
CHÚ GIẢI KINH THÁNH THỜI CẬN ĐẠI
Fr. Joseph Tân
Nguyễn, OFM
Sau thế kỷ XV, sự
tổng hợp triết-thần của thời Kinh Viện mau chóng bị tan rã và việc chú giải
Kinh thánh cũng trải qua nhiều thay đổi rất khác biệt. Trước tiên, phong trào Cải
Cách với mục tiêu chống lại sự thống trị của Giáo hội, đã mặc một ý nghĩa mới lên
lối chú giải nhị nguyên của Origen, “Chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới
ban sự sống” (2Cr3, 4-7). Quan điểm của phong trào Cải Cách thì chủ quan hơn; vấn
đề “sống/chết” giờ đây được hiểu như là tình huống hiện sinh của con người đứng
trước lời mời gọi của Kinh Thánh. Mặt khác, phong trào Khai Sáng giữ thái độ
khách quan, xem Kinh Thánh như một bản văn của văn hóa cổ xưa, với khoảng cách và
chân trời lịch sử cần phải vượt qua. Các học giả thời Khai Sáng đã khai triển một
khoa thông diễn học riêng biệt, với mục tiêu phục hồi sự tự thức của các nền văn
hóa xa lạ. Cuối cùng, qua nhãn quan triết học lãng mạn, Schleiermacher
(1768-1834) đã hệ thống hóa nhu cầu thông diễn lịch sử của thời Khai Sáng thành
một nghệ thuật cân bằng giữa hai khía cạnh khách quan và chủ quan của việc chú
giải bản văn. Mục tiêu của thông diễn học lãng mạn là “hiểu tác giả hơn tác giả
hiểu chính mình.” Cho dù dự án này có vẻ lý tưởng, nhưng nó nhắc nhở chúng ta một
chân lý rằng chú giải Kinh Thánh là một hành trình tiệm tiến giữa “tin để mà hiểu”
và “hiểu để mà tin” mà Thánh Augustinô đã phát hiện. Bài này sẽ sơ lược qua ba
giai đoạn chú giải Kinh Thánh: phong trào Cải Cách, thời đại Khai Sáng, và quan
điểm Lãng mạn của Schleiermacher.
CHÚ GIẢI KINH
THÁNH THEO PHONG TRÀO “CẢI CÁCH”
Vào khoảng năm 1520,
Martin Luther được giao trách nhiệm soạn bộ bài giảng cho phụng vụ suốt cả năm.
Khi đến câu “Và họ đã tìm thấy cả Maria và Giuse cùng với con trẻ nằm trong
máng cỏ” (Lk 2:16), Luther giải thích rằng, Maria đại diện cho Mẹ Giáo hội,
Giuse đại diện cho các giám mục và cha xứ, vì Giáo hội thì quan trọng hơn hàng
giáo phẩm, cho nên Maria được Kinh Thánh đề cập đến trước Giuse. Luther đang dùng một hình thức chú giải ẩn dụ
(allegorical) được bắt nguồn từ Philô Giuđêa ở Alexandria (20BC-40CN), vốn cho
rằng ý nghĩa chân chính cho bản văn thì ở bên dưới nguyên ngữ của bản văn. Philô
dùng ví dụ, “Đức Chúa trồng một cây trong vườn Eden” thì phải được hiểu là Thiên
Chúa đặt nhân đức tốt lành của tự nhiên (Eden = nhân đức, thiện hảo) vào loài
người. Cách Luther tìm trật tự “Giáo hội/hang giáo phẩm” để giải thích ý nghĩa
của bản văn phản ánh quan điểm chống đối Giáo hội Rôma, nhưng Luther vẫn chưa
ra khỏi giới hạn ‘có thể chấp nhận được’ của phương pháp ẩn dụ. Những gì các học
giả Cải Cách lên án về phương pháp ẩn dụ là thói quen đi ra ngoài Kinh Thánh của
thần học Kinh Viện, dùng các chân lý triết học phổ quát mà giải thích ý nghĩa của
mạc khải. Luther và Calvin cho rằng đây là một sự đam mê mù lòa, hay một tình
trạng đang bị rơi vào cạm bẫy mà Satan dùng để phá hoại thẩm quyền của Kinh
Thánh. Satan tận dụng sự đam mê tri thức độc lập để tách con người ra khỏi sự
tuân phục vào thẩm quyền của Thiên Chúa. KinhThánh làm chứng cho thẩm quyền của
mình vì tác giả cuối cùng của Kinh Thánh là Thánh Linh, cũng chính là Đấng làm
chứng trong lòng các tín hữu tin vào Kinh Thánh là Lời của Chúa. Thay vì ẩn dụ,
các thần học gia Cải Cách nhấn mạnh về phương pháp chú giải “từ nguyên”
(literal sense), nghĩa là giải thích bản văn theo ngữ pháp gốc trong bối cảnh lịch
sử đặc thù của nó, với mục tiêu luân lý hóa bản văn cho phù hợp với linh đạo Cải
Cách của họ.
John Calvin
(1509-1564) cho rằng mục tiêu của việc chú giải Kinh Thánh là nhận ra ý nghĩa
thiêng liêng của bản văn, tức là ý nghĩa mà Chúa Thánh Thần muốn dạy cho chúng
ta qua bản văn. Nếu bản văn Kinh Thánh mạc khải ý định của Thiên Chúa thì người
chú giải buộc phải trừu xuất từ ngôn ngữ nguyên thủy, bối cảnh lịch sử, cảm xúc
chủ quan và sự kiện khách quan để mang lại ý nghĩa đơn sơ và tự nhiên của mạc
khải. Mục tiêu của chú giải là mang lại sự đáp trả nơi người đọc về ơn cứu rỗi
của Đức Kitô được mạc khải qua Kinh Thánh. Hiểu Kinh Thánh là phải chấp nhận thẩm
quyền tuyệt đối của Đức Kitô, trái ngược lại với mọi thẩm quyền con người. Vì
lý do này, phải hiểu Đức Kitô là chủ đề chính yếu của cả Kinh Thánh, từ khởi đầu
cho đến kết thúc, Ngài là mối dây hiệp nhất và duy nhất nối kết mọi cuốn sách của
Kinh Thánh lại với nhau. Các thần học gia Cải Cách dùng bốn nguyên tắc sau đây
để phản hồi lối chú giải ẩn dụ của Giáo hội thời Trung Cổ: (1) Kinh thánh là bản
thiết kế (blue print) của Thánh Thần; (2) Kinh Thánh phải được hiểu theo cách
nguyên văn trong bối cảnh lịch sử của nó; (3) Thần Khí muốn chúng ta đón nhận
chỉ một ý nghĩa cho mỗi bản văn (chứ không phải bốn ý nghĩa của thời Kinh Viện);
và (4) Đức Kitô là tiêu điểm (focus) của toàn thể Kinh Thánh.
Thêm vào đó, Calvin
dùng phương pháp “triên trưng” (typology) để minh họa rằng chính Đức Kitô đã chỉ
ra chính Ngài là tiêu điểm của việc chú giải Kinh Thánh. “Rồi bắt đầu từ
ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên
quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27). Đức Kitô hiểu vai trò chính
yếu của Người trong Kinh Thánh: “Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những
gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải
được ứng nghiệm. Bấy giờ, Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc
24,45). Sự hiện diện của Đức Kitô trong Cựu Ước cũng được nhận thấy qua cách đọc
“tiên trưng.” Ví dụ, Giôsuê tiếng Hipri là “Giêsu,” Đavít là một chiến sĩ cũng
như Đức Kitô chiến đấu chống lại kẻ thù của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô hằng sống
đã hiện diện và tác động lên các tổ phụ của Cựu Ước và tạo nên mối tiên trưng
giữa hai lời Giao Ước. Ví dụ, hai vai trò của Moses và Aaron trong Xuất Hành
(Xh 7,1) cho thấy rằng Thiên Chúa là người xác định sự tiên trưng: Moses đóng
vai sự hiện diện của Chúa Cha và Aharon đóng vai của Chúa Con-Đấng Ngôn sứ trước
mặt Pharaoh. Nói chung, nguyên tắc chú giải của phái Cải Cách là ‘chỉ có Kinh
thánh mới chú giải Kinh thánh.”
Các thần học gia Cải
Cách chú giải toàn thể Kinh Thánh quy về trung tâm là Đức Kitô. Nhiều biến cố lịch
sử trong Cựu Ước như hành trình của dân Do Thái đi trong sa mạc, máu của Abem
kêu thấu trời cao, con cừu tế lễ thay cho Isaác, Môsê bị giấu kín để tránh bị
Pharaô sát hại, tất cả là hình bóng tiên trưng của những biến cố quan trọng
trong cuộc đời của Đức Kitô. Chính Đức Kitô còn xác định vai trò của Gioan Tẩy
Giả với Người như được tiên trưng qua tương quan giữa ngôn sứ Êlia và Êlisa. Nếu
Đức Kitô là thành tố thiết yếu cho sự thông hiểu Cựu Ước và tính liên tục với
Tân Ước, thì công cuộc cứu rỗi, cái chết và sự sống lại của Người cũng phải hiện
diện trong Cựu Ước. Ví dụ, lời hứa “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy.” (St 3:25) là sự sống lại của Ađam
và Evà. Sết là sự “sống lại” cho cái chết công chính của Aben. Con bồ câu Nôê
thả ra sau đã khám phá “sự sống được tái hiện” sau khi toàn thể nhân loại bị
sát hại bởi cơn bão lụt. Đức tin của Apraham là “đức tin hồi sinh” một khi ông
đón nhận đứa con vốn được coi như là đã chết (Hr 11.19). Giuse mang lại “sự sống”
cho cha và các anh em của ông qua nạn đói (St 45:5-6). Biến cố Xuất Hành đánh dấu
“sự sống” của Israel từ ngục tù đến đời sống mới ở đất hứa.
Nói tóm lại, vai
trò trung tâm của Đức Kitô đã giúp các thần học gia Cải Cách khỏi rơi vào cạm bẫy
của ẩn dụ. Tất cả mọi sự đều phải ăn khớp với nhau: từ Sáng Thế đến Cánh Chung,
Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa, thánh thiện và không thể bị sai lầm, vốn đã
được Thánh Thần viết qua ngôn ngữ của lịch sử, để gom góp Lời Chúa lại thành một
trình thuật làm chứng cho công cuộc cứu rỗi của Đức Kitô. Chúng ta không thể
tách biệt thẩm quyền của Kinh Thánh ra khỏi việc chú giải Kinh Thánh vì không
chỉ Kinh Thánh là Lời Chúa được mạc khải, mà chính Thiên Chúa là người chú giải
Kinh Thánh. Muốn hiểu Kinh Thánh thì người chú giải phải đắm chìm trong dòng chảy
của mạc khải Kinh Thánh. Một khi chúng ta cố giải thích Kinh Thánh từ một góc độ
ngoại tại nào đó, thì chúng ta đã chọn sự chết. Nhân đức thiết yếu cho việc chú
giải Kinh thánh là từ bỏ chính mình, để lòng trí chúng ta được đổ đầy với tư tưởng
của Lời Chúa, vì chính Thiên Chúa đã viết xuống Lời của Ngài và ban cho chúng
tan
GIẢI THÍCH HỌC THỜI KHAI SÁNG
Thần học gia thời
Khai Sáng phản hồi lại lối giải thích “từ nguyên-thiêng liêng” của phong trào Cải
Cách và nhấn mạnh vào yếu tố tác giả con người và cộng đoàn đứng sau bản văn. Mục
tiêu của chú giải là “phục hồi” ý nghĩa của cái đã bị đánh mất hoặc trở nên xa
lạ, không còn hiện diện trực tiếp vì khoảng cách ngôn ngữ hay văn hóa. Thời
Khai Sáng dùng những kỹ thuật chuyên biệt nhằm tái sinh ý nghĩa gốc của bản văn
truyền thống qua ba phạm vi sau đây: (1) Chân trời tri thức của bản văn cần phải
được am hiểu một cách tiệm tiến, cả từng phần và toàn phần của nó; (2) ý nghĩa
của các ký hiệu phải được liên kết với nhau qua cách kết nối nhận thức luận với
ngôn ngữ học; và (3) sự tinh tế của cá tính đặc thù của tác giả cũng cần phải
được cân bằng với vị thế xã hội của bản văn.
Phạm vi thứ nhất liên quan đến chân trời lịch sử và khối óc mà từ đó một
bản văn được thành hình. Baruch Spinoza
(1632-1677) đề nghị rằng muốn am hiểu lịch sử dày
đặc ý nghĩa hoặc các phần khó hiểu của Kinh Thánh, thì người chú giải phải đi
theo một “vòng tròn giải thích” từ sự hiểu biết từng phần đến sự hiểu biết của
toàn phần, rồi dùng sự am hiểu tổng thể để giải thích ý nghĩa của các phần
riêng biệt. Nghiên cứu lịch sử là một quá trình tiệm tiến và dò dẫm, và mỗi bước
tiến hay lùi sẽ gia tăng sự hiểu biết về bản văn. Mặt khác, Giambattista Vico (1668-1744) mở rộng chân trời tri thức của bản văn qua cách lý luận rằng con
người là chủ thể tự do, không thể được giải thích (explain) cách trọn vẹn,
nhưng cần phải được am hiểu (understand). Mọi tư duy luôn bắt nguồn từ một
bối cảnh văn hóa nào đó vốn được phát triển qua lịch sử, và nối kết chặt chẽ với
ngôn ngữ, cũng như tiến hóa qua các giai đoạn thần thoại, thi ca, lý thuyết trừu
tượng cho đến ngôn từ mang tính kỹ thuật. Do đó, hiểu bản văn là việc thấu triệt
cho tận nguồn về chân trời tri thức của nó. Cách hiểu lịch sử thì khác với cách
hiểu của khoa học tự nhiên. Đối tượng nghiên cứu của sử gia không phải là một
thực tại hoàn toàn khách quan, nhưng là thế giới con người - thế giới của chính
mình- không có sự phân biệt rõ ràng giữa người nghiên cứu và đối tượng đang được
nghiên cứu. Hiểu thế giới là đặt mình vào trong cuộc sống và hoạt động trong một
bối cảnh lịch sử.
Phạm vi thứ hai liên quan đến vấn đề ngôn ngữ và nhận thức. J. M. Chladenius
(1710-1759) cho rằng để hiểu một
sự kiện xa lạ hoặc một hạn từ tối nghĩa, chúng ta nên xét kỹ những cách hiểu ngầm,
các tiền thức và tiền kiến vốn đã tạo nên các quan điểm khó hiểu hay tối nghĩa
trong bản văn. Chỉ có cách đó thì chúng ta mới có thể đạt đến một sự thông hiểu
chân thực và khách quan về chủ đề của bản văn. Tầm quan trọng của ý nghĩa khách
quan có thể đạt được bằng cách kết nối thông diễn học với nhận thức luận. Trong
lúc đó, G.F. Meier (1718–1777)
khai thác tính khách quan từ ký hiệu ngôn ngữ và ký hiệu tự nhiên được dùng
trong bản văn. Ý nghĩa của một ký hiệu chính là mối tương quan của chúng với
các ký hiệu khác, do đó, các hạn từ khó hiểu luôn có thể được làm sáng tỏ qua mối
tương tác của chúng trong phạm vi ngữ nghĩa mà không cần phải nại đến các yếu tố
bên ngoài ngôn ngữ. Muốn am hiểu một từ tối nghĩa thì cần phải xét ngữ cảnh của
nó, tức là cách nó được dùng trong tương quan với các từ khác. Meier nhận ra sự
tương tác giữa thông diễn học và ngôn ngữ học.
Cuối cùng, cả hai yếu tố bối cảnh xã hội của bản văn và tâm lý của tác giả
là quan trọng nếu chúng ta muốn phục hồi ý nghĩa của bản văn. Đối với G.A.F. Ast
(1778-1841), hiểu
là khả năng phục hồi lịch sử tính của bản văn, tức là “vị thế” (location)
của nó trong tương quan với lịch sử thế giới. Công việc này được thành hình qua
sự kết nối phương pháp tổng hợp với phương pháp phân tích. Trong khi “vòng tròn
giải thích” của Spinoza chỉ bao gồm các phần và tổng thể của bản văn, thì bây
giờ được Ast nới rộng với mối tương tác giữa bản văn với hậu cảnh lịch sử và
truyền thống văn hóa của nó. Mặc khác, Christian Wolff (1679-1754) nhắc nhở chúng ta về khía cạnh triết lý của môn
tu từ học cổ điển. Tri thức tổng thể của đối tượng phải bao gồm cả tính tương đối
của phương pháp dùng để đạt đến kết quả. Chú giải bản văn cổ điển cần chú tâm
không chỉ về kỹ thuật chú giải văn hóa chung mà còn cả sự tinh tế về cá tính đặc
thù của tác giả nữa. Wolff là học giả tiên khởi quan trọng trong truyền thống
thông diễn học lãng mạn sau này.
Nói tóm lại, có nhiều sự khác biệt giữa phương pháp chú giải Kinh Thánh cổ
điển với thông diễn học thời Khai Sáng: (1) Về đối tượng của chú giải: Thời cổ
điển nhắm vào thực
tại siêu việt của Thiên Chúa ẩn dấu sau ký hiệu hay ngôn từ của Kinh Thánh, còn
thời Khai Sáng nhắm vào tinh thần cổ điển, văn hóa và cách dùng ngôn ngữ xa lạ.
(2) Sức mạnh của việc chú giải cổ điển nằm
trong tính đa nghĩa của ngôn từ, nhưng thời Khai Sáng tìm sự thống nhất và
chính xác về ý nghĩa của bản văn. (3) Thời cổ điển tìm sự đồng bộ và hài hòa giữa
các ý nghĩa mâu thuẫn vì Thiên Chúa là tác giả của bản văn, nhưng thời Khai
Sáng muốn bộc lộ sự khác biệt đặc thù của nhiều truyền thống lịch sử (J, E, P,
D) của Kinh Thánh. (4) Thời cổ
điển khai triển không gian bên trong bản văn (tu từ học) còn thời Khai Sáng tìm
hiểu không gian phía sau bản văn (văn hóa cổ xưa, thẩm quyền của tác giả, truyền
thống nguồn liệu). Cuối cùng, (5) đối với thời cổ điển, “chú giải sai” là không
nhận ra ý nghĩa thiêng liêng hay chiều kích ân sủng của Lời Chúa; còn đối với
thời Khai Sáng “hiểu sai” là không nắm bắt được tinh thần của lịch sử hay văn
hóa xa lạ của bản văn.
GIẢI THÍCH HỌC QUA NHÃN QUAN LÃNG MẠN
Trong hội thoại “Cratylus,
Socrates và Hermogenes,” Plato nêu lên vấn đề tính trung thực của việc
thông diễn ngôn ngữ. Thần Hermes, có nhiệm vụ đưa thông tin đến loài người, thường
phải phát chế ra nhiều cách để truyền đạt ý tưởng của thần minh, nhưng vẫn còn
mơ hồ và có thể làm cho con người hiểu lầm hay bị đánh lừa. Do đó, thông diễn vừa
là truyền đạt thông tin và vừa là đánh lừa sự thật, và như thế thần Hermnes đóng
cả vai của người trung gian lẫn người lừa dối. Như thế thì làm sao chúng ta có
thể phân biệt giữa hiểu đúng và hiểu sai? Thế nào là “hiểu” một bản văn, hay có
một ý nghĩa chính xác cho bản văn không? Hiểu một diễn từ có liên quan gì đến
cách chúng ta hiểu mình hay tiền kiến của mình không? Hiểu là đi qua con đường
của ngôn ngữ, nhưng liệu ngôn ngữ có thể vượt qua giới hạn chủ quan của nó? Vấn
đề chú giải ngôn ngữ Plato được hâm nóng qua những cuộc tranh luận của phong
trào Cải Cách về độc quyền giải thích Kinh Thánh của Giáo Hội Rôma. Phải mất thời
gian để các vấn nạn “hiểu” và “giải thích” Kinh Thánh, giải thích luật, chú giải
văn hóa cổ xưa mới thoát ra ngoài phạm vi cục bộ và địa phương để trở thành một
phương pháp có hệ thống. và cuối cùng đạt đến đỉnh cao với tài năng điêu luyện
của Schleiermacher.
Schleiermacher đã khởi
đầu một “luận đề ngôn ngữ” cho thông diễn học - nếu con người là tạo vật ngôn
ngữ thì thông diễn học luôn nằm trong giới hạn của việc hiểu và giải thích ngôn
ngữ hay diễn từ. Ông kết nối triết học tiên nghiệm của Kant vốn đòi hỏi các điều
kiện tiên nghiệm của tri thức trước khi ta có thể trả lời câu hỏi “chúng ta có
thể hiểu gì?” với triết học lãng mạn của F. Schelling, (1775-1854). Từ đó, việc
chú giải bắt đầu từ bản văn nhưng phải lội ngược dòng chảy của ngôn ngữ đến các
hoạt động tinh thần vốn là điều kiện để tác giả hiểu và sáng tác bản văn. Có
hai yếu tố quan trọng trong cách con người dùng ngôn ngữ: văn hóa chung của
ngôn ngữ và tính cách đặc thù của tác giả. Vi thế, thông diễn học cần cả hai loại
kỹ năng để thủ đắc cả hai khía cạnh cú pháp và tâm lý. Kỹ năng cú pháp nhắm vào
khía cạnh khách quan của cách dùng ngôn ngữ trong một văn hóa. Kỹ năng tâm lý
thông diễn khía cạnh chủ quan, bao gồm tư tưởng và đời sống cá nhân của tác giả.
Schleiermacher đặt nặng chú tâm vào lý giải chủ quan, nhưng loại chú giải này
không thể bắt đầu nếu không có lý giải khách quan trước tiên. Chúng ta không thể
cảm nhận được cá tính đặc thù trong cách dùng ngôn ngữ của tác giả nếu chúng ta
không biết trước cách dùng ngôn ngữ chung của văn hóa thời đó. Ước vọng của Schleiermacher
là phục hồi chân lý của bản văn qua hiện tượng sáng tác và hiểu; nhưng với lý
tưởng “hiểu tác giả hơn tác giả hiểu chính mình,” thì thông diễn học trở thành
một loại tâm lý học lãng mạn.
NGHÊ THUẬT GIẢI THÍCH
Thông thường, đối
thoại trực tiếp giữa hai người bình thường thì luôn giả định hai đối tác đang
chia sẻ cùng một “thế giới chung.” Hiểu chỉ trở thành vấn đề một khi cảnh vực của
thế giới tự nhiên bị gián đoạn hay nhiễu loạn. Như thế, am hiểu các nền văn hóa
xa lạ đòi hỏi một sự cởi mở, hướng lòng về đối tượng bao hàm một cái gì đó rất
khác với chính mình, vốn chỉ khả thi một khi chúng ta có khả năng kiểm điểm các
tiền kiến tiềm tàng trong nhãn quan của mình. Cho dù người chú giải không thể bảo
đảm hoàn toàn một sự am tường công bằng và thích ứng với đối tượng đang được
chú giải, nhưng ít ra ý thức về khoảng cách giữa các chân trời tri thức khác biệt
sẽ giúp người chú giải khỏi rơi vào thói quen chỉ nhìn tác phẩm hay diễn từ xa
lạ qua nhãn quan văn hóa của chính mình. Trước đây, Spinoza cho thấy cần phân
biệt giữa lối hiểu qua việc đối thoại và lối hiểu qua bản văn lịch sử vốn cần
phải đặt nó vào bối cảnh lịch sử để tránh hiểu lầm. Chladenius cũng phân biệt mục
tiêu của chú giải là nhận ra ý nghĩa khách quan của một tác phẩm nghệ thuật thay
vì ý nghĩa mà chúng ta đem vào tác phẩm.
Thế nhưng,
Schleiermacher đi xa hơn khi khẳng định rằng hiểu là nắm bắt chân lý đang bị
chôn vùi bên dưới ngôn ngữ của bản văn vốn cần được hồi phục. Ngoài vòng tròn
giải thích giữa thành phần và tổng thể của một bản văn (Wolf và Ast),
Schleiermacher còn thêm vào mối tương quan giữa ngôn từ và cá tính đặc thù của
tác giả. Nếu bản văn không chỉ là một sự kiện khách quan nhưng còn là một sáng
tác nghệ thuật, phản ánh của một tâm hồn đặc thù và phức tạp, thì sứ mệnh của
giải thích là tái tạo tiến trình sáng tác đó. Người chú giải cần lội ngược dòng
chảy của ngôn ngữ, từ bản văn đến ý tưởng của tác giả. Hơn nữa, nếu tác giả là một
thiên tài thì sẽ không có quy tắc chính xác nào để chú giải cho chính xác. Mỗi
cá nhân thể hiện sự sống phổ quát, mang trong mình phần nào đó của tất cả mọi
người khác, do đó cần phải có một tiến trình nhập tâm, so sánh sự sống động
liên tục giữa bản ngã và bản văn. Cá tính của tác giả có thể được “nắm bắt” qua
cách ta làm cho chiều sâu bí ẩn của đối tác trở thành phổ quát và khả tri. Do
đó, thông diễn học là một tiến trình lý giải song đôi: biện phân những gì giống
nhau (so sánh) và khám phá những gì mang tính đặc thù (nhập tâm).
Như thế, thông diễn
học là một nghệ thuật đi vào nội tâm để cảm nhận sự rung động của tâm hồn của
tác giả. Không phải lúc nào những bậc thiên tài cũng hiểu tiến trình mà họ đã
cho ra đời những tuyệt phẩm, và tác giả cũng không phải là người bình phẩm lý
tưởng nhất cho tác phẩm của họ. Hiểu một tác phẩm tức là mang “tiềm thức” của
tác giả lên mức độ “ý thức” nơi người chú giải. Người chú giải phải nhận ra mối
tương quan giữa sự am hiểu và đối tượng của sự am hiểu, với bản văn là trung
gian mà tư tưởng của tác giả đã trở thành ngôn ngữ. Muốn tránh hiểu lầm, người
chú giải cần phải dò dẫm từng bước từ ngôn ngữ đến ý tưởng của tác giả, và xem tác
phẩm như là những làn sóng âm hưởng để lại khi tác giả bơi lội trong dòng chảy ngôn
ngữ. Đây là hành trình tìm hiểu một cá thể rất khác với ta, một đối tác độc nhất
vô nhị, không dễ gì để hoàn toàn tránh khỏi sự hiểu lầm. Tính cá biệt của tác
giả không hẳn là ẩn khuất, mà có thể được nhận thức qua sự so sánh các sự kiện
khách quan như thể văn, giọng nói, hoặc cách dùng đặc thù của tác giả với cách
diễn đạt của các tác giả khác. Không có một quy luật cứng rắn nào cho việc so
sánh này. Như thế, chú giải là một tiến trình ước đoán liên tục từ hiểu đến hiểu
đúng hơn về ý nghĩa của tác phẩm, với mục tiêu chủ yếu là tránh hiểu lầm.
THẦN HỌC GIẢI
THÍCH
Quan điểm chú giải
của Schleiermacher đã tạo nên một loại thần học giải thích, với mục đích là tìm
hiểu kinh nghiệm tôn giáo của tác giả hay đấng sáng lập tôn giáo. Ví dụ, kinh nghiệm
nào của Đức Giêsu đã thôi thúc Ngài theo đuổi sứ mạng rao giảng Nước Trời, hay trải
nghiệm tôn giáo nào đã làm cho Phaolô nhấn mạnh đến khía cạnh “công chính hóa”
trong các sáng tác thần học của ngài? Schleiermacher cho rằng các tín khoản cũng
là kết quả của trải nghiệm tôn giáo. Trải nghiệm về Thiên Chúa đặt con người vào
một tâm thức lệ thuộc tuyệt đối, đón nhận mọi sự một cách cho nhưng không. Con
người cảm nghiệm sự giới hạn triệt để của mình trước một vũ trụ vô biên mà
Thiên Chúa là thực tại nhân hậu tối cao, ngoài tầm nắm bắt của tri thức. Cảm
nghiệm tôn giáo là nền tảng căn bản cho các công thức tín điều hay ngôn ngữ của
tín điều. Do đó, nổ lực diễn đạt trải nghiệm về sự lệ thuộc sâu sắc qua ngôn ngữ
sẽ là yếu tố định hình cho thần học tín lý.
Ngoài ra, thần học
giải thích còn giới thiệu vào suy tư thần học “học thuyết tiếp nhận” (reception
theory) vốn cho rằng, chân lý của bản văn nằm trong cách cộng đoàn đức tin
đón nhận và hiểu ý nghĩa của bản văn. Ý nghĩa của Tin Mừng thì không phải tất định
và chung cục, nhưng luôn mở rộng và mang tính thông diễn, mỗi thế hệ Kitô hữu mới
sẽ khám phá những chân lý mới dựa trên trải nghiệm sống Lời Chúa trong bối cảnh
của mình. Từ quan điểm này, các bản Tin Mừng khác nhau (Mc, Mt, Lc, Ga) là những
vòng tròn giải thích liên tục giữa các “bản văn” (Cựu Ước, Biến cố Kitô) và là
những “trải nghiệm” của cộng đoàn chú giải (Kitô hữu) trong bối cảnh xã hội của
mình. Tính thông diễn và sự đa dạng của các bản văn Tin Mừng giúp cho sự am hiểu
về Biến cố Kitô ngày càng trở nên phong phú hơn nữa. Sứ mệnh của thần học chú
giải là nắm bắt cảm nghiệm tôn giáo đứng sau các công thức tín lý. Thần học giải
thích trong thế kỷ XX có khuynh hướng nhấn mạnh về trải nghiệm tiêu cực về cách
sống Lời Chúa trong bối cảnh xã hội, môi trường chính trị và kinh tế hiện nay,
từ đó mở ra những chiều kích “cứu độ” sâu sắc của bản văn Tin Mừng
(Schillebeeckx).
Phương pháp chú giải
lãng mạn của Schleiermacher không phải là hoàn hảo. Liệu kỹ thuật nhập tâm có thể
lột trần mọi động lực thầm kín hay ẩn khuất của tác giả hay bản văn không? Liệu
độc giả có thể tránh nguy cơ đánh đồng trải nghiệm của mình với kinh nghiệm của
tác giả trong tiến trình nhập tâm không? Schleiermacher đặt nặng về cá tính của
tác giả và xem nhẹ chủ đề của bản văn, nhưng văn chương truyền khẩu như ca dao
và tục ngữ cho dù thiếu tác giả cụ thể nhưng ý nghĩa không kém phong phú và sắc
sảo. Liệu tính sáng tạo của bản văn có thật sự phản ánh một tâm hồn tự do hay
lành mạnh đứng sau đó không? Chúng ta có thật sự hiểu tác giả “hơn” tác giả hiểu
chính mình không? Hay chúng ta chỉ hiểu “khác” về tác giả mà thôi? Triết học hậu
hiện đại nhắc nhở rằng tác phẩm có sự sống riêng của nó một khi thoát khỏi ngòi
bút của tác giả thì ý nghĩa của bản văn không phải nhất thiết phải là súc tích nhưng
thường xuyên hơn là bị giới hạn bởi sự bất định của ngôn ngữ.
Tuy nhiên, thần học
giải thích mở ra một cách nhìn mới về mối tương quan giữa mạc khải Kinh thánh
và truyền thống chú giải. Một bản văn cổ như Kinh Thánh trở nên cổ điển
(classic) chính vì các thế hệ tín hữu mới vẫn tiếp tục đọc và khám phá chân lý
tiềm tàng trong bản văn đó. Mạc khải Kinh Thánh thôi thúc tín hữu muôn thế hệ
trở về tìm chân lý cứu rỗi, nhưng nếu không có ai tiếp tục đọc và chú giải Kinh
Thánh nữa, thì các bản văn này có nguy cơ trở thành những cổ sách trong viện bảo
tàng lịch sử. Cả hai khía cạnh mạc khải Kinh Thánh và chú giải Kinh Thánh cùng thuộc
về một vòng tròn giải thích (hermeneutical circle). Sự liên tục chú giải
trong lịch sử là chứng từ hùng hồn nhất cho tính phong phú của bản văn chứ
không nhất thiết vì tác giả là “thiên tài.” Thiên tài mà không có người khám
phá thì cũng chẳng là thiên tài. “Oedipus” sẽ không là huyền thoại nếu Sigmund
Freud đã không giải thích nó thành “hội chứng Oedipus.” Vì thế, mục tiêu của
chú giải không nhất thiết phải là sự tái tạo tiến trình tư tưởng trở thành ngôn
ngữ nơi tác giả như Schleiermacher đã khẳng định. Thẩm quyền của bản văn nằm ở
chỗ tự nó thể hiện một hình thức sự sống mà không bắt buộc phải lệ thuộc vào tiền
kiến hay ý định có sẵn trước đó. Chúng ta có thể hiểu và tiếp cận Kinh Thánh như
một lời mời gọi cho mọi thể hệ độc giả tương lai bước vào sự phong phú và muôn
màu sắc của cuộc sống mà Lời Chúa muốn trình bày: “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39).
Tài liệu tham khảo
Joseph Tân Nguyễn,
Thông diễn học. NXB. Đồng Nai, 2021
F.D.E.
Schleiermacher. Hermeneutics. The Handwritten Manuscript. Heinz
Kimmerle, ed. Missoula Scholar Press, 1977.
Every Dulles. “Hermeneutical
Theology,” Communio 6 (Spring 1979).
Hans-George
Gadamer. Philosophical Hermeneutics. David E. Linge dịch. University of
California Press, 1976.