Bữa tiệc Agape Triết học

 

Nhắc đến bữa tiệc Agape, chúng ta liên tưởng ngay đến bữa tiệc đậm đà tình huynh đệ với những món ăn, đồ uống khác nhau. Với mục đích hâm nóng tình yêu thương, tình huynh đệ, nên bữa tiệc Agape thường không quá chú trọng đến những món ăn, mà sâu xa là để diễn tả tâm tình, một lời nhắn nhủ mà người tổ chức và những người tham gia muốn trao gửi.

Sáng Thứ Năm, ngày 18/5/2023, tại học viện Phanxicô, cha giáo Giuse Vũ Liên Minh O.F.M đã tổ chức một bữa tiệc Agape Triết học dành cho những sinh viên kết thúc môn Thông Diễn Học của ba cơ sở đào tạo: Chủng viện Sài Gòn, học viện Phanxicô và học viện Anphongsô. Một bữa tiệc triết học với thực đơn thật phong phú và hấp dẫn, gồm 4 “món” chính: Kinh Thánh với chủ đề: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,43-45). Âm nhạc với chủ đề: thông diễn tác phẩm Adagio của nhà soạn nhạc Albinoni trên giọng sol thứ (Gm). Chủ đề thông diễn cho mảng Hội họa: Bức tranh về sự hoài nghi của thánh Toma của danh họa Caravaggio. Và Triết học với chủ đề: Thông diễn câu nói của Hegel: lý tính như đóa hoa hồng trên cây thập giá của hiện tại.

Nhiệm vụ của các sinh viên trước đó là tùy chọn 1 trong 4 món chính để khai triển vấn đề cho người khác hiểu, đồng thời phải dựa trên những kiến thức đã học được từ môn Thông Diễn. Sau ba tuần suy nghĩ và làm bài, cha giáo đã chọn lựa những bài suất sắc nhất của các chủ đề để thuyết trình trong bữa tiệc Agape Triết học. Sáng thứ Năm ngày 18/5/2023, sinh viên môn Thông Diễn Học ở ba cơ sở đào tạo đến tham dự bữa tiệc Agape tại học viện Phanxicô.

Đúng 7h45, 4 vị khách mời đặc biệt: cha giáo Kinh Thánh, cha giáo thánh nhạc, một anh họa sĩ và một bạn sinh viên nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh đã hiện diện tại học viện Phanxicô; cùng với đó là quý thầy sinh viên môn Thông Diễn Học ở ba cơ sở đào tạo cũng có mặt đông đủ; ngoài ra còn có sự tham dự của một số giáo dân.

Bữa tiệc Agape được mở màn bằng “món ăn nền tảng,” đó là chủ đề Kinh Thánh. Sự hiện diện của cha giáo Kinh Thánh không những không làm cho các thầy rụt rè, mà còn tăng thêm động lực và tinh thần cho các thầy. Chủ đề thông diễn mảng Kinh Thánh với việc nói về ý nghĩa của “phục vụ” qua các câu Lời Chúa từ Mc 10,43-45, các thầy đã vượt lên trên bình diện ngôn ngữ để đọc ra được những ý nghĩa ẩn đằng sau hạn từ này. Sự phục vụ của người Kitô hữu không dừng lại ở việc bổn phận, mà còn hy sinh và trao hiến cả chính mạng sống cho tha nhân như Đức Kitô đã nêu gương. Để làm được điều này, không có cách nào khác hơn là ở lại với Đức Kitô, chìm đắm trong Người để đón nhận nguồn sống. Từ đó, người Kitô hữu khao khát được mở lòng mình ra, mong muốn đến với tha nhân để trao ban tất cả những gì họ có. 

Sau “món ăn nền tảng,” những người tham dự được thưởng thức “món ăn Âm nhạc.” Đây là món ăn không thể thiếu trong cuộc sống. Người ta thường nói: Cuộc sống mà không có âm nhạc thì không còn là cuộc sống. Đến với bữa tiệc Agape hôm nay, món ăn Âm nhạc thành công vượt xa sự tưởng tượng của tất cả mọi người. Mở màn món ăn Âm nhạc là sự trình bày của một thầy sinh viên học viện Phanxicô. Bài diễn thuyết không chỉ thể hiện được sự am hiểu về kiến thức nhạc lý của người trình bày, mà thầy còn lồng vào đó một câu chuyện về một hối nhân lê thê bước vào thánh đường. Cuộc đời đã đưa đẩy hối nhân đến bờ của vực thẳm, anh dường như mất hết hy vọng, niềm tin vào thực tại trần thế. Quá đau khổ và thất vọng, anh chạy đến Chúa để tìm được câu trả lời của Người, thế nhưng tất cả đều im lặng, chỉ còn tiếng thở của trời đêm và tiếng than của anh trong màn đêm phủ kín. Với những tiếng rên rỉ, khóc than của anh khi tiếng nhạc bước trên những tiếng bass nhẹ nhàng; và những lời than vãn đến tột cùng của anh khi tiếng đàn Cello dồn dập liên hồi; thế rồi, đoạn cuối với giai điệu huyền bí cho anh một cảm giác bình an. Thứ bình an vượt trên trí hiểu của anh.

Bài diễn thuyết thứ hai được thể hiện bởi thầy Fx. Trần Hồng Kỳ, Dòng Chúa Cứu Thế. Với thế mạnh âm nhạc của mình, thầy đã mang đến một tiết mục văn nghệ như phần khai vị, tiếp đó, thầy quảng diễn kiến thức âm nhạc của mình đã được học từ nhạc viện. Hai phần này chiếm thời lượng tương đối ít. Và phần quan trọng thầy muốn trình bày, đó là câu chuyện về hai cha Dòng Chúa Cứu Thế tại Ukraine đang bị bắt giữ. Giữa tiếng nhạc trầm bổng nổi trôi trong lòng thầy, thầy đã bắt gặp và chạm được nỗi niềm của hai cha. Trong vai trò là một người em, khi chìm mình trong tác phẩm Adagio, thầy đã hình dung nỗi đau khổ của hai người anh: có những tiếng than trách, có những tiếng kêu xé lòng và có những nỗi đau không nói được thành lời. Bên cạnh tiếng than vãn, thầy cũng thấy được niềm tin và tình yêu của hai cha dành cho Thầy Chí Thánh giữa sự bách hại. Trong giây phút thánh thiêng ấy, thầy đã khóc và viết nên lời cầu nguyện tận sâu thẳm tâm hồn của mình – một người em dành cho những người anh trong cùng một Linh đạo Anphongsô. Bài trình bày của thầy Hồng Kỳ đã làm rung động biết bao con tim và gợi lên một sự hiệp thông sâu xa đối với những người khốn khổ ở vùng chiến sự Ukraine, cách riêng là với hai cha Dòng Chúa Cứu Thế. Sau phần chia sẻ, những tiếng vỗ tay như là lời cám ơn mà các khán giả gửi đến cho thầy.

Món ăn thứ ba cũng hấp dẫn không kém, đó là chủ đề Hội họa: thông diễn về bức họa: sự hoài nghi của thánh Tôma của Caravagio. Hai thầy đến từ đại chủng viện và học viện Phanxicô, đặc biệt là vị họa sĩ khách mời đã làm cho khán giả mãn nhãn về kiến thức hội họa của mình. Bức tranh được trình bày bố cục theo quy tắc một phần ba và tỉ lệ vàng, vốn là một cách sắp xếp bố cục và nguyên tắc tỉ lệ dựa trên dãy số Fibonacci [trong đó một con số được xác định bằng cách cộng hai con số đứng trước nó]. Ngoài ra, những diễn giả của mảng hội họa cũng đọc ra được ba điểm nhấn của bức tranh:

Điểm nhấn thứ nhất và cũng là điểm vàng, đó là thánh Tôma chạm vào vết thương của Chúa Giêsu. Một vết thương quá to, quá rõ, quá đậm, đây là điểm trung tâm trong cấu trúc xoắn ốc. Đối diện với nó cũng là một vết thương, nhưng là vết thương của thánh Tôma. Vết thương này quá nhẹ, nhẹ đến nỗi chỉ làm rách một vết nhỏ của miếng vải mỏng bên ngoài. Đôi khi, những đau khổ ta nếm trải trên đường đời cũng giống như vết thương của Tôma, đó chính là lúc ta cần nhìn lên vết thương của Chúa trên đỉnh đồi Calvê; ở đó, một Thiên Chúa hạ mình đến thẳm sâu, một Thiên Chúa xuống nơi tột cùng của nỗi đau nhân loại vì yêu con người. Nơi vết thương của Ngài, ta thấy một tình yêu của một vị Thiên Chúa dành cho con người không sao diễn tả hết thành lời. Thế nhưng, đáp lại, con người lại mặc lấy sự hoài nghi về tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ. Cái chạm của Tôma là một cái chạm mà mỗi người Kitô hữu cần phải có để hiểu mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu chết và sống lại vì con người.

Điểm nhấn thứ hai là việc hai tông đồ đứng xung quanh, chứng kiến cảnh tượng. Hai tông đồ ấy là đại diện cho người Kitô hữu thời đại hôm nay, mặc dù họ không được trực tiếp chạm vào vết thương của Chúa như thánh Tôma nhưng sự hoài nghi của họ chẳng khác Tôma xưa là bao. Bởi thế, họ cần cái chạm như thánh Tôma, một cái chạm của cộng đoàn người tin, một cái chạm phá tan sự hoài nghi. Trong tiến trình hiệp hành của Giáo hội, những người Kitô hữu cần hiệp nhất với nhau trong cùng một niềm tin để đời sống đức tin ấy triển nở với nhau và cho nhau.

Điểm nhấn cuối cùng, đó là phía sau các nhân vật là một nền tường đen, mới nhìn cứ ngỡ là một nền tường đơn sắc nhưng nhìn kỹ thì chúng ta nhận ra đó là một màu đen được tổng hòa từ nhiều màu khác nhau. Đời sống đức tin cũng vậy, nó được hình thành từ sự tổng hòa của những biến cố, những kinh nghiệm vui buồn sướng khổ. Giữa những sự va đập bởi các màu tạo nên một sự đen tối, nhưng sự đen tối ấy có sự hiện diện của Đức Kitô – Đấng đã chết và nay đã phục sinh. Cái chết được thể hiện qua vết thương nơi cạnh sườn, sự phục sinh được tô vẽ nơi ánh sáng trắng lớn nhất trên vai phải của Chúa Giêsu [một sự tinh tế thể hiện kỹ thuật vẽ]. Với sự hiện diện của những nhân vật được tô vẽ khéo léo trên khung nền “đen tổng hợp” làm cho bức tranh trở nên có giá trị. Cũng vậy, sự hiện diện của Chúa giữa những đau khổ làm cho cuộc đời của ta có ý nghĩa.

Món ăn cuối cùng thuộc lãnh vực triết học. Đến mảng này, đồng hồ điểm 10 giờ 35 phút. Đây cũng là khoảng thời gian ai cũng thấm mệt. Nó lại rơi vào chủ đề được đánh giá “1 sao” trong giới tri thức. Chủ đề triết học thường được coi là khô khan và kém vui nhất. Người ta hay nói: Triết học là làm cho cái gì dễ hiểu trở nên khó hiểu. Thế nhưng, bữa tiệc Agape hôm nay, với sự thông diễn của hai thầy đến từ đại chủng viện và học viện Phanxicô, họ đã kéo sự khó hiểu của tư tưởng Hegel trên chín tầng mây về với mặt đất.

Hai diễn giả đã trình bày hạn từ Lý tính của Hegel và những biểu tượng hoa hồng, thập giá một cách dễ hiểu nhất. Quả thật, hạn từ Lý tính của Hegel được ông dàn trải trên những tác phẩm đồ sộ [mỗi cuốn chiếm dung lượng ngang ngửa sách Kinh Thánh trọn bộ], đặc biệt là trên ba tác phẩm Hiện tượng học tinh thần, Khoa học LogicTriết học Pháp quyền. Sau đó, thầy sinh viên đến từ học viện Phanxicô đã kể một câu chuyện trong kinh nghiệm mục vụ về một người mẹ trải qua nỗi đau mất con. Thầy kết luận rằng, thập giá và bông hồng là điều luôn hiện diện trong cuộc sống của mỗi người. Bởi thế, đứng trước những nỗi đau gặp phải trên đường đời, ta đừng để nó đánh gục, ta cần phải nhận ra có những bông hồng của niềm hy vọng, những bông hồng của tình yêu đang vươn nở trên cây thập giá.

Bữa tiệc Agape triết học kết thúc lúc đồng hồ điểm 11:00. Mặc dù thời gian khá dài nhưng nổi lên trên khuôn mặt của những người tham dự là niềm vui và thái độ biết ơn về bữa tiệc tinh thần. Suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ, số lượng người không suy giảm chút nào. Trước khi rời học viện Phanxicô, mọi người tập trung vào nhà nguyện để tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những hồng ân mà Ngài đã ban xuống cho tất cả mọi người trong bữa tiệc hôm nay.

Michael Trần Văn Hiển











Bữa tiệc Agape Triết Học

Học viện Thánh Anphongsô