Kinh Thánh và Giáo hội sơ khai về Luật Tự nhiên


Kinh Thánh và Giáo hội sơ khai về Luật Tự nhiên


Joseph Tân Nguyễn, ofm

 

Kinh Thánh cho chúng ta một quan điểm rất đặc thù về luật tự nhiên. Các tác giả Cựu Ước thường quan niệm vũ trụ là do Thiên Chúa tạo nên nhờ Thần Khí và Khôn Ngoan của Người. Các tài liệu ở giai đoạn cuối thuộc truyền thống văn chương Khôn Ngoan cũng dùng phạm trù “tự nhiên,” để nói đến sự sắp xếp và quan phòng của Thiên Chúa qua việc Người Tạo Thành. Hơn nữa, lề luật là một phạm trù Kinh Thánh rất quan trọng ngay từ thời Thiên Chúa ban bộ luật Torah cho Môsê. Ý tưởng luật tự nhiên được thấy tỏ tường hơn trong thư của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Rôma. Đa số các Kitô hữu thường áp dụng triết lý Khắc Kỷ (Stoics) để giải thích sự quan phòng của Thiên Chúa, vốn trở nên thành phần tất yếu của luật tự nhiên; trong lúc đó, một số tín hữu khác lại theo đuổi quan điểm phiếm thần. Đây là sự phó thác hoàn toàn của đức tin vào tri thức thiết yếu cho ơn cứu rỗi, đồng thời là sự hoài nghi về khả năng hiểu biết của con người đối với nền luân lý và thế giới tự nhiên.




NỀN TẢNG LỀ LUẬT CỦA KINH THÁNH

Bằng nhiều cách, Giao Ước được xem là khái niệm chính yếu của mạc khải Kinh Thánh. Quan trọng hơn mọi khế ước khác của con người, Giao Ước là mối tương quan được thánh hóa giữa Thiên Chúa với con người, đặt biệt là dân Do Thái. Kinh Thánh ghi lại các biến cố mà Giao Ước đã diễn ra: (1) Với Ađam, lúc Thiên Chúa tạo dựng thế giới vũ trụ và được lệnh làm chủ mọi sự từ Người; (2) với Nôê, sau trận hồng thủy; (3) với Apraham; (4) với Môsê; (5) với Đavít; và (6) với lời hứa được ghi trong sách ngôn sứ Giêrêmia về một Giao Ước mới và vĩnh cửu mà các Kitô hữu đón nhận như là lời giao ước do chính Đức Giêsu thiết lập. Các mô tả đầy đủ nhất về sự thiết lập một Giao Ước được thấy qua sách Xuất Hành và Đệ Nhị Luật. Các bản văn này mang hình thức tiêu chuẩn của giao ước trong thế giới cổ đại Cận Đông: nhận diện các phần tử của giao ước, hồi tưởng lại lịch sử tương giao giữa hai bên, các lợi ích được hưởng qua sự đồng thuận, những ơn lành sẽ mang đến nếu trung thành giữ lời giao ước, và cuối cùng là hình phạt cho sự bất tuân.

Năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh được gọi là Torah (Lề Luật), bao gồm nhiều hình thức quy luật khác nhau. Thập Điều được tìm thấy hai nơi: Xuất Hành 20,2-17 và Đệ Nhị Luật 5,6-21. Sách Giảng Viên có một số luật phụng tự, nghi lễ và hiến tế, và cả luật thánh hiến trong chương 17-26. Cho dẫu toàn bộ cuốn sách này là một ký sử về truyền thống tư tế, nhưng nếu ta cẩn thận phân tích các phạm trù và sự khác biệt đã được áp dụng, thì chúng ta sẽ nhận thấy một sự nhấn mạnh về những khác biệt giữa các hình thức được gọi là “tự nhiên.” Có tổng cộng trên 500 luật cụ thể, được ví là hàng rào bao quanh Thập Điều, mà mọi tín hữu phải tuân giữ. Mục đích của các luật cụ thể này để giúp cá nhân không bao giờ xúc phạm đến các quy luật thần linh chính yếu.

Cho dù nguồn liệu của lề luật trong Kinh Thánh đến từ thẩm quyền Thiên Chúa và không do triết lý suy ra, nhưng lối tiếp cận này có nhiều mối liên kết lịch sử với luật tự nhiên. Phạm trù về “bản tính tự nhiên” của các mức độ tồn tại trong truyền thống luật tự nhiên thì có tương quan liên đới với phạm trù “thụ tạo” bao gồm nhiều loài khác nhau trong Kinh Thánh. Trong số các loài thụ tạo, loài người được đặt để làm quản lý mà Thiên Chúa giao cho Ađam và hậu duệ của ông. Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên muôn loài muôn vật, cũng là Thiên Chúa lập nên các giao ước được ghi lại trong Kinh Thánh, và chính Người cũng là Đấng đã ban Torah và các luật khác xung quanh Thập Điều. Như thế, các nhà nghiên cứu luật tự nhiên luôn có lý do đặt vấn đề về các mối liên kết giữa những thần luật này với sự ràng buộc mà triết học đã khám phá về luật tự nhiên. Truyền thống văn chương Khôn Ngoan, bao gồm các Thánh Vịnh, sách Châm Ngôn, Gióp, Giảng Viên, Huấn Ca, Diễm Ca, Đanien và Khôn Ngoan của Salômôn, là phần triết lý đáng lưu tâm của Kinh Thánh. Trong sách Khôn Ngoan, vua Salômôn khuyên các vua bạn hãy sống công bằng, đồng thời ông cũng cầu xin cho mình được ơn khôn ngoan để biết điều gì là lẽ phải, điều gì là hay, và điều gì là đúng.

Vấn đề sự dữ được xem là nhu cầu cần được giải thích: Tại sao điều bất hạnh thường xảy đến cho những kẻ tốt lành và vô tội? Đây là một vấn nạn phổ quát đối với con người, đặc biệt là hoàn cảnh của các góa bụa, trẻ mồ côi và kẻ bị lưu đày trong Kinh Thánh. Vấn đề này thường được thấy trong các sách Khôn Ngoan. Giữa những lời nài van xin Thiên Chúa hãy gởi đến sự giúp đỡ cho những ai đang đau khổ, thì còn có rất nhiều câu hỏi đã được nêu lên để tìm kiếm sự công bằng trong hoàn cảnh éo le của họ. Có phải nhiều người đang gặp đau khổ là vì tội lỗi hay tội ác của họ hay không, cớ sao những kẻ vô tội và tốt lành phải đau khổ? Lời Giao Ước với Nôê đã thay đổi lời Giao Ước nguyên thủy với Ađam lúc tạo dựng. Biến cố Ađam và Evà bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng có thể được xem như là sự trừng phạt cho hành vi bất tuân của họ. Thế nhưng, lời Thiên Chúa hứa với ông Nôê sau trận hồng thủy rằng, sẽ không bao giờ có thêm một cơn hồng thủy để tiêu hủy cả trái đất như vậy nữa, bất kể cho dù thế giới đáng bị trừng phạt. Thay vào đó, Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ cho mưa xuống trên người lành lẫn kẻ bất công.” Như thế, theo truyền thống suy diễn về đoạn văn này, ít nhất cho ta thấy rằng Thiên Chúa cho phép người vô tội sống chung với kẻ có tội, Người không tách biệt họ trong lúc này nhưng lại để sự phán xét cho đến sự sống đời sau. Tuy nhiên, kẻ sống cũng cần phải phân biệt giữa điều xấu với điều tốt, và hãy nhớ rằng Thiên Chúa sẽ trừng phạt những kẻ làm điều dữ.

LUẬT TỰ NHIÊN TRONG TÂN ƯỚC

Giống như Kinh Thánh Do Thái, Tân Ước là trình thuật về mạc khải thần linh, chứ không phải là sản phẩm của suy tư triết học. Tuy vậy, triết học cũng đã để lại một số dấu vết trên các sách này. Hãy xem ví dụ trong thư của thánh Phaolô gửi cho dân thành Rôma. Sau khi giải thích hành vi và quan điểm của mình, thánh Phaolô đã dùng một luận cứ triết học để chỉ ra rằng, cho dù những kẻ chưa nhận được ơn đặc biệt của mạc khải nhưng họ vẫn có thể nhận biết Thiên Chúa.

Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mạc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết (Rm 1,18-23).

Thánh Phaolô đang khẳng định rằng ngoài sự mạc khải về Thập Điều, con người vẫn có thể nhận biết về luân lý, cũng như họ có thể nhận biết về sự hiện hữu của Thiên Chúa, và tất nhiên họ có lỗi khi chối bỏ cả hai.

Cho dù khó nhận ra trường phái triết học nào mà Phaolô đã dùng để suy luận ở trên, nhưng chúng ta vẫn có thể biện phân một khái niệm đạo đức mà thánh Phaolô đang theo đuổi.

Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen. Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình. Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng (Rm 1,24-28).

Lý luận tiềm tàng trong đoạn văn này là một loại tâm lý đạo đức giải thích rằng, một cá nhân sai lầm về bản chất của Thiên Chúa thì cũng có thể rơi vào sai lầm về trật tự luân lý trong tình yêu của họ. Thế nhưng, đoạn trích dẫn trên cũng đưa ra một khẳng định về luân lý dựa trên tự nhiên: Đó là việc giao hợp tình dục giữa hai người cùng giới là không phù hợp với lẽ tự nhiên và được xem như là một sự ô uế. Thánh Phaolô không đưa ra lý lẽ nhưng chỉ đơn giản đưa ra một lời khẳng định. Lời khẳng định này không được thiết lập dựa trên Thập Điều, nhưng dựa trên quan điểm về cái gì tự nhiên hay không tự nhiên.

Muốn đẩy mạnh cuộc thảo luận về luật mà Thiên Chúa đã mạc khải như Torah, thánh Phaolô đã suy gẫm một vài hàng về luật tự nhiên mà ngay kẻ ngoại giáo cũng phải được biết.

Quả thế, những người không biết Luật Môsê mà phạm tội, thì sẽ bị diệt vong không chiếu theo Luật đó. Còn những người sống dưới Luật Môsê mà phạm tội, thì sẽ bị xét xử theo Luật đó. Thật vậy, người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật. Dân ngoại là những người không có Luật Môsê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật Môsê. Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải. Người ta sẽ thấy điều đó, trong ngày Thiên Chúa cho Đức Kitô Giêsu đến xét xử những gì bí ẩn nơi con người theo Tin Mừng tôi rao giảng (Rm 2,12-16).

Giữa nhiều chủ đề trong bản văn này, chúng ta thấy được ý tưởng cho rằng, kẻ ngoại giáo không có sự hiểu biết về luật Chúa qua mạc khải, nhưng vẫn có trách nhiệm thấu hiểu luật tự nhiên đã được “khắc ghi trong con tim của họ.” Từ đây, chúng ta không bao giờ thấy đoạn văn này xuất hiện trong các thảo luận về luật tự nhiên nữa.

LUẬT TỰ NHIÊN THỜI GIÁO HỘI SƠ KHAI

Trong sự hòa nhập giữa văn hóa cổ điển và mạc khải thời Trung Cổ, khái niệm tự nhiên của triết học Cổ đại được hiểu trong ánh sáng của tội nguyên tổ. Có sự khác biệt giữa nhân vị lý tưởng mà Ađam và Evà được nhận trong vườn Địa Đàng với bản tính con người dễ bị tổn thương sau biến cố nguyên tội. Cho dù có sự bất đồng về tầm mức quan trọng giữa sự dễ bị tổn thương mà bản tính con người phải chịu với cách thức mà Đức Kitô đã hồi phục, thế nhưng vẫn có sự thống nhất về một số điểm thiết yếu cho luật tự nhiên về sự tồn tại của bản tính con người và trật tự luân lý mà con người vẫn có thể hiểu biết ngoài phạm vi của ân sủng.

Khái niệm “bản tính dễ sa ngã của con người” mà các Giáo phụ đưa ra đã tạo nên sự hài hòa giữa quan điểm cổ điển trong triết lý Hy Lạp với quan niệm “nguyên tội” từ Sách Sáng Thế. Khái niệm này được hỗ trợ bởi niềm tin rằng, mọi sự đã được làm mới trong Đức Kitô. Kinh Thánh Tân Ước tuyên xưng Đức Kitô là “Ađam mới” vốn là người chữa lành và phục hồi toàn thể nhân loại qua sự đau khổ, cái chết và sống lại của Người. Ý tưởng chủ yếu và xuyên suốt thời Giáo phụ là cuộc sống của Đức Kitô đã quy tụ lại toàn thể cuộc sống của dân Do Thái, đã hoàn tất những gì còn dở dang, kiện toàn những gì là bất toàn, và thánh hóa những gì là tội lỗi. Ý tưởng này được các Giáo phụ dùng để diễn giải tổng thể chiều dài lịch sử dân Do Thái, với sự chú tâm đặc biệt về sự khởi đầu, tức là trình thuật tạo dựng Ađam và Evà trong vườn Địa Đàng, cũng như sự công chính và vô tư ban đầu của loài người.

Ý tưởng về tội nguyên tổ được khai triển dựa trên sự sa ngã của Ađam và biến cố bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng. Điều hơi khác lạ là các sách của Cựu Ước hiếm khi trở về trình thuật Ađam và Evà như được kể trong sách Sáng Thế. Thế nhưng, các tác giả Kitô giáo, nóng lòng muốn thông diễn cho độc giả biết về biến cố Đức Kitô xuống thế làm người và chịu đau khổ, đã tìm được ý tưởng trong bản văn cổ xưa này. Tội nguyên tổ của Ađam không chỉ là lần đầu tiên mang cái chết vào thế gian nhưng còn để lại hậu quả tai hại lên dòng dõi con người. Bi kịch xảy ra trong sách Sáng Thế được thuật lại rằng, cuộc sống êm đềm trước đó của Ađam và Evà trong Địa Đàng, sau đó bị Satan cám dỗ, rồi phải đối diện với Thiên Chúa, và không chỉ loại ra khỏi Địa Đàng mà còn phải chịu những tổn hại khác như: khổ công lao động vì miếng ăn và chịu đau đớn khi sinh con.

Khuynh hướng “đam mê tội lỗi” với nhiều cách thức khác nhau đã đánh động đến các Giáo Phụ. Các ngài không chối bỏ trách nhiệm cá nhân cho sự chọn lựa hành vi của mình, nhưng các ngài tập trung nhấn mạnh vào sự yếu đuối của con người về tội lỗi hay bản tính tự nhiên dễ sa ngã vốn ảnh hưởng lên toàn thể nhân loại. Trình thuật về nguyên tội trong sách Sáng Thế đã để lại vết tích về những biến cố ban đầu với ảnh hưởng mà không bao giờ chấm dứt trong lịch sử nhân loại. Quan điểm Kitô giáo chính thống đã phân biệt cẩn thận giữa “nguyên tội” là tội thực sự của Ađam; điều này đã trở thành một “gia sản” cho dòng dõi con người sau đó, chứ không đơn thuần nhằm ám chỉ tội thực sự mà Ađam đã phạm. “Gia sản” này nói lên sự mờ ám trong tâm trí, một điểm yếu của ý chí, và một khuynh hướng nghiêng về cảm tính mà đáng lẽ ra lý trí phải làm chủ. Các thần học gia truyền thống nhìn thấy trong trình thuật về nguyên tội có lời giải thích cho sự yếu đuối phổ quát: Tất cả loài người là hậu duệ của Ađam và Evà, và do đó loài người phải mang lấy hậu quả của tội như là hình phạt. Những học giả quen thuộc hơn với triết học “tự nhiên” thì mô tả hậu quả của tội Ađam để lại trên toàn thể nhân loại qua ngôn ngữ “bản chất tự nhiên bị sa ngã.” Tư tưởng của các triết gia Khắc Kỷ như Seneca (1-65 CN) đã giúp các Giáo phụ dễ dàng kết nối giữa bản chất “sa ngã tự nhiên” với bản chất “nguyên thủy tự nhiên,” vì triết lý Khắc Kỷ bao gồm ý tưởng về một “quá khứ Vàng Son” khi mà tự do và công bằng còn thống trị trước khi bị đánh mất.

LUẬT TỰ NHIÊN THEO AUGUSTINÔ

Thánh Augustinô (354–430 CN), gốc Bắc Phi, được huấn luyện trong ngành tu từ học và sau đó dạy môn này ở Rôma và Milan. Lúc còn đi học, ngài theo đuổi sự khôn ngoan mà giáo phái Manikê cũng như triết lý Tân-Platô đã hứa hẹn. Nhưng ở tuổi 30, ngài cảm nhận được ơn hoán cải qua ân sủng của Đức Kitô; và sau khi chịu Phép rửa, ngài đã trở về Bắc Phi với hy vọng sống một cuộc đời chiêm niệm trong cộng đoàn. Về sau, ngài chịu chức linh mục rồi được tấn phong giám mục của thành Hippo. Ở nơi đây, ngài điều hành giáo hội và viết một lượng lớn các bài tham khảo mà sau này trở thành khuôn mẫu cho đường hướng phát triển thần học Kitô giáo trong nhiều thế kỷ. Tư tưởng của ngài vẫn còn giá trị soi sáng cho các suy tư của nhiều Kitô hữu ngày nay.

Một trong những phạm vi quan trọng trong tư tưởng của Augustinô là về tương quan giữa đời sống luân lý và niềm tin tôn giáo. Ngay cả trước biến cố ngài trở lại Kitô giáo, Augustinô đã hiểu một số điểm mà ngài cảm thấy lôi cuốn từ giáo phái Manikê là sai lầm; chính xác là bởi vì, chúng không thể lý giải về trách nhiệm của chúng ta đối với những gì chúng ta biết và cố ý làm. Để được ca ngợi hay bị quy gán trách nhiệm luân lý, cá nhân phải được xem là có sự tự do nội tâm, tức là ý chí muốn chọn lựa. Augustinô tin rằng cần phải có ân sủng để ý chí được giải thoát. Không có cách nào khác để phục hồi sức mạnh của ý chí cho bằng chọn lựa một cách tự do (và do đó, con người phải chịu trách nhiệm về những hậu quả cho sự chọn lựa của mình). Khi suy gẫm về cuộc hoán cải và cả những khó khăn chọn lựa điều đúng của mình, đã đưa Augustinô đến niềm tin rằng con người trong sự tuyệt vọng cần phải có ân sủng Thiên Chúa để ý chí được chữa lành và thực hiện sứ mệnh của nó một cách hoàn hảo. Suốt cuộc đời, Augustinô đã bận tâm tìm cách giải thích làm sao ân sủng của Thiên Chúa và tự do của ý chí có thể hài hòa với nhau.

Nỗ lực giải thích sự tương quan giữa hai thực tại này đã kéo dài gần suốt cuộc đời của Augustinô, và học giả ngày nay vẫn còn tranh luận chủ đề này một cách sôi nổi. Học thuyết ân sủng của Augustinô dựa trên các suy tư của thánh Phaolô, điều này/vốn đã tạo ra sức ảnh hưởng lên hậu quả nghiêm trọng mà nguyên tội đã mang đến cho đời sống con người. Một trong các hậu quả tiêu cực của nó là làm cho khuynh hướng tìm về sự thiện của con người (ý chí hướng thiện) trở nên yếu đuối, đến nỗi cho dẫu chúng ta biết về những gì luân lý đòi hỏi nhưng chúng ta vẫn không làm theo những đòi hỏi luân lý đó. Một cách ngắn gọn, bản chất sa ngã tự nhiên của con người là làm cho con người trở nên khó khăn trong việc thực hành theo những đòi hỏi của luân lý nếu không có sự trợ giúp của ân sủng.

Augustinô là một người bi quan, ngay cả về các nhân đức tự nhiên và luật tự nhiên. Cho dù có đam mê và yêu thích văn hóa Rôma cổ điển, nhưng ngay cả nhãn quan thần học của ngài cũng vạch ra vài sai lầm nội tại trong sự thanh lịch của văn hóa ngoại bang. Tác phẩm đồ sộ Thành Đô Thiên Chúa (The City of God) của ngài là một nghiên cứu bền bỉ và chuyên sâu về các luận điểm rằng, không phải sự xuất hiện của Kitô giáo đã làm cho Đế quốc Rôma sụp đổ, nhưng Rôma sụp đổ là vì sự nặng nề của nó. Vấn đề cụ thể làm cho Đế quốc Rôma suy sụp là sự sai lầm trong chính sách tôn giáo: Cho dù sự thăng tiến về văn hóa và sự sung mãn của con người đáng được ca tụng, nhưng Đế quốc Rôma đã được xây dựng trên sự thất bại về sự công chính, đó là sự thất bại trong việc thờ phượng Thiên Chúa một cách chân chính. Trong tiến trình lý luận, Augustinô đã chọn một vị thế cứng rắn: “Nếu không có đức tin thì cũng không thể có nhân đức thực sự”; vì lẽ đó, nhân đức tự nhiên là nhân đức chưa hoàn thiện vì sức mạnh của nó thì chỉ căn cứ trên sự kiêu hãnh.

Điểm nhấn của đạo đức học Augustinô có lẽ được nắm bắt tốt nhất qua công thức “ordo amorum” hay “tình yêu có trật tự.” Con người có được bức tranh hướng dẫn trật tự từ những gì chúng ta yêu mến nhất, rồi sau đó là các sự ham muốn của mình. Một cách lý tưởng, cá nhân nên sắp đặt đối tượng đáng để con người yêu mến nhất là Thiên Chúa; rồi đến việc yêu mến tha nhân như chính mình, vì tha nhân mang hình ảnh và sự tương tự của Thiên Chúa; và cuối cùng, mọi sự vật khác cũng được yêu mến, vì chúng hữu dụng trong cách chúng ta sống và tôn trọng các đối tượng sao cho xứng đáng. Augustinô không lạc quan lắm với quan điểm ‘tự con người có thể thỏa mãn mọi đòi hỏi của luật tự nhiên mà không nại đến ân sủng thần linh’. Nói chung, mãi cho đến giai đoạn tái khám phá triết học Aristote ở cuối thế kỷ XII với khai triển thần học của thánh Tôma, thì học thuyết Luật tự nhiên vẫn còn chưa được đề cao cho lắm trong nền luân lý Kitô giáo.

 

Tài liệu tham khảo

What does the Bible say about Natural Law? The Open Bible. (https://www.openbible.info/topics/natural_law). 3/12/2023.

Natural Law: A Brief Introduction and Biblical Defense. Andrew Fulford & David Haines, (Davenant Guides #3, Ingram, 2017).

Knowing the Natural Law: From Precepts and Inclinations to Deriving Oughts. Steven Jensen. (Catholic University Press, 2005).

Học viện Thánh Anphongsô