Trị liệu của đời sống chung

 

Ronald Rolheiser, 2023-06-26

Hơn 50 năm trước, Philip Rieff đã viết quyển sách với tựa đề Chiến thắng của Phép chữa bệnh (The Triumph of the Therapeutic). Trong quyển sách này, ông tranh luận rằng sự tín nhiệm vào trị liệu riêng đang ngày càng phổ biến trong thế giới thế tục phần lớn là vì cộng đồng đã sụp đổ.

Ông lập luận, trong những xã hội có các gia đình và cộng đồng mạnh mẽ thì ít cần sự trị liệu riêng. Qua và trong cộng đồng, người ta dễ dàng xử lý các vấn đề của mình hơn.

Nếu Rieff nói đúng, và tôi cho là đúng, vậy thì giải pháp cho nhiều điều đang đưa chúng ta đến phòng trị liệu tâm lý ngày nay phần lớn ở việc tham gia trọn vẹn và lành mạnh hơn vào đời sống chung, kể cả đời sống Giáo Hội, hơn là ở việc trị liệu riêng. Như Parker Palmer nêu lên, chúng ta cần sự trị liệu của đời sống chung.

Điều này có nghĩa là gì? Đời sống chung có thể giúp được gì cho chúng ta?

Đời sống chung (là đời sống trong cộng đồng, vượt ra ngoài những quan hệ thân thiết của chúng ta) trở nên phép chữa bệnh bằng cách đưa sự mong manh của chúng ta vào mạng lưới xã hội để giúp chúng ta tỉnh trí, đem lại một nhịp điệu nào đó cho cuộc đời chúng ta, nối kết chúng ta với những nguồn vượt ra khỏi sự nghèo nàn vô lực của cá nhân.

Tham gia một cách lành mạnh vào đời sống cộng đồng nối kết cuộc sống chúng ta với một cái gì lớn hơn bản thân mình, tự nó đã là một phép trị liệu vì hầu hết đời sống chung có một nhịp độ và sự đều đặn giúp xoa dịu cơn lốc quay cuồng của đời sống riêng vẫn luôn có những lạc hướng, trầm cảm, mong manh về tâm thần, hoang tưởng và nhiều loại ám ảnh.

Tham gia vào đời sống chung mang đến cho chúng ta những chuyện cụ thể để làm: những điểm dừng đều đặn, những sự kiện mang tính cấu trúc đều đặn, sự ổn định, nhịp độ. Đây là những lợi ích mà bác sĩ tâm lý không thể đem lại được. Đời sống chung kết nối chúng ta với những nguồn lực có thể tăng sức cho chúng ta, vượt ra khỏi sự bất lực của mình. Điều chúng ta mơ một mình vẫn chỉ là giấc mơ. Nhưng điều chúng ta cùng mơ với người khác thì có thể trở thành hiện thực.

Nhưng tất cả vẫn khá mơ hồ. Tôi xin phép minh họa thêm bằng một ví dụ. Khi nghiên cứu ở Bỉ, tôi may mắn được tham dự các bài diễn thuyết của cha Antoine Vergote, một bác sĩ lừng danh về tâm lý và thiêng liêng. Một ngày nọ, tôi hỏi cha về cách xử lý những ám ảnh của cảm xúc làm tê liệt, cả với bản thân và khi muốn giúp người khác. Câu trả lời của cha làm tôi kinh ngạc. Cha nói đại thể như sau:

“Khi là linh mục, bạn thường bị thôi thúc đưa ra lời khuyên như thế này: “Hãy đưa các rắc rối của con đến nhà nguyện! Hãy cầu nguyện để vượt qua. Chúa sẽ giúp con”. Cách đó không phải là sai. Chúa và cầu nguyện có thể thực sự hữu ích. Nhưng hầu hết những vấn đề tạo ám ảnh tê liệt, xét tận cùng là những vấn đề của sự tập trung thái quá… và để phá vỡ sự tập trung thái quá, chủ yếu phải đi ra khỏi bản thân mình, ra khỏi tâm trí và tâm hồn, cuộc sống và căn phòng của mình. Hãy để người bị tê liệt về cảm xúc nối kết với những chuyện chung, những buổi họp giao tiếp, các hoạt động giải trí, chính trị, công việc, Giáo Hội. Hãy để người này ra khỏi thế giới khép kín của họ và đi vào đời sống chung!”

Cha nói tiếp, dĩ nhiên việc này không giống với thôi thúc đơn giản là vùi mình vào những thú vui cho quên đời hay cắm đầu làm việc để quên. Lời khuyên của cha không phải là chạy trốn khỏi việc xử lý nội tâm vất vả, nhưng là xử lý nội tâm đôi khi phụ thuộc vào các mối quan hệ bên ngoài. Đôi khi chỉ có một cộng đồng mới có thể giữ vững, làm cho chúng ta tỉnh táo.

Tôi xin đưa thêm một ví dụ làm hệ luận: Tôi đã dạy thần học ở các trường trong hơn 40 năm. Nhiều sinh viên của tôi không ổn định về cảm xúc, họ bị dày vò vì đủ loại đau đớn, bất ổn nội tâm, họ đến trường, ngồi trong lớp, đến căn-tin, vào nhà nguyện, và các nơi sinh hoạt chung, dần dần họ ổn định và mạnh mẽ hơn về cảm xúc. Sức mạnh và sự ổn định đó không phải chủ yếu đến từ các khóa thần học, mà là từ nhịp độ và sự lành mạnh trong đời sống cộng đồng. Các sinh viên này khỏe lại không phải nhờ những gì họ học trong lớp học, nhưng nhờ những gì họ tham gia bên ngoài đời sống riêng của họ. Sự trị liệu của đời sống chung đã giúp chữa lành cho họ.

Hơn nữa, với Kitô hữu chúng ta, trị liệu của đời sống chung cũng có nghĩa là trị liệu của đời sống Giáo Hội. Bằng cách lành mạnh tham gia vào đời sống chung của Giáo Hội, chúng ta trở nên lành mạnh hơn, vững vàng hơn về cảm xúc, bớt ám ảnh, bớt nô lệ cho sự thao thức bồn chồn của mình, dễ trở nên con người mà chúng ta muốn trở thành.

Các tu sĩ trong đời sống tu viện đã hiểu ra điều này và họ có những bí quyết đáng để chúng ta lãnh nhận. Các chương trình, nhịp độ, các hoạt động chung, yêu cầu phải có mặt, và kỷ luật của tiếng chuông tu viện đã giữ cho nhiều người tỉnh trí, và tương đối hạnh phúc hơn.

Đi lễ đều đặn, cầu nguyện đều đặn với người khác, gặp gỡ đều đặn với ai đó, những bổn phận đều đặn và trách nhiệm đều đặn trong cộng đồng Giáo Hội không chỉ giúp chúng ta nuôi dưỡng về mặt tâm lý mà còn giúp chúng ta tỉnh táo và ổn định.

Robert Lax, người nhận ảnh hưởng nhiều của Thomas Merton, cho rằng nhiệm vụ của chúng ta trong đời không hẳn là tìm ra con đường để băng rừng, cho bằng tìm ra một nhịp điệu để đi. Và đời sống chung có thể giúp chúng ta tìm ra nhịp điệu này.

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: https://phanxico.vn

Trị Liệu Của Đời Sống Chung

Labels:
Học viện Thánh Anphongsô