Cha Gaspar Stanggassinger - Hình ảnh Đức Giêsu mục tử giữa giới trẻ

 

Hồng Kỳ

Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành. Người Mục Tử Nhân Lành ấy hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên… Người Mục Tử ấy biết chiên của mình và chiên của Người biết Người (x. Ga 10,11-13). Vị Mục Tử đó ở giữa đàn chiên và “đồng cam cộng khổ” với số phận của đàn chiên. Nơi cuộc đời Chân phước Gaspar Stanggassinger, tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế, chúng ta có thể thấy ngài cũng đang họa lại cuộc đời của Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu.

Cha Gaspar sinh năm 1871 ở miền nam nước Đức, là con thứ hai trong một gia đình 16 anh chị em. Cha vào Dòng Chúa Cứu Thế với ý muốn trở thành một nhà truyền giáo, vậy mà ngài lại được bề trên chỉ định làm phó giám đốc đệ tử viện để đào tạo những nhà truyền giáo tương lai. Ngài dấn thân tận tụy hoàn thành trách nhiệm này. Trong năm mà Cha Gaspar bắt đầu vai trò là giáo sư, Cha tự giới thiệu về bản thân cho các chú đệ tử với những lời như sau: “Cha đến với các con trong vai trò là giáo sư. Điều này là do thánh ý của Thiên Chúa. Bản thân cha thích đi làm sứ vụ hơn. Nhưng bây giờ cha chịu trách nhiệm cho công tác quan trọng là đào tạo các thừa sai.”

Cha Gaspar biết mình phải làm gì trong vai trò là một tu sĩ tốt lành. Cha muốn hoàn thành nhiệm vụ với hết khả năng có thể dù rằng cha thật sự không thích công việc đó.

Trong các ghi chú của cha, chúng ta có thể tìm thấy được một câu cho thấy cha luôn sẵn sàng tự hiến chính mình, thậm chí hiến mạng sống mình cho những ai đã được gửi gắm cho cha. Cha viết: “Các đệ tử thân yêu của cha, các con thấy đó, chính tay cha mẹ của các con đã giao phó các con cho quý cha, cho nên các cha ở đây mang trong mình trách nhiệm của người cha người mẹ. Một gánh nặng thường đè nặng lên tâm hồn cha.” Vì điều này nên cha yêu cầu các học trò mình hồi đáp một món quà nhỏ, đó là lời cầu nguyện.

Cha nổi tiếng về sự chân thành, hay giúp đỡ, có khả năng sửa sai và có sự thông cảm với học trò. Những đặc điểm này đã để lại nhiều ấn tượng trong tâm trí các chú đệ tử. Các học trò hầu như chẳng bao giờ nghĩ rằng những đức tính này lại là sự thánh thiện. Bởi vì khi đó sự thánh thiện thường được quan niệm là việc khổ chế nghiêm ngặt, một tháp ngà về trí tuệ, và sự đứng đắn ngay thẳng. Một số học trò của cha nghĩ rằng Cha Gaspar là vị Bề trên tốt nhất mà họ có thể hình dung ra được.

Các chú đệ tử nhớ về Cha Gaspar như một nhà giáo ân cần tử tế hoặc như cha Giám tỉnh nói “có lòng tốt.” Cha tốt bụng đầy tình cảm với mọi người chứ không phải là người có bản tính yếu đuối hoặc có sự thân thiện hời hợt. Nơi vị nhà giáo tốt bụng này có 2 đặc tính nổi bật là tính dứt khoát và tính rõ ràng trong hướng dẫn chỉ bảo. Tuy nhiên, để được như vậy, cha Gaspar đã phải cố gắng rất nhiều và cha có ý định trở nên một nhà giáo giống như Thánh Phanxicô Salêsiô và Thánh Philip Neri. Cha để tâm đến một câu trong tiểu sử Thánh Phanxicô Salêsiô cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời: “Với một cái thìa mật ong người ta có thể bắt được nhiều ruồi hơn là với một thùng giấm.” Cha thường lặp đi lặp lại những lời của Thánh Philip Neri “Người ta có thể bổ củi trên lưng tôi miễn là họ không phạm phải bất cứ tội lỗi nào.” Vì vậy, cha càng ngày càng hoàn thiện hơn để trở thành một giáo sư tốt bụng được các học trò kính trọng và yêu mến. Nơi ngài, họ gặp một người bạn hơn là một bề trên. Mặc dù luật lệ thời ấy rất khắt khe nhưng Gaspar không bao giờ cư xử khắc nghiệt. Bất cứ khi nào ngài cảm thấy sai trái với ai đó, ngài lập tức hạ mình xin lỗi.

Làm thế nào để trở nên thánh thiện? Để trả lời cho câu hỏi này, Cha Gaspar nói trong tinh thần của Thánh Anphongsô “Nên thánh là gì nếu không phải là thi hành thánh ý của Thiên Chúa và sống theo cách mà Chúa muốn.” Và Thiên Chúa muốn điều gì? “Thầy không muốn những ai bước theo Thầy có quần áo và chỗ ở tệ hơn, đồ ăn thức uống dở hơn. Thầy chỉ đòi hỏi một điều đó là họ bước theo Thầy.” Điều này có nghĩa cụ thể “Cậu bé Giêsu quét nhà, rửa chén đĩa, khuân vác gỗ, xách nước,… đây là những việc Con Thiên Chúa đã làm. Không một ai là người tầm thường khi họ cố gắng bước theo những bước chân của Chúa.”

Cha Gaspar luôn nhắc nhở những học trò của mình phải trung thành với việc cầu nguyện. Cha Gaspar nói rõ trong nhiều bài giảng “Cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện.” Và trong bài giảng khác, chúng ta gặp thấy những cụm từ “Hãy cầu nguyện luôn mãi! Việc nâng tâm hồn lên tới Chúa không bị giới hạn vào thời gian, địa điểm hay khuôn mẫu nào đó.” Cha Gaspar nhấn đi nhấn lại rằng “Lòng đạo đức không chỉ dành cho trẻ em và những tâm hồn sốt sắng. Mọi người đều nên và phải đạo đức sốt sắng.” Đối với Cha Gaspar đỉnh cao của lời cầu nguyện chính là Thánh lễ, vì lời cầu nguyện và sự hy sinh của chúng ta được tháp nhập vào trong hy tế hy sinh của Chúa Giêsu. Cử hành Thánh lễ với lòng sốt sắng nghĩa là tham dự vào hy tế. Cha Gaspar nói: “Thánh lễ là trung tâm điểm của Kitô giáo, là cốt lõi của sự hiến mình, là linh hồn của lòng đạo đức. Thánh lễ là lợi ích lớn nhất, là kho tàng tốt nhất, là vật quý giá lộng lẫy nhất, là niềm vui vĩ đại nhất, là sự thánh thiện thánh thiêng nhất trong Giáo Hội Công Giáo.”

Nhiệt thành với Chúa Giêsu Thánh Thể, ngài mời gọi các chú đệ tử và các tín hữu mà ngài dạy dỗ hãy trông cậy vào Bí tích Thánh Thể trong mọi lúc thiếu thốn và lo âu. Ngài khuyến khích họ đến với Đức Kitô như đến với một người bạn, dù là đến để thờ phượng hay để chuyện trò. Như những lời nói cuối cùng của cha với các chú đệ tử trước khi qua đời: “Dự bị sinh các con thân mến, hãy chúc tụng và yêu mến Mẹ Thiên Chúa. Hãy viếng Chúa Giêsu trong Nhà Tạm tại bàn thờ. Người sống cùng với chúng con dưới một mái nhà. Các con có thể kể cho Người nghe về tất cả mọi thứ làm các con buồn phiền, lo lắng băn khoăn. Hãy nói cho Người như thể một đứa con thơ nói với cha mình vậy!”

Vào lúc 3g45 sáng thứ Ba, Ngày 26 tháng 9 năm 1899, ở tuổi 28, do viêm màng bụng, cuộc hành trình trần gian của ngài chấm dứt.

Ngày 24 tháng 4 năm 1988, ngài được Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II phong Chân Phước.

Mừng kính ngài hôm nay, chúng ta cùng tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội, cách riêng cho nhà Dòng Chúa Cứu Thế một mẫu gương thánh thiện, nhiệt tâm cho việc giáo dục giới trẻ. Nhờ lời chuyển cầu của Chân phúc Gaspar Stanggassinger, xin Chúa ban cho Hội Thánh có thêm nhiều mục tử nhiệt tâm và xin cho mỗi người chúng ta cũng biết noi gương ngài trong đời sống, luôn biết hăng say, nhiệt thành trong mọi công việc và trung tín với Chúa.

Cha Gaspar Stanggassinger - Hình ảnh Đức Giêsu mục tử giữa giới trẻ

Học viện Thánh Anphongsô