TỪ NÚI BIẾN HÌNH ĐẾN ĐỒI SỌ: Chú giải Tin Mừng CN II MC A


TỪ NÚI BIẾN HÌNH ĐẾN ĐỒI SỌ

Chú giải Tin Mừng CN II MC A (Mt 17,1-9)

 

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, S.V.D.


Xin xem trọn vẹn bài viết tại đây:

https://josephpham-horizon.blogspot.com/2023/03/tu-nui-bien-hinh-en-oi-so-chu-giai-tin.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo


Bản văn Hy Lạp

1 Καὶ μεθ᾽ ἡμέρας ἓξ παραλαμβάνει ὁ Ἰησοῦς τὸν Πέτρον καὶ Ἰάκωβον καὶ Ἰωάννην τὸν ἀδελφὸν αὐτοῦ καὶ ἀναφέρει αὐτοὺς εἰς ὄρος ὑψηλὸν κατ᾽ ἰδίαν.

2 καὶ μετεμορφώθη ἔμπροσθεν αὐτῶν, καὶ ἔλαμψεν τὸ πρόσωπον αὐτοῦ ὡς ὁ ἥλιος, τὰ δὲ ἱμάτια αὐτοῦ ἐγένετο λευκὰ ὡς τὸ φῶς.

3 καὶ ἰδοὺ ὤφθη αὐτοῖς Μωϋσῆς καὶ Ἠλίας συλλαλοῦντες μετ᾽ αὐτοῦ.

4 ἀποκριθεὶς δὲ ὁ Πέτρος εἶπεν τῷ Ἰησοῦ· κύριε, καλόν ἐστιν ἡμᾶς ὧδε εἶναι· εἰ θέλεις, ποιήσω ὧδε τρεῖς σκηνάς, σοὶ μίαν καὶ Μωϋσεῖ μίαν καὶ Ἠλίᾳ μίαν.

5 ἔτι αὐτοῦ λαλοῦντος ἰδοὺ νεφέλη φωτεινὴ ἐπεσκίασεν αὐτούς, καὶ ἰδοὺ φωνὴ ἐκ τῆς νεφέλης λέγουσα· οὗτός ἐστιν ὁ υἱός μου ὁ ἀγαπητός, ἐν ᾧ εὐδόκησα· ἀκούετε αὐτοῦ.

6 καὶ ἀκούσαντες οἱ μαθηταὶ ἔπεσαν ἐπὶ πρόσωπον αὐτῶν καὶ ἐφοβήθησαν σφόδρα.

7 καὶ προσῆλθεν ὁ Ἰησοῦς καὶ ἁψάμενος αὐτῶν εἶπεν· ἐγέρθητε καὶ μὴ φοβεῖσθε.

8 ἐπάραντες δὲ τοὺς ὀφθαλμοὺς αὐτῶν οὐδένα εἶδον εἰ μὴ αὐτὸν Ἰησοῦν μόνον.

9 Καὶ καταβαινόντων αὐτῶν ἐκ τοῦ ὄρους ἐνετείλατο αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς λέγων· μηδενὶ εἴπητε τὸ ὅραμα ἕως οὗ ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου ἐκ νεκρῶν ἐγερθῇ. (Matt. 17:1-9 BGT)

Dịch sát nghĩa

1 Và sau sáu ngày, Đức Giêsu mang theo các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, em của ông và Người dẫn họ lên núi cao, riêng họ.

2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt họ. Mặt Người chiếu sáng như mặt trời, y phục Người trở nên trắng như ánh sáng.

3 Và kìa! Ông Môsê và ông Êlia hiện ra thảo luận với Người.

4 Để đáp trả, ông Phêrô nói cùng Đức Giêsu: Thưa Thầy! Chúng con ở đây thật là tốt, nếu Thầy muốn, con sẽ làm ở đây ba chiếc lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Môsê và một cái cho ông Êlia.

5 Ông đang nói, thì kìa, một đám mây sáng chói phủ bóng trên họ, và kìa, có tiếng từ đám mây nói rằng: Đây là Con Trai Yêu Dấu của Ta, nơi Người Ta hài lòng, hãy nghe Người.

6 Khi nghe như vậy, các môn đệ sụp mặt xuống và cực kỳ sợ hãi.

7 Rồi Đức Giêsu đến và chạm vào họ, nói rằng: “Hãy trỗi dậy và đừng sợ.”

8 Khi họ ngước mắt lên thì không thấy ai nữa, ngoại trừ một mình Đức Giêsu.

9 Đang khi họ đi xuống từ trên núi, Đức Giêsu ra lệnh cho họ rằng: “Không được nói gì với ai cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

Bối cảnh

Trong bối cảnh trực tiếp, Mt 17,1-9, được đặt ngay sau lời mời gọi gay gắt của Đức Giêsu dành cho những ai muốn theo Người: “Phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Mt 16,24). Rộng hơn một chút, đoạn văn này được đặt trong bối cảnh ba lần Đức Giêsu tiền báo về Cuộc Khổ Nạn – Phục Sinh của Người. Lần thứ nhất trước đoạn văn này (Mt 16,21-23) và hai lần còn lại sau đoạn văn này (17,22,23; 20,17-19). Lời công bố từ đám mây: “Đây là Con Trai của Ta, người yêu dấu, nơi Người Ta hài lòng,” giúp nối kết xa hơn với trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa (Mt 3,13-17). Cuộc thảo luận giữa ông Môsê và Êlia với Đức Giêsu, ngầm nối kết với mầu Nhiệm Khổ Nạn – Phục Sinh mà Đức Giêsu sẽ thực hiện sau này.

Cấu trúc

Đi lên (1)

Trên núi (2-8)

Biến hình – thảo luận (2-3)

Phản ứng của ông Phêrô (4)

Thông điệp từ trời (5)

Phản ứng của các môn đệ (6)

Khích lệ của Đức Giêsu (7)

Hết biến hình (8)

Đi xuống: Lệnh cấm (9)

Bình luận tổng quát

Sáu ngày sau khi ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” và lời tiền báo về mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh lần thứ nhất (Mt 16,13-23), Đức Giêsu dẫn nhóm ba môn đệ lên “núi cao.” Ở đó, Đức Giêsu biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Sự biến đổi hình dạng của Đức Giêsu chứng minh căn tính thần linh của Người, đúng như ông Phêrô đã tuyên xưng, và đúng như tiếng từ trời đã chứng nhận trong biến cố Người chịu Phép Rửa. Căn tính này lại được tiếng từ trong đám mây chứng nhận thêm một lần nữa: “Đây là Con của Ta, Người Con yêu dấu.” Tuy nhiên, Đức Giêsu dẫn theo các môn đệ lên núi không chỉ để biến hình, và bày tỏ vinh quang của Người cho nhóm ba môn đệ. Người lên đó để bàn luận, thảo luận về kế hoạch quan trọng mà Người sắp thực hiện tại Jêrusalem. Đó là “chịu nhiều đau khổ bởi các Kỳ Lão, Thượng Tế và Kinh Sư, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Ông Phêrô đã tuyên xưng đúng căn tính của Đức Giêsu, và giờ đây ông đã chứng kiến tận mắt vinh quang đích thực của Người. Rủi thay, đó chỉ là một phần kiến thức về Con Thiên Chúa và là phần dễ lãnh hội và hứng thú đón nhận. Bằng chứng là tất cả đều ngây ngất với khoảnh khắc vinh quang ấy và muốn ở lại mãi trên núi để thưởng thức cảm giác hạnh phúc. Các môn đệ không biết rằng, còn một phần quan trọng về sứ vụ của Con Thiên Chúa mà các ông phải học biết và đón nhận. Lời mời gọi “hãy vâng nghe Người” đưa các ông về thực tại là Đức Giêsu đang dạy họ về hành trình “Khổ Nạn – Phục Sinh,” và mời gọi họ “từ bỏ mình, vác lấy thập giá của mình mỗi ngày” để đi theo Người. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Người có vinh quang như lúc biến hình, nhưng vinh quang trên núi biến hình sẽ được hoàn tất trọn vẹn qua con đường thập giá và chết trên đồi Golgôtha. Chính nơi cái chết, những người ngoại, người đại đội trưởng cùng những người lính canh tuyên xưng rằng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Lời giới thiệu “Đây là Con Ta, Người Con yêu dấu, với Người, Ta hài lòng,” phải đi kèm với lời mời gọi “hãy vâng nghe Người.” Vâng nghe Người trong mọi sự, đặc biệt trong những biến cố đau thương của cuộc đời. Đức Giêsu được chứng nhận là Con Yêu, và mang lại sự hài lòng cho Chúa Cha, khi Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá. Các môn đệ, cũng như các tín hữu qua mọi thời đại luôn được mời gọi nhìn nhận và sống theo cả hai khía cạnh căn tính Con Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Đó là đau khổ và vinh quang, chết và phục sinh.

Học viện Thánh Anphongsô