Kinh Thánh và dân ngoại
Fr.
Joseph Tân Nguyễn, OFM
Một
Đan Viện nữ ở vùng hẻo lánh xa xôi bị quân khủng bố chiếm đóng làm nơi sào huyệt.
Sau gần hai tháng, quân khủng bố rút lui và Đan Viện được giải phóng. Mẹ Bề
trên để ý và thấy bao nhiêu khế, xoài, me chua trong tủ đồ ăn dần dần biến mất,
nên ngày ngày Mẹ theo dõi. Cuối cùng, Mẹ khám phá ra có một Sơ trẻ đang dính
thai bởi quân khủng bố. Nữ tu này tha thiết muốn tiếp tục sống đời tu trì. Thế
nhưng, làm sao giữ cho môi trường chiêm niệm của Đan Viện khỏi bị chi phối bởi
sự kiện “nữ tu có thai”? Mẹ Bề trên đang rất phân vân không biết phải làm gì
đây? Chắc chắn không thể hủy bỏ sự sống của một thai nhi để bảo vệ lý tưởng Đan
tu tồn tại gần cả thế kỷ qua. Nhưng nếu đưa em bé vào viện mồ côi sau khi được
sinh ra, thì liệu người mẹ có được bình an để tiếp tục tu hành không? Mặt khác,
nếu để em bé sống trong Dòng, thì làm sao tránh được tình huống các nữ tu tranh
giành với nhau về việc bú mớm, tắm rửa và bồng ẵm em bé. Rồi đây ai sẽ dạy dỗ
và hướng dẫn khi em lớn lên? Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập, nhưng Mẹ Bề trên lại
không có nhiều chọn lựa. Một thực tại không thể tránh được là thai nhi trong bụng
mẹ đang từ từ lớn lên và rồi đây sẽ chào đời. Sự hiện diện của em sẽ làm chao đảo
cuộc sống êm đềm của các nữ tu. Bao nhiêu năm kiên trì tu luyện, thế mà những
vách tường kiên cố của Đan Viện đã không che chở họ được. Giờ đây, họ phải sống
với một thực tại mới… Làm sao để biện phân ý Chúa trong tình huống này?
Ở
thế kỷ thứ III, Giáo Hội cũng đang đối diện với một thực tại tương tự như thế.
Cho dù thư quy “Tân Ước” đã thành hình, nhưng trong bối cảnh truyền giáo, việc
hiểu và giải thích Tân Ước không còn như trước nữa. Những tranh chấp giữa Do
Thái giáo và “biến cố Kitô” trước đây thì chẳng đáng gì so với sự chao đảo sắp
xảy đến, khi Kitô giáo phải mở rộng biên giới và chia sẻ đức tin của mình với
dân ngoại. Nhưng qua các khó khăn này Giáo Hội đã khám phá ra ơn gọi và hiểu được
sứ mệnh của mình. Để thích ứng với thực tại mới, các Giáo Hội địa phương giải
thích Kinh Thánh từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng cách nào đi nữa thì cũng phải
hy sinh một vài yếu tố quan trọng của đức tin. Có nơi thì xem Tân Ước như một bản
văn chứa đầy các ẩn dụ, vốn có thể được làm sáng tỏ qua ý nghĩa biểu tượng hay
luân lý phổ quát của chúng, như cách triết gia Hy Lạp chú giải chuyện thần thoại
của họ. Thế nhưng, lối tiếp cận này bỏ qua các tình tiết quan trọng trong việc
hiểu đúng sứ mạng của Đức Giêsu. Một số nơi khác thì xem Tân Ước như một sân khấu
lịch sử, với kịch bản gồm các chứng cứ được tiên báo từ Cựu Ước để củng cố cho
niềm tin về Thần Khí Thiên Chúa đang hoạt động giữa lòng dân ngoại. Phương pháp
này có nguy cơ áp đặt ý nghĩa hiện tại vào các bản văn quá khứ và gán cho chúng
những “nhãn hiệu” không phù hợp với bối cảnh gốc của chúng. Lối chú giải nào
cũng có sự bất lợi của nó. Do đó, cần phải có thẩm quyền để bảo đảm cho tính
tông truyền và chính thống của Kinh Thánh và tránh các thái độ quá khích của Ngộ
giáo thuyết. Theo thời gian, các khuynh hướng chú giải trên đây đã tích tụ thành
những trường phái đặc thù như: Alexandria (phương pháp ẩn dụ), Antiôkia (phương
pháp tiên trưng) và các Giáo phụ (nguyên tắc thẩm quyền). Chúng ta sẽ sơ lược
qua ba quan điểm tiêu biểu này.
Phương
pháp Ẩn dụ: Trường phái Alexandria
Trường
phái Alexandria gồm có những nhà trí thức quen thuộc với văn hóa Ai cập và triết
học Hy Lạp. Họ cho rằng ba cấp độ chú giải Kinh Thánh (nghĩa văn tự, nghĩa tinh
thần, nghĩa thần bí) thì tương đương với ba phần của con người (thân xác, linh
hồn và thần khí). Họ xem vật chất là nguồn gốc của sự dữ và các biến cố lịch sử
như những ẩn dụ về thực tại vĩnh cửu. Lối chú giải này giúp giải thích những đoạn
văn khó hiểu hoặc khó chấp nhận, nhưng cũng đã xem nhẹ lịch sử và hành động của
Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Bối cảnh văn hóa - xã hội của bản văn được xem như
vỏ bọc không cần thiết, một khi ý nghĩa của bản văn được nắm bắt.
Philô
(20 TCN–40 CN), một triết gia Do Thái, là người đầu tiên khai triển phương pháp
ẩn dụ theo hai ý nghĩa biểu tượng và luân lý của bản văn. Kinh Thánh được xem
như hàm chứa các biểu tượng về sự vật trong thế giới hoặc về trách nhiệm luân
lý của con người. Biến cố “sa ngã” là ẩn dụ về nhục dục (Satan), thân xác
(Evà), và lý trí (Adam). Phương pháp ẩn dụ giúp giải thích những sự kiện có vẻ
mâu thuẫn với kinh nghiệm thường ngày như tên của những cây trong vườn Địa
Đàng, cây Sự Sống, hay cây Biết Lành Biết Dữ. Tuy mọi chữ, hay mỗi dấu chấm dấu
phẩy (י, yôd) trong Kinh Thánh đều mang ý nghĩa thâm sâu; nhưng làm sao
có thể gọi là các “ngày” đầu của tạo dựng khi chưa có mặt trời hay mặt trăng nếu
không hiểu theo nghĩa ẩn dụ? Vì muốn biện hộ cho đức tin, Philô dựa trên nền tảng
tu từ học của phái Khắc Kỷ (Stoic) để lý luận rằng, lời Kinh Thánh được Thiên
Chúa mặc khải cho Do Thái giáo, nhưng nếu được chú giải cách chính chắn thì
không khác gì Người đang mặc khải cho dân Hy Lạp.
Cách
chú giải ẩn dụ chạm đến thực tại thánh thiêng và phổ quát đang ẩn giấu bên dưới
ngôn ngữ của Kinh Thánh thì được nhóm Ngộ giáo đón nhận rất tích cực. Họ dùng lối
chú giải này để loại bỏ Thiên Chúa của Cựu Ước, và xem việc tạo dựng và lịch sử
dân tộc Do Thái là một sai lầm trầm trọng. Con người chìm đắm trong bóng tối tội
lỗi và chỉ được cứu rỗi nhờ tri thức bí nhiệm đến từ các tia sáng thần linh.
Các nhóm Ngộ giáo này tách Đức Giêsu ra khỏi Giáo Hội, và tự cho mình là thánh
thiêng hơn các tín hữu khác.
Clementê
thành Alexandria (150–215) là người đưa phương pháp ẩn dụ của Philô vào Kitô
giáo. Clementê cho rằng, tất cả Kinh Thánh được viết bằng ngôn ngữ biểu tượng,
ký hiệu và hình ảnh bí nhiệm để truyền tải ý nghĩa, không khác gì cách Môsê,
Platô, dân Hy Lạp và Ai Cập đã làm. Mọi ý nghĩa của Kinh Thánh đều có thể được
khai triển qua nhiều mức độ như: lịch sử, tín lý, ngôn sứ và tiên trưng, triết
lý về vũ trụ và tâm linh, cuối cùng là thần bí. Những gì Cựu Ước nói đến Logos,
thì cuối cùng đã được ánh sáng Đức Kitô mặc khải trọn vẹn. Một khi đón nhận ánh
sáng đó, người tín hữu sẽ hiểu biết thật sự về chân lý cao siêu của Kitô giáo.
Đây cũng là một hình thức của phái Ngộ giáo. Tuy nhiên, Clementê không tách
mình ra khỏi Giáo Hội mà vẫn duy trì tính hiệp nhất của mặc khải giữa hai lời
giao ước. Clementê đã mở rộng tầm nhìn của phương pháp ẩn dụ để quan sát các
tôn giáo và văn hóa khác, cũng như để khai triển nền tảng biểu tượng cho Lời
Chúa. Thế nhưng, Clementê không phải là một thần học gia đủ khả năng để khai
triển các tín điều. Sứ mệnh đó dành cho Origen.
Origen
(185–253) mở trường dạy thần học dựa trên danh nghĩa của Giáo Hội tại
Alexandria. Ông đưa phương pháp chú giải ẩn dụ vào thần học tín lý qua bộ
sách Các Nguyên Lý (De Principiis). Ông chứng minh tính
siêu nhiên của Giáo Hội dựa trên sự kiện phong trào Kitô vẫn tiếp tục tồn tại,
đúng như lời Đức Kitô đã tiên báo. Hơn nữa, biến cố Kitô đã soi sáng ý nghĩa lời
các ngôn sứ và tính thiêng liêng của luật Môsê. Việc ứng nghiệm các sấm ngôn
chính là bằng chứng cho tính linh ứng của nó. Mục đích của Kinh Thánh là mặc khải
các “chân lý tri thức,” chứ không phải việc làm của Thiên Chúa trong lịch sử.
Dùng lối chú giải theo nghĩa văn tự có thể làm cho chân lý Kinh Thánh bị che lấp;
ví dụ: Thiên Chúa rảo bộ trong vườn Địa Đàng, trồng một
vườn cây, hay Cain đi ra khỏi mặtcủa Thiên Chúa. Các mâu thuẫn này
cho thấy chân lý của Kinh Thánh không hệ tại trong tính vật chất của chữ viết.
Không phải mọi nghĩa văn tự của Kinh Thánh đều là hợp lý, nhưng tất cả ý nghĩa
của Kinh Thánh đều mang nghĩa thiêng liêng. Như thế, muốn chú giải các mầu nhiệm
chứa đựng trong ngôn ngữ biểu tượng của Kinh Thánh thì cần phải có ân sủng siêu
nhiên.
Phương
pháp chú giải ẩn dụ và biểu tượng giúp cho đức tin sơ khởi của giáo dân khỏi
rơi vào tình trạng ‘phải chấp nhận tất cả chi tiết của Kinh Thánh theo nghĩa
văn tự’. Origen đã giải thoát việc chú giải Kinh Thánh khỏi những giới hạn cục
bộ của phương pháp “ứng dụng” vốn không đạt tiêu chuẩn tri thức tại Alexandria.
Trước thời Trung Cổ, Origen đã có công xây dựng nền tảng lý tính cho thần học
Kitô giáo bằng cách thiết lập nền tảng chung giữa việc chú giải Kinh Thánh và
triết học Hy Lạp.
Phương
pháp tiên trưng: Trường phái Antiôkia
Ba
nhân vật tiêu biểu cho sự phát triển của phương pháp “tiên trưng” là Thêođorê
(Theodore), Gioan Kim Khẩu (John Chrysostom) và Giêrônimô (Jerome). Trường phái
Antiôkia nhấn mạnh đến các sự kiện lịch sử, nhưng khác với lối dùng “ứng nghiệm”
của Đức Giêsu và Phaolô. Họ dùng biến cố lịch sử và lời ngôn sứ như là “tiên
trưng” để minh họa cho ý nghĩa của Tân Ước. Trường phái Antiôkia lý luận rằng,
Phaolô đã dùng thực tại lịch sử của Kinh Thánh để minh họa quan điểm Kitô học của
ngài. Nếu Ađam không là Ađam thật sự và không có mặt trong địa đàng, nếu con rắn
không phải là con rắn thật, và các sự cố này không có thật, thì sự kiện Ađam bất
tuân lời Thiên Chúa, sự chết xâm nhập vào thế gian và ơn cứu độ sẽ trở thành vô
nghĩa. Cần phải hiểu đúng là: Khi Tân Ước trích dẫn Cựu Ước như việc Đức Giêsu
thốt lên trên Thánh giá (x. Tv 22,5), hay việc Gioan nhắc lại hình ảnh Môsê
giương cao con rắn đồng (x. Ga 3,14), thì Tân Ước đang nói lên sự tương đồng giữa
hai biến cố lịch sử, cho dù cách áp dụng thì khác nhau. Trường phái Antiôkia muốn
bảo tồn lịch sử và bối cảnh nguyên thủy của bản văn. Nếu tác giả của Kinh Thánh
đã chọn ngôn ngữ, ký hiệu, biểu tượng và dụ ngôn để tạo nên ý nghĩa cho thế giới
họ đang sống, thì chúng ta không thể cắt bỏ các thực tại đó, cũng như không thể
để mình bị lôi kéo vào thế giới ảo ảnh nào khác.
Trước
tiên, Thêođorê (350–428) thành Mopsuestia, khẳng định tính linh ứng của bản văn
dựa trên nguyên tắc lịch sử. Khi Kinh Thánh mô tả sự kiện lịch sử, thì Kinh
Thánh cũng cho thấy nhãn quan linh ứng và nguyên tắc Kitô luận đứng đằng sau.
Do đó, bản văn nào mà không chứa đựng các yếu tố ngôn sứ hoặc lịch sử cứu độ
thì phải bị loại ra khỏi “thư quy” (Diễm Ca, Gióp). Thêođorê còn áp dụng nguyên
tắc này để phân biệt bản văn nào của Tân Ước được linh ứng. Ông cho rằng Tân Ước
chưa hoàn toàn khẳng định thần tính của Đức Kitô, vì Thánh Thần chưa ngự xuống
các Tông Đồ, mãi cho đến biến cố Hiện Xuống như đã được ghi lại ở cuối Tin Mừng
Gioan (x. Ga 20,22). Đức Giêsu chỉ được gọi là “Con Thiên Chúa” như các sứ giả khác
của Thiên Chúa. Lời thốt ra của Tôma, “Lạy Chúa, lạy Chúa tôi”(Ga
20,28) chỉ là phản ứng ngạc nhiên, vì phép lạ xảy ra chứ không phải là một
tuyên xưng đức tin. Tuy nhiên, “chủ thuyết lịch sử” của Thêođorê thì quá hạn hẹp
và bị nhóm dị giáo Nestôriô lạm dụng. Điều này dẫn đến sự kiện tác phẩm của ông
bị thiêu hủy tại Công Đồng Constantinôp II (553). Ảnh hưởng của nguyên tắc lịch
sử và linh ứng đã để lại âm vang trong các cẩm nang chú giải Kinh Thánh và công
trình sáng tác của trường phái này.
Kế
tiếp, Gioan Kim Khẩu (340–407), Tổng Giám Mục thành Constantinôp, đã giải thích
khái niệm “linh ứng” một cách hệ thống hơn. Ông cho rằng không có chìa khóa bí ẩn
hay ý nghĩa sâu xa nào, ngoài những sự kiện lịch sử về Đức Kitô vốn đã được
tiên trưng hay báo trước qua các biến cố trong Cựu Ước. Những gì xảy ra nơi Đức
Giêsu chính là sự hiện diện của nhân tính và thần tính, của Cựu Ước và Tân Ước.
Đức Kitô là hiện thân của Đấng Thiên Sai đã được tiên báo trước đây. Lối chú giải
này muốn bảo tồn ý nghĩa của lịch sử Do Thái, cùng với chiếc áo mới mà Kitô
giáo đã mặc lên nó, khi tìm cách bảo vệ tính vẹn toàn của Kinh Thánh. Thay vì
theo đuổi những ý tưởng bí ẩn hay hình ảnh hoang đường như phái Ngộ giáo, thì
Gioan Kim Khẩu phân biệt giữa “tên gọi” của chân lý và chân lý tự thân. Nghĩa
là, một khi chân lý xuất hiện thì “tên gọi” không cần nữa, giống như một họa sĩ
phác họa những đường nét về hình ảnh (tên gọi) của nhà Vua trước khi tô màu vào
đó. Thế nhưng, cho dù hình vẽ đó có đẹp và tài tình bao nhiêu đi nữa, thì khi
nhà Vua thật sự xuất hiện, chúng ta sẽ bái phục nhà Vua chứ không phải bái phục
bức hình. Như thế, cách Gioan Kim Khẩu kết nối lịch sử tính với chú giải tiên
trưng đã giới thiệu ý nghĩa “loại suy” của ngôn ngữ Kinh Thánh.
Cuối
cùng, Giêrônimô đã mở rộng trường phái Antiôkia qua công trình chuyển dịch và
chú giải Kinh Thánh “Vulgata” (Bản Phổ Thông). Lúc đầu, Giêrônimô dùng phương
pháp “ẩn dụ” của Origen; nhưng qua cách bình phẩm lịch sử của Apollinariô thành
Laođikêa, ngài nhận ra rằng muốn hiểu biết sâu sắc về Kinh Thánh thì cần chú
tâm đến những ý nghĩa thiêng liêng dựa trên lịch sử của các bản văn. Ý nghĩa
thiêng liêng thì vượt trên ý nghĩa thể lý, nhưng không bao giờ loại trừ nó.
Phương pháp bình phẩm kết nối ý nghĩa thiêng liêng với lịch sử tính của bản văn
được áp dụng rộng rãi qua các cẩm nang chú giải Kinh Thánh sau này. Ađrianô xuất
bản cuốn Dẫn vào Kinh Thánh (Introduction to the Divine
Scripture, 425), liệt kê một số cụm từ hay thành ngữ giúp nhận diện hình thức
của các bản văn ngôn sứ và lịch sử. Cuốn Cẩm Nang Quy Phạm về Thiên Luật (Regulative
Institute of Divine Law, 550) của Junilius Africanus dùng các phạm trù triết
học của Aristote để giải thích phương pháp tiên trưng của Thêođorê. Tuy quan điểm
chú giải của trường phái Antiôkia còn đơn sơ và thiếu tính phê phán, nhưng sự
nhấn mạnh vào bình phẩm lịch sử đã để lại ảnh hưởng sâu rộng lên thần học Kitô
giáo thời Trung Cổ và Kinh Viện.
Nguyên
tắc “thẩm quyền”: các Giáo Phụ
Trong
giai đoạn đầu của thời Trung Cổ, việc chú giải Kinh Thánh đồng nghĩa với việc
suy tư thần học. Ngoài đóng góp của hai trường phái Alexandria và Antiôkia, còn
có các nhóm dị giáo đã lên án các giáo phụ từ quan điểm chú giải quá khích của
họ. Sự kiện này đã đưa đến ý thức rằng việc chú giải Kinh Thánh không chỉ là
phân tích các mức độ ý nghĩa của Lời Chúa, mà còn nêu lên mục đích và bản chất
của việc chú giải nữa. Chú giải Kinh Thánh là tham dự vào công cuộc bảo vệ tính
hiệp nhất và tông truyền của Giáo Hội. Vai trò của thẩm quyền trở thành tất yếu
để xác định và giới hạn phạm vi của việc chú giải, cũng như các phạm trù chính
thống cho thần học.
Tertulianô,
một luật sư xuất thân từ Carthagô, cho rằng các nhóm dị giáo không có quyền sở
hữu hoặc tham dự các buổi tranh luận về Kinh Thánh. Ông lên án các nhóm này, vì
đã gây ấn tượng tiêu cực trên các tín hữu, gieo hoài nghi trên những kẻ yếu
lòng, và làm cho người đang lo lắng thêm hoang mang. Cần phải thẳng tay trừng
trị các nhóm dị giáo, vì chúng làm băng hoại đời sống Giáo Hội. Kinh Thánh thuộc
về Giáo Hội, vốn là nơi mà đức tin chân chính, cách chú giải trung thực, và
tính tông truyền của thẩm quyền được tìm thấy. Tertulianô đã đưa ra ba lý do để
biện hộ: (1) Đức Kitô đến rao giảng chân lý để mặc khải về Thiên Chúa; (2) Đức
Giêsu trao phó chân lý này cho các Tông Đồ; và (3) Các Tông Đồ đã thiết lập
Giáo Hội và truyền lại mặc khải đó. Tertulianô chỉ ra rằng, không chỉ các nhóm
dị giáo không có tính tông truyền mà tính tông truyền đã có đó, trước khi kẻ
gian gieo hạt giống cỏ xấu vào ruộng lúa của ông chủ. Cũng vậy, Kinh Thánh thuộc
về Giáo Hội, trước khi các nhóm dị giáo trích dẫn và biện minh cho mục đích
riêng của họ. Tertulianô tố cáo các nhóm của Marcion, Valentinô và Apelles đã
“chặt trộm cây,” “hái trộm quả,” “chuyển dòng nước” trong vườn của Giáo Hội,
nơi mà họ vốn đã không ra sức vun trồng và không có quyền sở hữu. Tertulianô
cũng tố cáo cách dùng triết học để giải thích Kinh Thánh của Origen, vốn là mẹ
của mọi tư tưởng dị giáo. Để duy trì sự hiệp nhất với thẩm quyền của Giáo Hội,
Tertulianô dùng cả hai phương pháp: chú giải ẩn dụ lẫn tiên trưng.
Methodius
(311), một Giám Mục ở Olympus, đã dựa trên triết lý Platô để nhấn mạnh yếu tố
thẩm quyền và bảo đảm cho ý nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh. Chú giải Kinh
Thánh cần phải khám phá nguyên tắc “tư duy của Kinh Thánh.” Nếu không để ý vào
chiều sâu và chiều rộng thiêng liêng của Kinh Thánh, người chú giải rất có thể
đang rơi vào tình trạng xây một tháp canh lở dở (x. Lc 14,28) như trong tư tưởng
của các nhóm dị giáo.
Cũng
theo chiều hướng này, thánh Augustinô đã cung cấp một học thuyết chú giải dựa
trên cách dùng ngôn ngữ loại suy và ý nghĩa thiêng liêng của bản văn. Tác phẩm Giáo
Lý Kitô Giáo (De Doctrina Christiana, 397) kể lại biến cố
Ambrôsiô đã trích dẫn thư của thánh Phaolô để giải thích cho Augustinô, “Chữ
viết thì giết chết, nhưng Thần Khí thì mang lại sự sống” (2 Cr 3,6). Từ
đó, con mắt thiêng liêng của Augustinô được mở ra, và ngài xem Kinh Thánh như
là ngôn ngữ hay ký hiệu về Thiên Chúa. Chú giải Kinh Thánh không chỉ là việc nắm
bắt tri thức đang tiềm tàng trong bản văn, mà còn để đạt đến sự khôn ngoan vốn
làm gia tăng lòng “mến Chúa yêu người.” Tri thức về Thiên Chúa thì vượt trên
kinh nghiệm cá nhân hay tri thức tự nhiên đến từ lý trí vàtriết học. Muốn đạt
được mục tiêu đó, tâm hồn con người cần được thanh luyện và phải dựa vào thẩm
quyền, tức là kinh nghiệm mà Giáo Hội đã tích lũy qua dòng lịch sử. Vincentê, một
Đan sĩ ở Lerinum, giải thích thêm rằng, chỉ có một Tân Ước và được lưu truyền
qua Giáo Hội, không thể bị chia cắt ra từng mảng bởi các cách chú giải của phái
Ngộ giáo. Tôn giáo là một chi thể, tuy có sự phát triển và trưởng thành, nhưng
vẫn là một trong sự hiệp nhất của nó. Nếu có sự hoài nghi về chú giải Kinh
Thánh, thì hãy xin ý kiến của những bậc khôn ngoan và hữu trách. Thẩm quyền của
Giáo Hội đến từ tính phổ quát của mặc khải, vốn mời tất cả mọi người mở rộng tầm
nhìn đức tin từ các góc độ nhập thể và cánh chung.
Kết
Như chúng ta đã thấy, sứ mệnh bảo vệ tính vẹn toàn của mạc khải trở nên đa dạng hơn mỗi khi Giáo hội mở rộng lều và và đón nhận các “em bé” dân ngoại. Nỗ lực giải thích Kinh Thánh cho đồng bộ với Torah trước đây không còn quan trọng cho bằng tìm cách thích ứng với tình huống mới. Nếu sự kiện em bé sinh ra trong Đan Viện đã làm chao đảo đời sống chiêm niệm của các nữ tu, thì sự hiện diện của dân ngoại cũng đã làm cho Giáo Hội nhìn lại bản chất “công giáo” của mình. Nếu Giáo Hội tiếp tục theo đuổi sứ mệnh truyền giáo thì theo thời gian sẽ đón nhận nhiều “em bé” khác biệt không chỉ về tôn giáo mà còn về ý thức hệ, giới tính và môi sinh. Các chân trời mới này đòi hỏi chúng ta xét lại mục tiêu của việc chú giải Kinh Thánh và vai trò của thẩm quyền, vốn là những yếu tố quan trọng trong sứ mệnh bảo vệ tính vẹn toàn của mặc khải.
Tài
liệu tham khảo
Joseph
Tân Nguyễn. Thông diễn học. Đồng Nai: NXB Đồng Nai, 2022.
Robert
Grant & David Tracy. A Short History of the Interpretation of the
Bible. Fortress Press, 1985.