LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC CON ĐƯỜNG: Chú giải Tin Mừng CN V PS A

 

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, S.V.D.


Xem toàn bộ bài chú giải tại: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2023/05/

Bản văn

1 Μὴ ταρασσέσθω ὑμῶν ἡ καρδία· πιστεύετε εἰς τὸν θεὸν καὶ εἰς ἐμὲ πιστεύετε.

 ἐν τῇ οἰκίᾳ τοῦ πατρός μου μοναὶ πολλαί εἰσιν· εἰ δὲ μή, εἶπον ἂν ὑμῖν ὅτι πορεύομαι ἑτοιμάσαι τόπον ὑμῖν;

 καὶ ἐὰν πορευθῶ καὶ ἑτοιμάσω τόπον ὑμῖν, πάλιν ἔρχομαι καὶ παραλήμψομαι ὑμᾶς πρὸς ἐμαυτόν, ἵνα ὅπου εἰμὶ ἐγὼ καὶ ὑμεῖς ἦτε.

 καὶ ὅπου [ἐγὼ] ὑπάγω οἴδατε τὴν ὁδόν.

 Λέγει αὐτῷ Θωμᾶς· κύριε, οὐκ οἴδαμεν ποῦ ὑπάγεις· πῶς δυνάμεθα τὴν ὁδὸν εἰδέναι;

 λέγει αὐτῷ [ὁ] Ἰησοῦς· ἐγώ εἰμι ἡ ὁδὸς καὶ ἡ ἀλήθεια καὶ ἡ ζωή· οὐδεὶς ἔρχεται πρὸς τὸν πατέρα εἰ μὴ δι᾽ ἐμοῦ.

 εἰ ἐγνώκατέ με, καὶ τὸν πατέρα μου γνώσεσθε. καὶ ἀπ᾽ ἄρτι γινώσκετε αὐτὸν καὶ ἑωράκατε αὐτόν.

 Λέγει αὐτῷ Φίλιππος· κύριε, δεῖξον ἡμῖν τὸν πατέρα, καὶ ἀρκεῖ ἡμῖν.

 λέγει αὐτῷ ὁ Ἰησοῦς· τοσούτῳ χρόνῳ μεθ᾽ ὑμῶν εἰμι καὶ οὐκ ἔγνωκάς με, Φίλιππε; ὁ ἑωρακὼς ἐμὲ ἑώρακεν τὸν πατέρα· πῶς σὺ λέγεις· δεῖξον ἡμῖν τὸν πατέρα;

10  οὐ πιστεύεις ὅτι ἐγὼ ἐν τῷ πατρὶ καὶ ὁ πατὴρ ἐν ἐμοί ἐστιν; τὰ ῥήματα ἃ ἐγὼ λέγω ὑμῖν ἀπ᾽ ἐμαυτοῦ οὐ λαλῶ, ὁ δὲ πατὴρ ἐν ἐμοὶ μένων ποιεῖ τὰ ἔργα αὐτοῦ.

11  πιστεύετέ μοι ὅτι ἐγὼ ἐν τῷ πατρὶ καὶ ὁ πατὴρ ἐν ἐμοί· εἰ δὲ μή, διὰ τὰ ἔργα αὐτὰ πιστεύετε.

12  Ἀμὴν ἀμὴν λέγω ὑμῖν, ὁ πιστεύων εἰς ἐμὲ τὰ ἔργα ἃ ἐγὼ ποιῶ κἀκεῖνος ποιήσει καὶ μείζονα τούτων ποιήσει, ὅτι ἐγὼ πρὸς τὸν πατέρα πορεύομαι· (Jn. 14:1-12 BGT)

Dịch sát nghĩa

1 “Đừng để lòng anh em bị lung lay! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.

2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều nơi ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, rằng Thầy đi để chuẩn bị nơi ở cho anh em.

3 Nếu Thầy đi và chuẩn bị nơi ở cho anh em, thì Thầy lại đến và sẽ mang anh em theo với Thầy, để nơi mà chính Thầy ở, anh em cũng có thể ở.

4 Và nơi Thầy đi, anh em biết đường rồi.”

5 Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài! Chúng con không biết nơi mà Ngài đi, làm sao chúng con có thể biết con đường?”

6 Đức Giêsu nói cùng ông: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha, ngoại trừ qua Thầy.

7 Nếu anh em biết Thầy rồi, Cha của Thầy anh em cũng sẽ biết. Từ bây giờ, anh em biết Người và thấy Người rồi.”

8 Ông Philípphê nói: “Thưa Ngài! Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, và điều đó đủ cho chúng con.”

9 Đức Giêsu nói cùng ông: “Thầy ở với anh em thời gian lâu như thế, mà anh vẫn chưa biết Thầy sao, Philípphê ơi? Ai thấy Thầy rồi là thấy Chúa Cha rồi. Sao con lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?

10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời chính Thầy nói với anh em, Thầy không nói từ chính mình. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, làm những công việc của mình.

11 Anh em hãy tin Thầy rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; Nếu không thì hãy tin qua những công việc ấy.

12 Amen, Amen, Thầy nói cùng anh em, người tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những công việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì chính Thầy đi đến cùng Chúa Cha.

Bình luận tổng quát

Chỉ trong Tin Mừng thứ tư, người ta mới thấy được mối bận tâm Đức Giêsu dành cho các môn đệ trước lúc chia tay để chịu khổ nạn. Đức Giêsu ra đi một mình, để lại cộng đoàn các môn đệ với bao nhiêu nỗi lo lắng, sợ hãi. Sợ hãi vì vắng Thầy, lo âu, bất an vì không biết nơi Thầy mình đi. Hơn nữa, Đức Giêsu lại công bố những tin tức động trời: “Một người trong anh em sẽ nộp Thầy”, còn ông Phêrô lại chối thấy đến ba lần khi gà chưa kịp gáy. Trong bối cảnh ấy Đức Giêsu dành một khoảng thời gian dài để vừa an ủi, khích lệ, vừa giải thích để các ông có thể bền tâm, vững chí mà vượt qua cơn khủng hoảng trước mắt. “Lòng anh em đừng lung lay (sợ hãi)”. Làm thế nào để giảm bớt lo lắng sợ hãi? Thưa là phải có niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa và vào chính Đức Giêsu. Người ra đi là để chuẩn bị chỗ ở tương lai cho các môn đệ. Chỗ ở ấy cũng được gọi là nhà của Cha Đức Giêsu. Cha của Đức Giêsu cũng là Cha của các môn đệ. Đức Giêsu lìa bỏ thế gian mà đi đến cùng Chúa Cha và cũng là lên nơi đã ở trước kia. Đó là vị trí bên hữu Thiên Chúa sau khi Người phục sinh và lên trời. Làm sao các môn đệ có thể đến cùng Chúa Cha? Thưa chỉ có một cách thức duy nhất là qua Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là con đường và “không ai có thể đến với Cha mà không qua” Người. Người là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài Người. Nhờ cuộc khổ nạn, chết và Phục Sinh của Người mà nhân loại được ơn cứu độ. Nhờ lời Người giảng dạy con người được thánh hóa, được biến đổi, và được hưởng nhờ ơn cứu độ mà Người đã hoàn tất qua cuộc khổ nạn – phục sinh. Di ngôn: “Thầy là con đường, và là sự thật, và là sự sống” có thể được hiểu theo nhiều cách: Người là con đường dẫn đến sự thật và sự sống; hoặc Người là con đường và sự thật để dẫn đến sự sống; Hoặc Người là con đường, nghĩa là sự thật và là sự sống. Dù cách nào đi nữa, người ta cũng phải biết rằng Người thật sự đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1,14.17; 5,33) và Người đến là để làm chứng cho sự thật (18,37). Người cũng chính là sự sống lại và là sự sống (11,25); Người cũng chính là bánh sự sống từ trời xuống; Bất cứ ai ăn Người thì sẽ có sự sống đời đời (Ga 6,54). Sự sống đời đời chính là nhận biết Chúa Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô (Ga 17,3). Nơi con người của Đức Giêsu, người ta có thể tìm thấy lối để đi, được sống theo chân lý và vươn đến sự sống dồi dào và sự sống vĩnh cửu đời sau. Nơi con người của Đức Giêsu, người ta cũng nhận biết và nhìn thấy Thiên Chúa cách sống động và toàn vẹn: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”; “Thầy không nói từ mình, nhưng Chúa Cha ở trong Thầy, chính Người làm những công việc của mình”. Mối hiệp thông “nên một” giữa Đức Giêsu và Chúa Cha cũng được mở rộng ra cho cộng đoàn các môn đệ. Cách môn đệ có thể được nên một với Đức Đức Giêsu là họ “ăn thịt và uống máu” của Người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Đức Giêsu tha thiết nguyện cầu cùng Chúa Cha cho họ “nên một như chúng ta là một” (Ga 17,12.21.22.23). Tóm lại, để các môn đệ có thể bớt lo lắng sợ hãi, họ phải có niềm tin vững chắc vào Đức Giêsu. Tin rằng Người ra đi để chuẩn bị nơi ở cho họ, nơi ở đó là trong nhà của Cha Người. Muốn tin vững chắc thì các môn đệ phải hiểu biết về nơi và con đường mà Đức Giêsu sẽ đi. Ngoài ra, các môn đệ cần phải biết và thấy Chúa Cha nữa. Muốn biết và thấy Chúa Cha thì họ lại phải tin vào Đức Giêsu, phải tin rằng Đức Giêsu ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Đức Giêsu. Nếu Đức Giêsu không đủ để họ tin tưởng, thì họ còn có thể dựa vào những công việc Đức Giêsu làm để tin. Niềm tin ấy giúp họ có thể tin vào Thiên Chúa, cũng như tin vào Đức Giêsu để có thể vững chắc trước mọi sóng gió của cuộc đời, thậm chí đôi khi phải trải qua những đêm tối đức tin, cảm giác thiếu vắng Chúa hoàn toàn.

Học viện Thánh Anphongsô