Dẫn lễ tạ ơn của tân Linh mục

 Tân Linh mục

DÂNG THÁNH LỄ TẠ ƠN THIÊN CHÚA

VÀI LƯU Ý

1. Chắp tay: ngón phải đặt trên ngón trái theo hình Thánh Giá. Các vị đồng tế và các thừa tác viên khi đi đứng cũng phải chắp tay, trừ khi phải mang vật gì bằng hai tay. Khi làm dấu trên mình, khi cầm bình hương… thì để tay trái trên ngực (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 107-108).

2. Ngồi: để hai lòng bàn tay úp trên đầu gối (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 109).

3. Cúi đầu và cúi mình:

 Cúi đầu: mỗi khi đọc kinh Ba Ngôi Thiên Chúa một trật, khi đọc tên Chúa Giêsu, tên Đức Maria đồng trinh và tên vị thánh được kính trong lễ hôm ấy, và đọc phụng vụ giờ kinh.

 Cúi mình hoặc cúi sâu: đối với bàn thờ nếu không có nhà tạm với Mình Thánh ở trong, với Giám mục, trước và sau khi xông hương, và mỗi khi sách phụng vụ dạy rõ, khi đọc các kinh “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy…,” và kinh “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận…,” khi đọc câu: “Bởi phép Chúa Thánh Thần…” trong Kinh Tin kính, câu: “Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa…” trong Lễ Quy Rôma. Phó tế cũng cúi mình khi xin chúc lành trước khi đi đọc bài Tin Mừng. Ngoài ra, Linh mục cũng hơi cúi mình khi đọc lời truyền phép (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 275; Sách Lễ nghi Giám mục, số 68).

4. Xông hương, xin tóm tắt như sau:

 Việc xông hương bày tỏ sự tôn kính và cầu nguyện, theo ý nghĩa trong Sách Thánh (x. Tv 140,2; Kh 8,3) (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 276).

‒ Có thể xông hương lễ vật đặt trên bàn thờ, rồi xông hương Thánh Giá và chính bàn thờ, để nói lên rằng lễ vật và lời cầu nguyện của Hội Thánh cũng ví như hương trầm bay lên trước thánh nhan Chúa. Sau đó, Phó tế hoặc thừa tác viên nào khác có thể xông hương cho Linh mục, vì ngài đã được lãnh chức thánh, và xông hương cho cộng đoàn, vì phẩm giá do bí tích Thánh Tẩy ban tặng (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 75).

 Có thể tuỳ nghi dùng hương trong bất cứ hình thức Thánh Lễ nào (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 276):

*  Khi đi rước ra bàn thờ;

*  Đầu lễ, xông hương Thánh Giá và bàn thờ;

*  Khi rước Sách Tin Mừng và trước khi công bố bài Tin Mừng;

*  Sau khi đặt bánh và chén trên bàn thờ, xông hương lễ vật, Thánh Giá và bàn thờ, rồi cũng xông hương Linh mục và cộng đoàn;

*  Khi nâng Bánh thánh và Chén thánh sau truyền phép

 Khi bỏ hương vào bình, chủ tế thinh lặng và làm phép bằng một dấu Thánh Giá trên bình hương (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 277; Sách Lễ nghi Giám mục, số 90).

 Chỉ có Giám mục mới ngồi khi bỏ hương (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 140; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 131-132 và 212; Edward McNamara, Khi bỏ hương vào bình hương, Linh mục ngồi hay đứng?). Khi bỏ hương vào bình, nếu Giám mục ở tại tòa hoặc ở một ghế khác thì ngài ngồi, bằng không, Ngài đứng mà bỏ hương, thầy Phó tế cầm tàu hương. Giám mục làm phép hương bằng dấu Thánh Giá và không đọc gì cả. Sau đó, Phó tế cầm lấy bình hương do người giúp lễ trao và đưa cho Giám mục (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 90).

 Trước và sau khi xông hương, cúi mình chào người hoặc vật được xông hương, trừ bàn thờ và lễ vật dùng cho Thánh Lễ (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 277; Sách Lễ nghi Giám mục, số 91).

 Phải quỳ khi xông hương Mình Thánh Chúa (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 94).

 Tất cả những ai tiếp nhận việc xông hương đều phải đứng (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 96).

 Số lần, số cú:

Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 277:  “Tribus ductibus thuribuli incensantur: Ss.mum Sacramentum, reliquia sanctae Crucis et imagines Domini publicae venerationi expositae, oblata pro Missae sacrificio, crux altaris, Evangeliarium, cereus paschalis, sacerdos et populus. Duobus ductibus incensantur reliquiae et imagines Sanctorum publicae venerationi expositae, et quidem initio tantum celebrationis, cum incensatur altare / The following are incensed with three swings of the thurible: the Most Blessed Sacrament, a relic of the Holy Cross and images of the Lord exposed for public veneration, the offerings for the sacrifice of the Mass, the altar cross, the Book of the Gospels, the Paschal Candle, the priest, and the people. The following are incensed with two swings of the thurible: relics and images of the Saints exposed for public veneration, which should be done, however, only at the beginning of the celebration, after the incensation of the altar / Xông hương ba lần: trước Thánh Thể, gỗ Thánh giá, các ảnh Chúa được trưng bày cho người ta cung kính, thánh giá của bàn thờ, sách Tin Mừng, nến Phục sinh, Linh mục và cộng đoàn. Xông hương hai lần: trước xương và ảnh các Thánh được trưng bày cho người ta tôn kính, và chỉ làm lúc đầu lễ khi xông hương bàn thờ.”

Mỗi “LẦN” gồm hai “CÚ” là tập tục phổ quát trong thực tế, trong đó, mỗi “LẦN” (ductus) gồm có hai “CÚ” (ictus, swings). Vì vậy, bình hương được nâng lên, lắc hai cú về vật hoặc người được xông hương, rồi hạ xuống.

* Ví dụ, sự mô tả sau đây về “hai lần, hai cú” được tìm thấy trong sách nghi thức trước Công đồng Vatican II của Fortescue-O'Connell: “Hai lần, hai cú (“ductus duplex”) được thực hiện bằng cách nâng bình hương lên ngang mặt, sau đó lắc về phía vật hoặc người được xông hương, và lắc thêm lần nữa, sau đó hạ thấp bình hương.” Sự mô tả về HAI LẦN, HAI CÚ (double swing) dựa trên các sắc lệnh của Thánh bộ Nghi lễ năm 1862 và 1899 (các Sắc lệnh số 3110 và 4048).

*  Xông hương BA lần, mỗi lần HAI cú: trước Thánh Thể, gỗ Thánh Giá, các ảnh Chúa được trưng bày cho người ta tôn kính, lễ vật của Thánh Lễ, Thánh Giá của bàn thờ, Sách Tin Mừng, Nến Phục Sinh, chủ tế, đồng tế, và cộng đoàn, thi hài người quá cố (nếu lối đi không đủ rộng để có thể xông hương xung quanh).

*  Xông hương HAI lần, mỗi lần HAI cú: trước xương và ảnh các thánh được trưng bày cho người ta tôn kính, và chỉ làm lúc đầu lễ khi xông hương bàn thờ (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 277; Sách Lễ nghi Giám mục, số 92).

*  Xông hương BA lần, mỗi lần BA cú đối với Mình Thánh Chúa: phải có phép riêng của Toà Thánh (x. Edward McNamara, Nói thêm về các cú và lắc khi xông hương).

 Cách xông:

*  Xông thẳng (ba lần, mỗi lần hai cú): Mình Thánh, Máu Thánh, Thánh Giá, Nến Phục Sinh, chủ tế, sách có bài Exsultet (cách nhớ: một đối tượng thì xông thẳng).

*  Xông giữa – trái – phải (mỗi vị trí xông hai cú): Sách Thánh, đồng tế, lễ vật của Thánh Lễ (cách nhớ: một nhóm đối tượng thì xông giữa – trái – phải).

*  Xông từng cú một (“tạt” vào đối tượng từng cú một): bàn thờ, quan tài (nếu có thể đi xung quanh được).

 Linh mục xông hương ba lần trên lễ vật (xông giữa – trái – phải) trước khi xông Thánh Giá và bàn thờ, hoặc dùng bình hương vẽ hình Thánh Giá trên lễ vật (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 277), tức là Linh mục chọn một trong hai hình thức xông chứ không phải thực hiện cả hai hình thức.

 Thứ tự xông hương trong Thánh Lễ là chủ tế trước, rồi đến đồng tế (xông hương chung cho các vị), sau cùng đến dân chúng (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 96). Các Giám mục và các kinh sĩ không đồng tế được xông hương chung với giáo dân. Trong trường hợp một Giám mục chủ toạ nhưng không đồng tế, ngài được xông hương chung với các vị đồng tế. Theo tập tục, các vị lãnh đạo nhà nước, khi tham dự chính thức trong buổi phụng vụ, thì được xông hương sau Đức Giám mục (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 96-97).

 Vị chủ tế không nên đọc kinh nào hoặc nói lời nào cho đến khi việc xông hương đã hoàn tất (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 98).

5. Trong trường hợp có Giám mục hiện diện nhưng không cử hành Thánh Thể, ngài vẫn chủ sự phần phụng vụ Lời Chúa, và chính ngài kết thúc Thánh Lễ với nghi thức chúc bình an (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 176-186).

6. Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 124: Ngoại trừ vị chủ tế phải luôn luôn mặc áo lễ theo màu ấn định, Sách lễ Rôma cho quyền các linh mục đồng tế trong Thánh Lễ “khỏi mặc áo lễ, mà chỉ mang dây stola trên áo alba,” trước một lý do chính đáng, ví dụ như số các vị đồng tế quá đông và không có đủ lễ phục. Nhưng mà, nếu người ta có thể tiên liệu một trường hợp như thế, phải cố gắng hết sức cho có đủ lễ phục. Ngoại trừ vị chủ tế, các vị đồng tế có thể, khi cần, mặc áo lễ màu trắng nữa. Về phần còn lại, các ngài phải tuân thủ các quy tắc khác của những sách phụng vụ.


DẪN:

Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 118,1).

 

Kính thưa cộng đoàn,

hôm nay,

từng hồi chuông rộn rã

hoà nhịp với bước chân hân hoan

của các tín hữu gần xa

tiến về ngôi thánh đường [cổ kính] của giáo xứ [giáo họ, họ đạo,…] …

để cùng dâng lời chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa

với tân Linh mục …,

một người con của giáo xứ [giáo họ, họ đạo,…] ...

 

Ngược dòng thời gian,

cách đây không lâu,

nhờ Thánh Thần soi dẫn,

chàng thanh niên …

đã đáp lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa,

dấn thân bước theo Đức Kitô Cứu Thế.

Anh quyết định tận hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa,

và trở thành tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế.

 

Sau thời gian tu học tại Học Viện Thánh Anphongsô,

nhờ hồng phúc của Thiên Chúa,

năm …, thầy … đã được thụ phong Phó tế, do Đức Giám mục …

Ngày … vừa qua, tại …,

thầy Phó tế …

tiếp tục được Đức cha …, Giám mục giáo phận …,

đặt tay truyền chức Linh mục.

Tân Linh mục …

đã chọn câu Lời Chúa: “…” làm tâm niệm đời Linh mục của mình. [có thể quảng diễn thêm…].

Giáo xứ [giáo họ, họ đạo,…] …

vui mừng vì hồng ân Linh mục

mà Thiên Chúa ân ban cho Hội Thánh,

cho [tổng] giáo phận …,

cách riêng,

cho Hội Dòng Chúa Cứu Thế.

 

Hôm nay,

người con yêu quý của giáo xứ [giáo họ, họ đạo,…] …

trở về ngôi thánh đường thân thương,

nơi mình đã được sinh ra và lớn lên,

để dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa,

đồng thời cầu nguyện cho tất cả mọi người,

ông bà cha mẹ, thân nhân, ân nhân, bạn hữu,

còn sống cũng như đã qua đời,

trong gia đình, giáo xứ [giáo họ, họ đạo,…] và Nhà Dòng.

 

Vì thế,

chúng ta cùng thành tâm tham dự Thánh Lễ này,

trước là hợp lòng với tân Linh mục …

trong các ý nguyện của ngài,

sau là khẩn xin Thiên Chúa

ban cho tân Linh mục

hằng mạnh mẽ trong đức tin,

phấn khởi trong đức cậy,

sốt sắng bởi lòng mến,

bừng cháy lòng nhiệt thành,

để đi theo Đức Kitô Cứu Thế

với trái tim tràn ngập niềm vui,

tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô

và công bố mầu nhiệm đó

bằng đời sống và lối nói giản dị

theo tinh thần Tin Mừng,

hầu đem lại Ơn Cứu Chuộc chứa chan cho con người.

 

Nhân dịp trọng đại này,

Hội Thánh ban Ơn toàn xá

cho tân Linh mục và các tín hữu sốt sắng tham dự Thánh Lễ tạ ơn,

với các các điều kiện thường lệ là:

 Giục lòng ăn năn, chê ghét, dốc lòng chừa mọi hình thức của tội.

 Xưng tội.

 Rước lễ.

 Cầu nguyện theo ý của Đức Giáo Hoàng, bằng cách đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng.

Cho nên,

xin cộng đoàn chuẩn bị tâm hồn

và tham dự sốt sắng Thánh Lễ tạ ơn

hầu có thể xứng đáng lãnh nhận Ơn toàn xá.

 

Thứ tự đoàn rước như sau:

[Theo quy tắc sau,[1] linh động tuỳ hoàn cảnh]

 Người cầm bình hương nghi ngút khói (lắc nhẹ bình hương qua lại hoặc lên xuống để khói bay lên, tuỳ lối đi rộng hẹp).

 Người cầm Thánh Giá có tượng chịu nạn.

 Đèn hầu.

 Người cầm tàu hương.

 Các hội đoàn (nữ đi trước – nam đi sau, không đồng phục đi trước – có đồng phục đi sau).

 Đại diện Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ [giáo họ].

 Đại diện linh tông, huyết tộc.

 Ông bà cố.

 Những người giúp lễ khác.

 Phó tế (hoặc thầy đã lãnh tác vụ Đọc sách) cầm sách Tin Mừng (đủ cao để mọi người có thể nhìn thấy được). [Cách nhớ: trước người cầm sách Tin Mừng là những người không có chức thánh, sau người cầm sách Tin Mừng là những người có chức thánh.]

 Các Phó tế (nếu có, từng hai người một).

 Các Linh mục đồng tế (từng hai người một).

 Linh mục chủ tế đi một mình.

 Hai Phó tế giúp lễ (nếu có, đi sau Linh mục chủ tế một chút).

 

Trước khi bắt đầu Thánh Lễ,

mời cộng đoàn quỳ,

hợp cùng tân Linh mục và quý cha đồng tế

đọc Kinh Phục Vụ Bàn Thánh.

KINH PHỤC VỤ BÀN THÁNH[2]

(Đọc trước Thánh Lễ)

Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã thương mời gọi con đến hiệp dâng Hy Lễ với Chúa. Giờ đây, con sắp ra trước Bàn Thánh Chúa. Xin tẩy rửa con sạch mọi tội lỗi, để con xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, đụng chạm đến Mình Máu Thánh Chúa. Xin ban cho con lòng yêu mến Chúa nồng cháy, để con được kết hiệp mật thiết với Chúa, được cùng Chúa tự hiến thân mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha. Xin Chúa thương nhậm lời cầu xin của con. Amen.

DẪN:

Với niềm tri ân, cảm tạ,

giờ đây,

mời cộng đoàn đứng,

cùng với tân Linh mục … [Đức cha] và quý cha đồng tế

hân hoan bước vào Thánh Lễ tạ ơn.

[Khi đoàn đồng tế đến cuối nhà thờ]

Xin cộng đoàn hướng về phía cuối nhà thờ để đón đoàn đồng tế.

NGHI THỨC ĐẦU LỄ

Khi cộng đoàn đã tụ họp, Linh mục và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới bàn thờ theo thứ tự sau đây:

 Người cầm bình hương có bỏ hương sẵn, nếu có xông hương;

 Các thừa tác viên cầm nến sáng, có thừa tác viên giúp lễ hoặc một thừa tác viên khác cầm Thánh Giá đi giữa họ[3];

 Các thừa tác viên giúp lễ và các thừa tác viên khác;

 Phó tế hoặc thầy đã lãnh tác vụ Đọc sách cầm Sách Tin Mừng [chứ không phải Sách Bài Đọc, giơ cao lên một chút]. Người cầm sách Tin Mừng đi trước những người có chức thánh. Nếu Phó tế không cầm sách thì đi bên cạnh Linh mục chủ tế.

 Các Linh mục đồng tế.

 Linh mục chủ tế.

 Hai Phó tế (nếu có, đi sau Linh mục chủ tế một chút).[4]

Khi tới bàn thờ, nếu Phó tế cầm Sách Tin Mừng, thì thầy tiến lên bàn thờ mà không cúi chào. Rồi sau khi đặt Sách Tin Mừng lên bàn thờ, thầy cùng với Linh mục hôn kính bàn thờ. Còn thừa tác viên không có chức thánh thì đặt sách Tin Mừng lên bàn thờ nhưng không hôn bàn thờ.

Nếu không cầm Sách Tin Mừng, Phó tế cùng với Linh mục chủ tế cúi mình trước bàn thờ như thường lệ, rồi cùng Linh mục chủ tế tiến lên hôn kính bàn thờ.[5]

Thánh Giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh đã cầm đi rước, có thể dựng bên cạnh bàn thờ để làm Thánh Giá tại bàn thờ hoặc cất đi và đặt vào nơi xứng đáng vì bàn thờ chỉ được có một Thánh Giá. Còn nến sáng thì đặt trên bàn thờ hoặc cạnh bàn thờ. Sách Tin Mừng, thì đặt trên bàn thờ.

Cuối cùng, nếu có xông hương, Phó tế cầm tàu hương, Linh mục chủ tế bỏ hương vào bình và thinh lặng làm phép bằng một dấu Thánh Giá. Sau đó, Phó tế cầm bình hương do người giúp lễ trao và đưa cho Linh mục chủ tế, rồi tháp tùng[6] với Linh mục chủ tế khi xông hương Thánh Giá và bàn thờ.

Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hoặc những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ.

Linh mục chủ tế xông hương bàn thờ từng nhịp một[7] (vừa đi chung quanh vừa “tạt” bình hương vào bàn thờ) theo cách thức sau đây:

a) Nếu bàn thờ cách biệt vách tường, Linh mục vừa đi chung quanh bàn thờ vừa xông hương;

b) Nếu bàn thờ không cách biệt vách tường, Linh mục vừa đi qua vừa xông hương phía tay phải bàn thờ, rồi vừa đi qua vừa xông hương phía tay trái.

c) Nếu Thánh Giá đặt phía trên bàn thờ hoặc tại bàn thờ, thì xông hương Thánh Giá trước khi xông bàn thờ; nếu không thì xông hương khi Linh mục đi ngang qua trước Thánh Giá.

Khi xông hương Thánh Giá thì xông thẳng, 3 lần, mỗi lần 2 cú.

Xông hương xong, Phó tế cùng với Linh mục chủ tế tới chỗ ngồi, tại đó, Phó tế ngồi bên cạnh và giúp Linh mục chủ tế khi cần.[8]

Cũng có thể chọn cách thực hành khác:

 Đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ, đang khi ca đoàn hát bài ca rước đoàn đồng tế.

 Các vị đồng tế hôn bàn thờ và trở về chỗ.

 Cha Xứ giới thiệu và chào mừng quý khách [phần giới thiệu này được hiểu là “nằm ngoài phụng vụ”].

 Linh mục chủ tế (và Phó tế giúp lễ chính) hôn bàn thờ bắt đầu Thánh Lễ, đang khi đó thì hát Ca Nhập lễ.

 Linh mục chủ tế xông hương bàn thờ.

 Sau đó, Thánh Lễ diễn tiến như thường lệ.

DẪN:

[Khi dứt Ca Nhập lễ]

Chúng con xin trân trọng kính mời cha …, Chính Xứ [cha Sở] …, có đôi lời chào mừng quý cha, ông bà cố, quý tu sĩ nam nữ và quý khách.

[Khi cha Chính Xứ giới thiệu xong]

Kính mời tân Linh mục bắt đầu Thánh Lễ.

Linh mục chủ tế và cộng đoàn đứng làm dấu Thánh Giá, Linh mục chủ tế quay về phía cộng đoàn đọc:

Nhân danh Cha và Con X và Thánh Thần. 

Cộng đoàn thưa:

Amen.

Linh mục chủ tế DANG TAY[9] chào cộng đoàn:

Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em. (CHẮP TAY)

Cộng đoàn thưa:

Và ở cùng cha.

Linh mục chủ tế hoặc Phó tế hoặc thừa tác viên khác có thể nói ít lời hết sức vắn tắt hướng lòng cộng đoàn về Thánh Lễ hôm đó.

HÀNH ĐỘNG THỐNG HỐI

Thinh lặng giây lát rồi mọi người cùng đọc kinh thú tội chung.

Linh mục chủ tế CHẮP TAY.

Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng,…

Tiếp theo là lời xá giải của Linh mục (CHẮP TAY):

Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

Cộng đoàn thưa:

Amen.

Tiếp theo là Kinh Xin Chúa thương xót.

Đoạn hát hoặc đọc Kinh Vinh danh.[10]

Dứt Kinh Vinh danh, Linh mục chủ tế CHẮP TAY nói:

Chúng ta dâng lời cầu nguyện.

Mọi người cùng Linh mục thinh lặng cầu nguyện trong giây lát.

Sau đó Linh mục DANG TAY[11] đọc lời nguyện Nhập lễ:

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho toàn thể dân Chúa tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô. Chúa cũng đã giao cho một số người nhân danh Đức Kitô mà giảng dạy, hướng dẫn và thánh hoá cộng đoàn. Xin ban cho những người Chúa đã chọn làm Linh mục được luôn trung thành với sứ mạng của mình. Ước gì việc phục vụ anh em, cũng như chính cuộc đời Linh mục vừa nên hữu ích cho tha nhân, vừa góp phần làm vinh danh Chúa. (CHẮP TAY) Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.[12]

Hoặc:

Lạy Chúa là Cha chúng con, và là Đấng ban phát mọi ơn lành, này chúng con nhìn nhận: hết những gì chúng con đang có, và ngay chính bản thân chúng con, tất cả đều bởi Chúa. Xin dạy chúng con ngày càng thấy rõ Chúa yêu thương chúng con dường nào, và xin làm cho chúng con tận lực tận tình yêu mến Chúa. (CHẮP TAY) Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.[13]

Cuối lời nguyện, cộng đoàn tung hô:

Amen.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA[14]

Bài đọc 1[15]

Đáp ca

Bài đọc 2

Tung hô Tin Mừng

Đang khi hát Halleluia hoặc ca khúc nào khác, nếu có xông hương thì Linh mục chủ tế đứng lên, bỏ hương vào bình và thinh lặng làm phép bằng một dấu Thánh Giá. Phó tế cầm tàu hương giúp Linh mục bỏ hương. Rồi Phó tế cúi mình trước mặt Linh mục chủ tế, xin ngài chúc lành, đọc nhỏ tiếng: “Xin cha chúc lành cho con.” Linh mục chủ tế chúc lành cho thầy: “Xin Chúa ngự nơi tâm hồn và môi miệng thầy, để thầy xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Phó tế làm dấu Thánh Giá và thưa: “Amen.” Sau khi cúi chào bàn thờ, Phó tế lấy Sách Tin Mừng, giơ sách lên cao một chút, tiến tới giảng đài, có người cầm bình hương đang toả khói cùng với những thừa tác viên cầm nến sáng đi trước. Tại đây, Phó tế CHẮP TAY chào cộng đoàn và nói: “Chúa ở cùng anh chị em.” Rồi khi đọc: “Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh…,” thì lấy ngón tay cái làm dấu Thánh Giá trên sách Tin Mừng, rồi trên trán, trên miệng và trên ngực. Phó tế xông hương trên sách Tin Mừng (xông giữa - trái - phải, mỗi lần 2 cú) và công bố bài Tin Mừng. Đọc xong, thầy xướng: “Đó là Lời Chúa,” mọi người đáp: “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.” Đoạn thầy hôn kính Sách Tin Mừng [Phó tế hôn sách Tin Mừng chứ không đưa cho Linh mục chủ tế] và đọc thầm: “Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con,” và trở lại bên cạnh Linh mục chủ tế.[16]

Tin Mừng[17]

Sau bài giảng, đọc Kinh Tin kính[18] và lời nguyện tín hữu.

DẪN: Mời cộng đoàn đứng, cùng dâng lời nguyện tín hữu.

Linh mục chủ tế điều khiển lời nguyện tín hữu tại ghế chủ toạ, còn ý nguyện được đọc từ giảng đài hoặc một nơi khác thích hợp, do Phó tế, hoặc do một ca xướng viên, hoặc một độc viên, hoặc một tín hữu giáo dân.

Còn cộng đoàn thì đứng và biểu lộ lời nguyện của mình, hoặc bằng lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên, hoặc bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng.[19]

Chủ tế (CHẮP TAY): Anh chị em thân mến, Đức Giêsu là Mục Tử nhân lành, Người đã hy sinh mạng sống để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời nguyện xin:

1. Dung mạo của Hội Thánh là dung mạo của một mục tử có trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên mà Đức Giêsu Mục Tử đã trao phó. Chúng ta hợp lời nguyện xin cho các mục tử trong Hội Thánh luôn luôn hành động theo tinh thần Phúc Âm, hiền hoà trong lối sống, và biết quên mình vì đoàn chiên của Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

2. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” Chúng ta hợp lời nguyện xin cho cộng đoàn giáo xứ [giáo họ, họ đạo,…] … biết sống giới răn yêu thương của Chúa, ngõ hầu làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

3. Từ khi Dòng Chúa Cứu Thế được thành lập cho đến nay, lúc nào cũng có những người quảng đại đáp lại lời mời gọi bước theo Chúa Kitô Cứu Thế, dành cả cuộc đời để loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho những người bị bỏ rơi nhất. Chúng ta hợp lời nguyện xin cho các tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế được trung thành với sứ vụ của mình. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

4. Tân Linh mục … chọn câu Lời Chúa … làm châm ngôn đời Linh mục: “...” Chúng ta cùng hợp lời nguyện xin cho tân Linh mục … được sống trọn tâm nguyện này. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

5. Ông Bà, Cha Mẹ là những người đã sinh thành dưỡng dục tân Linh mục … nên người như hôm nay. Cộng đoàn tín hữu giáo xứ [giáo họ, họ đạo,…] … là nơi tân Linh mục được lớn lên trong đời sống đức tin. Quý Linh mục, Tu Sĩ nam nữ, Thân Nhân, Ân Nhân, cũng góp phần không nhỏ trên hành trình ơn gọi của tân Linh mục. Chúng ta hợp lời nguyện xin cho các ngài hằng được Chúa ban muôn ơn lành hồn xác, còn những vị đã qua đời thì được an nghỉ trong tình thương của Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế (DANG TAY):

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân ái, xin đoái thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu, và ban cho các tín hữu được những ân huệ họ hằng tin tưởng nài van. (CHẮP TAY) Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Cộng đoàn:

Amen.

PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Dứt lời nguyện tín hữu, đang khi Linh mục chủ tế ở tại ghế chủ toạ thì Phó tế dọn bàn thờ, có thừa tác viên giúp lễ phụ, nhưng chính Phó tế phải sửa soạn các bình, chén thánh. Phó tế cũng giúp Linh mục chủ tế tiếp nhận lễ vật do cộng đoàn dâng tiến.[20]

Phó tế trao đĩa thánh có bánh lễ cho Linh mục chủ tế. Linh mục chủ tế đứng ở bàn thờ, nhận đĩa thánh có bánh, hai tay nâng đĩa thánh lên khỏi bàn thờ một chút và đọc nhỏ tiếng:

Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này, là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.

Đoạn Linh mục chủ tế đặt đĩa thánh có bánh trên khăn thánh.

Phó tế vừa rót rượu và chút nước vào chén thánh,[21] vừa đọc thầm:

Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con.

Phó tế trao chén thánh cho Linh mục chủ tế. Linh mục chủ tế hai tay cầm chén thánh, nâng lên khỏi bàn thờ một chút và đọc nhỏ tiếng:

Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này, là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa, để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con.

Rồi đặt chén thánh trên khăn thánh.

Linh mục cúi mình sâu và đọc thầm:

Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước Tôn Nhan Chúa hôm nay, được đẹp lòng Chúa.

Nếu có xông hương, Phó tế cầm tàu hương, Linh mục bỏ hương vào bình và thinh lặng làm phép bằng một dấu Thánh Giá. Phó tế cầm bình hương do người giúp lễ trao và đưa cho Linh mục.

Trước khi xông bàn thờ Thánh Giá (xông như đầu lễ), Linh mục xông hương lễ phẩm (xông giữa - trái - phải, mỗi lần 2 cú hoặc xông theo hình Thánh Giá trên các lễ phẩm). Phó tế tháp tùng với Linh mục xông hương bàn thờ và Thánh Giá.

Sau đó, Phó tế hoặc một thừa tác viên khác, sẽ xông hương cho Linh mục chủ tế (xông thẳng, 3 lần, mỗi lần 2 cú), các vị đồng tế, và sau cùng là cộng đoàn (xông giữa - trái - phải, mỗi lần 2 cú).[22]

Linh mục chủ tế rửa tay ở góc bàn thờ và đọc thầm:

Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy.

Linh mục chủ tế trở lại bàn thờ, quay mặt về phía cộng đoàn, DANG TAY rồi CHẮP LẠI và nói:

Anh chị em hãy cầu nguyện, để hy lễ của tôi[23] cũng là của anh chị em, được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận.

Cộng đoàn đứng lên và thưa:

Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người.

Lời nguyện tiến lễ

Linh mục chủ tế DANG TAY đọc lời nguyện tiến lễ:

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho các Linh mục vừa phục vụ bàn thờ vừa phục vụ dân Chúa. Xin chấp nhận của lễ chúng con dâng, mà ban cho hàng Linh mục luôn sống đẹp lòng Chúa, và góp phần xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô. (CHẮP TAY) Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.[24]

Hoặc:

Lạy Chúa, chúng con dâng tiến lễ vật này để ngợi khen Chúa vì mọi ơn lành Chúa đã thương ban, mặc dầu chúng con chẳng làm gì nên công trạng. Xin giúp chúng con biết sử dụng ơn Chúa thế nào để làm rạng danh Chúa. (CHẮP TAY) Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.[25]

Cộng đoàn thưa:

Amen.

Sau khi Linh mục chủ tế đọc lời nguyện tiến lễ, các vị đồng tế lên đứng chung quanh bàn thờ, nhưng phải sắp xếp thế nào để không gây cản trở khi cử hành các nghi thức và để cộng đoàn thấy rõ nghi lễ, và cũng không cản trở Phó tế, khi thầy phải lui tới thi hành phận vụ nơi bàn thờ.

Khi có các Linh mục đồng tế, thì Phó tế vẫn phải thi hành phận vụ riêng của mình nơi bàn thờ, khi cần giúp trong những gì liên quan đến chén thánh và Sách Lễ. Nhưng trong mức có thể được, Phó tế đứng sau các vị đồng tế một chút, đang khi các ngài đứng bao quanh vị chủ tế chính.

Sau đó, Phó tế quỳ như thường lệ từ lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần (Epiclesis) cho đến khi nâng chén thánh. Nếu có nhiều Phó tế, thì một vị có thể bỏ hương vào bình và xông hương (xông thẳng, 3 lần, mỗi lần 2 cú) đang khi Linh mục nâng Mình và Máu Thánh.

KINH TIỀN TỤNG CHUNG IV[26]

Được ca ngợi Chúa là một hồng ân

Linh mục chủ tế DANG TAY đọc:

Chúa ở cùng anh chị em. (KHÔNG CHẮP TAY)

Cộng đoàn thưa:

Và ở cùng cha.

Linh mục NÂNG HAI TAY LÊN, đọc:

Hãy nâng tâm hồn lên.

Cộng đoàn thưa:

Chúng con đang hướng về Chúa.

Linh mục [vẫn] DANG TAY, đọc:

Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Cộng đoàn thưa:

Thật là chính đáng.

Linh mục [vẫn] DANG TAY đọc kinh tiền tụng:

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.

Vì thế, cùng với ca đoàn các Thiên Thần, chúng con ca ngợi Chúa và hân hoan tuyên xưng rằng: (CHẮP TAY)

Thánh! Thánh! Thánh!


 

KINH NGUYỆN THÁNH THỂ II[27]

Linh mục chủ tế DANG TAY đọc:

Lạy Chúa, Chúa thật là Ðấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện.

Linh mục chủ tế SÁP HAI BÀN TAY LẠI, ĐẶT TRÊN LỄ VẬT và đọc. Các vị đồng tế hai tay giơ ra phía trước, hướng về lễ vật, lòng bàn tay hướng xuống, cùng đọc với chủ tế nhưng đọc nhỏ tiếng hơn:[28]

Vì thế, chúng con nài xin Chúa, dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này,

CHẮP TAY rồi LÀM MỘT DẤU THÁNH GIÁ trên cả bánh và chén thánh khi đọc:

để trở nên cho chúng con, Mình và X Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. (các vị đồng tế CHẮP TAY)

CHẮP TAY.

Trong những công thức sau đây, các lời của Chúa phải được đọc rõ ràng, dõng dạc theo đặc tính từng lời.

(các vị đồng tế CHẮP TAY) Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình,

Linh mục cầm lấy bánh, nâng lên khỏi bàn thờ một chút và đọc tiếp:

Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói:

Hơi cúi mình:

Các vị đồng tế đưa tay phải, lòng bàn tay quay ngang, mang ý nghĩa chỉ định, chỉ về phía Bánh.[29]

TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ ĂN, VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY, SẼ BỊ NỘP VÌ CÁC CON.[30]

Linh mục chủ tế cầm bánh đã truyền phép, nâng lên cho cộng đoàn thấy, rồi lại đặt xuống trên đĩa thánh và cúi mình sâu thờ lạy.

Rồi đọc tiếp:

(các vị đồng tế CHẮP TAY) Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối,

Linh mục cầm chén thánh, nâng lên khỏi bàn thờ một chút và đọc tiếp:

Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ mà nói:

Hơi cúi mình.

Các vị đồng tế đưa tay phải, lòng bàn tay quay ngang, mang ý nghĩa chỉ định, chỉ về phía Rượu.

TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG:

VÌ NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỬU, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI.

CÁC CON HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ NHỚ ĐẾN THẦY.

Linh mục chủ tế nâng chén lên cho cộng đoàn thấy, rồi lại đặt xuống khăn thánh và cúi mình sâu thờ lạy

Rồi xướng:

Ðây là mầu nhiệm đức tin.

Cộng đoàn tung hô theo:

Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến. 

Linh mục chủ tế DANG TAY đọc:

Vì vậy, lạy Chúa,

khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại,

chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh

và chén cứu độ để tạ ơn Chúa,

vì Chúa đã thương cho chúng con

được xứng đáng hầu cận trước Tôn Nhan và phụng sự Chúa. Chúng con tha thiết nài xin Chúa

cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Ðức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần.

Ðồng tế 1 (DANG TAY, đọc một mình và lớn tiếng):

Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với Ðức Giáo Hoàng T., Ðức Giám mục T. chúng con và toàn thể hàng giáo sĩ.

Ðồng tế 2 (DANG TAY, đọc một mình và lớn tiếng):

Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con, đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.

Chúng con nài xin Chúa thương xót tất cả chúng con, cho chúng con được đồng hưởng sự sống đời đời, cùng với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ, các Thánh Tông Ðồ và toàn thể các Thánh, đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại, và cùng với các Ngài, chúng con được ca ngợi và tôn vinh Chúa,

(CHẮP TAY) nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa. 

Linh mục chủ tế (nếu có Phó tế thì Phó tế giúp Linh mục chủ tế nâng cao chén thánh)[31] cầm đĩa thánh có bánh thánh và chén thánh, nâng cả hai lên và đọc:

Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.



Cộng đoàn tung hô:

Amen. 

NGHI THỨC HIỆP LỄ

Ðặt chén thánh và đĩa thánh xuống, Linh mục chủ tế CHẮP TAY đọc:

Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng:

Linh mục chủ tế, các vị đồng tế DANG TAY và cùng với cộng đoàn đọc tiếp:

Lạy Cha chúng con ở trên trời...

Linh mục chủ tế DANG TAY đọc một mình:

Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng con.

CHẮP TAY.

Cộng đoàn tung hô kết thúc lời nguyện:

Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời. 

Linh mục chủ tế DANG TAY đọc rõ tiếng:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa; xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa.

CHẮP TAY.

Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Cộng đoàn thưa:

Amen. 

Linh mục chủ tế quay về phía cộng đoàn, và nói đang khi DANG TAY RỒI CHẮP TAY LẠI:

Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.

Cộng đoàn thưa:

Và ở cùng cha. 

Tuỳ nghi, Linh mục hoặc Phó tế hoặc một vị đồng tế[32] nói:

Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau.[33]

Tại Việt Nam, để chúc bình an cho cộng đoàn, chủ tế dang hai tay, quay về phía cộng đoàn và nói: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.” Cộng đoàn đáp lại “Và ở cùng cha,” và không làm cử chỉ gì khác nữa. Những ai ở gần Linh mục chủ tế hơn, thì nhận bình an của ngài trước Phó tế. Linh mục chủ tế cúi mình và nói: “Bình an của Chúa ở cùng cha (hoặc thầy).” Linh mục chủ tế không được ra khỏi cung thánh, cũng không đi xuống giáo dân bắt tay người nọ người kia. Vị đồng tế hoặc thừa tác viên đứng kế bên cũng cúi mình và nói: “Bình an của Chúa ở cùng cha (thầy).” Các vị đồng tế hoặc thừa tác viên khác đứng bên nhau cũng làm như vậy. Giáo dân hai bên lòng nhà thờ cũng quay vào nhau cúi mình để chúc bình an cho nhau mà không cần nói gì, và không cần cúi đầu chào Linh mục chủ tế.[34]

Rồi Linh mục chủ tế cầm lấy bánh thánh, bẻ ra trên đĩa thánh, và nếu cần thì có Phó tế hoặc một vị đồng tế phụ giúp.[35] Linh mục chủ tế lấy một miếng nhỏ bỏ vào chén thánh và đọc thầm:

Xin cho việc hoà Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, mà chúng con sắp lãnh nhận, đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. 

Trong khi đó đọc hoặc hát:[36]

Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian: xin ban bình an cho chúng con.

Linh mục chủ tế CHẮP TAY đọc thầm:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, con sắp rước Mình và Máu Thánh Chúa, xin đừng để con vì thế mà bị xét xử và luận phạt, nhưng nhờ lòng Chúa nhân từ, xin che chở và cứu chữa hồn xác con.

Linh mục chủ tế cúi mình, cầm bánh thánh nâng lên trên đĩa thánh hoặc chén thánh, quay về phía cộng đoàn đọc rõ tiếng:

Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.

Linh mục chủ tế đọc chung với cộng đoàn một lần:

Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.

DẪN:

Xin quý ông bà anh chị em

chưa có cùng đức tin Công Giáo với chúng tôi,

vui lòng không lên rước lễ.[37]  

Linh mục chủ tế quay lên bàn thờ, đọc thầm:

Xin Mình Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời. 

Linh mục chủ tế cung kính rước Mình Thánh. Rồi cầm chén thánh và đọc thầm:

Xin Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời. 

Linh mục chủ tế cung kính rước Máu Thánh.

Trong lúc Linh mục chủ tế rước lễ thì bắt đầu hát Ca Hiệp lễ.

Cho rước lễ xong, Linh mục hoặc Phó tế hoặc thầy đã lãnh tác vụ Giúp lễ lau đĩa thánh gạt vào chén thánh rồi tráng chén thánh.[38] Trong lúc tráng chén, Linh mục đọc thầm:

Lạy Chúa, miệng chúng con vừa rước Mình và Máu Chúa, xin cho chúng con tiếp nhận với tâm hồn trong sạch, và xin cho ân huệ đời này trở nên linh dược cho chúng con được sống muôn đời. 

Linh mục chủ tế có thể trở về ghế. Tuỳ nghi giữ thinh lặng thánh trong ít phút, cũng có thể hát hoặc đọc thánh vịnh hoặc thánh ca tạ ơn hoặc thánh thi.

Linh mục chủ tế đứng tại ghế hoặc tại bàn thờ hướng về cộng đoàn, CHẮP TAY và nói:

Chúng ta dâng lời cầu nguyện.

Mọi người cùng với Linh mục thinh lặng giây lát, trừ khi đã giữ thinh lặng trước rồi. Đoạn, Linh mục đọc lời nguyện Hiệp Lễ.

Lạy Chúa, chúng con vừa thông hiệp với của lễ chúng con đã dâng tiến. Xin cho tiệc Thánh Thể hôm nay gia tăng sức mạnh cho hàng Linh mục chúng con, cũng như cho hết mọi thành phần trong Hội Thánh. Xin ban cho chúng con một tình yêu không gì lay chuyển nổi, khiến chúng con sống trọn tình với Chúa, và luôn vẹn nghĩa với anh em. (CHẮP TAY) Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.[39]

Hoặc:

Lạy Chúa, hy lễ tạ ơn chúng con đã dâng tiến và lương thực thiêng liêng Chúa vừa ban, đó chính là Bí tích Cứu Độ của Con Một Chúa. Ước chi bí tích này giúp chúng con vui vẻ hăng say phụng sự Chúa, và nhờ đó, được hưởng những hồng ân khác nữa. (CHẮP TAY) Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.[40]

Cộng đoàn tung hô:

Amen.

DẪN:

Giờ đây,

cộng đoàn cùng đọc Kinh Cầu Cho Tân Linh mục.

Kính mời tân Linh mục … tiến ra quỳ trước bàn thờ.

Cũng có thể chọn cách thực hành khác: Sau câu “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an – Tạ ơn Chúa” thì mới bắt đầu đọc làm các việc “ngoài phụng vụ” như kinh cầu cho tân Linh mục, cám ơn, chúc mừng, đọc kinh hưởng Ơn toàn xá…

KINH CẦU CHO TÂN LINH MỤC

Lạy Chúa / xưa Chúa đã phán: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít / các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến.” Lạy Chúa / hôm nay chúng con vui mừng / vì Chúa đã ban cho chúng con người thợ gặt / là bạn hữu quen biết / là người cùng quê hương / cùng xứ sở với chúng con. Chúng con biết rằng / tân Linh mục được tuyển chọn / không phải vì công phúc của chính tân Linh mục. Nhưng lạy Chúa / chỉ vì lòng Chúa yêu thương nên đã tuyển chọn / như Lời Chúa đã phán cùng các Tông Đồ rằng: “Không phải các con đã chọn Thầy / nhưng chính Thầy đã chọn các con.” Vì thế hôm nay / chúng con họp nhau đây hợp ý với tân Linh mục / để dâng Thánh Lễ cảm tạ Chúa.

Trong Thánh Lễ hôm nay / chúng con cũng hợp ý với tân Linh mục / cầu xin Chúa chúc lành / và trả ơn bội hậu cho những thân nhân và mọi ân nhân / cho quý vị hướng dẫn và dạy dỗ / và cho tất cả những người đã giúp tân Linh mục tiến đến Bàn Thánh.

Lạy Chúa / xưa Chúa đã phán: “Không có Thầy / các con không thể làm gì được.” Lạy Chúa / tân Linh mục của chúng con đây / nếu không được Chúa trợ giúp / không thể chu toàn sứ mạng Chúa trao phó. Vậy lạy Chúa / chúng con nguyện xin Chúa ban cho tân Linh mục luôn sống theo ý Chúa / biết quên mình để phục vụ mọi người / được dồi dào sức khỏe / được tâm hồn trong sạch / được trở nên chứng nhân sống động mang hình ảnh Chúa.

Lạy Mẹ Maria / Mẹ là Mẹ các Linh mục / xin Mẹ gìn giữ tân Linh mục được trung thành với ơn Chúa / được chu toàn sứ mạng cho đến cùng. Amen.

Hoặc

KINH CẦU CHO CÁC LINH MỤC

Lạy Chúa Giêsu, / Linh mục đời đời, / Đấng Chăn Chiên Lành, / Nguồn Mạch Sự Sống. / Chúa đã cho chúng con tham dự vào chức Tư Tế vương giả của Chúa, / để chúng con loan truyền những kỳ công của Chúa, / và dâng hiến Chúa những lễ tế thiêng liêng / là đời sống kinh nguyện, / việc làm và những nỗi vui buồn đau khổ. / Chúng con xin tạ ơn Chúa vì chức Tư Tế chung này.

Nhưng chúng con càng cảm tạ Chúa hơn nữa / vì Chúa đã chọn một số anh em chúng con đặt làm Linh mục thừa tác, / để thay mặt Chúa dạy dỗ, / thánh hoá và hướng dẫn chúng con.

Lạy Chúa, / xin thánh hiến các Linh mục như Chúa đã tự thánh hiến. / Xin cho các ngài nên giống Chúa trong mọi sự. / Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. / Chúa là Ánh Sáng thế gian, / và là Mục Tử hiến mạng sống vì đoàn chiên mình.

Xin Chúa ban cho các Linh mục sự khiêm nhường và lòng nhiệt thành chăm lo việc Chúa, / tránh việc xa lạ với phẩm chức mình. / Xin cho các ngài chỉ biết rao truyền Lời Chúa, / chứ không rao giảng ý kiến riêng tư hay của loài người. / Ước gì các ngài sốt sắng trong việc mục vụ, / nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ và các bí tích, / là nguồn năng lực và là gương mẫu của các tín hữu chúng con.

Lạy Chúa, / xin giúp các Linh mục sống khiết tịnh, / và trung tín với sự tận hiến cho Chúa. / Xin cho các ngài khôn ngoan tránh mọi dịp tội và mọi gương xấu, / sống giữa thế gian nhưng không theo thói thế gian / ngõ hầu củng cố đức tin và lòng trung thành của các tín hữu.

Sau hết, / giữa những khó khăn đau khổ ở đời / xin ban cho các ngài sự bình tĩnh và lòng can đảm trong mọi thử thách, / tin tưởng và phó thác nơi Chúa Thánh Thần / chuyên cần cầu nguyện và sống kết hiệp với Chúa / vâng theo Thánh Ý Chúa Cha trên trời trong hết mọi sự.

Lạy Chúa / xin đừng để chúng con thiếu thốn Linh mục. / Xin ban cho Giáo Hội nhiều chủng sinh và Linh mục thánh. / Xin cho chúng con biết yêu mến / vâng phục và thành tâm cộng tác với các Linh mục coi sóc chúng con / để đời này cùng nhau xây dựng nước Chúa / đời sau chúng con lại được sum họp với nhau trên nước hằng sống. / Amen.

 

DẪN:

Mời tân Linh mục trở về chỗ.

Tiếp đến, một vị trong Hội Đồng Mục Vụ,

đại diện cộng đoàn giáo xứ [giáo họ, họ đạo,…] …,

chúc mừng tân Linh mục, ông bà cố và gia đình.

[Khi vị đại diện chúc mừng và tặng hoa cho tân Linh mục và các Linh mục cùng lớp xong]

Nhân ngày hồng phúc này,

tân Linh mục xin có vài lời

bày tỏ tấm lòng tri ân với ông bà cố, cha nghĩa phụ,

cha Chính Xứ [Cha Sở], quý cha,

quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa.

Xin kính mời cha.

[Tân Linh mục cám ơn. Sau đó, tặng hoa, khăn thấm dầu ngày chịu chức cho ông bà cố; hoa cho cha nghĩa phụ, cha Chính Xứ…]

Sau bài hát kết lễ,

xin mời cha Chính Xứ [Cha Sở], cha nghĩa phụ,

quý cha đồng tế

cùng chụp chung tấm hình lưu niệm với tân Linh mục …,

ông bà cố và gia đình.

Sau đó,

chúng con xin trân trọng kính mời quý cha, quý khách

đến đến hội trường giáo xứ [giáo họ, họ đạo,…] …

để dùng bữa cơm thân mật với gia đình tân Linh mục.

Sau lời cám ơn, Phó tế, hoặc khi không có Phó tế thì chính Linh mục chủ tế mời gọi cộng đoàn: “Anh chị em hãy cúi mình đón nhận phép lành.” Rồi Linh mục chủ tế ĐẶT HAI TAY (lòng bàn tay úp) trên cộng đoàn, đọc công thức ban phép lành trọng thể.[41]

Linh mục chủ tế quay về phía cộng đoàn, DANG TAY chào:

Chúa ở cùng anh chị em. (CHẮP TAY)

Cộng đoàn:

Và ở cùng cha.

Linh mục chủ tế (ĐẶT TAY):[42]

Xin Thiên Chúa là nguồn mọi niềm an ủi an bài chuỗi ngày đời anh chị em trong bình an của Ngài, và ban cho anh chị em ơn phúc lành của Ngài. (CHẮP TAY)

Cộng đoàn:

Amen.

Linh mục chủ tế (ĐẶT TAY):

Xin Thiên Chúa luôn giải thoát anh chị em khỏi mọi biến loạn, và củng cố tâm hồn anh chị em trong tình yêu của Ngài. (CHẮP TAY)

Cộng đoàn:

Amen.

Linh mục chủ tế (ĐẶT TAY):

Ước gì, nhờ được sung mãn các ơn tin cậy mến, anh chị em trải qua cuộc đời này với nhiều thành quả trong công việc, và đời sau có thể đạt được hạnh phúc. (CHẮP TAY)

Cộng đoàn:

Amen.

Linh mục ĐẶT TAY TRÁI TRÊN NGỰC, và ĐƯA TAY PHẢI LÊN, nói tiếp:

Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng là Cha và X Con và Thánh Thần, xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.[43]

Cộng đoàn:

Amen.[44]

Rồi Phó tế hoặc một vị đồng tế hoặc chính Linh mục chủ tế CHẮP TAY quay về phía cộng đoàn tuyên bố:

Lễ xong chúc anh chị em đi bình an.

Cộng đoàn thưa:

Tạ ơn Chúa.

DẪN:

Sau khi đã sốt sắng tham dự Thánh Lễ tạ ơn,

chúng ta đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 Kinh Kính Mừng,

cùng với việc xưng tội, rước lễ,

giục lòng ăn năn, chê ghét, dốc lòng chừa mọi hình thức của tội

để lãnh nhận Ơn toàn xá.

Sau đó, cộng đoàn đứng và đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 Kinh Kính Mừng (cùng với việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, giục lòng ăn năn, chê ghét, dốc lòng chừa mọi hình thức của tội) để lãnh Ơn toàn xá khi tham dự Thánh Lễ tạ ơn (mở tay) của tân Linh mục.

Cuối cùng, Linh mục chủ tế và Phó tế hôn kính bàn thờ, và sau khi cúi mình chào bàn thờ, thì ra về cùng một cách như lúc tiến ra bàn thờ. Còn các vị đồng tế không hôn bàn thờ nhưng cúi mình trước bàn thờ.

KINH TẠ ƠN SAU THÁNH LỄ[45]

(Đọc sau Thánh Lễ)

Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã thương cho con được phục vụ Bàn Thánh Chúa. Được gần Chúa, lòng con tràn đầy niềm vui và bình an. Xin Chúa tiếp tục ban ơn nâng đỡ, để con ra đi phục vụ Chúa trong anh em, đem niềm vui và bình an của Chúa đến cho mọi người. Xin Chúa chúc lành cho con. Amen.



[1] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 120, 188, 194; Sách Lễ nghi Giám mục, số 128

[2] Tổng Giáo Phận Sài Gòn – TP. HCM, Quy định mục vụ bí tích (2015), 25.

[3] Những thừa tác viên cầm Thánh Giá - nến cao (đèn hầu) đi rước, thì cúi đầu thay vì cúi mình (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 274).

[4] Trong đoàn rước, trừ một số thừa tác viên đặc biệt sẽ đi một mình, còn các thừa tác viên khác thì đi theo hàng đôi chứ không phải hàng một (x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 128).

[5] Hai Phó tế giúp lễ chính cho Đức Giám mục sẽ cùng hôn bàn thờ với ngài (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 173). Khi hôn bàn thờ, theo luật phụng vụ hiện hành, không có sự phân biệt về tư thế của thầy Phó tế và Linh mục / Giám mục liên quan đến việc chạm tay vào bàn thờ (x. Edward McNamara, Phó tế vĩnh viễn được chạm tay vào bàn thờ ở đầu lễ không?).

[6] x. Sách Lễ nghi Giám mục, số 131, 149; Edward McNamara, Vai trò tháp tùng của thầy Phó tế lúc xông hương là như thế nào?; Nguyễn Thế Thủ, Huấn luyện giúp lễ, 46-47, 54.

[7] Linh mục xông hương liên tục khi đi quanh bàn thờ, không phân biệt giữa bàn thờ và chân bàn thờ (x. Notitiae 14 [1978] 301-302, no. 2).

[8] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 120-123, 172-174, 188, 194, 277; Sách Lễ nghi Giám mục, số 90, 128.

[9] Nghi thức Thánh Lễ, số 2: “Linh mục dang tay chào cộng đoàn”; Sách Lễ nghi Giám mục, số 132: “Với hai tang dang ra, Đức Giám mục chào chúc dân chúng...” Vì thế, chủ tế dang tay ra ngay khi bắt đầu câu chào chúc rồi từ từ khép tay lại ở cuối lời chào chúc. Cử chỉ dang tay này khác với cử chỉ dang tay cầu nguyện (x. Sách Lễ nghi Giám mục, 104).

[10] Kinh Vinh Danh được hát hoặc đọc trong các Chúa Nhật ngoài mùa Vọng và mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các cử hành đặc biệt khá long trọng (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 53). “Một dịp cử hành đặc biệt có phần long trọng”  là dịp cử hành được xét là diễn ra cách trọng thể hoặc với một số lượng lớn người tham dự (Notitiae 6 [1970] 263, no. 33).

[11] Đây là cử điệu của người đang cầu nguyện/van nài được thực hiện trong tư thế đứng, khuỷu tay sát vào hai bên thân thể và hai tay dang ra, còn lòng bàn tay thì ngửa hướng lên trên như chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước (2 Mcb 14,34;15,12.21; G 11,13-15; Tv 68,32…) (x. Charles Herbermann, ed., “Orans,” Catholic Encyclopedia (New York: Robert Appleton Company, 1913).

[12] x. Sách lễ Rôma: Thánh Lễ và lời nguyện cho cac nhu cầu – cầu cho các Linh mục.

[13] x. Sách lễ Rôma: Thánh Lễ và lời nguyện cho cac nhu cầu – tạ ơn Thiên Chúa.

[14] x. Sách Bài đọc: Thánh Lễ cầu cho các nhu cầu khác nhau – cầu cho Linh mục hoặc tạ ơn.

[15] Dù người dẫn lễ có đọc lời dẫn trước các bài đọc nhưng người đọc sách vẫn luôn phải đọc “Bài trích sách…” hoặc “Bài trích thư…” hoặc “Tin Mừng Chúa Giêsu…” (x. Mục lục các bài đọc trong Thánh Lễ (1981), số 121). Tiêu đề duy nhất được đọc lên là câu chỉ ra tên của cuốn Sách Thánh / Thánh Thư được công bố, hoặc, tác giả của bản văn / tác phẩm đó. Ví dụ: “Bài trích thư thánh Phaolô tông đồ gởi Timôthê”; “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh…” (x. Notitiae 14 [1978] 303, no. 5).

[16] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 131-132, 175; Sách Lễ nghi Giám mục, số 84-98.

[17] Nên hát lời chào, câu xướng “Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô...” và “Đó là Lời Chúa” để cộng đoàn cũng đáp lại bằng cách hát như vậy, mặc dầu chỉ đọc bài Tin Mừng. Bằng cách này, tầm quan trọng của bài Tin Mừng được đề cao hầu khơi dậy đức tin các tín hữu (x. Mục lục các bài đọc trong Thánh Lễ (1981), số 17; Uỷ Ban Thánh Nhạc – HĐGM.VN, Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc 2022, số 158).

[18] Kinh Tin Kính phải do Linh mục hát hoặc đọc chung với cộng đoàn vào các Chúa Nhật và lễ trọng; cũng có thể đọc trong những cử hành đặc biệt khá long trọng (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 68). “Một dịp cử hành đặc biệt có phần long trọng”  là dịp cử hành được xét là diễn ra cách trọng thể hoặc với một số lượng lớn người tham dự (Notitiae 6 [1970] 263, no. 33).

[19] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 71.

[20] Lúc chuẩn bị lễ vật, thứ tự dọn như sau:

  Bình đựng bánh thánh: Phó tế bên tay trái Linh mục chủ tế lo dọn: chia làm 2 bên, chừa chỗ giữa cho chén chủ tế.

  Chén đồng tế: Phó tế bên tay phải Linh mục chủ tế dọn: chia làm 2 bên, chừa chỗ giữa cho chén chủ tế. Vị trí trang trọng luôn phải được dành cho chén thánh và đĩa thánh của chủ tế, được đặt trực tiếp ngay trước mặt ngài (x. Edward McNamara, Cách xếp đặt nhiều Chén Thánh và Bình Thánh trên bàn thờ). Lưu ý: không để sẵn chén chủ tế ở giữa, mà phải trao cho Linh mục chủ tế sau khi ngài đã dâng bánh xong (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 178).

  Sơ đồ:


Bình đựng bánh thánh

Chén đồng tế

(đã có rượu, không cần rót nước; mở tấm đậy khi chủ tế dâng bánh rượu, sau đó, đậy lại)

Đĩa

Chén chủ tế

(rót rượu và nước)

Chén đồng tế

(đã có rượu, không cần rót nước; mở tấm đậy khi chủ tế dâng bánh rượu, sau đó, đậy lại)

Bình đựng bánh thánh

 

 

CHỦ TẾ

 

 

 

[21] Trong bức thư đề ngày 30/4/2012 (Prot. N. 1193/11/L), Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích khẳng định là chỉ cần đổ chút nước vào chén rượu của chủ tế là đủ [theo đòi hỏi của Giáo luật điều 924, # 1: “Hy lễ Thánh Thể phải được cử hành bằng bánh và rượu có pha chút nước”]. Bộ nói thêm, tất nhiên, sẽ không bị coi là sự lạm dụng phụng vụ nếu đổ nước vào tất cả các chén rượu khác. Không cần rót nước vào các chén đồng tế (x. Edward McNamara, Nước được rót chút ít vào một hay nhiều chén thánh có rượu?; Phạm Đình Ái, Hoà rượu với nước trong Thánh Lễ). Vì thế, trong phòng thánh, Ban Phụng vụ rót sẵn rượu vào các chén đồng tế. Khi dọn ra bàn thờ, Phó tế không cần rót thêm nước.

[22] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 178, 277; Sách Lễ nghi Giám mục, số 96, 149.

[23] “meum ac vestrum – của tôi cũng là của anh chị em” (Nghi thức Thánh Lễ, số 29): dù Thánh Lễ đồng tế, Linh mục chủ tế vẫn luôn luôn đọc là “của tôi.”

[24] x. Sách lễ Rôma: Thánh Lễ và lời nguyện cho các nhu cầu – cầu cho các Linh mục.

[25] x. Sách lễ Rôma: Thánh Lễ và lời nguyện cho các nhu cầu – tạ ơn Thiên Chúa.

[26] Kinh Tiền Tụng IV theo bản dịch Nghi thức Thánh Lễ năm 2005 của HĐGM.VN. Bản hát lấy theo Cung chủ tế của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà (HĐGM.VN imprimatur: 08/09/2012).

[27] Trước lúc truyền phép một chút, thừa tác viên có thể tuỳ nghi rung chuông để nhắc nhở tín hữu. Cũng rung chuông khi nâng Mình Thánh, và khi nâng Máu Thánh lên, tuỳ theo thói quen mỗi địa phương (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 150). Ngoài các thời điểm này, không rung chuông.

[28] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 218.

[29] x. Bộ Phụng tự, Notitiae, số 1 (1965), 143.

[30] Linh mục chủ tế không bao giờ được bẻ bánh khi truyền phép (x. Huấn thị Bí tích Cứu Độ, số 55).

[31] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 151, 180.

[32] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 154, 181, 239.

[33] KHÔNG NÓI:Anh chị em chúng ta hãy chúc bình an cho nhau” (x. Thông cáo tháng 04/1991 của HĐGM.VN).

[34] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 82, 154, 239; Huấn thị Bí tích Cứu Độ, số 72; Thông cáo năm 2001 của HĐGM.VN.

[35] Vào các Thánh Lễ đông Linh mục đồng tế, không nhất thiết phải phân phát Mình Thánh cho từng Linh mục ngay lúc bẻ bánh, có thể đưa Mình và Máu Thánh cho các Linh mục đồng tế sau khi chủ tế rước lễ xong (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 248-249). Linh mục chủ tế rước lễ trước tiên, sau đó đến các vị đồng tế. Các Phó tế sẽ nhận Mình Thánh Chúa từ tay chủ tế khi ngài đã rước lễ xong (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 182, 244, 249). Khi Linh mục hoặc Phó tế trao Mình Thánh hoặc Máu Thánh cho các vị đồng tế, ngài không nói gì, nghĩa là không có đọc những lời: “Mình Thánh Chúa Kitô” hoặc “Máu Thánh Chúa Kitô” (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 242, Huấn thị Bí tích Cứu Độ, số 98). Sau khi chủ tế rước lễ, Phó tế và một số Linh mục đồng tế cho giáo dân rước lễ. Khi không đủ số Phó tế và Linh mục thì mới nhờ đến các thừa tác viên ngoại lệ. Trong số các thừa tác viên ngoại lệ, thầy đã lãnh tác vụ Giúp lễ đứng hàng đầu. Thừa tác viên ngoại lệ chỉ tiến tới bàn thờ sau khi Linh mục chủ tế rước lễ xong, và người này luôn nhận Bình đựng Mình Thánh từ tay chủ tế (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 162).

[36] Nếu Nhà Tạm có Mình Thánh Chúa ĐẶT TRONG CUNG THÁNH, thì Linh mục, Phó tế và các thừa tác viên cúi mình khi đến bàn thờ hoặc khi rời bàn thờ, nhưng không cúi mình trước Nhà Tạm đang khi cử hành Thánh Lễ (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 274).

[37] Khi Thánh Lễ được cử hành cho một đám đông quần chúng, ví dụ, như trong các thành phố lớn, phải chăm chú đừng để những người không Công Giáo hay cả những người không phải là Kitô hữu, vì không biết, đi rước lễ, mà không kể đến Huấn Quyền của Giáo Hội về mặt tín lý cũng như về mặt kỷ luật. Quyền của các mục tử là phải báo trước, đúng lúc, cho các người hiện diện nơi cử hành biết chân lý và kỷ luật phải được tuân thủ chặt chẽ (Huấn thị Bí tích Cứu Độ, số 84).

[38] Sau khi truyền phép, phải TUYỆT ĐỐI TRÁNH sang Máu Thánh Chúa Kitô từ chén này qua chén khác, để tránh xúc phạm đến mầu nhiệm cực đại dường ấy (x. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn thị Bí tích Cứu Độ, số 106). Cho rước lễ xong, nếu còn lại rượu đã được truyền phép, thì Linh mục hoặc Phó tế uống hết ngay tại bàn thờ. Nếu còn bánh đã truyền phép, thì hoặc rước hết tại bàn thờ, hoặc đem đến nơi cất Mình Thánh (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 163, 182, 279).

[39] x. Sách lễ Rôma: Thánh Lễ và lời nguyện cho các nhu cầu – cầu cho các Linh mục.

[40] x. Sách lễ Rôma: Thánh Lễ và lời nguyện cho các nhu cầu – tạ ơn Thiên Chúa.

[41] Trong Thánh Lễ mở tay của tân Linh mục:

  Không công bố sắc lệnh của Toà Ân giải Tối cao về việc ban Phép lành Toà Thánh cùng với Ơn toàn xá. 

  Nếu muốn, có thể trích đọc Sổ bộ các ân xá: “Ơn toàn xá được ban cho tân Linh mục nhân dịp cử hành Thánh Lễ mở tay trước đoàn dân vào một ngày đã chọn; và ban cho các tín hữu sốt sắng tham dự Thánh Lễ này ((Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones  (1999), “Concessiones,” số 27), nhưng Ơn toàn xá ở đây không đi kèm với hành vi ban Phép lành Toà Thánh theo công thức được quy định (x. Uỷ Ban Phụng Tự / HĐGM.VN, Thông báo về việc Ban Phép lành Toà Thánh với Ơn toàn xá (2018)).

  Vì tân Linh mục không ban Phép lành Toà Thánh cùng với Ơn toàn xá như trước cho nên không sử dụng công thức cũ nữa (Tân Linh mục: Chúa ở cùng anh chị em / Mọi người: Và ở cùng cha - Tân Linh mục: Hãy chúc tụng Danh Chúa / Mọi người: Từ bây giờ và cho đến muôn đời - Tân Linh mục: Ơn phù trợ chúng ta ở nơi Danh Chúa/ Mọi người: Là Đấng Tạo Thành trời đất - Tân Linh mục: Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha X và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em / Mọi người: Amen). Thay vào đó, vào lúc cuối lễ, tân Linh mục có thể sử dụng bất cứ công thức chúc lành nào đã được ấn định trong Sách Lễ theo thời gian và mùa phụng vụ (x. Phạm Đình Ái, Ban Phép lành Toà Thánh trong Thánh Lễ mở tay).

  Ơn toàn xá này chỉ được ban 01 lần, trong 01 Thánh Lễ do tân Linh mục chọn.

Để hưởng được Ơn toàn xá thì cần phải tuân giữ “các điều kiện thông thường”:

  Xưng tội bí tích, thường là trong vòng 20 ngày trước hoặc sau khi hưởng ân xá. Một lần xưng tội bí tích là đủ cho nhiều ân xá.

  Rước lễ. Không giống như việc xưng tội, người ta chỉ có thể hưởng một ân xá cho một lần rước lễ. Mặc dù việc rước lễ này có thể được thực hiện nhiều ngày trước hoặc sau khi hưởng ân xá, tốt hơn là điều kiện này nên được hoàn thành trong cùng một ngày. Vì vậy, những người xưng tội thường xuyên và Thánh Lễ hàng ngày có thể hưởng một Ơn toàn xá thực tế mỗi ngày.

  Cầu nguyện theo ý của Đức Giáo Hoàng. Cũng giống như việc rước lễ, việc cầu nguyện theo ý của Đức Giáo Hoàng phải được đọc để hưởng mỗi Ơn toàn xá. Mặc dù không có các kinh được quy định, điều kiện cầu theo ý Giáo Hoàng được thực hiện, bằng cách đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng.

  Cần giục lòng ăn năn, chê ghét, dốc lòng chừa mọi hình thức của tội. Việc giữ tâm hồn hoàn toàn không dính bén với bất cứ hình thức tội lỗi nào là điều kiện khó nhất, như thể việc dính bén với tội nhẹ cũng loại trừ cơ hội có thể lãnh ân xá. Tuy nhiên, hãy lưu ý là điều kiện này không phải là tình trạng thoát khỏi tất cả mọi tội nhẹ, mà là tình trạng dính bén với tội lỗi; tức là không có tội nào mà linh hồn lại không muốn từ bỏ. Một sự dính bén là một rối loạn khách quan, một sự từ chối để sửa đổi một tình huống, và người liên quan nhận thức về nó. Do đó, đừng nhầm lẫn với sự yếu đuối của con người bình thường, hoặc sự việc rằng nhiều người, có lẽ hầu hết chúng ta, có xu hướng lặp lại các lỗi phạm tương tự nhiều lần trước khi thắng vượt chúng. Nếu đúng như vậy, chắc chắn sẽ gần như không thể có được bất cứ ân xá nào (x. Edward McNamara, Ân xá gồm những gì, và điều kiện nào để hưởng ân xá?).

[42] Giơ hai tay trên dân chúng, cánh tay hướng thẳng về cộng đoàn, hai lòng bàn tay úp xuống, nhưng giơ cao hơn và hai bàn tay tách ra chứ không sáp lại như trong Kinh nguyện Thánh Thể.

[43] Theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002, số 250: Trong nghi thức kết thúc, chủ tế chính làm mọi việc khác cho tới cuối lễ như thường lệ (x. số 166-169), còn các vị đồng tế cứ ở tại chỗ.” Cho nên, trong nghi thức kết thúc, chỉ có vị chủ tế mới ban phép lành cho cộng đoàn, các Linh mục (và cả Giám mục) đồng tế không cùng ban phép lành chung với vị chủ tế (x. Edward McNamara, Giải đáp một số vấn đề phụng vụ; Phạm Đình Ái, Toàn thân con xin ca tụng Chúa, 228-229).

[44] x. Sách lễ Rôma: Các công thức Ban phép lành cuối lễ – Thường niên 4.

[45] Tổng Giáo Phận Sài Gòn – TP. HCM, Quy định mục vụ bí tích (2015), 25.

Học viện Thánh Anphongsô