Cảm nhận kỳ mục vụ hè: Vác ba lô lên và đi...

Cảm nhận kỳ mục vụ hè: Vác ba lô lên và đi...

Trong chương trình đào tạo của Học viện Dòng Chúa Cứu Thế, mỗi năm chúng tôi có một tháng mục vụ hè tại những cộng đoàn hay địa điểm truyền giáo của nhà Dòng. Mỗi nơi đều mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm mới, những kinh nghiệm và những bài học hữu ích cho đời sống sứ vụ sau này. Một tháng mục vụ tuy không nhiều nhưng đọng lại trong chúng tôi nhiều kỉ niệm khó quên.

Năm nay tôi và ba anh em học viện khác được sai đến địa điểm truyền giáo tại tỉnh Bình Dương, giáp ranh với Tây Ninh, thuộc Giáo phận Phú Cường. Được sự cho phép của cha quản xứ tại đó, chúng tôi, khi thì đi thăm những giáo dân bỏ đạo lâu năm trong những miệt rừng cao su hẻo lánh, động viên họ đi lễ và xưng tội trở lại; có khi thì đi thăm hỏi và an ủi những gia đình nghèo có người nhà bị khuyết tật; thêm vào đó là việc đi dạy giáo lý dự tòng cho những người muốn gia nhập đạo. Đó là công việc vào buổi sáng. Còn buổi chiều, chúng tôi dạy đàn cho những em nhỏ sống lân cận. Những ngày cuối tuần, chúng tôi đi thăm giáo dân trong vùng. Công việc mục vụ không cố định nên chúng tôi linh hoạt theo từng ngày. Có những đêm trời mưa tầm tã, chúng tôi chạy gần 20 cây số để dạy giáo lý dự tòng tại gia vì họ là công nhân nên chỉ rảnh buổi tối. Có những ngày len lỏi vào những cánh rừng cao su heo hút trên những con đường trơn trượt để đi thăm những giáo dân xa Nhà thờ. Đầu tuần, chúng tôi chạy xe về cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế cách đó 63 cây số để tham dự những giờ kinh phụng vụ, tham dự Thánh lễ và sinh hoạt với các cha trong cộng đoàn.

Kinh nghiệm đầu tiên mà tôi thấy rõ, đó là việc Chúa Thánh Thần đã đi trước và đang hoạt tại những nơi chúng tôi đến. Về phần chúng tôi, quan trọng là chúng tôi có dám phó thác vào sự quan phòng của Chúa và can đảm ra đi loan báo Tin Mừng hay không. Tại những nơi chúng tôi có dịp tiếp xúc và gặp gỡ, Chúa Thánh Thần hoạt động một cách âm thầm và nhẹ nhàng trong cuộc đời của mỗi người. Từ việc Ngài đặt để trong họ niềm tin vào Trời, tôn thờ một Đấng Tối Cao tạo dựng đất trời mà họ chưa biết; đến việc Ngài khơi lên trong lòng họ khao khát nương tựa vào thần thánh, chất vấn về cuộc sống mai sau; hay như việc Ngài cho họ tiếp xúc những người Công Giáo tốt lành, cho họ thấy sự nhiệt tình của những con người tu trì, điều đó làm cho họ thắc mắc về cuộc sống của những người Kitô hữu. Những hoạt động thầm kín ấy của Chúa Thánh Thần tựa như mạch nước ngầm chảy trong cuộc đời của họ, mạnh mẽ và âm thầm, trong suốt và liên tục. Và khi chúng tôi đến với họ, chúng tôi chỉ khơi gợi lên đôi chút là mạch nước ấy bỗng tuôn trào. Thế nhưng, không phải tất cả mạch nước đều chảy khi chúng tôi đến, cũng có những lúc chúng tôi chỉ hiện diện và gây nên nơi họ một thắc mắc nhỏ, cũng có những lúc chúng tôi đến với họ và họ nhận ra chúng tôi là người Công Giáo, thế là đủ. Dù cho những chuyến đi thăm của chúng tôi có kết quả hay chưa, chúng tôi vẫn được Lời Chúa an ủi rất nhiều, như tâm tình của thánh Phaolô tông đồ: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể” (1Cr 3, 6 - 7). 

Có một kỷ niệm đáng nhớ, khi chúng tôi - bốn anh em Dòng Chúa Cứu Thế và 2 soeur Dòng Phaolô - đi thăm và đọc kinh cho những gia đình anh em của nhà ông bà Hai. Hôm đó, khi đi, trời bắt đầu nổi gió và mưa nhỏ, nhưng khi chạy xe giữa rừng cao su thì trời mưa tầm tã kèm theo gió lớn, chúng tôi chỉ biết nhìn về phía trước và phó thác vào tay Thiên Chúa. Thường thì mưa lớn không nên chạy xe trong rừng cao su vì cây dễ gãy, gây nguy hiểm. Thế nhưng vì đã hứa với họ, nên chúng tôi quyết định đi; vả lại, anh em trong gia đình ông Hai đã tụ họp đông đủ nên việc chúng tôi hiện diện lúc đó là cách tốt nhất để nói về Chúa cho họ. Khi đến nơi, ai nấy trong các gia đình đều ngạc nhiên và bất ngờ. Họ rất cảm động khi lời hứa của chúng tôi với họ được thực hiện, họ còn cảm động hơn khi những tiếng kinh, lời hát ấm cúng vang lên trong gia đình họ giữa tiết trời giông bão. Nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi chỉ hiện diện với họ một vài giây phút ngắn ngủi mà khiến họ xúc động, huống hồ Con Thiên Chúa từ trời cao xuống thế, đồng thân đồng phận với những buồn vui của con người thì quả thật sung sướng biết chừng nào. Mường tượng thôi tôi đã thấy mình thật hạnh phúc khi được biết Chúa, làm con cái Chúa và sống trong vòng tay yêu thương của Ngài.

Điều thứ hai mà tôi xác tín khi ra đi loan báo Tin Mừng, đó là sự hiện diện. Ngày nay, nhiều khi chúng ta có mặt với nhau nhưng không thực sự hiện diện cùng nhau, có đó nhưng như thể chưa bao giờ tồn tại. Vào quán cà phê, quán ăn, mỗi người chọn cho mình một món và dường như chỉ tương tác với nhau qua điện thoại. Từ ngoài nhìn vào cũng thấy khá buồn cười, hai người ngồi bên nhau mà chẳng mở miệng với nhau câu nào, chỉ trò chuyện với nhau trên Facebook, Zalo. Có lẽ, bối cảnh thời đại hôm nay làm cho việc hiện diện với nhau bằng cả con tim, cả con người và chân tình lắng nghe chuyện đời của nhau thật sự rất khó. Với tôi cũng thế, nhiều lúc đến với người khác, đặc biệt đến với những người nghèo nơi tôi đi mục vụ hè, tôi thường bị cám dỗ rất nhiều trong lời nói, cứ muốn lao vào nói; muốn chia sẻ điều này, chia sẻ điều nọ với họ; trong khi đó, thinh lặng để nghe, suy ngẫm để hiểu cần thiết hơn biết là chừng nào. Quả thực, chính khi bỏ mình, hiện diện với họ, bước vào trong cuộc đời của họ, tôi nhận được nhiều bài học quý giá qua những câu chuyện họ kể, qua những chặng đời họ đã trải qua. Đến với họ, họ dạy tôi cách hiện diện trước những thực tại thánh thiêng. Cô Bảy, một người lương dân đang học đạo, nói với chúng tôi rằng trước đây cô bán rau củ quả đối diện nhà thờ, cô thường ngắm nhìn Mẹ Maria mỗi sáng và chào Mẹ mỗi khi bán hàng xong. Hình bóng Mẹ hiện diện và ở bên cô mỗi khi cô làm việc. Những lần hàng ế ẩm, cô chỉ có thể nói: “Bà ơi, hôm nay con ế hàng, Bà bán giúp con.” Thế đấy, hiện diện không phải là việc nói nhiều để người ta biết mình có mặt, nhưng điều quan trọng của sự hiện diện là lắng nghe và thấu hiểu. Và thế là đủ.

Đợt mục vụ hè năm nay, tôi được tiếp xúc, lắng nghe nhiều mảnh đời bất hạnh, được gặp gỡ những con người bị gạt bên lề xã hội, tôi thấy sứ vụ loan báo Tin Mừng của người Kitô hữu cần thiết hơn bao giờ hết. Khi thấy họ đói về của ăn vật chất, lòng tôi quặn thắt; thế nhưng, tôi càng cảm thấy đau hơn khi thấy họ đói về của ăn tinh thần, đói Lời Chúa. Tiếp xúc những mảnh đời chưa được chăm sóc đầy đủ về mặt thiêng liêng, những nơi mà Giáo Hội chưa thể với tới, tôi phần nào cảm nhận được hành trình của thánh tổ Anphong xưa, Ngài đã đến những vùng ngoại biên, đến với những người nghèo hơn cả để nói cho họ về một Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô.

Lạy Chúa, xin cho con luôn ấp ủ và thao thức sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin Ngài đổ Thần Khí xuống trên con để mỗi lời con nói, mỗi việc con làm, người ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của con. Xin biến đổi con mỗi ngày để con nên giống Chúa.

(Lễ Thánh Anphong sô, Tổ phụ sáng lập DCCT, 01/8/2023)




Trần HT

Cảm nhận kỳ mục vụ hè: Vác ba lô lên và đi...

Labels:
Học viện Thánh Anphongsô