Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
WGPMT
(03.07.2023) – Ngày 28 tháng 05 năm nay 2023, lễ Chúa Thánh
Thần hiện xuống, Bộ Truyền Thông của Tòa thánh Vatican chính thức công bố tài
liệu có tựa đề Hướng tới sự hiện diện tròn đầy – Suy tư mục vụ về việc tham
gia mạng xã hội. Đây là một tài liệu khá dài, gồm 82 số,
chia thành 4 phần chính: (1) Cảnh giác với những cạm bẫy trên các xa lộ kỹ thuật
số; (2) Từ nhận thức tới gặp gỡ thực; (3) Từ sự gặp gỡ tới cộng đồng; (4) Một
phong cách đặc sắc.
Tài liệu
không phải là một nghiên cứu và hướng dẫn về kỹ thuật nhưng là một suy tư mục vụ
về việc nên tham gia mạng xã hội như thế nào, “một suy tư chung về các kinh
nghiệm kỹ thuật số, khuyến khích các cá nhân lẫn các cộng đoàn có một cách tiếp
cận đầy tính sáng tạo và xây dựng, củng cố một nền văn hóa tương thân tương ái”
(số 5).
Để được như
thế, Tài liệu chọn dụ ngôn Người Samari nhân hậu trong Tin Mừng
Luca làm ánh sáng soi đường dẫn lối những suy tư. Về mặt kỹ thuật, nếu so sánh
thời Chúa Giêsu sống và thời đại ngày nay, dĩ nhiên có sự cách biệt rất lớn.
Ngày xưa, Chúa Giêsu rao giảng trực tiếp, giữa thiên nhiên, không thính phòng,
không hệ thống âm thanh; ngày nay hoàn toàn khác với những phương tiện truyền
thông ngày càng hiện đại. Thế nhưng Lời Chúa là Lời vĩnh cửu cho con người ở mọi
nơi mọi thời, vì thế dụ ngôn Chúa kể xưa kia vẫn là nguồn sáng soi dẫn các môn
đệ Chúa ngày nay trên xa lộ kỹ thuật số, để sự hiện diện và tham gia của chúng
ta góp phần làm cho thế giới kỹ thuật số “nhân bản” hơn.
Thật vậy, một
đàng mạng xã hội ngày nay mở ra cho con người những tương tác mới nhưng đàng
khác lại có nguy cơ đẩy chúng ta vào một thế giới phân cực và phân mảnh: “Sự
phân hóa trên mạng xã hội đang trở nên gay gắt hơn bao giờ. Các nền tảng vốn hứa
hẹn xây dựng cộng đồng và mang thế giới lại gần nhau hơn hóa ra lại đào sâu
thêm các hình thức chia rẽ khác nhau” (số 12). Một đàng mạng xã hội tràn ngập
các thông tin và hình ảnh luôn mới mẻ, đàng khác lại có nguy cơ đẩy chúng ta đến
tình trạng quá tải thông tin, làm chúng ta dễ mất tập trung và mất dần khả năng
suy tư sâu sắc: “Nền văn hóa kỹ thuật số có một thách thức đáng kể về nhận thức,
đó là chúng ta mất khả năng suy nghĩ sâu sắc và có hướng đích. Chúng ta lướt
qua bề mặt và vẫn ở trên cạn, thay vì suy ngẫm sâu xa các thực tại” (số 33).
Để vượt lên
trên nghịch lý này, cần có thái độ lắng nghe trong tĩnh lặng: “Trong các môi
trường giáo dục hoặc công việc cũng như trong các gia đình và cộng đồng, ngày
càng có nhu cầu tách mình ra khỏi các thiết bị kỹ thuật số. “Sự thinh lặng”
trong trường hợp này có thể được so sánh với một “sự giải độc kỹ thuật số”,
không chỉ đơn giản là một sự rút lui mà là một cách để gắn kết sâu xa hơn với
Thiên Chúa và với người khác” (số 34). Nhờ sự lắng nghe ấy, chúng ta có thể đi
vào cuộc gặp gỡ chân thực với người khác và xây dựng tình liên đới: “Việc sử dụng
mạng xã hội bổ sung cho một cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt, cuộc gặp gỡ ấy trở
nên sống động qua thân thể, trái tim, đôi mắt, ánh nhìn và hơi thở của người
kia. Nếu mạng được dùng như một sự mở rộng hay một sự kỳ vọng một cuộc gặp gỡ
như vậy, thì khái niệm mạng không bị phản bội và vẫn là một nguồn lực cho sự hiệp
thông” (số 47).
Với tình hiệp
thông và liên đới, chúng ta tham gia mạng xã hội để chữa lành và hòa giải thay
vì kích động hận thù và hủy diệt lẫn nhau: “Tất cả chúng ta có thể là kẻ bỏ đi
qua trên xa lộ kỹ thuật số - chỉ đơn giản là “được kết nối” - hoặc chúng ta có
thể làm điều gì đó giống như người Samari kia, cho phép các kết nối phát triển
thành những cuộc gặp gỡ thực sự” (số 47). Trong thực tế, “đã có những diễn tả mạnh
mẽ về cộng đồng chăm sóc trong bối cảnh kỹ thuật số. Ví dụ, có những nhóm được
quy tụ để hỗ trợ những người khác trong hoàn cảnh ốm đau, mất mát, đau buồn,
cũng như những nhóm huy động sự đóng góp từ cộng đồng cho người gặp khó khăn,
và những nhóm cung cấp sự hỗ trợ tâm lý và xã hội giữa các thành viên. Tất cả
những nỗ lực này có thể được coi là ví dụ về “sự thân cận trong thế giới kỹ thuật
số” (số 57).
Tài liệu
còn mời gọi chúng ta nghĩ xa hơn nữa: “Mạng xã hội không phải là cứng ngắc.
Chúng ta có thể thay đổi nó… Cùng nhau, chúng ta có thể thúc bách các công ty
truyền thông xem xét lại vai trò của họ và cho phép internet trở thành một
không gian công cộng thực sự. Những không gian công cộng được cấu trúc tốt sẽ
có thể thúc đẩy hành vi xã hội tốt hơn. Do đó, chúng ta cần xây dựng lại các
không gian kỹ thuật số để chúng trở thành những môi trường lành mạnh và nhân
văn hơn” (số 58).
Theo Đức
Thánh Cha Phanxicô, nét đặc trưng trong phong cách của Thiên Chúa là “gần gũi,
đồng cảm, dịu dàng”. Đây cũng là những thái độ căn bản mà người môn đệ Chúa
Giêsu cần có khi bước vào mạng xã hội, nhờ đó việc tham gia mạng xã hội của
chúng ta trở thành “một cuộc gặp gỡ cá vị, từ trái tim đến trái tim, vết thương
của người khác và của chúng ta có thể được chữa lành, và “niềm vui của chúng ta
được nên trọn vẹn” (2Ga 12).
Tài liệu Hướng
tới sự hiện diện tròn đầy đã được chuẩn bị công phu, mất nhiều thời
gian, là “kết quả suy tư của các chuyên gia, giáo viên, các nhà lãnh đạo và
chuyên viên trẻ, các giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ” (số 5). Vì thế Tài liệu này là
tài liệu đáng cho mọi tín hữu đọc và học hỏi, cách riêng các mục tử cần biết đến
để đồng hành với anh chị em giáo dân, nhất là giới trẻ, trong thời đại ngày
nay.
Nguồn: giaophanmytho.net