Mycat và các bạn
Hình bóng Con Chiên trong
Cựu Ước được tỏ lộ cách trọn vẹn nơi Đức Kitô Giêsu. Ngài chính là Chiên Thiên
Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chiên Thiên Chúa không chỉ tiếp tục đổ máu
mình ra để cứu chuộc và ban sự sống cho con người mà còn dẫn đưa chúng ta tới
sự hiệp thông trọn vẹn trong bàn tiệc Nước Trời.
DẪN NHẬP
“Đây là Chiên Thiên
Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian (x. Ga 1,29).” Lời giới thiệu này của Gioan Tẩy giả
đã xác định cho chúng ta căn tính và sứ mạng của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Tuy nhiên, ý niệm “Chiên Thiên Chúa” đã có hình bóng từ trong Cựu Ước,
vì những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh đều phải
được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu (x. Lc 24,44). Vì vậy, để
hiểu rõ hơn về hình ảnh Chiên Thiên Chúa, chúng ta tìm hiểu đề tài: “Hình bóng
con chiên trong lăng kính cứu độ.” Trong đề tài này, chúng ta sẽ đi
từ Cựu Ước đến Tân ước, để tìm hiểu xem “hình bóng con chiên” được diễn tả như
thế nào dưới lăng kính cứu độ.
I. HÌNH BÓNG CON CHIÊN TRONG CỰU ƯỚC
1. Con chiên trong hy lễ toàn thiêu
Lễ toàn thiêu
Các bản văn về nghi thức trong Ngũ Thư cho
thấy loại hy lễ này có từ thời dân Israel còn trong sa mạc (x. Xh 18,12; Ds 7,12)
hay từ thời các Tổ phụ (x. St 8,20; 22,9-10). Thực ra, những bằng chứng lịch sử xưa nhất cho
thấy lễ toàn thiêu được nói tới từ thời các Thủ lãnh (x. Tl 6,26;
11,31; 13,15-20).[1] Theo sách Lêvi chương 1, lễ toàn thiêu
có giá trị xá tội; nhưng ở thời xa xưa, đúng hơn đó là một lễ tạ ơn (x. 1Sm 6,14;
10,8 ; 2Sm 6,17) hoặc là hy lễ để xin ơn (1Sm 7,9;
13,9; 1V 3,4). Còn quy định về lễ vật trong lễ toàn thiêu
bao gồm: Bò, chiên, dê hay chim (x. Lv 1,2). Riêng chiên (dê)
thì phải là con đực một tuổi, toàn vẹn[2] (x. Ds 7,15). Các của lễ được thiêu đốt cho cháy hết (bò, chiên, dê con, chim) để biểu thị lễ dâng hoàn toàn và không thể đòi lại.[3]
Ý nghĩa của con chiên trong lễ toàn thiêu
Con chiên là của lễ toàn hảo tiến dâng lên
Thiên Chúa để tạ ơn và thờ phượng Người. Sáng Thế 4,1-5 cho biết:“Aben dâng
những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Đức Chúa đoái nhìn
đến Aben và lễ vật của ông.” Còn ở chương 22 Sáng Thế, là con
chiên chết thay cho Ixaác: “Ông Ápraham liền
đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.” Con
chiên cũng biểu thị của lễ toàn thiêu mới là tâm hồn thống hối và tinh thần
khiêm nhường: “Nhưng xin nhận tâm hồn thống
hối và tinh thần khiêm nhượng của chúng con, thay của lễ toàn thiêu chiên bò,
và ngàn vạn cừu non béo tốt (Đn 3,39).”
2. Con chiên trong lễ
Vượt Qua
Sách Xuất hành chương 12
kể lại biến cố dân Israel rời khỏi Ai Cập. Đó là lễ Vượt Qua mà Thiên Chúa yêu
cầu mỗi gia đình Israel phải bắt một con
chiên; con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi.
Phải nhốt nó tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Israel
đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa. “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai Cập, sẽ sát hại
các con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ loài người cho đến loài thú
vật, và sẽ trị tội chư thần Ai Cập. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ
là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi
sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai Cập” (x. Xh 12,1-23). Như
thế, chiên hy tế được giết như giá chuộc thay cho người và vật đầu lòng trong
nhà.
3. Con chiên trong lễ tạ
tội
Những trường hợp phải
dâng lễ tạ tội khi người ta vô ý phạm tội trái với một trong những
mệnh lệnh của Chúa và làm một điều gì đó không được làm (x. Lv 4,2).
Đối tượng của hy lễ tạ tội là: Tư tế (Lv 4,1-12); cộng đồng Israel
(Lv 4,13-21); đầu mục (Lv 4,22-26); dân thường (Lv 4,27-35;
5,1-13). Lễ vật đối với dân thường là chiên (dê) cái, nếu không kiếm được chiên
thì thế bằng một cặp chim gáy hoặc một cặp bồ câu non (x. Lv 5,1-13).
Nghi thức của hy lễ, Tư tế sẽ dùng ngón tay
lấy máu lễ vật tạ tội và bôi lên các góc cong của bàn thờ, còn tất cả mỡ, tư tế
sẽ tách ra rồi sẽ đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, bên trên các lễ hoả tế
dâng Đức Chúa (x. Lv 4,34-35; Xh 29).
4. Con chiên trong
lễ đền tội
Những trường hợp phải
dâng lễ đền tội: Bất cứ người nào bất trung hoặc vô ý phạm đến của thánh
dành cho Chúa hay vô tình làm trái một trong những mệnh lệnh của Chúa. Đối
tượng là bất cứ ai phạm tội. Lễ vật gồm một con chiên đực toàn vẹn. Ý nghĩa con
chiên trong lễ đền tội là xin lễ đền tội thay cho người chết:
“Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi
về Giêrusalem để xin dâng hy lễ tạ tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và
cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Ông xin dâng hy lễ đền tội
cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.” (2Mcb 12,43).
II. HÌNH BÓNG CON CHIÊN TRONG TÂN ƯỚC
1. Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng
xóa tội trần gian (Ga 1, 29-36)
Con chiên được hiến tế trên
bàn thờ của Cựu Ước chính là hình bóng của Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng
xóa bỏ tội con người, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Trước hết,
Người là “Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích” (1 Pr 1,19).
Như con chiên vẹn toàn trong Cựu Ước, không tật nguyền hay dị dạng, Đức
Giêsu cũng được Gioan giới thiệu là Đấng chính Thiên Chúa tuyển chọn (x. Ga 1,34). Thứ
đến, con chiên được dùng làm của lễ đền tội trong Cựu Ước phải chịu sát tế (x. St 4,1-5;
22; Xh 12,2-7; 29,38-46; Is 53) như thế nào, thì Đức Giêsu
cũng chịu đau khổ và chịu chết để trở nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân loại
như vậy. Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây
Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29) đã cùng lúc chỉ ra hai thực tại
lớn lao về Đức Giêsu rằng Người vừa là Chiên Thiên Chúa, vừa là Đấng xóa tội
trần gian.[4]
2. Đức Giêsu là
Chiên Vượt Qua
Khi nói
Đức Giêsu là Chiên Vượt Qua, có lẽ Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy rõ nét
hình ảnh này hơn cả so với Luca, ít là có hai dữ kiện. Thứ nhất, đó là giờ của Đức Giêsu được
đề cập đến trong Tin Mừng Gioan: “Đức
Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ mà Người sẽ rời bỏ thế gian để về cùng
Cha” (Ga 13,1). Theo đó, chúng ta có thể thấy thời khắc Philatô trao nộp Đức Giêsu cho họ đem đi đóng đinh vào đúng
giờ thứ sáu (khoảng 12 giờ trưa) ngày lễ áp lễ Vượt Qua (x. Ga 19,16),
giờ đó cũng trùng với giờ các tư tế giết chiên trong Đền Thờ Giêrusalem
để mừng đại lễ Vượt Qua.[5] Thứ
hai, đó là chỉ thị của Môsê cấm đánh gãy xương của con chiên bị giết
trong biến cố Vượt Qua (x. Xh 12,46), cũng vậy, quân lính đã
không đánh dập ống chân nào của Đức Giêsu trên cây thập giá (x. Ga 19,34).[6]
3. Đức Giêsu là Con
Chiên Đầu Lòng (Lc 2, 22-24 // Lv 12, 1-8)
Trước hết, Tin Mừng Luca chương 1 thuật lại việc Đức
Maria và Thánh Giuse dâng con trong đền thờ theo luật truyền. “‘Mọi con trai đầu lòng
phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa’, và cũng để dâng của lễ theo Luật
Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2,22-24). Tuy nhiên, của
lễ mà Đức Mẹ và Thánh Giuse tiến dâng không nhắc đến con chiên mà chỉ nói đến
một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Đây là lễ phẩm của người nghèo. Thế
nhưng, việc không nhắc đến chiên trong của lễ dâng tiến này có ngụ ý ám chỉ đến
việc Đức Giêsu chính là Con Chiên Vượt Qua, Con Chiên Đầu Lòng được thánh hiến
cho Thiên Chúa (x. Lc 22,14-16).
4. Máu Con Chiên
Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa
tội trần gian. Người đã dùng chính máu mình mà cứu độ nhân loại. Máu đó được
diễn đạt qua nhiều tầng ý nghĩa khác nhau.
Máu giao ước mới được ký kết bằng chính máu
của Đức Giêsu
Hình ảnh máu con chiên
làm hy lễ đền tội giờ đây chính Đức Giêsu thay đổi ý nghĩa mới, một hiện thực
cứu độ mới bằng chính mình và máu của Người. Điều này được Người thực hiện trong buổi Tiệc ly (x. Mt 26,28; Mc 14,24; Lc 22,20).
Hình ảnh máu giao ước tại bữa
tiệc ly trong Mt 26, 28 liên hệ trực tiếp máu giao ước mà ông
Môsê rảy trên dân khi Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Do Thái. Sự chịu chết,
đổ máu để cứu chuộc còn thấp thoáng từ trong Cựu Ước nơi hình ảnh Người Tôi Trung (x. Is 52,12). Tư tưởng
này được thánh Phaolô tiếp tục sử dụng để làm nội dung truyền giảng Tin Mừng của ngài cho dân ngoại (x. 1Cr 11,25; Hr 12,24;
13,20).
Máu tha tội và tẩy xóa tội lỗi
Máu của Con Chiên Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô,
đổ ra trên Thập Giá không phải một sự vô nghĩa như những người Do Thái và những
người vô tín nhìn nhận mà máu này là máu của sự cứu chuộc. Máu của sự tẩy xóa
tội lỗi cho thế gian đang bị giam cầm trong bóng tối sự chết. “Trong Thánh Tử,
nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng
ân sủng rất phong phú của Người” (Ep 1,7). Điều này được thánh
Phaolô xác tín và truyền dạy cho những cộng đoàn mà ngài rao giảng và cho cả
những người tin là chúng ta hiện nay (x. Cl 1,20; Hr 10,4-19).
Máu ban sự sống
Như trong cách hiểu truyền thống của người Do
thái, máu biểu trưng cho sự sống, và sự sống này thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã
tạo ra muôn loài. Đức Giêsu đã nhiều lần khẳng định Ngài là đường, là sự thật
và là sự sống (x. Ga 14,6) và những ai ăn “thịt” và uống “máu”
Ngài thì được sự sống đời đời (x. Ga 6,53-57). Như vậy, Máu của Đức Kitô Giêsu, con
Chiên vô tì tích của Thiên Chúa, sẽ đem lại sự sống cho những ai đến với Người.
Máu làm cho nên công chính
Thật vậy, từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập
giá, máu và nước của Đức Giêsu không chỉ xóa bỏ tội lỗi, mà còn làm cho những
người tin trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Mặt khác, Đức Giêsu là Đấng
Công Chính phát xuất từ Chúa Cha. Do đó, nhờ máu Đức Kitô đổ ra cho chúng ta,
nên chúng ta được nên công chính. Sự công chính này cứu thoát con người trong
ngày phán xét cuối cùng (x. Rm 5,9) và đưa con người bước vào
sự sống vĩnh cửu (x. 1Tx 1,10). “Phương chi bây giờ chúng ta đã
được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi
cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Rm 3,25).
5. Cuộc khải hoàn trong máu Con Chiên
Trong sách Khải Huyền,
tước hiệu “Con Chiên” được nhắc đến 28 lần, trong đó, nhấn mạnh Con Chiên
ngự trên ngai vương quyền, là Đấng chiến thắng sự chết bằng sự phục
sinh vinh quang.[7] Con Chiên
được ca ngợi như sau: “Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về
cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi
nước mọi dân. Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những
tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta” (Kh 5,9-10).
Như vậy, Con Chiên chính là Đức Giêsu Kitô phục sinh,
Đấng đã chết cho toàn thể nhân loại, và những ai bền chí và trải qua thử thách
sẽ được vào dự tiệc Chiên Thiên Chúa, vì “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). “Họ đã thắng được
nó nhờ máu Con Chiên và nhờ lời họ làm chứng về Đức Kitô: họ coi thường tính
mạng, sẵn sàng chịu chết” (Kh 12,11). Ngày khải hoàn thiên
quốc là ngày muôn người được
sống lại và hưởng sự sống muôn đời cùng Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Đấng
đã xuống thế, chịu chết trên cây thập tự và phục sinh giữa lòng nhân loại.
KẾT LUẬN
Nói tóm lại, con chiên
là một con vật có một ý nghĩa rất quan trọng đối với người Do Thái, không chỉ
là thực phẩm mà còn gắn liền
với ý nghĩa lịch sử và phụng tự. Đó là của lễ tiến dâng lên Thiên Chúa trong lễ
toàn thiêu, là con chiên gánh tội và chịu sát tế thay cho con người, và con
chiên đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, tức là thuộc về Chúa.
Tuy nhiên, hình bóng con
chiên trong Cựu Ước này được tỏ lộ cách trọn vẹn nơi Đức Kitô Giêsu. Ngài chính
là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian, là Chiên Vượt Qua của Đức Chúa,
là Con Chiên Đầu Lòng. Và hôm nay, nơi Thánh Lễ, Chiên Thiên Chúa không chỉ
tiếp tục tiến dâng lên Thiên Chúa
Cha để cứu
chuộc và ban sự sống cho con người mà còn dẫn đưa chúng ta tới sự hiệp thông
trọn vẹn trong bàn tiệc Nước Trời mai sau, tiệc cưới Chiên Thiên Chúa.
[1] x. Ghi chú “b” trong Kinh Thánh, Nhóm Phiên Dịch CGKPV (Hà Nội: NXB. Tôn
giáo, 2011), 187.
[2] Chiên dê không bị dị tật, dị dạng hay còi cọc…
(x. Lv 22,20-25).
[3] Điển ngữ thần học Thánh
Kinh, Phân
Khoa Thần Học Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2016),
702.
[4] Sống Đạo, “Tại sao người Công Giáo được
gọi là “con chiên” ?,” truy cập ngày 28-10-2022, https://ductinjesus.com/song-dao/tai-sao-nguoi-cong-giao-duoc-goi-la-con-chien.html.
[5] X. Ghi chú “h” trong Kinh Thánh,
NPDCGKPV, 2394.
[6] Lm. Đan Vinh, “Làm chứng Đức Giêsu là
Chiên xóa tội trần gian, ” truy cập ngày 28-10-2022, https://gpcantho.com/lam-chung-duc-gie-su-la-chien-xoa-toi-tran-gian/.
[7] Lm. Đan Vinh, “Làm chứng Đức Giêsu là Chiên xóa tội trần gian,” truy cập ngày 28-10-2022, https://gpcantho.com/lam-chung-duc-gie-su-la-chien-xoa-toi-tran-gian/.