẫn còn hoành hành, hận thù vẫn đang ngự trị ở nhiều nơi, dẫn đến biết bao hậu quả thảm khốc cho con người. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho lòng bác ái yêu thương chi phối mọi sinh hoạt của con người trên thế giới hôm nay. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Đức Giêsu đã đến trần gian không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để phục vụ mọi người cho đến chết trên thập giá. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu biết noi gương Người mà phục vụ trong tinh thần khiêm tốn và yêu thương. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Bí tích Thánh Thể là bí tích Tình Yêu, là mối dây hợp nhất liên kết mọi thành phần Dân Chúa. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, biết sống Thánh Lễ trong đời sống xã hội hằng ngày, nghĩa là sống yêu thương và hợp nhất trong cùng một đức tin, đức cậy và đức mến. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng lời nói và gương sáng dạy chúng con tình bác ái huynh đệ và tinh thần phục vụ. Xin Chúa cho chúng con sẵn sàng xả thân để phục vụ những anh chị em bất hạnh nhất trong xã hội, nhờ đó mà làm chứng rằng, Chúa yêu thương hết thảy mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Năm B

Chủ tế: Anh chị em thân mến, trong bữa ăn cuối cùng trước khi bị trao nộp, Đức Giêsu đã truyền cho Hội Thánh mãi mãi cử hành nghi lễ tưởng niệm Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người. Vậy chúng ta hãy thờ lạy Người và tha thiết cầu xin:

1. Bí tích Thánh Thể là bí tích Tình Yêu, là dây liên kết bác ái, là biểu hiệu hiệp nhất cộng đoàn Dân Chúa. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết tham dự Thánh Lễ với tâm tình tôn kính mến yêu. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Đức Kitô đã chết trên thập giá để đem Ơn Cứu Độ đến cho muôn dân. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho tình yêu của Người hướng dẫn suy nghĩ, lời nói và hành động của hết thảy mọi người tin Chúa trên thế giới hôm nay. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Đức Giêsu thiết lập chức Linh mục không phải để thống trị mà chỉ nhằm phục vụ mọi người. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử, để lúc nào các ngài cũng sẵn sàng hy sinh tất cả cho đoàn chiên Chúa đã giao phó cho các ngài. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Sống bác ái là chu toàn lề luật của Chúa. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn biết yêu thương anh chị em của mình như Chúa đã dạy. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Chúa. Xin cho chúng con biết tôn trọng và yêu mến nhau, để nhờ đó, chúng con có thể nên hoàn thiện như Chá trên trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Năm C

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Đức Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta một điều răn mới là phải yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy tha thiết nguyện xin Người:

1. Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh, luôn phục vụ trong tinh thần khiêm tốn của vị Mục Tử Giêsu. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Đức Giêsu yêu thương các môn đệ của Người đến cùng. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa biết tích cực dấn thân theo Chúa trên con đường phục vụ. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Đức Giêsu đã tự nguyện đón nhận cái chết trên thập giá, để chúng ta được sống dồi dào. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban nghị lực và can đảm cho hết thảy mọi Kitô hữu trên toàn thế giới. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ đồng bàn với Người. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng mỗi khi tham dự bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, nhờ mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa, xin gia tăng tình thương, sức mạnh và lòng trung tín nơi chúng con, để chúng con luôn là những sứ giả trung thành rao giảng Tin Mừng yêu thương của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Người dẫn (sau lời nguyện tín hữu): Phần phụng vụ Lời Chúa đến đây là kết thúc. Chúng ta bước sang phần phụng vụ Thánh Thể.[9]


III. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ[10] (như thường lệ)

Dẫn lúc rước lễ: Thưa anh em, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Ðây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết (1 Cr 11,23-26).

Nếu KHÔNG cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa ngày thứ Sáu Thánh trong nhà thờ này, thì kết thúc Thánh Lễ như thường lệ và đặt Mình Thánh ngay trong Nhà Tạm.

Nếu CÓ cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa ngày thứ Sáu Thánh trong nhà thờ này thì sau lời nguyện Hiệp lễ,[11] chủ tế sẽ kiệu Mình Thánh Chúa sang bàn thờ phụ.


IV. KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA SANG BÀN THỜ PHỤ

Người dẫn (sau lời nguyện Hiệp lễ): Chúng ta bước sang phần cuối của Thánh Lễ Tiệc Ly chiều hôm nay, đó là kiệu Mình Thánh Chúa đến bàn thờ phụ. Hội Thánh kiệu Mình Thánh Chúa qua bàn thờ phụ, để chúng ta kính thờ cách đặc biệt trong ngày kỷ niệm Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, đồng thời để đền tạ những xúc phạm đến bí tích cực thánh này.

Sau lời nguyện Hiệp lễ, chủ tế đứng trước bàn thờ, bỏ hương, và thinh lặng làm phép bằng một dấu Thánh Giá trên bình hương, rồi quỳ xông hương Mình Thánh Chúa (xông thẳng: ba lần, mỗi lần hai ),[12] rồi khoác khăn choàng vai, lấy hai đầu khăn choàng phủ lên bình đựng Mình Thánh Chúa mà rước đi. Cuộc kiệu bắt đầu.

Người dẫn (sau khi chủ tế xông hương Mình Thánh Chúa xong): Thứ tự đoàn kiệu:

- Một người cầm Thánh Giá đi giữa hai người cầm nến cháy.

- Theo sau là những người khác cầm nến cháy (nếu có).

- Người gõ mõ / trắc (gõ trên suốt đường đi).

- Người cầm bình hương có khói nghi ngút.

- Linh mục cầm Mình Thánh Chúa (đèn hầu đi hai bên).[13]

Đang khi đi kiệu, hát ca vãn Pange Lingua hoặc một bài hát về Thánh Thể. Khi đến nơi, chủ tế cung kính đặt Mình Thánh Chúa vào trong Nhà Tạm, cửa để mở. Sau đó, chủ tế bỏ hương, và thinh lặng làm phép bằng một dấu Thánh Giá trên bình hương, rồi quỳ xông hương (xông thẳng: ba lần, mỗi lần hai ). Cộng đoàn hát Tantum ergo.[14] Sau cùng, Phó tế hoặc chính Linh mục đóng cửa Nhà Tạm.[15] Sau khi thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, Linh mục và các người giúp lễ cúi mình (hoặc bái gối) rồi trở về phòng thánh. Sau Thánh Lễ, lột khăn bàn thờ. Các Thánh Giá trong nhà thờ phải phủ khăn tím hoặc khăn đỏ, trừ phi đã được phủ khăn vào thứ Bảy trước Chúa nhật V mùa Chay. Tắt hết các đèn trước tượng ảnh các ThánhKhuyên giáo dân nên tuỳ hoàn cảnh đến chầu Mình Thánh Chúa vào giờ thuận tiện.[16] Tuy nhiên, từ nửa đêm trở đi, không tổ chức chầu Mình Thánh Chúa trọng thể nữa, vì đã bắt đầu vào ngày tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa.

Người dẫn (khi Linh mục đứng lên trở về phòng thánh): Từ lúc này, chúng ta cùng cầu nguyện với Chúa Giêsu qua các giờ chầu cho đến nửa đêm. Từ nửa đêm trở đi, sẽ không tổ chức các giờ chầu Mình Thánh Chúa trọng thể.

Ngoài ra, xin lưu ý cộng đoàn vài điểm như sau:

Ngày mai, thứ Sáu Tuần Thánh, các tín hữu sẽ giữ chay và kiêng thịt.

Giáo luật điều 1251 dạy: “Thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh phải giữ chay và kiêng thịt.”

Tuổi giữ chay, theo Giáo Luật điều 1252: “Mọi người từ tuổi thành niên cho đến khi bắt đầu 60 tuổi thì phải giữ chay.” Và Giáo Luật điều 97, khoản 1, quy định: “Ai đã được 18 tuổi trọn thì là thành niên.”

Giáo luật điều 1252 dạy rằng: luật kiêng thịt buộc các tín hữu từ 14 tuổi trọn cho đến mãn đời.

Như vậy, những người bắt đầu 60 tuổi thì được miễn khỏi giữ chay, nhưng vẫn phải kiêng thịt.



[1] Trong các Đan viện Nữ, cố gắng để cử hành Tam Nhật Vượt Qua với lễ nghi trang trọng nhất, nhưng diễn ra trong nhà thờ của Đan viện.

[2] Sách lễ Rôma 2002 – Thánh Lễ tiệc ly, số 5: “Bàn thờ được trang hoàng cách CHỪNG MỰC hợp với tính cách của ngày hôm nay. Nhà Tạm hoàn toàn để trống; chỉ truyền phép bánh lễ đủ cho giáo sĩ và giáo dân hiệp lễ hôm nay và ngày mai.” Với hướng dẫn này, chúng ta hiểu là: BÀN THỜ ĐƯỢC PHÉP CHƯNG HOA nhưng CHỪNG MỰC.

[3] Luật chữ đỏ của Sách lễ Rôma chỉ rằng: “Nhà Tạm hoàn toàn để trống.” Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích giải thích rõ hơn trong Thông tư về việc Chuẩn bị và cử hành Đại Lễ Phục Sinh (16/01/1988), số 48: “Nhà Tạm để trống hoàn toàn trước khi cử hành Thánh Lễ.” Mặc dù chữ đỏ không nói một cách minh nhiên, nhưng nên tắt đèn Nhà Tạm và để cửa Nhà Tạm mở rộng để gây tác động giác quan cho người tham dự. Điều này có nghĩa là trước Thánh Lễ, tất cả Mình Thánh trong Nhà Tạm (đựng trong bình thánh) được mang đi cất giữ trong phòng thánh hoặc một nơi thích hợp khác mà những người tham dự không thấy. Phải chuẩn bị đủ số bánh lễ cho việc truyền phép và hiệp lễ cho buổi cử hành phụng vụ ngày thứ Năm Thánh và ngày hôm sau (thứ Sáu Thánh) (x. Phạm Đình Ái, Làm sáng tỏ vài điểm phụng vụ trong Thánh Lễ Tiệc Ly).

[4] Không xông hương Thánh Giá nếu Thánh Giá đã được phủ khăn từ Chúa nhật V mùa Chay.

[5] Cho đến Kinh Vinh Danh đêm Vọng Phục Sinh, không rung chuông mà sẽ gõ trắc / mõ thay thế.

[6] Không có Halleluia.

[7] Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, trong Giải thích Sắc lệnh In Missa in Cena Domini nhắc lại: “Phụng vụ canh tân được thực hiện dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XII (1955) đã chuyển Thánh Lễ Tiệc Ly “Missa in cena Domini” vào buổi chiều thứ Năm Tuần Thánh, việc rửa chân được đưa vào Thánh Lễ này, diễn ra sau bài giảng […]. VỊ CHỦ SỰ rửa và lau chân cho các người được chọn. […]  Ý nghĩa việc rửa chân không chỉ còn là bắt chước cử chỉ bên ngoài mà Chúa Giêsu đã thực hiện cho bằng ý nghĩa cử chỉ mà Ngài đã thực hiện, với ý nghĩa rộng lớn hơn, nghĩa là Ngài đã trao ban chính mình đến cùng vì phần rỗi của nhân loại. Tình yêu của Ngài ôm ấp hết thảy mọi người. Tất cả mọi người được mời gọi sống theo mẫu gương của Ngài. Tất cả hãy làm như Ngài đã làm cho chúng ta (x. Ga 13,14-15). Và vượt lên trên việc rửa chân hữu hình cho người khác, để hiểu trọn vẹn ý nghĩa mà cử chỉ này diễn tả trong việc phục vụ và yêu mến anh chị em mình. Trong Thánh Lễ, tất cả các điệp ca, được đề nghị lúc rửa chân nhắc nhớ và diễn tả ý nghĩa của cử chỉ này, cho những ai cử hành và những ai lãnh nhận, cho những ai chiêm ngắm và suy niệm trong tâm trí cử chỉ này bằng các bài hát.” Vì thế, sau bài giảng, CHÍNH LINH MỤC CHỦ TẾ thực hiện việc rửa chân cho những người được chọn. Các vị đồng tế không thực hiện cử chỉ này. Bên cạnh đó, cần loại bỏ “sáng kiến” rửa tay thay cho rửa chân, vì không đúng với ý nghĩa ban đầu của cử chỉ này (x. Edward McNamara, Có thể rửa tay thay vì rửa chân trong ngày thứ Năm Tuần Thánh được không?).

[8] Trong Thánh Lễ Tiệc Ly, sau bài Tin Mừng theo thánh Gioan, để diễn tả cách sinh động thái độ khiêm nhường và tình yêu của Chúa Kitô đối với các môn đệ, dựa vào sắc lệnh Maxima Redemptionis Nostrae Mysteria về việc cải tổ Tuần Thánh (30/11/1955), tại những nơi có lý do mục vụ tương xứng, có thể rửa chân mười hai người nam.

Phụng vụ Rôma vẫn gọi đây là nghi thức nhắc nhớ Lệnh Truyền của Chúa về đức ái huynh đệ qua những lời dạy của Chúa Giêsu (x. Ga 13,34) được hát lên theo thể đối ca trong lúc cử hành nghi thức.

Khi thực hành nghi thức này, các Giám mục và Linh mục được mời gọi trở nên giống Chúa Kitô, Đấng “đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28), và khi được thúc đẩy bởi tình yêu “đến cùng” (Ga 13,1), sẵn sàng trao ban cả mạng sống vì phần rỗi toàn thể nhân loại.

Để thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của nghi thức này nơi những người tham dự, Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn sửa đổi quy định chữ đỏ số 11, phần nghi thức Thánh Lễ Tiệc Ly trong Sách lễ Rôma, câu: “Những người nam đã được chọn…” được sửa lại thành: “Những người đã được chọn giữa cộng đồng dân Chúa…” (trong sách Sách Lễ nghi Giám mục, số 301, cũng phải sửa như thế, và số 299b, sẽ là: “dọn ghế cho những người đã được chỉ định”), như vậy, các mục tử có thể chọn một nhóm tín hữu nói lên tính đa dạng và hợp nhất trong mọi thành phần dân Chúa. Nhóm này có thể gồm nam giới và nữ giới, người trẻ cũng như người cao tuổi, người khỏe mạnh và người đau yếu, các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân (Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, Sắc lệnh In Missa In Cena Domini – Thánh Lễ Tiệc Ly, Uỷ ban Phụng tự / HĐGM.VN chuyển ngữ).

[9] Về việc dâng lễ vật lúc bắt đầu phần phụng vụ Thánh Thể, xin lưu ý vài điểm:

-  Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 73: “Bắt đầu phần phụng vụ Thánh Thể, các lễ vật được đưa lên bàn thờ và sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Trước hết phải chuẩn bị bàn thờ hoặc còn gọi là bàn ăn của Chúa, tâm điểm nơi diễn ra toàn bộ phần phụng vụ Thánh Thể, phải trải trên đó một khăn thánh, đặt khăn lau chén, Sách lễ và chén lễ, trừ khi chén lễ được dọn ở bàn phụ.

Tiếp đến là đem lễ vật lên: nên để giáo dân dâng bánh và rượu, Linh mục hoặc Phó tế nhận tại một nơi thuận tiện, và đưa lên bàn thờ. Mặc dầu ngày nay giáo dân không còn mang bánh rượu của mình đến để dùng vào việc phụng vụ như xưa, nhưng việc tiến lễ vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Cũng được nhận tiền bạc hoặc các phẩm vật khác, do tín hữu mang đến hoặc được quyên ngay trong nhà thờ để giúp người nghèo hoặc nhà thờ, những phẩm vật này được đặt ở một nơi xứng hợp ngoài bàn thờ.”

-  Nghi thức Thánh Lễ 2002, số 22: “Các tín hữu nên biểu lộ sự tham dự của mình bằng việc dâng lễ vật: hoặc dâng bánh rượu để cử hành thánh lễ, hoặc những lễ vật khác theo nhu cầu của Hội Thánh và người nghèo.”

-  Từ hướng dẫn trên, chúng ta thấy rằng:

§ Mục đích chính của nghi thức dâng lễ là mang lên bàn thờ bánh và rượu được sử dụng cho hy lễ Thánh Thể.

§ Ngoài bánh và rượu ra, có thể đem theo cuộc rước những lễ vật khác nữa trong đó có cả tặng phẩm dưới hình thức tiền bạc hoặc những lễ phẩm khác nhằm mục đích chăm lo cho Hội Thánh cũng như giúp đỡ người nghèo.

§ Tiền bạc, cũng như những vật phẩm khác dành cho người nghèo, phải được đặt để vào một nơi thích hợp, ngoài bàn tiệc Thánh Thể vì khác với bánh rượu, chúng không trực tiếp thuộc về dấu chỉ bí tích của bữa tiệc.

-  Vì thế, có thể rút các các kết luận thực hành sau:

§ Nếu có đoàn rước dâng của lễ thì những giỏ tiền sẽ được mang đến cung thánh cùng với lễ phẩm bánh và rượu để cho thấy mối liên hệ giữa hy lễ của dân Kitô giáo với hy lễ của Chúa Kitô (x. Phạm Đình Ái, Trong Thánh Lễ, quyên góp tiền thau khi nào?).

§ Không nên đem hoa và nến trong cuộc rước dâng của lễ: Hoa và nến là hai đối tượng được Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002Nghi thức Thánh lễ 2002 nói một cách rõ ràng bất cứ khi nào cần được đề cập đến (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 100, 117, 119, 120, 133, 175, 188, 274, 297, 305). Tuy nhiên, số 73 của Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002 và số 22 của Nghi thức Thánh lễ 2002 chỉ nhắc đến đối tượng có thể đem theo trong cuộc rước chuẩn bị lễ vật là bánh và rượu cùng những lễ phẩm khác nữa, trong đó có cả tặng phẩm dưới hình thức tiền bạc hay những lễ phẩm dùng cho nhu cầu của Hội Thánh và thi hành bác ái đối với người nghèo. Cụm từ “các phẩm vật khác” trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002 số 73 [“Cũng được nhận tiền bạc hoặc các phẩm vật khác, do tín hữu mang đến hoặc được quyên ngay trong nhà thờ để giúp người nghèo hoặc nhà thờ”] và “những lễ vật khác” trong Nghi thức Thánh lễ 2002 số 22 [“hoặc những lễ vật khác theo nhu cầu của Hội Thánh và người nghèo”] chắc chắn không thể hiểu gồm cả là hoa và nến (x. Phạm Đình Ái, Trong Thánh Lễ, quyên góp tiền thau khi nào?; Không nên đem hoa và nến trong cuộc rước dâng của lễ).

§ Chủ tế [cùng với thầy phó tế/người giúp lễ hỗ trợ ngài] nhận lễ phẩm tại một nơi thuận tiện, và đưa lên bàn thờ. Nghi thức trước đây (năm 1965) cho phép linh mục đồng tế nhận lễ vật cùng với chủ tế, nhưng quy định hiện nay chỉ đề cập đến vị chủ tế nhận lễ phẩm với sự trợ giúp của thừa tác viên giúp lễ hoặc một thừa tác viên khác (x. QCSL, số 140, 178; Sách Lễ nghi Giám mục, số 145). Thông thường, nơi thuận tiện cho chủ tế đứng tiếp nhận lễ phẩm là ở trước bàn thờ (chân bàn thờ) / lối vào cung thánh (x. QCSL, số 73-74, 178, 190, 140, 105; GLCG, số 1350). Đức Giám mục chủ tế có thể tiếp nhận lễ phẩm tại vị trí trước bàn thờ hoặc tại ghế giám mục / ghế chủ toạ.

[10] Hội Thánh khuyên (chứ không buộc) đọc Kinh nguyện Thánh Thể I (Lễ quy Rôma). Khi đọc, lưu ý những phần riêng trong Kinh nguyện Thánh Thể này.

[11] Chủ tế có thể dâng lời nguyện Hiệp lễ từ ghế chủ toạ hoặc bàn thờ (x. Nghi thức Thánh Lễ, số 139; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 165), nhưng ngày hôm nay, tốt nhất nên đọc lời nguyện Hiệp lễ từ ghế chủ toạ vì bình đựng Mình Thánh đang ở trên bàn thờ (x. Paul Turner, Glory in The Cross, 72).

[12] Về việc xông hương, xin tóm tắt như sau:

- Việc xông hương bày tỏ sự tôn kính và cầu nguyện, theo ý nghĩa trong Sách Thánh (x. Tv 140,2; Kh 8,3) (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 276).

- Có thể xông hương lễ vật đặt trên bàn thờ, rồi xông hương Thánh Giá và chính bàn thờ, để nói lên rằng lễ vật và lời cầu nguyện của Hội Thánh cũng ví như hương trầm bay lên trước thánh nhan Chúa. Sau đó, Phó tế hoặc thừa tác viên nào khác có thể xông hương cho Linh mục, vì ngài đã được lãnh chức thánh, và xông hương cho cộng đoàn, vì phẩm giá do bí tích Thánh Tẩy ban tặng (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 75).

- Có thể tuỳ nghi dùng hương trong bất cứ hình thức Thánh Lễ nào (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 276):

§ Khi đi rước ra bàn thờ;

§ Đầu lễ, xông hương Thánh Giá và bàn thờ;

§ Khi rước Sách Tin Mừng và trước khi công bố bài Tin Mừng;

§ Sau khi đặt bánh và chén trên bàn thờ, xông hương lễ vật, Thánh Giá và bàn thờ, rồi cũng xông hương Linh mục và cộng đoàn;

§ Khi nâng Bánh thánh và Chén thánh sau truyền phép

- Khi bỏ hương vào bình, chủ tế thinh lặng và làm phép bằng một dấu Thánh Giá trên bình hương (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 277; Sách Lễ nghi Giám mục, số 90).

- Chỉ có Giám mục mới ngồi khi bỏ hương (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 140; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 131-132 và 212; Edward McNamara, Khi bỏ hương vào bình hương, Linh mục ngồi hay đứng?). Khi bỏ hương vào bình, nếu Giám mục ở tại tòa hoặc ở một ghế khác thì ngài ngồi, bằng không, Ngài đứng mà bỏ hương, thầy Phó tế cầm tàu hương. Giám mục làm phép hương bằng dấu Thánh Giá và không đọc gì cả. Sau đó, Phó tế cầm lấy bình hương do người giúp lễ trao và đưa cho Giám mục (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 90).

- Trước và sau khi xông hương, cúi mình chào người hoặc vật được xông hương, trừ bàn thờ và lễ vật dùng cho Thánh Lễ (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 277; Sách Lễ nghi Giám mục, số 91).

- Phải quỳ khi xông hương Mình Thánh Chúa (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 94).

- Tất cả những ai tiếp nhận việc xông hương đều phải đứng (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 96).

- Số lần, số cú:

§ Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 277:  “Tribus ductibus thuribuli incensantur: Ss.mum Sacramentum, reliquia sanctae Crucis et imagines Domini publicae venerationi expositae, oblata pro Missae sacrificio, crux altaris, Evangeliarium, cereus paschalis, sacerdos et populus. Duobus ductibus incensantur reliquiae et imagines Sanctorum publicae venerationi expositae, et quidem initio tantum celebrationis, cum incensatur altare / The following are incensed with three swings of the thurible: the Most Blessed Sacrament, a relic of the Holy Cross and images of the Lord exposed for public veneration, the offerings for the sacrifice of the Mass, the altar cross, the Book of the Gospels, the Paschal Candle, the priest, and the people. The following are incensed with two swings of the thurible: relics and images of the Saints exposed for public veneration, which should be done, however, only at the beginning of the celebration, after the incensation of the altar / Xông hương ba lần: trước Thánh Thể, gỗ Thánh giá, các ảnh Chúa được trưng bày cho người ta cung kính, thánh giá của bàn thờ, sách Tin Mừng, nến Phục sinh, Linh mục và cộng đoàn. Xông hương hai lần: trước xương và ảnh các Thánh được trưng bày cho người ta tôn kính, và chỉ làm lúc đầu lễ khi xông hương bàn thờ.”

§ Mỗi “LẦN” gồm hai “CÚ” là tập tục phổ quát trong thực tế, trong đó, mỗi “LẦN” (ductus) gồm có hai “CÚ” (ictus, swings). Vì vậy, bình hương được nâng lên, lắc hai cú về vật hoặc người được xông hương, rồi hạ xuống.

§ Ví dụ, sự mô tả sau đây về “hai lần, hai cú” được tìm thấy trong sách nghi thức trước Công đồng Vatican II của Fortescue-O'Connell: “Hai lần, hai cú (“ductus duplex”) được thực hiện bằng cách nâng bình hương lên ngang mặt, sau đó lắc về phía vật hoặc người được xông hương, và lắc thêm lần nữa, sau đó hạ thấp bình hương.” Sự mô tả về HAI LẦN, HAI CÚ (double swing) dựa trên các sắc lệnh của Thánh bộ Nghi lễ năm 1862 và 1899 (các Sắc lệnh số 3110 và 4048).

§ Xông hương BA lần, mỗi lần HAI cú: trước Thánh Thể, gỗ Thánh Giá, các ảnh Chúa được trưng bày cho người ta tôn kính, lễ vật của Thánh Lễ, Thánh Giá của bàn thờ, Sách Tin Mừng, Nến Phục Sinh, chủ tế, đồng tế, và cộng đoàn, thi hài người quá cố (nếu lối đi không đủ rộng để có thể xông hương xung quanh).

§ Xông hương HAI lần, mỗi lần HAI cú: trước xương và ảnh các thánh được trưng bày cho người ta tôn kính, và chỉ làm lúc đầu lễ khi xông hương bàn thờ (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 277; Sách Lễ nghi Giám mục, số 92).

§ Xông hương BA lần, mỗi lần BA cú đối với Mình Thánh Chúa: phải có phép riêng của Toà Thánh (x. Edward McNamara, Nói thêm về các cú và lắc khi xông hương).

- Cách xông:

§ Xông thẳng (ba lần, mỗi lần hai cú): Mình Thánh, Máu Thánh, Thánh Giá, Nến Phục Sinh, chủ tế, sách có bài Exsultet (cách nhớ: một đối tượng thì xông thẳng).

§ Xông giữa – trái – phải (mỗi vị trí xông hai cú): Sách Thánh, đồng tế, lễ vật của Thánh Lễ (cách nhớ: một nhóm đối tượng thì xông giữa – trái – phải).

§ Xông từng cú một (“tạt” vào đối tượng từng cú một): bàn thờ, quan tài (nếu có thể đi xung quanh được).

@ Về số lần, số cú và cách xông hương: xin xem thêm Edward McNamara, Cách thức xông hươngNói thêm về các cú và lắc khi xông hương.

- Linh mục xông hương ba lần trên lễ vật (xông giữa – trái – phải) trước khi xông Thánh Giá và bàn thờ, hoặc dùng bình hương vẽ hình Thánh Giá trên lễ vật (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 277).

- Thứ tự xông hương trong Thánh Lễ là chủ tế trước, rồi đến đồng tế (xông hương chung cho các vị), sau cùng đến dân chúng (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 96). Các Giám mục và các kinh sĩ không đồng tế được xông hương chung với giáo dân. Trong trường hợp một Giám mục chủ toạ nhưng không đồng tế, ngài được xông hương chung với các vị đồng tế. Theo tập tục, các vị lãnh đạo nhà nước, khi tham dự chính thức trong buổi phụng vụ, thì được xông hương sau Đức Giám mục (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 96-97).

- Vị chủ tế không nên đọc kinh nào hoặc nói lời nào cho đến khi việc xông hương đã hoàn tất (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 98).

[13] Sách lễ Rôma 2002 - Thánh Lễ Tiệc Ly, số 38: “Bắt đầu kiệu Mình Thánh, có nến và hương, đi trong nhà thờ đến nơi đã dọn sẵn trong nhà thờ hay một phòng nguyện được trang hoàng thích hợp. Đi đầu là một thừa tác viên giáo dân cầm Thánh Giá giữa hai người cầm nến cháy. Theo sau là những người khác cầm nến cháy. Người cầm bình có khói hương nghi ngút đi trước Linh mục mang Mình Thánh. Trong khi đó, hát thánh thi Lưỡi tôi hãy ca hát (trừ hai triệt cuối) hoặc một ca khúc về Thánh Thể.” Không thấy Sách lễ Rôma nói về việc vừa đi vừa xông hương và tung hoa trong cuộc rước này.

[14] Trong khi Linh Mục đặt Mình Thánh Chúa vào Nhà Tạm và xông hương thì hát hai khổ cuối cùng của thánh thi Tantum ergo – Ôi bí tích thật cao vời... (Sách lễ Rôma 2002 Thánh Lễ Tiệc Ly, số 38). Theo Enchiridion Indulgentiarum (Liberia Editrice Vaticana, 1999), số 507: thứ Năm Tuần Thánh, sau Thánh Lễ Tiệc Ly, tín hữu tham dự kiệu Mình Thánh Chúa sang Nhà Tạm và sốt sắng hát thánh thi Tantum ergo thì sẽ được hưởng một ơn toàn xá (đại xá), với các điều kiện thông thường là quyết tâm không dính bén tội lỗi, xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng (qua việc đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng). Mỗi ngày chỉ được hưởng một ơn toàn xá mà thôi.

[15] Nhà Tạm phải làm bằng vật liệu cứng, chắc chắn, không trong suốt, và phải được khoá kỹ để ngăn ngừa tối đa nguy cơ bị xúc phạm (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 314). Tránh việc trưng bày hoặc đặt Mình Thánh trong mặt nhật (hào quang) vào tối thứ Năm Tuần Thánh (x. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Hướng dẫn về Lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, số 141).

[16] Ai tham dự Thánh Lễ chiều thì không phải đọc kinh Chiều (x. Sách lễ Rôma 2002 – Thánh Lễ Tiệc Ly, số 42; Văn kiện trình bày và quy định các giờ kinh phụng vụ, số 209).

Học viện Thánh Anphongsô