"Bông hoa lạ" Micaen Nguyễn Đình Lành

Nhân kỷ niệm 20 năm cha Micaen Nguyễn Đình Lành về với Chúa (13/6/2003-13/6/2023), xin chia sẻ đôi dòng về cha, "Bông hoa lạ của Dòng Chúa Cứu Thế."

“Một bông hoa lạ,” đó là tựa của một bài báo trên tờ Nam kỳ địa phận số 1718, ra ngày 15 tháng 7 năm 1942, viết về lễ phong chức linh mục của cha Micaen Nguyễn Đình lành, một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế.

Cha Nguyễn Đình Lành, tên khai sinh là Nguyễn Đình Duy, sinh ngày 15 tháng Giêng năm 1915, trong một gia đình ngoại giáo tại phủ Anh Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là cụ cố Nguyễn Đình Sâm. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Liên. Hai ông bà sinh được sáu người con, năm trai và một gái.

Sinh ra trong một gia đình khá giả, nên ngay từ sớm cậu bé Duy đã được cha mẹ hướng tới con đường học vấn. Năm 8 tuổi, cậu bắt đầu những bài học đầu tiên tại ngôi trường quê hương Anh Sơn, Nghệ An. Tốt nghiệp tiểu học, cha được cha mẹ gửi vào học trung học tại trường Pellerin, Huế, do các Sư huynh Lasan điều hành. Tại đây, nhờ tiếp xúc nhiều với các Sư huynh, với các chú Đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế đang theo học tại đó và có dịp học hỏi về giáo lý, cha được ơn trở lại và quyết tâm theo Chúa trong ơn gọi tu trì. Năm 1930, mặc dù chưa chịu các bí tích nhập đạo, cha xin cha Larouche tìm hiểu ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế và đã được cha đồng ý chấp nhận. Ngày 11 tháng Giêng năm 1931, cha chịu phép Thanh tẩy. Bốn tháng sau, ngày 19 tháng Năm năm 1931, cũng tại nguyện đường trường Bình Linh (Pellerin) cha lãnh bí tích thêm sức qua sự đặt tay của Đức cha Chabanon.

Trước khi lãnh các bí tích khai tâm ra nhập đạo, cha có viết thư về xin phép cha mẹ được theo đạo, nhất là được theo đuổi ơn gọi tu trì. Cha mẹ không bằng lòng và ông bà đã từ Nghệ An vào tìm bắt con về. Ở quê, nhớ trường, nhớ lớp, nhất là với ước muốn mãnh liệt được đi theo Chúa, cha trốn gia đình vào lại Huế. Do lo sợ sẽ lại bị cha mẹ bắt về, cha E. Larouche đã đưa cha vào Sài Gòn, gửi nhờ gia đình cha Henri Bạch Văn Lộc giúp đỡ nơi ăn chốn ở. Tại đây, cha được đổi tên là Nguyễn Đình Lành. Cha đã âm thầm đón nhận mọi thử thách, mọi sự sắp xếp của Chúa quan phòng và hằng cầu xin Thiên Chúa giúp sức để được gia đình chấp nhận và cho cha mẹ được ơn đức tin.

Ngày 14 tháng 08 năm 1936, cha được gọi vào Nhà tập. Lớp tập năm ấy ngoài ba cha: Giuse Trần Hữu Thanh, Micaen Nguyễn Đình Lành, Phêrô Nguyễn Xuân Lộc, cùng lớp Đệ tử, còn có thêm cha Micaen Nguyễn Quang Toán được đôn từ lớp dưới lên do cả lớp đã về hết và cha Giuse Vũ Ngọc Bích từ Chủng viện Thượng Kiệm Phát Diệm chuyển qua. Lớp Tập năm đó cả thảy năm người. Ngày khai mạc Tập viện, cả năm đã cùng khấn xin Đức Mẹ giữ gìn cho được cùng bền đỗ trong Dòng cho tới chết.

Ngày 15 tháng 8 năm 1937, cha tuyên khấn lần đầu. Ngày 06 tháng 06 năm 1942, cha được thụ phong linh mục tại nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội, cùng với anh em trong lớp và các thầy chủng sinh Chủng viện Xuân Bích.

Năm 1943, mãn Học viện, cha được bổ nhiệm về giúp Đệ Tử viện Huế. Trong suốt hơn 10 năm ở Đệ Tử viện Huế, cha vừa làm giáo sư, vừa giữ một số chức vụ: quản lý Đệ Tử viện (1946-1948), Phó Giám đốc Đệ Tử viện (1948 -1955). Năm 1954, Đệ Tử viện Huế quá tải do phải đón thêm các chú Đệ tử từ Tiểu Đệ tử viện Hà Nội vào. Năm 1955, các Bề trên Dòng đã quyết định rời Đệ Tử viện Huế vào Vũng Tàu. Cha theo đoàn Đệ tử vào Vũng Tàu, vừa làm linh giám vừa giúp các chú Đệ tử các môn toán và khoa học. Cuối năm 1956, sau gần 20 năm phục vụ tại Việt Nam, hai cha A. Trépanier và Jacques Huberdeau về Canada nghỉ phép. Cha Micaen Lành được chỉ định làm Bề trên kiêm Giám đốc Đệ Tử viện Vũng Tàu. Tuy nhiên, cha chỉ giữ chức vụ Giám đốc Đệ Tử Viện mấy tháng. Ngày 1 tháng 01 năm 1957, cha Gioan Nguyễn Văn Thính được chỉ định giữ chức vụ Giám đốc Đệ Tử viện thay cha.

Ngày 6 tháng 7 năm 1959, cha J. M. Labonté được chỉ định làm Giám phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Cha Micaen được bổ nhiệm làm Bề trên Nhà Đà Lạt. Năm 1961, kết thúc nhiệm kỳ, cha trở về Huế, phụ giúp mục vụ tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thời gian này, ngoài việc đảm nhận các công việc mục vụ tại cộng đoàn Huế, cha đã dành rất nhiều thời gian và công sức, giúp Dòng Thánh Tâm Huế trong tiến trình canh tân Dòng từ một dòng giáo dân sang dòng giáo sĩ. Cha đã cùng với các tu sĩ của Dòng chấp bút bản hiến chương mới, cùng những qui tắc phải tuân giữ đối với một tu sĩ Dòng Thánh Tâm.

Năm 1968, dưới thời cha Bênêđitô Hoàng Quang Lượng làm Giám tỉnh, cha được chỉ định làm cố vấn thường vụ tỉnh Dòng. Đây là giai đoạn có nhiều biến động trong dòng do bất đồng quan điểm, do khác biệt trong những chọn lựa dấn thân đấu tranh chính trị của một số anh em. Ngoài xã hội, biến cố Tết Mậu Thân ngày 30/1/1968, gây nhiều tang thương trên khắp các tỉnh thành miền Nam. Cha Micaen đã cùng với các anh em chèo chống Tỉnh Dòng vượt qua những khó khăn thử thách.

Năm 1970, một nhiệm kỳ mới được bắt đầu với cuộc bầu cử theo Nghị quyết của Tổng Công Hội thứ 17. Cha Henri Bạch Văn Lộc đắc cử chức vụ Bề trên Giám tỉnh. Cha Micaen được các bề trên tín nhiệm đặt coi sóc Nhà Huế và ngài sẽ còn giữ chức vụ Bề trên Nhà Huế cho tới năm 1990.

Ngày 26/3/1975, Huế thất thủ vào tay Cộng sản. Những ngày đầu khi quân Giải phóng chiếm Huế, trong vị thế của một bề trên, cha phải đối diện với một hoàn cảnh không mấy dễ dàng. Dân chúng tán loạn bỏ Huế ra đi. Nhà thờ và tu viện bị khám xét. Chính trong bối cảnh đó, từ một con người nhỏ nhẹ, thường rất thân tình, bỗng cha như trở nên một con người khác quyết đoán lạ thường trong mọi công việc, từ đối nội tới đối ngoại, từ việc chăm lo mục vụ cho đoàn chiên đang hoang mang dao động, cho đến việc gánh vác các trách nhiệm chung trong một giáo phận phải gánh chịu quá nhiều tang thương của chiến tranh.

Giai đoạn này, có nhiều câu chuyện về cha được chính cha hoặc những người thân cận với cha kể lại. Vào những ngày đầu giải phóng, một toán bộ đội đòi khám xét nhà thờ và tu viện. Khi họ khám nhà thờ, cha cương quyết buộc toán lính phải bỏ vũ khí bên ngoài mới được vào nhà thờ, bởi đây là nhà Chúa và cha đã thành công. Nhưng khi họ muốn khám xét nhà Dòng và tự động bỏ khí giới ở ngoài cổng thì cha lại có thái độ khác: “Các anh cứ mang vũ khí theo, vì nơi đây chỉ là nhà ở chứ không phải nơi thờ phượng.” Khi qua nhà cơm, cha đã mời họ dùng nước giải khát. Câu chuyện kỳ lạ này có hậu: một thời gian sau, khi có dịp về thăm quê hương, cha đã vô cùng sửng sốt được gặp lại anh Trung úy đã chỉ huy xét nhà mấy năm trước và bỡ ngỡ được biết rằng: đó là người cháu của cha. Hơn nữa, con người thánh thiện ấy đã được Chúa cho thực hiện việc lạ lùng của Mầu Nhiệm Tình Thương. Trong môt lần về thăm quê, đêm kia, ông thân sinh của cha tự nhiên kêu cha dậy và nói: “Con hãy dạy giáo lý và rửa tội cho thầy đi.” Cha vui mừng vì được biết mẹ cha trước khi chết cũng đã được Rửa Tội, và nay thì chính cha cũng làm công việc ấy đối với thân phụ mình (x. R. Nguyễn Tự Do, Lịch sử DCCT Việt Nam (NXB. Tôn giáo, 2002), 353).

Năm 1980, như tiên đoán được tương lai đang dần mở ra phía trước, nhất là vì lo cho tiền đồ của Nhà Dòng với một cơ ngơi đồ sộ cả về vật chất và tinh thần mà nay chỉ còn có hai người già nắm giữ, cha bắt đầu nghĩ tới việc tuyển lựa những mầm non ơn gọi đầu tiên cho Dòng Chúa Cứu Thế. Ngày 16/10/1980, trong số những ứng sinh theo ơn gọi triều – dòng mà ngài vẫn thường xuyên giúp đỡ, ngài đã tuyển chọn ba người và kiên trì đào tạo. Trong số ba ơn gọi đầu tiên ấy, sau này chỉ còn lại một mình cha Giuse Hồ Đắc Tâm. Các anh em khác hoặc về thế gian hoặc chuyển hướng trong Dòng tu khác. Sau khóa đầu tiên, ngài còn nhận thêm nhiều anh em khác nữa vào Dòng. Có thể nói, tất cả các linh mục tu sĩ nam nữ giai đoạn từ 1975 tới 1990, xuất thân từ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đều mang dấu ấn của cha già Lành. Ngài như một người cha ân cần, quan tâm chăm sóc, như một nhà linh hướng tân tâm, đạo đức, như một nhà toán học tỉ mỉ, như một nhà luật pháp nghiêm khắc răn dạy những ai được ngài hướng dẫn theo đuổi ơn gọi.

Tháng Tư năm 1990, sau nhiều năm giữ chức vụ Bề trên, cha được nghỉ ngơi mọi chức vụ. Cũng vào thời điểm này, cha bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh mất trí nhớ. Bệnh quên ngày càng trầm trọng. Khoảng năm 1995–1996, cha quên hẳn mọi sự, không nhớ được bất cứ điều gì. Dù vậy, cha vẫn không quên các việc đạo đức, các giờ kinh nguyện. Dù chỉ một mình, theo thói quen, cha vẫn hằng ngày đúng giờ đến nhà nguyện. Có hôm, dù chỉ có một mình, cha vẫn xướng kinh, đứng lên, ngồi xuống theo đúng trình tự để thờ phượng Chúa. Những anh em giáo dân phụ chăm sóc ngài những năm cuối đời kể lại rằng, dù quên hết mọi sự nhưng có một số điều ngài không quên, đó là bổn phận dâng Thánh Lễ mỗi ngày và sống thái độ vâng phục. Những năm cuối đời, câu hỏi mà ngài thường hỏi anh em là: “Bây giờ là mấy giờ, đã đến giờ dâng lễ chưa?”

Đối với việc tuân giữ lời khấn vâng phục, có nhiều chuyện về cha được các con cái của ngài kể lại. Hồi ngài mới kết thúc sứ vụ bề trên, vì không nhớ, nên có lần, khi cha Hoàng Diệp đi qua trước cửa phòng ngài, vì nghĩ mình vẫn còn là bề trên, nên ngài đã gọi: “Cha ơi, cho tôi gặp một chút.” Sau khi gặp cha Hoàng Diệp, bất chợt, như nhận ra điều gì, ngài chạy ra khỏi phòng, chạy theo cha Bề trên, quỳ xuống trước mặt ngài và nói: “Con xin lỗi cha Bề trên.”

Chứng quên của ngài đôi khi cũng gây phiền hà cho anh em nhưng cũng thật dễ mến. Có lần, không biết có ai cho, hay ngài kiếm ở đâu một tấm hình các tu sĩ Dòng Phanxicô. Cầm tấm hình trên tay, mang xuống nhà cơm hỏi hết cha này tới cha khác: “Bữa nay, các tu sĩ Dòng Phanxicô còn giữ truyền thống cắt tóc như trong hình nữa không?” Các cha các thầy ai cũng trả lời: “Bữa nay, bỏ hết rồi!” Thế rồi, giờ nghỉ trưa, do quên, nên ngài đi tìm các cha, các thầy để hỏi. Tội cho thầy Tađêô, vì phòng của thầy ở ngay cạnh phòng cha già. Một lần, hai lần...bực mình vì mất giấc ngủ trưa, thầy Tađêô liền nói: “Cha có biết cha hỏi con bao nhiêu lần rồi không?” Không đợi cha trả lời, thầy nói: “Cha hỏi con 12 lần rồi đó!” Cha già như sực tỉnh, nhưng vẫn không quên làm một cử chỉ dễ thương và hài hước. Ngài cầm tấm hình lên, đếm chậm rãi, một, hai, ba... Rồi ngài nói: “Trong ảnh này có 13 thầy, tôi mới hỏi thầy có 12 lần, tôi chắc sẽ còn phải hỏi thầy thêm một lần nữa” (theo lời kể của anh Minh, người đã giúp ngài suốt 9 năm cuối đời).

Năm 2002, cùng với quý cha trong lớp, cha ra Hà Nội mừng lễ kỷ niệm 60 năm linh mục. Các cha Giuse Vũ Ngọc Bích, Giuse Trần Hữu Thanh phải ngồi xe lăn. Cha là người duy nhất trông mạnh khỏe, nhưng lại là người duy nhất không còn nhớ gì. Người em ruột cùng các con cháu sống ở Hà Nội đến mừng, cha vui vẻ chào mời, nhưng thực sự cha cũng không biết đó là các em, các cháu. Thánh Lễ đồng tế tạ ơn hôm đó, cả hai cha bạn phải ngồi xe lăn, nên chỉ một mình cha được diễm phúc đứng đồng tế cạnh Đức Hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng. Dù vậy, bệnh quên làm cho cha dễ thương, đứng bên Đức Hồng y, nhưng với cha, cũng như đứng gần một người xa lạ.

Ngày 13 tháng 6 năm 2003, “Bông hoa lạ” Micaen Nguyễn Đình Lành đã được Chúa ngắt về trồng nơi nhà Chúa, hưởng phúc vinh muôn đời.

Học viện Thánh Anphongsô