Cha Augustinô Nguyễn Hoà Hiệp, DCCT: Mục tử hiến mạng sống vì những người nghèo trong nạn đói 1945

Cha Augustinô Nguyễn Hoà Hiệp


Augustinô Nguyễn Hoà Hiệp là con trai cả trong một gia đình có sáu anh em. Hiệp sinh ngày 2-5-1913 tại Trung Đồng, Thái Bình. Cha là Augustinô Nhiễm, mẹ là Rosa Hảo. Cha Hiệp vẫn nhớ là cha mẹ đã áp dụng câu châm ngôn “thương con cho roi cho vọt…” và không hề coi đó là một sự bất hạnh khi được cha mẹ dạy bảo. Ngay từ bé, Hiệp đã có chí hướng đi tu. Lúc 10 tuổi được nhận vào ở với cha xứ để được chuẩn bị vào Chủng viện. Hiệp là người ở lại duy nhất trong số 30 chú bé. Được nhận vào Tiểu Chủng viện Ninh Cường, Hiệp được cha linh hướng dẫn dắt về đời sống tu sĩ trong Dòng Đa Minh và được nhập Học viện thánh Albertô ở Nam Định vào năm 1930. Cha giáo dạy Lịch sử Hội Thánh, Cha Aragon, đã nói nhiều về thánh tiến sĩ Anphongsô, người tôi tớ nhiệt thành của Đức Mẹ. Khi được biết ngài còn lập một Hội Dòng mang tên Chúa Cứu Thế thì Hiệp chỉ có một ước mơ là được làm thành viên của Hội Dòng “các cha cổ trắng, các thầy cổ đen.” Từ đó Hiệp tỏ ý muốn vào Dòng Chúa Cứu Thế.

Ý định đó đã đem đến cho Hiệp nhiều phiền luỵ. Người ta đe doạ đuổi Hiệp, bắt Hiệp phải trả lại mọi chi phí ăn học. Họ nói với Hiệp: “Sự cứu rỗi đủ bảo đảm cho anh trong cuộc sống giáo sĩ triều.” Hiệp trả lời tuyệt vời: “Đủ cho sự cứu rỗi nhưng chưa đủ cho tình yêu.” Phải chờ đến khi Đức Giám mục G.B Hồ Ngọc Cẩn kế nhiệm Đức cha Muragorri năm 1936 thì thầy Hiệp mới được như ý muốn. Thầy làm đơn xin vào Dòng. Thầy Hiệp còn phải gửi đơn xin Thánh Bộ Truyền giáo ban phép và nhận quyết định đó ngày 25-5-1938. Thầy được nhận vào Dòng ngày lễ Thánh Anphongsô 1938 và nhập Đệ tử Huế. Đã lớn tuổi, đã làm thầy giảng và đã hoàn tất 4 năm Đại Chủng viện, thầy được có phòng riêng do sự quan tâm tế nhị của cha Larouche, nhưng thầy Hiệp năm nỉ để được đối xử như mọi chú khác ít tuổi hơn thầy. Thầy Hiệp vào đoàn Hành Lữ và đến ngày 10-7-1939 thì được nhận vào Nhà Tập tại Hà Nội cùng với 6 chú Đệ tử khác. Thầy Hiệp mặc áo Dòng ngày 1-8-1939. Thầy trổi trang về lòng khiêm nhường, dễ dạy và lòng yêu mến thánh Anphongsô. Đáng lẽ, lễ khấn được cử hành ngày 2-8, nhưng vì chiến tranh, liên lạc gặp trở ngại nên mãi đến 15-8-1940 thầy Hiệp mới được khấn Dòng. Sau 3 năm Học viện, thầy Hiệp khấn trọn đời ngày 15-8-1943. Đức cha Cẩn phong các chức lớn cho thầy tại Bùi Chu và ngày 21-8-1943, thầy Augustinô Nguyễn Hoà Hiệp lãnh chức Linh mục bởi tay Đức cha Chaize tại nhà thờ của Dòng tại Thái Hà.

Ngày 25-8 cha Hiệp được cử về Nam Định với cha Nguyễn Kim Dong, một tâm hồn nhiệt thành nhưng tính tình lại khác: Cha Dong hướng về hoạt động, cha Hiệp hướng về nội tâm. Cả hai đều nhiệt thành.

Đến cuối năm, cha Hiệp lại được gọi về Hà Nội và lãnh nhiều công việc nặng nhọc khi các cha Canada bị cấm làm mục vụ và bị câu lưu tại nhà Dòng. Cha Hiệp phải làm hết mọi việc: giảng các ngày thứ bảy, Chúa nhật, dạy giáo lý, linh hướng hội Vinh Sơn Phaolô, thăm viếng kẻ liệt, có ngày phải đi đến 13 lần. Cha còn làm linh hướng các thầy trợ sĩ, lãnh thêm phần việc dạy tiếng Việt cho các thừa sai Canada. Công việc cha phải làm thật nặng nề. Cha nói: “Khi được yêu cầu làm một việc gì, tôi không nghĩ đến sức khoẻ của tôi, giờ giấc của tôi, mà chỉ nghĩ xem việc đó có ích thế nào. Và tôi không từ chối.”

Cha Michel Laliberté viết như sau: “Cha Hiệp, một Linh mục người Việt Nam của chúng tôi là Linh mục duy nhất được làm việc. Ngài tỏ ra xuất chúng bởi lòng nhiệt thành. Một mình ngài mang hết trách nhiệm mục vụ giáo xứ nên cha phải xông xáo từ 10 đến 12 giờ một ngày để thăm viếng những người bệnh. Đêm của ngài đã bị rút ngắn lại nhiều. Lót lòng của ngài thường trùng với bữa ăn trưa. Thêm vào đó, cha phải giảng các Chúa nhật và suốt ngày thứ Bảy, bởi vì giáo dân đến rất đông và việc kính Đức Mẹ phải tái diễn đến 5 lần. Công việc thật mênh mông. Cha tận tuỵ không từ chối sự gì. Nhưng sức khoẻ kém của ngài đã không lướt thắng được những đau khổ thể xác và tâm hồn lớn lao như thế. Ngài phải đem sự an ủi đến với những con người đói rách tật bệnh,… tất cả đòi ở nơi ngài một sức mạnh phi thường luôn tỉnh thức. Ngài đã thú với một anh em: “Tôi cảm thấy một sự ghê tởm không thể tả được khi phải đến gần những kẻ hấp hối xông mùi xú uế và đầy chí rận.” Thế nhưng sự ghê tởm đó sẽ chẳng ai biết đến nếu không phải chính ngài đã nói ra, bởi vì khi đi hay lúc về ngài vẫn có nụ cười tươi sáng. Ngài có được niềm vui siêu nhiên nhất là vì đã mở cửa Trời cho những con người khốn khổ kia. Ngày 25-4, sau khi đã phải đi suốt đêm và buổi sáng hôm sau, người anh em trở về với cơn sốt nặng. Ngài liệt giường. Hôm sau, cơn sốt qua đi. Ngài lại lên đường và đến trưa thì trở về. Cơn sốt lại đến và vật ngã ngài. Ngài quỵ trước bệnh dịch sốt thương hàn ghê sợ và rất đau đớn. Sau 15 ngày bệnh, với nụ cười trên môi, ngài trút hơi thở cuối cùng. Ngài được thương tiếc nhiều, nhất là trong lúc này ngài rất cần cho những linh hồn tất bạt.”

Những tai ương xảy đến tại miền Bắc, cách riêng tại Hà Nội đã cho thấy tầm vóc của một con người chỉ sống vì tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại. Cha Irénée Marquis viết về những ngày cuối cùng của cha Hiệp như sau: “Khắp nơi trong thành phố, đói và dịch làm tăng số nạn nhân. Cha Hiệp tận tuỵ, ngài chạy đến bên giường những ai kêu cầu đến ngài, để ban phép Rửa tội, xức dầu. Tự nhiên, ngài cũng sợ dịch. Con tim của ngài cũng lồng lên khi đến bên những người sắp chết mà quần áo rách rưới, lắm khi bị quẳng ngoài đồng ruộng hay được tập trung trong những căn chòi hôi tanh xú uế. Ngài cũng cảm thấy một sự nhờm gớm khó tả. Nhưng không bao giờ cha từ chối. Hôm nay là 23-4, sau một buổi công tác như thế cha trở về nhà Dòng và cảm thấy vừa mệt vừa sốt. Ai cũng nghĩ rằng cha chỉ cần nghỉ và ngủ thì sẽ phục hồi sức lực đã mất do công việc. Thứ Ba, 24 tháng 4, mặc dầu có trễ hơn thường nhưng cha vẫn dậy, dâng lễ và còn đáp lại lời mời của người bệnh. Vào lúc gần trưa, cha về nhà, kiệt sức. Sốt tăng cao. Hôm sau, cha không thể dâng lễ được. Bác sĩ được mời tới. Chẩn đoán chưa rõ rệt. Cha có mắc bệnh “dịch” chăng? Hay là bệnh thương hàn. Dầu sao thì bệnh tình rất nặng. Bác sĩ đòi phải cách ly người bệnh. Cha được đưa đến nhà thương. Người ta không cho cha nhập viện. Sau khi tham khảo ý kiến và với sự đồng ý của bác sĩ, cha được đưa đến lớp triết ở một căn nhà nhỏ sau tu viện. Các thầy học viện đã giúp đưa cha đến đó. Tâm hồn xao xuyến. Cha nói: “Bệnh tôi rất nặng, nhưng dầu sao tôi rất vui sướng được chết. Thật là buồn khi tôi phải sống cách ly ở đây, xa anh em trong Dòng.” Tôi đã cố gắng an ủi ngài và nói là tôi hết lòng giúp đỡ ngài. Khi tôi tạm bỏ ngài thì thấy cha Hiệp vẫn thản nhiên.
Sốt vẫn cứ tăng. Cha không ngủ được. Tình trạng bị cách li làm cho ngài bị ảnh hưởng sâu đậm. Hôm sau, sốt lên 40 độ. Tâm lý suy sụp. Ngày 27, ngài xin ân huệ được ngủ trong Nhà Dòng. Bác sĩ đã rỏ ra rất nghiêm khắc. Một anh em được phép ngủ lại trong phòng với ngài. Đêm trải qua khá bình an. Tâm hồn ngài đã tìm lại được sự an bình. Cơn sốt hoành hành thân xác đã kiệt sức bởi công việc lao lực. Bác sĩ khám nghiệm lại và xác định là cha bị bệnh dịch. Cần phải tăng cường lực cho tim để người bệnh có thể lướt thắng cơn sốt. Việc đó cần 15 ngày. Sau đó thì mới có thể kết luận dứt khoát được. Trong đêm thứ Bảy, ngày 28, người bệnh nôn nao không ngủ được. Bác sĩ đã cho biết về diễn tiến của căn bệnh: nói sảng, bất tỉnh, tỉnh lại rồi ngủ trong 2 tiếng đồng hồ là dấu chỉ cho sự lành bệnh… bằng không thì…. Nhưng vào khoảng 3-4 giờ, cha Hiệp mất sự minh mẫn. Người anh em canh thức cha nhận thấy chân của cha đã lạnh toát khi trán nóng bừng và mặt đỏ au. Có lúc cơn sốt làm rúng động cả thân xác của ngài rồi sau đó lại để ngài bất động. Người bệnh xin được đắp chăn vì ngài nói là rét run lên. Người ta làm theo ý ngài và bóp chân để máu lưu thông. Cha yên tĩnh và ngủ. Chỉ một giờ sau, chuông Nhà Dòng đánh thức mọi người dậy. Cái gì đã xảy ra? Người bệnh toát mồ hôi, nghiến răng một cách đáng e ngại. Chiếc khăn trải gối đầy máu. Cha lãnh nhận bí tích Xức dầu. Tuy không nói được, nhưng cha Hiệp theo dõi dễ dàng những lời kinh và còn làm dấu Thánh Giá trên mình. Cha Bề trên xức dầu cho ngài. Vào lúc 8 giờ, cơn sốt hạ. Người ta mang Mình Thánh cho ngài. Ngài đã nhận diện được anh em.

“Tình trạng của cha Hiệp thật bấp bênh. Có lúc ngài bị ám ảnh, tỏ ra khiếp đảm trước sự chết và phán xét, có lúc ngài tìm lại được sự bình tĩnh. Cha không còn nói được mà chỉ ra hiệu bằng tay. Ngày 6-5, cha rước lễ lần cuối. Ngày thứ Hai, 7-5, các cha thay nhau dâng lễ trong phòng ngài. Ngài biết được những gì đang xảy ra, chỉ tay vào miệng như có ý xin được rước lễ. Một mẩu bánh thánh được đưa cho ngài với một muỗng nước, nhưng ngài không thể nuốt được. Đến 10 giờ, chuông gọi Nhà Dòng đến phòng người bệnh, kinh “In manus tuas Domine” được cất lên và cha Augustinô Hiệp đã ra đi vĩnh viễn, hai tay ôm Thánh Giá, mắt vẫn mở hướng về trời. Cha mới 32 tuổi, 5 ngày.”

“Cuộc sống của cha Augustinô Nguyễn Hoà Hiệp không dài, nhưng rõ ràng chí hướng của ngài hướng về Chúa, lòng nhiệt thành tông đồ, lòng yêu mến quý trọng Thánh Anphongsô, Dòng Chúa Cứu Thế và tình cảm gắn bó với anh em trong Dòng đã làm cho ngài mãi là một gương sáng. Ngài đã yêu mến, và vì yêu mến, ngài đã không quản ngại đến bản thân. Ngài đã hy sinh mình, hy sinh đến mạng sống để làm tròn nhiệm vụ yêu thương. Những người khổ đau được ngài cứu giúp, những người bị vất bỏ ngoài đường đã được ngài giúp về phần xác và còn đưa về với Thiên Chúa. Cha đã làm Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, đúng theo lý tưởng cha đã tìm được ngay từ thời niên thiếu và đã đeo đuổi cho bằng được. Gương hy sinh tận tụy của cha Hiệp mãi được nhớ đến và cái chết của ngài đã góp phần làm cho nền móng của Dòng tại Việt Nam được vững chắc.”

Học viện Thánh Anphongsô