Vào chuyện
DÒNG CHÚA CỨU THẾ (DCCT) có mặt tại Việt Nam từ 1925. Chỉ hai năm sau, các cha đã nghĩ tới việc đào tạo nhân sự cho Dòng, các chú đệ tử đầu tiên đã được thu nhận để được gửi học ở Tiểu Chủng Viện An Ninh (4 chú) hoặc tạm thời cho học ở Huế, cư ngụ trong căn nhà lợp tranh ở vườn nhà ông Đốc Sắc (8 chú). Năm 1928, Đệ Tử Viện Huế được chính thức thành lập với vị giám đốc tiên khởi là cha Eugène larouche, một trong ba vị thừa sai đầu tiên sang Việt Nam (hai vị kia là cha Cousineau và thầy Barnabé). Con số các đệ tử chính thức đầu tiên này là 28, trong đó có chú Trần Hữu Thanh, 13 tuổi.
20/7/1954, hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh Đông Dương lần thứ I và chia đôi Việt Nam làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 có con sông Bến Hải làm ranh giới. Cha Giu-se Vũ ngọc Bích được Bề Trên chỉ định ở lại Hà Nội, cùng với hai linh mục Canada và hai tu sĩ người Việt, giữa lúc tất cả các linh mục của các dòng tu đều đã rời Hà Nội. Lần lượt hai cha Canada được yêu cầu rời khỏi miền Bắc và hai tu sĩ người Việt qua đời trong trại cải tạo, một mình cha Bích đã kiên cường nhẫn nại giữ đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà, nay thuộc quận Đống Đa thành phố Hà Nội.
Lúc này đây, hai cha Vũ Ngọc Bích và Trần Hữu Thanh đã ở tuổi gần 90 (chú thích của DIA: tính vào năm 2003 khi tác giả ghi lại) đang sinh sống tại cộng đoàn DCCT Hà Nội. Thân xác các ngài đau nhức và mệt mỏi vì bệnh tật và tuổi tác, nhưng trí óc vẫn minh mẫn, bộ nhớ ghi rõ nét từng ngày tháng, từng sự kiện, của Dòng Thánh, của Giáo Hội, của Quê Hương. Câu chuyện của hai cha sẽ là những thước phim quý giá ghi lại những năm tháng đã qua. Tất cả đã là dĩ vãng, đơn thuần chỉ còn là những bài học cho hậu thế. Người kể cũng như người nghe chỉ còn biết tạ ơn và cậy trông vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Với hồng ân của Ngài, Ngài đang dẫn dắt Tỉnh DCCT Việt nam, trong yêu thương ân cần.
Xin mời hai cha vào chuyện…
Hà Nội, những ngày sau Tết Quý Mùi 2003.
CHA VŨ NGỌC
BÍCH KỂ...
Vào đầu thế kỷ 20, một thanh
niên tên là Vũ Hài đang giúp cha chính xứ Dưỡng Điềm, mong là rồi đây cha xứ sẽ
cho đi học trường Latinh để làm linh mục. Nhưng mẹ của cậu không bằng lòng, bắt
cậu về lập gia đình. Cậu Hài và người anh của cậu xây dựng gia đình. Lập gia
đình rồi, vợ chồng anh Vũ Hài được cử đi Trí Lộc, xứ Yên Bình để cấy rẽ ruộng
nhà chung. Lúc chưa có con, ông Hài đã thưa với Chúa là nếu có con trai sẽ dâng
cho Chúa. Con đầu lòng là con gái, ông đặt tên là Vũ Thị Tin. Bốn năm sau ông
Hài có con trai, ông đặt tên là Vũ Văn Tín. Chú bé Tín vẫn thường
hay ra đồng giúp bố mẹ coi lúa và đùa giỡn ở cánh đồng như bắt châu chấu, bắt
cà cuống, câu cá… Nhà làm ruộng mà không có trâu, ông Hài phải đi thuê. Lên 6
tuổi, cậu Tín được học chữ Quốc Ngữ. Lên 7 tuổi, cậu được một thầy kẻ giảng ở
Tôn Đạo giới thiệu cậu với cố Tin đang là chính xứ ở đây.
Mới ở với cố được hai tháng
thì mẹ cậu Tín nhờ một ông chú lên xin cố cho cậu về, bà mẹ nhớ cậu quá. Đó là
vào năm 1921. Cậu lại tiếp tục đi học. Đến kỳ hè năm 1923, một ông già đang làm
việc tại văn phòng Đức Cha Marcou Thành, một người họ hàng của gia đình đã đổi
tên cậu Tín là Vũ Văn Nghị. Ông già này mà cậu Nghị phải gọi là cậu, hỏi ý cậu
có muốn đi tu không. Cậu Nghị trả lời rằng thích lắm, nhưng mẹ không cho “Được
rồi, để tao vào nói chuyện với mẹ mày,” ông đã thuyết phục được bà mẹ cậu
Nghị cho cậu đi theo ông. Hôm sau, ông già dẫn cậu Nghị lên chào cha Kính, cha
xứ Yên Bình. Biết được ý định của hai cậu cháu, cha Kính bảo: Thế thì ở đây với
cha. Bấy giờ ông già mới nói rằng đã trót hứa với cha Đào, một linh mục mới
chịu chức, để cậu Nghị làm con của ngài.
Hai cậu cháu lại tiếp tục
đường lên Trì Chính, đáp xà-lúp của người Trung Quốc, ngược sông Đáy, lên ga
Cầu Yên, vào Thanh Hoá bằng xe lửa. Từ ga Thanh Hoá phải đi bộ 2 cây số mới tới
được xứ của cha Đào, xứ Thái Yên. Câu đầu tiên của cha Đào là hỏi tên tuổi, vừa
khai tên là Nghị, ngài phán ngay một câu: “Tao đổi là Bích,” cậu
Bích cũng chưa hiểu ất giáp ra làm sao thì vài ngày sau cậu tình cờ cậu đọc
được danh thiếp của cha xứ: Phạm Bích Đào. Té ra cha bố muốn
dùng tên đệm của ngài mà đặt cho cậu. Bích Đào cũng là tên một cái động ở Ninh
Bình. Cậu Bích mau lẹ nhập bọn với các chú khác con đỡ đầu của cha xứ. Sau một
năm ở Thái Yên, cậu được gửi đi trường Thử Ba Làng. Lớp của cậu năm ấy gần 54
người. Sau ba năm ở trường Thử, cậu Bích theo học trường Latinh Phúc Nhạ trong
6 năm, từ lớp Sáu đến lớp Nhất, như vậy cậu đã tốt nghiệp trường Latinh năm
1933.
Trong thời gian học ở trường
Latinh, như tên gọi tiếng Latinh là môn chính. Mỗi năm chúng tôi có một cha
giáo, dạy đủ môn: Việt Pháp, Toán, Sử Địa… Tôi được gửi về giúp xứ Ninh Bình
trong hai năm từ 1933-1935. Chính trong thời gian này, tôi được ơn
Chúa soi sáng và gọi tôi vào Dòng Chúa Cứu Thế. Chính xứ Ninh Bình khi đó là
cha Delmas. Tôi trình bày sự việc với ngài, ngài bảo tôi phải cầu nguyện và nếu
quả là ý Chúa, ngài sẽ gởi đi Dòng Chúa Cứu Thế, nơi mà mới năm ngoái đây ngài
đã gởi cậu Hưng, tức cha Fx Trần Văn Hưng, người cùng quê với tôi. Sau hai năm
giúp xứ Ninh Bình, Đức Cha gọi tôi đi học Lý Đoán, ngày nay là vào Đại Chủng
Viện. Đức Cha chọn một số để gởi đi học ở Xuân Bích, Hà Nội, trong đó có tôi.
Một đàng tôi đến thưa với cha Delmas để vấn kế ngài. Ngài bảo tôi cứ về trình
diện với Đức Cha đúng ngày, tức là 14/8/1935. Một đàng tôi vào yết kiến
Đức Cha Marcou Thành để xin được học Lý Đoán tại địa phận nhà, Đai Chủng Viện
Thượng Kiệm, Đức Cha chấp thuận và nói sẽ tìm thầy khác thế chỗ tôi để gởi đi
Xuân Bích Hà Nội. Tôi vẫn hằng ngày khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho tôi được toại
nguyện, đồng thời liên lạc với cha Delmas thuờng xuyên. Tôi nhập học triết học
như mọi anh em khác ở Đại Chủng Viện Thượng Kiệm. Ngày 03-10-1935, lễ thánh nữ
Tê-rê-sa- Hài Đồng Giê-su, các thầy được đi du ngoạn, riêng tôi xin phép cha
Giám đốc người Pháp để được ở nhà, với lý do lên gặp Đức Cha, khi đó là Đức Cha
Nguyễn Bá Tòng, đặc trách các thầy chủng viện. Tôi trình bày vấn đề với Đức
Cha, Đức Cha nhìn tôi: “Thầy nói chi lạ vậy? Tôi mới chân ướt chân ráo
về địa phận, thầy xin đi, rồi các thầy khác cũng xin đi, tôi biết làm sao đây?
Thôi cứ về, học như thường.” Buổi chiều anh em đi du ngoạn về, không
ai hay biết chuyện gì. Tôi cũng sang trình bày với cha linh hướng là cha Phan
Đình Phùng, khi đó ngài chưa làm Giám mục. Ngài khuyên tôi cầu nguyện và nếu
đây là ý Chúa thì việc sẽ thành.
Gần đến kỳ nghỉ hè, vào khoảng
tháng 05/1936, chúng tôi ôn thi trước lúc kết thúc năm học. Học riêng từng
người và chọn nơi nào tuỳ thích: trong lớp, ở nhà cơm, ngoài vườn… Tôi đem sách
vở xuống nhà cơm ngồi ở bục đọc sách và ôn bài. Ngó ra ngoài, thấy Đức Cha Tòng
đang từ phía phòng cha Giám đốc tiến về phía tôi, nghĩ bụng là thế nào Đức Cha
cũng sẽ tạt vào nhà cơm. Quả nhiên ngài vào, tôi đứng dậy, ngài đặt tay lên vai
tôi: “Con ở lại với cha nhé!” – “Thưa Đức Cha con đang ôn bài đây.” Tôi
đã cố tình thưa lại với Đức Cha bằng một câu rất thật là tôi đang học bài,
nhưng ai muốn hiểu sao thì hiểu, trong khi đó cha Giám đốc Phan Đình Phùng lại
mách nước cho tôi: “Thầy cứ nghỉ hè, rồi nếu “chuồn” được trong kỳ nghỉ
thì tuỳ thầy. Tam thập lục kế, kế này là thượng sách. Khi vào đến Nhà Dòng rồi
viết thư về.”
Tôi là người cuối cùng rời
Đại Chủng Viện đi nghỉ hè. Tôi xin ông bác ruột của tôi biệt phái cho tôi một
thanh niên để dọn đồ, phải gánh hai cái hòm. Tôi dọn sạch, chăn màn, chậu rửa
mặt… Ông bác tôi ngạc nhiên, nghỉ hè mà dọn hết đi làm gì. Tôi chỉ xin ông bác
tôi giữ giùm, ăn với bác một bữa cơm rồi đi. Hồi còn ở trường Latinh Phúc Nhạ,
hễ nghỉ hè là về chỗ cha nuôi, cha Đào, hoặc lên Ninh Bình với cha Delmas. Lần
này tôi lên thẳng chỗ cha Delmas với quyết tâm trốn. Ngài đánh điện cho cha
Dionne, Bề Trên phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế để báo ngày giờ tôi sẽ đến
Huế.
Ngày 23/6/1936 là
lễ quan thầy Đức Cha Gio-an Baotixita Nguyễn Bá Tòng. Ngày áp lễ, cha Delmas
cho tôi đi theo để mừng lễ Đức Cha. Đến nhà gạo, ngài gửi ô-tô và bảo tôi đợi ở
đó, ngài vào một mình, kẻo nếu thấy tôi, Đức Cha lại hỏi chuyện đi, ở thì hỏng
cả. Ngày 25/6/1936 tôi đi Huế, dĩ nhiên là bằng xe lửa, chỉ sợ là ở ga Ninh
Bình, nếu có cha thầy nào bắt gặp thì hỏng cả, bởi thời ấy, khi đi ra khỏi địa
phận phải có phép Đức Cha. Cha Delmas bày kế: để vào Thanh Hoá mới đáp tàu.
Ngài đưa tôi vào Thanh Hóa bằng ô tô của ngài. Tới Thanh Hóa, trong lúc ngài
vào thăm các cha bạn thuộc Hội Thừa sai Paris thì tôi chỉ được phép
đóng đô ở nhà ga cho đến lúc tàu chạy để tránh gặp mặt bất cứ ai. Ngài còn cung
cấp cho tôi những tài liệu về DCCT để tôi tìm hiểu. Trong suốt năm học Triết ở
Thượng Kiệm, anh em thấy tôi đều đặn nhận thư của cha Delmas mà không hề biết
được toan tính của tôi.
Ở ga Huế, cha Dumas đợi tôi
với chiếc ô tô nhà ông Đốc Sắc. Về Nhà Dòng, điều đầu tiên làm tôi ngạc nhiên
là khi đi qua phòng may, nghe chuông đồng hồ đổ, các thầy ngừng tay đọc một
kinh Kính Mừng, rồi lại làm việc tiếp. Sáng hôm sau, tôi được vào Lăng Cô. Mấy
tuần lễ đầu tôi sinh hoạt chung với các chú, đợi sang tháng sau, tháng 7-1936,
sẽ đi Hà Nội. Ngày 20-7-1936, tôi đáp tàu về Huế và 2 ngày sau đi Hà Nội.
Cha Roméo Gagnon, Bề trên phó Nhà Tập, đón chúng tôi ở nhà ga Hà Nội, thuê 3
cái xe kéo để chở 5 anh em. Cha Boissonneau đang đợi chúng tôi ở cửa, ôm hôn
từng người và nói một câu khôn ngoan đầy khích lệ: “Entrer pour ne pas soritr” (Đã
vào là không ra nữa nhé!). Đến cuối tháng 7 chúng tôi cấm phòng và đến
ngày 14-8-1936, chúng tôi mặc áo dòng.
Thời gian ở Nhà tập sẽ là 1
năm. Mỗi tuần vào ngày thứ bảy, chúng tôi đọc kinh Phụng Vụ về Đức Mẹ do thánh
Bonaventura đặt. Bản kinh gồm 5 ca vịnh bắt đầu bằng một chữ trong tên của mẹ.
Chữ M là của Nguyễn Xuân Lộc, tất cả các câu ca vịnh này đều bắt đầu bằng chữ
M. Tôi là chữ A. Tôi đưa sáng kiến là hàng ngày, mỗi người đọc ca vịnh có chữ
của mình để xin Đức Mẹ ban ơn bền đỗ cho 5 anh em. Tôi còn xin Bà Bề trên dòng
kín Cát Minh chỉ định 5 chị để cầu nguyện riêng cho 5 anh em chúng tôi. Tôi
nghĩ rằng chúng tôi đã được nhờ nhiều ở những lời cầu nguyện này, mặc dù chúng
tôi không biết các chị và các chị cũng không biết chúng tôi.
Trước lúc vào Nhà Tập, chúng
tôi được đi khám bệnh tổng quát. Nguyễn Xuân Lộc chớm lao, phải nghỉ 6 tháng,
không được cùng chúng tôi dâng lời khấn. Trong 6 tháng ấy, thầy Lộc vẫn sinh
hoạt kinh nguyện với anh em, sau đó khấn riêng một mình và ra Nhà Tập cùng lúc
với chúng tôi ngày 15-7-1937. Vào những ngày 25 mỗi tháng, anh em Nhà tập chúng
tôi làm việc kính Chúa Hài Đồng, có nguyện ngắm cuộc đời thơ ấu của Chúa trước
hang đá mà chúng tôi dựng mỗi tháng.
Vừa ra Nhà Tập, chúng tôi
được được đi nghỉ ở Mẫu Sơn, Lạng Sơn. Hồi đó, chúng tôi đi xe lửa từ Hà Nội
lên Lạng Sơn, bởi vì Học Viện cũng ở Hà Nội, do đó tôi được nghỉ tất cả là 6
lần ở Mẫu Sơn. Nhà nghỉ của chúng tôi nằm trên một ngọn đồi trọc, ít cây cối và
cảnh quan không được đẹp bằng ngọn đồi của Nhà Dòng ở Đà Lạt. Năm đầu tiên ở
Học Viện là thời gian học Triết học, đối với tôi là học lại bởi tôi đã học tại
Đại chủng viện Thượng Kiệm. Ở Học Viện, cha giáo của chúng tôi là cha Létourneau.
Các sách giáo khoa đều bằng tiếng Latinh, chương trình hồi đó chỉ gồm có 5 năm,
1 năm Triết học và 4 năm Thần học. Chúng tôi được thụ phong linh mục vào
ngày 6-6-1942 ở Hà Nội, hồi đó chưa có tập tục về làm lễ Mở tay và
tiệc liên hoan ở quê nhà. Tác phẩm thơ “Tiếng đèn chầu” của tôi được sáng tác
nhân dịp này, thực ra tôi đã tập làm thơ ngay từ những ngày ở Tiểu chủng viện
Phúc Nhạc, bút hiệu Hoàng Thước, tên một loài chim, đã được tôi nhận ngay từ
những ngày ở đây, năm 1930.
Tôi thích làm thơ từ hồi còn
nhỏ, lúc mới 6-7 tuổi, tôi theo học một ông đồ, ông dạy cả chữ Nho và chữ Quốc
ngữ. Ông còn dạy chúng tôi trồng hoa cảnh, tiếp cận với thiên nhiên, những
tiếng kèn đồng và tiếng sáo trong dàn nhạc ở quê tôi cũng đã giúp tôi nhiều
trong việc sáng tác thơ văn. Thế rồi những buổi dâng hoa, các bài vãn, vè của
xứ đạo đã gieo vào hồn tôi một tâm tình thơ đạo:
"Lạy ơn bà thánh trinh
đồng
Cổ đeo tràng hạt, tay bồng
Chúa con."
Và cả những câu ca dao
đạo:
"Các thầy đọc tiếng
Latinh
Các cô con gái thưa kinh dịu
dàng."
Tôi thích lục bát ngay từ
lúc tấm bé là do những vần thơ Đạo trên đây đã gieo vào hồn tôi. Ở trường Thử
Ba Làng, chúng tôi được học làm thơ với phương pháp của cha Hồ ngọc Cẩn, dùng
lục bát để dạy sáng tác lục bát:
"Bình hai sáu tám trắc
tư
Phải lo giữ trọng kỳ dư mặc
tình
Bằng không giữ trọn cho tinh
Hai trắc bốn bình thế lại
cũng xuôi
Tám trên sáu dưới hòa đuôi
Sáu còn hòa sáu chẳng nguôi
vận nào."
Vừa chịu chức linh mục xong,
tôi được cử làm phó xứ Thái Hà, năm 1943. Trước tôi chưa có linh mục DCCT
Việt Nam nào làm việc ở giáo xứ này, 4 anh em cùng lớp với tôi đều về
Huế cả. Lúc đầu các cha Canada còn được đôi chút dễ dãi, sau quân đội Nhật cấm
các ngài thi hành mục vụ, một mình tôi làm hết mọi việc như dâng lễ, giải tội,
làm các phép. Lúc bấy giờ ở Nhà DCCT Hà Nội có khoảng 10 cha và thầy người
Canada, các ngài không bị tập trung ở một nơi như đã áp dụng ở Huế, nhưng phải
trình diện mỗi tuần. Ngày 15-10-1943, lễ thánh Têrêsa Cả, quân Nhật xin mượn
Nhà Dòng để đóng quân, Bề trên lo lắng, chúng tôi đã nghĩ đến việc sẽ phải sơ
tán về 1 tu viện anh em nào đó như nhà các cha Đa Minh ở Bắc Ninh chẳng hạn.
Tôi được sai đi cùng với 1 huynh trưởng hướng đạo dẫn đường để thăm dò tình
hình ở Bắc Ninh, cách Hà Nội 30 cây số, chúng tôi phải đi bằng xe đạp. Đi thì
đi, vì vâng lời, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn trông cậy vào một giải pháp do
Đức Mẹ sắp xếp. Ở Nhà Chung Bắc Ninh, chúng tôi gặp đức cha người Tây Ban Nha,
ngài chỉ cho một căn nhà đang xây cách Bắc Ninh 2 cây số, chỉ mới có tường và
mái, thậm chí cửa nẻo cũng chưa lắp, không thể ở được, chúng tôi trở về lại Hà
Nội. Lần đầu tiên đi xe đạp trên một đoạn đường xa như vậy, tôi mệt mỏi vô
cùng, tôi bàn với anh huynh trưởng hướng đạo là ra về bằng xe lửa, anh không
chịu. Anh bèn mua một sợi dây thừng và kéo xe của tôi để tôi khỏi phải đạp. Về
đến cầu Long Biên, chúng tôi ghé vào uống nước ở nhà một bà cô của anh hướng
đạo, được bà cho biết là quân Nhật không có ý định trưng dụng Nhà Dòng Thái Hà
nữa. Bà biết được tin này là do bà vừa đi khấn ở đền Đức Mẹ về.
Sau đó, tôi được đi nghỉ 1
tháng ở Ba Vì. Cái bệnh đau lưng của tôi bắt đầu từ hồi này. Tôi đi nghỉ cùng
với cha Matthieu, chúng tôi được một người dân tộc tặng cho một cái hũ khá
nặng, tôi cố gắng đeo về đến nhà và cột sống của tôi bị ảnh hưởng cho đến ngày
nay. Đồng thời với những công việc ở giáo xứ, tôi làm tuyên úy cho đoàn Hùng
Tâm Dũng Chí thay cha Trépanier vào Nhà Tập thứ hai. Trong số các đoàn viên
thiếu nhi hồi ấy, có một số đã xin vào DCCT mà hiện nay người thì làm linh mục
như cha Đăng, cha Hoàng Minh Tuấn, người thì về đời như các anh Nguyễn Hữu Đắc,
Vincent Thịnh…
Sau khi đi nghỉ ở Ba Vì về,
tôi được Bề Trên chỉ định về dạy học ở Đệ Tử viện Huế mà các cha Đặng Văn Đào,
Lê Trung Nghĩa, Hoàng Diệp, cha Phát là những học trò đầu tiên của tôi, tôi dạy
Việt văn và Latinh. Ngày 9-3-1944, Nhật đảo chính, tôi đang ở Huế. Đến
tháng 10 thì được tin cha Dong bị chết ở Văn Điển, Bề trên lại đổi tôi về thay
cha Dong ở Nam Định. Chuyện cha Dong bị tử nạn là như thế này: trưa hôm ấy, khi
anh em đang dùng cơm trưa thì có một người đàn bà Pháp đến Nhà dòng nói rằng
chồng bà ta đang bị bệnh nặng phải đưa về Hà Nội chạy chữa, bà muốn có một linh
mục đi theo để giúp ông về phần thiêng liêng. Cha Laliberté, khi đó là Bề Trên
Nhà Nam Định, đề nghị cha Dong lên đường, bởi đã lâu cha chưa về Hà Nội, nay
nhân tiện có có xe, cha Dong đứng lên và đi ngay. Khi xe về đến Văn Điển, gần
Hà Nội thì bị máy bay Mỹ bắn. Năm 1965, khi phải dời nghĩa trang của Nhà Dòng
lên Thanh Tước, con số anh em đang yên nghỉ tại đây tất cả là 10 người. Khi bốc
hài cốt cha Dong, chính tay tôi còn nhặt được viên đạn trong hộp sọ của ngài.
Ngài cũng gốc Phát Diệm, đã vào Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc rồi sau đó xin vào
Dòng. Những anh em khác là cha Fizète (tên Việt là Đức), cha
Mitchaud (người đã xây các cơ sở của Dòng ở Hà Nội: 1931 xây Nhà Dòng,
1935 xây nhà thờ và 1937 xây nhà Học Viện), thầy Antoine(thầy trợ sĩ người
Việt), thầy Hiếu (thầy Học Viện, người Phùng Khoang), một thầy ngoài đời dạy học
cho đệ tử viện, cha Hiệp (người mà tôi được lệnh Bề Trên hướng dẫn về địa phận
Bùi Chu để lãnh nhận chức linh mục từ tay Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn. Ngài bị chết năm
đói Ất Dậu 1945 khi đi cứu tế đồng bào)… và sau cùng là chú đệ tử, chú Vinh,
chết đuối năm 1952, cùng lớp với anh Đặng Hữu Phúc, Vũ Sinh Hiên.
Tôi đáp xe lửa về Hà Nội,
đến Đồng Hới xe lửa bị ngưng. Tôi tìm cách vào nhà xứ Đồng Hới, đi bộ giữa lúc
trời tối, được nửa đường thì mệt lử. Tôi bèn tạt vào một bót gác, ngủ vật vờ và
bị muỗi tấn công suốt đêm. Sáng hôm sau tôi vào đến nhà xứ, nghỉ ngơi vài tiếng
đồng hồ, rồi lại mua vé xe lửa tiếp tục đi Hà Nội. Về Hà Nội, nghỉ ngơi mấy
ngày, rồi lấy xe đạp đi Nam định. Tôi phải đạp 80 cây số, đến Phủ Lý
tôi mệt quá, vào nhà xứ Phủ Lý, gặp Cố Cao ở đây, xin ăn cơm rồi lại đi tiếp.
Tôi không thể đạp xe được nữa đành phải thuê xích lô chở cả người lẫn xe. Về
đến Nam Định đã chập choạng tối, ngay đầu tỉnh, các gái làng chơi ùa
ra chọc ghẹo. Đến Nam Định gặp cha Thính đang ở đây, ngài ở nán lại
với tôi vài ngày rồi lại vào Huế dạy học. Cha Toán thay cha Thính ở với tôi.
Chúng tôi thường lấy báo ra đọc, đọc rất kỹ Cương Lĩnh của chính phủ Cách Mạng,
nhất là đoạn nói sẽ miễn các thứ thuế. Tôi nghĩ bụng làm sao được, Nhà Nước lấy
gì mà chi tiêu và tôi nghĩ đây lại là một trò mị dân để thu phục nhân tâm trong
lúc khởi đầu cuộc Cách Mạng. Cha Bề trên nhà Nam Định khi đó là cha
Francois Laliberté, ngài ở Hà Nội, do đó tôi giữ quyền Bề Trên. Cha Toán và tôi
tham gia các cuộc biểu tình của quần chúng, đi bầu Quốc Hội khóa I.
Ở giáo xứ An Phong, chúng
tôi duy trì mọi sinh hoạt Phụng Vụ, các giờ hành hương kính viếng Đức Mẹ Hằng
Cứu Giúp như ở Hà Nội. Tôi còn nhớ hồi đó có các ông Phạm Đình Khiêm, Phạm Đình
Tân hoạt động Công Giáo Tiến Hành ở đây. Đến tháng 12, cha Bề trên Laliberté về
Nam Định với cha Sirois Sĩ. Cha Sĩ ở vài ngày rồi lại trở về Hà Nội cùng với
cha Toán. Đêm 9-12-1946, bốn con chó của thầy Théophane sủa dữ dằn, hóa ra
Tự Vệ trèo cổng vào, đập của từng phòng một, bắt chúng tôi ra đứng ngoài hè,
mỗi người chỉ khoác duy nhất một chiếc áo dòng. Họ dẫn chúng tôi về đồn công an
huyện Mỹ Lộc, cách giáo xứ độ năm phút đi bộ và giam chúng tôi trong một phòng
nhỏ, mọi chuyện đều phải giải quyết trong căn phòng này. Ba ngày sau, chính trị
viên đến gặp chúng tôi, yêu cầu chúng tôi đi sơ tán bởi có khả năng Pháp sẽ đổ
bộ vào Nam Định. Đi đâu thì tùy ý các cha các thầy nhưng theo ý ông, chỉ có
Thái Bình là… thái bình.
Chúng tôi đi bộ từ nhà giam
đến bờ sông Nam Định, bến đò Tân Đệ mà bên kia là Thái Bình. Chúng tôi phải ngủ
lại bên này sông một đêm, hôm sau đi đò ngang sang Thái Bình gặp Đức cha Santos
Ubierna Ninh và xin được tạm trú. Ngài vui vẻ cho sáu anh em chúng tôi tá túc
và còn sai người may quần áo cho chúng tôi (bởi lúc ra đi thì “quần nhất bộ, áo
nhất manh”). Được vài hôm thì ông Chủ Tịch tỉnh Thái Bình vốn là người Công
Giáo vào cho biết là có khả năng Pháp sẽ tấn công sang Thái Bình. Ông đề nghị
Đức Cha và chúng tôi nên lánh sang bên kia sông Trà Lý. Tạm thời ở tại Tiểu
Chủng Viện Mỹ Đức, khi đó các chú trường Latinh vẫn đang còn học. Chủ Nhật
Quasimodo 1946, đang lúc các cố Tây Ban Nha ở tầng trên Chủng Viện thì có mấy
anh thanh niên hốt hoảng chạy sang báo tin là quân Pháp đã chiếm Thái Bình. Cầu
Bo nối Thái Bình với Mỹ Đức đã bị cấm lưu thông. Mọi người lấy làm lạ vì không
ai nghe thấy một tiếng súng nào. Đúng lúc đó, quân Pháp từ Nhà Chung Thái Bình
bắn sang Mỹ Đức mấy phát. Sáng hôm sau, mấy anh thanh niên mạo hiểm ra cầu Bo
để xem tình hình. Cầu được phép lưu thông, nhưng họ không dám đi trên cầu mà
dùng thuyền qua sông. Trên sông nhiều xác chết trôi lềnh bềnh, trong Nhà Chung,
vỏ đồ hộp của quân Pháp vất bừa bãi. Ông Chủ Tịch khi gặp chúng tôi đã khoe là
quân ta chiến đấu rất giỏi, chỉ tiếc là quân Pháp đến lúc nào mình không biết.
Khi quân Pháp vào Nhà Chung Thái
Bình, chúng đuổi hết dân chúng đang lánh nạn ở đây, ông bõ chui xuống hầm,
chúng bắn theo nhưng may mắn không hề hấn gì. Còn cha xứ nhà thờ chính tòa, cha
Trinh cát, bị quân Pháp bắt vì họ tìm được một lá cờ đỏ sao vàng trong nhà xứ.
quân Pháp định đem ngài ra xử bắn. Lúc đó có một sơ Saint Paul, bà Angelique,
nói tiếng Pháp giỏi đã đứng ra bênh vực cha và cha đã được bình yên.
Chúng tôi lánh nạn ở Thái
Bình mất hai năm. Trong thời gian này địa phận Thái Bình có hai tân linh mục
chịu chức ở Tiểu Chủng viện Mỹ Đức. Tôi cũng được quen cha Nguyễn Tri Ân ở đây.
Vấn đề của chúng tôi là làm sao về lại Hà Nội. Lúc này quân Pháp đã rút về Nam
Định, các sơ Saint Paul cũng về theo. Chúng tôi bàn với nhau là các cha ngoại
quốc đi xin giấy thông hành của chính quyền Cách mạng để hồi cư về Nam Định.
Riêng tôi có ý định sang Phát Diệm để xin giấy của Đức Cha Lê Hữu Từ. cha Bề
trên Laliberté đồng ý. Thế là cha Lượng dẫn một nhóm cứ dọc bờ sông mà đi bộ.
Cha Lượng đi qua một đồn quân nhân tự vệ, bị gọi nhưng ngược gió nên không
nghe, họ bèn đuổi theo. Trong hành trang của cha có các aó lễ xanh đỏ, họ bảo
đây là cờ Tam Tài của Pháp, những người này là Việt gian, cha Lượng sửng cồ cãi
lại, thế là họ cho đi. Ngày hôm sau tôi lên đường với một nhóm nữa, tới gần bến
đò ngang do Pháp kiểm soát, tôi cũng gặp một nhóm tự vệ. Tôi nói là vừa đi nghỉ
hè ở một xứ đạo gần đây, và quả thực gần đó có một xứ đạo. Các anh tự vệ chỉ
đường và còn bảo là liệu cách mà qua bến đò Quan do Pháp kiểm soát. Tới đồn của
Pháp, tôi dùng tiếng Pháp nói chuyện với một anh lính lê dương, anh ta lắc đầu
quầy quậy và chỉ xuống dưới chân đê. Tôi nghĩ là xếp của anh ta ở dưới đó
chăng. Tôi gặp một sĩ quan người Pháp, ông ta cấp cho tôi một giấy qua sông. Về
nam Định, chúng tôi trọ ở nhà Khoái Đồng của các cha Đa Minh, rồi hai hôm sau
thấy các cha Tây Ban Nha từ Thái Bình sang, tôi không hiểu giấy tờ ra sao.
Chúng tôi mừng lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Nam Định. Từ Khoái Đồng về nhà An
Phong rất gần mà không dám về. DCCT Việt Nam mất cộng đoàn Nam Định từ đấy.
Từ Nam Định chúng tôi về Hà
Nội bằng đường thủy. Đến bến phà Đen vào một buổi sáng, chúng tôi được biết là
đường phố đều đã bị xẻ nát hoặc bị các công sự của kháng chiến ngăn trở. Chúng
tôi đành đi bộ về Thái Hà. Về đến Nhà Dòng, cha Trần Đức Khâm là người đầu tiên
nhìn thấy chúng tôi, ngài mừng rỡ kéo chuông báo tin cho cả nhà, bởi trước đó
cộng đoàn Nam Định bị coi là mất tích.
Công việc đầu tiên tôi được
Bề Trên giao phó là chức vụ Phó Bề Trên Nhà Tập mà giám đốc lúc bấy giờ là cha
Boucher. Đến tháng 6-1949, cha Antone Tuyên và tôi cho tục bản nguyệt san Đức
Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tờ báo này được thành lập năm 1935 mà vị chủ biên đầu tiên là
cha Joseph Laplante. Khi đó chưa có các cha Việt Nam, các cha Canada viết bằng
tiếng Pháp rồi nhờ người dịch sang tiếng Việt. Sau đó, nguyệt san đã
bị quân Nhật cấm phát hành. Cùng với việc tục bản nguyệt san là việc lập tủ
sách Cứu Thế Tùng Thư. “Kẻ nữ tu thánh thiện,” “Viếng Thánh Thể” là hai đầu
sách vốn đã được xuất bản, nay chúng tôi cho tái bản vào dịp này. Trong tủ sách
sau đó đã xuất hiện những sách của cha Antôn Tuyên như:”Tìm hiểu kinh Kính Mừng,”
“Ý nghĩa sự đau khổ,”… của cha Hồng Phúc: “Nhìn lên ảnh Mẹ” và của tôi: “Đường
lên núi Thánh,” “Bước theo Thầy,” “Cô bé 12”… nhưng kể từ năm 1967 tôi viết
khỏe hơn. Cho đến nay, tôi đã có được 123 bài báo và đầu sách, 5 tập thơ Hoàng
Thước.
Sau đó, tôi đi dự các cuộc
rước Đức Mẹ Fatima, lần đầu tiên là ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Đây cũng là lần
đầu tiên tôi đến Hải Phòng, rồi những chuyến đi quảng bá cho báo Đức Mẹ, vào
tận miền Nam lục tỉnh: Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu,… trong
suốt mấy tháng liền. Tôi còn nhớ chuyện xảy ra ở Mỹ Tho trong chuyến đi này. Ở
đây chúng tôi có một cổ động viên phát hành là ông Trịnh Công Tấn. Tôi nắm vững
địa chỉ và tìm nhà ông không mấy khó khăn. Tiếc một điều là hai ông bà đi vắng,
chỉ có hai cô con gái ở nhà tên là cô Sanh và cô Thanh. Tôi tự giới thiệu là
linh mục chủ nhiệm. Các cô tiếp tôi vui vẻ. Cô Thanh còn khoe với tôi là mỗi
lần nhận được bào, bài đâu tiên cô tìm đọc là “Chuyện Sáo,” mà không biết
là “sáo của Đức Mẹ” đang đứng trước mặt. Tôi cũng dấu nhẹm điều này. Về Hà Nội,
tôi có kể lại chuyến đi trên nguyệt san. Khi viết về câu chuyện ở Mỹ Tho, tôi
có thêm một hàng: “Sáo đã cười khanh khách núp sau gáy cha chủ nhiệm.”
Tôi hy vọng là cô Thanh khi đọc đến đây sẽ hiểu rằng Sáo và cha chủ nhiệm là
một. Đến năm 1952, tôi lại thực hiện một chuyến đi nữa, nhưng lần nay chú trọng
vào các tỉnh miền Trung, từ Nha Trang đến Sài Gòn. Tôi dành nhiều thời gian cho
tờ báo cho đến khi đi Nhà Tập II năm 1954.
Tháng 3- 1954, tôi vào Đà
Lạt với dự tính sẽ theo Nhà Tập II trong sáu tháng, cùng với các cha Nguyễn
Xuân Lộc, cha Thừa, cha Định,… Tổng cộng là khoảng 10 cha. Cha trần Hữu Thanh
khi đó đang giảng bên Thái Lan. Bề Trên Nhà Tập là cha Côté và cha giáo tập là
cha Gérard Gagnon. Khi đó ở Hà Nội, cha Antôn Tuyên đã thay cha Boissonneau làm
Bề trên nhà Hà Nội và như vậy là cha Tuyên là cha Việt Nam đầu tiên làm Bề Trên
nhà. Hiệp định Genève được ký kết, làn song di cư vào Nam bắt đầu ồ ạt. Khi
được cha Bề trên Phụ Tỉnh Louis Roy hỏi ý kiến xem những ai muốn về lại Hà Nội,
hai cha tình nguyện là cha Bề Trên Nhà Tập II của tôi, cha Côté và cha Paquette
khi đó đang ở Huế. Thầy Marcel Văn cũng từ Đà Lạt về lại Hà Nội với
cha Côté. Thầy Clément Đạt hiện đang ở Hà Nội lúc bấy giờ xin được ở lại cộng
đoàn Hà Nội. Phần tôi sau khi đã cầu nguyện thì ngày 29-9-1954, lễ Tổng lãnh
Thiên thần Micae, tôi là người tình nguyện thứ năm của cộng đoàn Hà Nội. Cha
Bùi Quang Diệm đã dí dỏm trêu chọc tôi:”Lo mà rửa cổ đi nhé!.” Lúc này
tôi cũng đã gần xong Nhà Tập II, từ Đà Lạt tôi xuống Sài Gòn để lấy vé máy bay
đi Hà Nội. Vừa xuống đến Bảo Lộc, tôi gặp mẹ và chị tôi, chị Vũ Thị Tin, mới di
cư vào. Lúc ấy tôi mới biết là bố tôi không chịu di cư vào Nam. Người vẫn tiếp
tục giúp việc ở Đại Chủng viện Thương Kiệm. Bố tôi qua đời năm 1858. Cũng trong
những ngày ở Bảo Lộc, tôi úp mở thưa với mẹ tôi là tôi có việc phải về lại Hà
Nội.
Ở Sài Gòn, các chuyến bay
dân sự đã ngưng, tôi phải nhờ cha Trần Văn Hưng liên lạc với quân đội Pháp để
nhờ máy bay quân sự. Ngày 6-10-1954, tôi đáp máy bay về Bắc, nhưng máy bay phải
đáp xuống Hải Phòng rồi dùng xe hơi về Hà Nội. Hai cha Cananda là những người
tôi gặp đầu tiên. Tôi bỗng dưng cảm thấy lạnh lẽo hoang vắng trong khu Nhà Dòng
mênh mông.
Như vậy cộng đoàn Hà Nội
chúng tôi chỉ vỏn vẹn có năm thành viên. Lần lượt mỗi người “ra đi” mỗi cách,
bắt đầu thầy Marcel Văn. Một hôm, thầy cùng anh nấu bếp của Nhà Dòng lên Nhà
Chung. Khi đi cũng không nói rõ là đi đâu, đến bờ hồ thì hỏng xe. Trong lúc chờ
sửa xe, thầy vào một tiệm hớt tóc và trong lúc chờ đợi đến lượt, thầy trò
chuyện với những người chung quanh và đã tỏ vẻ thán phục ông Ngô Đình Diệm
trong Nam. Trong số những người ngồi nghe, có một người lẻn qua đồn công an gần
đấy để báo cáo sự việc. Khi thấy Văn hớt tóc xong, ra lấy xe và chưa kịp nổ máy
thì công an ập tới bắt về đồn. Lúc đó chúng tôi đang dùng cơm trưa thì được
tin. Đến chiều tôi lên đồn công an tìm hiểu sự việc. Mấy ngày sau chúng tôi
được tin là thầy đã bị đưa đi trại giam Mỏ Chén ở Sơn Tây. Tôi có đi thăm nuôi
thầy và được gặp gỡ trong vài phút. Mấy tháng sau lại có tin thầy bị chuyển lên
Yên Bái. Đến năm 1958, một anh giáo viên gốc giáo xứ Đồng Trì bị giam cùng với
thầy Văn được thả về đã kể lại cái chết của thầy. Khi thầy chết chúng tôi có
nhận được giấy báo tử, nhưng không rõ chi tiết. Theo lời kể, thầy muốn vượt
ngục và thầy đã chia sẻ ý định này với vài người bạn tù. Cán bộ biết được
chuyện này và dựng một kịch bản, giả vờ giúp thầy vượt ngục đề nghị thầy hóa trang
thành thiếu nữ, đích thân dẫn thầy ra khỏi trại giam vào nhà một ông trùm tại
một họ đạo. Ông trùm này sẽ giúp thầy vượt biên sang Lào. Khi người dẫn đường
đi khỏi thì hai cán bộ của trại giam ập đến bắt thầy Văn. Thầy bị đánh một trận
thập tử nhất sinh và chết dần từ sau trận đòn ấy. Vậy thầy Marcel Văn là người
thứ nhất trong số năm anh em chúng tôi đã ra đi.
Người thứ hai là cha
Paquette. Hồi đó có rất nhiều người muốn đi Nam, họ đến Nhà Dòng xin giấy giới
thiệu của cha Paquette. Đương nhiên trong số này cũng có cả những cán bộ trà
trộn vào. Tôi không rõ lắm về những loại giấy tờ này, thật hay giả để có thể đi
từ Hà Nội xuống Hải Phòng đáp tàu vào Nam. Ngài lại còn cương quyết không cho
treo cờ đỏ sao vàng vào những dịp rước kiệu Đức Mẹ. Tất cả những vụ việc này
dẫn đến việc công an rất ghét cha Paquette. Họ tổ chức các cuộc họp nhân dân để
tố cáo ngài. Hôm ấy tôi có việc phải xuống Nhà Chung, khi tôi đạp xe qua trụ sở
công an Đống Đa bên kia đường thì thấy có cuộc họp của dân chúng khoảng 50
người. Tôi linh cảm là có chuyện liên quan đến cha Paquette, tôi quay xe về và
nói nhỏ để ngài lánh mặt. Lúc ấy khoảng 8 giờ sáng. Không khí trong cộng đoàn
chúng tôi trở nên nặng nề lo lắng. Y như rằng ngày 19-10-1958, lễ thánh Denis,
quan thầy cha Paquette, công an đưa giấy triệu tập cha, đòi ngài phải có mặt ở
Sở Công an. Sau đó, công an cho người về lấy sách kinh và những đồ cần dùng. Họ
đưa ngài lên Lạng Sơn, chỗ biên giới giáp Trung Quốc, họ chỉ đường cho ngài
sang Trung Quốc.
Thực ra công an hai bên đã
có những thỏa thuận ngầm với nhau. Ngài được giúp đỡ mua vé tàu hỏa sang Hong
Kong và được các cha Thừa Sai Paris (MEP) giúp đỡ. Rồi cả tháng sau tôi mới
nhận được thư ngài gửi qua vali công vụ ngoại giao của Ủy Hội Đình Chiến Quốc
Tế. Bấy giờ tôi mới rõ chi tiết sự việc.
Năm 1959, các linh mục ngoại
quốc còn ở lại Hà Nội gồm có ba bốn cha thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP), các cha
Đa Minh Lyon và cha Côté được tập trung tại 33 phố Nhà Chung và được mời ra
khỏi Bắc Việt bằng đường hàng không. Như vậy cha Côté đã phải rời cộng đoàn Hà
Nội. Cũng trong năm này, tôi nhận được bài sai làm chính xứ Thái Hà.
Còn lại tôi và thầy Clement
Đạt. Thầy Đạt rất năng nổ, giúp đỡ mọi người, nhất là anh chị em giáo dân từ xa
về viếng Đức Mẹ vào những ngày thứ Bảy. Có khi có cả ngàn người cư ngụ trong
Nhà Dòng. Thế là một loạt những công việc thầy Đạt phải lo toan với sự giúp đỡ
của giới trẻ trong xứ: đăng ký tạm trú, cung ứng gạo củi mắm muối. Thầy trở
thành cái gai đối với chính quyền. Một kịch bản được dựng lên: một thiếu nữ
ngoại đạo ở phố Hàng Bột đến mua sách đạo trong nhà sách do thầy Đạt quản lý.
Cô đến gần chỗ thầy, một anh công an đẩy cô về phía thầy, một anh khác chụp
ảnh. Tấm ảnh được họ dung làm chứng cứ để tố cáo thầy có những quan hệ bất
chính. Đấy là vào năm 1962, thời gian mà những dễ dãi của “chính sách xét lại”
đã chấm dứt, bắt đầu gian đoạn khó khăn như tôi sẽ kể sau này. Mấy hôm sau,
công an đưa ô tô tới Nhà Dòng. Họ đòi gặp tôi và thầy Đạt, bắt thầy dẫn đi xem
các nơi làm việc. Sau một giờ đồng hồ khám xét, họ chở thầy lên Sở Công an, rồi
chuyển lên trại giam Yên Bái. Thầy bị giam chung với cha Chính Vinh, linh mục
Tổng Đại diện Hà Nội lúc bấy giờ. Thầy vốn bị bệnh bang, đời sống trong tù lại
là dịp để căn bệnh bộc phát. Cha Chính Vinh đã giúp đỡ thầy trong cơn hấp hối.
Thầy “ra đi” nhưng tôi không nhận được tin tức gì cũng như giấy báo
tử.
Thời gian các cha Côté,
Paquette và thầy Đạt còn ở cộng đoàn là thời kỳ được gọi là sửa sai, tức là vào
khoảng 1956-1957, sửa sai những sai lầm đã qua trong chính sách đã được áp
dụng. Thời gian này tương đối dễ dàng, tôi có thể xin giấy phép đi dâng lễ, đi
giảng ở Hà Đông, Thạch Bích, thậm chí xa như Bắc Ninh mà vẫn được. Tôi còn nhớ
tôi đã về giáo xứ Cẩm Đường thuộc gíao phận Bắc Ninh, ở đây không có cha xứ,
chỉ có một chị nữ tu Đa Minh trông coi nhà xứ và Thánh đường. Tôi cũng đã về
giáo xứ Thiết Nham, cũng thuộc giáo phận Bắc Ninh. Ở những nơi này tôi thường
tổ chức các kỳ Tiểu Phúc trong vài ngày, gói ghém trong những vấn đề giúp giáo
dân ăn năn trở lại và thường mỗi bài giảng ngắn gọn trong 20 phút. Tôi chống
lại việc lấy của cải của các địa chủ mà phân phát cho những người khác trong
thời kỳ đấu tố, cải cách. Tôi yêu cầu những ai đã nhận những đồ này thì phải
đem trả lại, giáo dân nghe tôi. Đức Cha Trịnh Như Khuê cũng có gửi một lá thư
chung, một lá thư chung rất đặc biệt về lẽ công bằng. Ở giáo xứ Thái Hà, tôi
phân phát lá thư này cho giáo dân, nhưng sau đó bị thu hồi.
Cũng trong thời gian tương
đối dễ dãi này, tôi đã lên tận Yên Bái để giảng Đại Phúc. Một câu chuyện khôi
hài làm tôi nhớ mãi là ở khu tự trị Thái Mèo, khi hát bài “Lạy Mẹ là ngôi sao
sáng” và nhân nói đến chuyện “vượt biển thế gian,” các cháu nhỏ người Thái,
người Mèo ở đây đã hỏi tôi “thuyền” là cái gì, bởi vì trong đời các cháu chưa
hề nhìn thấy, hồi đó vấn đề truyền thông đại chúng, sách báo còn rất hạn hẹp
chứ không như hôm nay, với truyền thanh truyền hình khắp nơi. Khi về xứ Nghĩa
Lộ của cha Khoa, cha đã bố trí dân chúng ở các họ đạo đến rước tôi. Hai con
ngựa dành cho ngài và tôi được dắt đi giữa hai hang giáo dân hoan hô, cứ y như
Chúa vào thành Jerusalem vậy. Cán bộ địa phương bực mình lắm về cảnh này. Tôi ở
lại Ngĩa Lộ trong suốt 1 tháng mùa Chay, đó là vào khoảng tháng 3 -1957. Sau đó
tôi về Phú thọ, giáo xứ Hiền Quan, có 4 giáo họ, giáo họ nào tôi cũng dừng lại,
dâng lễ và giảng, giáo dân đi theo nghe. Cha xứ không dám giảng và nói nhỏ với
tôi “Sao bạo phổi quá vậy?”, nhưng rồi chuyện gì phải đến đã đến, tôi
nhận được giấy triệu tập của công an về thị xã Bắc Giang. Tôi được giấy phép
của quận Đống Đa cho đi nhiều nơi, trong nhiều tháng và giấy phép của tôi chưa
hết hạn. Hồi đó, Bắc Giang và Bắc Ninh còn là 1 tỉnh, tỉnh Hà Bắc. Ông trùm và
tôi lóc cóc xe đạp đến công an Bắc Giang , đợi 2 tiếng đồng hồ thì thấy xe ô tô
công an tới, té ra là công an từ Hà Nội lên. Họ bảo tôi là giấy Đống Đa cấp cho
tôi là giấy giả và yêu cầu tôi phải trở về Hà Nội ngay ngày hôm sau, ngày lễ
Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1957. Sáng hôm sau, 1 thầy kẻ giảng cùng đi với
tôi, tới Bắc Ninh ghé ăn cơm rồi đi tiếp, công an bố trí 2 cán bộ đi theo chúng
tôi từ đây. Khi chúng tôi qua cầu Long Biên, chúng tôi chủ tâm đi vòng vo xem
họ có theo không, thì ra họ vẫn theo. Về đến cổng Nhà Dòng, chúng tôi chưa thèm
vào, cố tình đi quá một chút để vào đồn công an Đống Đa trình diện, sau đó
chúng tôi mới về Nhà Dòng và 2 anh công an cũng theo chúng tôi về tới đây. Như
vậy, tôi đã có chuyến du hành dài từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1957. Cũng trong
thời gian này, Đức Cha Trịnh Như Khuê, trên đường đi kinh lược các xứ đạo, đã
bị chặn xe và tịch thu giấy tờ, từ đó ngài không đi đâu được nữa.
Năm 1959, Ủy Ban Nhân dân
quận Đống Đa mà trụ sở ở Hàng Bột mời tôi đến và đặt vấn đề mượn tòa nhà trước
đây là Đệ Tử viện để làm trường học. Tôi nói ngay là tôi không có quyền, các
ông ấy phải hỏi ý kiến Bề Trên của tôi ở Saigon. Họ trả lời” Ông không
có quyền thì chúng tôi có quyền.” Tôi sẽ không bao giờ quên câu nói này.
Khoảng 2 ngày sau, họ đến trong lúc tôi đi vắng, có thầy Clément Đạt ở nhà, họ
làm một tờ giấy và yêu cầu thầy Đạt ký tên, họ mời thêm một giáo dân cao tuổi ở
đây, ông Cai Tần, vào ký tên, liền ngay sau đó họ đưa học sinh vào. Mới được 1
niên khóa, Ủy Ban đổi ý muốn dung tòa nhà này làm bệnh viện. Lúc đầu còn có một
cái cửa ngăn đôi 2 tòa nhà, trước đây là Nhà Dòng và Đệ Tử viện, chúng tôi vẫn
cư ngụ bên Nhà Dòng; sau họ nêu lý do bệnh viện quá tải, mượn một số phòng của
Nhà Dòng. Đến năm 1972, họ đề nghị để bệnh viện sử dụng toàn bộ Nhà Dòng và họ
sẽ xây cho tôi một căn nhà gần nhà thờ. Việc thiết kế và xây dựng ngôi nhà xứ
này, tôi không hề được hỏi ý kiến. cấu trúc của căn nhà rất bất tiện, cà 2 tầng
trệt và lầu đều được chia thành những phòng nhỏ và nhà vệ sinh ở cuối dãy. Sau
này tôi phải đập bớt tường của tầng trệt để làm phòng khách, cũng vậy, ở tầng
lầu để làm nhà nguyện, tôi đã phải tu bổ nhiều lần.
Khi mượn cả 2 tòa nhà này,
chính quyền không hề đá động gì đến cái ao trước nhà Dòng, tôi vẫn cho thuê để
thả cá. Trước đây vùng này chưa có nước máy thì đồng bào quanh vùng vẫn vào đây
gánh nước, coi như là 1 cái giếng lớn. Gần đây, bệnh viện định xây một căn tin
trên bờ cái ao này, tôi và giáo dân đã phản đối, việc xây cất đành bỏ dở. Tôi
vẫn có ý định xin lại tòa Nhà Dòng, vốn được xây từ năm 1931. Ngoài 2 tòa nhà
này thì khu nhà chơi của Đệ Tử viện được xây từ năm 1942, 4 góc có 4 phòng để
các hội đoàn sinh hoạt. Vào đầu thập niên 50, các phòng này được dùng làm phòng
học cho các chú đệ tử. Ông chủ cũ của khu đất này là một người Pháp lai tên
Lajustquet đã bán lại cho Nhà Dòng. Tóm lại, trong suốt thời gian đã qua, từ
năm 1954 đến nay, tôi chưa hề ký giấy bán hoặc tặng bất cứ cơ sở nào của DCCT
Hà Nội cho bất cứ ai.
Sau khi thầy Clément Đạt bị
bắt, cũng là lúc bắt đầu thời kỳ khó khăn. Còn một mình, trên nguyên tắc tôi
không được đi đâu ra khỏi thành phố Hà Nội, nhưng nếu xin thì vẫn được cho và
đương nhiên vẫn được theo dõi, ngay những lúc đi rất gần, từ đây xuống nhà thờ
Hàng Bột để giải tội giúp cha chiểu mà cũng bị nhóm “liên lạc Công giáo” (mà
tôi gọi là “lệch lạc Công giáo – LLCG”) theo dõi sát khiến sau đó tôi phải ra
về bằng cửa sau. Giáo xứ Thái Hà bị coi là một ổ gián điệp, những người ra vào
thăm tôi đều bị ghi số xe. Tôi bị cô lập, không mấy ai dám lại thăm tôi, tôi
chỉ còn 2 người thân cận nhất là 2 ông bõ, 1 ông kéo chuông và 1 ông làm bếp.
Những người trong nhóm LLCG trên đây thường được công an nhờ vả mỗi khi có
chuyện phải xin ý kiến của tôi. Chẳng hạn dưới thời ông Ngô Đình Diệm ở miền
Nam, xảy ra vụ tuyệt thực của tù nhân ở nhà tù Phú Lợi, những người trong nhóm
này đến yêu cầu tôi làm lễ cầu hồn cho các tù nhân đã bị chết trong vụ này. Họ
còn huy động một số người ở Hàng Bột và Thái Hà đến làm áp lực với tôi. Tôi trả
lời là khi làm lễ cầu hồn phải biết là cầu cho ai, tên thánh là gì, chứ bâng
quơ nhứ thế này thì để tôi phải xin ý kiến Đức Cha. Đức Cha truyền cho tôi
không làm, tôi vâng lời và nhóm trên đây đã vô cùng bực tức. Một lần khác, có
một vụ gì đó xảy ra ở miền Nam, họ không yêu cầu tôi làm lễ, họ chỉ đòi tôi kéo
chuông để măc niệm. Khi đó, cha Côté còn ở đây, tôi bảo thầy Đạt ở nhà còn tôi
lên Hàm Long gặp cha Quế. Tới giờ những ông LLCG đến mà không thấy tôi, họ bèn
trèo qua cửa sổ vào gác chuông và tự động kéo chuông., không biết các cậu quýnh
quáng làm sao mà bị điện dựt, quả chuông chỉ kịp rung lên vài tiếng.
Còn chuyện bị mời lên làm
việc là như cơm bữa. Có lần giữa giờ hành hương Đức Mẹ, tôi đang đứng trên bục
giảng thì một anh công an sắc phục vào, đến tận chỗ tôi đứng và mời tôi đi giữa
sự ngơ ngác của giáo dân. Cũng chẳng có chuyện gì gấp gáp, khi về đồn công an,
họ hỏi tôi về việc tiếp đón những người hành hương, trong vài phút, rồi cho tôi
về, tôi lại tiếp tục giờ kính viếng Đức Mẹ. Một lần nữa, họ mời tôi đi vào lúc
8 giờ tối, đến nhà một thường dân ở phố Cửa Nam. Gia chủ không có nhà, một anh
công an tiếp tôi, hỏi han linh tinh. Sau đó bưng lên cho tôi một bát cháo nóng
hổi, tôi cám ơn không ăn vì không có thói quen ăn ngoài bữa, nể lời ép uổng,
tôi lấy thìa múc vài giọt trên mặt tô cháo, ở dưới là thuốc độc đấy. Có một anh
làm việc ở Ủy Ban Nhân dân quận Đống Đa đã khoác lác nói với bạn bè rằng ở khu
Đống Đa này có 2 ông linh muc, ông Chiểu và ông Bích, chúng tôi muốn thủ tiêu
lúc nào cũng được. Một tuần lễ sau, trong lúc anh ta ăn cơm ở phố Nam Đồng này
thì chết đột ngột.
Giữa bao nhiêu thử thách ấy,
tôi vẫn điềm tĩnh, trông cậy ở Chúa và… đủng đỉnh trên chiếc xe đạp Trung Quốc
khắp đó đây trong thành phố Hà Nội, nhất là đoạn đường từ Thái Hà về Nhà chung,
ít nữa 2 lần 1 tuần. Chiếc áo chùng thâm trên chiếc xe đạp đã là hình ảnh quen
thuộc ở phố phường. Có lần từ nhà thờ Hàng Bột ra, tôi nghe được một tiếng càu
nhàu của một chị bán hàng trước cửa nhà thờ: “Cái ông của nợ này ngày nào
cũng gặp,” hình như màu đen đem lại xui xẻo trong việc buôn bán của chị.
Một lần khác, vừa từ nhà các sơ Sainte Marie ra, gặp 2 bố con, cậu con hỏi bố
:” Ông này là ai vậy?,” chắc có lẽ cháu bé thấy bộ trang phục
lạ mắt và hiếm hoi trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa. Ông bố trả lời: “Ông ấy tu
sơ!.” Tôi phục vụ rất nhiều cộng đoàn, dòng tu trong việc ngồi tòa và giảng
dạy, kể cả với các cha MEP, các cha Đa Minh mà người rời Hà Nội cuối cùng là
cha Lénart. Mới đây ngài có trở lại thăm Hà Nội. Chiếc xe đạp sau đó bị bắt cùng
với cháu tôi là Nguyễn Xuân An, khi đó cháu gia nhập hội dòng Emmaunuel. Tôi
mua một chiếc xe Phượng hoàng và đạp cho đến lúc không đạp được nữa.
Tôi thường dẫn ca đoàn giáo
xứ Thái Hà đi tham dự các ngày chầu lượt của các giáo xứ quanh đây hoặc đi du ngoạn
vào những ngày lễ lớn, ngày nghỉ Tết. Cái chuyện đi đâu cũng đem theo cả đoàn
con cái như vậy là điều không được công an ưa thích. Năm 1960, có ông Quang (em
cha Đăng- DCCT) vào ở đây với tôi, giúp tôi các việc trong xứ, ngoài chuyện học
hành với tôi, với hy vọng có thể gầy dựng Ơn gọi mới trong hoàn cảnh mới này.
Hôm Chầu lượt ở xứ Kẻ Bạc thì ngày hôm trước tôi có rao ở nhà thờ để các em ca
viên chuẩn bị cho chuyến đi. Sáng chủ Nhật, công an vào rất sớm, bảo là có biết
dự định của tôi, đi Kẻ Bạc với ca đoàn. Họ tung tin là giáo dân Kẻ Bạc đang bận
lao động nước rút, sẽ không có thì giờ tiếp đón cha con chúng tôi. Tôi định
bụng sẽ đi nơi khác và nói ý định này với anh Quang. Ra đến cổng, chúng tôi rẽ
phải đi Kẻ Sét (làng Tám), anh công an ngồi ở cổng ngỡ ngàng hỏi chúng tôi :”Cứ
đi à?” – “Cứ đi chứ!” anh Quang trả lời , nhưng anh công an hiểu là
chúng tôi cứ đi Kẻ Bạc. Anh đi theo về tận Kẻ Bạc, còn chúng tôi chơi quanh
quẩn ở nhà thờ làng Tám, vào chầu Mình Thánh rồi ra về. Ngày hôm sau, gặp ca
đoàn ở Cửa Bắc, các anh các chị nói là chờ mãi ở Kẻ Bạc mà không thấy Thái Hà
đến. Tôi hiểu là công an đã có ý đánh lừa cha con chúng tôi để cuộc gặp
gỡ ở Kẻ Bạc sẽ bớt đông đảo. Như tôi đã kể trên đây, giáo xứ Thái Hà
chúng tôi và giáo xứ Hàng Bột là hàng xóm. Ca đoàn Hàng Bột đông đảo, trong khi
Thái Hà chúng tôi ít người, một số ca viên của Hàng Bột có lên cộng tác với
chúng tôi. Một lần, ca đoàn Thái Hà chúng tôi cũng “xuất hành” như mọi khi,
trong ca đoàn có một anh ca viên Hàng Bột cùng đi, sau đó anh bị bắt đi cải
tạo, chết trong trại giam, vợ anh vẫn còn sống ở Hàng Bột.
Riêng cá nhân tôi, thỉnh
thoảng cũng làm một chuyến đi xa, như có lần tôi đi thăm cha Khoa (anh của cha
Thiện, hiện là chánh xứ nhà thờ Camelo – Tân Bình- TP.HCM) ở xứ Phú Nghĩa,
huyện Thạch Thất, Hà Tây. Trước khi đi, tôi có cẩn thận báo với công an quận
Đống Đa và dĩ nhiên họ báo cho sở. Tôi đi với 2 người ở Phùng Khoang là ông
Giảng và ông Lợi. Chúng tôi đi bằng 2 xe gắn máy. Công an sở theo chúng tôi
bằng ô tô, nhưng họ không vào nhà xứ Phú Nghĩa mà lên thẳng huyện Thạch Thất.
Nửa giờ sau, công an huyện Thạch Thất đến nhà xứ hỏi giấy tờ, tôi bảo chỉ có
CMND. Họ bảo linh muc đi đâu thì phải có giấy riêng, giấy CMND thì không đủ. Họ
yêu cầu tôi để lại CMND và ra về ngay. Tôi chấp hành. Về đến nhà, có một anh
công an của Đống Đa tức giận bảo chúng tôi là phải lên sở mà lấy lại CMND,
nhưng rồi mấy ngày sau họ đem trả tôi đủ. Tôi còn tập hợp các bài “Chuyện Sáo”
in thành tập và phát cho giáo dân đọc. Công an Hà Tây bắt gặp một tập ở nhà một
giáo dân, họ báo cho công an Đống Đa và công an Đống Đa đã khám xét nhà tôi.
Ngoài các sách báo về đạo, có các sách phê bình cộng sản bằng tiếng Pháp, họ
tịch thu những quyển sách này. Một lần khác, công an sở đưa xe mời tôi lên sở
làm việc rồi lại đưa xe trả tôi về Nhà Dòng. Bà con giáo dân lo lắng không biết
chuyện gì. Thực ra cũng là vấn đề sách báo và đòi khám xét nhà. Như vậy 2 lần
tôi bị kiểm tra hành chánh về vấn đề sách báo. Một trong 2 lần đúng lúc có một
anh trong ca đoàn đang giúp tôi ở trong phòng, anh bị buộc phải quay mặt vào
tường trong lúc công an thi hành nhiệm vụ.
Những chuyến đi xa khác
thường của tôi nữa là chuyến về quê nhà Phát Diệm, như có lần về dâng lễ cầu
nguyện cho tổ tiên. Đó là vào năm 1974. Khi đi qua nhà thờ Tôn Đạo, tôi định bụng
sẽ rẽ qua Dưỡng Điềm, quê tôi. Luôn có người đi xe đạp theo sau. Tôi vào nhà xứ
đúng lúc cha chính xứ, cha Luật, không có nhà, tôi bèn vào nhà một giáo dân gần
đó, không ngờ lại là nhà của một LLCG. Đến lúc cha xứ về, chúng tôi đang trò
chuyện thì công an đến hỏi giấy, tôi đưa CMND, anh công an bảo phải có giấy tờ
gì khác nữa, bởi vì tôi là linh mục. Cha Luật tranh cãi với anh công an bởi vì
trời đã tối, tôi được chấp thuận cho ngủ lại. Sáng hôm sau, sau khi đã hành lễ,
từ Dưỡng Điềm tôi đi Phát Diệm bằng thuyền. Đến Trì Chính, tôi nghỉ chân ở nhà
một người quen thì công an lại vào hỏi giấy tờ, còn tôi, tôi đang có ý định đi
Cồn Thoi, anh công an lại yêu cầu tôi dời Phát Diệm ngay. Chị chủ nhà biện
bạch, yêu cầu để tôi cơm nước đã rồi hãy đi. Lời yêu cầu này được chấp thuận.
cơm nước xong, tôi thuê xích lô về Cồn Thoi, phải đi qua Ty công an Phát Diệm
và tôi vẫn bị theo dõi. Chập tối thì tôi đến nhà xứ Cồn Thoi. Sáng hôm sau tôi
dâng lễ rồi lại đi thăm 2,3 gia đình họ hàng. Chiều đến, có một chị Mến Thánh Giá
mời tôi lưu lại để sáng hôm sau hãy đi Phát Diệm. Sau cơm tối, công an đến cả
chục người như quân dữ đi bắt Chúa vậy. Tôi được mời về đồn và cùng đi với tôi
có một anh cựu đệ tử, anh Du, chúng tôi được đưa xuống một cái thuyền cùng với
2 anh công an để về Phát Diệm, thuyền đi suốt đêm, muỗi mòng được bữa no. Ở đồn
công an, người ta trách chúng tôi là đã không vào xin giấy tờ để đi Cồn Thoi,
chứ nếu có xin giấy thì họ đã lo liệu mọi chuyện tốt đẹp. họ nói vậy thôi.
Chuyến về Phát Diệm này tôi tởn đến bây giờ.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn có
dịp trở về quê Phát diệm mấy lần nữa. Năm 1981, Đức Cha Phó giào phận Phát Diệm
là Đức cha Nguyễn Thiện Khuyến qua đời. Đức cha Phaolo Bùi Chu tạo muốn tôi làm
Giám mục Phó cho ngài, tôi cùng thế hệ chủng viện với ngài, tôi học dưới ngài 4
lớp. nhưng chính quyền Phát Diệm vẫn chưa xóa được ấn tượng về Đức Cha Lê Hữu
Từ, một linh mục dòng. Mỗi lần Đức Cha Tạo nhắc đến yêu cầu này, chính quyền
đều trả lời: “Cụ cứ từ từ, thế nào rồi cũng sẽ có.” Năm 1987, chính
quyền ở Nam Định (khi đó là tỉnh Hà Nam Ninh ) trả lời với Đức Cha Tạo là tìm ở
trong tỉnh linh mục nào cũng được, còn cụ Bích ở xa quá chúng tôi không nắm
vững. Đức Cha Tạo hội ý với Đức Hồng Y Căn và Đức Cha Sang, cả hai vị đều nhất
trí là phải hy sinh một linh mục Hà Nội thôi. Thế là cha Nguyễn Văn Yến, chánh
xứ Gia Trạng (Kẻ Chanh), được đề bạt vào chức vụ này. Kẻ Chanh là giáo xứ tận
cùng của địa phận Hà Nội, lại rất gần Phát Diệm, chỉ cách một chuyến đò ngang.
Trong những năm chờ đợi giải
quyết việc Giám mục Phó Phát diệm thì xảy ra việc cha Nguyễn Thế Vịnh qua đời.
Ngài là chủ tịch Ủy ban Liên Lạc Công Giáo, là gốc Phát Diệm, xuất thân từ Đại
Chủng viện Thượng Kiệm, học trên Đức Cha Tạo 1 lớp. Trong lúc đưa xác cha Vịnh
về quê quán Phát Diệm, tôi xin được quá giang xe của Ủy ban LLCG, bây giờ đã
đổi thành Ủy ban Đoàn Kết Công Giáo (ĐKCG), trên xe mọi người trong Ủy ban nhìn
tôi với ánh mắt không mấy thiện cảm. Đến Phát Diệm, ban tổ chức bố trí các
khách về dự tang lễ cư ngụ trong một ngôi nhà ở Trì Chính. Cha già Phaolo
Nguyễn Chu Trình nói nhỏ với tôi để gợi ý là cả hai chúng tôi nên vào Nhà Chung
nghỉ, nhân thể vấn an Đức Cha Chính. Nhưng có một anh ĐKCG nhất định
không cho tôi đi, năn nỉ tôi ở lại với phái đoàn. Sau này, tôi mới vỡ lẽ ra là
nếu để tôi vào Nhà Chung với cha già Trình, sợ rằng Đức Cha Tạo sẽ phong chức
chui cho tôi. Sáng hôm sau, trong lễ tang, Đức Cha Tạo chủ tế, Đức Cha Phạm Tần
(giáo phận Thanh Hóa) đứng bên phải và bên trái, Đức cha chỉ tôi mà không phải
là cha Tổng Đại diện Trịnh Quang Thiều hoặc cha già Nguyễn Chu Trình. Cánh ĐKCG
ngồi hàng đầu xì xầm là đã làm Giám mục đâu mà ngồi cao thế! Buổi chiều về lại
Hà Nội, tại trụ sở của Ủy ban ĐKCG, có nhiều linh mục, cả các vị từ miền Nam
ra, các nữ tu và giáo dân ăn uống bừa bãi, nói năng lung tung. Tôi không tỏ
thái độ gì, tôi chờ tàn tiệc để nhờ xe về lại Thái Hà.
Lễ truyền chức Giám mục cho
cha Guise Nguyễn Văn Yến ở sân nhà thờ Phát Diệm, tôi có dự. Như vậy tôi được
về lại Phát Diệm quê tôi tất cả 5 lần: 2 lần dự tang lễ 2 Đức cha Phó Lê Quý
Thanh và Nguyễn Thiện Khuyến, 1 lần về dâng lễ cầu cho ông bà tổ tiên, 1 lần dự
đám tang cha Nguyễn Thế Vịnh và lần cuối là lễ phong chức Đức Cha Yến. Xong lễ
phong chức thì có tin chính thức tại sao tôi không được chấp thuận làm Gíam mục
Phó Phát Diệm. Có 3 lý do:
Ông Bích là linh mục dòng,
cũng như ông Từ (Lê hữu Từ) trước đây. Ông ấy sẽ đi theo vết xe của ông Từ.
Ông Tạo đã bướng, ông Bích
cũng bướng, làm sao mà lèo lái cả 2 ông một lúc được.
Riêng ông Bích có tội nặng
lắm là đã tổ chức rước kiệu Đức Mẹ Fatima ở Thái Hà. Bây giờ ông ấy về Phát
Diệm cũng rước Đức Mẹ Fatima nữa thì rách việc. (Đức Mẹ Fatima đã từng phán là
nước Nga sẽ trở lại).
Kể từ khi đất nước được
thống nhất, tôi đã có 3 lần vào thăm miền Nam. Nhưng trước những chuyến thăm
này, tôi không thể quên được một chuyến rất vui. Đó là vào năm 1976, anh Nguyễn
Hữu Đắc, một cựu đệ tử DCCT và cũng là một đoàn viên Hùng Tâm của tôi như tôi
đã kể trên đây. Anh đến thăm Nhà Dòng Kỳ Đồng, gặp một cha nào đó có nói một
câu: “cha Bích ở Hà Nội mà chết thì không biết lấy ai mà thay.” Anh Đắc
nghe lõm bõm, câu được câu chăng, anh không nắm được chữ “mà” rất
quan trọng trong câu nói. Vài hôm sau, anh lên Tân Hà, Bảo Lộc và
tung tin là cha Bích chết rồi. Thế là bà con ở đây quyên tiền xin lễ cầu hồn
cho tôi. Vài ngày sau, ông trùm xứ Phùng Khoang là ông Trần Văn Thông vào thăm
mẹ đang ở Tân Hà, người người xúm lại hỏi thăm về tôi, mới vỡ lẽ ra tôi còn
sống. Các bà bèn bảo nhau giấu nhẹm chuyện này, thôi thì dầu sao một lễ sống
cũng bằng một đống lễ chết.
Đến năm 1980, tôi được cha
Lê trung Nghĩa, Bề Trên giám Tỉnh đón vào thăm miền Nam. Nhân dịp này, tôi định
bụng là sẽ đến thăm một người cháu vừa mới được thụ phong linh mục, khi đến nơi
thì người cháu cũng vừa vượt biên ra nước ngoài. Hiện cháu tôi vẫn tiếp tục làm
linh mục ở Mỹ. Cũng trong lần thăm viếng này, tôi lên Bảo Lộc chơi thăm lại bà
con làng nước. Đây là lần thứ hai tôi ghé Tân Hà, Bảo Lộc. Lần thứ nhất là vào
năm 1954, trước lúc trở ra Hà Nội, tôi đến chào mẹ và chị mới di cư từ Bắc vào.
Lần thứ hai tôi vào thăm miền Nam là năm 1988, lần này tôi có gặp cha Anton
Tuyên, khi đó đang ở giáo xứ Trung Đồng , Rạch Dừa, Vũng Tàu. Khi tôi về lại Hà
Nội thì được tin cha Tuyên qua đời.
Chuyến vào Nam lần thứ ba là
vào năm 1990 để sẽ đi Roma chữa mắt. Chuyện con mắt của tôi là như thế này: Vào
một buổi chiều khoảng 5 giờ, năm 1987, tôi đang ngồi đánh máy ở phòng ăn, bản
dịch cuốn sách về lòng sùng kính Trái Tim Chúa. Khi đó, trời đã xâm xẩm tối,
tôi ngại bật đèn và cố gắng dán mắt vào trang sách; bỗng dưng tôi nghe giật một
cái nhè nhẹ, trời tối sầm lại, hai mắt tôi bị lòa từ giây phút ấy. Tôi không
đọc được sách nữa và chỉ còn nhìn thấy sự vật lờ mờ. Tôi chạy chữa ở Hà Nội,
thuốc tây, thuốc ta nhưng các bác sĩ và các thầy lang đều bó tay. Đức Cha
Nguyễn Văn Sang gợi ý với tôi là nên ra nước ngoài để chữa chạy xem sao. Nguyện
ước của tôi cũng phải đợi trong vòng 3 năm, từ 1987- 1990. Vào Saigon, tôi gửi
điện cho thầy Placide, đang làm việc ở Nhà Dòng Mẹ Roma. Thầy lo cho tôi mọi
chuyện, kể cả việc mua vé. Tôi có đem theo tiền từ Hà Nội vào, nhưng lại trao
cho ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ Vũ Ngọc Đang đem về, bởi tôi không phải tiêu
pha gì. Trên máy bay, tôi lại may măn gặp 2 sơ Vincent de Paul đi cùng chuyến,
các chị đỡ đần tôi nhiều chuyện.
Tôi đến Roma ngày 22-8-1990,
sau khi làm tất cả các xét nghiệm y khoa, các bác sĩ cũng không phấn khởi lắm
và nói rằng nếu tôi muốn mổ thì mổ chứ không hy vọng. Mà quả thật sau ca mổ con
mắt của tôi vẫn lờ mờ cũng còn đủ để phân biệt người nọ với người kia. Cái hạnh
phúc lớn đối với tôi trong thời gian lưu lại Lamã là được hai lần được đồng tế
với Đức Thánh Cha, được trao đổi với ngài một hai câu. Lần đầu trong thánh lễ
dành cho Việt Kiều nhân kỷ niệm ngày phong thánh cho 117 vị tử đạo việt Nam.
Hôm ấy tôi được đồng tế với Đức Thánh Cha, được ngài ban tặng cỗ tràng hạt và
ngài đã làm dấu thánh giá lên đôi mắt của tôi. Lần thứ hai là do sự sắp xếp của
thầy Placide và của Đức ông Trần Ngọc Thụ, tôi được đồng tế với Đức Thánh Cha
và được ngài tặng cho một tràng hạt nữa. Thật là một điều thiều xót nếu tôi
không kể đôi điều về thầy Placide. Thầy được Tỉnh dòng Việt Nam gửi sang công
tác bên nhà mẹ Roma có lẽ đã trên ba chục năm rối. Thầy vẫn vui vẻ nhanh nhẹn,
trẻ trung như hồi nào. Thầy lại giỏi vi tính, thành thử công việc của thầy tôi
thấy rất khoa học. Tôi đã được thầy đỡ đần nhiều trong những ngày lưu lại nhà
mẹ ở Roma. Xin cám ơn thầy Placide rất nhiều. Năm 1991 tôi về lại Việt Nam sau
chuyến đi ra nước ngoài mà vì hai con mắt không tinh tường nên cũng chẳng thăm
thú đước nhiều nơi, chẳng hạn như khi đến Pháp tôi rất muốn kính viếng Đức Mẹ
Lộ Đức mà không thành. Tình trạng đôi mắt tôi cũng không khá hơn lúc đi, và đến
khoảng 1997-1998 đôi mắt của tôi hoàn toàn mù.
Đến năm 1992, khi mừng lễ
Kim khánh linh mục, tôi đâm ra đau ốm nặng, tôi rất muốn từ chức chính xứ Thái
Hà. Tôi trình bày vấn đề với cha Giám tỉnh Lê trung Nghĩa và trả xứ lại cho Đức
Hồng Y Phạm Đình Tụng. Cũng trong năm này, qua nhiều vận động, thầy sáu Trịnh
Ngọc Hiên DCCT đã được chấp thuận chuyển ra học ở Đại chủng viện Ha Nội. Thầy
được thụ phong linh mục ngày 10-6-1994. Lập tức, tôi bàn giao cho tân linh mục
và ngài đã vững vàng thay tôi cho đến hôm nay.
Tôi ước ao nhà nước chấp
nhận nhiếu anh em DCCT về đây làm việc , không đông như ngày xưa nhưng ít nhất
cũng ba bốn anh em nữa. Một mình cha Trịnh Ngọc Hiên thì vất vả quá, mà ngài
lại không bao giờ từ chối điều gì, tận tâm quá sức lẽ mình. Ngày 10-06-2002 vừa
qua nhân kỷ niệm ngày ngài chịu chức, tôi bắt chước cụ Hồ mà tuyên bố: "Đâu
cần cha Hiên có, đâu khó có cha Hiên" mà thật vậy, đâu mời ngài cũng
đi, ngày cũng như đêm. Tôi ước ao mở rộng nhà thờ sang phía cái hồ và lấy lại
ngôi Nhà Dòng để làm cơ sở sinh hoạt cho giáo xứ.
Ước ao thì cứ ước ao, có
thành hiện thực hay không là do thánh ý chúa và nỗ lục của anh em trong dòng.
Phần tôi, lúc nào cũng trông cậy và lạc quan.
ĐỨC HỒNG Y PHAOLÔ
GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG KỂ RẰNG…
Năm 1954 các cha DCCT ở Thái
Hà vào Nam hết, kể cả cha Bề Trên Antôn Tuyên. Khi cha Vũ Ngọc Bích trở lại Hà
Nội thì tôi đang làm chính xứ Hàm Long. Gặp ngài tôi có nói là có lẽ đây là do
Chúa Thánh Thần soi sáng để ngài về giữ Nhà Dòng, giữ lấy đền Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp và giữ lấy xứ Thái Hà. Tôi nhớ có lần cha Bích lên nhà Chung, vai đeo bị,
tay chống gậy. tôi hỏi: “Cha già đi đâu đấy? – Con lên để trả lại xứ Thái Hà
cho địa phận.” Tôi bảo là không được, tôi đề nghị cha già bị gậy sang Ban
Tôn giáo, nói với họ là lo liệu cho Thái Hà một cha xứ khác thay cha già. Tôi
không nhận là vì giữa địa phận và Nhà Dòng đã có thỏa thuận rồi, xứ Thái Hà
không thuộc quyền trông coi của địa phận nữa mà là của Nhà Dòng. Nhân cơ hộ ấy,
sau nhiều vận động thì thầy Trịnh Ngọc Hiên đã được gia nhập Đại chủng viện Hà
Nội tiếp tục việc học, lãnh nhận sứ vụ linh mục ở đây và về tiếp tay cha già ở
Thái Hà cho đến nay.
Thái Hà sẽ trở thành trung
tâm hành hương, do đó cần phải đòi hỏi để được mở rộng, mở rộng đường vào, mở
rộng nhà thờ ra hướng cái ao. Còn nhân sự thì phải tăng cường Ơn Gọi, lúc này
đang khá dồi dào, gửi vào Sài Gòn đào tạo rồi về làm việc như thầy Thật, thầy
Phong ngày nay. Những khó khăn hôm nay thì đành phải vậy thôi. Công việc của
Đức Mẹ thì rồi Đức Mẹ sẽ soi sáng an bài.
ĐỨC CHA F.X.
NGUYỄNG VĂN SANG, GIÁM MỤC THÁI BÌNH, KỂ RẰNG…
Nói chung, DCCT đối với tôi
có nhiều liên hệ. Hồi còn nhỏ, là học sinh, con nhà có đạo, tôi hay đến đền Đức
Mẹ Hằng Cứu khấn vái, xin thi đỗ…Tôi có một chú em tên là Dung đã từng học ở Đệ
Tử viện trong vài năm nên tôi cũng thường đi lại thăm hỏi. Năm 1954, khi đi di
cư, gia đình tôi gửi đồ đạc ở DCCT. Trước đó tôi đã học hai năm ở Sài gòn, tôi
theo chủng viện Xuân Bích di chuyển từ Hà Nội vào, rồi 1955 tôi tình nguyện trở
về Hà Nội. Cha già Bích cũng trở về Hà Nội như tôi, tuy không đi cùng chuyến
bay. Ở cộng đàon DCCT Hà Nội dần dần các cha Cananda bị trục xuất, các thầy
Marcel Văn và Clement Đạt bị bắt, chỉ còn lại một mình ngài. Người cuối cùng
trong số các linh mục ngoại quốc bị trục xuất là cha Lorry, dòng Đa Minh. Trước
đó có cả Đức Khâm sứ và cha thư ký của ngài.
Cha Bích gặp nhiều khó khăn,
cũng như tôi, bởi chúng tôi đã ở trong Nam một thời gian trước lúc trở về Hà
Nội, do đó đã gây thắc mắc cho nhà cầm quyền. Lúc ấy tôi đang học lớp triết 2
Đại chủng viện thì Đức Cha Trịnh Như Khuê kêu gọi tình nguyện trở về địa phận,
có một mình tôi về Hà Nội. Những năm tháng đầu cũng khó khăn lắm. Tôi bị công
an mời làm việc, họ cứ cho là có nhiệm vụ gì từ trong Nam. Tôi tiếp tục học
hành, gặp gỡ cha Bích đều đặn vì ngài thường xuyên lên Nhà Chung. Ngài là cái
kho hiểu biết, thơ văn hay, tin tức nhiều. Sau đó tôi được biết ngài là chủ bút
tờ nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp khi viết bài ký bút hiệu SÁO. DCCT Hà Nội
gặp nhiều khó khăn không những chỉ vì do cha Bích từ trong Nam ra mà còn vì nhà
nước vốn nghi ngờ các dòng, thứ nhất là dòng Tên, thứ nhì là DCCT. Dòng Tên
không có ở Hà Nội. Đặc biệt là cha Paquette bị nghi ngờ là đưa người đi di cư,
các cha khác bị vạ lây, chứ cá nhân của cha Bích thì hiền lành, giảng dạy sâu
sắc, dí dỏm.
Tôi chịu chức linh mục năm
1958. Tôi chỉ đi coi xứ trong thời gian ngắn rồi về làm thư ký cho Đức Hồng Y
Trịnh Như Khuê. Cha Bích và tôi là hai linh mục chuyên giảng cấm phòng cho các
Dòng. Hễ ngài ốm đau, có khi đang giữa tuần cấm phòng, ngài cho tìm tôi, tôi
lại “nhảy dù” xuồng thay ngài. Hai anh em chúng tôi vui vẻ cộng tác.
Khi tôi làm Giám Mục kiêm
Giám đốc Đại Chủng viện, tôi mời ngài dạy và làm cha giải tội cho các thầy
trong bảy tám năm. Đại chủng viện Hà Nội vẫn tiếp tực sinh hoạt từ 1954 – 1960.
sở dĩ đến năm 1960 bị tạm ngưng là vì có vấn đề nhà nước yêu cầu dạy chính trị
trong Đại Chủng viện. Năm đó Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng làm Giám đốc, cha Bích
và tôi đều là giáo sư. Các Đấng không đồng ý vấn đề này. Khi Đức Hồng Y Trịnh
Văn Căn làm Giám đốc Chủng viện, ngài tỏ ra mềm mỏng hơn. Ngài lập luận rằng
mình là người Việt Nam, là công dân Việt Nam thì nếu có phải học Hiến pháp,
Luật pháp việt Nam thì cũng là điều đương nhiên thôi. Đức Hồng Y Căn chấp nhận
điều kiện này, chấp nhận luôn việc giảng viên nhà nước vào dạy. Ngược lại giáo phận
sẽ có thêm linh muc, Đại Chủng viện sẽ đươc mở cửa lại năm 1965. Năm 1975, vấn
đề này cũng được đặt ra cho các Giám mục miền Nam, cũng đã thảo luận nhiều và
bây giờ thì tất cả các Đại Chủng viện đều có một chương trình giống như Đại
Chủng viện Hà Nội.
Hồi đó hầu như tất cả các
địa phận miền Bắc đều tập trung học ở Hà Nội cả. Học trò của cha Bích và tôi ở
rải rác khắp các địa phận. Cứ mỗi thứ tư, anh em linh mục chúng tôi lại họp mặt
ở Nhà Chung. Cha Côté là cha giải tội của Đức Khâm Mạng. Thấy Đức Khâm Mạng lo
lắng bối rối quá lẽ, chúng tôi đùa gọi cha Côté là “Redempterroriste,”
do đã khủng bố Đức Khâm Mạng quá chăng! Riêng cha Bích lúc nào cũng hiền lành,
thông minh, giỏi giang, khiêm tốn và kiên nhẫn. Người hiền lành đến độ có lúc
bị đánh giá là quá mềm mỏng đối với những âm mưu vây quanh.
Làm Giám Mục rồi, tôi vẫn
thân tình với ngài, nhất là thời gian sau này, lúc ngài đau ốm nhiều, mù lòa,
phải đi nước ngoài chữ chạy. tôi vẫn tiếp tay với ngài trong việc giúp đỡ những
người nghèo và những người không đủ điều kiện đáp lại ơn kêu gọi. Rất nhiều
người ngày nay trở thành linh mục, tu sĩ, nữ tu…. Là do sự nâng đỡ của ngài.
Tôi thường xuyên đến thăm hỏi ngài, nhất là những lúc ngài ốm đau, kể chuyện
cho ngài nghe. Nhưng nhiều khi chính ngài lại là người kể cho tôi nghe, bởi
ngài năm một chỗ, nghe radio tin tức nhiều, giáo dân vào kể cho ngài nghe. Ngài
là nguồn tin tức.
Cái công lớn của cha Bích có
thể tóm gọn như sau:
Duy trì DCCT trong những năm
khó khăn phức tạp. Không có ngài thì đã không còn Nhà Dòng ở Hà Nội hôm nay.
Công này lớn lắm.
Duy trì ơn kêu gọi cho các
Nhà Dòng, Chủng viện…
Về phương diện văn hóa, ngài
sáng tác thơ văn truyền giáo, cho in ấn và phân phối.
Ấy là chưa kể về phương diện
thiêng liêng, tuy người nằm một chỗ nhưng vẫn là tấm gươngsáng về sự kiên nhẫn,
các việc lành phúc đức người làm thì chỉ có Chúa biết . Lúc còn khỏe, chỉ với
chiếc xe đạp trung Quốc màu đen, đi đi về về Nhà Chung một tuần hai lần, giúp
đỡ giải tội, là cha linh hồn của Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn và của nhiều Giám Mục
khác. Hết giải tội lại giảng dạy, lúc nào ngài ốm thì tôi thay, tôi là “phó”
của ngài. Cũng cần phải nói là tại vì người quá hiền lành mà một thời gian
trước đây đã bị một số giáo dân kề cận lợi dụng. Còn ngài vẫn một mực hiền lành
và thương yêu.
Giáo xứ Thái Hà trước đây
cũng như bây giờ là một giáo xứ lớn, thu hút giáo dân không chỉ ở Hà Nội mà còn
khắp miện Bắc này. Tất nhiên phải giúp đỡ giáo xứ này hoàn thành nhiệm vụ đối
với sự tín nhiệm của giáo dân. Đó là điều mà các Bề trên của Dòng trong Nam cần
phải chú ý, đề ra một hướng phát triển, để giáo xứ trở thành bàn đạp cho việc
truyền giáo. Tất nhiên là phải tăng nhân lực, ít nữa là phải có ba linh mục ở
đây. Tôi biết những khó khăn về hộ khẩu, về hành chính. Trong Hội Đồng Giám
Mục, chúng tôi cũng đề cập vấn đề này rất nhiều với các cáp chính quyền. Các vị
nắm đằng chuôi cả : hộ khẩu. Nhưng tôi vẫn nghĩ là mình phải tìm nhiều cách,
cách này không được thì cách khác, ví dụ cứ lâu lâu một vài vị trong Nam ra
ngoài này giúp đỡ cha Hiên, đó là điều rất tốt. Các cha trong Nam thỉnh thoảng
nên về thăm quê, ở lại vài tháng, thiếu gì việc để làm, dâng lễ giải tội,…rồi
hễ xin được gì thì cứ xin. Tôi nói với mấy ông ở Ban Tôn Giáo là có lẽ tôi là
người ra vào Ban này nhiều nhất, làm phiền quý vị. Các Đấng phải tìm hết mọi
cách. Tôi nhận thấy ở Hà Nội có hai nơi là Thái Hà và Hàm Long quy tụ được
nhiều giáo dân, nhất là giới trẻ. Tôi cũng hay về Hàm Long, với tư cách là Chủ
tịch Ủy ban Giáo Dân của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tôi không giảng, tôi dạy
giáo lý, rất đông người tới nghe, cả công an cũng đến nghe. Không sao cả. Phải
tìm cách giảng đạo. Tìm cho ra sáng kiến.
DÌ BASILE TÔN
NỮ THỊ NGA, DÒNG THÁNH PHAOLÔ KỂ RẰNG…
Tôi sinh năm 1911, ở Huế. 20
tuổi đi tu, 23 tuổi mặc áo dòng và được sai về dạy học ở Nam Định rồi Bắc Ninh,
Hải Phòng, sau cùng là Hà Nội. Năm 1954, Bề Trên cho các sơ trẻ dưới 40 đi Nam.
Tôi tình nguyện ở lại. khi đó ở Hà Nội chúng tôi có cả thảy 18 chị em, trong đó
có bốn, năm bà người Pháp. Năm 1960, các bà người Pháp này đều bị trục xuất
khỏi Bắc Việt. ở Hà Nội, những cơ sở chủ yếu của Dòng Thánh Phao- lô thuộc tỉnh
dòng Đà Nẵng là bệnh viện Saint Paul, trường Sainte Marie, cô nhi viện Hàng Bột
là chỗ tôi ở từ trước đến nay và một vài nơi khác nữa nuôi trẻ mồ côi, trẻ lai
Tây.
Trong những năm sau 1954 ấy,
thỉnh thoảng có đại sứ Pháp đến thăm và giúp đỡ chút đỉnh. Bà Giám Tỉnh khi đó
là bà Madeleine Lê Thị Đông. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì các cuộc thăm
viếng này. Bà Đông bị bắt đi tù, tôi đi tiếp tế, cách Hà Nội khoảng 40 cây số,
đi xe đạp cùng với mấy em. Rồi đến lượt tôi bị mời lên “làm việc.” Họ bảo là
tội của tôi nặng lắm, nặng hơn cả của bà Đông nữa. Bởi tôi đã dịch thư cho ông
Dooley (tức Đức Khâm Mạng) từ các vali công vụ ngoại giao, nguồn liên lạc duy
nhất lúc bấy giờ. Nhưng họ cho biết là Nhà Nước khoan hồng, tôi phải đái tội
lập công, trong Dòng, trong Giáo Hội có gì thì phải kể ra. Tôi trả lời là không
bao giờ tôi nói, không bao giờ tôi làm điều này. Các ông muốn bỏ tù tôi thì bỏ
tù. Họ giận dữ, nhưng sau hơn một giờ, họ lại nhỏ nhẹ: “Bà đừng kể gì cho ai
nhé.” Rồi họ bảo tôi ở đây (cộng đoàn Hàng Bột) có một mình, nhà cửa
quá rộng , họ đề nghị tôi lên Sainte Marie mà ở với những chị em khác, để nhà
cho họ. Tôi bảo là người tu hành, nhà cửa này là của Hội Dòng, tôi chỉ là bề
dưới được chỉ định trông coi, chứ bản thân tôi một túp lều cũng đủ. Họ đành
chịu.
Với cha Bích hồi đó, chúng
tôi là hàng xóm với nhau. Ngoài việc cha đền đây giải tội dâng lễ cho chúng tôi
(trong nhà khi đó có hai chị em, một bà già mất năm 1985), khi giáo dân có chuyện
vui buồn trong gia đình, họ mời cha và tôi, cả hai cha con cùng đi, cùng góp
mặt, chứ còn ai nữa đâu ở vùng Hàng Bột – Thái Hà này. Họp mặt trận, cũng lại
hai cha con.
Tạ ơn chúa đã gìn giữ hai cha con chúng tôi cho đến ngày hôm nay.
Vũ Sinh Hiên
Nguồn: Gia Đình Anphong