Lễ nhập Kut – niềm hy vọng vĩnh hằng của người Chăm Ahier

 

Tagalau

Người Chăm Ahier quan niệm cuộc đời như “một chuyến đi buôn,” cuộc sống là cõi tạm; cõi chết và sự giải thoát mới là cùng đích con người. Quan niệm về sự tái sinh và giải thoát được thể hiện rất rõ trong nghi lễ tang ma và nhập Kut của họ.

Dẫn nhập

Con người là một hữu thể hữu hạn, nhưng trong chính cái hữu hạn đó, con người luôn hướng chiều mãnh liệt tới siêu việt. Triết học hiện sinh gọi đó là tính dự phóng trong sự hiện hữu của con người: luôn vượt lên trên những giới hạn của không gian và thời gian, để hướng tới cái vĩnh hằng. Quả thật, con người luôn mang trong mình một niềm hy vọng hạnh phúc hướng về mai hậu-một niềm hy vọng siêu nhiên.[1]

Tâm thức đó cũng được thể hiện rất mạnh trong thế giới quan của người Chăm Ahier (Bàlamôn), đặc biệt qua nghi lễ hỏa táng và “Nhập Kut” cho người quá cố. Việc nhập Kut của người Chăm Ahier là một vinh dự cho người đã khuất và cho cả dòng tộc. Nghi lễ nhập Kut cho thấy một sự khao khát, một niềm hy vọng hạnh phúc vĩnh hằng của người Chăm.

1. Tổng quan về người Chăm

1.1 Về đời sống thường ngày

Ngày nay, người Chăm là một tộc người thiểu số trong khối cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tính đến năm 2019, người Chăm ở Việt Nam có dân số 178.948 người.[2] Hiện nay, hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là nơi người Chăm tập trung sinh sống đông nhất và vẫn còn lưu giữ những truyền thống, tập tục mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Các làng (palei) Chăm thường định cư trên những vùng đất cao, xung quanh là ruộng lúa. Mỗi palei sống theo cộng đồng tôn giáo (Palei Ahier hoặc Palei Awal) có khoảng 300-400 hộ gia đình cùng chung sống với nhau. Từ xưa đến nay, gia đình trong palei Chăm được tổ chức theo hình thái gia đình mẫu hệ.[3]

Người Chăm có các loại chữ viết cơ bản như: chữ Sanskrit, chữ Chăm cổ, chữ Chăm phổ thông Akhar Thrah và chữ Akhar Jawi (Champa-Ả Rập). Cùng với chữ viết, nền văn chương của người Chăm cũng ra đời rất sớm và phong phú; phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống như lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, kỹ thuật, nông nghiệp và y dược…

1.2 Về đời sống tâm linh

Về tín ngưỡng, người Chăm còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa nguyên thủy. Họ tin vào các thần Đất, thần Núi, thần Sông, thần Biển,... Nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng rất độc đáo trong các nghi lễ cúng tế liên quan đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp, các nghi lễ liên quan đến cuộc đời của một người. Đặc biệt, việc thờ cúng tổ tiên rất phổ biến và được chú trọng.

Tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những yếu tố căn bản cấu thành văn hóa Chăm. Người Chăm tiếp nhận cả nền văn minh Ấn Độ, Bàlamôn giáo, Phật giáo, Hồi giáo và kết hợp với tín ngưỡng bản địa để thờ tổ tiên, các vị thần linh, các vị anh hùng dân tộc. Hiện nay, người Chăm theo 4 nhóm tín ngưỡng tôn giáo chính: Chăm Jat, Chăm Ahier, Chăm Awal, Chăm Asulam. Như vậy, người Chăm không theo tôn giáo nào rõ ràng (trừ một bộ phận Chăm Islam) mà tín ngưỡng, tôn giáo Chăm hôm nay là sự tổng hợp bởi ba yếu tố để cấu thành: tàn dư của Ấn giáo, Hồi giáo và tín ngưỡng bản địa, bốn bộ phận tín đồ này có quan hệ mật thiết với nhau.[4]

2.     Kut của người Chăm

2.1 Kut và phân loại Kut

Kut là một loại hình nghĩa địa theo dòng tộc mẫu hệ của người Chăm thuộc hệ phái Ahier (Chăm Ahier hay người Chăm Bàlamôn). Đây là nơi chôn cất những mảnh xương trán của các thành viên trong cùng một dòng tộc lấy từ lễ hỏa táng (ndam cuh). Kut thường bố trí ở ngoài làng. Vị trí thế đất lý tưởng nhất để xây dựng Kut theo quan niệm của người Chăm là nơi có thế đất cao về phía tây, thấp về phía đông, cao về phía nam, thấp về phía bắc; phía nam có núi, phía bắc có sông.[5] Muốn lập Kut phải thực hiện các lễ nghi cúng cho các vị thần, trong đó có Muk kei (tổ tiên), để mời các vị thần đến chứng kiến và chấp nhận. Theo qui định của phong tục, người Chăm phân chia Kut thành hai loại: Kut Praong và Kut Hangin.

Kut Praong là Kut dành cho những người chết bình thường ở trong làng dưới sự chứng kiến của gia đình, thể xác còn nguyên vẹn và có người đỡ trên tay lúc tắt thở.

Kut Hangin là Kut dành cho những người chết ở ngoài làng, chết bờ, chết bụi, chết đuối, chết trận, chết do bệnh tật, chết không toàn thây như bị tàn tật, đui, què hoặc mất một bộ phận của thân thể.

2.2 Điều kiện để được làm lễ nhập Kut

Khi có người trong dòng tộc qua đời, muốn được hỏa thiêu và được nhập Kut, phải hội đủ các điều kiện:

-         Chết bình thường (già, bệnh tật,... trên tay người thân).

-         Chết còn nguyên thi thể (không bị tai nạn, khuyết tật,...).

-         Người qua đời đã đến tuổi thành niên và đã lập gia đình (nếu là con nít không cần hỏa thiêu và nhập Kut...).

-         Không bị lai về chủng tộc và tôn giáo.

Trong nghi lễ hỏa thiêu, thầy Cả Basaih dùng vật cứng tiện tròn chín miếng xương trán (talang dhei) bằng đồng xu rửa sạch rồi đọc kinh trấn (kadha tanra) và bỏ vào Klaong.[6] Bởi họ tin rằng miếng xương trán là nơi hội tụ sinh lực và là nơi biểu hiện những gì tinh túy nhất của con người.[7] Sau đó, người thân đem Klaong về nhà, tạm cất ở một nơi trang trọng và kín đáo, chờ ngày làm lễ nhập Kut (khoảng 15-20 năm). Thời gian đó, người chết được hưởng giỗ đầy tháng, đầy năm, ba năm, rồi “giỗ tiễn” (patrip palao) là xong; sau đó, giỗ hay không là tùy con cháu.

3.     Nghi lễ nhập Kut-niềm hy vọng vĩnh hằng

3.1 Quan niệm về cuộc sống

Từ xa xưa, người Chăm coi cuộc sống trên trần gian là nơi cư ngụ tạm bợ. Họ quan niệm cuộc đời như “một chuyến đi buôn,” cuộc sống là cõi tạm, trần gian là quán trọ cho lữ khách dừng chân chốc lát rồi phải ra đi về miền thường trụ. Điều này thể hiện rất rõ trong trường ca đi buôn-Ariya Nau Ikak, là một tác phẩm triết lý cổ nói về quan niệm cuộc sống của người Chăm.[8] Vì quan niệm cõi sống là cõi tạm, cõi chết và sự giải thoát mới là cùng đích con người hướng tới nên người Chăm không xem trọng mấy những nghi lễ vòng đời lúc còn sống (trừ nghi lễ cưới xin) mà chú trọng đến nghi lễ tang ma nhiều hơn.[9]

Xuất phát từ quan niệm trên, người Chăm tin rằng chết chưa phải là hết. Họ tin con người có phần hồn (swan) và xác (thơp/sak). Khi chết, nếu hồn không được trở về với tổ tiên thì trở thành vong hồn (kalong); đối với những hồn chết oan hoặc không có người thờ cúng, vong hồn biến thành hồn ma (phăt), hồn này hay quay lại quấy phá người đang sống trong cộng đồng. Người Chăm rất sợ hồn ma hay vong hồn chết trẻ; muốn giải thoát những vong hồn này, người Chăm thực hiện nghi lễ cúng “lễ trả nợ lâu đời” trong lễ “múa lớn” (Rịja praung). Vì thế, trước khi người chết tắt thở, gia đình phải đặt người chết nằm dưới đất, vì họ quan niệm con người được sinh ra từ đất mẹ, nếu không thì linh hồn người chết sẽ bị bắt đi. Nếu người nào chết trên giường thì gia đình phải mời thầy pháp đến làm lễ gọi hồn.[10]

3.2 Quan niệm về sự tái sinh và giải thoát

Quan niệm về sự tái sinh và giải thoát thể hiện rất rõ trong nghi lễ tang ma và nhập Kut của người Chăm Ahier. Nghi lễ tang ma phải làm sao thể hiện được sự đầu thai “9 tháng 10 ngày.”[11] Khi khiêng người chết đến nơi hỏa táng thì xoay đầu thi hài lại-hài nhi ở trong bụng mẹ đã xoay đầu xuống để sinh ra ở thế giới bên kia.[12] Hỏa táng xong, người ta đục lấy 9 miếng xương trán mang về, đợi ngày làm lễ nhập Kut.

3.3 Nghi lễ nhập Kut

Khi một người Chăm chết đi, sau thời gian khoảng hai hay ba năm gửi nhờ thần Đất (chôn tạm), hài cốt được cải táng làm đám thiêu. Cuối buổi sáng thực hiện nghi thức thiêu, chín miếng xương trán của người quá cố được thu gom cho vào Klong, đợi ngày lành tháng tốt làm Lễ Nhập Kut. Khoảng 15-20 năm sau, khi trong dòng họ hội được nhiều Klong này và khi có điều kiện kinh tế, tộc họ mới tiến hành làm lễ. Đây là lễ lớn cuối cùng của đời người Chăm Ahier. Tháng có thể Nhập Kut là: Ba, Sáu, Tám, Mười và Mười Một.[13]

Đối với người Chăm Ahier, sinh, chết và trở về với tổ tiên là một quá trình trải qua nhiều bước nghi lễ khác nhau. Trong đó, nghi lễ Ba Talang Tamâ Kut (nhập Kut) là giai đoạn cuối cùng từ biệt người thân vĩnh viễn về với tổ tiên và thế giới thần linh.

Để thực hiện nghi lễ này, đòi hỏi phải hội đủ 3 giới chức sắc: Po Adhia-Ong Bac; Ong Kadhar; Muk Pajau. Mỗi giới chức sắc đều có vị trí, vai trò và nhiệm vụ khác nhau cùng thực hiện các nghi thức hành lễ.[14]

Po Adhia và Ong Bac đóng vai trò chủ lễ, đảm trách công việc tẩy uế xương, nhập xương vào Kut, tắm gội Patau Kut, mặc áo cho Patau Kut, hoá thần vào Patau Kut và tế lễ thần linh.

Ong Kadhar đóng vai trò mời gọi tổ tiên và thần linh để chứng kiến buổi lễ, bằng cách hát những bài thánh ca và đệm nhạc bằng nhạc cụ Kanhi.

Muk Pajau có vai trò dâng lễ cho thần linh và tổ tiên, bằng cách vừa cầu khẩn vừa rót rượu dâng lễ cho từng vị thần, tổ tiên và làm trung gian cầu nối tiếp xúc giữa cõi sống và cõi chết, giữa con cháu và tổ tiên, giữa thần dân và các vị thần. Đồng thời, họ cũng thực hiện những điệu vũ chúc mừng lễ nhập Kut thành công tốt đẹp. Sau cùng, họ tiễn đưa các vị thần linh, tổ tiên và những linh hồn vừa mới được nhập Kut về với thế giới vĩnh hằng, thế giới tổ tiên, thế giới thần linh.

Ngoài việc quan niệm thế giới đang sinh sống chỉ là một thế giới tạm thời, người Chăm tin rằng thế giới bên kia mới là thế giới vĩnh hằng. Đó là thế giới của tổ tiên, dòng họ và các vị thần. Do đó, Kut rất linh thiêng và quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm. Họ tin rằng Kut là nơi ông bà tổ tiên hoá thần, có quyền năng siêu hình, có thể che chở, ban phúc lộc, giải trừ nghiệp chướng cũng như những điều rủi ro cho con cháu trong dòng tộc. Con cháu phải có trách nhiệm làm lễ nhập Kut và thờ phụng tổ tiên. Chỉ khi được nhập Kut, người chết mới về với thế giới ông bà tổ tiên (nagar muk akei) và cõi thiên đàng (swor riga). Hàng năm, vào lễ Katê (lễ cúng cha-dương) và Chabul (lễ cúng mẹ-âm), ng­ười Chăm vẫn ra thăm Kut và thờ cúng. Chỉ khi nào người nữ cuối cùng trong dòng họ mất đi, Kut mới trở thành Kut hoang.

4.     Một vài nhận định

Như vậy, tự trong tâm thức, người Chăm vẫn luôn khát vọng hướng đến một sự sống viên mãn nơi thế giới vô hình. Họ tin có sự sống sau cái chết. Chết chưa phải là hết, chết chỉ là chuyển trạng thái sống: từ trạng thái vật chất sang trạng thái vô hình. Chỉ sau khi lễ nhập Kut, linh hồn người chết mới thực sự đi đến quê hương đích thực của mình. Không những thế, người Chăm còn tin linh hồn người chết sẽ trở thành thần linh để phù hộ con cháu.

Đây có lẽ là điểm nối kết để Tin Mừng Sự Sống Kitô giáo có thể hội nhập vào bản sắc văn hóa và tâm hồn người Chăm. Dưới lăng kính của mc khải Thánh Kinhnền tảng giáo lý Kitô giáo, chúng ta biết con người được Thiên Chúa tạo nên theo hình ảnh của Ngài (x. St 1,27) và được thông phần sự sống bất diệt của Ngài. Vì thế, con người luôn khao khát hướng về chính nguồn cội của mình là Thiên Chúa. Điều này đã được ghi khắc vào tâm khảm con người ngay từ những giây phút hiện hữu đầu tiên. Chính tâm thức ấy là khởi điểm, để từ đó, người Chăm đi đến với Thiên Chúa. Kinh nghiệm về sự sống vĩnh cửu được Thánh Thần chuẩn bị nơi tâm hồn họ để họ đón nhận vị thần linh đích thực là Đức Giêsu Kitô và sự sống vĩnh cửu của Người (x. Ga 14,6). Đây chính là hy vọng đích thực con người hằng khao khát. Dưới nhãn quan đức tin Kitô giáo, chúng ta tin rằng: Trong Đức Kitô “qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ cõi chết…Người xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi phục sinh chúng ta để được sống đời đời.”[15]

Qua bài viết này, người viết hy vọng góp một phần nhỏ làm hành trang cho chính mình trong sứ vụ làm dậy men Tin Mừng cho cộng đồng người Chăm trong tương lai. Đồng thời gợi mở cách thức hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa này nhưng không làm mất đi những giá trị, bản sắc văn hóa nơi họ nhờ trân trọng các hạt giống Lời và tất cả những yếu tố tích cực hiện diện trong nền văn hóa ấy, nhờ mở nó ra với các giá trị của Tin Mừng.”[16]



[1] x. Phan Tấn Thành, “Hy vọng,” Thời sự thần học 69 (2015), 12.

[2] x. Ủy ban Dân tộc, Đặc trưng cơ bản của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 (Hà Nội: NXB. Thống Kê, 2020), 35.

[3] x. Georges Maspero, Vương quốc Champa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia dịch (Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội, 2020), 43.

[4] x. Sakaya, Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa (Hà Nội: NXB. Tri Thức, 2020), 103.

[5] x. Sử Văn Ngọc, Lễ nghi cuộc đời của người Chăm Ahiér, tập III: Tang ma hỏa táng và tục thờ Kut người Chăm Ahiér (Hà Nội: NXB. Khoa Học Xã Hội, 2015), 187-188.

[6] KLAONG: hộp đựng xương trán của người đã khuất sau khi hỏa táng, nam hay nữ đều là 9 miếng. Chất liệu của Klaong là vàng hay bạc dành cho bậc quân vương hay người thuộc hoàng tộc. Dân thường thì bằng đồng hay kim loại rẻ tiền hơn.

[7] x. Phan Quốc Anh, Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận (Hà Nội: NXB. Văn hóa dân tộc, 2006), 309.

[8] x. Inrasara (chủ biên), Núi trắng (Tagalau 4): Tuyển tập sáng tác-sưu tầm-nghiên cứu Chăm (TP. Hồ Chí Minh: NXB. Văn Nghệ, 2004), 170-183.

[9] x. Phan Quốc Anh, Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận, 136.

[10] x. Phan Quốc Anh, Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận, 139-140.

[11] x. Phan Quốc Anh, Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận, 219.

[12] x. Sử Văn Ngọc, Lễ nghi cuộc đời của người Chăm Ahiér, tập III: Tang ma hỏa táng và tục thờ Kut người Chăm Ahiér, 151-159.

[13] x. Inra Jaka, Hành trình văn hóa Chăm (Hà Nội: NXB. Văn Hóa Dân Tộc, 2017), 95.

[14] x. Sử Văn Ngọc, Lễ nghi cuộc đời của người Chăm Ahiér, tập III: Tang ma hỏa táng và tục thờ Kut người Chăm Ahiér, 251-261.

[15] CĐ VaticanôII, Hiến chế Dei Verbum, #4.

[16] ĐTC. Bênêdictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, #114.

Lễ Nhập Kut-Niềm Hy Vọng Vĩnh Hằng Của Người Chăm Ahier

Học viện Thánh Anphongsô