Những cuộc vượt qua để nên hoàn thiện

 

(Trích từ Gặp gỡ chính Chúa 

của Cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.)

Người thanh niên nhiệt thành

Người thanh niên nhiệt thành và đầy thiện chí tha thiết đi tìm con đường để  nên trọn lành (x. Mt 19,16-22). Anh ta đã thực hành hết mọi chỉ dẫn của Lề luật, nhưng vẫn chưa thỏa mãn. Nghe biết Đức Giêsu là một vị Thầy có những lời lẽ và phong cách của một ngôn sứ, anh ta tìm đến bàn hỏi để biết cách đi xa hơn nữa trên con đường hoàn thiện.

Là môt người trẻ đầy nhiệt huyết, hơn nữa, lại là người giàu có, nhưng người thanh niên ấy không tìm hưởng thụ cuộc sống và chạy đua theo nẻo đường thăng tiến xã hội. Nỗi khao khát của anh chính là tìm sự sống chân thật, sự sống đời đời: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời” (Mt 19,16).

Trong cuộc sống xã hội hôm nay, một xã hội mà người người, nhà nhà, nước nước đều lao vào cuộc kiếm tiền, vào chương trình phát triển kinh tế, hình ảnh người thanh niên nhiệt thành không thỏa mãn với của cải phong phú của mình, hình ảnh đó vừa là một lời chứng vừa là một mẫu gương đẹp cho con người, nhất là cho những người trẻ.

Hình ảnh người thanh niên nhiệt thành ấy làm chúng ta liên tưởng đến nhiều người tín hữu đạo đức và nhiệt thành mà chúng ta vẫn gặp thấy trong trong đời sống Giáo Hội. Hình ảnh ấy cũng làm chúng ta liên tưởng tới những người dấn thân vào nẻo đường tu trì, các chủng sinh, tu sĩ và linh mục. Đó là những hình ảnh đẹp và đáng trân trọng. Thánh Marcô diễn tả thái độ của Chúa Giêsu đối với người thanh niên nhiệt thành: “Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10,27). Có lẽ chúng ta cũng có thể nghĩ về lòng yêu mến của Chúa Giêsu đối với những người nhiệt thành ngày hôm nay, những người tín hữu nhiệt thành sống giữa đời và những người đi vào nẻo đường dâng hiến nói chung.

Một chút trệch hướng

Thế nhưng, kết cục của câu chuyện làm chúng ta ngạc nhiên. Đó là một sự “thất bại,” không phải của những người biệt phái giả hình, không phải của những người có chức quyền kiêu hãnh, cũng không phải của những người hời hợt bốc đồng, mà là sự thất bại của một con người thiện chí, đạo đức, và khá sâu sắc. Trình thuật này, lại một lần nữa, cho thấy nẻo đường “khác người” của Chúa Giêsu và cho thấy rõ hơn tính cách độc đáo của ơn cứu độ trong Đức Giêsu.

Người thanh niên thiện chí ấy đã thực hiện trọn vẹn những điều trong luật, nhưng anh ta vẫn chưa thành đạt. Anh đã tưởng rằng cần phải làm thêm nhiều điều nữa, cần phải gia tăng hơn nữa những nỗ lực sống ngay lành. Vì thế, khi đến với Chúa Giêsu, anh chỉ nghĩ tới việc hỏi về điều lành. Anh ngỡ rằng vị Thầy Ráp-bi có thể giúp anh như một người chỉ đường, để tìm học một bài học khôn ngoan. Thế nhưng, Chúa Giêsu nhắc khéo anh về sự trệch hướng ấy: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một đấng tốt lành mà thôi” (Mt 19,17).

Con đường tuân giữ các điều răn, con đường của Cựu Ước, có thể đưa đến “cõi sống,” nhưng để nên hoàn thiện, anh ta cần làm một cuộc đổi hướng căn bản, một cuộc đổi đời làm đảo lộn toàn bộ dự tính của anh: “Đức Giêsu đáp: Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21)

Vấn đề không phải là “làm điều lành,” nhưng là “theo Chúa Giêsu.” Hai nẻo đường ấy hoàn toàn khác nhau. Một đàng là thái độ tự bảo vệ và tìm vun đắp cho bản thân mình, dù là vun đắp bằng những điều lành, bằng việc tuân giữ những giới răn của Cựu Ước. Nẻo đường thứ hai bao gồm một sự buông bỏ chứ không phải vun đắp; đây lại là một cuộc phiêu lưu theo một Con Người, một “Đấng Tốt Lành.”

Quả thật, vận mạng con người không thể được giải quyết bằng cách tự vun đắp cho mình; cuộc sống không phải là một “khu mỏ” để con người khai thác những công đức cho bản thân. Ngược lại, vận mạng con người chỉ có thể giải quyết cùng với tha nhân, nghĩa là trong sự gặp gỡ thực sự với một ngôi vị khác. Khi ấy, cuộc sống trở thành môi trường để gặp gỡ, những lo toan trong cuộc sống hằng ngày là hành trình kết dệt nên tình tự yêu thương của đời người. Từ chối hoặc “lợi dụng” tình tự yêu thương ấy, dù là với lý tưởng cao đẹp nào, đó cũng là một trệch hướng đưa vận mạng con nngười đến ngõ cụt.

Hai cuộc vượt qua cần thiết

Sách Sáng thế cho chúng ta thấy một cuộc vượt qua căn bản của tiến trình làm người: Adong sau khi đã khẳng định quyền làm chủ của mình đối với mọi sinh vật, ông không tìm thấy người trợ tá tương xứng. Chỉ khi gặp được Evà, Adong mới reo lên, được reo lên niềm vui của phận người, và tìm thấy một bình diện mới cho cuộc sống của mình (x. St 2, 18-25).

Vượt qua từ cuộc thống trị thế giới để đạt đến sự gặp gỡ người với người, đó là bước đầu tiên của hành trình làm người. Tự bản chất, con người được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa, luôn mang trong mình khát vọng hiệp nhất và yêu thương. Khát vọng ấy không được thỏa mãn trong tài năng, trong tri thức và cả trong đức độ. Tất cả những điều ấy đều rất cần thiết, nhưng chưa ngang tầm với vận mạng cao quí của con người. Trên bình diện phận người, chúng chỉ là phương tiện, là chặng đường phải vượt qua; hoặc chúng trở nên một thứ “tra ngụy” khi muốn chiếm vai trò tác nhân chính yếu trong đời người.

Vận mạng con người chỉ được giải quyết trong mối tương quan giữa các ngôi vị, nghĩa là trong sự gắn bó yêu thương giữa người với người, và nhất là giữa con người với một Thiên Chúa ngôi vị.

Mặt khác, chúng ta biết rằng Cựu Ước không phải là một bộ luật vô hồn, nhưng chính là mhững điều khoản nằm trong giao ước của Dân với Thiên Chúa. Người Dân không giữ luật, không chỉ vì sự hợp lý của luật, nhưng vì trung tín với Giavê Thiên Chúa. Người Ít-ra-en chân chính chỉ tuân giữ luật Môi-Sê, nghĩa là luật của Giao ước với Thiên Chúa; và chỉ lắng nghe tiếng nói của ngôn sứ chân thật, nghĩa là tiếng nói của chính Chúa.

Thế nhưng, mối tương quan ngôi vị giữa Thiên Chúa và Dân trong qui chế giao ước cũ vẫn chưa trọn vẹn. Mối tương quan ấy được gồm gói trong một giao ước của luật pháp, trong những qui định đã xong của các điều khoản, và thể hiện theo kiểu “thử thách” lòng trung tín của nhau. Trong Tân Ước, luật pháp không còn là những điều khoản cứng nhắc và đã được xác định xong, lòng trung tín cũng không còn được thể hiện theo kiểu vượt qua một cuộc thử thách để kiểm tra. Nhiệm cục Tân Ước là chính sự hiện diện của Thiên Chúa như một Đấng yêu thương, hy sinh mạng sống cho bạn hữu. Ở đây, chủ tâm của người Kitô không còn là bám vào luật lệ, nhưng là đi vào cuộc phiêu lưu theo chính Chúa, thể hiện bằng sự nhạy bén lắng nghe và thực hành Thánh Ý Chúa. Nẻo đường phiêu lưu này vượt qua những qui định có sẵn, để chiều ý nhau trong sự tự do của tình yêu và dám hy sinh cho nhau trong  “kế hoặch chung.”

Thiên Chúa đã trở nên Đấng Emmanuel. Dân Chúa được mời gọi để vượt qua từ thái độ “tạm” giữ Luật để diễn tả lòng trung tín với Chúa, đến mức độ thực sự cùng chia sẽ vui buồn với Chúa trong tất cả mọi chi tiết của cá nhân mình, cũng như chấp nhận bị đảo lộn chương trình vì sẵn sàng đón nhận chương trình kỳ diệu của Chúa. Đây là cuộc vượt qua thứ hai.

Chúa Giêsu mời gọi người thanh niên tiến từ chỗ làm những điều lành theo đúng luật Cựu Ước đến chỗ bán hết tài sản mà đến theo Người. Điều đó cũng giống như đòi hỏi trong cuộc tình của những người yêu nhau, đòi hỏi một sự dâng hiến mọi sự cho nhau, chấp nhận mọi sự của nhau.

Tuy nhiên, bước nhảy ấy không phải ai cũng vượt qua được. Anh thanh niên nhiệt thành đã từ chối lời kêu mời của Chúa Giêsu, anh ta không muốn làm lại hành trình mà mình đã đi. Quả thật, tất cả những thứ “của cải” của con người, từ tiền bạc, cho đến kiến thức, tài năng, danh tiếng và cả đức độ đều có thể trở thành những hành trang lỉnh kỉnh, nặng nề, cản trở trên con đường phiêu lưu “sống với”: “Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,22).

Triết gia G. Marcel thật có lý khi nhận định rằng người nào chỉ sống với phạm trù “chiếm hữu” sẽ không thể vươn lên tới phạm trù “hiện hữu”; ngược lại còn dễ biến những “huyền nhiệm của hiện hữu” trở thành vấn đề “chiếm hữu.”

Những cuộc vượt qua để nên hoàn thiện

Học viện Thánh Anphongsô