THỨ
SÁU TUẦN THÁNH:
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC
Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, Thông tư về việc Chuẩn bị và cử hành Đại Lễ
Phục Sinh, số 58-72:
1. Vào ngày này, khi “Chúa
Kitô, Chiên Vượt Qua chịu hiến tế,” thì Hội
Thánh chiêm
ngắm Cuộc Thương Khó của Chúa và Hôn Phu của mình, tôn thờ Thánh Giá, tưởng niệm
mình đã xuất phát từ cạnh sườn Chúa Kitô đang an giấc trên Thánh Giá, và cầu
xin cho cả thế giới được Ơn Cứu Độ.
2. Theo truyền thống từ xa xưa, hôm nay, Hội Thánh không
cử hành Thánh Lễ: Mình Thánh Chúa chỉ
được trao cho tín hữu trong Nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa mà
thôi; tuy nhiên, vào bất cứ lúc nào trong ngày, cũng có thể mang Mình Thánh
Chúa cho bệnh nhân nào không thể tham dự nghi thức được.
3. Thứ Sáu Tuần Thánh là
ngày của sám hối, ăn chay và kiêng thịt, phải tuân giữ trên toàn Hội Thánh.
4. Hôm nay, Hội Thánh không cử
hành bí tích nào cả, trừ bí tích Hoà Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân. Nếu tổ chức nghi thức
an táng thì không hát, không đàn, không chuông, không chiêng trống.
5. Nếu có thể, hôm nay
nên cử hành giờ Kinh Sách và Kinh Sáng chung với giáo dân tại các nhà thờ.
6. Vào khoảng 3 giờ chiều,
cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa. Nếu lý do mục vụ đòi hỏi, thì có thể cử hành
vào giờ thuận tiện để quy tụ giáo dân dễ dàng hơn, ví dụ, sau 12 giờ trưa hoặc
vào ban tối, song đừng trễ hơn 9 giờ đêm.
7. Thứ tự cử hành Cuộc
Thương Khó của Chúa: phụng vụ Lời Chúa, kính thờ Thánh Giá, và rước Mình Thánh
Chúa, có nguồn gốc từ truyền thống xa xưa của Hội Thánh. Do đó, mọi người phải trung thành và sốt sắng tuân giữ; không ai được
thay đổi theo sáng kiến của mình.
8. Linh mục và các thừa tác viên tiến ra bàn thờ trong bầu khí thinh lặng
của tất cả cộng đoàn tham dự. Nếu có lời dẫn đầu nghi thức, thì Linh mục và
các thừa tác viên phải đợi chấm dứt lời dẫn mới tiến ra bàn thờ.
Linh mục
và các thừa tác viên cung kính bái chào bàn thờ và Linh mục phủ phục xuống đất.
Cử chỉ phủ phục này chỉ dành riêng cho nghi thức của ngày này, phải tuân giữ
nghiêm túc vì nó biểu lộ vừa là sự nhục nhã của “con người trần tục,” vừa là sự
sầu khổ và đau buồn của Hội Thánh.
Khi Linh
mục và các thừa tác viên tiến vào, giáo dân đứng lên; và rồi khi Linh mục phủ
phục thì mọi người quỳ xuống và cầu nguyện trong thinh lặng.
9. Phải đọc tất cả các
bài đọc đầy đủ. Thánh vịnh đáp ca và tung hô Tin Mừng phải hát như thường lệ.
Bài Thương Khó theo Thánh Gioan có thể hát hoặc đọc theo cách thức như đã thực
hiện vào Chúa nhật Lễ Lá. Kết thúc bài Thương Khó nên có bài giảng, sau bài giảng
thì mời mọi người suy niệm giây lát trong thinh lặng.
10. Lời cầu nguyện cho mọi
người tiếp theo phần phụng vụ Lời Chúa và được cử hành theo cách thức cổ truyền.
Các lời nguyện được sắp xếp theo lĩnh vực nhằm biểu thị cách rõ ràng Cuộc
Thương Khó của Chúa Kitô có giá trị cứu độ cho toàn thế giới. Trong trường hợp
cộng đoàn có nhu cầu đặc biệt quan trọng, Đấng Bản Quyền địa phương có thể cho
phép hoặc ấn định những lời nguyện đặc biệt.
Trong số các lời nguyện ghi trong Sách lễ Rôma, Linh mục được phép chọn những
lời nguyện nào thích hợp hơn với hoàn cảnh địa phương, nhưng phải giữ thứ tự đã
được quy định để cầu nguyện cho mọi người.
11. Về việc kính thờ Thánh
Giá: Thánh Giá dùng cho việc suy tôn phải có kích cỡ và mỹ thuật thích hợp, và
làm sao Thánh Giá này toát lên vẻ uy hùng của mầu nhiệm Ơn Cứu Độ. Cả lời kêu mời khi mở khăn che Thánh Giá
và lời đáp của dân chúng phải hát; và phải dành một khoảng thời
gian thinh lặng để tôn thờ Thánh Giá và cầu nguyện sau mỗi lần kêu mời, trong
khi chủ sự vẫn đứng và nâng cao Thánh Giá.
12. Thánh Giá được trưng
bày để cho từng tín hữu tôn kính, vì việc kính thờ Thánh Giá của mỗi cá nhân là
yếu tố quan trọng nhất của nghi thức này. Nếu vì tín hữu tham dự quá đông thì Linh
mục cầm Thánh Giá lên và kêu mời mọi người cùng thờ lạy.
Chỉ dùng
một Thánh Giá duy nhất trong nghi thức kính thờ nhằm diễn tả được trọn vẹn ý
nghĩa biểu tượng của nghi thức. Trong khi tôn kính Thánh Giá, thì hát thán ca
Dân Ta Hỡi và các thánh thi để tưởng
nhớ về lịch sử cứu độ. Cũng có thể hát những bài thánh ca thích hợp khác.
13. Linh mục hát lời mời gọi
cộng đoàn, và rồi mọi người hát kinh Lạy Cha. Cử chỉ chúc bình an vẫn như thường
lệ. Nghi thức hiệp lễ diễn tiến như được trình bày trong Sách lễ.
Khi cho giáo dân rước Mình Thánh Chúa,
thì ca đoàn hát Thánh vịnh 21 hoặc những bài thánh ca nào thích hợp. Sau khi
cho rước lễ xong, mang Mình Thánh Chúa đựng trong bình thánh đến nơi đã dọn sẵn
ở bên ngoài nhà thờ.
14. Kết thúc buổi cử hành, lột khăn bàn thờ. Thánh Giá vẫn để lại và có
thêm 4 cây nến cháy sáng. Đặt Thánh Giá Chúa làm sao để tín hữu có thể kính thờ, hôn Thánh Giá
và ở lại suy niệm một ít lâu. Việc tôn kính này có thể diễn ra ở trong nhà thờ
hay ở nhà nguyện đã dùng vào ngày thứ Năm Tuần Thánh cho việc lưu giữ Thánh Thể.
Các việc đạo đức có giá trị mục vụ cần
quý trọng là: đi Đàng Thánh Giá, kiệu Thương Khó, suy gẫm các sự thương khó Đức
Mẹ,… Tuy nhiên, các bản văn và thánh ca sử dụng phải thích hợp với tinh thần phụng
vụ của ngày lễ này. Những hình thức đạo đức như thế phải được phân chia vào một
thời giờ nào đó trong ngày, sao cho việc cử hành phụng vụ Cuộc Thương Khó Chúa
của ngày hôm nay có vị trí quan trọng và ý nghĩa trổi vượt hơn các hình thức đạo
đức.
Sách
lễ Rôma 2002 trích trong Uỷ ban Phụng
tự - HĐGM.VN, Phụng vụ Tuần Thánh (2023):
1. Theo truyền
thống rất cổ xưa, hôm nay và ngày mai, Hội Thánh không cử hành các bí tích nào
khác ngoài bí tích Sám Hối và Xức Dầu Bệnh Nhân.
2. Hôm nay chỉ
cho tín hữu rước Thánh Thể trong chính lúc cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa;
tuy nhiên, với những bệnh nhân không thể tham dự cuộc cử hành này, thì có
thể đưa Mình Thánh cho họ bất cứ giờ nào.
3. Bàn thờ hoàn
toàn để trống: không Thánh Giá, không đèn nến, không phủ khăn.
Cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa
4. Vào sau trưa
hôm nay, khoảng ba giờ chiều, trừ khi, vì lý do mục vụ, khuyên nên cử hành
muộn hơn, sẽ cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa, gồm ba phần: phụng vụ Lời
Chúa, tôn thờ Thánh Giá và rước Thánh Thể.
5. Linh mục và Phó
tế, mặc phẩm phục đỏ như khi cử hành Thánh Lễ, thinh lặng tiến ra bàn thờ
và chào kính bàn thờ rồi phủ phục hay quỳ gối và cúi mình cầu nguyện giây
lát. Mọi người khác quỳ gối cúi mình.
6. Sau đó Linh
mục và các thừa tác viên về ghế. Linh mục đứng hướng về dân chúng, dang
tay, đọc một trong những lời nguyện trong sách lễ, không đọc Chúng ta dâng
lời cầu nguyện.
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
7. Cộng đoàn
ngồi. Đọc bài đọc I, trích sách tiên tri Isaia (52,13–53,12) cùng với thánh
vịnh đi kèm.
8. Tiếp theo là
bài đọc II, trích thư gởi tín hữu Do Thái (4,14-16; 5,7-9) và câu xướng trước
Tin Mừng.
9. Sau đó là bài
Thương khó theo thánh Gioan (18,1–19,42) theo cùng một thể thức như trong Lễ
Lá.
10. Sau bài Thương
khó, Linh mục giảng vắn tắt. Cuối bài giảng có thể kêu mời tín hữu cầu nguyện
ít phút.
Lời nguyện chung
11. Kết thúc phần
phụng vụ Lời Chúa bằng lời nguyện chung, theo cách sau đây: Phó tế, hoặc một
thừa tác viên giáo dân, đứng tại giảng đài, đọc lời kêu mời, nêu lên ý cầu
nguyện. Sau khi Cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện giây lát, Linh mục đứng tại
ghế, hoặc tuỳ nghi, tại bàn thờ, dang tay đọc lời nguyện. Trong suốt thời
gian cầu nguyện, tín hữu có thể đứng hay quỳ.
12. Trước mỗi lời nguyện, Phó tế có thể kêu mời: Xin quỳ xuống - Cộng đoàn quỳ thinh lặng cầu nguyện giây lát - Xin đứng lên. Hội đồng Giám mục có thể dự trù một lời kêu mời khác. Khi có nhu cầu quan trọng của cộng đoàn, Giám mục giáo phận có thể cho phép hay quyết định đọc thêm một ý nguyện đặc biệt.
KÍNH THỜ THÁNH GIÁ
14. Sau lời nguyện
chung, sẽ cử hành nghi thức long trọng kính thờ Thánh Giá. Tuỳ theo nhu cầu mục
vụ, chọn một trong hai hình thức suy tôn Thánh Giá sau đây.
Suy tôn Thánh Giá: Cách thứ nhất
15. Phó tế và các thừa
tác viên, hay một thừa tác viên thích hợp, đi vào phòng áo, sau đó cùng với hai
thừa tác viên cầm nến cháy, kiệu Thánh Giá có phủ khăn tím tiến vào giữa cung
thánh. Linh mục đứng trước bàn thờ, quay về phía dân chúng, nhận Thánh Giá, mở
khăn phủ phần đầu Thánh Giá, đưa Thánh Giá lên cao, xướng: Đây là cây Thánh Giá.
Phó tế hoặc nếu cần, ca đoàn cùng hát với Linh mục. Cộng đoàn thưa: Chúng ta
hãy đến thờ lạy. Hát xong, cộng đoàn quỳ gối thinh lặng thờ lạy giây lát, Linh
mục vẫn đứng nâng cao Thánh Giá, đọc hoặc hát: Đây là cây Thánh Giá, nơi treo
Đấng Cứu Độ trần gian. Cộng đoàn đáp: Chúng ta hãy đến thờ lạy.
Sau đó, Linh mục mở khăn phủ cánh phải Thánh Giá, nâng Thánh
Giá lên cao và xướng: Đây là cây Thánh Giá… như lần trước. Cuối cùng mở toàn bộ
khăn phủ Thánh Giá và nâng Thánh Giá lên cao, xướng lần thứ ba: Đây là cây Thánh
Giá…
Suy tôn Thánh Giá: Cách thứ hai
16. Linh mục, hoặc Phó tế, cùng với các thừa tác viên, hoặc một thừa tác viên thích hợp, đi đến cửa nhà thờ, từ đó, nhận Thánh Giá không phủ khăn, cùng với các thừa tác viên khác cầm nến cháy, làm thành đoàn rước đi qua giữa nhà thờ tiến lên cung thánh. Tại ba địa điểm: gần cửa, giữa nhà thờ, và trước cung thánh, người cầm Thánh Giá, nâng Thánh Giá lên cao, xướng: Đây là cây Thánh Giá… Cộng đoàn đáp: Chúng ta hãy đến thờ lạy. Sau mỗi câu thưa là một lần quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát.
Kính thờ Thánh Giá
17. Linh mục hoặc Phó
tế, cùng với các thừa tác viên cầm nến cháy, mang Thánh Giá lên cung thánh, đặt
giữa cung thánh hay một nơi khác thích hợp, hoặc trao cho các thừa tác viên đỡ Thánh
Giá, có nến cháy đặt hai bên.
18. Linh mục chủ
sự, có thể cởi áo lễ và giày, tôn thờ Thánh Giá trước tiên, sau đó các giáo sĩ,
thừa tác viên giáo dân và các tín hữu, tiến lên như đoàn rước, mọi người bày tỏ
lòng tôn kính Thánh Giá bằng cách bái gối hoặc một dấu chỉ khác theo tập tục
địa phương, chẳng hạn hôn Thánh Giá.
19. Chỉ trưng bày
một Thánh Giá duy nhất để kính thờ. Nếu dân chúng quá đông, thì sau khi một số
giáo sĩ và tín hữu đã lên kính thờ, Linh mục cầm Thánh Giá, đứng trước bàn thờ,
nói ít lời kêu mời Cộng đoàn, rồi nâng cao Thánh Giá một lúc để các tín hữu
thinh lặng thờ lạy.
20. Trong khi kính
thờ Thánh Giá, hát đối ca: Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa,
các câu than vãn, thánh thi Ôi Thánh Giá tín trung hoặc những ca khúc
thích hợp khác. Mọi người trở về chỗ ngồi sau khi kính thờ Thánh Giá. Theo
hoàn cảnh địa phương hoặc truyền thống dân tộc và thích ứng mục vụ, có thể hát
kinh Mẹ đứng đó hay một ca khúc thích hợp để kính nhớ Đức Mẹ Sầu bi.
21. Tôn thờ Thánh
Giá xong, Phó tế hoặc thừa tác viên đặt Thánh Giá bên cạnh bàn thờ. Đặt nến
cháy chung quanh, trên bàn thờ hoặc gần Thánh Giá.
HIỆP LỄ
22. Trải khăn bàn
thờ, đặt khăn thánh và Sách Lễ. Trong khi đó, Phó tế, hoặc chính Linh mục,
choàng khăn vai, kiệu Mình Thánh từ nơi lưu giữ, đem lên bàn thờ bằng lối ngắn
nhất, trong khi Cộng đoàn đứng thinh lặng. Hai thừa tác viên mang nến cháy đi
theo hầu Mình Thánh sau đó đặt trên hay cạnh bàn thờ. Khi đã đặt bình
đựng Mình Thánh trên bàn thờ và mở khăn che, Linh mục cúi mình trước Mình
Thánh.
[…]
28. Trong khi
các tín hữu rước Mình Thánh, có thể hát thánh vịnh 21 hay một ca khúc thích
hợp.
29. Cho rước
Mình Thánh xong, Phó tế hoặc một thừa tác viên thích hợp đưa bình đựng Mình
Thánh vào chỗ dọn sẵn ngoài nhà thờ, hoặc tuỳ hoàn cảnh, đưa đặt vào Nhà Tạm.
30. Sau đó Linh
mục đọc: Chúng ta dâng lời cầu nguyện, và tuỳ nghi giữ thinh
lặng giây lát trước khi đọc lời nguyện Hiệp lễ.
31. Để giải tán
cộng đoàn, Phó tế, hoặc nếu không có Phó tế, chính Linh mục mời gọi cộng đoàn: Xin
anh chị em cúi mình nhận phúc lành của Chúa.
Lạy Chúa, xin ban
phúc lành cho đoàn dân đang tưởng niệm Con Chúa chịu chết và tin tưởng mong đợi
Người sống lại, xin Chúa tha thứ và ban niềm an ủi, cho chúng con ngày càng
thêm vững tin và nhận được ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô
Chúa chúng con.
Đ. Amen.
32. Mọi người cúi
mình chào kính Thánh Giá rồi thinh lặng ra về.
33. Sau cử hành,
lột khăn bàn thờ, đặt Thánh Giá trên bàn thờ cùng với 2 hay 4 cây nến.
34. Những ai đã
tham dự cử hành phụng vụ long trọng chiều nay không phải đọc kinh Chiều.
Cử hành Tam Nhật
Thánh: Toà Thánh ban Sắc lệnh ngoại lệ cho Giáo Hội Việt Nam
Theo thỉnh nguyện
của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Thành phố
Hồ Chí Minh và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, qua thư đề ngày 13 tháng 1
năm 2025, với năng quyền đặc biệt được Đức Thánh Cha Phanxicô ban cho Bộ này,
sau khi cân nhắc các lý do được trình bày, chúng tôi vui lòng ban phép, theo
cách thức ngoại lệ, để mỗi Đấng Bản quyền tại Việt Nam, bất cứ khi nào xét
thấy cần thiết vì lợi ích thiêng liêng của các tín hữu, được phép cử hành nhiều
lần Nghi thức Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa và Canh thức Vượt Qua trong
cùng một nhà thờ hoặc cùng một nhà nguyện, với điều kiện luôn phải tuân giữ
những quy định hiện hành, nhất là những quy định trong Giáo luật khoản 951. Ân
huệ này được ban trong thời hạn 5 năm.
Bất chấp mọi quy
định trái ngược.
Ban hành tại trụ
sở Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, ngày 22 tháng 02 năm 2025, lễ kính Toà
Thánh Phêrô, Tông đồ.
+ Hồng y Arthur
Roche
Bộ trưởng ấn ký
+ Vittorio
Francesco Viola, O.F.M.
Tổng Giám mục Thư
ký
NHỮNG ĐỒ CẦN
CHUẨN BỊ TRƯỚC
1. Trên cung thánh:
- Không Thánh Giá,
không khăn bàn thờ, không đèn.
- Chân để đặt Thánh
Giá.
- Dưới cấp bàn thờ,
đặt gối nếu chủ sự sẽ phủ phục.
2. Trên bàn nhỏ cạnh bàn thờ chính:
- Khăn trải bàn thờ.
- Giá sách với tập Nghi thức Tuần Thánh.
- Khăn thánh.
- Nước tráng chén
và rửa tay.
3. Trong cung thánh: giá sách với bài tường thuật Cuộc Thương Khó.
4. Trong phòng thánh:
- Lễ phục cho chủ
tế, Phó tế và các phụ tế (màu đỏ).
- Dây các phép cho
các Linh mục và Phó tế mang khi cho rước lễ.
- Thánh Giá sẽ dùng
khi thờ lạy.
- Đèn dùng khi kiệu
Thánh Giá.
5. Trên bàn thờ đang có Mình Thánh Chúa:
- Khăn thánh.
- Khăn choàng vai.
- Đèn.
NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM
CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA[1]
Bàn thờ hoàn toàn để trống, không Thánh Giá, không chân đèn, không trải khăn. Không hát Ca Nhập lễ.[2] Hôm na,y chỉ cho tín hữu rước Thánh Thể trong chính lúc cử hành cuộc Thương Khó của Chúa; tuy nhiên, với những bệnh nhân không thể tham dự cuộc cử hành này, thì có thể đưa Mình Thánh cho họ bất cứ giờ nào.[3]
Người dẫn:
Kính thưa cộng đoàn, theo truyền thống từ xa xưa, hôm nay Hội Thánh không cử hành Thánh Lễ mà
chỉ có Nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa[4] mà
thôi.
Để bắt đầu Nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó của
Chúa, xin cộng đoàn cùng lắng nghe ý nghĩa của buổi cử hành phụng vụ hôm nay.
Hôm nay, cộng đoàn chúng ta cùng với Hội Thánh long trọng
cử hành Nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa, để suy gẫm cuộc khổ nạn của
Chúa Giêsu, để tưởng niệm và sống mầu nhiệm cứu độ của Người qua sự chết đi vào
sự sống, qua thập giá đến vinh quang. Chúa Giêsu tự nguyện hiến thân mình đến
chết trên thập giá, nên Thánh Giá là trung tâm điểm của ngày lễ hôm nay. Có thể
nói, tất cả phụng vụ hôm nay, đều bao trùm hình ảnh Thánh Giá và ý nghĩa của Thánh
Giá. Từ chiều hôm nay đến ngày Chúa sống lại, chúng ta chỉ nhìn thấy hình bóng
của Thánh Giá.
Hôm nay, Hội Thánh mời gọi các tín hữu đến bên Thánh Giá, nơi đã treo Đấng Cứu Độ trần gian, không phải để giữ một phút mặc niệm, không phải để tưởng nhớ đến một biến cố xảy ra cách đây hơn 2000 năm, cũng không phải là để than khóc một người đã bị phản bội, bị đánh đòn, bị đóng đinh vào thập giá. Nhưng chúng ta đến đây để cử hành lại vinh quang của Thiên Chúa qua mầu nhiệm thập giá. Chúng ta đến đây để khơi dậy trong chúng ta một ý thức rõ rệt về tội lỗi của mình. Đồng thời cũng là để củng cố lại niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô – Đấng cứu độ trần gian.
Và khi chúng ta suy tôn Thánh Giá không phải là chúng ta ca ngợi, tôn
kính cây gỗ đã giương cao Chúa Giêsu trên đó; cũng không phải chúng ta đồng ý
với khổ hình mà giới lãnh đạo Do Thái đã chọn để sỉ nhục Chúa Giêsu, nhưng là
để tôn vinh và thờ lạy Con Thiên Chúa trong tư thế một tội nhân, chết để cứu độ
nhân loại. Đây là cuộc vượt qua của Chúa Kitô ra khỏi thế gian này để đi vào
trong vinh quang của Chúa Cha. Chúng ta cùng ca ngợi, tôn vinh và cảm tạ tình
yêu vô biên của Chúa Cha, Đấng đã ban Con yêu dấu cho nhân loại.
Trong tâm tình đó, mời cộng đoàn lắng đọng tâm hồn, từ đó mỗi người có
thể nghe được lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc khổ hình của
Chúa Giêsu, trong từng biến cố và sự kiện xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
Diễn tiến của nghi
thức hôm nay như sau:
Phần thứ nhất: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA.
Phần thứ hai: KÍNH THỜ THÁNH GIÁ.
Phần thứ ba: RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA.
Để bắt đầu nghi
lễ, mời cộng đoàn đứng.
Trong phẩm phục
màu đỏ,[5] Linh mục chủ sự thinh
lặng tiến ra trước bàn thờ và phủ phục xuống đất để cầu nguyện. Hội Thánh dạy
rằng: cử chỉ phủ phục trong nghi thức thứ Sáu Tuần Thánh “biểu lộ vừa là sự
nhục nhã của ‘con người trần tục,’ vừa là sự sầu khổ và đau buồn của Hội
Thánh.”
Hiệp ý với Linh
mục chủ sự, mời cộng đoàn quỳ và cúi mình cầu nguyện trong thinh lặng.
Sau khi người dẫn lễ đọc lời dẫn xong,[6] Linh mục chủ sự thinh lặng tiến ra trước bàn thờ và
phủ phục (hoặc quỳ) cầu nguyện. Khi vị chủ sự đứng lên, tiến về ghế chủ toạ và
quay về phía giáo dân, thì người dẫn mời cộng đoàn đứng.
Người dẫn (khi Linh mục
đứng lên): Mời cộng đoàn đứng. Linh mục chủ sự sẽ thay mặt
cộng đoàn tha thiết dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha. Xin Chúa Cha, vì hy tế
của Chúa Kitô trên thập giá xưa, mà ban Ơn Cứu Độ cho chúng ta.
Linh mục chủ sự đọc lời nguyện (không đọc “Chúng
ta hãy cầu nguyện”)
I. Phần thứ nhất: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Người dẫn
(sau lời nguyện): Tiếp đến, chúng ta cùng bước vào phần phụng vụ
Lời Chúa. Mời cộng đoàn ngồi.
1. Bài đọc 1: Is 52,13-53,12
Người dẫn: Bài đọc 1 trích trong sách ngôn sứ Isaia. Trong bài đọc, ngôn sứ Isaia loan báo về Người Tôi Trung của Thiên Chúa sẽ bị ngược đãi, hành hạ. Đó chính là hình ảnh của Chúa Giêsu hiến thân làm của lễ tình yêu dâng lên Chúa Cha, để hoàn tất ý định cứu độ nhân loại.
2. Đáp ca: Thánh vịnh 30.
3. Bài đọc 2: Hr 4,14-16; 5,7-9
Người dẫn: Bài đọc 2 trích trong
thư gửi tín hữu Hípri. Trong thư, tác giả cho chúng ta biết: Đức Giêsu, dẫu là
Con Thiên Chúa, nhưng đã vâng phục đến cùng thánh ý Chúa Cha, trong đau khổ và
nước mắt. Nhờ đó, Ngài đã trở nên vị Thượng Tế cao cả, luôn ở bên chúng ta để nên
Ơn Cứu Độ cho chúng ta, ngay trong những đau khổ chúng ta đang chịu.
4. Bài Thương Khó:
Ga 18,1-19,42 (không nến, không xông hương, không chào, không ghi Dấu Thánh Giá trên sách;
kết thúc bài Thương Khó, Linh mục/Phó tế xướng “Đó là Lời Chúa” như
thường lệ, nhưng không hôn sách)[7]
Khi đọc bài thương khó đến đoạn: “…rồi
Ngài gục đầu xuống và trút hơi thở…” thì cộng đoàn quỳ.
5. Bài giảng
6. Lời nguyện chung
Kết thúc phần phụng vụ Lời Chúa bằng Lời
nguyện chung, theo cách sau đây: Phó tế, hoặc một thừa tác viên giáo dân, đứng
tại giảng đài, đọc lời kêu mời, nêu lên ý cầu nguyện. Sau khi mọi người thinh
lặng cầu nguyện giây lát, Linh mục đứng tại ghế, hoặc tuỳ nghi, tại bàn thờ,
dang tay đọc lời nguyện. Trong suốt thời gian cầu nguyện, tín hữu có thể ĐỨNG hoặc
QUỲ. Trước mỗi lời nguyện, Phó tế có thể kêu mời: “Xin quỳ xuống” (mọi người
quỳ thinh lặng cầu nguyện giây lát) - “Xin đứng lên.”[8] Hội
đồng Giám mục có thể dự trù một lời kêu mời khác. Khi có nhu cầu quan trọng của
cộng đoàn, Giám mục giáo phận có thể cho phép hoặc quyết định đọc thêm một ý
nguyện đặc biệt.
Người dẫn (sau bài giảng): Phụng vụ Lời Chúa được tiếp tục bằng lời cầu nguyện cho
mọi người. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Chúng
ta hiệp ý với Linh mục chủ sự dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin để cầu
cho Hội Thánh và cho toàn thế giới. Mời cộng đoàn đứng.
1. Cầu cho Hội Thánh
Người dẫn (khi cộng đoàn đã
đứng): Chúng ta hãy cầu nguyện cho Hội Thánh Chúa. Xin
cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an,
được Chúa bảo toàn ở khắp nơi trên hoàn cầu. Xin Chúa cũng ban cho chúng ta
được an cư lạc nghiệp hầu tôn vinh Người là Cha toàn năng.
Thinh
lặng cầu nguyện. Rồi Linh mục đọc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa
đã cho muôn dân được thấy vinh quang Chúa tỏ hiện nơi Đức Kitô, là Đấng yêu
thương gầy dựng Hội Thánh Chúa. Cúi xin Chúa bảo vệ giữ gìn, để Hội Thánh đang
hiện diện khắp nơi, luôn tin kính một niềm mà xưng tụng danh Chúa. Chúng con
cầu xin…
2. Cầu cho Đức Thánh Cha
Người dẫn:
Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha…
Chính Chúa đã chọn người giữa hàng Giám mục, xin Chúa cũng ban cho người luôn
luôn an khang để lãnh đạo toàn thể dân thánh.
Thinh
lặng cầu nguyện. Rồi Linh mục đọc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa
an bài mọi sự cách khôn ngoan lạ lùng. Chính Chúa đã tuyển chọn Đức Thánh Cha… và
trao cho người nhiệm vụ lãnh đạo dân thánh Chúa. Xin nhậm lời chúng con cầu
nguyện, mà ân cần săn sóc gìn giữ người; để nhờ người, đức tin của mọi tín hữu
luôn bền vững sắt son. Chúng con cầu xin…
3. Cầu cho hàng giáo sĩ và giáo dân
Người dẫn: Chúng
ta hãy cầu nguyện cho Đức Giám mục
của giáo phận chúng ta, cho hàng Giám mục, Linh mục, Phó tế, cũng như mọi người
phục vụ dân thánh, và cho toàn thể cộng đoàn tín hữu khắp địa cầu.
Thinh
lặng cầu nguyện. Rồi Linh mục đọc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Thánh Thần Chúa luôn hướng dẫn và thánh hoá toàn thể Hội Thánh. Nay chúng con tha thiết nguyện cầu: xin Chúa thương cho mỗi thành phần trong Hội Thánh, biết theo ơn đặc sủng Chúa ban để trung thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…
4. Cầu cho anh chị em dự tòng
Người dẫn: Chúng
ta hãy cầu nguyện cho anh chị em dự tòng.
Xin Chúa thương soi sáng tâm hồn họ, để họ được hiểu biết Chúa hơn. Xin Người
mở lượng từ bi ban cho họ ơn tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, để họ được thứ tha
tội lỗi và trở thành chi thể của Chúa Kitô.
Thinh
lặng cầu nguyện. Rồi Linh mục đọc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa
làm cho Hội Thánh không ngừng sinh thêm nhiều con cái. Xin cho anh chị em dự
tòng được thêm lòng tin kính và hiểu biết Chúa hơn, hầu xứng đáng lãnh nhận ơn
tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, và gia nhập đoàn nghĩa tử của Chúa. Chúng con
cầu xin…
5. Cầu cho mọi tín hữu được hiệp nhất
Người dẫn:
Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi anh chị em
cùng tin vào Đức Kitô, và đang cố gắng sống theo sự thật, xin Chúa đoái thương quy
tụ và gìn giữ tất cả trong Hội Thánh duy nhất của Người.
Thinh
lặng cầu nguyện. Rồi Linh mục đọc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa
muốn làm cho những ai ly tán được trở về đoàn tụ, và những kẻ sum vầy được luôn
luôn hiệp nhất. Xin Chúa thương nhìn đến đoàn chiên của Đức Kitô, và cho mọi
người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy được mãi mãi đoàn kết với nhau, nhờ sống cùng
một đúc tin toàn vẹn, và chia sẻ một đức ái vững bền. Chúng con cầu xin…
6. Cầu cho người Do Thái
Người dẫn: Chúng ta hãy cầu nguyện cho người Do Thái. Cha ông họ là những người đầu tiên đã được nghe lời Chúa phán dạy. Giờ đây, xin Chúa làm cho họ ngày càng mến yêu danh thánh Chúa và trung thành với giao ước của Người.
Thinh
lặng cầu nguyện. Rồi Linh mục đọc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa
đã hứa ban Ơn Cứu Độ cho tổ phụ Ápraham và con cháu của người. Xin Chúa thương
nghe lời Hội Thánh cầu nguyện cho dân tộc Chúa đã chọn xưa kia, cũng được hưởng
nhờ Ơn Cứu Độ viên mãn của Đức Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
7. Cầu cho người ngoài Kitô giáo
Người dẫn:
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người ngoài Kitô giáo. Xin Chúa Thánh Thần
soi sáng dẫn đưa họ vào đường cứu độ.
Thinh
lặng cầu nguyện. Rồi Linh mục đọc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin
cho những người tuy không tin vào Đức Kitô, nhưng trước mặt Chúa vẫn ăn ở ngay
lành, được hồng ân tìm thấy chân lý. Xin cũng ban cho chính chúng con, ngày
càng biết tương thân tương ái và thiết tha sống kết hợp với Chúa, để trước mặt
thế gian, chúng con có thể minh chứng rằng: Chúa chính là tình thương. Chúng
con cầu xin…
8. Cầu cho người vô thần
Người dẫn:
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người không nhận biết Thiên Chúa, nhưng vẫn sống theo lương tâm ngay thẳng: xin cho họ
một ngày kia được gặp thấy Người.
Thinh
lặng cầu nguyện. Rồi Linh mục đọc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đặt vào trái tim con người niềm khát vọng đi tìm kiếm Chúa, khiến con người chỉ được bình an khi đã gặp thấy Chúa. Xin cho mọi người khắp thế gian, dù đang sống giữa muôn vàn nghịch cảnh, vẫn có thể nhận ra dấu chỉ của tình yêu Chúa; và khi thấy các tín hữu sống đời bác ái yêu thương, họ sẽ vui mừng tin nhận duy có Chúa là Thiên Chúa đích thực và là Cha của hết mọi người. Chúng con cầu xin…
9. Cầu cho những nhà lãnh đạo quốc gia
Người dẫn:
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo quốc gia. Xin Chúa thương soi trí mở lòng để họ biết hành động theo
thánh ý mà tận tình lo cho dân nước được an cư lạc nghiệp và vui hưởng tự do.
Thinh
lặng cầu nguyện. Rồi Linh mục đọc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa
làm chủ lòng người, và bảo vệ quyền lợi của nhân dân các nước. Xin ghé mắt nhân
từ mà ban ơn soi sáng và ơn trợ lực cho những nhà lãnh đạo quốc gia, để họ biết
cùng nhau làm cho thế giới được hoà bình, muôn dân được thịnh vượng và mọi
người được hưởng tự do tôn giáo. Chúng con cầu xin…
10. Cầu cho những người đau khổ
Người dẫn:
Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn
năng, rủ lòng thương giải thoát thế giới khỏi mọi sai lầm, khử trừ muôn bệnh
tật, xua đuổi cơn đói kém, mở cửa ngục tù, bẻ tan xiềng xích, giữ gìn lữ khách được
bình an, đưa kẻ tha hương về xứ sở, chữa lành các bệnh nhân, và ban Ơn Cứu Độ
cho người đang hấp hối.
Thinh
lặng cầu nguyện. Rồi Linh mục đọc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa hằng an ủi kẻ ưu phiền, ban sức mạnh cho người vất vả lầm than. Xin nghe tiếng nhân loại khổ đau nài van Chúa, và ban cho những người lâm cơn hoạn nạn được vui mừng cảm thấy Chúa nhân hậu phù trì. Chúng con cầu xin…
II. Phần thứ hai: KÍNH THỜ THÁNH GIÁ
Người dẫn
(sau lời nguyện thứ 10):
Mời
cộng đoàn ngồi.
Chúng
ta bước sang phần thứ hai của nghi thức hôm nay là KÍNH THỜ THÁNH GIÁ.[9]
Trên
Thánh Giá, Đức Giêsu đã chịu muôn vàn đau khổ để chia sẻ cho đến tận cùng phận
người khốn khổ của chúng ta. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu và
sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, để cứu chuộc chúng ta. Trên Thánh Giá, Chúa đã
chiến thắng sự chết, đã biến đổi án phạt thành phúc lành, và Chúa mời gọi chúng
ta bỏ mình vác thập giá mà theo Chúa.
Khi
tôn vinh Thánh Giá là chúng ta ca ngợi quyền năng của Chúa Cha, Đấng đã giải
thoát Đức Kitô khỏi tử thần và ban cho Ngài quyền năng trên mọi sự. Tôn vinh Thánh
Giá còn là việc chúng ta chọn đi theo con đường thập giá như Đấng đã bị treo trên
đó mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Và chính khi chúng ta cùng bước đi với
Đức Kitô trên con đường thập giá, chúng ta sẽ được cùng Ngài phục sinh vinh
hiển. Vậy, chúng ta hãy cung kính suy tôn Thánh Giá của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ
chúng ta.
Sau
mỗi câu xướng: “Đây là cây Thánh
Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian” xin cộng đoàn hát đáp lại: “Chúng ta hãy đến thờ lạy” và quỳ thờ
lạy.
Có
hai hình thức suy tôn Thánh Giá, nên có thể chọn hình thức nào thích hợp hơn
với nhu cầu mục vụ.
HÌNH THỨC THỨ NHẤT
(có phủ khăn)
Phó tế và các thừa tác viên, hoặc một thừa tác
viên thích hợp, đi vào phòng áo, sau đó cùng với hai thừa tác viên cầm nến
cháy, kiệu Thánh Giá CÓ PHỦ KHĂN TÍM[10] tiến vào giữa cung
thánh.
Linh mục đứng trước bàn thờ, quay về phía dân
chúng, nhận Thánh Giá, MỞ KHĂN PHỦ PHẦN DẦU Thánh Giá, đưa Thánh Giá lên cao,
xướng: “Đây là cây Thánh Giá, nơi
treo Đấng Cứu Độ trần gian.” Phó tế, hoặc nếu
cần, ca đoàn cùng hát với Linh mục. Cộng đoàn thưa: “Chúng ta hãy đến thờ lạy.” Hát xong, cộng đoàn quỳ gối thinh lặng thờ lạy
giây lát, Linh mục vẫn đứng nâng cao Thánh Giá.
Sau đó, Linh
mục MỞ KHĂN PHỦ CÁNH PHẢI Thánh Giá, nâng Thánh Giá lên cao và xướng: “Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian.”
Cuối cùng MỞ
TOÀN BỘ KHĂN PHỦ Thánh Giá và nâng Thánh Giá lên cao, xướng lần thứ ba: “Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian.”
Linh mục hoặc Phó tế, cùng với các thừa tác viên
cầm nến cháy, mang Thánh Giá lên cung thánh, đặt giữa cung thánh hay một nơi
khác thích hợp, hoặc trao cho các thừa tác viên đỡ Thánh Giá, có nến cháy đặt
hai bên.
Linh mục chủ sự, có thể cởi áo lễ và giày, tôn thờ
Thánh Giá trước tiên, sau đó các giáo sĩ, thừa tác viên giáo dân và các tín
hữu, tiến lên như đoàn rước, mọi người bày tỏ lòng tôn kính Thánh Giá bằng cách
bái gối hoặc một dấu chỉ khác theo tập tục địa phương, chẳng hạn HÔN THÁNH GIÁ.[11]
CHỈ TRƯNG BÀY MỘT THÁNH GIÁ DUY NHẤT ĐỂ KÍNH THỜ [Unica
tantum Crux adorationi praebeatur]. Nếu dân chúng quá đông, thì sau khi một số
giáo sĩ và tín hữu đã lên kính thờ, Linh mục cầm Thánh Giá, đứng trước bàn thờ,
nói ít lời kêu mời Cộng đoàn, rồi nâng cao Thánh Giá một lúc để các tín hữu
thinh lặng thờ lạy.
Trong khi kính thờ Thánh Giá, hát đối ca: “Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa,” các câu than vãn, thánh thi Ôi Thánh Giá tín
trung hoặc những ca khúc thích hợp khác. Mọi người trở về chỗ ngồi
sau khi kính thờ Thánh Giá. Theo hoàn cảnh địa phương hoặc truyền thống dân tộc
và thích ứng mục vụ, có thể hát kinh Mẹ đứng đó hay một ca khúc thích
hợp để kính nhớ Đức Mẹ Sầu bi.
HÌNH THỨC THỨ HAI
(không phủ khăn)
Linh mục, hoặc Phó tế, cùng với các thừa tác viên,
hoặc một thừa tác viên thích hợp, đi đến cửa nhà thờ, từ đó, nhận Thánh Giá KHÔNG
PHỦ KHĂN, cùng với các thừa tác viên khác cầm nến cháy, làm thành đoàn rước đi
qua giữa nhà thờ tiến lên cung thánh. Tại ba địa điểm: gần cửa, giữa nhà
thờ, và trước cung thánh, người cầm Thánh Giá, nâng Thánh Giá lên cao,
xướng: “Đây là cây Thánh Giá, nơi
treo Đấng Cứu Độ trần gian.” Cộng đoàn đáp: “Chúng ta hãy đến thờ lạy.” Sau mỗi câu thưa là một lần quỳ gối thinh lặng thờ lạy
trong giây lát.
Linh mục hoặc Phó tế,
cùng với các thừa tác viên cầm nến cháy, mang Thánh Giá lên cung thánh, đặt
giữa cung thánh hay một nơi khác thích hợp, hoặc trao cho các thừa tác viên đỡ Thánh
Giá, có nến cháy đặt hai bên.
Linh mục chủ sự, có thể
cởi áo lễ và giày, tôn thờ Thánh Giá trước tiên, sau đó các giáo sĩ, thừa tác
viên giáo dân và các tín hữu, tiến lên như đoàn rước, mọi người bày tỏ lòng tôn
kính Thánh Giá bằng cách bái gối hoặc một dấu chỉ khác theo tập tục địa phương,
chẳng hạn HÔN THÁNH GIÁ.[12]
CHỈ TRƯNG BÀY MỘT THÁNH
GIÁ DUY NHẤT ĐỂ KÍNH THỜ [Unica tantum Crux adorationi praebeatur]. Nếu dân
chúng quá đông, thì sau khi một số giáo sĩ và tín hữu đã lên kính thờ, Linh mục
cầm Thánh Giá, đứng trước bàn thờ, nói ít lời kêu mời Cộng đoàn, rồi nâng cao Thánh
Giá một lúc để các tín hữu thinh lặng thờ lạy.
Trong khi kính thờ Thánh Giá, hát đối ca: “Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa,” các câu than vãn, thánh thi Ôi Thánh Giá tín trung hoặc những ca khúc thích hợp khác. Mọi người trở về chỗ ngồi sau khi kính thờ Thánh Giá. Theo hoàn cảnh địa phương hoặc truyền thống dân tộc và thích ứng mục vụ, có thể hát kinh Mẹ đứng đó hay một ca khúc thích hợp để kính nhớ Đức Mẹ Sầu bi.
Người dẫn (sau khi suy tôn Thánh Giá): Quý cha, quý thầy, quý tu sĩ, quý Hội Đồng Mục Vụ và cộng
đoàn (hoặc một số đại diện) sẽ lên hôn kính Thánh Giá. Mời cộng đoàn ngồi.
Người dẫn (khi cộng đoàn tiến lên hôn kính Thánh Giá):
Không có
tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn
hữu của mình (Ga 15,13).
Sầu chất nặng thêm dấm chua mật đắng
Đinh sắt, lưỡi đòng, gai nhọn đâm thâu.
Thân nát tan và máu nước tuôn tràn
Cho vũ trụ càn khôn được thanh tẩy.
Ta tin thật muôn rừng xanh chẳng thấy
Một cây nào cành, hoa, quả như ngươi
Mấy mũi đinh nhẹ quá thập tự ơi!
Sao mang nổi tấm hình hài vô giá?
Rũ cành xuống hỡi cây cao bóng cả
Giãn thớ ra cho thân cứng hoá mềm
Như chiếc giường vừa trải nệm ấm êm
Chờ Vua cả đến đặt mình nằm xuống.
Ôi thập tự, chỉ ngươi là xứng đáng
Giá chuộc đời, đem cất giấu trong tim!
Biển trần gian tàu cờ hiệu máu chiên
Ngươi rước kẻ đắm chìm cho cập bến.
Cung trầm bổng dệt bài ca cầu nguyện
Xin khấu đầu thượng tiến Chúa Ba Ngôi
Đã đổ hồng ân cứu chuộc loài người
Muôn muôn thuở, xin dâng lời vinh chúc.
Hát: chọn bài hát thích hợp.
Trong khi
cộng đoàn hôn kính Thánh Giá, lễ sinh trải khăn bàn thờ, đặt khăn thánh và Sách
lễ.
Tôn thờ Thánh Giá xong, Phó tế hoặc thừa tác viên
đặt Thánh Giá bên cạnh bàn thờ. Đặt nến cháy chung quanh, trên bàn thờ hoặc gần
Thánh Giá.
Người dẫn
(khi cộng đoàn hôn kính Thánh Giá xong): Chúng ta bước sang phần cuối cùng
của nghi thức phụng vụ hôm nay: Rước Lễ.
III. Phần thứ ba: RƯỚC LỄ
Người dẫn (khi Linh mục
hoặc Phó tế đi rước Mình Thánh Chúa từ bàn thờ phụ): Chúa
Giêsu bị treo trên thập giá, chính là hy tế
dâng lên Chúa Cha, nên hôm nay sẽ không có nghi thức truyền phép Thánh Thể,
nhưng việc chúng ta đón nhận lấy Thân Mình Chúa Giêsu là lúc chúng ta ứng đáp
lại tình yêu tự hiến của Ngài và được hiệp nhất với Ngài cách cụ thể nhất. Chúng
ta cùng chuẩn bị tâm hồn để xứng đáng rước Mình Thánh Chúa. Mời cộng đoàn đứng.
Phó
tế, hoặc chính Linh mục, choàng khăn vai, kiệu Mình Thánh Chúa từ nơi lưu giữ,
đem lên bàn thờ BẰNG LỐI NGẮN NHẤT, trong khi mọi người đứng thinh lặng. Hai
thừa tác viên mang nến cháy đi theo hầu Mình Thánh Chúa, sau đó, đặt nến cháy trên
hoặc cạnh bàn thờ. Khi đã đặt bình đựng Mình Thánh Chúa trên bàn thờ và mở khăn
che, Linh mục cúi mình trước Mình Thánh Chúa. Sau đó, Linh mục chắp tay, đọc rõ
tiếng: “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế…”
Hát: chọn bài hát thích hợp.
Rước
lễ xong, Linh mục hoặc Phó tế hoặc một thừa tác viên thích hợp đưa bình đựng Mình
Thánh Chúa VÀO CHỖ DỌN SẴN NGOÀI NHÀ THỜ, hoặc tuỳ hoàn cảnh, đặt vào Nhà Tạm.[13]
Sau
đó, Linh mục chủ sự đọc lời nguyện Hiệp lễ. Sau cùng, để giải tán, Linh mục chủ
sự đứng quay về phía giáo dân, giơ tay trên họ và đọc lời nguyện kết thúc. Mọi
người cúi mình chào Thánh Giá rồi thinh lặng ra về.[14] Sau cử hành, lột khăn bàn thờ, đặt Thánh Giá[15] trên bàn thờ cùng với 2
hoặc 4 cây nến.
Người dẫn: Đến đây, nghi lễ tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa
đã kết thúc. Ngày mai, khi tham dự Thánh Lễ Canh thức Phục Sinh, xin cộng đoàn
mang theo nến.
(Nếu có đi Đàng Thánh Giá[16] sau nghi thức): Cộng đoàn có thể ở lại để cùng đi với Chúa Giêsu trên những chặng đàng Thánh Giá.
[1] Năm
2025, Toà Thánh ban Sắc lệnh (thời hạn 05 năm) cho phép mỗi Đấng
Bản quyền tại Việt Nam, bất cứ khi nào xét thấy cần thiết vì lợi ích thiêng
liêng của các tín hữu, được phép cử hành nhiều lần Nghi thức Tưởng niệm Cuộc
Thương Khó của Chúa và Canh thức Vượt Qua trong cùng một nhà thờ hoặc cùng một
nhà nguyện (x. Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Sắc lệnh
ngoại lệ cho Giáo Hội Việt Nam (2025).
[2] THẦY
PHÓ TẾ KHÔNG ĐƯỢC CHỦ SỰ CÁC NGHI THỨC PHỤNG VỤ TRONG TAM NHẬT THÁNH. Vì thế,
nơi nào không có Linh mục thì thầy Phó tế cũng không được chủ sự nghi thức
phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh. Thầy Phó
tế (hoặc giáo dân) có thể chủ sự một số hình thức của việc đạo đức (như
Đàng Thánh Giá, gẫm các sự thương khó của Đức Mẹ,…), nhưng loại trừ việc cho
rước lễ và lưu giữ Mình Thánh (x. Edward
McNamara, Thầy Phó tế không được chủ sự nghi thức Tam Nhật Thánh).
[3] Sách
lễ Rôma 2002 – Thứ Sáu Tuần Thánh, số 2: “Hôm nay chỉ cho tín hữu rước
Thánh Thể trong chính lúc cử hành cuộc Thương Khó của Chúa; tuy nhiên, với
những bệnh nhân không thể tham dự cuộc cử hành này, thì có thể đưa Mình Thánh
cho họ bất cứ giờ nào.” Nơi nào không cử hành nghi thức Tưởng niệm Cuộc
Thương Khó của Chúa vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh thì không được tổ chức hôn
kính Thánh giá. Trường hợp các nhà nguyện quá xa nhà thờ chính [ví
dụ: nhà nguyện trong các làng xa], Linh mục có thể chọn giải pháp: kiệu Mình
Thánh từ nhà thờ chính đến nhà nguyện, sau đó, cử hành nghi thức Tưởng niệm
Cuộc Thương Khó của Chúa và cho rước lễ.
[4] Theo
Enchiridion Indulgentiarum (Liberia Editrice Vaticana, 1999), số
513: thứ Sáu Tuần Thánh, tín hữu sốt sắng tham dự cử hành suy tôn Thánh Giá
trong nghi thức phụng vụ trọng thể thì sẽ được hưởng một ơn toàn xá (đại xá), với
các điều kiện thông thường là quyết tâm không dính bén tội lỗi, xưng tội,
rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng (qua việc đọc 1 kinh Lạy
Cha, 1 kinh Kính Mừng). Mỗi ngày chỉ
được hưởng một ơn toàn xá mà thôi.
[5] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số
346b: “Màu đỏ: được dùng trong Chúa
nhật thương khó và thứ Sáu Tuần Thánh, trong Chúa nhật lễ Chúa Thánh
Thần Hiện Xuống, trong các cử hành cuộc thương khó của Chúa, trong lễ kính các
thánh Tông Đồ, các thánh tác giả Sách Tin Mừng và trong lễ kính các thánh Tử
đạo.” Sách lễ Rôma 2002 – Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa, số 5: “Linh mục và Phó tế mặc lễ phục đỏ như khi cử hành Thánh Lễ.” Vì thế, có 2 chọn lựa:
- Linh mục chủ sự mặc lễ phục đỏ, các vị còn
lại đeo dây stola đỏ.
- Tất cả các Linh mục mặc lễ phục đỏ.
[6] Bộ
Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, Thông tư về việc Chuẩn bị và cử hành Đại Lễ
Phục Sinh, số 65: Linh mục và các thừa tác viên tiến ra bàn thờ trong bầu
khí thinh lặng của tất cả cộng đoàn tham dự. Nếu có lời dẫn đầu nghi thức,
thì Linh mục và các thừa tác viên phải đợi chấm dứt lời dẫn mới tiến ra bàn thờ.
[7] Về
Bài Thương Khó, xin lưu ý vài điểm:
- Khi
đọc Bài Thương Khó, không mang đèn và hương, không chào chúc và ghi dấu Thánh
Giá trên sách. Phó tế, hoặc nếu không có Phó tế, Linh mục đọc Bài Thương Khó.
Các thầy đọc sách cũng có thể đọc, nhưng nếu được, nên dành phần của Chúa Giêsu
cho Linh mục.
- Trước
khi hát Bài Thương Khó, các Phó tế xin Linh mục chúc lành, như trước khi đọc
bài Tin Mừng. Những người khác không phải xin chúc lành.
- Sau
Bài Thương Khó, có thể giảng vắn tắt. Cũng có thể giữ thinh lặng ít phút.
- Bộ
Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, Thông tư
về việc Chuẩn bị và cử hành Đại Lễ Phục Sinh, số 33: “Bài Thương Khó chiếm một vị trí đặc
biệt trong Thánh Lễ. Bài Thương Khó nên được hát hoặc đọc theo cách thức truyền
thống, tức là gồm ba người đóng ba vai: Chúa Kitô, người kể, và dân chúng. Phó
tế hoặc Linh mục đọc Bài Thương Khó. Người đọc sách cũng có thể đọc Bài Thương
Khó, nhưng phần những lời của Chúa Kitô thì dành cho Linh mục.” Vai trò
của Chúa Kitô là chỉ dành riêng cho Linh mục trong trường hợp hai người đọc kia
là người đọc giáo dân. Quy tắc dành vai trò của Chúa Kitô cho Linh mục, khi
đi cùng với các người đọc giáo dân, tuân theo một sự hợp lý phụng vụ nhất định,
khi Linh mục thường đại diện cho Chúa Kitô trong vai trò thừa tác của mình
(x. Edward McNamara, Linh mục giữ vai trò nào trong việc đọc Bài Thương Khó?).
- Khi
có giáo dân tham gia đọc Bài Thương Khó cùng với Linh mục/Phó tế thì việc xướng
câu kết “Đó là Lời Chúa” là của Linh mục/Phó tế (x. Edward McNamara, Có câu
kết sau Bài Thương Khó không?).
- Quy
chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 38: “Đối với những văn bản phải đọc rõ
ràng và lớn tiếng, cho dù là do Linh mục, Phó tế, người đọc Sách Thánh, hoặc
tất cả mọi người, thì phải liệu sao cho giọng đọc phù hợp với từng loại bản
văn, tuỳ theo đó là bài đọc, lời nguyện, lời nhắn nhủ, lời tung hô, hoặc bài
hát, đồng thời cũng phải phù hợp với hình thức cử hành và tính cách long trọng
của buổi lễ. Ngoài ra, còn phải để ý đến tính chất của các ngôn ngữ khác nhau
và bản sắc của mỗi dân tộc.” Văn bản này nhắc trước hết đến cung giọng, chứ
không nhắc đến việc kèm theo lời đọc cử chỉ nét mặt hoặc điệu bộ khác. Điều
này là phù hợp với tính nghiêm trang đứng đắn truyền thống của nghi lễ Rôma, và
với bản chất thừa tác của các công việc phục vụ, như việc đọc sách chẳng hạn. Việc
hát các bản văn, ít là vào các dịp lễ trọng, nhắc nhở chúng ta rằng đây không
phải là bản văn bình thường, nhưng là Lời Chúa nói với chúng ta. Nó cũng
giúp tăng sự chú ý nhiều vào Lời Chúa. Vì thế, việc đọc Bài Thương Khó vào Chúa
nhật Lễ Lá và ngày thứ Sáu Tuần Thánh cho phép một số yếu tố kịch, trong khi
không nói gì đến việc diễn xuất. Các người đọc hoặc người hát duy trì tính
chất trang trọng truyền thống của nghi thức, và tránh điệu bộ nét mặt và cử chỉ
bề ngoài (Edward McNamara, Việc đọc Bài Thương Khó có được diễn như kịch
không?).
[8] Cách thức cử hành lời nguyện này như sau: [1]
Lời mời gọi: xướng ý nguyện (dành cho Phó tế); [2] Thinh lặng giây lát để cầu nguyện: Phó tế có thể tuỳ nghi hướng dẫn dân chúng: “Xin quỳ
xuống - Xin đứng lên,” hoặc đơn giản chỉ là thinh lặng để mọi người làm cho ý
nguyện vừa nêu trở thành ý nguyện của mình và cầu nguyện theo cách riêng của
mình; [3] Lời nguyện kết thúc cho
từng ý nguyện: chủ tế đứng tại ghế chủ toạ hoặc tại bàn thờ để đọc lời nguyện.
[9] Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN, Phụng vụ Tuần Thánh
(2023): Tuỳ theo quyết định của Hội đồng Giám mục, có thể giữ thói quen phủ Thánh
Giá và các ảnh tượng từ Chúa nhật V mùa Chay. Thánh Giá được phủ cho đến khi
cử hành cuộc Thương khó của Chúa vào thứ Sáu Tuần Thánh, các ảnh tượng khác
được phủ tới lúc bắt đầu Canh thức Phục sinh.
Câu
hỏi: Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, trong việc cử hành Sự Thương Khó của
Chúa, nhìn chung, người ta chỉ sử dụng Thánh Giá (Crocifisso – Tượng Chịu Nạn).
Trong khi đó, trong nghi thức mời gọi kính thờ thập giá (croce – Thánh Giá
trơn). Thật vậy, ca tiền xướng (điệp ca – antifona) mở đầu cho việc tôn thờ
thập giá là: “Lạy Chúa, chúng con tôn thờ thập giá của Chúa. Chúng con ngợi
khen và tôn vinh sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Từ cây gỗ giá, niềm vui đã
đến cho toàn thể địa cầu.” Trong ngày này, một ý nghĩa nào đó, chúng ta đã tham
dự trước vào sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Vậy, TRONG VIỆC CỬ HÀNH CUỘC
THƯƠNG KHÓ, CÓ ĐƯỢC SỬ DỤNG THÁNH GIÁ KHÔNG CÓ TƯỢNG CHÚA KITÔ CHỊU NẠN KHÔNG?
Trả
lời: Cha Antonio Sorrentino, giáo sư Phụng vụ và Bí tích, đã trả lời
như sau: Chúng ta đọc trong sách Cerimoniale dei vescovi (Lễ
nghi Giám mục), số 1011, như sau: “Trong các ảnh tượng thánh, hình Thánh
Giá quý báu và phát sinh sự sống phải chiếm chỗ quan trọng nhất, vì đó là biểu
tượng của toàn bộ mầu nhiệm Vượt Qua. Đối với dân Kitô giáo, không có ảnh tượng
nào quý giá và cổ kính hơn Thánh Giá. Vì, Thánh Giá là biểu hiện cuộc khổ nạn
của Chúa Kitô cũng như việc Người toàn thắng sự chết, đồng thời theo lời các
giáo phụ dạy, Thánh Giá cũng loan báo việc Người sẽ đến lần thứ hai trong vinh
quang.” NGHI THỨC THỨ SÁU TUẦN THÁNH NÓI VỀ THẬP GIÁ (CROCE) CHỨ KHÔNG
NÓI VỀ THÁNH GIÁ CÓ TƯỢNG CHỊU NẠN (CROCIFISSO) VÀ CHỈ ĐỀ CẬP ĐẾN VIỆC TÔN THỜ
THẬP GIÁ (CROCE). Rõ ràng rằng, việc thờ phượng ảnh tượng của chúng ta
thì luôn liên quan đến mầu nhiệm mà ảnh tượng đó có ý muốn bày tỏ và chủ thể
chính của ảnh tượng đó. Trong trường hợp của chúng ta, dĩ nhiên, thập giá ám
chỉ đến ơn cứu độ, là “lignum salutis – cây cứu độ”, đối nghịch với “legnum
perditionis – cây diệt vong” của tội nguyên tổ. Và vì vậy, để dễ dàng chuyển từ
dấu chỉ của ơn cứu độ đến chủ thể – Đấng cứu độ chúng ta, người ta đã tự ý (đặc
biệt là cuối thời Trung cổ, khi nghệ thuật gotic và nền linh đạo của thánh
Phanxicô Assisi muốn nhấn mạnh đến nhân tính đau khổ của Chúa Kitô) trình bày
việc tôn thờ cho các tín hữu không còn là thập giá trơn nữa mà là chiêm ngắm nó
bằng cách thêm vào Tượng Chịu Nạn – Đấng mà trên cây thập giá đã trao ban chính
mình làm lễ tế dâng lên Chúa Cha vì ơn cứu độ của chúng ta. Hiện nay, trong sự
trung thành với nghi thức, chúng ta nên diễn tả việc tôn thờ thập giá trơn
(nuda croce). Nhưng người giáo dân lại thích nhìn, tôn thờ và hôn Thánh Giá
(Crocifisso) hơn là dấu chỉ cứu độ của thập giá. Dường như đây không phải là
một sự đầu hàng trước lòng đạo đức, nhưng là một đòi hỏi của giác quan trực
tiếp nhất của các tín hữu, họ sẵn sàng chuyển từ dấu chỉ được ám chỉ (segno
significante) sang ý nghĩa (significato) của nó.
Câu
hỏi: Vấn đề đặt ra là: chúng ta tôn thờ (adoriamo) hay tôn kính
(veneriamo) thập giá?
Trả
lời: Cha Antonio Sorrentino, giáo sư Phụng vụ và Bí tích, trong
cuốn Liturgia in Frammenti, trang 178, trả lời như sau: Trong việc
cử hành của thứ Sáu Tuần Thánh, linh mục vén mở dần dần thập giá hay Thánh Giá
trơn (croce nuda) và trưng bày cho giáo dân tôn kính như dấu chỉ và công cụ của
Ơn Cứu Độ, linh mục hát: “Đây là cây gỗ giá nơi đã treo Chúa Kitô – Đấng Cứu Độ
trần gian, Ta hãy đến bái thờ (venite, adoriamo).” Chúng ta tôn kính thập giá,
nhưng chúng ta tôn thờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và Đấng Cứu Độ. Chúng ta không
tôn thờ một đồ vật, mà chúng ta tôn kính dấu chỉ và công cụ nhờ đó Chúa Kitô đã
trao ban chính mình vì Ơn Cứu Độ của chúng ta. “Adoramus te, Christe, et
benedicimus tibi quia per sanctam crucem tuam redemisti mundum – Lạy Chúa Kitô,
chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa vì Chúa đã dùng thập giá mà cứu chuộc thế
gian.” Để giúp ích cho đức tin của người tín hữu và không đơn thuần phó mặc họ
bởi các dấu chỉ, người ta chuyển từ dấu chỉ (segno) sang Ngôi Vị (persona) và
đã đặt tượng Chúa Chịu Nạn lên cây thập giá. Đàng khác, Đấng Chịu Đóng Đinh
không bị cô lập, nhưng đã hướng tới kết quả cuối cùng của sự đóng đinh. Không
có sự phân tách giữ sự đóng đinh và phục sinh. Chỉ riêng thập giá hay chỉ riêng
Đấng Phục Sinh bị tách khỏi thập giá là những dấu chỉ không trọn vẹn, chưa hoàn
thành. “Sự đóng đinh và phục sinh thì không thể tách rời nhau, chúng như hai
mặt của mầu nhiệm vượt qua duy nhất, trong đó người tôi tớ được tôn làm Chúa”
(Balthasar, Thần học về ba ngày) (Phaolô Hồ Văn Nam, C.Ss.R. chuyển ngữ từ Antonio Sorrentino,
Liturgia in Frammenti, Risposte a 500 questiti liturgici (Salerno: NXB.
Dottrinari, 2022), 176-177).
Câu
hỏi: Vào thứ Sáu Tuần Thánh, cử hành nghi thức long trọng kính thờ Thánh
giá với cây Thánh giá KHÔNG CÓ tượng Chúa chịu nạn hay với cây Thánh giá
CÓ tượng Chúa chịu nạn?
Cha
Giuse Phạm Đình Ái, S.S.S. trả lời: Phần cử hành này của phụng vụ thứ Sáu
Tuần Thánh (x. Sách lễ Rôma [2002], “Thứ Sáu Tuần Thánh”, số 15-20)
được gọi là “Kính thờ Thánh giá” hoặc “Suy tôn Thánh giá” với bản văn của nghi
thức nói rằng thừa tác viên cầm Thánh giá, nâng Thánh giá lên cao và xướng: “Đây
là cây Thánh giá, nơi [đã] treo Đấng Cứu Độ trần gian.” Như vậy, ngôn
ngữ trong Sách lễ Rôma hôm nay dường như ám chỉ một cây Thánh
giá hơn là Thánh giá với tượng chịu nạn mà không chỉ rõ như trường hợp cây
Thánh giá bàn thờ: “…trên bàn thờ hay gần bàn thờ phải đặt Thánh
giá, có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh” (QCSL, số
117); “Thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh đã cầm
đi rước, có thể dựng bên cạnh bàn thờ để làm Thánh giá tại bàn thờ…” (QCSL,
số 122). Hơn nữa, trong hình thức thứ nhất để suy tôn Thánh giá, bản văn phụng
vụ viết rằng “linh mục mở khăn phủ/che cánh phải Thánh giá” chứ
không nói cánh tay phải của Chúa Kitô (x. Sách lễ Rôma [2002], “Thứ
Sáu Tuần Thánh”, số 15).
Mặc dầu
vậy, thực hành phổ biến hơn của truyền thống lại là Kính thờ Thánh giá trong
phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh với cây Thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu nạn trên
đó như chúng ta có thể dễ dàng biết đến qua hình ảnh buổi cử hành phụng vụ của
các Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Biển Đức XVI và Phanxicô. Bởi vậy, hai tác
giả André Mutel và Peter Freeman khuyên nên chuẩn bị cây Thánh giá bằng gỗ với
tượng chịu nạn (portant la figure du Crucifié) và cao độ 90-160cm (André
Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l'usage ordinaire
des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit
romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 280). Tác giả Peter
Elliott cũng ủng hộ thực hành này, tức là khuyên nên sử dụng cây Thánh giá với
tượng chịu nạn (Crucifix) để các tín hữu có thể hôn chân Chúa (x. Peter
Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, số 222, 236-237).
[10]
x. Sách lễ Rôma 2002 – Cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa (ấn bản mẫu thứ ba, 2002), số 15: “Phó tế và
các thừa tác viên, hay một thừa tác viên thích hợp, đi vào phòng áo, sau đó
cùng với hai thừa tác viên cầm nến cháy, kiệu Thánh Giá có phủ khăn TÍM tiến
vào giữa cung thánh.” Thực hành dùng khăn phủ Thánh Giá màu đỏ tại
Rôma có thể là một tập tục đặc biệt của phụng vụ dành cho Đức Thánh Cha, cũng
giống như truyền thống lễ phục màu đỏ được sử dụng cho Thánh Lễ an táng của một
Đức Thánh Cha. Vì thế, [1] Khăn phủ Thánh Giá sử dụng trong nghi thức
kính thờ Thánh Giá là MÀU TÍM chứ không phải màu đỏ vì chúng ta phải ưu
tiên tuân theo chỉ dẫn của Sách lễ Rôma 2002 [ấn bản mẫu thứ ba, 2002]
xét như là sách phụng vụ được Đức Thánh Cha ban hành; [2] Còn đối với
các Thánh Giá trong nhà thờ, sau Thánh Lễ Tiệc Ly, có thể được phủ bằng khăn
tím hoặc đỏ, trừ phi đã được phủ khăn vào thứ Bảy trước Chúa nhật V mùa Chay.
Tuy nhiên, để tạo ra sự đồng bộ về màu sắc với khăn phủ Thánh Giá dùng trong
nghi thức kính thờ Thánh Giá, chúng ta cũng nên chọn khăn tím để che phủ các Thánh
Giá khác trong nhà thờ (x. Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN, Phụng vụ Tuần Thánh
(2023); Edward McNamara, Khăn che Thánh Giá là màu gì?; Phạm Đình Ái, Màu
sắc của khăn che Thánh Giá trong phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh).
[11] Sách
lễ Rôma không đề cập đến việc HÔN CHÂN CHÚA.
[12] Sách
lễ Rôma không đề cập đến việc HÔN CHÂN CHÚA.
[13] Thông tư về việc Chuẩn bị và cử hành Đại Lễ Phục Sinh
của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích, số 70: “Sau khi cho rước lễ xong, mang
Mình Thánh Chúa đựng trong bình thánh đến nơi đã dọn sẵn ở bên ngoài
nhà thờ.” Sách lễ Rôma 2002 – Thứ Sáu Tuần Thánh, số 29: “Cho rước
Mình Thánh xong, Phó tế hoặc một thừa tác viên thích hợp đưa bình đựng Mình
Thánh vào chỗ dọn sẵn ngoài nhà thờ, hoặc tuỳ hoàn cảnh, đưa đặt vào
Nhà Tạm.” Như thế, Mình Thánh Chúa còn lại được đưa đến nơi đã dọn sẵn
trong phòng áo/phòng thánh chứ không đặt vào Nhà Tạm [Nhà Tạm lưu giữ Mình
Thánh vào đêm thứ Năm Tuần Thánh hoặc Nhà Tạm chính của nhà thờ]. Chỉ đặt
Mình Thánh vào Nhà Tạm khi hoàn cảnh thật sự đòi buộc.
[14]
Ai đã tham dự nghi thức phụng vụ trọng thể ban chiều này thì không phải đọc giờ
kinh Chiều (x. Sách lễ Rôma 2002 –
Cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa, số 34; Văn kiện trình bày và quy định các giờ kinh phụng vụ, số 209).
[15]
Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN, Phụng vụ Tuần Thánh (2023): Thánh Giá được
phủ cho đến khi cử hành cuộc Thương khó của Chúa vào thứ Sáu Tuần Thánh, các
ảnh tượng khác được phủ tới lúc bắt đầu Canh thức Phục sinh.
[16] Theo Enchiridion Indulgentiarum (Liberia
Editrice Vaticana, 1999), số 513: khi tín hữu đi Đàng Thánh Giá sốt sắng thì
sẽ được hưởng một ơn toàn xá (đại xá) với các điều kiện thông thường là quyết
tâm không dính bén tội lỗi, xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng
(qua việc đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng). Mỗi ngày chỉ hưởng một ơn toàn xá mà thôi.
[17]
Khi đi Đàng Tháng Giá, sử dụng Thánh Giá không có tượng chịu nạn.