Cái chết của một con trâu

 

Đằng sau cái mác “lễ hội,” được thể hiện bằng những cuộc vui chơi, chiêng trống, múa xoang, hát nhảy, cùng việc “sát hại” những con Trâu làm vật cúng tế, phải chăng là một trò lố bịch mà người Jrai, từ thế hệ này tới thế hệ sau, truyền lại cách mê muội cho con cháu? Hay đàng sau đó là cả một giá trị văn hóa linh thiêng thông qua việc sát tế theo nghi thức trọng thể của một dân tộc có tôn giáo riêng biệt?

“Lễ hội đâm Trâu,” như cái tên người ta thường gọi, mang một ý nghĩa khác hẳn so với giá trị thật sự của một nghi thức tế lễ mà người Jrai cử hành. Nó không dừng lại ở một cuộc vui hay lễ hội, mà ở đó, mọi người chen lấn chứng kiến cảnh “giết trâu.” Ẩn sau nó là thế giới quan của cả một dân tộc, với truyền thống cử hành trang trọng những nghi thức cúng tế mang đầy tính linh thiêng và ý nghĩa. Có lẽ, chỉ những người con Jrai thực thụ mới cảm được hết những giá trị tập tục mà tổ tiên đã truyền lại. Thế nên, người viết sẽ trình bày một vài khía cạnh đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa đằng sau của nghi thức linh thiêng này, chứ không chỉ dừng lại ở cái nhìn thiển cận mà đa số “người ngoài” đã lầm tưởng về việc “Giết Trâu tế Trời.” Bởi lẽ, cái mà người ta trông thấy ở lễ hội sẽ chỉ là: “Cái chết của một con trâu.”

1. Giết trâu tế Thần

Người Jrai cũng như các người sắc tộc khác của vùng Tây Nguyên thường xuyên có những nghi lễ cúng tế và khấn vái. Đây là một trong những nét đặc trưng của người Jrai. Bởi lẽ, cuộc sống của họ gắn liền với các nghi thức truyền thống đậm nét tôn giáo trước những thực thể linh thiêng mà họ gọi là Yang. Việc cúng tế lên Yang đòi hỏi những nghi lễ hết sức trang trọng và thánh thiêng. Nó được thể hiện qua những nghi thức cử hành và từng cử điệu, cách nghiêm túc, của người được chọn; người này phải xứng đáng để nhận trách nhiệm đại diện cho cả làng thực hiện nghi lễ đó. Vật được chọn để tế lễ cũng phải “cân xứng” để có thể “được lòng” của Yang.

Việc dùng trâu tế lễ là một trong những sự kiện lớn của buôn làng, được cử hành nhằm mục đích tế thần linh hoặc những người đã có công thành lập buôn làng; đây cũng là cách ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu hay ăn mừng các sự kiện quan trọng khác của buôn làng… Cách riêng đối với người Jrai, việc Giết Trâu tế Trời (Trum kơbau) luôn luôn liên quan đến chuyện tẩy uế rộng rãi. Có ba trường hợp gần như bắt buộc phải tế Trâu: người mắc tội loạn luân, những chiến binh sau một trận chiến trở về và sau khi dựng xong ngôi nhà chung (sang roong).[1] Như vậy, việc dùng trâu tế Thần là một nghi thức bắt buộc, nó vừa mang tính lễ nghi tôn giáo, vừa mang đậm nét văn hóa bản địa gắn liền với thế giới quan của người Jrai.

2. Cái chết của một con Trâu

Trâu là con vật phù hợp nhất để thực hiện nghi thức hiến sinh. Tại sao phải dùng trâu để tế lễ mà không phải là những con vật khác như gà, vịt, heo…? Đối với người Việt, con trâu rất quan trọng vì “con trâu là đầu cơ nghiệp.” Tuy nhiên, con trâu trong tâm thức của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên lại vượt hẳn về ý nghĩa, vì nó gắn liền với tín ngưỡng đa thần của cư dân bản địa.

Theo thần thoại của một số tộc người có tục cưa răng ở Tây Nguyên, con trâu còn là “vật tổ.” Không những thế, nhiều truyền thuyết xem con trâu như một con người, một người bạn lao động tốt nhất, là đại diện cho gia đình, là nạn nhân trung thành và rất được trọng vọng.[2] Thế nên, việc hiến tế con trâu là một hành vi cúng tế cao nhất. Do đó, người ta nuôi trâu chỉ để làm lễ hiến sinh trong các lễ cúng quan trọng, hoặc để trao đổi những vật dụng quý như chiêng, ché, voi,...

Hơn nữa, việc tế lễ trọng thể ảnh hưởng đến cả làng và cả dòng tộc nên buộc phải cúng trâu. Con vật sau khi được hiến tế sẽ được làm thịt và chia đều cho cả làng. Trong khi gà, vịt hay dê chỉ là đại diện không trực tiếp cho con người trong hành vi hiến tế sự sống. Thế nên, người Jrai chỉ sử dụng các vật tế lễ “cỡ nhỏ” này trong việc cúng vái liên quan đến cầu phúc, chúc lành hay giải hòa, cho một vài cá nhân hay gia đình đang gặp rắc rối.

Lễ hội đâm trâu thực chất là việc tế lễ dâng lên chính Đấng Toàn Năng, nhằm tẩy uế những gì mà dân làng đã phạm phải, ngang qua việc sát tế con trâu để  có thể “đoái thương nhìn đến” mà xóa bỏ tội lỗi và không trừng phạt dân làng nữa. Trong buổi cúng tế, người được chỉ định thường là các già làng (những người được trọng vọng nhất trong làng) và được gọi là pô phai yang. Vị này sẽ tiến ra trước ging ga (cột cúng thần)[3], đã được dân làng dựng lên giữa sân sang roong, sau đó buah bằng ia h’chih (rảy bằng nước thánh). Pô phai yang đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn Yang và mời Yang xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần chung vui với buôn làng. Trong lời cầu khấn, pô phai yang sẽ nói ra hết những ý định cầu xin của dân làng về việc muốn Yang tẩy hết những ô uế, tội lỗi, xui xẻo mà người dân trong làng mắc phải, hoặc tạ ơn Yang về những kết quả tốt đẹp.

Sau khi cúng tế, con trâu bị giết và được mang đi xẻ thịt; đầu, gan và một ít phần thịt hai bên sóng lưng sẽ dùng để cúng thần, phần còn lại được chia đều cho từng người trong làng, từ những đứa nhỏ nhất đến những người già nhất. Trong lúc thịt được phân chia, cả làng bắt đầu mừng hội. Chiêng trống nổi lên. Họ vui mừng vì Yang đã thương nhận của lễ mà họ dâng. Họ hạnh phúc vì mình đã được tẩy uế và được Yang phù hộ cho sống. Họ bắt đầu ăn mừng bằng cách diễn tấu những ca khúc đối đáp truyền thống do tổ tiên truyền lại; họ mời nhau uống rượu, cùng nhau đung đưa múa xoang theo nhịp chiêng.

Như vậy, người Jrai cử hành việc cúng tế hoàn toàn không phải là để cho người ta xem cách họ đâm trâu. Nó càng không phải là một thứ trò tiêu khiển được mệnh danh là văn hóa truyền thống, mà ở đó, có một đám đông vây quanh hành hạ bằng roi vọt, đua nhau la ó, phóng lao vào con vật đáng thương cho đến chết, rồi hả hê reo hò xẻo thịt nó. Nếu chỉ nhìn vào cách thức người ta “hành xử” với con trâu mà không để ý đến một chuỗi nghi thức được cử hành trong buổi cúng tế, thì thật là một sự nhầm lẫn tai hại. Ngược lại, nó mang một ý nghĩa đặc biệt, vì ẩn sau những nghi thức là những giá trị văn hóa tinh thần rất thiêng liêng của người Jrai. Bởi lẽ, việc Giết Trâu Tế Trời không phải là một lễ hội vui mà là một lễ nghi thuần túy tôn giáo; còn việc đâm trâu chỉ là một trong những nghi thức nằm trong nghi lễ, chứ không tồn tại một lễ hội đâm trâu riêng như có người vẫn nhầm gọi. Thậm chí, nhiều người nhân danh tính nhân văn mà cho rằng việc giết trâu tế Thần của người Jrai là một lễ nghi hết sức man rợ và dã man cần phải loại bỏ.

3. Cái chết của một dân tộc

Những mùa lễ hội của người Jrai diễn ra trong năm qui tụ rất nhiều những người đến tham dự từ các làng khác, có khi từ những dân tộc khác. Đâm Trâu là “lễ hội” có sức hút mà nhiều người mong được chứng kiến nhất. Họ mong đợi và háo hức để được tham dự buổi cúng tế linh thiêng này.

Thế nhưng, việc tổ chức một lễ hội mang tầm cỡ văn hóa truyền thống dân tộc bản địa được nhà nước đứng ra “bảo lãnh,” tuyên truyền, đã biến việc giết trâu tế Trời trở thành lễ hội đâm trâu theo đúng nghĩa đen. Nó hoàn toàn mất đi tính linh thiêng trong nghi thức cử hành, thay vào đó, nó chỉ còn là một cuộc vui chơi, ăn mừng, reo hò, múa xoang, đợi chờ cuộc hẹn hò, gặp gỡ.

Nhiều người sống ngoài cộng đồng Jrai tuyên truyền:“Đâm trâu là lễ hội lớn của người Jrai, là cuộc vui, mời gọi tất cả mọi người cùng nhau tham gia ăn mừng, múa xoang, uống rượu cần....” Sẽ thế nào nếu nghi lễ này được những người bản địa chấp nhận như cách mà nhà nước tuyên truyền? Người Jrai có đánh mất đi giá trị thiêng liêng trong tập tục cử hành nghi lễ cúng tế nơi dân tộc mình? Họ thật sự sung sướng và hân hoan vì được đảng và nhà nước bỏ tiền tỉ ra tổ chức cho họ cuộc vui lớn này, để khắp đất nước biết đến văn hóa của họ? Chỉ người Jrai mới hiểu rõ được giá trị thật sự của văn hóa họ. Vì lẽ trong tâm thức người Jrai, truyền thống dù có bị “pha loãng” đi chăng nữa thì một sự khát khao ẩn sâu trong con tim vẫn luôn hướng về giá trị thiêng liêng, điều ấy đã có trong máu người Jrai.

Tuy nhiên, người ta không tránh khỏi những hiểu sai về tập tục truyền thống mà tổ tiên đã truyền lại. Bởi lẽ, những tập tục chỉ được “nghe” bằng lỗ tai của những người kế nhiệm mà không thông qua giấy bút hay sổ sách nào, nên cách thức cử hành những nghi tế có thể bị thiếu, thêm bớt, có khi bị lệch hướng. Thế nên, nhiều tập tục đáng lẽ mang nhiều ý nghĩa lại trở nên mê tín, lạc hậu và không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại.

Những nghi thức truyền thống của người Jrai mà ngày nay nhiều làng “họa lại” qua các lễ hội nhiều khi thiếu cái “hồn,” thiếu “sức sống” của một lễ nghi mang tính chất thiêng liêng tôn giáo như xưa. Người Jrai biết rõ điều đó, họ cảm nhận được truyền thống của dân tộc mình đã bị pha tạp. Họ hiểu nhưng không thể làm gì khác ngoài việc thực hiện và làm theo những điều mà người ta “cần thấy” và “muốn” ở một lễ hội. Họ cảm thấy đau lòng và bị tổn thương trước một tập tục vô cùng ý nghĩa và linh thiêng của dân tộc mình giờ đây bị hiểu sai và bác bỏ. Họ như bị bỏ rơi trước một xã hội văn minh đang đè bẹp cái tập tục truyền thống cũ rích của văn hóa dân tộc mình. Dường như nguồn gốc Jrai hay gốc gác là một “dân tộc” nào đó đã gắn chặt họ với cái mác mọi rợ, xấu xí, lạc hậu, nghèo khổ... ít nhiều vẫn còn bị “người văn minh” miệt thị, khinh chê và nhiều khi “thấy lạ lẫm” vì sự tồn tại của họ ở bất cứ nơi đâu trong xã hội này.

Thế nên, nhiều người Jrai đã học cách chấp nhận và đồng hóa mình với xã hội “miền xuôi,” hoặc có khi chính họ cũng muốn quên đi mình là người Jrai để có thể trở nên “bình thường.” Họ rơi vào khoảng không của sự lạc lõng và bơ vơ giữa cuộc sống hiện đại. Họ không biết bám víu vào đâu ngoài việc cầu khẩn Khua Adai – Đấng mà dân tộc họ đã đánh đổi và chấp nhận từ bỏ các yang để đi theo và quay trở về nguồn là Pô Khua.

4. Hãy làm sống lại các giá trị văn hóa truyền thống!

Sẽ thật tuyệt vời nếu lời mời gọi này được các nhà thừa sai đặc biệt quan tâm khi họ đến với các vùng truyền giáo với những tộc người có nền văn hóa bản địa riêng như người Jrai. Một điều rất quan trọng trong thế giới quan của của người Jrai là vạn vật hữu linh – mọi sự đều có yang: thần linh hiện diện trong tất cả môi trường, cuộc sống và vũ trụ này. Thế nên, họ rất tôn trọng tính thánh thiêng của vạn vật.[4] Bởi vậy, ngay cả những nghi thức tế lễ nhỏ nhất đến việc cử hành cúng tế trọng đại như việc giết trâu tế Trời cũng được làm trong sự thánh thiêng, giống như cách mà Kitô giáo cử hành một thánh lễ vậy. Nếu thấu hiểu điều này, các nhà thừa sai sẽ là những người tiên phong trong việc bảo vệ và duy trì nghi lễ truyền thống mang nhiều ý nghĩa này của người Jrai.

Tạm kết

Đúng là nếu ở ngoài nhìn vào, sẽ thấy những hình ảnh chém lợn, đâm trâu thật đáng sợ, nhưng những người dân bản địa, những chủ thể văn hóa của các tập tục truyền thống lại không thấy như thế. Không phải năm nào cũng diễn ra buổi cúng tế này, nhưng chỉ những dịp trọng đại, hệ trọng họ mới tụ tập buôn làng và cử hành tế lễ. Vì đó là văn hóa làm nên dân tộc họ, đó là truyền thống tạo nên con người họ. Đức thánh cha Phanxicô đã nói trong tông huấn Amazon Yêu Quý rằng: Mỗi nhóm người, sống hài hoà với môi trường xung quanh, phát triển sự khôn ngoan cách riêng biệt. Chúng ta là những người quan sát từ bên ngoài, nên tránh những nhận định khái quát bất công, theo kiểu “vơ đũa cả nắm,” những lập luận quá ngây ngô và những kết luận dựa trên não trạng và kinh nghiệm chủ quan của mình.”[5] Thế nên, chính người Jrai mới là người quyết định có nên bỏ hay không tập tục đó, và không một ai có quyền phán xét việc tổ chức nghi thức tế trâu cúng Thần của họ là đúng hay sai.

Dăm Jrai



[1] x. An Thanh, C.Ss.R., Tách bạch thẩm sâu (TP.HCM: NXB. Đồng Nai, 2020), 129.

[2] x. Jacques Dournes, Miền đất huyền ảo (TP.HCM: NXB. Thông tin và Truyền thông, 2018), 295.

[3] Đây là một cây cột gỗ hoặc tre đặc biệt được trang trí bằng các líp lát tre nứa có hoa văn, họa tiết màu sắc sặc sỡ.

[4] x. Trần Sĩ Tín, Hạt giống Kitô trong đất Jrai (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2009),334.

[5] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Querida Amazonia (Amazon yêu quý), # 32.

“Cái Chết Của Một Con Trâu”

Labels:
Học viện Thánh Anphongsô