LM.
Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Tại sao, trong các bản kinh cổ truyền, người ta nói tới 6 điều răn Hội Thánh, thế mà trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo mới xuất bản, chỉ còn có 5 điều răn?
Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên nhắc cho các thính giả biết thế
nào là 6 điều răn Hội Thánh. Trước đây, trong các nhà thờ tại Việt Nam, trước
khi cử hành Thánh Lễ Chúa nhật, các tín hữu có thói quen đọc kinh Mân Côi, kế
đó ôn lại 10 điều răn Đức Chúa Trời, 6 điều răn Hội Thánh, 7 mối tội đầu, 14 việc
thương người, 8 mối phúc thật. Trong những năm gần đây, thói tục ấy dần dần bị
bỏ rơi và vì vậy mà nhiều người chẳng biết gì đến 10 điều răn Đức Chúa Trời, huống
chi là 6 điều răn của Hội Thánh. Sáu điều răn của Hội Thánh là:
- Thứ nhất, dâng lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc;
- Thứ hai, chớ làm việc xác ngày Chúa nhật cùng những ngày lễ buộc;
- Thứ ba, xưng tội trong một năm ít là một lần;
- Thứ bốn, chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục Sinh;
- Thứ năm, giữ chay những ngày Hội Thánh buộc;
- Thứ sáu, kiêng thịt ngày thứ Sáu cùng các ngày khác Hội Thánh dạy.
Như vậy, người tín hữu chỉ buộc giữ có 6 điều răn Hội Thánh thôi, chứ
không phải gần 2 ngàn điều của Bộ Giáo luật sao?
Có thể ít hơn 6 điều nữa, như câu hỏi đã nêu lên ở lúc đầu, xét vì Sách
Giáo lý của Hội Thánh Công giáo chỉ nói có 5 điều răn. Dù sao thì “điều
răn” không phải là Giáo luật. Tiếng “điều răn” Hội Thánh làm cho ta liên tưởng
tới các “điều răn” của Đức Chúa Trời, ra như tiếp nối các điều răn của Chúa,
hay ít là áp dụng các điều răn Chúa vào một vài hoàn cảnh cụ thể. Thế nhưng,
trong các từ ngữ Âu châu, ngoài tiếng “commandement” (điều răn), đôi khi người
ta cũng dùng tiếng “précepte,” mà ta có thể dịch là “mệnh lệnh.” Trong Giáo luật,
tiếng “precepta” thường được hiểu về một “lệnh cụ thể,” khác với “luật” (lex)
thường có tính cách phổ quát hơn. Cách riêng, trong Sách Giáo lý của Hồng
y Gasparri xuất bản năm 1930 ở Rôma, có sự phân biệt giữa 10 “mandata” (điều
răn) của Thiên Chúa, và 5 “precepta” (mệnh lệnh) của Hội Thánh.
Xét về lịch sử thì các điều răn của Hội Thánh ra đời vào khoảng cuối thế
kỷ XV trong các sách giúp các cha giải tội và các hối nhân xét mình xưng tội. Tỉ
dụ như trong quyển sách Tổng luận thần học (Summa theologica) của
thánh Antôninô, Dòng Đaminh, Giám mục Firenze ở Italia năm 1486. Sang thế kỷ
sau, nó đi vào các Sách Giáo lý của Thánh Phêrô Canisius (1556) và
Robertô Bellarminô (1598) Dòng Tên. Có điều lạ là tuy Công đồng Trentô, trong sắc
lệnh về việc kiêng thịt, giữ chay và lễ trọng ban hành năm 1563, đã nhắc nhở phải
tuân giữ các điều răn Hội Thánh; thế mà trong quyển Giáo lý của công đồng
Trentô ra đời năm 1566 (nghĩa là 3 năm sau đó) thì không thấy nói đến danh sách
các điều răn Hội Thánh. Phải chờ tới thế kỷ XVII thì mới thấy nói tới chúng
trong các sách giáo lý.
Nhưng mà có bao nhiêu điều răn Hội Thánh?
Con số này cũng co giãn. Các Sách giáo lý của Canisius và
Bellarminô kể ra tới 5; nhưng Sách giáo lý tục gọi là của đức Piô V thì
chỉ có 4; còn các sách thần học luân lý, tựa như của thánh Antôninô nói trên
đây nhiều khi kéo dài tới số 10. Thường thì trong tất cả các bản văn, ta đều thấy
có các điều răn sau đây: dự Thánh Lễ và thánh hoá Chúa nhật; xưng tội hằng năm;
rước lễ trong mùa Phục sinh; ăn chay kiêng thịt. Ngoài những điểm chung ấy ra,
thì nơi này nơi khác có thêm một vài điều nữa, tỉ như, đóng thuế thập phân cho
Giáo hội dưới thời Vương chính nước Pháp, hoặc trợ giúp hàng giáo sĩ, như bên
các nước Bắc Mỹ; hoặc không được cưới hỏi trọng thể trong mùa Chay; cấm kết hôn
với người ngoại đạo; không lai vãng với những người đã bị lên án tuyệt thông;
không tham dự bí tích do các Linh mục có tư tình cử hành,…
Bản văn 6 điều răn mà chúng ta quen đọc ở các nhà thờ Việt Nam nói được
là giống với bản văn được áp dụng tại nước Pháp từ năm 1945. Nên biết là tại
Pháp danh sách các điều răn Hội Thánh ra đời từ thế kỷ XV, và đã được đặt thành
vè phổ thông. Trải qua 5 thế kỷ, chúng đã được nhiều lần thay đổi, và lần cuối
cùng vào năm 1931 và 1945. Đang khi ấy, tại Rôma, Sách Giáo lý Công giáo
của Hồng y Gasparri xuất bản năm 1930 chỉ kê khai có 5 điều răn: 1] Dâng lễ và
kiêng việc xác vào Chúa nhật và lễ buộc; 2] Kiêng thịt và ăn chay vào những
ngày Hội Thánh định; 3] Xưng tội trọng ít là mỗi năm một lần; 4] Rước lễ ít là
mỗi năm một lần trong mùa Phục sinh; 5] Giúp đỡ các nhu cầu của Giáo hội và các
giáo sĩ.
Tại sao lại có sự co giãn về số các điều răn Hội Thánh như vậy?
Thực ra, tuy được gọi là điều răn Hội Thánh, nhưng Toà thánh không bao giờ
tuyên bố một danh sách chính thức về các điều răn cả. Các bản danh mục do các
tác giả của những sách giáo lý, hay các nhà thần học soạn ra, thường là nhằm để
nhắc nhở các tín hữu về những nghĩa vụ liên can tới việc phụng tự. Sách Giáo
lý của Hội Thánh Công giáo mới ban hành đã xếp chúng trong chương nói về
vai trò của quyền giáo huấn của Giáo Hội đối với đời sống đạo đức của người tín
hữu, cách riêng với mục tiêu bảo đảm cho người tín hữu được duy trì mức tối thiểu
trong việc cầu nguyện, và cố gắng tăng trưởng trong lòng mến Chúa yêu người (số
2041). Đó là mục tiêu, còn sự phát biểu và tầm bó buộc thì có thể thay đổi tùy
nơi tuỳ thời.
Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo nói tới 5 điều răn Hội
Thánh. Đó là những điều răn nào?
1] Dâng lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc;
2] Xưng tội một năm ít là một lần;
3] Rước lễ trong mùa Phục sinh;
4] Thánh hoá các Chúa nhật và ngày lễ trọng;
5] Ăn chay kiêng thịt vào những ngày luật định.
Chúng ta có thể nhận thấy tuy thứ tự và con số có hơi khác với danh mục
mà chúng ta quen đọc tại Việt Nam, nhưng nội dung thì như nhau. Bộ Giáo luật
đã bàn về những điểm đó trong quyển 4, nói về nhiệm vụ thánh hoá của Giáo hội. Sách
Giáo lý của Hội Thánh Công giáo cũng trích dẫn những khoản luật ấy, nhưng đồng
thời cũng giải thích ý nghĩa của chúng tại những chương khác nhau. Ta có thể
bàn vắn tắt về ý nghĩa của từng điều răn, dựa theo thứ tự đọc ở các nhà thờ tại
Việt Nam như sau.
Hai điều răn thứ nhất và thứ hai có thể gom lại làm một, xét vì cả hai đều
liên can đến nghĩa vụ phải giữ trong các Chúa nhật và lễ buộc, tức là: tham dự Thánh
Lễ và nghỉ việc xác. Xét theo lịch sử, thì việc tham dự Thánh Lễ Chúa nhật nói
được là đã có từ thời các thánh Tông đồ; các tín hữu tụ họp nhau để cử hành
Thánh Thể vào ngày tiếp theo ngày Sabbat của người Do Thái, từ nay được gọi là Chúa
nhật, ngày của Chúa, ngày thứ nhất trong tuần dành để kính nhớ ngày Chúa sống lại.
Tham dự Thánh Lễ xong thì người ta lại trở về công việc thường nhật. Mãi tới thế
kỷ IV, khi Kitô giáo được nhìn nhận là Quốc giáo ở Rôma, thì mới có luật của
nhà nước buộc ngưng việc lao động. Dần dần, Giáo hội thêm một số ngày lễ trọng
coi ngang với Chúa nhật. Trong quá khứ, nhiều lần người ta rơi vào chế độ vụ luật,
từ đó đặt ra không biết bao nhiêu là câu hỏi chi li, tỉ như: phải tham dự Thánh
Lễ từ phần nào tới phần nào khi chu toàn nghĩa vụ? Chúa nhật, được phép làm việc
gì, kiêng việc gì?... Ngày nay, Giáo Hội muốn cho chúng ta khám phá ra tinh thần
nguyên thuỷ của Chúa nhật, ngày của Chúa, ngày tưởng niệm Chúa sống lại, ngày
các tín hữu hội họp nhau để cầu nguyện, chia sẻ; ngày nghỉ ngơi để nói lên điều
kiện tự do thoải mái mai sau trên Nước Trời... Nói tóm lại, thay vì nói đến việc
giữ luật về Chúa nhật, cần nhấn mạnh đến chỗ “thánh hoá ngày Chúa nhật,” nếu
chúng ta không muốn rơi vào vết xe cũ của người Pharisêu về luật Sabbat đã bị
Chúa Giêsu lên án.
Điều răn thứ ba, xưng tội mỗi năm ít là một lần. Nghĩa vụ này do công đồng
Lateranô IV, vào năm 1215 đặt ra. Nghĩa vụ này đặt ra đối với những người đã phạm
tội trọng, xét vì tội nhẹ có thể được tha thứ qua các việc bác ái khác. Dĩ
nhiên đây là mức tối thiểu, chứ phàm ai đã ý thức mình phạm tội trọng thì hãy
đi xưng tội càng sớm càng hay, để luôn có thể sống trong ơn sủng với Thiên
Chúa. Cách riêng, trước khi đi rước lễ, thì phải xưng thú các tội trọng.
Việc rước lễ một năm một lần vào mùa Phục sinh (điều răn thứ bốn) cũng là
một biện pháp kỷ luật do công đồng Lateranô IV năm 1215 đặt ra: đây là một điều
tối thiểu, nhằm giúp cho đời sống thiêng liêng khỏi chết yểu. Thực vậy, biện
pháp kỷ luật được đặt ra vào lúc mà tinh thần đạo đức đã sa sút; chứ còn vào thời
buổi đầu, các tín hữu rước lễ thường xuyên vào lúc họ đi tham dự Thánh Lễ,
nghĩa là ít là hằng tuần.
Sau cùng, việc ăn chay kiêng thịt trải qua lịch sử đã có những lúc chìm nổi,
và không thiếu lần rơi vào tính cách vụ luật. Sau công đồng Vaticanô II, Đức
Phaolô VI đã duyệt lại kỷ luật trong vấn đề này với Tông hiến Poenitemini
(17/2/1966), nhằm nêu bật mục tiêu của việc ăn chay kiêng thịt, đó là thống hối
đền tội, chế ngự các đam mê, đồng thời với sự chia sẻ số phận nghèo đói của
hàng bao nhiêu triệu con người. Bởi vậy, vấn đề không phải chỉ là kiêng thịt,
nhưng nếu cần, có thể kiêng rượu, thuốc lá, hay cái sở thú nào đó để bày tỏ
tinh thần hãm mình đền tội; ngoài ra sự tiết kiệm do việc kiêng khem có thể
dùng vào việc bác ái.