CHÚA
NHẬT PHỤC SINH: CANH THỨC VƯỢT QUA
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC
Bộ Phụng tự và Kỷ luật
các bí tích, Thông tư về việc Chuẩn bị và cử hành Đại Lễ Phục Sinh, số
73-96:
I. THỨ BẢY TUẦN THÁNH
1. Thứ Bảy Tuần Thánh, Hội Thánh ở bên cạnh mồ Chúa để
suy niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ tông; đồng thời
ăn chay và cầu nguyện để trông đợi Chúa Phục Sinh. Hôm nay, cố gắng hết sức để
có thể cử hành giờ kinh Sách và kinh Sáng chung với giáo dân. Ở đâu không cử
hành được thì cử hành phụng vụ Lời Chúa hoặc làm các việc đạo đức khác thích hợp
với mầu nhiệm cử hành hôm nay.
2. Nên trưng bày trong nhà thờ hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thánh
Giá, hoặc táng xác trong mồ, hoặc xuống ngục tổ tông minh hoạ mầu nhiệm ngày thứ
Bảy Tuần Thánh, cũng như hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi, để giáo dân suy niệm và cầu
nguyện.
3. Hôm nay, Hội Thánh không cử hành một Thánh Lễ nào. Chỉ có thể cho rước lễ như Của Ăn
Đàng. Cấm cử hành nghi thức hôn phối, cũng như các bí tích khác, trừ bí tích
Hoà Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân.
4. Giáo dân cần được chỉ dẫn ý nghĩa những dấu hiệu đặc biệt của ngày thứ Bảy Tuần Thánh. Những tục lệ và truyền thống lễ hội trong ngày này không được diễn ra trước cử hành Đêm Canh thức Phục Sinh mà phải dành cho Đêm Canh Thức và ngày Lễ Phục Sinh.
II. CHÚA NHẬT PHỤC SINH, MỪNG
CHÚA SỐNG LẠI
A. Canh thức Vượt Qua
5. Theo truyền thống từ rất lâu đời, đêm nay là “đêm canh thức của Đức
Chúa,” Lễ Vượt Qua được cử hành trong đêm nay để tưởng nhớ Đêm Thánh Chúa sống
lại từ cõi chết; và đêm nay được coi là “mẹ của mọi buổi canh thức phụng vụ.” Trong
đêm Vượt Qua này, Hội Thánh tiếp tục canh thức để
mong đợi Chúa Phục Sinh và cử hành mầu nhiệm Vượt Qua ấy trong các bí tích khai
tâm Kitô giáo.
1. Ý nghĩa của những dấu
hiệu cử hành trong Đêm Canh thức Vượt Qua
6. “Tất cả mọi cử hành Canh
thức Vượt Qua được cử hành về đêm, nên phải bắt đầu lúc chập tối; và phải kết
thúc trước rạng đông Chúa nhật.” Quy định này phải tuân giữ hết sức nghiêm
túc. Những nơi, theo tục lệ, cử hành Canh thức Vượt Qua vào một giờ ban ngày của
ngày thứ Bảy trước các Thánh Lễ của Chúa nhật, thì đó quả là một xúc phạm quy định
này và đáng bị khiển trách.
Những lý do giải thích cho việc dời các
cử hành trước Đêm Canh thức Vượt Qua theo quy định được đưa ra, như là ở một số
vùng miền thiếu anh ninh công cộng, không được quan tâm tổ chức như Canh Thức
Giáng Sinh, và người ta cũng không quy tụ như những loại hình lễ hội khác.
7. Đêm Canh thức Vượt Qua là đêm mà người Israel tuân giữ hằng năm để kỷ
niệm Cuộc Canh Thức của Đức Chúa nhằm giải phóng họ khỏi nô lệ Pharaô. Đêm nay
đã tiên báo Cuộc Vượt Qua thật sự của Đức Kitô. Chính đêm nay Đức Kitô giải
phóng khỏi tội lỗi bủa vây, “tiêu diệt tử thần, từ âm phủ trỗi dậy và toàn thắng
hiển vinh.”
8. Từ thuở sơ khai, Hội Thánh đã cử hành Lễ Vượt
Qua hằng năm, đây là lễ trọng trên tất cả các lễ trọng; đêm canh thức mang ý
nghĩa trổi vượt trên tất cả. Vì Chúa Kitô Phục sinh là nền tảng của niềm tin và
niềm hy vọng của mọi Kitô hữu; và qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, chúng ta
được sáp nhập vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, cùng chết, cùng chịu mai
táng và cùng sống lại với Người, và cùng với Người, chúng ta cũng sẽ hưởng vinh
quang.
Ý nghĩa viên mãn của Đêm Canh thức Vượt
Qua mang tính chất đợi trông cuộc quang lâm cánh chung của Chúa.
2. Cấu trúc của Đêm Canh
thức Vượt Qua và tầm quan trọng của những yếu tố khác nhau trong các nghi thức,
cũng như của các phần phụng vụ
9. Thứ tự của Đêm Canh Thức được sắp xếp để sau Nghi Thức Thắp Nến Phục
Sinh và Công Bố Tin Mừng Phục Sinh (phần đầu tiên của Đêm Canh Thức), thì Hội Thánh suy niệm những kỳ công Chúa đã làm cho dân
Người ngay từ lúc khởi nguyên (phần thứ hai hoặc phần phụng vụ Lời Chúa) và cho
đến hôm nay, cùng với những anh chị em tân tòng vừa được tái sinh khi lãnh nhận
bí tích Thánh Tẩy (phần thứ ba), Hội
Thánh được
mời vào bàn tiệc mà Chúa đã dọn sẵn cho dân Người, qua việc tưởng niệm sự chết
và phục sinh của Người, cho đến ngày Chúa đến (phần thứ tư).
Không ai
được phép theo sáng kiến riêng mà thay đổi thứ tự các phần cử hành phụng vụ
này.
10. Phần đầu tiên có những
cử chỉ và biểu tượng, do đó chủ tế cần nói vài lời vắn tắt để giải thích, cùng
với lời nguyện, nhằm làm nổi bật ý nghĩa và vẻ trang trọng của nghi thức sắp cử
hành. Nhờ đó, tín hữu có thể hiểu và tham dự tích cực hơn.
Chuẩn bị một bếp lửa ở nơi xứng hợp
ngoài nhà thờ để làm phép lửa mới, và làm sao với ánh lửa mới này thật sự xoá
tan sự tối tăm và thắp lên ánh sáng cho đêm đen.
Để duy trì tính chân thật của dấu chỉ, Nến
Phục Sinh phải được làm bằng sáp nguyên tuyền, tránh hình thức giả tạo, đủ lớn
và được làm mới cho mỗi năm, chỉ một cây nến mà thôi; để nó diễn tả một sự thật
rằng Chúa Kitô là Ánh Sáng soi chiếu thế gian. Nến Phục Sinh được làm phép theo
cách thức được chỉ định trong Sách lễ
Rôma hoặc theo nghi thức do Hội đồng Giám mục quy định.
11. Khi kiệu Nến Phục Sinh,
người cầm nến đã thắp sáng đi đầu và mọi người chỉ theo ánh sáng đó tiến vào
nhà thờ.
Bởi vì như các trẻ em Israel được dẫn đường bằng cột lửa vào ban đêm, thì người
tín hữu cũng được Chúa Kitô Phục Sinh dẫn đường. Với mỗi lời đáp “Tạ ơn Chúa,”
không có lý do gì mà không thêm một vài lời tung hô khác để tôn vinh Chúa Kitô.
Mọi người
chuyền lửa từ ánh sáng của cây Nến Phục Sinh để thắp sáng cây nến của tất cả mọi
người đang cầm trong tay. Trước đó, tắt tất cả đèn ở trong nhà thờ khi bắt đầu
làm phép lửa.
12. Thầy Phó tế công bố
Tin Mừng Phục Sinh, đây là một bài thánh thi vĩ đại gói trọn tất cả ý nghĩa mầu nhiệm Phục
Sinh trong toàn thể nhiệm cục cứu độ. Do
nhu cầu, nếu không có thầy Phó tế, và Linh mục chủ tế không thể hát được, thì một
ca viên có thể công bố thay Linh mục. Hội Đồng Giám mục có thể thêm vào bài
thánh thi này những lời điệp ca dành cho tín hữu.
13. Những bài đọc trong Sách Thánh làm nên phần thứ hai của Đêm Canh Thức.
Những bài đọc này cho thấy những kỳ công của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Rồi
tín hữu được hướng dẫn để suy niệm cách nhẹ nhàng với việc hát Thánh vịnh đáp
ca, thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, và lời cầu nguyện của Linh mục.
Thứ tự các bài đọc đã được sắp xếp, gồm
7 bài trích từ Cựu ước, được chọn từ sách luật và sách các ngôn sứ, được sử dụng
khắp nơi theo truyền thống xa xưa của phương Đông và phương Tây; và gồm 2 bài đọc
trích từ Tân Ước là thánh thư của các Tông Đồ và từ Tin Mừng. Như vậy, Hội Thánh “bắt đầu từ ông Môsê và các ngôn sứ” để diễn
giải mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Vì thế, Hội Thánh khuyến khích đọc tất cả các bài đọc, tuy kéo dài thời gian, song việc
đọc Lời Chúa là phần căn bản của Đêm Canh thức Vượt Qua.
Tuy
nhiên, nếu hoàn cảnh mục vụ đòi hỏi, thì có thể bớt số bài đọc, ít nhất đọc ba
bài Cựu Ước, trích từ sách luật và các ngôn sứ; nhưng không bao giờ bỏ bài
trích sách Xuất Hành chương 14, kèm theo bài ca vịnh.
14. Nội dung các lời cầu nguyện cho các bài đọc Cựu Ước được viết theo
cách thức mới và dễ hiểu, để cho Linh mục chủ tế dâng lời cầu nguyện sau mỗi
bài đọc; nhưng nó rất ích lợi để giới thiệu cho giáo dân ý nghĩa của mỗi bài đọc
bằng lời dẫn nhập vắn tắt. Lời dẫn nhập có thể do Linh mục hoặc thầy Phó tế xướng
lên.
Uỷ ban Phụng Vụ của giáo phận hoặc toàn
quốc chuẩn bị những trợ giúp cần thiết cho các mục tử.
Sau mỗi bài đọc đều có hát Thánh vịnh cùng
với câu đáp dành cho cộng đoàn.
Các giai điệu thánh nhạc có khả năng
lôi cuốn sự tham dự của giáo dân và gia tăng lòng đạo đức. Những bài ca thích hợp
có thể thay thế các Thánh vịnh đáp ca.
15. Sau bài đọc cuối cùng
trích từ Cựu Ước, cùng với đáp ca và lời nguyện thì Linh mục xướng Kinh Vinh
Danh; trong lúc đó, kéo chuông hay đánh chiêng trống,… tuỳ vào phong tục địa
phương. Sau
Kinh Vinh Danh, Linh mục đọc lời nguyện Nhập lễ và Thánh Lễ tiếp tục với các
bài đọc trích từ Tân Ước. Bài đọc thánh thư là một huấn dụ căn bản về bí tích
Thánh Tẩy; trong phép Rửa, chúng ta được sáp nhập vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức
Kitô.
Rồi sau
bài thánh thư, mọi người đứng lên. Linh mục, nếu cần thì Phó tế hoặc một ca
viên làm thay, long trọng hát xướng “HHalleluia” và cộng đoàn lặp lại theo
giọng được xướng. Xướng “HHalleluia” ba lần, mỗi lần lên giọng cao hơn. Rồi ca viên hát
Thánh vịnh 117 và cộng đoàn đáp lại bằng lời Halleluia cho mỗi đoạn Thánh vịnh.
Các Tông Đồ thường trích dẫn Thánh vịnh này trong bài giảng về Chúa Phục Sinh.
Sau hết, Chúa Phục Sinh được công bố
trong Tin Mừng như là đỉnh cao của phần phụng vụ Lời Chúa. Kết thúc Tin Mừng,
phải có một bài giảng, tuy ngắn gọn.
16. Phần thứ ba của Đêm Canh Thức là phụng vụ Thánh Tẩy, cử hành cuộc Vượt
Qua của Chúa Kitô và của chúng ta. Phụng vụ Thánh Tẩy đạt ý nghĩa trọn vẹn ở những
nhà thờ có giếng rửa tội, và ý nghĩa hơn nữa nếu có ban bí tích khai tâm Kitô
giáo cho người lớn, hoặc ít là ban bí tích Thánh Tẩy cho trẻ em. Bằng không, tại
các nhà thờ giáo xứ thì làm phép nước thanh tẩy. Nếu việc làm phép nước không
diễn ra ở giếng rửa tội, nhưng ở cung thánh, thì nước thanh tẩy, sau đó, được đặt
ở nơi cử hành bí tích Thánh Tẩy trong suốt Mùa Phục Sinh. Nơi nào không có dự
tòng lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và cũng không làm phép giếng rửa tội, thì làm
phép nước để nhắc lại bí tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận và để rồi rảy trên dân
chúng.
17. Linh mục chủ tế nói vài lời nhằm tiếp tục nghi thức thánh tẩy để kêu gọi
dân chúng lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Giáo
dân đứng, cầm nến cháy trong tay và đáp lại những câu hỏi đặt ra cho họ. Rồi Linh
mục rảy nước thánh trên giáo dân. Như thế, cách thức cử hành và ngôn từ sử dụng
gợi lại cho tín hữu bí tích Thánh Tẩy mà họ đã lãnh nhận. Trong khi Linh mục đi
rảy nước thánh thì mọi người hát điệp ca “Tôi đã thấy nước” (Vidi aquam) hoặc một
bài thánh ca nào khác diễn tả đặc tính của bí tích Thánh Tẩy.
18. Phần thứ tư của Đêm Canh Thức là cử hành phụng vụ Thánh Thể. Phụng vụ
Thánh Thể là đỉnh cao của toàn bộ cử hành Đêm Canh Thức vì nó diễn tả cách viên
mãn nhất bí tích Vượt Qua. Cử hành Thánh Thể là tưởng niệm cuộc khổ nạn trên thập
giá của Chúa và là sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh, là hoàn thành việc
khai tâm Kitô hữu, và là nếm trước cuộc sống vĩnh hằng.
19. Không được cử hành phần
phụng vụ Thánh Thể này cách vội vàng; quả thế, tất cả các nghi thức và ngôn từ phải
được diễn tả với đầy đủ ý nghĩa và uy lực của chúng: lời nguyện cộng đồng nên
dành cho các tân tòng vì đây là lần đầu tiên họ thực thi chức vụ tư tế của họ;
nên để cho các tân tòng dâng lễ vật và bánh rượu; nên hát Kinh Tiền Tụng Phục
Sinh I, II, III, cùng với Kinh Khẩn Cầu sau Kinh Lạy Cha; và cuối cùng là “Đây
Chiên Thiên Chúa” của phần hiệp lễ. Khi rước lễ, rất thích hợp để hát Thánh vịnh
117 với điệp ca “Lễ Vượt Qua của chúng ta” (Pascha nostrum), hoặc Thánh vịnh 33
với điệp ca “Halleluia, Halleluia, Halleluia” hoặc những bài hát khác diễn tả
niềm vui Chúa Phục Sinh.
20. Trong Đêm Canh thức Vượt Qua, dấu chỉ bí tích Thánh Thể được hoàn hảo khi cho rước lễ dưới hai hình bánh và rượu. Đấng Bản Quyền địa phương xem xét và ấn định những hình thức hiệp lễ phù hợp với hoàn cảnh.
3. Những lưu ý mục vụ
21. Phụng vụ Đêm Canh thức Vượt Qua phong phú tâm tình cầu nguyện và nghi
thức, nên phải cử hành theo cách thức được đề nghị cho Dân Chúa. Vì thế, sự
tham dự của tín hữu được cổ võ để đảm bảo tính chính thống trong các nghi thức;
nên, không được cử hành nghi thức nào mà không có vai trò của thừa tác viên, của
người đọc sách, và của ca đoàn.
22. Vào dịp này, ước mong
nhiều cộng đoàn gần nhau hoặc những nhóm ít người, không thể tổ chức các nghi
thức tuần thánh, quy tụ về một nhà thờ để cử hành các nghi thức chung với nhau.
Những cử
hành Canh thức Vượt Qua cho các nhóm đặc biệt không được khuyến khích, vì ý
nghĩa vượt trên cả việc Canh Thức này, là các tín hữu phải hiệp nhất nên một
và cùng diễn tả chung một tâm tình về cộng đoàn Hội Thánh.
Những
tín hữu di dân được khuyến khích tham dự vào các cử hành phụng vụ ở những nơi
thuận tiện cho họ.
23. Trong các thông báo liên quan đến Đêm Canh thức Vượt Qua, phải hết sức
cẩn thận tránh trình bày Canh thức Vượt Qua như là những giờ phút cuối cùng của
thứ Bảy Tuần Thánh; nhưng tốt hơn, hãy nhấn mạnh rằng, Đêm Canh thức Vượt Qua thuộc về Chúa nhật Phục Sinh. Các vị mục tử
phải dạy giáo lý cho tín hữu hiểu về Đêm Canh thức Vượt Qua để họ tham dự trọn
vẹn.
24. Các mục tử cần phải thành thạo về các bản văn và các nghi lễ để làm
cho Đêm Canh Thức được diễn ra sốt sắng và linh thiêng; đồng thời có những huấn
giáo đạo lý thích hợp cho giáo dân.
Sách
lễ Rôma 2002 trích trong Uỷ ban Phụng
tự - HĐGM.VN, Phụng vụ Tuần Thánh (2023):
1. Theo truyền
thống rất xa xưa, đêm nay là đêm dành cho Chúa (Xh 12, 42), trong giờ canh
thức, dựa vào lời khuyên của Tin Mừng (Lc 12, 35-37), các tín hữu cầm đèn cháy
sáng trong tay như những người đang chờ đợi Chúa trở lại, để khi Người đến và
thấy tỉnh thức, sẽ được nhận vào đồng bàn với Người.
2. Đêm Vọng này
là đỉnh cao, vượt trên mọi đại lễ, vì thế chỉ được cử hành một lần trong mỗi
nhà thờ theo trình tự: sau nghi thức thắp nến và công bố Tin Mừng Phục Sinh
(phần thứ nhất của Đêm Vọng), Hội Thánh, với trọn niềm tin tưởng vào Lời Chúa
và điều Người hứa, suy niệm về những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho dân
Người thuở ban đầu (phần thứ hai hay phụng vụ Lời Chúa), đến lúc sắp bước sang
ngày mới, khi các thành viên mới đã được tái sinh trong giếng rửa tội (phần thứ
ba), Hội Thánh được mời đến bàn tiệc Chúa đã dọn sẵn cho Dân Người, cử hành lễ
tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa cho tới khi Người đến (phần thứ tư).
3. Toàn thể Đêm
Vọng phải được cử hành vào ban đêm, nghĩa là phải được khởi sự khi trời đã
tối và kết thúc trước hừng đông ngày Chúa nhật.
4. Thánh Lễ Vọng,
cho dù được cử hành trước nửa đêm, vẫn là lễ Chúa nhật Phục sinh.
5. Ai tham dự lễ
đêm, có thể được rước Thánh Thể lần nữa trong lễ chính ngày. Ai cử hành hay
đồng tế lễ đêm, có thể được cử hành hay đồng tế lần nữa vào lễ chính ngày. Đêm Vọng phục
sinh thay thế cho giờ kinh sách lễ Phục sinh.
6. Thông thường
có Phó tế phụ giúp Linh mục. Nếu không có Phó tế, Linh mục chủ tế hoặc Linh mục
đồng tế sẽ đảm nhiệm những phận vụ của Phó tế, trừ những gì sẽ quy định sau. Linh mục và Phó
tế mặc phẩm phục trắng như khi dâng lễ.
7. Phải chuẩn bị nến cho những người tham dự Đêm Vọng. Tắt các đèn trong nhà thờ.
NGHI THỨC KHAI MẠC TRỌNG THỂ ĐÊM VỌNG PHỤC SINH
Phần I: NGHI THỨC THẮP SÁNG
Làm phép Lửa và chuẩn bị Nến Phục Sinh
8. Chuẩn bị một
lò than cháy tại nơi thuận tiện ngoài nhà thờ. Sau khi dân chúng tụ họp, Linh
mục cùng với các thừa tác viên tiến ra, một thừa tác viên cầm Nến Phục Sinh.
Không mang Thánh Giá đèn hầu. Nơi nào không tiện đốt lửa ngoài nhà thờ, có thể cử
hành nghi thức trong nhà thờ.
9. Cộng đoàn làm
dấu Thánh Giá Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, Linh mục chào cộng đoàn
như thường lệ, vắn tắt nói lên ý nghĩa Đêm Vọng.
11. Sau
lời nguyện làm phép lửa mới, thừa tác viên mang Nến Phục Sinh đến, Linh mục lấy
bút nhọn vẽ hình Thánh Giá lên thân Nến, ghi chữ Hy Lạp “Alpha” phía trên hình
Thánh Giá, chữ “Ômêga” phía dưới, ghi bốn số của năm vào giữa các cánh Thánh
Giá, trong khi đọc:
1- Chúa Kitô hôm qua và hôm nay (vẽ nét dọc)
2- Nguyên thủy và cùng tận (vẽ nét ngang)
3- Alpha (Vẽ chữ Alpha trên đầu Thánh Giá)
4- và Ômêga (Vẽ chữ Ômêga dưới chân Thánh Giá)
5- Thời gian là của Chúa (Vẽ số đầu của năm trên cánh
trái Thánh Giá)
6- Mọi thế hệ là của Chúa (Vẽ số thứ hai trên cánh phải
Thánh Giá)
7- Vinh quang và vương quyền là của Chúa (Vẽ chữ số thứ
ba dưới cánh trái Thánh Giá)
8- Qua mọi thế hệ cho đến muôn đời. Amen (Vẽ chữ số thứ
tư dưới cánh phải Thánh Giá)
12. Vẽ hình Thánh Giá
và các con số xong, Linh mục có thể cắm vào cây nến năm hạt hương theo hình
Thánh Giá, theo thứ tự:
1- Nhờ các dấu thánh
2- vinh hiển của Chúa
Kitô,
3- xin Người
4- gìn giữ
5- và bảo toàn chúng
ta. Amen.
13. Nếu không thể
đốt lò than lửa, nên thích ứng nghi thức làm phép lửa theo hoàn cảnh. Dân chúng
có thể quy tụ trong nhà thờ và khi Linh mục cùng các thừa tác viên mang Nến
Phục Sinh tiến về phía cửa nhà thờ, dân chúng quay xuống hướng về phía Linh mục. Linh mục chào và
nhắc bảo dân chúng rồi làm phép lửa và chuẩn bị Nến Phục Sinh. Linh mục lấy lửa
mới thắp sáng cây Nến Phục Sinh và đọc: Xin ánh sáng Chúa Kitô phục sinh
vinh hiển xua tan bóng tối nơi tâm trí chúng con.
Hội đồng Giám mục có thể quy định cách khác về những yếu
tố trên đây cho thích hợp hơn với tinh thần dân chúng địa phương.
Rước Nến Phục Sinh
15. Sau khi thắp sáng Nến
Phục Sinh, một thừa tác viên gắp than cháy từ lò lửa bỏ vào bình hương và Linh
mục bỏ hương như thường lệ. Phó tế, hay nếu không có Phó tế, một thừa tác viên
cầm Nến Phục Sinh và bắt đầu cuộc rước. Thừa tác viên cầm bình hương với khói
hương nghi ngút đi trước Phó tế hay thừa tác viên cầm Nến Phục Sinh. Theo sau
là Linh mục cùng với các thừa tác viên và dân chúng, mọi người cầm nến chưa đốt
trong tay. Tới cửa nhà thờ, Phó tế đứng lại, đưa cao Nến Phục Sinh và hát: Ánh
sáng Chúa Kitô. Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa. Linh mục thắp sáng nến của mình từ lửa Nến
Phục Sinh.
16. Phó tế đến
giữa nhà thờ, đứng lại, đưa cao Nến Phục Sinh, hát lần thứ hai: Ánh sáng
Chúa Kitô. Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa. Mọi người thắp sáng nến của mình từ lửa Nến
Phục Sinh và tiếp tục đi rước.
17. Khi đến trước
bàn thờ, Phó tế đứng quay lại phía dân chúng, giơ cao Nến Phục Sinh, hát lần
thứ ba: Ánh sáng Chúa Kitô. Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa. Phó tế cắm Nến
Phục Sinh vào chân đèn dọn sẵn cạnh giảng đài hay giữa cung thánh. Thắp sáng
các đèn trong nhà thờ, trừ các nến trên bàn thờ.
Công bố Tin Mừng Phục sinh
18. Khi đến bàn
thờ, chủ tế về ghế, trao nến cho thừa tác viên, bỏ hương và chúc lành cho hương
như trước khi đọc Tin Mừng trong Thánh Lễ. Phó tế đến trước chủ tế xin phép
lành: Xin cha chúc lành cho con. Chủ tế đọc nhỏ tiếng: Xin Chúa ngự
nơi tâm hồn và môi miệng thầy, để thầy xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng
Phục sinh của Chúa, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Phó tế
thưa: Amen.
Nếu người công bố
Tin Mừng Phục sinh không phải là Phó tế thì không xin chúc lành.
19. Phó tế xông
hương sách và Nến Phục Sinh trước khi công bố Tin Mừng Phục sinh tại giảng đài
hay giá sách, mọi người đứng cầm nến sáng trong tay. Nếu không có Phó tế, chính Linh mục chủ tế hay một vị
đồng tế công bố Tin Mừng Phục sinh. Nếu người hát là giáo dân, không hát
câu: Vậy giờ đây… cho đến hết lời kêu mời. Cũng không hát lời chào: Chúa ở cùng anh chị em. Có thể công bố
Tin Mừng Phục sinh theo bản ngắn.
Phần II: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
20. Trong đêm Vọng
này là mẹ của mọi đêm Vọng, Hội Thánh đề nghị đọc chín bài đọc: bảy bài trích
từ Cựu Ước và hai bài từ Tân Ước (Thánh thư và Tin Mừng). Khi có thể, phải đọc
đủ chín bài để bảo toàn đặc tính của việc canh thức, thường đòi hỏi phải kéo
dài.
21. Dù vậy, khi có
lý do mục vụ quan trọng, cần phải rút ngắn, có thể bớt một số bài đọc Cựu Ước.
Tuy nhiên luôn phải coi việc đọc Lời Chúa là yếu tố chính của đêm Canh thức
Phục Sinh. Phải đọc ít là ba bài Cựu Ước và hát những thánh vịnh tương ứng. Không
bao giờ được bỏ qua bài đọc chương 14 của sách Xuất hành, cùng với thánh thi đi
kèm.
22. Mọi người cất
nến và ngồi xuống. Trước khi bắt đầu các bài đọc, Linh mục kêu gọi dân chúng
lắng nghe Lời Chúa
23. Tiếp theo là
các bài đọc. Người đọc sách công bố các bài đọc tại giảng đài. Sau đó, ca viên
hát thánh vịnh, dân chúng thưa lại bằng câu đáp. Rồi Cộng đoàn đứng lên, Linh
mục đọc: Chúng ta dâng lời cầu nguyện, và sau khi cộng đoàn thinh lặng cầu
nguyện giây lát, Linh mục đọc lời nguyện tương ứng của bài đọc. Có thể thay thế
thánh vịnh đáp ca bằng cầu nguyện thinh lặng. Trong trường hợp này, không phải
giữ thinh lặng sau câu: Chúng ta dâng lời cầu nguyện.
[…]
31. Sau bài đọc
Cựu Ước cuối cùng với thánh vịnh đáp ca và lời nguyện đi kèm, đốt nến bàn thờ
và Linh mục xướng thánh thi Vinh danh. Đổ chuông theo thói quen địa phương
và cộng đoàn tiếp tục hát thánh thi Vinh danh.
32. Sau thánh thi
Vinh danh, Linh mục đọc lời nguyện Nhập lễ như thường lệ
33. Sau đó đọc bài
Thánh thư.
34. Sau bài Thánh
thư, cộng đoàn đứng, Linh mục long trọng xướng ba lần Halleluia, mỗi lần
lên cung cao hơn, và dân chúng lặp lại. Nếu cần, người hát thánh vịnh sẽ
xướng Halleluia. Sau đó người hát thánh vịnh, hay ca viên, hát thánh vịnh
117 và dân chúng đáp Halleluia.
(Tiếp tục đứng sau khi hát long trọng ba lần Halleluia)
35. Linh mục bỏ
hương và chúc lành cho Phó tế như thường lệ. Khi đọc Tin Mừng, không mang đèn,
chỉ xông hương.
36. Sau Tin Mừng
phải có bài giảng, ít là vắn tắt.
PHẦN III: PHỤNG VỤ THÁNH TẨY
Nếu có ban bí
tích Thánh Tẩy
37. Sau bài giảng
sẽ cử hành phụng vụ rửa tội. Linh mục cùng với các thừa tác viên đi đến giếng
rửa tội, nếu giếng được đặt nơi các tín hữu có thể nhìn thấy, nếu không, sẽ đặt
một bình nước trong cung thánh.
38. Mời các dự
tòng tiến lên cùng với những người đỡ đầu, hoặc mời cha mẹ và những người đỡ
đầu bế các trẻ nhỏ lên trước cộng đoàn.
39. Tiến hành cuộc
rước đến giếng rửa tội, nếu có. Đi đầu là thừa tác viên cầm Nến Phục Sinh, tiếp
theo là những người sắp được rửa tội cùng đi với những người đỡ đầu, các thừa
tác viên, Phó tế và Linh mục. Đang khi đi rước hát Kinh Cầu.
40. Nếu cử hành
phụng vụ rửa tội tại cung thánh, Linh mục đọc lời mời gọi mọi người sốt sắng
cầu nguyện.
41. Kinh Cầu do
hai ca viên hát, mọi người đứng thưa câu đáp (vì là mùa Phục sinh). Nếu
quãng đường đi rước đến giếng rửa tội dài, sẽ hát Kinh Cầu đang khi đi rước;
trong trường hợp này, sau lời mời những người sắp được rửa tội tiến lên, sẽ
tiến hành cuộc rước với Nến Phục Sinh đi đầu, tiếp đến là các dự tòng và những
người đỡ đầu, các thừa tác viên, Phó tế và Linh mục.
46. Linh mục dang
tay đọc lời nguyện làm phép nước. Tuỳ nghi nhúng Nến Phục Sinh một hay ba lần
vào nước. Linh mục cử hành Bí tích Thánh Tẩy theo quy định của Nghi thức Bí
tích.
Nếu không ban bí tích Thánh Tẩy
42. Nếu không có
người rửa tội, cũng không làm phép giếng, thì bỏ Kinh Cầu và tiến hành làm phép
nước ngay.
55. Sau lời nguyện
làm phép nước, mọi người đứng và cầm nến cháy trong tay, lặp lại lời hứa từ bỏ
tội lỗi và tuyên xưng đức tin. Sau đó, Linh mục rảy
nước thánh trên dân chúng, mọi người đứng hát: Tôi đã thấy nước…
58. Linh mục trở
về ghế, không đọc kinh Tin kính.
70. Đốt Nến Phục Sinh trong các cử hành long trọng trong mùa này.
NHỮNG PHẦN CHÍNH
I. Phần thứ nhất: NGHI THỨC THẮP NẾN
PHỤC SINH
1. Làm phép lửa và chuẩn bị nến.
2. Kiệu Nến Phục Sinh.
3. Công bố Tin Mừng Phục Sinh.
II. Phần thứ hai: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
1. Bài đọc 1: St 1,1-2,2
2. Bài đọc 2: St 22,1-18
3. Bài đọc 3 (bắt buộc): Xh 14,15-15,1a
4. Bài đọc 4: Is 54,5-14
5. Bài đọc 5: Is 55,1-11
6. Bài đọc 6: Br 3,9-15.32-4,4
7. Bài đọc 7: Ed 36,16-17a.18-28
8. Kinh Vinh Danh
9. Lời nguyện Nhập lễ
10. Thánh thư: Rm 6,3-11
11. Tin Mừng
12. Bài giảng
III. Phần thứ ba: PHỤNG VỤ THÁNH TẨY
Nếu CÓ ban bí tích Thánh Tẩy thì thứ tự như sau:
[1] Lời
mời gọi;
[2] Kinh
Cầu Các Thánh;
[3] Làm
phép nước (tuỳ nghi nhúng Nến Phục Sinh vào trong nước).
Khi
làm phép nước rửa tội xong và sau lời tung hô của dân chúng, LINH MỤC ĐỨNG, HỎI
CÁC DỰ TÒNG TRƯỞNG THÀNH VÀ CHA MẸ HAY NHỮNG NGƯỜI ĐỠ ĐẦU CỦA CÁC TRẺ NHỎ, VỀ
QUYẾT TÂM TỪ BỎ, THEO NHƯ SÁCH NGHI THỨC BÍ TÍCH RÔMA QUY ĐỊNH. Nếu trước đây
chưa xức dầu dự tòng cho những người lớn trong các nghi thức chuẩn bị, thì xức
dầu vào lúc này. Sau đó, LINH MỤC HỎI TỪNG NGƯỜI, HOẶC HỎI CHUNG CHA MẸ VÀ
NHỮNG NGƯỜI ĐỠ ĐẦU CỦA CÁC TRẺ NHỎ, VỀ 3 LẦN TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN, THEO NHƯ SÁCH
NGHI THỨC QUY ĐỊNH CHO TỪNG TRƯỜNG HỢP.
Nếu
có đông người rửa tội vào đêm nay, có thể sắp xếp để ngay sau lời tuyên xưng
đức tin của các thụ nhân và người đỡ đầu, cũng như của cha mẹ các trẻ nhỏ, LINH
MỤC HỎI VÀ NHẬN VIỆC LẶP LẠI LỜI HỨA KHI LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÁNH TẨY CỦA TẤT CẢ
NHỮNG NGƯỜI HIỆN DIỆN.
[4] Lặp
lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy;
[5] Cử
hành bí tích Thánh Tẩy;
[6] Rảy
nước thánh trên cộng đoàn;
[7] Lời
nguyện tín hữu (không đọc kinh Tin kính).
Nếu KHÔNG ban bí tích Thánh Tẩy thì thứ tự như sau:
[1] Lời
mời gọi;
[2] Làm
phép nước (KHÔNG nhúng Nến Phục Sinh vào trong nước);
[3] Lặp
lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy;
[4] Rảy
nước thánh trên cộng đoàn;
[5] Lời nguyện tín hữu (không đọc kinh Tin kính).
IV. Phần thứ tư: PHỤNG VỤ THÁNH THỂ (như thường
lệ)
NHỮNG ĐỒ CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC
1. Trên bàn
thờ chính:
- Thánh Giá và chân nến.
- Bàn thờ đã
trải khăn.[1]
- Nhà Tạm không Mình Thánh, cửa mở, tắt đèn chầu.[2]
- Các ảnh tượng trong nhà thờ được phủ tới lúc bắt đầu Canh thức Phục sinh.[3]
2. Trên bàn
nhỏ cạnh bàn thờ chính:
- Sách lễ, giá sách.
- Chén thánh, bánh rượu, khăn lau.
- Chuông.
3. Trong cung
thánh:
- Chân Nến Phục Sinh.
- Ghế ngồi cho chủ tế và phụ tế.
- Lu nước sẽ làm phép.
- Bình đựng nước thánh.
Nếu có cử hành bí tích Thánh Tẩy trong Thánh Lễ thì:
- Sách Nghi thức Thánh Tẩy.
- Dầu thánh (O.S. và S.C.), bông gòn.
- Áo trắng, nến.
4. Ngoài sân
nhà thờ:
- Sách Nghi thức Tuần Thánh.
- Bình hương, tàu hương.
- Nến nhỏ để châm vào Nến Phục Sinh.
- Bật lửa, củi.
- Nến cho chủ tế và các phụ tế.
5. Trong
phòng thánh:
- Lễ phục màu trắng cho chủ tế và các phụ tế.
MỘT VÀI LƯU Ý (cho người dẫn
lễ)
- Chuẩn bị đèn pin.
- Tập hát:
§ Ánh Sáng Chúa Kitô
– Tạ ơn Chúa.
§ Halleluia.
§ Ôn một số bài hát
khác, nếu có thời gian.
- Lưu ý cộng đoàn không tự đốt nến bằng diêm
quẹt trong nghi thức rước Nến Phục Sinh.
- Xin bên giáo xứ cho biết các điểm cho rước lễ
để thông báo.
Chuẩn bị
MỘT LÒ THAN CHÁY tại nơi thuận tiện ngoài nhà thờ. Sau khi dân chúng tụ họp, Linh
mục cùng với các thừa tác viên tiến ra, một thừa tác viên cầm Nến Phục Sinh. Không
mang Thánh Giá đèn hầu. Nơi nào không tiện đốt lửa ngoài nhà thờ, có thể cử
hành nghi thức trong nhà thờ.[4]
Người dẫn: Kính thưa cộng đoàn, nếu đêm thứ Sáu Tuần Thánh được
gọi là đêm của sự trầm lắng, vì Chúa Giêsu bị chôn sâu trong huyệt mộ, đất trời
như câm lặng ôm lấy mầu nhiệm sự chết của Chúa Giêsu thì đêm thứ Bảy Tuần Thánh
hôm nay được gọi là đêm của sự vui mừng, rộn rã và hân hoan, vì Chúa Giêsu đã
trỗi dậy từ cõi chết, đất trời hân hoan như muốn vỡ tung trong tiếng HHalleluia
của các thiên thần, và nhân trần tràn ngập ánh sáng phục sinh của Đấng Hằng
Sống – Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta.
Chính vì vậy, việc tưởng niệm Chúa Kitô chịu chết và sống lại đạt đến
đỉnh điểm là trong đêm Vượt Qua này. Đây là đêm thánh của tất cả mọi người Kitô
hữu chúng ta.
Vậy trong đêm nay, cộng đoàn Kitô hữu chúng ta, trước tiên, sẽ nghe Lời
Thiên Chúa để ôn lại tất cả lịch sử cứu độ từ thuở khai thiên lập địa, đến việc
dân Ítraen ra khỏi đất Ai Cập, cho đến việc Chúa Giêsu sống lại và được tôn
dương lên trời.
Trong khi nghe đọc Sách Thánh, cộng đoàn chúng ta được Ánh Sáng của Nến Phục Sinh soi sáng. Nến Phục Sinh nhắc nhớ về đám mây và cột lửa mà xưa kia đã đưa dân Ítraen trên đường tiến về đất hứa. Nến Phục Sinh cũng đặc biệt tượng trưng cho Chúa Giêsu Kitô đã “phục sinh khải hoàn” – Ngài là sự sống và là ánh sáng cho muôn dân.
Tiếp sau là phần cử hành các bí tích Vượt Qua, đó là bí tích Thánh Tẩy,
nhờ bí tích này, con người cùng chết với Đức Kitô để được cùng sống lại trong
sự sống mới với Ngài. Bí tích Thêm Sức sẽ ghi ấn tín Chúa Kitô nơi người tân
tòng và ban Thánh Thần cho họ. Bí tích Thánh Thể là tiệc thánh của Giao Ước mới,
trong đó, các môn đệ làng Emmau đã nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, khi Ngài bẻ bánh
trao cho họ.
Vậy, trong đêm Vượt Qua thánh thiện này, người Kitô hữu chúng ta hãy vui
mừng hân hoan. Xin Đức Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta được nếm trước niềm vui của
thành Giêrusalem mới trên trời, với tiếng hát Hallêluia vang dội.
Trong Đêm Canh thức Vượt Qua này,[5]
nghi thức được sắp xếp như sau:
- Phần thứ nhất: THẮP NẾN PHỤC SINH.
- Phần thứ hai: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA.
- Phần thứ ba: PHỤNG VỤ THÁNH TẨY.
- Phần thứ tư: PHỤNG VỤ THÁNH THỂ.
I. Phần thứ nhất: NGHI THỨC THẮP NẾN PHỤC SINH[6]
Người
dẫn (khi Linh mục bắt đầu tiến ra): Và bây giờ, để bắt đầu phần thứ nhất: NGHI THỨC THẮP NẾN PHỤC SINH, Linh mục chủ
tế và quý cha đồng tế sẽ tiến ra, đi đến cuối nhà thờ để thánh hoá lửa mới. Mời
cộng đoàn đứng, hướng về phía cuối nhà thờ.
(Xin tắt đèn)
Gian trần chìm ngập trong bóng đêm tội lỗi, vì con người đã phạm tội, làm
khuyết mất vinh quang của Thiên Chúa nơi mình. Tội lỗi lan tràn khắp nơi, sự
chết thống trị khắp chốn. Con người bước đi trong lầm than, đau khổ.
Trong sự thinh lặng thánh thiện đêm
nay, chúng ta cùng hiệp với Linh mục chủ tế.
Cộng
đoàn làm dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Linh mục chào cộng
đoàn như thường lệ, vắn tắt nói lên ý nghĩa Đêm Vọng.
Linh
mục:
Anh chị em thân mến,
Trong đêm rất thánh này, đêm Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta, đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, tức là từ cõi chết sống lại, Hội
Thánh kêu mời con cái ở khắp nơi trên hoàn cầu, cùng họp nhau lại mà canh thức
cầu nguyện.
Vậy chúng ta sẽ cùng nhau chăm chú nghe Lời Chúa,
và sốt sắng cử hành những bí tích tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô,
với niềm hy vọng sẽ được cùng Người chiến thắng sự chết, và cùng Người luôn
sống kết hợp với Chúa Cha (không đáp Amen).
Người
dẫn (sau lời mời gọi): Linh mục chủ tế đọc lời nguyện làm phép lửa.
Linh mục làm phép lửa và đọc lời
nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một đến giãi ánh
vinh quang rực rỡ của Chúa vào lòng tín hữu. Xin thánh X hoá ngọn lửa mới này, và trong suốt thời gian mừng
lễ Vượt Qua, xin cho niềm khao khát Nước Trời cũng bừng lên thiêu đốt lòng
chúng con, và thanh tẩy muôn vàn tội lỗi, để mai sau chúng con xứng đáng vào
thiên quốc tham dự lễ ánh sáng muôn đời. Chúng con cầu xin...
Cộng đoàn: Amen.
Người dẫn (sau lời nguyện): Tiếp đến, Linh mục chủ tế sẽ vẽ lên Nến Phục Sinh một
vài biểu hiệu đầy ý nghĩa như: hình thập giá, hai chữ Alpha và Ômêga, và bốn
con số của năm dương lịch.
Lễ
sinh cầm Nến Phục Sinh đứng trước chủ tế.
Linh mục:
1. Đức Kitô vẫn là một. (vẽ đường dọc)
2. Hôm qua cũng như hôm nay. (vẽ đường ngang)
3. Là Anpha và Ômêga. (viết chữ Anpha phía trên Thánh Giá)
4. Nghĩa là khởi nguyên và tận cùng. (viết chữ Ômêga phía dưới Thánh Giá)
5. Người làm chủ thời gian. (viết số đầu của năm nơi góc trái phía trên Thánh Giá)
6. Và muôn thế hệ. (viết số thứ hai của năm nơi góc phải phía trên Thánh Giá)
7. Vạn tuế Đức Kitô, Đấng vinh hiển quyền năng. (viết số thứ ba của năm nơi góc trái phía dưới Thánh Giá)
8. Vạn vạn tuế. Amen. (viết số thứ tư của năm nơi góc phải phía dưới Thánh Giá)
Người dẫn (khi Linh mục vẽ lên Nến Phục
Sinh xong): Linh mục chủ tế cắm 5 hạt
hương theo hình Thánh Giá lên Nến Phục Sinh.
Linh mục:
1. Vì năm vết thương Chúa Kitô,
2. Chí thánh và vinh hiển,
3. Xin Chúa Kitô,
4. Gìn giữ,
5. Và bảo vệ chúng ta. Amen.
Người dẫn (khi Linh mục cắm 5 hạt hương
xong): Tiếp đến, Linh mục chủ tế lấy
lửa vừa được thánh hoá để thắp Nến Phục Sinh.
Linh mục:
Xin Đức Kitô, Đấng phục sinh vinh hiển,
chiếu giãi ánh sáng của Người để phá tan bóng tối đang bao phủ lòng trí chúng
ta.
Sau khi
thắp sáng Nến Phục Sinh, một thừa tác viên gắp than cháy từ lò lửa bỏ vào bình
hương và Linh mục bỏ hương như thường lệ.[7]
Người dẫn (khi Linh mục thắp Nến Phục Sinh xong): Xin cộng đoàn đáp “Tạ ơn Chúa” khi nghe câu xướng “Ánh sáng Chúa Kitô.”
Tiếp
đó, tại đống lửa, Phó tế hoặc
chính Linh mục cầm Nến Phục Sinh,
nâng cao, và hát một mình[8]: “Ánh sáng Chúa Kitô” (lần 1). Mọi người
đáp: “Tạ ơn Chúa.” [9]
Thứ tự
đoàn rước như sau:
- Người cầm bình hương với khói hương nghi ngút.
- NGƯỜI CẦM NẾN PHỤC SINH.
- Linh mục cùng với các thừa tác viên và dân chúng, mọi
người cầm nến chưa đốt trong tay.[10]
Người dẫn (sau “Ánh Sáng Chúa Kitô” lần
1): Như khi xưa, dân Ítraen được cột
lửa dẫn đi trong sa mạc tăm tối, thì ngày nay, Đức Kitô Phục Sinh, Ngài là Ánh
Sáng muôn dân, là chân lý đang hướng dẫn chúng ta đi về quê Trời, nơi ấy chính
là miền đất hứa đích thực và vĩnh cửu. Lạy Chúa Giêsu, xin Ánh Sáng của Chúa dẫn
chúng con đi trên những nẻo đường đời.
Người dẫn (khi Nến Phục Sinh đến cửa
nhà thờ): Nến Phục Sinh đã đến
cửa nhà thờ, xin cộng đoàn hướng về cửa nhà thờ và chuẩn bị tung hô.
X: Ánh sáng Chúa Kitô! (lần 2)
Đ: Tạ ơn Chúa!
Người dẫn (sau
tung hô “Ánh Sáng Chúa Kitô” lần 2): Xin cộng đoàn ai có mang nến theo, hãy thắp
lửa từ Nến Phục Sinh. Ai có lửa thắp từ Nến Phục Sinh, xin thắp cho người bên
cạnh, để tất cả đều có Ánh Sáng Lửa Phục Sinh.
Nến Phục Sinh đang di chuyển đến giữa nhà thờ. Xin cộng đoàn giữ nến
cháy sáng cho đến khi có thông báo tắt nến.
Chúa Giêsu phán: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải
đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là sự sống dưỡng nuôi chúng con trên con đường về
nhà Cha dấu yêu. Xin ở cạnh chúng con và sưởi ấm tâm hồn chúng con luôn mãi.
Người dẫn (khi Nến Phục Sinh đến trước bàn thờ):
Nến Phục Sinh đã đến trước bàn thờ,
mời cộng đoàn chuẩn bị tung hô.
X: Ánh sáng Chúa Kitô! (lần 3)
Đ: Tạ ơn Chúa!
Sau lời đáp “Tạ ơn Chúa” lần 3 thì thắp hết đèn
trong nhà thờ trừ nến bàn thờ (x. Sách lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua,
số 17).[11]
Khi đến bàn
thờ, chủ tế về ghế, trao nến cho thừa tác viên, bỏ hương và chúc lành cho hương
như trước khi đọc Tin Mừng trong Thánh Lễ. Phó tế[12] đến trước chủ tế xin phép lành: “Xin cha chúc
lành cho con.” Chủ tế đọc nhỏ
tiếng: “Xin Chúa ngự nơi tâm
hồn và môi miệng thầy, để thầy xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng Phục
sinh của Chúa, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Phó tế thưa: “Amen.”
Nếu người công bố Tin Mừng Phục sinh không
phải là Phó tế thì không xin chúc lành.
Phó tế xông
hương sách và Nến Phục Sinh trước khi công bố Tin Mừng Phục Sinh tại giảng đài
hay giá sách, mọi người đứng cầm nến sáng trong tay.
Nếu không có Phó
tế, chính Linh mục chủ tế hay một vị đồng tế công bố Tin Mừng Phục Sinh.
Nếu người hát
là giáo dân, không hát câu: “Vậy giờ
đây… cho đến hết lời kêu mời.” Cũng không hát
lời chào: “Chúa ở cùng anh chị
em.”
Có thể công bố Tin Mừng Phục sinh theo bản
ngắn.
Người dẫn (khi Nến Phục Sinh đã được đặt
vào giá): Sau đây, để tỏ lòng tôn kính, Linh mục chủ tế (hoặc Phó
tế) sẽ xông hương sách có
bài Exsultet và Nến Phục Sinh.[13]
Người dẫn (khi chủ tế xông hương Nến Phục Sinh[14] xong): Tiếp theo sẽ
là lời công bố TIN MỪNG PHỤC SINH. Phần
chúng ta, để tỏ lòng tôn kính và hân hoan, chúng ta vẫn đứng và cầm nến cháy sáng
trong tay, lắng nghe Hội Thánh long trọng công bố Tin Mừng Phục Sinh.
Công bố
TIN MỪNG PHỤC SINH.
II. Phần
thứ hai: PHẦN PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Người dẫn (sau khi công bố Tin Mừng Phục Sinh xong): Chúng ta bước sang phần thứ hai của đêm canh thức: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA. Đây là phần căn bản
của buổi Canh thức Phục Sinh. Xin cộng đoàn tắt nến. Linh mục chủ tế mời gọi
cộng đoàn.
Linh mục:
Anh chị em thân mến, chúng ta đã long trọng khai mạc Đêm Canh thức Vượt Qua, giờ đây chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta hãy ngẫm xem trong thời Cựu Ước, Chúa đã cứu chuộc dân Người làm sao, và trong thời đại cuối cùng này, Người lại sai Con Một đến cứu chuộc chúng ta thế nào. Chúng ta hãy xin Chúa hoàn tất công trình cứu độ mà Người đã khởi sự trong mầu nhiệm Vượt Qua.
1. Bài đọc 1: St 1,1-2,2
Người dẫn (sau lời mời gọi của Linh mục): Mời cộng đoàn ngồi. Bài đọc 1 trích từ sách Sáng Thế cho biết: Thiên Chúa
là Đấng tạo thành trời đất muôn vật muôn loài. Và Người nhìn mọi sự Người đã
dựng nên đều là tốt lành. Mời cộng đoàn cùng lắng nghe.
Hát: chọn bài hát thích hợp.
Người dẫn: Mời cộng đoàn
đứng, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện với Linh mục chủ tế.
Linh mục:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, mọi công
trình của Chúa thật kỳ diệu phi thường. Xin làm cho chúng con là những kẻ được
Chúa cứu chuộc luôn luôn hiểu biết rằng: công trình tạo thành vũ trụ thuở ban đầu
tuy đã kỳ diệu, nhưng công trình cứu độ của Đức Kitô, Đấng hy sinh làm Chiên lễ
Vượt Qua của chúng con trong thời sau hết, còn kỳ diệu hơn nữa. Chúng con
cầu xin...
Cộng đoàn: Amen.
Người dẫn: Mời cộng đoàn
ngồi.
2. Bài đọc 2: St 22,1-18
Người dẫn: Bài đọc 2 cho
biết: Tổ phụ Ápraham đã chấp nhận việc hy sinh người con một, để bày tỏ lòng
tin và vâng phục hoàn toàn vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu sẽ vâng phục thánh ý Chúa
Cha khi tự hiến mình làm lễ tế đem Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Mời cộng đoàn cùng
lắng nghe.
Hát: chọn bài hát thích hợp.
Người dẫn: Mời cộng đoàn
đứng, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện với Linh mục chủ tế.
Linh mục:
Lạy Chúa là Cha nhân từ của các tín hữu,
Chúa đã hứa cho ông Ápraham trở thành cha chung các dân tộc; và nhờ mầu nhiệm
Vượt Qua, Chúa đã thực hiện lời hứa ấy và ban cho muôn dân khắp địa cầu, hồng
ân được làm nghĩa tử khiến đoàn con cái Chúa ngày càng thêm đông. Xin cho những
ai đã thuộc về gia đình Chúa, biết ăn ở xứng đáng với ân huệ Chúa ban. Chúng
con cầu xin...
Cộng đoàn: Amen.
Người dẫn: Mời cộng đoàn ngồi.
3. Bài đọc 3 (bắt buộc): Xh 14,15-15,1 (nhắc người đọc không xướng “Đó là
Lời Chúa” sau bài đọc)
Người dẫn: Trích từ sách
Xuất hành, ghi lại biến cố trọng đại trong lịch sử dân Ítraen, khi Thiên Chúa
giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và giúp họ vượt qua Biển Đỏ. Mời cộng đoàn
cùng lắng nghe.
Hát: chọn bài hát thích hợp.
Người dẫn: Mời cộng đoàn
đứng, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện với Linh mục chủ tế.
Linh mục:
Lạy Chúa, những công trình kỳ diệu Chúa đã
làm thuở trước, nay còn như xuất hiện rỡ ràng. Quả vậy, xưa Chúa đã ra oai thần
lực cứu một mình dân Ítraen khỏi bàn tay Pharaô áp bức. Ngày nay Chúa cũng dùng
nước thanh tẩy, để cứu độ dân khắp hoàn cầu. Xin cho mọi người trên thế giới được
lòng tin mạnh mẽ như tổ phụ Ápraham, và đạt tới địa vị làm dân riêng của Chúa. Chúng
con cầu xin...
Cộng đoàn: Amen.
Người dẫn: Mời cộng đoàn ngồi.
4. Bài đọc 4:
Is 54,5-14
Người dẫn: Dân bỏ Chúa là thành luỹ chở che, nên đã bị bắt đi
lưu đày. Nhưng Thiên Chúa đã đưa họ trở về quê hương, vì Người là Thiên Chúa
xót thương và trung thành với lời giao ước. Sau này, Chúa Giêsu sẽ cứu chuộc cả
loài người, để đưa về Quê Trời. Mời cộng đoàn cùng lắng nghe.
Hát: chọn bài hát thích hợp.
Người dẫn: Mời cộng đoàn
đứng, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện với Linh mục chủ tế.
Linh mục:
Lạy Thiên Chúa toàn năng
hằng hữu, để đáp lại niềm tin của các tổ phụ, Chúa đã hứa ban cho các ngài một
dòng tộc đông đảo. Nay xin thực hiện lời hứa ấy mà làm cho số nghĩa tử ngày
càng thêm đông, để mọi người tôn vinh Danh Thánh, và Hội Thánh được thấy thực
hiện điều các tổ phụ vẫn tin tưởng đợi chờ. Chúng con cầu xin…
Cộng đoàn: Amen.
Người dẫn: Mời cộng đoàn ngồi.
5. Bài đọc 5: Is 55,1-11
Người dẫn: Thiên Chúa kêu gọi dân từ bỏ đường lối gian tà, trở
về với Chúa thì sẽ được thứ tha mọi tội lỗi, và Chúa hứa sẽ thiết lập với họ
một giao ước vĩnh cửu. Ơn thứ tha và giao ước ấy sẽ do Chúa Giêsu lập trong máu
của Người. Mời cộng đoàn cùng lắng nghe.
Hát: chọn bài hát thích hợp.
Người dẫn: Mời cộng đoàn đứng, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện với Linh mục chủ tế.
Linh mục:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, là niềm
hy vọng độc nhất của trần gian, Chúa đã dùng lời các ngôn sứ tiên báo những mầu
nhiệm đang được thực hiện ngày nay. Xin khơi dậy trong lòng dân Chúa những ước
nguyện cao đẹp, vì nếu không có Chúa soi trí mở lòng, chẳng một ai trong chúng
con có thể tiến bước trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin…
Cộng đoàn: Amen.
Người dẫn: Mời cộng đoàn ngồi.
6. Bài đọc 6: Br 3,9-15.32-4,4
Người dẫn: Sự hiểu biết Thiên Chúa và sống theo lề luật của
Người, là đường lối dẫn đến sự sống, bình an và hạnh phúc. Chúa Giêsu chính là
sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Người sẽ dạy và dẫn đưa chúng ta đến với Thiên
Chúa Hằng Sống. Mời cộng đoàn cùng lắng nghe.
Hát: chọn bài hát thích hợp.
Người dẫn: Mời cộng đoàn
đứng, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện với Linh mục chủ tế.
Linh mục:
Lạy Chúa, Chúa không ngừng kêu gọi muôn dân
gia nhập Hội Thánh Chúa, khiến Hội Thánh ngày thêm phát triển. Xin hằng thương
giữ gìn những người đã được ơn tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy. Chúng con cầu
xin...
Cộng đoàn: Amen.
Người dẫn: Mời cộng đoàn ngồi.
7. Bài đọc 7: Ed 36,16-17.18-28
Người dẫn: Trong sách ngôn sứ Êdêkien, Thiên Chúa phán bảo Ítraen
rằng: “Rồi đây thiên hạ sẽ thấy danh Thiên Chúa thật là thánh danh cao cả, đáng
cho mọi dân nước phải tôn vinh chúc tụng.” Mời cộng đoàn cùng lắng nghe.
Hát: chọn bài hát thích hợp.
Người dẫn: Mời cộng đoàn
đứng, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện với Linh mục chủ tế.
Linh mục:
Lạy Chúa là sức mạnh thường hằng bất biến,
là ánh sáng tồn tại muôn đời, xin đoái nhìn toàn thể Hội Thánh và dùng Hội
Thánh như bí tích kỳ diệu, để hoàn tất công trình cứu độ muôn dân. Ước chi cả
thế giới nghiệm thấy và nhìn nhận rằng: vạn vận suy vong đã được trỗi dậy, muôn
loài già cỗi được đổi mới và hết thảy được phục hồi nguyên vẹn như xưa, nhờ
chính Đức Kitô là căn nguyên tất cả. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Cộng đoàn: Amen.
Sau
lời nguyện này, lễ sinh đốt
nến trên bàn thờ.
Người dẫn (khi lễ sinh đang đốt nến): Kính thưa cộng đoàn, trong thời gian 40 ngày mùa Chay,
Hội Thánh tạm ngưng không đọc hoặc hát kinh Vinh Danh. Giờ đây, để bày tỏ niềm hân
hoan vì Chúa Kitô đã sống lại, Hội Thánh xướng lên bài ca chúc tụng này, với sự
phụ hoạ của muôn tiếng chuông trầm bổng tưng bừng.
Sau
khi Linh mục chủ tế xướng kinh Vinh Danh,
lễ sinh rung chuông[15]
Người dẫn (sau kinh Vinh Danh): Chúng ta hãy hiệp ý với Linh mục chủ tế trong lời
nguyện Nhập lễ:
Lạy Chúa, Chúa đã dùng ánh vinh quang của
Đức Kitô sống lại, làm cho đêm thánh này rực sáng. Xin cử Thánh Thần đến đổi
mới, và làm cho chúng con thêm lòng hiếu thảo để phục vụ Chúa tận tình.
Chúng con cầu xin…
Cộng đoàn: Amen.
Người dẫn: Mời cộng đoàn
ngồi.
8. Thánh thư: Rm 6,3-11
Người dẫn: Chúng ta cùng
tiếp tục lắng nghe bài đọc trích từ thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Rôma. Thánh
Phaolô nhắc chúng ta rằng: Đức Kitô, một khi đã sống lại từ cõi chết, Ngài sẽ
không bao giờ chết nữa. Nếu chúng ta cùng được chết với Ngài thì chúng ta cũng sẽ
được sống lại với Ngài. Mời cộng đoàn cùng lắng nghe.
Sau
bài Thánh thư, cộng đoàn đứng, Linh mục long trọng xướng ba lần Halleluia, mỗi
lần lên cung cao hơn, và dân chúng lặp lại. Nếu cần, người hát thánh vịnh sẽ
xướng Halleluia. Sau đó người hát thánh vịnh, hay ca viên, hát thánh vịnh 117
và dân chúng đáp Halleluia (tiếp tục đứng sau khi hát long trọng ba lần Halleluia).[16]
Người dẫn (sau bài đọc): Để cảm tạ và tung hô Chúa Cha, Đấng đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, chúng ta sẽ đáp lại lời tung hô HHalleluia theo sau câu xướng của Linh mục chủ tế (hoặc Phó tế hoặc ca viên). Chủ tế (hoặc Phó tế hoặc ca viên) xướng 3 lần và cộng đoàn lặp lại. Mời cộng đoàn đứng.
Đáp ca (ĐỨNG): chọn bài hát thích hợp.[17]
Người dẫn (sau đáp ca): Mời cộng đoàn cùng lắng nghe Tin Mừng.
9. Tin Mừng
Linh mục bỏ hương và chúc lành cho Phó tế như
thường lệ. Khi đọc Tin Mừng, không mang đèn, chỉ xông hương. Sau Tin Mừng phải có bài giảng, ít là vắn tắt.
III. Phần
thứ ba: PHỤNG VỤ THÁNH TẨY
NẾU CÓ BAN BÍ
TÍCH THÁNH TẨY
Sau bài giảng sẽ cử hành phụng vụ rửa tội. Linh mục cùng
với các thừa tác viên đi đến giếng rửa tội, nếu giếng được đặt nơi các tín hữu
có thể nhìn thấy, nếu không, sẽ đặt một bình nước trong cung thánh.
Mời các dự tòng tiến lên cùng với những người đỡ đầu,
hoặc mời cha mẹ và những người đỡ đầu bế các trẻ nhỏ lên trước cộng đoàn.
Tiến hành cuộc rước đến giếng rửa tội, nếu có. Đi đầu là
thừa tác viên cầm Nến Phục Sinh, tiếp theo là những người sắp được rửa tội cùng
đi với những người đỡ đầu, các thừa tác viên, Phó tế và Linh mục. Đang khi đi
rước thì hát Kinh Cầu.
Nếu cử hành phụng vụ rửa tội tại cung thánh, Linh mục đọc
lời mời gọi mọi người sốt sắng cầu nguyện.
Kinh Cầu do hai ca viên hát, mọi người đứng thưa câu đáp
(vì là mùa Phục Sinh). Nếu quãng đường đi rước đến giếng rửa tội dài, sẽ
hát Kinh Cầu đang khi đi rước; trong trường hợp này, sau lời mời những người
sắp được rửa tội tiến lên, sẽ tiến hành cuộc rước với Nến Phục sinh đi đầu,
tiếp đến là các dự tòng và những người đỡ đầu, các thừa tác viên, Phó tế và Linh
mục.
Linh mục dang tay
đọc lời nguyện làm phép nước. Tuỳ nghi nhúng Nến Phục Sinh một hoặc ba lần vào
nước. Linh mục cử hành Bí tích Thánh Tẩy theo quy định của Nghi thức Bí tích.
Thứ tự như sau:
[1] Lời mời gọi;
[2] Kinh Cầu Các
Thánh;
[3] Làm phép nước
(tuỳ nghi nhúng Nến Phục Sinh vào trong nước);
[4] Lặp lại lời
hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy;
[5] Cử hành bí
tích Thánh Tẩy;
[6] Rảy nước
thánh trên cộng đoàn.
1.
Lời mời gọi
Người
dẫn (sau bài giảng): Sau
đây là phần thứ ba của Đêm Canh thức Vượt Qua: PHỤNG VỤ THÁNH TẨY. Bí tích Thánh Tẩy giúp chúng ta được cùng chết
với Chúa Kitô để được cùng Ngài sống lại. Phụng vụ Phép Rửa đêm nay nhắc chúng
ta nhớ lại Bí tích Thánh Tẩy mà chúng ta đã lãnh nhận, và nhắc chúng ta nhớ lại
ấn tích đã ghi dấu trong linh hồn ta, cũng như ơn gọi nên thánh mà chúng ta
phải sống trong cuộc đời, để trở nên con cái của Thiên Chúa.
Xin mời các dự tòng và quý vị đỡ
đầu tiến lên.
Để giữ sự trang nghiêm trong Thánh
Lễ, xin các nhiếp ảnh viên vui lòng không bước lên cung thánh, vì đã có người
phụ trách việc chụp hình.
Mời cộng đoàn đứng. Linh mục mời
gọi cộng đoàn.
Linh mục:
Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện cho các anh chị em dự
tòng này được vững lòng trông cậy. Xin Chúa Cha toàn năng thương tình nâng đỡ
và dẫn đưa họ tới nguồn nước tái sinh.
2. Kinh Cầu Các Thánh[18]
Người dẫn (sau lời mời gọi của Linh mục): Kinh Cầu Các Thánh.[19]
3. Làm phép nước
Người dẫn: Tiếp đến, chúng
ta bước sang phần thánh hoá nước. Xin lưu ý cộng đoàn, sau khi Linh mục làm
phép nước xong, ai có mang theo nến, xin thắp lên từ Nến Phục Sinh do các em lễ
sinh mang xuống. Sau đó, chúng ta sẽ tiếp tục thắp cho nhau. Mời cộng đoàn
đứng. Linh mục dâng lời nguyện.
Linh mục:
Lạy Chúa, Chúa đã dùng quyền năng vô hình, mà làm cho các bí tích trở
nên hữu hiệu lạ lùng. Và qua dòng lịch sử cứu độ, Chúa đã bao lần dùng nước do
chính Chúa tạo thành, để bày tỏ hiệu năng của phép Thánh Tẩy. Quả vậy, ngay từ
lúc vũ trụ khởi nguyên, Thánh Thần Chúa đã bay là trên mặt nước, để từ đó nước
hàm chứa năng lực thánh hoá muôn loài.
Chúa lại dùng nước hồng thuỷ, làm hình ảnh tiên báo phép rửa ban ơn tái
sinh, vì thời đó cũng như bây giờ, nước biểu thị quyền năng Chúa, vừa tiêu diệt
tội lỗi vừa khai mở một đời sống mới.Chúa đã giải thoát con cháu Ápraham khỏi
vòng nô lệ mà dẫn qua Biển Đỏ ráo chân, để họ tượng trưng cho một dân tộc mới,
là những người được thanh tẩy sau này. Và sau hết, khi đến thời đến buổi, chính
Con Một Chúa đã lãnh nhận phép rửa của thánh Gioan trong dòng nước sông Giođan,
và được Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mình.
Lúc bị treo trên thập giá, Người đã để cho máu cùng nước từ cạnh sườn chảy ra. Và sau khi sống lại, Người đã truyền cho các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi giảng dạy mà làm phép rửa cho muôn dân, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Vậy giờ đây, lạy Chúa, xin thương nhìn đến Hội Thánh và khơi lên giữa lòng Hội Thánh nguồn nước thanh tẩy.
Xin cho dòng nước này được thấm nhuần Thần Khí của Đức Kitô, để nhân
loại Chúa đã dựng nên theo hình ảnh Chúa, được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ con
người cũ, và tái sinh làm người mới nhờ nước và Thánh Thần.
Linh mục tuỳ nghi nhúng cây
Nến Phục Sinh[20] vào nước
một hoặc ba lần[21] và đọc:
Lạy Chúa, nhờ công ơn Con Một Chúa, xin cho nước này đầy tràn sức mạnh
của Chúa Thánh Thần, để những ai được dìm trong nước Thánh Tẩy này, nghĩa là
cùng chết và chịu mai táng với Đức Kitô thì cũng được sống lại với Người để
hưởng phúc trường sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Cộng đoàn:
Amen.
Trong
lúc chủ sự đang lấy Nến Phục Sinh ra khỏi nước, thì giáo dân tung hô bằng
lời sau đây hoặc lời tương tự (người dẫn đọc câu tung hô này luôn):
Chúc tụng Chúa đi suối
mạch nước tràn đầy,
muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Khi làm phép nước
rửa tội xong và sau lời tung hô của dân chúng, LINH MỤC ĐỨNG, HỎI CÁC DỰ TÒNG
TRƯỞNG THÀNH VÀ CHA MẸ HAY NHỮNG NGƯỜI ĐỠ ĐẦU CỦA CÁC TRẺ NHỎ, VỀ QUYẾT TÂM TỪ
BỎ, THEO NHƯ SÁCH NGHI THỨC BÍ TÍCH RÔMA QUY ĐỊNH. Nếu trước đây chưa xức dầu
dự tòng cho những người lớn trong các nghi thức chuẩn bị, thì xức dầu vào lúc
này. Sau đó, LINH MỤC HỎI TỪNG NGƯỜI, HOẶC HỎI CHUNG CHA MẸ VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐỠ
ĐẦU CỦA CÁC TRẺ NHỎ, VỀ 3 LẦN TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN, THEO NHƯ SÁCH NGHI THỨC QUY
ĐỊNH CHO TỪNG TRƯỜNG HỢP.
Nếu có đông người
rửa tội vào đêm nay, có thể sắp xếp để ngay sau lời tuyên xưng đức tin của
các thụ nhân và người đỡ đầu, cũng như của cha mẹ các trẻ nhỏ, LINH MỤC HỎI
VÀ NHẬN VIỆC LẶP LẠI LỜI HỨA KHI LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÁNH TẨY CỦA TẤT CẢ NHỮNG
NGƯỜI HIỆN DIỆN.
4. Lặp
lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy[22]
Người dẫn: Sau lời tuyên xưng đức tin của anh chị em dự tòng và những người đỡ đầu, cộng đoàn cùng lặp lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Mời cộng đoàn đứng và cầm nến cháy sáng trong tay.[23]
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ
ma quỷ không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ mọi
việc của ma quỷ không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ mọi
sự sang trọng của ma quỷ không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Hoặc
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ tội
lỗi để được sống trong tự do của con cái Thiên Chúa không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ
những quyến rũ bất chính để không bị tội lỗi chế ngự không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ
ma quỷ là kẻ cầm đầu gây ra tội lỗi không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Nếu cần, Hội đồng Giám
mục có thể thích nghi công thức thứ hai này tuỳ theo nhu cầu của địa phương.
Linh mục hỏi tiếp: Anh chị em có tin
kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?
Cộng đoàn: Thưa con tin.
Linh mục: Anh chị em có tin
kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh Nữ
Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ trong kẻ chết và đang ngự
bên hữu Chúa Cha không?
Cộng đoàn: Thưa con tin.
Linh mục: Anh chị em có tin
kính Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công giáo, tin các Thánh thông công, tin
phép tha tội, tin xác loài người sẽ sống lại và sự sống đời sau không?
Cộng đoàn: Thưa con tin.
Linh mục: Thiên Chúa toàn năng,
là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, đã tái sinh chúng ta bởi nước và Thánh Thần
và đã tha thứ tội lỗi chúng ta, xin Chúa rộng ban ân sủng, gìn giữ chúng ta
trong Đức Giêsu Kitô, để chúng ta được sống muôn đời.
Cộng đoàn: Amen.[24]
5. Cử hành bí tích Thánh Tẩy
Sau khi tuyên xưng
và lặp lại lời hứa, Linh mục rửa tội cho những thụ nhân trưởng thành và các trẻ
nhỏ.
Sau khi rửa tội, Linh
mục xức dầu thánh cho các trẻ nhỏ. Các tân tòng cũng như trẻ nhỏ đều được trao
áo trắng. Sau đó, Linh mục hoặc Phó tế nhận Nến Phục Sinh từ thừa tác viên và
châm lửa cho nến của các tân tòng. Không làm nghi thức Effetha cho các trẻ nhỏ.
Ngoại trừ trường
hợp cử hành nghi thức đổ nước và diễn nghĩa tại cung thánh, ngay sau đó tiến
hành cuộc rước đi về cung thánh theo thứ tự trước kia, những người tân tòng,
cũng như cha mẹ và những người đỡ đầu cầm nến cháy. Trong khi đi rước hát thánh
ca rửa tội: “Tôi đã thấy nước...,” hoặc một ca khúc thích hợp.
Đối với các tân
tòng trưởng thành, Giám mục, hoặc Linh mục rửa tội, ban bí tích Thêm Sức cho họ
ngay tại cung thánh theo như sách Nghi thức Giám mục hay Nghi thức Bí tích quy
định.
6. Rảy nước thánh trên cộng đoàn
Người dẫn: Mời cộng đoàn đứng. Sau cùng, Linh mục sẽ rảy nước thánh trên cộng đoàn. Xin cộng đoàn làm dấu Thánh Giá khi đón
nhận nước thánh.
Linh
mục rảy nước thánh trên mình, trên các thừa tác viên, rồi các giáo sĩ và cộng
đoàn. CẦN LƯU Ý LÀ KHÔNG RẢY NƯỚC THÁNH
TỪ PHÍA SAU LƯNG DÂN CHÚNG. Nếu một giáo xứ lớn với khá đông người tham
dự Thánh Lễ và phải mất nhiều thời gian mới rảy xong, nên sử dụng thêm nhiều
bình chứa khác. Các thừa tác viên [CÓ
CHỨC THÁNH] sẽ chia nhau rảy trong khu vực được phân công cho mình với
một giúp lễ cầm bình nước thánh đi theo [bên trái].[25]
Trong lúc đó, hát điệp ca “Tôi đã thấy nước” (Vidi Aquam) hoặc một bài thánh ca
nào khác diễn tả đặc tính của bí tích Thánh Tẩy.
NẾU KHÔNG BAN BÍ
TÍCH THÁNH TẨY
Nếu không có
người rửa tội, cũng không làm phép giếng, thì bỏ Kinh Cầu và tiến hành làm phép
nước ngay.
Thứ tự như sau:
[1] Lời mời gọi;
[2] Làm phép nước
(KHÔNG nhúng Nến Phục Sinh vào trong nước);
[3] Lặp lại lời
hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy;
[4] Rảy nước thánh
trên cộng đoàn.
1. Lời
mời gọi
Người
dẫn: Mời
cộng đoàn đứng. Linh mục mời gọi cộng đoàn.
Linh mục:
Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn năng
thánh hoá nước này, để những ai nhờ nước này mà được tái sinh, cũng được hợp
đoàn với con cái Chúa trong Đức Kitô.
2. Làm phép nước
Người dẫn: Linh mục dâng lời nguyện làm phép nước.
Linh mục:
Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta cầu xin Chúa
thánh hoá nước này, để chúng ta rảy trên mình mà nhớ lại bí tích Thánh Tẩy ta
đã lãnh nhận. Cúi xin Chúa đổi mới chúng ta, giúp chúng ta luôn trung thành
sống theo ơn thánh Người đã ban.
Linh mục dừng lại, thinh lặng cầu
nguyện trong giây lát rồi dang tay đọc tiếp:[26]
3. Lặp
lại lời hứa khi lãnh bí tích Thánh Tẩy[27]
Sau lời nguyện
làm phép nước, mọi người đứng và cầm nến cháy trong tay, lặp lại lời hứa từ bỏ
tội lỗi và tuyên xưng đức tin.
Người dẫn: Sau đây, mời cộng đoàn đứng, cầm nến cháy
sáng trong tay,[28] chúng
ta cùng lặp lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ
ma quỷ không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ mọi
việc của ma quỷ không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ mọi
sự sang trọng của ma quỷ không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Hoặc
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ tội
lỗi để được sống trong tự do của con cái Thiên Chúa không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ
những quyến rũ bất chính để không bị tội lỗi chế ngự không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Linh mục: Anh chị em có từ bỏ
ma quỷ là kẻ cầm đầu gây ra tội lỗi không?
Cộng đoàn: Thưa con từ bỏ.
Nếu cần, Hội đồng Giám
mục có thể thích nghi công thức thứ hai này tuỳ theo nhu cầu của địa phương.
Linh mục hỏi tiếp: Anh chị em có tin
kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?
Cộng đoàn: Thưa con tin.
Linh mục: Anh chị em có tin
kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh Nữ
Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ trong kẻ chết và đang ngự
bên hữu Chúa Cha không?
Cộng đoàn: Thưa con tin.
Linh mục: Anh chị em có tin
kính Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công giáo, tin các Thánh thông công, tin
phép tha tội, tin xác loài người sẽ sống lại và sự sống đời sau không?
Cộng đoàn: Thưa con tin.
Linh mục: Thiên Chúa toàn năng,
là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, đã tái sinh chúng ta bởi nước và Thánh Thần
và đã tha thứ tội lỗi chúng ta, xin Chúa rộng ban ân sủng, gìn giữ chúng ta
trong Đức Giêsu Kitô, để chúng ta được sống muôn đời.
Cộng
đoàn: Amen.[29]
4. Rảy nước thánh trên cộng đoàn
Người dẫn: Sau đây Linh mục sẽ rảy nước thánh trên cộng đoàn. Xin cộng đoàn làm dấu Thánh Giá khi đón
nhận nước thánh.
Linh mục rảy nước thánh trên mình, trên các thừa tác viên, rồi các giáo sĩ và cộng đoàn. Nếu thuận tiện thì có thể đi trong nhà thờ mà rảy nhưng CẦN LƯU Ý LÀ KHÔNG RẢY NƯỚC THÁNH TỪ PHÍA SAU LƯNG DÂN CHÚNG. Nếu một giáo xứ lớn với khá đông người tham dự Thánh Lễ và phải mất nhiều thời gian mới rảy xong, nên sử dụng thêm nhiều bình chứa khác. Các thừa tác viên [CÓ CHỨC THÁNH] sẽ chia nhau rảy trong khu vực được phân công cho mình với một giúp lễ cầm bình nước thánh đi theo [bên trái].[30] Trong lúc đó, hát điệp ca “Tôi đã thấy nước” (Vidi Aquam) hoặc một bài thánh ca nào khác diễn tả đặc tính của bí tích Thánh Tẩy.
Sau khi rảy nước thánh xong, Linh mục sẽ về ghế chủ toạ.
Không đọc
kinh Tin kính. Có lời nguyện tín hữu (nên dành cho các tân tòng).
5. Lời nguyện tín hữu
Người
dẫn (sau khi rảy nước thánh xong): Sau đây là lời nguyện tín hữu. Một tín
hữu (hoặc một anh chị em tân tòng) sẽ đại diện cộng đoàn dâng lời nguyện.
Năm A
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa đã sống lại thật rồi. Người
là nguồn sự sống, là suối hy vọng, là phúc bình an và là niềm vui tột đỉnh của
những ai tin tưởng vào Người. Với tâm tình hân hoan mừng Chúa đã sống lại,
chúng ta cùng tha thiết nguyện xin:
1. Đức Kitô Phục Sinh là nguồn sống mới cho hết thảy những ai tin Chúa.
Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh luôn chu toàn sứ mạng cao cả của mình,
là rao giảng Đức Kitô vì yêu thương đã chịu chết và sống lại để trở nên nguồn
sống mới cho mọi người. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2. Đức Kitô Phục Sinh là nguồn hy vọng cho tất cả những ai đang thất
vọng. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những anh chị em đang gặp đau khổ, đang bị
bế tắc trong cuộc sống, biết chạy đến cùng Chúa để được Người nâng đỡ, ủi an. Chúng
ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
3. Đức Kitô Phục Sinh là niềm vui cho tất cả những ai đang buồn phiền,
sầu khổ. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người đang bị buồn phiềm gặm nhấm,
biết mau mắn chạy đến cùng Chúa, để Người xóa hết mọi nỗi ưu phiền và ban cho
niềm vui trọn vẹn. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
4. Đức Kitô Phục Sinh là phúc lành bình an của tất cả mọi Kitô hữu.
Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết tìm đến
Chúa khi gặp xáo trộn và bất an trong tâm hồn, để Người ban bình an và hướng
dẫn vượt qua mọi khó khăn hiểm nghèo. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
5. (Chỉ đọc câu này khi có ban bí
tích Thánh Tẩy cho tân tòng mà thôi). Anh chị em tân tòng vữa lãnh nhận bí tích
Thánh Tẩy đã trở nên con cái Chúa, trở nên anh chị em của chúng ta. Chúng ta
hiệp lời cầu xin cho những anh chị em vừa được tái sinh biết luôn sống xứng
đáng với tình thương hải hà của Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chiến thắng tử thần, đem lại sự sống mới cho chúng con. Xin Chúa ban Thánh Thần giúp chúng con biết chết cho con người cũ đầy tội lỗi và biết sống con người mới được Chúa cứu chuộc bằng Máu của Người đã đổ ra trên thập giá. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Năm B
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Đức Kitô đã được Thiên Chúa cho
sống lại từ cõi chết để trở nên nguồn sống mới cho những ai tin tưởng Người.
Trong niềm hân hoan mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:
1. Đức Kitô Phục Sinh là ánh sáng bừng lên trong đêm tối. Chúng ta hiệp
lời cầu xin Người ban ơn soi sáng cho các vị mục tử của chúng ta, để các ngài
dẫn dắt Hội Thánh luôn đi trong chính lộ. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2. Đức Kitô Phục Sinh là Đấng cứu độ muôn dân. Chúng ta hiệp lời cầu
xin cho hết thảy mọi Kitô hữu biết dùng đời sống phục vụ và bác ái yêu thương
mà công bố tin mừng Chúa đã Phục Sinh. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
3. Đức Kitô Phục Sinh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết để cho nhân
loại được sống. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người tín hữu biết chết đi
đối với tội lỗi để sống một đời sống mới tinh tuyền và thánh thiện. Chúng ta
cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
4. Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra với các Tông Đồ nhiều lần và ban Thánh
Thần để đổi mới con người của các ngài. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban
Thánh Thần cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để Người cũng biến chúng ta thành
những con người mới đã được Đấng Phục Sinh cứu chuộc. Chúng ta cùng cầu xin
Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
5. (Chỉ đọc câu này khi có ban bí tích Thánh
Tẩy cho tân tòng mà thôi). Hội Thánh
vừa có thêm nhiều con cái mới qua bí tích Thánh Tẩy. Chúng ta hiệp lời cầu xin
cho những anh chị em tân tòng vừa được tái sinh luôn sống xứng danh người Kitô
hữu. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, khi sống lại từ cõi chết, Chúa đã trở
nên nguồn sống mới muôn đời cho chúng con. Xin cho chúng con biết trung thành
lắng nghe Lời Chúa và dân thân theo Chúa đến cùng. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Năm C
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã chết trên thập giá
và được mai táng trong lòng đất, nhưng đã sống lại hiển vinh. Trong niềm hân
hoan mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. Hội Thánh được Đức Kitô thiết lập để tiếp tục công cuộc cứu chuộc
của Người ở trần gian. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa củng cố lòng tin của Hội
Thánh trên con đường lữ thứ trần gian, để Hội Thánh làm chứng cho nhân loại
biết rằng Chúa đã Phục Sinh vinh hiển. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2. Chỉ một mình Đức Kitô Phục Sinh mới có quyền năng đổi mới và hòa
giải mọi tâm hồn. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa thương xót nhân loại đang đau
khổ vì hận thù và chia rẽ. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
3. Nhờ Đức Kitô Phục Sinh, Chúa mở lối cho nhân loại vào cõi vĩnh hằng.
Chúng ta hiệp lời cầu xin hiệp lời cầu xin, cho hết thảy mọi Kitô hữu ngày hôm
nay khi xây dựng trần thế, vẫn một lòng tin tưởng được hưởng phúc trường sinh. Chúng
ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
4. Nhờ Đức Kitô Phục Sinh, Chúa Cha đã sai Thánh Thần đến với nhân
loại. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn biết sống
theo sự soi sáng của Thánh Thần Tình Yêu, để có thể làm tròn sứ mạng rao giảng
sứ điệp yêu thương của Tin Mừng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
5. (Chỉ đọc câu này khi có ban bí tích Thánh
Tẩy cho tân tòng mà thôi). Tối hôm,
nay, Hội Thánh vui mừng đón nhận thêm một số con cái mới, nhờ bí tích Thánh Tẩy
và nhờ Chúa Thánh Thần. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những anh chị em tân
tòng, luôn trung thành với ơn gọi Kitô hữu, hầu xứng đáng được hưởng phúc
trường sinh. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hứa ở cùng các môn đệ cho đến
ngày tận thế. Xin Chúa ở lại cùng chúng con hôm nay, và trợ giúp chúng con mãi
mãi. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Người dẫn (sau lời nguyện tín hữu): Phần PHỤNG VỤ THÁNH TẨY đến đây là kết thúc. Chúng ta bước sang phần PHỤNG VỤ THÁNH THỂ. Mời cộng đoàn ngồi.
IV. Phần thứ tư: PHỤNG VỤ THÁNH THỂ[31] (như thường
lệ)[32]
Dẫn lúc rước lễ:
Muôn lạy Đấng cứu nhân độ thế
Vua Kitô hiển trị muôn đời
Vinh quang thập giá rạng ngời
Rủ thương ban tặng mọi người thần dân.
Xin tế phẩm đầy dư thánh đức
Bửu huyết Ngài cứu chuộc sinh linh,
Ngự bên Thánh Phụ quang vinh
Đoái nghe tiếng nguyện lời kinh khẩn nài.
Giúp chúng con ngày ngày theo Chúa
Sống cuộc đời vẹn chữ tín trung
Cho dầu muôn ngả tấn công
Lá cờ thập giá oai hùng vẫn mang.
Giêsu hỡi! Con hằng trông Chúa
Và Thánh Thần, Thánh Phụ cao tôn
Giúp con chiến đấu chẳng sờn
Theo cờ thập giá thiên môn khải hoàn.
Kết lễ:
- Để giải tán, Phó tế hoặc chính Linh mục nói: Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Hallêluia.
Hallêluia.
- Cộng đoàn:
Tạ ơn Chúa. Hallêluia. Hallêluia.[33]
[1] Về khăn bàn thờ trong Tam Nhật Thánh,
sau khi đọc lại các luật chữ đỏ của Sách lễ Rôma 2002, chúng ta ghi nhận như sau:
-
Sách lễ Rôma 2002 – Thánh Lễ Tiệc Ly, số 40-41: “Sau ít phút thinh lặng cầu nguyện, Linh mục và các thừa tác viên, cúi mình
bái Mình Thánh rồi đi về phòng thánh. Lột khăn bàn thờ vào lúc
thuận tiện […].”
-
Sách lễ Rôma 2002 – Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa, số 3: “Bàn thờ hoàn toàn để
trống: không Thánh giá, không đèn nến, không phủ khăn.;” số 22: “[phần thứ ba: hiệp
lễ] Trải khăn bàn thờ, đặt khăn thánh và
Sách lễ. […];” số 33: “[sau lời nguyện chúc lành trên dân chúng] Sau cử
hành, lột khăn bàn thờ.”
-
Sách lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua, số 31: “Sau bài đọc Cựu Ước cuối cùng với thánh
vịnh đáp ca và lời nguyện đi kèm, đốt nến bàn thờ và Linh mục xướng thánh thi
Vinh danh. Đổ chuông theo thói quen địa phương và cộng đoàn tiếp tục hát thánh
thi Vinh danh.” Ngoài số này, không thấy chỗ nào trong Sách lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua nói đến khăn bàn thờ
và việc trải khăn bàn thờ.
Do đó, chúng ta thấy rằng: theo nghi thức
phụng vụ trong Sách lễ Rôma hiện
hành, không có chỉ dẫn nào là để bàn thờ trống trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh
ngay từ đầu buổi cử hành cho đến khi hát kinh Vinh Danh thì mới mang khăn bàn
thờ ra trải. Thông thường, bàn thờ phải được phủ bằng khăn bàn thờ khi cử
hành Thánh Lễ. Chỉ có hai trường hợp, theo thực tế và thực hành, không trải
khăn bàn thờ cho tới thời điểm được quy định là phải trải khăn bàn thờ, đó là: 1] Bàn thờ chuẩn bị được làm phép hay cung
hiến; 2] Cử hành phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh. Bản văn hướng dẫn trong Sách
lễ Rôma 2002 đề cập đến việc đốt nến trên bàn thờ vào thời điểm xướng kinh
Vinh Danh (số 31) không có nghĩa là bấy giờ mới đem nến từ nơi khác đến và đốt,
nhưng hàm ý rằng nến (chưa đốt) và chân nến đã được đặt sẵn ở trên bàn thờ
(hoặc gần bàn thờ) rồi, và chỉ cần tiến hành châm lửa từ Nến Phục Sinh mà đốt
cho chúng thôi. Những chân nến và cây nến đặt trên bàn thờ hẳn là chúng đã ở
trên khăn bàn thờ. Như vậy, trong Thánh
Lễ Vọng Phục Sinh, hãy trải khăn bàn thờ trước khi cử hành phụng vụ cùng
với những cây nến chưa đốt trên bàn thờ (hoặc gần bàn thờ) chứ không thể đợi
đến khi xướng kinh Vinh Danh mới mang khăn bàn thờ ra trải và mới mang nến ra
đốt (x. Phạm Đình Ái, Nên xem lại các hành động đang khi hát kinh Vinh
Danh trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh). Thông tin tham khảo: trong Thánh Lễ Canh thức Vượt Qua do Đức
Giáo hoàng chủ tế tại Vatican, khăn bàn thờ được trải sẵn ngay từ đầu Thánh Lễ.
[2] Thông tư về việc Chuẩn bị và cử hành Đại
Lễ Phục Sinh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, số 70: “[Thứ Sáu
Tuần Thánh], sau khi cho rước lễ xong, mang Mình Thánh Chúa đựng trong
bình thánh đến nơi đã dọn sẵn ở bên ngoài nhà thờ.” Sách lễ Rôma 2002 –
Thứ Sáu Tuần Thánh, số 29: “Cho rước Mình Thánh xong, Phó tế hoặc một thừa
tác viên thích hợp đưa bình đựng Mình Thánh vào chỗ dọn sẵn ngoài nhà thờ,
hoặc tuỳ hoàn cảnh, đưa đặt vào Nhà Tạm.” Nếu sau nghi thức chiều thứ Sáu Tuần
Thánh, Mình Thánh Chúa được lưu giữ ở phòng áo / phòng thánh thì trong Đêm Canh
Thức Vượt Qua, ngay từ đầu Thánh Lễ, Nhà Tạm không Mình Thánh, cửa mở, đèn
chầu vẫn tắt.
[3] Uỷ
ban Phụng tự - HĐGM.VN, Phụng vụ Tuần Thánh (2023): Thánh Giá được
phủ cho đến khi cử hành cuộc Thương khó của Chúa vào thứ Sáu Tuần Thánh, các
ảnh tượng khác được phủ tới lúc bắt đầu Canh thức Phục sinh.
[4] Sách
lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua, số 8.
[5] Vài
điểm lưu ý về Đêm Canh Thức Vượt Qua:
- Có
một số quan điểm cho rằng: Thánh Lễ Vọng Phục Sinh bắt đầu từ kinh Vinh Danh và
sẽ trải khăn bàn thờ từ lúc này. Đây là một lập luận lỗi thời và không còn đứng
vững nữa vì các nhà phụng vụ đã có cái nhìn toàn thể về cử hành Đêm Vọng Phục
Sinh. Cho nên, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh bắt đầu từ phần thắp Nến Phục Sinh, và
khăn bàn thờ được trải ngay từ đầu.
- Đêm
Vọng này là đỉnh cao, vượt trên mọi đại lễ, VÌ THẾ CHỈ ĐƯỢC CỬ HÀNH MỘT LẦN
TRONG MỖI NHÀ THỜ theo trình tự: sau nghi thức thắp nến và công bố Tin Mừng
phục sinh (phần thứ nhất của Đêm Vọng), Hội Thánh, với trọn niềm tin tưởng vào
lời Chúa và điều Người hứa, suy niệm về những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện
cho dân Người thuở ban đầu (phần thứ hai hay phụng vụ Lời Chúa), đến lúc sắp
bước sang ngày mới, khi các thành viên mới đã được tái sinh trong giếng rửa tội
(phần thứ ba), Hội Thánh được mời đến bàn tiệc Chúa đã dọn sẵn cho Dân Người,
cử hành lễ tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa cho tới khi Người đến (phần
thứ tư) (x. Sách lễ Rôma [2002] - Đêm Vọng Phục Sinh, số 2). Vậy, chỉ
được cử hành một Thánh Lễ Đêm Vọng Phục Sinh tại mỗi nhà thờ mà không có
bất cứ Thánh Lễ nào được cử hành vào thứ Bảy Tuần Thánh trước Thánh Lễ Đêm Vọng
Phục Sinh này (x. Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN, Giải đáp về cử hành Thánh
Lễ Vọng Phục Sinh (27/3/2024)).
[6] Bộ
Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, Thông tư về việc Chuẩn bị và cử hành Đại Lễ
Phục Sinh, số 82: “Để duy trì tính chân thật của dấu chỉ, Nến
Phục Sinh phải được làm bằng sáp nguyên tuyền, tránh hình thức giả tạo, đủ lớn
và được làm mới cho mỗi năm, chỉ một cây nến mà thôi; để nó diễn tả một sự
thật rằng Chúa Kitô là Ánh Sáng soi chiếu thế gian.” Sách lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua, số 10-11, nói đến việc làm phép lửa và lấy lửa đó
thắp Nến Phục Sinh (số 10). Ủy
ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đưa ra các gợi ý trong tập Eighteen Questions on the Paschal Triduum
(Mười tám câu hỏi về Tam Nhật Thánh): “Trong trường hợp các nhà thờ truyền giáo và các
giáo xứ cụm, có thể dùng nhiều cây Nến Phục Sinh cho Thánh Lễ Vọng Phục Sinh không? Sách lễ Rôma không tiên liệu tình hình
mục vụ của các nhà thờ truyền giáo hoặc các giáo xứ cụm, nói rõ rằng: chỉ dùng một cây Nến Phục Sinh cho Thánh
Lễ Vọng Phục Sinh mà thôi. Để đáp
ứng các tình hình đặc biệt, Ban Thư ký của Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục
Hoa Kỳ có thể gợi ý rằng: các cây nến của các nhà thờ truyền giáo hoặc các nhà
thờ giáo xứ khác có thể hiện diện trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, được chuẩn bị trước, và được làm
phép cùng một lần với cây nến chính (có thể Phó tế hoặc các đại diện khác cầm
các nến ấy). Nhằm phù hợp với luật chữ đỏ, để dành cho việc thắp các nến nhỏ và đám rước, chỉ một cây Nến Phục
Sinh được thắp sáng mà thôi (tức cây nến chính, hoặc cây nến sẽ ở lại trong nhà
thờ đó). Khi các ngọn nến khác trong cộng đoàn được thắp sáng, các cây nến Phục
Sinh khác có thể được thắp sáng, và được cầm (nhưng không đưa lên cao, để duy
trì sự nổi bật của Nến Phục Sinh chính) bởi một người trong cộng đoàn. Sau khi
mọi ngọn nến được tắt đi, sau bài ca Exsultet, các cây Nến Phục Sinh khác được
đặt sang một bên. Vào sáng Chúa nhật Phục Sinh, các cây nến này có thể được đưa
về các nhà thờ truyền giáo, và được cầm, thắp sáng trong đám rước đầu lễ nhất
tại mỗi nhà thờ, và đặt vào vị trí trên cung thánh” (x. Edward McNamara,
Có
thể dùng lại Cây Nến Phục Sinh cũ không?).
[7] x. Sách lễ Rôma 2002, Canh thức Vượt Qua,
số 15.
[8] Sách
lễ Rôma 2002 không nói đến việc giáo dân hát câu này thay cho các thừa tác viên có
chức thánh.
[9] Sau lần tung hô thứ nhất, Linh mục chủ
tế thắp cây nến của mình từ Nến Phục Sinh (x. Edward McNamara, Nến tín hữu
trong đêm Vọng Phục Sinh được thắp vào lúc nào?).
[10] x. Sách lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua, số 15.
[11] Có thể tham khảo
thêm một cách thực hành: Bật đèn trong nhà thờ vào thời điểm công bố Tin
Mừng Phục Sinh. Tuy nhiên, nên bật đèn sau bài Exsultet. Nơi nào có thể thì tăng cường ánh sáng dần dần cho tới khi nhà
thờ tràn ngập ánh sáng lúc hát kinh Vinh Danh (x. Peter J. Elliott, Ceremonies of The Liturgical Year, số
279).
[12] Thừa tác viên thích hợp và ưu tiên nhất để
hát bài Exsultet là thầy Phó tế (x. Edward McNamara, Ai hát bài Exsultet (Mừng Vui
Lên) và có được ngồi nghe đọc Bài Thương Khó không?). Khi đọc (hát) Bài Thương Khó, có thể “phân
vai” (x. Sách lễ Rôma 2002 – Chúa nhật Lễ Lá, số 21), nhưng khi hát (đọc) bài Exsultet thì Sách
lễ Rôma không nói đến việc “phân
vai” (x. Sách lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua, số 18-19), cho nên, việc các ca viên “chia
nhau” hát từng phần trong bài
Exsultet hoặc ca viên hát “phần của ca viên,” người có chức thánh hát “phần của
người có chức thánh” là không phù hợp (x. Edward McNamara, Hai
người hát bài “Mừng Vui Lên, Exsultet” được không?).
[13] Sách
lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua, số 19. Chỉ
có các thừa tác viên có chức thánh mới xông hương sách có bài Exsultet và Nến Phục Sinh. Lưu ý về thứ tự: xông hương sách có bài Exsultet (xông thẳng: ba lần, mỗi lần hai cú),
rồi mới đến Nến Phục Sinh (xông thẳng:
ba lần, mỗi lần hai cú; hoặc đi xung quanh Nến Phục Sinh, dừng lại ba lần, mỗi
lần hai cú). Trong phần tiến lễ, khi
xông hương lễ vật, Thánh Giá và bàn thờ, thì không xông hương Nến Phục Sinh
nữa. Trong các Chúa nhật Phục Sinh, nếu muốn xông hương Nến Phục Sinh thì
xông vào lúc đầu lễ (xông thẳng, ba lần,
mỗi lần hai cú) (x. Quy chế Tổng quát
Sách lễ Rôma 2002, số 17 và 277; Sách
Lễ nghi Giám mục, số 88 và 95; Edward McNamara, Xông hương Nến Phục Sinh như thế nào?).
[14]
Nến Phục Sinh mang ý nghĩa biểu tượng khác với nến thắp sáng bàn
thờ trong cử hành Thánh Lễ. Vì vậy, không dùng Nến Phục Sinh thay thế nến thắp sáng, để không làm
giảm nhẹ biểu tượng của Nến Phục Sinh, và cũng không dùng Nến Phục Sinh thắp
quanh năm thay cho nến bàn thờ (x. Phạm Đình Ái, Nến bàn thờ, Nến Phục Sinh; Đinh Văn Huấn, Giải đáp về Nến Phục Sinh).
[15]
Sách lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua, số 31: “Sau bài đọc Cựu Ước cuối cùng với thánh
vịnh đáp ca và lời nguyện đi kèm, đốt nến bàn thờ và Linh mục xướng
thánh thi Vinh danh. Đổ chuông theo thói quen địa phương và
cộng đoàn tiếp tục hát thánh thi Vinh danh.” Từ chỉ dẫn này, chúng
ta thấy Sách lễ không dự liệu việc mang hoa ra lúc hát kinh Vinh Danh.
Vì thế, nên chưng
hoa trước khi cử hành Canh thức Vượt Qua (x. Phạm Đình Ái, Xem lại các hành động khi hát kinh Vinh Danh trong
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh).
[16] Sách
lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua, số 34.
[17] Trong Đêm Canh thức Vượt Qua, ngay sau khi vừa hát 3 lần
Halleluia cách long trọng, cộng đoàn tiếp tục đứng chứ không ngồi để hát
Thánh vịnh 117/118 cùng với đáp ca Halleluia. Theo cha Edward
McNamara: tư thế đứng trong khi hát Thánh vịnh 117 trong Đêm Canh
thức Vượt Qua là một ngoại lệ đối với quy tắc chung, vì nó đi theo và mở
rộng theo câu xướng ba lần Halleluia long trọng của Linh mục (x. Uỷ ban Phụng
tự - HĐGM.VN, Phụng vụ Tuần Thánh (2023); Edward McNamara, Có
đặc quyền phụng vụ không? Nói thêm về tư thế đúng khi đọc Ca tiếp liên;
Phạm Đình Ái, Tiếp tục đứng sau khi hát long trọng ba lần Alleluia).
[18] Vì là mùa Phục Sinh nên mọi người đứng khi hát Kinh Cầu Các Thánh.
[19] Trong Kinh Cầu Các Thánh, “Các thánh tử đạo Việt Nam” phải xen vào hàng ngũ tử đạo, nghĩa là trước các thánh hiển tu, chứ không phải ở cuối sổ (x. Phan Tấn Thành, Nghi thức phong chức Linh mục & Phó tế - diễn giải (Sài Gòn: Học viện Đa Minh, 2014), 112).
[20] Chính Linh mục cầm Nến Phục Sinh và nhúng
vào nước. Các em lễ sinh có thể đỡ
Nến Phục Sinh giúp Linh mục chứ không tự cầm Nến và nhúng vào nước thánh (x. Sách
lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua,
số 46).
[21]
Để hiểu ý nghĩa của việc Linh mục nhúng Nến Phục Sinh vào nước một hoặc ba lần,
chúng ta cần chú ý đến lời nguyện ngay sau đó: “Lạy Chúa, nhờ công ơn Con Một
Chúa, xin cho nước này đầy tràn sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để những ai được
dìm trong nước Thánh Tẩy này, nghĩa là cùng chết và chịu mai táng với Đức Kitô
thì cũng được sống lại với Người để hưởng phúc trường sinh. Người hằng sống và
hiển trị muôn đời” (x. Sách lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua, số 46).
[22] Theo Enchiridion Indulgentiarum (Liberia
Editrice Vaticana, 1999), số 28: tín hữu nào lặp lại các lời hứa khi
lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy vào Thánh Lễ Vọng Phục Sinh thì sẽ nhận được một
toàn xá (ơn đại xá), với các điều kiện
thông thường là quyết tâm không dính bén tội lỗi, xưng tội, rước lễ, cầu
nguyện theo ý Đức Giáo hoàng (qua việc đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh
Kính Mừng). Mỗi ngày chỉ được hưởng một
ơn toàn xá mà thôi.
[23] Lễ sinh lấy lửa từ Nến Phục Sinh để châm cho cộng đoàn.
[24] Sách
lễ Rôma 2002 – Đêm Vọng Phục Sinh, số 55.
[25]
x. Ủy ban Phụng tự - HĐGM.VN, Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng
lễ, Đặt tay và Rảy nước phép (2019) ; Denis C. Smolarski, Q & A: The
Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 2002), 6-7.
[26]
Trong trường hợp này, Linh mục KHÔNG NHÚNG CÂY NẾN PHỤC SINH VÀO NƯỚC MỘT
HOẶC BA LẦN (Sách lễ Rôma 2002 – Canh thức Vượt Qua, số 54).
[27] Theo Enchiridion
Indulgentiarum (Liberia Editrice Vaticana, 1999), số 28: tín
hữu nào lặp lại các lời hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy vào Thánh Lễ Vọng
Phục Sinh thì sẽ nhận được một toàn xá (ơn đại xá), với các điều kiện thông thường là quyết tâm không dính bén tội lỗi,
xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng (qua việc đọc 1
kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng). Mỗi
ngày chỉ được hưởng một ơn toàn xá mà thôi.
[28] Lễ
sinh lấy lửa từ Nến Phục Sinh để châm cho cộng đoàn.
[29] Sách
lễ Rôma 2002 – Đêm Vọng Phục Sinh, số 55.
[30]
x. Ủy ban Phụng tự - HĐGM.VN, Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng
lễ, Đặt tay và Rảy nước phép (2019) ; Denis C. Smolarski, Q & A: The
Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 2002), 6-7.
[31] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số
150: “Trước lúc truyền phép một chút,
thừa tác viên có thể tuỳ nghi rung chuông để nhắc nhở tín hữu. Cũng rung chuông
khi nâng Mình Thánh, và khi nâng Máu Thánh lên, tuỳ theo thói quen mỗi địa
phương.” Đang khi Linh mục [chủ
tế] rước lễ, thì hát ca Hiệp lễ chứ không phải rung chuông hoặc đánh chiêng
trống vào lúc này như thực hành trước kia nữa vì trong Nghi thức Thánh Lễ và Quy chế Sách lễ hiện nay,
không có bất cứ điều gì được nói về rung chuông trước khi hiệp lễ cả (x. Notitiae 8
[1972] 343; Quy chế Tổng quát Sách
lễ Rôma 2002, số 86 & 159; Nghi
thức Thánh Lễ, số 136; Sách lễ nghi Giám mục, số 163; Hướng dẫn
mục vụ thánh nhạc [HĐGM.VN], số 178). Cho nên, trong Thánh Lễ, nhắc các
em lễ sinh chỉ rung chuông trước lúc truyền phép một chút, khi nâng Mình Thánh,
và khi nâng Máu Thánh lên, không rung chuông lúc hát “Thánh! Thánh! Thánh!” và
lúc chủ tế rước lễ, vì Quy chế không
nói đến việc rung chuông vào các thời điểm này.
[32] Lưu
ý việc mở lại đèn chầu cạnh Nhà Tạm, vì lúc này đã có đặt Mình Thánh Chúa.
[33] Ai không dự Canh thức Vượt Qua mới phải đọc kinh Tối thứ
Bảy Tuần Thánh. Buổi Canh thức Vượt Qua thay thế cho giờ kinh Sách của Chúa
nhật Phục Sinh (x. Văn kiện trình bày và
quy định các giờ kinh phụng vụ, số 211-212).