Fr. Joseph Tân
Nguyễn, ofm
Qua phương pháp phân tích siêu nghiệm,
lý trí có thể dẫn con người đến sự hiểu biết về những vấn đề liên quan đến sự tồn
tại của thế giới: Liệu cuộc sống con người có phải là sự vượt lên trên hay tách
khỏi vũ trụ vật chất vô tri không? Hay mọi tồn tại chỉ là những phần của một tổng
thể vật lý? Và nếu chúng ta chấp nhận quan điểm tôn giáo về sự tồn tại của một
vị Thần Tối Cao, thì vị Thần đó có hoàn toàn tách biệt khỏi thiên nhiên, hay chỉ
như một con nhện đang dệt nên mạng lưới vũ trụ bằng chính vật chất xuất phát từ
bản thân mình? Lý trí có thể trả lời phần nào, nhưng tri thức con người có giới
hạn về các vấn nạn tối hậu liên quan đến sự sống và vũ trụ như: “Tại sao?” hay
“Từ đâu mà ra?” Trong bài này, chúng ta sẽ giải thích từng bước nhỏ để xem niềm
tin tôn giáo có thể gia tăng tri thức của con người về thế giới tự nhiên hay không.
Tôn giáo có khả năng điều phối cấu trúc xã hội, lĩnh vực tâm linh, cách con người
biểu tượng hóa chính mình, và ngôn ngữ về sự thánh thiêng. Do đó, tôn giáo cũng
có thể soi sáng những vấn nạn tối hậu như vậy, tiêu biểu là câu hỏi liệu rằng vũ
trụ thiên nhiên này có cần Thượng Đế để xuất hiện và tiếp tục tồn tại không?
THIÊN
NHIÊN VÀ VŨ TRỤ VẬT LÝ
Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu
hai khái niệm “thiên nhiên” và “vũ trụ.” Chúng ta trải nghiệm và thường nhận thấy
rằng, thiên nhiên gồm những hữu thể xuất hiện như một tổng thể chặt chẽ, chứ
không chỉ đơn thuần là tập hợp của các hữu thể vật lý. Chúng ta dùng hạn từ “vũ
trụ” (kosmos) để nói lên một ý nghĩa
rất đặc biệt, đó là một sự kết hợp chặt chẽ của các sự vật, như một tập hợp vừa
đẹp vừa chân thực của những thành phần khác nhau, tạo nên một thể thống nhất có
tổ chức. Vũ trụ là một thực tại trái ngược hoàn toàn với sự hỗn độn (chaos, hư vô), vô
trật tự và vô tổ chức. Người Hy Lạp cho rằng, không có tư duy nếu không có gì tồn
tại. Trong các chuyện thần thoại Hy Lạp, có sự thay đổi quan trọng khi các
vị thần sắp xếp lại trật tự từ sự hỗn độn để tạo thành vũ trụ. Ở nơi hư vô, có
thể có hữu thể vật lý nhưng không có hệ thống hay nguyên tắc lề luật. Tất cả
như một khối xáo động của sự rời rạc và bất liên kết, một
sự vô định hình, thiếu tương tác nội tại, đối ngược hoàn toàn với vũ trụ. Thiên
nhiên hay vũ trụ là sự hình thành nên một tổng thể liên kết chặt chẽ. Sự liên kết
hay tổng hợp này cho thấy có một trật tự hay quy luật nào đó hầu như đang điều
phối mọi chuyển động. Vì lý do đó mà vũ trụ hay thiên nhiên có thể được nhận thức
được bằng trí tuệ.[1]
Đối với
các triết gia, việc nhận thức rằng
vũ trụ vật lý có một sự thống nhất về
các nguyên tắc trật tự mang lại một ý nghĩa to lớn.
Mọi thứ trong thiên nhiên đan xen với nhau. Khi ta
cố gắng nhận thức thiên nhiên thì ta đang nhìn nó như
một tổng thể. Nhiều triết gia hiện sinh kết luận rằng chúng ta đang sống trong
một thế giới phi lý và con người hành động một cách vô ý thức.
Nhưng khi nhận ra thế giới là “vô nghĩa” có nghĩa là thế giới đang trái ngược với
sự có ý nghĩa, và do đó, sự có ý nghĩa thì căn bản hơn là vô nghĩa. Như thế,
thiên nhiên hay thế giới vật lý là một tổng thể liên kết chặt chẽ, hợp nhất và
đầy ý nghĩa. Nếu thiên nhiên là một tổng thể hay hệ thống liên kết chặt chẽ,
thì cái gì làm cho nó kết nối với nhau? Cái gì làm cho
thiên nhiên ăn khớp với nhau để tạo thành một hệ thống? Vũ trụ thì ở khắp mọi
nơi và luôn được biểu lộ bằng những nguyên tắc, vốn giải thích cho thấy
tính cố kết và sự hiệp hợp nhất của thiên nhiên. Các nguyên tắc hay luật
thiên nhiên này phát xuất từ nội tại và biểu hiện mối tương quan có trật tự giữa
những thành phần của tổng thể gọi là thiên nhiên.
Vì vậy, khi chúng ta sống trong một
vũ trụ đầy ý nghĩa, tức là chúng ta đang sống trong một vũ trụ đang được điều
hành bởi luật. Khoa học tìm hiểu thiên nhiên, nó phải tìm các luật đang hoạt động
bên trong thiên nhiên. Newton chứng minh rằng, trọng lực là nguyên nhân trái
táo từ cây táo rơi xuống đất, cũng là nguyên nhân làm cho mặt trăng xoay quanh
địa cầu. Nhưng nhà khoa học có thể sai lầm, nếu họ giả định rằng luật thiên
nhiên là quy luật tối thượng của vũ trụ. Trái lại, thiên nhiên đều phụ thuộc
vào một luật tối cao, đó là luật vĩnh cửu của Thiên Chúa vốn chi phối mọi sự vật
tồn tại. Mọi sự tồn tại trong vũ trụ là vì một lý do tối cao và duy nhất, đó
là Thiên Chúa muốn chúng hiện hữu. Thế giới vật chất và biến dịch là kết quả trực
tiếp của nguyên nhân siêu nhiên, vốn giải thích cho sự tồn tại của nó. Chúng ta
cũng không thể thấu hiểu thực tại, nếu chúng ta không nhận ra mối tương quan cúa
của nó đối với Thiên Chúa như hậu quả đối với nguyên nhân. Nói một cách đơn giản,
Thiên Chúa là nguyên nhân và vũ trụ là kết quả. Nguyên
nhân đóng ấn hay để lại trên kết quả dấu vết của nó như một dấu hiệu đặc trưng
riêng tư. Cũng như một nghệ gia để lại dấu ấn trí tuệ trên tác phẩm của mình,
thì theo một cách hoàn toàn đặc thù, Thiên Chúa đã lưu lại dấu ấn đặc trưng của
Người trên vũ trụ mà Người đã tạo dựng. Sự khôn ngoan thánh thiêng chiếu tỏa và
được biểu lộ nơi tất cả mọi vật như trong lời Thánh Vịnh 19,1:
“Trời xanh tường thuật vinh quang của Chúa, và
không trung loan báo việc tay Người làm.”
Khi các nghệ nhân sáng tác, họ chỉ
tiếp nhận và diễn đạt chúng qua tác phẩm nghệ thuật của họ, nhưng Thiên Chúa mới
chính là nguồn gốc của mọi sự hiện hữu. Thiên Chúa hành động hoàn toàn từ chính
quyền năng siêu việt của mình. Tôn giáo là lĩnh vực mà con người tìm hiểu Trí
Tuệ siêu việt được biểu lộ thông qua những quy luật được mạc khải. Các mối
tương quan có trật tự tồn tại ở khắp nơi trong vũ trụ cho ta tri thức về tương
quan nguyên nhân-hậu quả và đưa đến khả năng tiên đoán. Tuy nhiên, hiểu
quy luật vật lý trong thiên nhiên không
có nghĩa là thế giới phải xuất hiện như cách thức mà chúng ta đang cảm nhận nó. Thiên Chúa không buộc phải
sáng tạo một thế giới cụ thể như Người đã tạo nên. Chúa lựa chọn tạo dựng thế
giới theo ý muốn của Người một cách tự do. Nhưng đây là một
thế giới thực sự và được mặc định để tồn tại trong cách thức mà Thiên Chúa muốn
nó tồn tại.
Con người được tạo nên như một sự tổng
thể duy nhất hợp gồm cả linh hồn
và thân xác, vật chất và phi vật chất. Chính bởi trạng thái phức hợp này mà
chúng ta cùng lúc vừa là mặc định vừa là không mặc định. Một cách đơn giản,
chúng ta đã được mặc định sống và hành động theo tính vật chất của mình trong
phạm vi trọng lực cho phép. Qua thời gian và nhiều cách thức khác nhau, cơ thể
của chúng ta cũng sẽ phát triển và thay đổi trong sự tương tác với quy luật
này. Tất cả những gì chúng ta nghĩ là có thể vượt qua thế giới vật lý, thì thật
ra chỉ đơn giản là vượt trên những hiện hữu vật lý khác. Tuy nhiên, điều này
không có nghĩa là chúng ta không thể hướng đến cái vô hạn nhờ vào sự tự do và ý
hướng thiêng liêng của con người. Do đó, muốn tìm hiểu vũ trụ thiên nhiên cho tận
gốc, chúng ta không thể loại trừ quan điểm của tôn giáo về thiên nhiên.
THIÊN NHIÊN TỒN TẠI
THEO CỨU CÁNH
Chúng ta biết rằng mọi chuyển động
đều có chiều kích chủ động và chiều kích thụ động. Tuy nhiên, trong hầu hết các
trường hợp của chuyển động, người ta chỉ thấy được các hiệu kết quả mà
không hề thấy được các nguyên nhân của chúng. Lý trí con người muốn biết sự kiện
đã xảy ra như thế nào để rồi kết quả của nó đang tồn tại ở đây. Chúng ta cần
suy luận về nguyên nhân dựa trên những thông tin cơ bản có được từ kết quả,
cùng với các điều kiện mà hiệu kết quả được đặt để trong đó.
Trong học thuyết bốn nguyên nhân của
Aristotle, thì nguyên nhân tác thành và nguyên nhân cứu cánh đã gây nên nhiều vấn
nạn nhất cho triết học tân thời.[2] David Hume
nghi ngờ về tri thức của nguyên nhân trong khi chúng ta chỉ quan sát được kết quả
của mọi sự xảy ra. Hume giải thích “nguyên nhân” chỉ là thói quen thông thường
của quá trình nhận thức, và không có tính logic tất yếu nào cả, vì con
người không thể thâm nhập vào bản tính sâu thẳm hay khám phá những năng lực bí ẩn
của thiên nhiên. Immanuel Kant cho rằng, con người chỉ có tri thức ở mức độ hiện
tượng (phenomena) chứ không có tri thức
ở mức độ bản thể của sự vật (noumena).
Quan hệ nhân quả chỉ là do khả năng xử lý của trí khôn, vốn cung cấp các
“khuôn” phạm trù mà qua đó kinh nghiệm được sắp xếp như là điều kiện để chúng
trở thành tri thức. Tri thức mà không có phạm trù là tri thức mù, nhưng phạm
trù mà không có tri thức là phạm trù trống rỗng. Tuy nhiên, tri thức luận của
Kant tiềm tàng một sự mâu thuẫn. Kant giới hạn tri thức chỉ trong những gì phù
hợp với các phạm trù của trí khôn. Nếu chúng ta không thể biết được sự vật tự
thân như nó là, thì làm sao chúng ta biết nó tồn tại? Như thế, hoặc là Kant đã
chối bỏ “tồn tại” như yếu tố tự thân của mọi sự vật, hoặc là Kant đặt ra những
hạn chế quá triệt để về khả năng của trí tuệ.
Nếu quan hệ nhân quả không xuất
phát như là phạm trù của tư tưởng, thì nó phải có nguồn gốc khách quan, tức là
qua các chứng cớ trong thế giới tự nhiên. Cũng như quy luật phi-mâu thuẫn, quan
hệ nhân quả là hiển nhiên và là căn tính của vũ trụ vật lý. Trong bốn loại
nguyên nhân (mô thể, chất thể, tác thành và cứu cánh), thì nguyên nhân cứu cánh
là quan trọng nhất. Cho dù nó xuất hiện sau cùng theo trình tự thời gian, nhưng
về mặt khái niệm thì nguyên nhân cứu cánh lại đến trước nhất. Nguyên nhân cứu
cánh trở thành ánh sáng hướng dẫn cho hành động đem lại kết quả. Hiểu biết về mục
tiêu và ý định của một cuộc đua là việc chuẩn bị, và trong khi cuộc đua xảy ra,
thì hình ảnh về những hành động cần phải làm để đạt đến mục tiêu đã xuất hiện
trong đầu của chúng ta.
Aristotle mô tả nguyên nhân cứu
cánh như là “điều phải được quy về,” tức là lời giải thích cuối cùng cho tất cả
những gì chúng ta làm. Nó cho chúng ta biết sự tận cùng của trật tự nơi sự vật,
tức là phơi bày bản chất của chúng cách toàn diện. Theo Aristotle, “Mỗi tác
nhân đều hành động vì cứu cánh” (Omnis
agens agit propter finem). Qua sự hiểu biết về cứu cánh, con người sẽ nhận
ra mình đang sống trong một vũ trụ có ý nghĩa. Là những thụ tạo có lý trí, con
người có trách nhiệm tìm kiếm ý nghĩa sâu xa nhất của nhân loại tính, tức là cái
kết cùng đáng cùng đích xứng đáng với tư cách của con người. Con người là
những thụ tạo với hoạt động có mục đích. Mục đích tính của chúng ta đã được xác
định trong thể cách hoạt động. Nhiều khi cái kết cùng đích mà chúng ta
theo đuổi có thể không xứng đáng với những nỗ lực của mình. Có khi vì sự suy yếu
ý chí, con người làm những gì ngược với phẩm giá của mình vốn là do
Thiên Chúa đặt để. Vì là thụ tạo có tự do, chúng ta vẫn có thể theo đuổi các mục
đích đem lại sự hủy hoại cho chính mình. Quan hệ nhân-quả mang tính cứu cánh,
nhưng trong hoạt động vẫn có thể bị lạm dụng.
Aristotle tin rằng mọi thành phần
thì “luôn luôn hoạt động cho một tổng thể” theo những phương thức hành vi có cấu
trúc nhất định. Lời giải thích duy nhất cho sự tuần hoàn trong tự nhiên chỉ có
thể là mục đích tính (telos). Ngược lại
với “telos” là cơ may, tức là xảy ra không theo kiểu mẫu hay khả năng định liệu
nào cả. Con người nhận ra cơ may là những gì bất thường, bởi vì trí khôn luôn
khởi đầu từ quy chuẩn và những trật tự có sẵn sẳn trong tư duy của con
người. Định tính vẫn được ưu tiên hơn bất ổn; và cái bình thường thì căn bản
hơn cái bất thường. Chỉ có hai khả năng mở ra cho chúng ta về việc giải thích
hoạt động cơ bản của thiên nhiên: hoặc là dùng mô mẫu hoặc là cơ may hay ngẫu
nhiên. Cơ may là sự ngoại lệ của thực tại có tính quy tắc và tuần hoàn trong tự
nhiên. Một nhà hoá học biết chính xác những yếu tố nào sẽ phản ứng trong những
trường hợp nhất định, cách kết hợp chúng để tạo thành các hợp chất, hoặc làm
cho phản ứng hóa học xảy ra sớm hơn hay chậm lại. Tri thức này không thể hiện
thực, nếu không có sắp xếp định hướng được thiết lập trong thiên nhiên. Vũ trụ
chúng ta đang sống mang tính hợp lý và qua ánh sáng trí tuệ thì soi dọi khắp
nơi. Một khi tính mục đích của vũ trụ được nhận ra, thì hoạt động của con người
trở thành nghệ thuật hài hòa với thiên nhiên. Bởi vì, nghệ thuật là một sự bắt
chước cách thức mà thiên nhiên hành động. Nếu việc xây dựng một ngôi nhà của
con người là hành động có mục đích, thì chẳng lẽ những con chim yến xây tổ của
chúng khi tới mùa sinh sản chỉ là một điều ngẫu nhiên sao?
Vì là “đứa con của tự nhiên,” con
người sở hữu những nét gì đó có thể tìm thấy trong tự nhiên. Nếu thuộc tính của
con người là tính mục đích, thì mục đích tính phải là một phần của tự nhiên. Phủ
nhận điều đó cũng giống như việc làm cho mục đích của con người chỉ có hệ quả
mà không có nguyên nhân. Thiên nhiên hay thế giới vật chất là một hệ thống có
trật tự, bởi vì tất cả các hoạt động đa dạng của nó được sắp xếp theo hướng có
kết thúc. Con người dựa trên tính mô phỏng và tính mục đích để có thể dự đoán
và tìm hiểu về bản chất của thiên nhiên. Sự thống nhất và liên kết của thiên
nhiên chỉ có thể được giải thích cuối cùng cũng bởi chính nó. Thiên nhiên trở
nên khả tri đối với hữu thể có trí khôn là bởi vì chính là ánh sáng trí
tuệ đã được kết xuất từ bản chất của thiên nhiên. Một vũ trụ vô nghĩa thì không
có cứu cánh, không có mô hình, không có dự đoán, không có tuần hoàn tính mà chỉ
có hỗn mang, và cũng chẳng có gì mà phải bàn cãi. Hơn thế nữa, thiếu vắng những
điều này có nghĩa là trí khôn không thể dựa trên cơ sở vững chắc của trật tự và
quy tắc nào của tồn tại để nhận thức.
[1] x. Peter Adamson, “The Theology of
Aristotle,” (2021), truy cập ngày 23/3/2023. (https://plato.stanford.edu/entries/theology-aristotle/).
[2] x. Lorenzo Minio-Paluello, “The Nature of Aristotelianism,” truy cập 3/3/2023 (https://www.britannica.com/topic/Aristotelianism#ref408050).