Cha Giuse Vũ Ngọc Bích: “Ngọn đèn chầu bên bàn thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà”

 

Hôm nay, ngày 8/6, kỷ niệm 19 năm cha Giuse Vũ Ngọc Bích, C.Ss.R. về với Chúa (8/6/2004-8/6/2023), xin kính gửi tới những ai từng quen biết ngài những nét chấm phá về cuộc đời của một chứng nhân đã cam đảm ở lại Hà Nội, để giữ cho ngọn đèn chầu nơi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn sáng mãi.

Năm 1954, các thành viên của Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội vào Nam hết, kể cả cha Bề trên. Nhưng rồi sau đó có cha Vũ Ngọc Bích trở về Hà Nội. Gặp cha Bích, cha Phạm Đình Tụng bấy giờ là chính xứ Hàm Long, nói rằng: “Có lẽ đây là do Chúa Thánh Thần soi sáng để ngài về giữ nhà Dòng, giữ lấy đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và giữ lấy xứ Thái Hà.”

Quyết đi tu làm linh mục Dòng Chúa Cứu Thế

Ông bà Vũ Văn Hải nguyên quán làng Dưỡng Điềm, huyện  Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thuộc Giáo phận Phát Diệm sinh người con thứ hai, con trai, ngày 17 tháng 08 năm 1914, đặt tên Vũ Văn Tín. Ông bà ước nguyện với Chúa sẽ dâng con trai đi tu làm linh mục.

Lên 7, đi học chữ quốc ngữ, thầy đổi tên là Vũ Văn Nghị.

Năm 1923, lên 9 tuổi, cậu Tín, tức Nghị lên xe lửa vào Thanh Hoá gặp cha xứ Thái Yên, Phạm Bích Đào, được cha bảo trợ, cha đổi tên là Bích, (chữ lót tên cha Đào). Từ đó mang tên Vũ Ngọc Bích.

Sau 3 năm học Trường Thử ở Ba Làng (Thanh Hoá), cậu Bích được vào Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc, Ninh Bình học trong 5 năm (1927 – 1933). Đi thực tập tại xứ Ninh Bình, thời gian này thầy Bích có ý hướng muốn vào Dòng Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên ý hướng ấy cũng gặp nhiều khó khăn, cuối cùng thì cha Delmas chính xứ Ninh Bình bày kế vào Thanh Hoá rồi lên tàu hoả trốn vào Huế. Đến tháng 6 năm 1936 cậu vào Huế, qua tháng 8 năm 1936, thì được mặc áo Dòng vào Nhà tập Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà, Hà Nội.

Ngày 06 tháng 06 năm 1942 thụ phong linh mục tại nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội, là một trong năm linh mục Dòng Chúa Cứu Thế khoá thứ 2.

Vào Nam, ra Bắc nhận nhiệm vụ

Cha Vũ Ngọc Bích mới 28 tuổi đời, mà xem ra định mệnh đã bắt đầu ràng buộc vào đất Thái Hà, vào Tu viện, vào Đệ tử viện.

Trước tiên, phó xứ Thái Hà. Tuyên uý các hội đoàn Công Giáo tại Hà Nội.

Có thời gian ngắn (1944 – 1945), vào dạy Đệ tử viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Sau đó ra lại Thái Hà làm quyền Bề trên tu viện Nam Định, rồi từ tháng 12 năm 1946 đến tháng 06 năm 1947 sơ tán theo lệnh uỷ ban kháng chiến hành chánh Thái Bình.

Từ Thái Bình, cha tìm cách về Hà Nội, về Thái Hà, cha nhận làm Phó Bề trên Nhà tập. rồi làm chủ bút báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ký bút hiệu “Sáo của Đức Mẹ,” sáng lập Cứu Thế Tùng Thư, làm quản lý Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà.

Từ năm 1946, kháng chiến chống Pháp, Hà Nội nằm trong vùng tạm chiếm của Pháp, cha Bích đi giảng đạo, đi công tác cho Dòng, khi vào Nam, khi ra Bắc. Tháng 08 năm 1954, cha đi học khóa Nhà Tập II tại Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt. Đến lúc này, tình hình đã lên đến đỉnh điểm với hiệp định Genève ra đời tháng 07 năm 1954.

Tình nguyện về với Hà Nội

Hà Nội, miền Bắc sẽ đi vào cách mạng trên nửa phần lãnh thổ đất nước, cuộc cách mạng gọi tên là “Dân chủ nhân dân” rồi tiếp cách mạng “Xã hội chủ nghĩa.”

Quá trình này chắc chắn sẽ có nhiều biến động ghê gớm về chính trị, xã hội, mệnh hệ đến cả khối nhân dân, đến từng người, từng cá thể, từng gia đình, từng cộng đoàn chưa biết thế nào mà lường. Nhưng chắc chắn sẽ như những cơn bão táp. Cá thể, cộng đoàn, Giáo Hội như những con tàu đi vào lòng cơn bão ấy. Vượt qua được cơn bão, bản thân đất nước, bản thân con dân, Giáo Hội… chắc chắn có nhiều cuộc đổi đời ghê gớm, ai mà biết cụ thể trước được.

Năm 1954, dòng người Hà Nội, miền Bắc chảy vào Nam. Thế mà cha Vũ Ngọc Bích lại lội ngược dòng, trở ra Hà Nội. Cha ra với Tu viện, với nhà thờ Thái Hà thân thiết bấy lâu nay như chim quen tổ tìm về. Trở về, cha tình nguyện, không do Bề trên chỉ định, không ai dám chỉ định bổ nhiệm một ai trở lại, trở về với Thái Hà lúc bấy giờ cả. Cho nên trong dòng suy nghĩ của linh mục chánh xứ Hàm Long Phạm Đình Tụng cho rằng cha Bích là người trở về để “giữ lấy đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và giữ lấy xứ Thái Hà” là vậy.

Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và nhà thờ xứ đạo Thái Hà, nơi có Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế bao lâu ấp ủ người con của Dòng, của Giáo Hội. Một trong những nơi ấy không thể ly tán nhau được. Từ nay, năm 1954, mọi sự đã an bài, đã gắn bó vào Thái Hà. “Nợ tình” chưa dứt, “cởi ra rồi lại buộc vào như chơi.”

Ngày 06 tháng 10 năm 1954, cha Bích ra đến Hải Phòng, lên Hà Nội bằng đường bộ. Về đến nhà dòng Thái Hà, quang cảnh trở nên hoang vắng lạnh lẽo lạ thường, tịnh ngắt không một bóng người, giữa cái mênh mông “lâu đài bóng tịch dương!” Nơi lâu đài đó vỏn vẹn còn lại 5 người. Trong lúc đó, ngoài kia, bên Hồ Gươm, bên Ba Đình đang rầm rập từ 5 cửa ô đón chào đoàn quân tiến vào tiếp quản 36 phố phường, ngày 10 tháng 10 năm 1954. Trong bầu khí vui vẻ, hồ hởi phấn khởi đó, khu nhà Dòng, nhà thờ Thái Hà, Đệ tử viện vẫn còn đó, vẫn phất phới cờ bay hoà nhập cùng nhân dân. Cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc đã kết thúc trên nửa nước, và trên đó chuẩn bị một cuộc cách mạng tiếp theo, được gọi là “Dân chủ nhân dân.” Đang chuẩn bị, cho nên chưa sôi nóng, đâu vẫn còn đó.

Cho nên, người ta nghiệm thấy rằng cha Bích quyết định mau mắn trở về Hà Nội là một khôn ngoan. Sức mạnh nào thúc giục cha vậy? Giả như cha chậm chân ra Hà Nội sau 10 tháng 10 năm 1954, khi người ta đã tiếp quản, mọi quyền hành nằm trong tay Uỷ Ban Quân Quản, khu nhà Dòng, Đệ tử viện không có người quản lý, vô chủ, các cơ sở đó sẽ như thế nào, ai mà biết được?

Trước mắt, nhà vẫn còn có người ở quản lý, còn 5 người. Nhưng rồi lần lượt dần dần mỗi người ra đi một cách khác nhau, chỉ còn lại mỗi mình cha Vũ Ngọc Bích, à, còn chứ, thêm 2 người bạn nữa: một ông cụ kéo chuông và một ông bõ làm bếp.

Một “vết dầu loang”: “được” mà “mất”

Trong năm 1959, bài sai đưa xuống cử cha Bích làm chính xứ Thái Hà. Cũng trong năm này, uỷ ban nhân dân quận Đống Đa, trụ sở đặt tại Hàng Bột, mời cha Bích đến và đặt vấn đề mượn toà nhà trước đây làm Đệ tử viện, nơi đào tạo chủng sinh, để làm trường học.

Cha trình bày: “Tôi không có quyền, các ông phải hỏi ý kiến Bề trên của tôi ở Sài Gòn.”

Uỷ ban trả lời: “Ông không có quyền thì chúng tôi có quyền.”

Khoảng 2 ngày sau, uỷ ban quận Đống Đa đưa học sinh vào, mở lớp dạy ngay.

Được một niên khoá, uỷ ban đổi ý, dùng toà nhà dạy học làm bệnh viện. Uỷ ban lại mượn thêm một số phòng của nhà Dòng cho bệnh viện. Đến năm 1972 thì toàn bộ cơ sở nhà Dòng đều được sử dụng làm bệnh viện. Nhà nước sẽ xây cho một căn nhà gần nhà thờ. Cấu trúc căn nhà rất bất tiện, sau này cha Bích phải sửa sang cải tạo lại làm phòng khách, làm nhà nguyện, phải sửa đi sửa lại tu bổ nhiều lần.

Như vậy là chiến thuật “đầu ngoài sân, sau lần vô bếp,” “được đàng đuôi, lấn đàng đầu,” chiến thuật “tầm ăn lá dâu,” “vết dầu loang” của chính quyền Đống Đa đối với nhà Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà trong vụ việc nói trên được coi như thành công nhất thời. Còn về lâu dài thì sao? Những đối đáp như trên đây, những hành động như trên đây của một thời đã diễn ra trong một trường hợp nhỏ trong một hoàn cảnh nhỏ nào đó, do những người của một cục bộ nhỏ nào đó đã in dấu ấn vào ký ức, gây ấn tượng cho con người, cho lịch sử. Lịch sử có trí nhớ. Nếu đánh mất, nó không còn là lịch sử.

Vậy cái “được” trong vụ việc này, hỏi đã “được” cái gì? Được toà nhà, được có một nơi làm bệnh viện, được có thành tích, được làm cho bọn nhà tu không còn chỗ mà học hành, mà tu trì, được cái quyền khiến người ta sợ, khiếp.

Và cái “mất”? Nhiều lắm, kể về lâu về dài, kể về sâu thẳm trong lòng người, con người đã chứng kiến và cả người được nghe kể lại sau mấy đời?!

Thời “sửa sai”: Đi tới giáo dân vùng cao, dài ngày

Sau năm 1954, sau hồ hởi chiến thắng, miền Bắc bước vào thời kỳ đấu tranh “cải cách ruộng đất” (1955–1956). Trong cải cách, vấp phải những sai lầm. Sau thì sửa sai, đề ra nhiệm vụ “kiên quyết sửa sai…”

Năm 1956 đến 1962 là khoảng thời gian được gọi là “sửa sai,” chính sách của nhà nước có phần dễ dãi. Cha Bích có thể xin giấy phép đi làm lễ, đi giảng đạo ở Hà Đông, Thạch Bích, có khi về giáo xứ Cẩm Đường ở Bắc Ninh, về Thiết Nham (Bắc Ninh). Ở đâu cha cũng thường tổ chức các kỳ “Tiểu phúc” ngắn ngày, giải tội, những bài giảng ngắn gọn, đơn giản…

Cũng trong thời gian này, cha lặn lội đạp xe lên tận Yên Bái giảng Đại Phúc cho đồng bào Thái, Mèo. Đi đến Nghĩa Lộ, cha xứ tổ chức đón rước, dành cho hai con ngựa trong suốt một tháng giảng đạo mùa Chay ở đây.

Cha về Phú Thọ giáo xứ Hiền Quan. Đi đâu cũng lóc cóc chiếc xe đạp. Rồi đến khoảng tháng 06 năm 1957 về Hà Nội, sau một chuyến đi giảng đạo lâu đến 3 tháng. Cha là nhà truyền giáo rao giảng lời Chúa rất nhiệt tình, bất chấp mọi khó khăn thử thách. Chớp lấy mọi thời cơ thuận lợi, ngay khi thời cơ vừa tầm: nhà nước có chính sách sửa sai năm 1956, cha lập tức xin phép đi giảng đạo ở vùng chiến khu cách mạng, giáo dân đã 10 năm không được nghe lời Chúa.

Sau những ngày đi giảng đạo vùng cao, rất gian khổ, cha về Hà Nội. Từ đó cha gặp nhiều khó khăn. Sau này cha kể lại cho chúng ta nghe rằng: “Giữa bao nhiêu thử thách ấy, tôi vẫn điềm tĩnh, trông cậy ở Chúa và… đủng đỉnh trên chiếc xe đạp Trung Quốc đi khắp đó đây trong thành phố Hà Nội, nhất là đoạn đường từ Thái Hà về nhà chung, ít nữa 2 lần 1 tuần. Chiếc áo chùng thâm trên chiếc xe đạp đã là hình ảnh quen thuộc trên phố phường.” Tôi thường dẫn ca đoàn Thái Hà đi tham dự các giờ Chầu lượt.”

50 năm “canh giữ” đền Đức Mẹ, chong đèn đợi Chủ…

Năm 1962, cả nước tình hình đổi khác rồi. Miền Nam đi vào giai đoạn vũ trang chiến đấu “một phía.” Đặc biệt miền Bắc… tuy khói lửa chưa bay lên nhưng cũng đã khoác lên chiếc áo trận cho quân và dân. Sự dễ dãi của thời “xét lại” đã chấm dứt mà đi vào thời sắt thép của chiến tranh. Trong cõi mịt mù khói lửa mê hồn trận đó, trong cái chết đang kề bên lù lù đó, cái chết sát ngay bên hông, nó nhìn vào tận mặt, nó ngồi ngay trước mồm với chén cháo nóng hổi thơm tho bưng mời tận tay mà dưới tô có bỏ thuốc độc, cái chết nó bay lượn trên tờ trát đòi lên “làm việc” rồi có thể “đi luôn” như nhiều trường hợp đã xảy ra, nó giơ tay níu chiếc xe đạp lại, đạp cho tan tác xe và xác người ngồi trên xe, cái chết nó giơ mắm đấm chỉ thẳng vào mặt ngăm đe “tao muốn thủ tiêu lúc nào cũng được.”

Mọi việc đều có thể xảy ra, phi lý đấy mà có lý, như đã xảy ra không biết thế nào mà lường trước được. Ai có thân thì lo. Hẳn cha Bích là người khéo tu, phước đức ông bà của cha để lại đã phù trì cho cha, lênh đênh bày nổi ba chìm mà cha không chìm. Như gạo trên sàng, cha vẫn tồn tại với đời trên cõi đời.

Chiến tranh chấm dứt, đã đến lúc đất nước phải thống nhất, sau hơn 20 năm anh em mới gặp lại cha, vẫn con người mảnh khảnh, nói năng nhỏ nhẹ ấy, trầm lặng, vui vẻ. Dĩ nhiên nay già đi nhiều, và có một điều khác xưa là đôi mắt đã bị mù loà từ năm 1987. Khi ấy, vào một buổi chiều, trời xâm xẩm, cha ngồi đánh máy trong bóng tối không đèn, căng mắt ra mà đọc, bỗng nghe giật con mắt nhè nhẹ, rồi bóng tối từ từ ập xuống.

50 năm đằng đẵng tưởng chừng như Chúa đi đâu xa hun hút mịt mù, riêng cha, cha vẫn thức, vẫn bảo Chúa ở gần đây thôi. Cha là hình ảnh người lão bộc thức đêm vò võ chong đèn đợi chủ. Ngọn đèn bền bỉ cháy khiến liên tưởng tới mấy câu hát:

“Người ở đâu, man mác khắp phương đời dặm ngàn trời mây, muôn hoa lá mong Người.

Và hằng đêm, tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu…!”

Đức cha Thái Bình P.X. Nguyễn Văn Sang nói rằng: một trong ba cái công lớn của cha Bích là “duy trì ơn kêu gọi cho các nhà Dòng, Chủng viện…” Năm 1987, cha nhận các dự tu đầu tiên vào Tu viện Thái Hà. Sở dĩ làm vậy là nhờ vào đường lối đổi mới của Đảng đưa ra cuối năm 1986. Chính lúc này cha Bích tái lập lại công cuộc đào tạo các tu sĩ trẻ tại miền Bắc một bước dài đến 1-5 năm là cha quyết định gửi anh em dự tu vào Sài Gòn đào tạo cho Dòng Chúa Cứu Thế miền Bắc, và cha đã thành công.

Các Bề trên nói về cha Bích

Năm 2002, kỷ niệm 60 năm linh mục của cha Bích, Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế đã viết thư sau:

“Từ những năm nay, giữa hoàn cảnh vô cùng khó khăn và đau thương, cha đã luôn luôn đảm bảo sự hiện diện của Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội. Hội Dòng và Tỉnh Dòng của cha cũng như cộng đoàn tín hữu trong vùng vô cùng biết ơn cha. Nhờ gương chứng nhân và nhờ những cố gắng của cha, Tỉnh Dòng Việt Nam có một sức bậc tông đồ mới mẻ, mang lại điều lành cho toàn xứ sở của cha.”

Hồi tháng 09 năm 2003, Dòng Chúa Cứu Thế họp Tổng Công Hội, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cử hai đại biểu sang Rôma tham dự, trong Thánh lễ khai mạc, cha Bề trên cả Joseph Tobin mở đầu bài giảng bằng lời ca ngợi tuyên dương cha Giuse Vũ Ngọc Bích trước toàn Dòng. Cha cho rằng hình ảnh vị linh mục già mù loà sống bên ngôi đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà, Hà Nội hiện thân của lòng tin trung thành.

Cha luôn canh cánh lo người kế thừa sự nghiệp “canh giữ” ngôi đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà. Từ năm 1950, chẳng có một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nào thụ phong linh mục ở Hà Nội, nguy cơ “tuyệt tự” của Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội dần ló ra lù lù ám ảnh! Bỗng cơn gió “bình thường hoá Việt – Mỹ” từ đâu thổi tới. Giữa lúc hai chính phủ Việt – Mỹ mỉm cười với nhau thì nhà nước Việt Nam lại mỉm cười với Công Giáo Việt Nam, cha già Bích liền gửi đơn xin chính quyền cho phép một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn ra Hà Nội ở cùng cha già. Sau đó là hai bài trả lời phỏng vấn, một trên báo Nhân Dân và một trên đài Hoa Kỳ. Kết quả là thầy Phó tế Trịnh Ngọc Hiên được ra phục vụ tại Tu viện Thái Hà ngay trong năm 1993. Qua tháng 02 năm 1994 thầy được thụ phong linh mục công khai, trọng thể tại Đại Chủng Viện, trước mắt toàn dân Chúa ở Hà Nội.

Vậy là cha Bích có thể yên tâm mình không phải là dấu chấm hết ở mảnh đất Thái Hà này, nơi chôn nhau cắt rốn của Dòng Chúa Cứu Thế tại mảnh đất gần bên gò Đống Đa, Hà Nội. Cha Bích đã thấy được người kế vị mình. Giờ đây, tương tự ông già Simêon xưa, cha “ẵm lấy trẻ thơ” mà chúc tụng Thiên Chúa bài ca “An Bình Ra Đi” rằng:

“Muôn lạy Chúa, giờ đây

Theo lời Ngài đã hứa,

Xin để tôi tớ này

Được an bình ra đi.

Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

Chúa đã dành sẵn cho muôn dân” (Lc 2,29-31).

Những ngày sinh vào “một cõi khác

“Xin để tôi tớ này được an bình ra đi,” lời nguyện “An bình ra đi” được hát lên. Từ đó, cha cứ yếu dần. Vài tháng cuối thì cha đau toàn thân dữ dội, không cười đùa được nữa, không vui chuyện được nữa, cơn đau để sinh vào một cõi khác đã bắt đầu.

Ngày lễ kỷ niệm 62 năm linh mục của cha già Bích (06/06/1942 đến 06/06/2004), chỉ có cha già Trần Hữu Thanh dâng lễ tạ ơn trên nhà thờ, còn cha Bích thì xin nói như Đức Gioan 23: “Giường này là một bàn thờ.” Trên giường này, cha già nhờ ghi lại lời cha cảm ơn cộng đoàn, ghi lời di chúc “Xin dành phần tiền mua vòng hoa viếng ngài mà giúp đỡ cho các học sinh, sinh viên nghèo, xin cộng đoàn cầu nguyện…”

Rồi cha lịm dần cho đến đêm 08 tháng 06 năm 2004, đồng hồ chỉ 22 giờ 30, khoảng canh hai, là giờ cha mở cửu đón Chúa. Hưởng thọ 90 năm trên trần thế, sau 83 năm dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì, trong đó có 62 năm làm linh mục Dòng Chúa Cứu Thế.

Ngày cha chuẩn bị ra đi khỏi Thái Hà, cũng đúng là ngày “con trẻ” nối dõi tông đường của cha là Trịnh Ngọc Hiên đã lớn lên được 10 tuổi linh mục. Dân Chúa vẫn có Môsê mới dẫn bước tiếp tục hành trình.

Nắp áo quan của cha Giuse Vũ Ngọc Bích đã đóng lại rồi đó, “Cái quan luận định”: Cuộc đời 90 năm của cha là cuộc đời của một anh hùng từng trải, chiến đấu trong thầm lặng với một lòng tin trung thành. Và lời tuyên dương của cha Bề trên Cả Dòng Chúa Cứu Thế cũng là lời tổng kết cuộc đời của cha Giuse Vũ Ngọc Bích.

Đức Hồng y Tổng Giám mục Hà Nội Phạm Đình Tụng trong Thánh lễ An táng đã tỏ bày tâm can của ngài đối với cha già quá cố: “Cha già Giuse Vũ Ngọc Bích là vị anh hùng, ngài đã ở lại với chúng ta trong những lúc khó khăn nhất. Ngài đã ở lại với chúng ta trong những khi thử thách nhất. Ngài đã nâng đỡ, củng cố niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta.”

Linh cữu cha đặt trong Thánh đường, mấy ngàn vành khăn trắng nở rộ trên mấy ngàn người con của ngài. Trong nhà thờ, ngoài sân, ngoài đường đến tận cổng bệnh viện Đống Đa, người ta đứng nghiêm, im phắc mà nghe lời Phúc Âm: “Anh em hãy giống như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để thoạt chủ gõ cửa thì liền mở cửa đón ngay….”

Đoàn người tiễn đưa cha từ Ô Chợ Dừa, qua gò Đống Đa, qua thị xã Hà Đông rẽ vào nghĩa trang Thạch Bích, dễ chừng hơn 15 cây số, đoàn người như một dòng sông lớn chảy về phía Hà Đông. Cha mặc lễ phục trắng muốt lấp lánh đi giữa dòng người khăn tang, giữa dòng sông mây trắng trôi bềnh bồng về tận phía trời xa xa, dần đến bờ bên kia, vô tận…

Từ chân trời vang vọng âm hưởng bài Thánh ca:

“Chúa chăn nuôi tôi, Chúa đưa tôi đi qua mọi nẻo đường.

Người đưa tôi đi lên núi cao say sưa gió biển.

Vui uống suối Miền Nam, vững tâm qua rừng mịt mù.

Dù bao chông gai, tin rằng Chúa vẫn luôn an bài.

Lòng chẳng u hoài, chờ bình minh lên giã từ đêm dài.

Hạnh phúc cho tôi giữa đời không đơn côi.

Vạn lý xa xôi có Người đưa lối, may trắng nhẹ trôi về trời…”

(Lê Ngọc Bích, Nhân vật Công giáo Việt Nam thế kỷ 18, 19, 20 

– Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Giuse Vũ Ngọc Bích (1914-2004), 583 -592).


Học viện Thánh Anphongsô