
Chú giải Tin Mừng
CN IV MC A (Ga 9,1-41)
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch,
S.V.D.
Xem toàn bộ bài chú giải tại:
Dẫn nhập
Tin Mừng thứ tư
được chia thành 3 phần rõ rệt như ba cuốn sách. Thứ nhất là “Lời Tựa” (1,1-51);
thứ hai, “Sách các dấu lạ” (2 – 12) và thứ ba là “Sách Giờ tôn vinh” (13 – 21).
“Sách các dấu lạ” ghi lại tất cả 7 dấu lạ Đức Giêsu. Tất cả những dấu lạ do Đức
Giêsu làm không phải là “dấu lạ vì dấu lạ” nhưng mỗi dấu lạ đều là có một điều
kiện là Tin và một mục đích là dẫn đến đức tin. Dấu lạ “Chữa lành người mù từ
thuở mới sinh” (9,1-41) là dấu lạ thứ 6 trong loạt bảy dấu lạ Đức Giêsu đã làm.
Theo tác giả Rudolf Schnackenburg thì dấu lạ này cùng với dấu lạ cuối cùng –
làm cho anh Lazarô sống lại (ch.11) đánh dấu đỉnh điểm công trình của Đức Giêsu
qua những dấu chỉ.[1] Như thế, hẳn đây là dấu lạ có ý nghĩa hết sức đặc biệt? Đức
Giêsu đã chữa lành “người mù từ thuở mới sinh” như thế nào? Đâu là thái độ của
những người nghe biết về dấu lạ này? Dấu lạ này có ý nghĩa gì đối với “Anh mù”?
Anh phải làm gì để được chữa lành hoàn toàn? Đó là những vấn nạn có thể tồn tại
trong trình thuật về dấu lạ này và dự kiến sẽ được làm rõ sau khi nghiên cứu bản
văn 9,1-41.
Bài nghiên cứu
này sẽ được trình bày thành ba mục chính. Mục thứ nhất là phần “quan sát bản
văn” bao gồm giới hạn, bối cảnh cấu trúc. Tiếp theo là phần chính của bài
nghiên cứu: “Phân tích bản văn,” gồm tất cả 5 đề mục nhỏ. Cuối cùng sẽ là những
“ý nghĩa thần học” được rút ra sau khi phân tích bản văn.
Bản văn Ga 9,1-41
1 Đi ngang qua, Người (Đức Giêsu) thấy một anh
mù từ thuở mới sinh.
2 Các môn đệ của Người hỏi Người rằng: “Thưa
Rápbi, ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta, để anh ta sinh ra đã mù?”
3 Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta đã phạm
tội, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta, nhưng để công việc của Thiên Chúa được tỏ
hiện nơi anh ta.
4 Chúng ta phải làm công việc của Đấng đã sai
Thầy khi còn là ban ngày; Đêm đến thì không ai có thể làm việc được.
5 Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là ánh
sáng của thế gian.”
6 Nói xong những điều đó, Người nhổ nước miếng
xuống đất, Người làm thành bùn với nước miếng và xức vào mắt anh ta,
7 rồi Người nói với anh ta: “Hãy đi rửa ở hồ
Silôam,” (có nghĩa là người được sai phái). Vậy anh ta ra đi, rửa và trở về thì
nhìn thấy được.
8 Những người láng giềng và những kẻ trước kia thấy
anh ta ăn xin, nói rằng: “Anh ta không phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?”
9 Những người khác nói rằng: “Chính anh ta.” Những
người khác nữa nói: “Không phải đâu nhưng là một người giống anh ta.” Còn anh
ta nói rằng: “Chính tôi đây.”
10 Vậy họ nói với anh ta: “Làm sao mắt của anh mở ra
được?”
11 Anh ta trả lời: “Người đó tên là Giêsu đã làm ra
bùn và xức vào mắt tôi và nói với tôi rằng: ‘Hãy đi đến hồ Silôam mà rửa.’ Vậy
tôi đã đi, đã rửa và đã nhìn thấy.”
12 Họ lại nói với anh ta: “Ông ấy đâu?” Anh ta
nói: “Tôi không biết.”
13 Họ dẫn anh ta – kẻ trước đây bị mù – đến với
những người Pharisêu.
14 Nhưng là trong ngày Sabát, Đức Giêsu đã làm ra bùn
và đã mở mắt anh ta.
15 Vậy, một lần nữa, những người Pharisêu hỏi anh ta
làm sao anh ta nhìn thấy được. Anh ta nói với họ: “Ông ấy đã thoa bùn vào mắt
tôi, tôi đã rửa và tôi thấy.”
16 Vậy một số người trong nhóm Pharisêu nói: “Ông ta
không phải đến từ Thiên Chúa, vì Ông ta không giữ ngày Sabát.” Những người khác
nói: “Làm sao một người tội lỗi có thể làm được những dấu lạ như thế?” Và đã có
sự chia rẽ giữa họ.
17 Họ lại nói với người mù: “Còn anh, anh nói gì
về Ông ta, vì Ông đã mở mắt cho anh?” Anh ta nói: “Người ấy là một ngôn sứ.”
18 Những người Do Thái không tin về anh ta là
người mù mà đã nhìn thấy, cho đến khi họ gọi cha mẹ của anh ta – cha mẹ của người
đã thấy được -.
19 Họ hỏi ông bà rằng: “Anh này là con của ông bà,
người mà ông bà nói mù từ khi mới sinh? Vậy sao bây giờ anh ấy lại thấy?”
20 Cha mẹ anh ta trả lời với họ: “Chúng tôi biết nó
là con chúng tôi, và nó mù từ khi mới sinh.
21 Nhưng bây giờ làm sao nó thấy, chúng tôi không biết,
hoặc có ai đã mở mắt nó, chúng tôi không biết. Các ông hãy hỏi nó, nó đã khôn lớn,
chính nó sẽ nói về mình.”
22 Cha mẹ anh ta đã nói điều đó vì sợ người Do
Thái. Thật vậy, người Do Thái đã quyết định: nếu kẻ nào tuyên xưng Ông ta là Đấng
Kitô sẽ trở thành người bị khai trừ khỏi hội đường.
23 Vì điều này cha mẹ anh ta đã nói rằng: “Nó
đã khôn lớn, các ông hãy hỏi nó.”
24 Vậy họ gọi người ấy lần thứ hai – người trước
đây là người mù - , và nói với anh ta: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng tôi,
chúng tôi biết rằng: Ông ấy là người tội lỗi.”
25 Anh ta trả lời: “Ông ấy là người tội lỗi hay
không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: Là người mù nhưng bây giờ tôi thấy
được.”
26 Họ mới nói với anh ta: “Ông ấy đã làm gì cho
anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?”
27 Anh ta trả lời họ: “Tôi đã nói với các ông rồi
mà các ông không nghe. Tại sao các ông muốn nghe một lần nữa? Chẳng lẽ các ông
cũng muốn trở thành môn đệ ông ấy?”
28 Họ mắng anh ta và nói: “Anh, anh là môn đệ của Ông
ấy; Còn chúng tôi, chúng tôi là môn đệ của Môsê.
29 Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông
Môsê; Nhưng người này, chúng tôi không biết Ông ta từ đâu đến.”
30 Người ấy trả lời với họ: “Điều này kể cũng lạ, các
ông không biết Ông ấy từ đâu đến, mà Ông ấy đã mở mắt tôi.
31 Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa không lắng nghe người
tội lỗi, nhưng ai kính sợ và thực hiện ý Người, Người lắng nghe kẻ ấy.
32 Chưa bao giờ người ta nghe nói có ai đã mở mắt
cho người mù mới sinh.
33 Nếu Ông ấy không đến từ Thiên Chúa, Ông ấy
không thể làm điều gì.”
34 Họ trả lời và nói với anh ta: “Toàn thân anh
sinh ra trong tội, thế mà anh lại dạy chúng tôi ư?” Và họ trục xuất anh ta.
35 Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh ta và
khi gặp lại anh ta, Người nói: “Anh có tin vào Con Người không?”
36 Anh ta trả lời và nói: “Thưa Ngài, Đấng ấy
là ai để tôi tin vào Người?”
37 Đức Giêsu nói với anh ta: “Anh đã thấy Người,
người đang nói với anh là Người ấy.”
38 Anh ta tuyên xưng: “Tôi tin, thưa Ngài.” Rồi
anh ta bái lạy Người.
39 Đức Giêsu nói: “Tôi đến thế gian này để phân
định, để những người không thấy được thấy và những người thấy lại trở nên những
người mù.”
40 Những người thuộc nhóm Pharisêu ở đó với Người,
đã nghe điều đó, họ nói với Người: “Không chừng chúng tôi là những người mù
sao?”
41 Đức
Giêsu nói với họ: “Nếu các ông là những người mù, các ông đã chẳng có tội.
Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’ nên tội các ông vẫn còn.”[2]
Cấu trúc
I. 9,1-5:
Dẫn nhập: Đức Giêsu và các môn đệ: Tội của ai?
II. 9,6-7:
Anh mù từ thuở mới sinh được nhìn thấy
III. 9,8-34:
Các cuộc tranh luận về việc Anh mù được sáng mắt
9,8-12: Giữa
Anh mù và những người hàng xóm
9,13-17: Giữa
Anh mù và những người Pharisêu (lần I)
9,18-23: Giữa
những người Pharisêu và cha mẹ của Anh mù
9,24-34: Giữa
Anh mù và người Pharisêu (lần II)
IV. 9,35-38:
Anh mù được sáng mắt về tinh thần
V. 9,39-41:
Kết luận: Kẻ mù được thấy còn kẻ sáng lại mù
Đoạn văn Ga
9,1-41 được chia thành năm tiểu đoạn. Tiểu đoạn I: 9,1-5 là đoạn dẫn nhập nói về
bối cảnh xảy ra câu chuyện, bắt đầu bằng việc Đức Giêsu thấy anh mù và trên nền
đó là cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ về căn nguyên làm cho người ấy
bị mù: “Ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta?.” Tiểu đoạn II: 9,6-7: Kể lại
câu chuyện Đức Giêsu làm cho Anh mù được sáng mắt. Tiếp theo đó là các cuộc
tranh luận xoay quanh “việc sáng mắt của Anh mù” được nói đến trong tiểu đoạn
III: 9,8-34. Tiểu đoạn này gồm bốn cuộc đối thoại nối tiếp nhau: (1) 9,8-12: Đối
thoại giữa Anh mù với những người hàng xóm; (2) 9,13-17: đối thoại giữa Anh mù
với những người Pharisêu lần I; (3) 9,18-23: Đối thoại giữa người Pharisêu và
cha mẹ Anh mù; (4) 9,24-34: Đối thoại giữa Anh mù và người Pharisêu lần II. Tiểu
đoạn IV: 9,35-38 là một cuộc gặp gỡ thân tình giữa Đức Giêsu và Anh mù. Cuộc gặp
này dẫn đến kết quả Anh mù tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu. Tiểu đoạn cuối
cùng: 9,38-41 là sự phân định của Đức Giêsu về nhóm Pharisêu. Nội dung phân định
đó là: “Những người không thấy lại được thấy và người sáng mắt lại trở nên những
người mù.”
Những ý nghĩa thần học rút ra
từ nghiên cứu bản văn
1. Đức Giêsu đã
mang đến một cái nhìn mới mẻ trước những nghịch cảnh, khổ đau, bệnh tật thể lý
của con người. Người Do Thái, kể cả các môn đệ, quan niệm đau khổ bệnh tật là hậu
quả của những lỗi lầm hoặc là của chính cá nhân hoặc của cha mẹ, hoặc của nhiều
thế hệ trước đó. Đức Giêsu không đồng tình với quan niệm của họ, Người mặc cho
đau khổ một giá trị rất tích cực, một ý nghĩa tốt đẹp. Đó không hẳn là do tội của
ai cả nhưng là để “công trình của Thiên Chúa được thực hiện.” Lối nhìn này vừa
giải thoát những người đau yếu, bất hạnh khỏi những mặc cảm tự ti vốn có, vừa
làm cho họ có cơ hội để cộng tác vào công trình của Thiên Chúa.
2. Đức Giêsu là
ánh sáng cho thế gian (9,5). Người đến trong thế gian nhằm mục đích là đem ánh
sáng cho những người mù lòa. Bổn phận của Người và của các môn đệ là phải làm
công việc của Chúa Cha, Đấng đã sai Người (9,4). Đó không chỉ là một chọn lựa
nhưng là một bổn phận dường như bắt buộc bao lâu Đức Giêsu “còn ở trong thế
gian.”
3. Mở mắt thể
lý, mở mắt đức tin. Ánh sáng mà Đức Giêsu mang lại không chỉ là ánh sáng vật
lý. Người không chỉ mở mắt thể lý cho người mù nhưng quan trọng hơn là mở mắt đức
tin, giúp cho anh tin vào “Đấng được sai đến” để được sự sống đời đời. Vấn đề
không còn là chuyện nhìn thấy hay không nhìn thấy nhưng là chuyện sống và chết.
Dấu lạ “mở mắt người mù từ thuở mới sinh” chỉ là bước đầu để dẫn anh mù đến với
Đức Giêsu và tuyên xưng đức tin vào Người. Tiến trình ấy do Đức Giêsu khởi xướng
nhưng nó có hoàn tất tốt đẹp hay không cũng phải nhờ vào sự cộng tác dấn thân của
Anh mù. Thực tế, sau khi được chữa lành đôi mắt thể lý Anh đã phải trải qua quá
trình thử luyện biểu lộ bằng những giải thích với những người xóm giềng, tranh
luận với giáo quyền Do Thái. Anh đã chịu nhiều thách đố từ mắng chửi, xỉ vả cho
đến bị trục xuất. Trải qua quá trình ấy Anh ngày càng kiên định hơn trong lập
trường của mình về nguồn gốc của Đức Giêsu và đã được ơn đón nhận đức tin.
4. Đức Giêsu là
Đấng Cha sai đến. Cuộc tranh luận dựa trên sự kiện Đức Giêsu chữa bệnh trong
ngày Sabát để đi đến kết luận Người có phải Đấng đến từ Thiên Chúa hay không.
Nhóm “Họ” từ đầu đến cuối nhất quyết phủ nhận nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu;
Trong khi đó Anh mù, đại diện cho cộng đoàn người tin thì từ khám phá đến nhìn
nhận “Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa.” Thật ra, chính Đức Giêsu đã thừa nhận nguồn
gốc Thiên Sai của Người khi nói rằng: “Chúng ta phải làm công việc của Đấng đã
sai Thầy” (9,4). Ngoài ra, tác giả cũng ghi chú hồ Silôam có nghĩa là Đấng được
sai phái ngụ ý rằng anh mù chỉ có rửa trong Đức Giêsu thì mới được sáng cả thể
lý lẫn tinh thần.
5. Câu chuyện của
“Anh mù được chữa lành” tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu, không phải chỉ là câu
chuyện của riêng Anh, nhưng là câu chuyện của cộng đoàn những người tin cuối thế
kỷ thứ nhất. Họ đã sống đức tin của mình và phải chịu hậu quả là trở thành những
người bị trục xuất ra khỏi Hội đường. Một số người tin không chịu nỗi áp lực của
giáo quyền Do Thái đến nỗi không dám tuyên xưng hay bàn luận gì về Đức Giêsu,
như trường hợp của cha mẹ Anh mù. Đó không chỉ là tình trạng của cộng đoàn
Gioan cuối thế kỷ thứ nhất mà còn là tình trạng của cộng đoàn những người tin
qua mọi thời đại. Họ luôn đứng trước chọn lựa bóng tối và ánh sáng và lâm vào
những nguy cơ “bị trục xuất,” ngược đãi, thậm chí giết chết. Họ phải luôn can đảm
để tiếp tục kiên định với chọn lựa đức tin của mình trước những gian nan thử
thách. Tranh luận của “Anh mù được sáng mắt” và “Họ” tiêu biểu cho những cuộc
tranh luận mang tính Kitô học giữa cộng đoàn người tin và nhóm “Họ” chưa tin,
trải dài trong Tin Mừng thứ tư.
6. “Đức Giêsu đến
thế gian này để phân định.” Sự hiện diện của Người trong thế gian bao hàm một sự
phân chia giữa những người “mù” về thể lý, yếu đuối về tinh thần nhưng biết đón
nhận, tuyên xưng đức tin vào Người sẽ trở thành những người “được thấy.” Ngược
lại những người tự phụ, cho rằng mình “chúng tôi thấy,” không cần đón nhận ánh
sáng từ Đấng là ánh sáng, không chấp nhận Người thì sẽ vẫn mang tội nơi mình.