Fr. Joseph Tân Nguyễn, O.F.M.
Một trong những tiền đề của luật tự
nhiên cổ điển là sự hiện diện của bản tính tự nhiên nơi con người, được xem là
phổ quát, bất biến và được áp dụng cho mọi người bất cứ ở đâu và vào thời đại
nào. Trong quá khứ, tiền đề này được xã hội, tôn giáo và hệ thống chính trị củng
cố khi khẳng định rằng con người có một phẩm giá đặc thù, cần phải được tôn trọng
không chỉ về quyền sống mà cả quyền được đối xử như là một hữu thể luân lý. Gần
đây, với những khám phá mới trong khoa sinh học và y học đã thử thách phẩm giá
của con người và bào mòn giá trị của luật tự nhiên.[1]
Trong bài này, chúng ta sẽ sơ lược qua các quan điểm về phẩm giá con người trước
khi bàn về các vấn đề phá thai, ngừa thai, an tử, trợ tử và nghiên cứu tế bào gốc.
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Điểm
chung mà các việc phá thai, an tử hay trợ tử, và nghiên cứu tế bào gốc là khả
năng xúc phạm đến phẩm giá tự nhiên của con người. Từ thập niên 1970, phẩm giá
con người trở thành chủ đề tranh luận qua khía cạnh luân lý của việc sao chép,
thay đổi, chỉnh sửa và buôn bán genes, kỹ thuật dự trữ và mãi dịch các bộ phận
cơ thể, khả năng đặt hàng về cơ cấu genes của đứa trẻ sắp được thụ thai, các
hình thức cấy thai, phá thai. Chúng ta hãy xét qua quan điểm của Kant và các nhà
sinh học, tâm lý học và nhân học cũng như cách Thông điệp Sự sống con người
(Humanae vitae) dùng luật tự nhiên để bảo vệ cho phẩm tính con người.[2]
Trong thế
kỷ XVIII, Kant đã phân biệt giữa hai loại tồn tại trong thế giới: sự vật với trị
giá và sự vật với phẩm giá. Phẩm giá của những hữu thể có giá trị luân lý thì không
thể đo lường được như là sự vật. Kant khẳng định con người mang phẩm tính khác
với các sự vật khác như: thú vật, thực vật, đất đá và các bất động sản. Tôn trọng
phẩm tính con người có nghĩa là chúng ta không thể xem nhân tính như là một công
cụ nhưng luôn có cứu cánh nội tại của nó. Vì thế, chúng ta không được phép nói
dối, tự bỏ lời hứa, lừa đảo hay ăn cắp. Chúng ta nên giúp tha nhân theo đuổi cứu
cánh tìm kiếm hạnh phúc của họ. Ngoài ra, còn có những trách nhiệm luân lý đứng
sau các quyền tự nhiên của con người mà chúng ta cần phải tôn trọng như: quyền
sống, quyền sở hữu tài sản, quyền tự vệ và quyền được đối xử công bằng trước
pháp luật.
Hơn nữa,
vì con người là một chủ thể có lý trí cho nên phẩm giá con người dựa trên lý
tính, tức là sự tự do chọn lựa theo ý chí riêng của mình. Đây là khả năng của
con người tự thiết lập các quy luật luân lý và theo đuổi chúng mà không cần đến
áp lực từ bên ngoài. Chỉ những hữu thể có lý trí mới có thể khai triển các nguyên
tắc phổ quát và định hướng hành vi của mình cho phù hợp với các quy luật đó.
Kant đặt nặng giá trị của lý tính và xem thường các yếu tính khác của con người
như: cảm xúc, ngôn ngữ hay xã hội tính.
Truyền thống
Do thái giáo và Kitô giáo về luật tự nhiên cùng chia sẻ cùng quan điểm lý tính
của Kant, nhưng lại đặt nhân tính trên nền tảng con người được tạo dựng qua
hình ảnh của Thiên Chúa. Con người phản ánh Thiên Chúa trong khả năng họ tham dự
vào sự sống của Thiên Chúa. Các lĩnh vực ngôn ngữ, lý tính, luân lý, nghệ thuật
và niềm tin tôn giáo cho thấy sự khác biệt giữa con người và loài vật. Hiện
nay, tranh luận về phẩm tính con người đang được mở rộng trong bối cảnh mà
nghiên cứu khoa học xem phôi thai và thân thể con người như là sự vật để thí
nghiệm. Các phát minh khoa học đã mang lại nhiều hiệu quả cho việc chữa trị các
bệnh nan y, nhưng cũng tạo nên nhu cầu chọn lựa hay đặt hàng về “di thể” (genes)
của thai nhi. Từ đó, bắt đầu có sự thay đổi về cách chúng ta hiểu về phẩm tính
con người xuất phát từ các nghiên cứu sinh học, tâm lý học và nhân học vốn thử
thách quan điểm của luật tư nhiên. Chúng ta hãy sơ lược qua các thách thức này
trước khi đi vào cách Thông điệp Humanae vitae dùng phạm trù luật tự
nhiên để bảo vệ phẩm giá con người.
Hiện nay
có ba quan điểm của khoa học về nhân tính. Thứ nhất là quan điểm sinh học về
“di thể” (genes) vốn xem nhân tính là một yếu tố của “người tinh khôn” (homo
sapiens). Tất cả cá thể của chủng loại này được xem là “người” ngay ở
giai đoạn sinh học sớm nhất khi các giao tử (gametes) kết tụ thành hợp tử
(zygote), vì đó là lúc bộ genes cá biệt và thiết yếu để phát triển thành
con người xuất hiện. Tuy nhiên, vấn đề là nếu phẩm giá của con người bắt đầu
ngay từ giây phút thụ tinh, thì làm sao giải thích sự khác biệt luân lý giữa một
phôi thai và một con người? Tại sao đa số chúng ta không quan tâm lắm về sự sống
của một thai nhi trong bụng mẹ cho bằng việc cứu sống một em bé 6 tháng tuổi. Thần học
gia như McCormick[3]
cho rằng, một phôi thai thì không có quyền luân lý về sự sống như là một cá thể
cho đến khi nó phát triển đến mức độ trọn vẹn - vốn xảy ra khoảng thời gian hai
tuần sau khi thụ tinh. Như thế, theo quan điểm sinh học thì cho dù phôi thai
mang nhân tính nhưng vì chưa được phát triển thành một cá thể đặc thù, nó vẫn
chưa có quyền luân lý (moral right). Do đó, quyền sống của các phôi thai
trong đĩa “petri” vẫn không được luật pháp bảo vệ.
Thứ đến,
quan điểm tâm lý-xã hội học xác định “nhân tính” theo mức độ trưởng
thành của ý thức và hành vi như: lý tính, cảm xúc, ngôn ngữ, tương quan xã hội
và luân lý. Do đó, không phải mọi phần tử của loài linh trưởng đều được xem như
là người. Theo quan điểm này, những cá thể sinh ra không não (anecephalic)
hoặc người bị tổn hại tâm trí trầm trọng đều không được xem như là con người.
Các đồng hợp tử (zygotes), phôi thai (embryo) và thai nhi (fetus)
chưa được cho là con người hoàn toàn. Lối tiếp cận tâm lý-xã hội học có vấn đề
là vì nó không cung cấp giải thích đầy đủ cho giá trị luân lý của trẻ thơ cho
dù chúng thiếu chức năng về ý thức và hành động như một người lớn. Chức năng tư
duy bị thiếu hụt hoặc chưa phát triển đầy đủ không có nghĩa là không có phẩm
tính con người. Quan điểm này đôi khi đưa đến những ý kiến quá khích rằng trẻ
thơ chưa phải là con người, và vì thế quan điểm này đã được dùng để biện hộ cho
tục giết trẻ thơ (infanticide).[4]
Thứ ba,
quan điểm nhân học khẳng định rằng nhân tính của một cá thể thì phát triển theo
mức độ sinh lý, tâm lý và xã hội. Bổn phận tôn trọng một cá thể như con người
thì tùy thuộc vào sự trưởng thành của cá thể đó. Ví dụ, trẻ con có quyền sống
nhưng không có quyền bỏ phiếu hoặc kết hôn. Lối tiếp cận này cho rằng, trách
nhiệm luân lý thì khác biệt giữa các giai đoạn phát triển của cuộc sống con người,
nhưng lại không thể xác định rõ ràng khi nào một cá nhân phát triển đầy đủ về
sinh lý, tâm lý và xã hội tính. Quan điểm này xem thường sự tự do, an toàn và hạnh
phúc của trẻ em và coi trọng quyền bảo hộ của người lớn. Nếu sự sống là một tiến
trình liên tục cùng với sự phát triển thể lý, thì giá trị luân lý của một phôi
thai đã khởi đầu ngay từ giây phút thụ tinh. Như thế, có sự mơ hồ về phẩm giá của
con người khi khoa học cho rằng một phôi thai (embryos) chỉ có quyền sống
sau khi nó được cấy thành công vào tử cung.
Trước những
xu hướng thế tục và xem thường phẩm giá của con người, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI
qua Thông điệp Humanae vitae (HV, 1965) đã dùng ngôn ngữ của luật
tự nhiên để bày tỏ quan điểm cứng rắn của Giáo hội. Ngài khẳng định phẩm giá
này có nền tảng lề luật từ Kinh Thánh vốn vượt trên thẩm quyền của Giáo hội, và
nhắc lại sự bất khả phân ly giữa hôn nhân và sinh sản trong giáo lý Công giáo.
“Giáo hội không phải là người tạo ra nền tảng luân lý, vì thế Giáo hội
không thể làm trọng tài, mà chỉ là người canh giữ, giải thích lề luật ấy. Giáo
hội không có quyền tuyên bố một điều là hợp pháp khi nó bất hợp pháp, lý do vì
ngược hẳn với lợi ích thực sự của con người. Giáo hội biết rõ rằng: Khi đứng
lên bảo vệ toàn bộ nền giáo lý hôn nhân, Giáo hội đồng thời cũng thiết lập một
nền văn minh thực sự nhân bản. Giáo hội khuyến cáo loài người không nên chối bỏ
trách nhiệm của mình và hoàn toàn phó thác cho các phương tiện kỹ thuật; chính
nhờ đó Giáo hội bảo đảm nổi phẩm giá của các đôi vợ chồng” (HV 18).
Thông điệp
Humanae vitae dùng tính cổ hữu của định luật tự nhiên trong tri thức và
lương tâm của con người vốn là những gì “vừa hợp lý vừa xứng với nhân bản”
để xác tín điều “Thiên Chúa đã quyết định” về sự nối kết giữa hôn nhân
và sinh sản.
“Tự bản tính sâu xa của nó, hành vi hôn nhân liên kết chặt chẽ hai vợ chồng,
giúp họ tạo thành những đời sống mới theo đúng những định luật cố hữu nằm ngay
trong bản thể người nam và người nữ. Chỉ khi nào cả hai hình thức cốt yếu căn bản
là giao hợp và sinh sản được duy trì, thì hành vi hôn nhân mới giữ được trọn vẹn
ý nghĩa của một thứ tình yêu chân thành giữa đôi bạn và đạt được mục đích sứ mạng
cao cả của loài người là trở thành cha mẹ. Ta thiết nghĩ rằng, những con người
của thời đại này đủ điều kiện để nhận thấy rằng nguyên tắc căn bản trên đây vừa
hợp lý vừa xứng nhân bản” (HV 12).
VẤN ĐỀ NGỪA THAI
Về vấn đề ngừa thai, bản văn Humanae
vitae đã dùng phạm trù “cứu cánh” của đạo đức học luật tự nhiên để
nói ý nghĩa sự giao hợp trong hôn nhân.
Sự trung thành với trật tự luân lý giữa giao hợp và sinh sản mà Thiên Chúa đã đặt
để vào cuộc sống của hôn nhân thì được xem như là sự trung thành với ý định của
Thiên Chúa. Ngược lại, tự lý trí chúng ta cũng có thể suy ra rằng mọi hành vi
bào mòn mối liên kết tự nhiên này là trái ngược với thánh ý của Thiên Chúa.
“Ngoài ra, chỉ cần
suy nghĩ kỹ, ta sẽ nhận thấy khi một hành vi hôn nhân giữa hai người phối ngẫu
phá hoại khả năng lưu truyền đời sống, một khả năng mà Chúa tạo thành, đã liên
kết hẳn với hành vi hôn nhân theo những định luật riêng, thì hành vi ấy trái
ngược với ý định cấu tạo của hôn nhân cũng như với ý muốn của Ðấng Tạo Thành sự
sống. Vì thế, nếu người ta sử dụng quyền năng của Thiên Chúa ban để phá hủy -
dù chỉ phá hủy một phần - ý nghĩa và cứu cánh của nó, thì người ta quả đã đi
ngược lại bản tính về mối tương quan sâu xa giữa người người nam và người nữ,
và đồng thời chống lại chương trình và ý muốn của Thiên Chúa” (HV 13).
Luật tự nhiên khẳng định rằng,
chúng ta không có toàn quyền trên thân xác mình thì chúng ta cũng không có toàn
quyền trên các khả năng tạo ra mầm sống. Do đó, khi tôn trọng các định luật tự
nhiên về diễn biến của mầm sống cố hữu trong việc giao hợp, thì chúng ta cũng
phải “công nhận rằng mình không nắm quyền ‘sinh sát’ đối với nguồn mạch
của đời sống con người” (HV 13).
Hơn nữa, bản văn đã dùng các phạm
trù “mục đích” và “phương tiện” của luật tự nhiên trong cách biện
phân về luân lý của sự sống. “Chúng ta cũng không có quyền chấp nhận bất cứ
một hành vi nào có mục đích hay dùng làm phương tiện để ngăn chặn việc sinh sản,
hoặc trước khi hoặc đang khi làm hành vi hôn nhân, hoặc làm trở ngại việc diễn
tiếp tự nhiên của hành vi ấy” (HV 14).
Tuy nhiên, có những trường hợp cần
phải nại đến nguyên tắc song hiệu của luật tự nhiên để biện minh cho việc dùng
phương pháp tránh thai tự nhiên trong dự tính điều hòa sinh sản trong cuộc sống
hôn nhân.
Trong thực tế, phải công nhận rằng:
thỉnh thoảng người ta có quyền chấp nhận một tai hại nhỏ để tránh một tai hại lớn
hoặc để thực hiện một việc tốt đẹp. Nhưng không bao giờ ta được phép làm một việc
ác để đạt tới một sự thiện (Rm 3,8) nghĩa là được phép tùy ý làm một việc tự bản
tính nó vốn xấu hoặc một việc bất xứng với nhân cách, dầu là với mục đích bảo vệ
hay tạo ra điều tốt cho cá nhân, gia đình hay xã hội (HV 14).
“Giáo hội cho biết
có thể căn cứ vào các chu kỳ tự nhiên, cố hữu của cơ năng sinh sản để làm hành
vi hôn nhân trong những thời gian không đậu thai, và chỉ có phương pháp điều tiết
sinh sản ấy mới không đi ngược lại những nguyên tắc luân lý căn bản mà Ta vừa
nhắc nhở trên đây”
(HV 16).
Tuy chấp nhận phương pháp ngừa thai
tự nhiên, Giáo hội vẫn lưu tâm đến những hậu quả nghiêm trọng về sự suy đồi
luân lý, coi thường phẩm giá của phụ nữ, cùng với sự can thiệp hay ràng buộc của
nhà nước về các phương pháp ngừa thai nhân tạo. Bản văn của Thông điệp Humanae
vitae đã kết nối luật tự nhiên với thẩm quyền của Thiên Chúa để vạch ra những
ranh giới thiêng liêng về phẩm giá và sự sống của con người mà cá nhân hay
chính quyền nhà nước không được phép vượt qua.
“Nếu để con người
tự do áp dụng những phương pháp ngừa sinh sản, dần dần có thể họ sẽ hết kính trọng
người phụ nữ, mà khi đã coi thường sự thăng bằng về tâm lý và thể lý của người
phụ nữ, cuối cùng họ sẽ coi đó là dụng cụ thỏa mãn dục tính một cách ích kỷ, chứ
không coi đó là người bạn đời đáng mến, đáng trọng nữa.
Nếu các đôi vợ chồng
được phép hạn chế sinh sản vì lý do gia đình, thì lấy cớ gì cấm đoán các chính
quyền áp dụng chủ trương ấy để giải quyết các vấn đề của tập thể? Lúc đó, ai sẽ
có quyền cấm đoán một chính phủ không những tán thưởng mà hơn thế nữa còn ép buộc
dân chúng phải áp dụng những phương pháp ngừa thai mà họ cho là hiệu nghiệm hơn
cả?
Vậy nếu ta không
muốn để loài người được quyền độc đoán quyết định về sứ mạng lưu truyền sự sống
thì ta bó buộc phải chấp nhận một ranh giới nhất định ngăn cấm không cho ai vượt
qua [...] Không ai dù với tư cách cá nhân, dù với tư cách chính quyền, được
phép hủy bỏ ranh giới trên. (HV 17)
VẤN ĐỀ PHÁ THAI
Đạo đức học luật tự nhiên khẳng định
rằng, một hành vi chỉ được phép thi hành nếu ý định và hệ quả của nó phù hợp với
các giá trị nền tảng, và bị cấm nếu nó đi ngược với luật tự nhiên. Luật tự
nhiên không cho phép dùng bất cứ cứu cánh nào để biện minh cho phương tiện xấu.
Quan điểm của Giáo hội cũng vậy: “Ta thấy cần phải tuyên bố một lần nữa
là: không thể nào chấp nhận - lý do vì việc đó bất hợp pháp - việc điều hòa
sinh sản bằng cách trực tiếp ngăn chặn sự diễn biến đã khởi sự một mầm sống, và
nhất là việc cố ý phá thai dù với lý do y tế” (HV 14)
Tuy nhiên trong thực tế, có nhiều
trường hợp có hành vi đi ngược với một trong các giá trị của luật tự nhiên
nhưng sẽ mang lại hệ quả tốt. Nguyên tắc song hiệu sẽ được dùng với các điều kiện
khắt khe của nó phải được thỏa mãn. Đối với trường hợp một phụ nữ mang thai và
tử cung bị ung thư, việc trị liệu tử cung bị ung thư sẽ tạo nên hiệu quả tốt
cho người mẹ và có thể gây nên cái chết của thai nhi. Cái chết của thai nhi – một
thảm họa mà không ai muốn – không phải là phương tiện để đạt đến hệ quả tốt,
nhưng là hệ quả xấu không thể tránh được. Nguyên tắc song hiệu cho phép bác sĩ
điều trị hoặc cắt bỏ tử cung bị ung thư nếu không có cách nào khác để cứu người
mẹ, dù biết rằng hành vi này sẽ tiêu hủy sự sống của bào thai. Việc cho phép
này không phải vì sự sống của người mẹ có giá trị nhiều hơn so với sự sống của
bào thai, nhưng vì việc điều trị hay cắt bỏ tử cung bị ung thư không nhắm trực
tiếp đến cái chết của bào thai, mà cái chết của bào thai chỉ là một hệ quả gián
tiếp của một hành vi trị liệu hay cắt bỏ bộ phận bị ung thư.
Trong những
trường hợp phải trực tiếp giết bào thai để cứu mạng sống người mẹ thì nguyên tắc
song hiệu sẽ không biện hộ được. Trước khi khoa phụ sản tân thời phát triển với
những kỹ thuật tân tiến, chỉ có cách cứu người mẹ có bào thai bị kẹt trong tử
cung khi sinh là đập vỡ sọ của bào thai, nhưng hành vi này trực tiếp gây ra cái
chết của bào thai. Tuy nhiên, nếu để cho người mẹ chết vì bào thai bị kẹt trong
tử cung, thì bào thai chắc chắn cũng sẽ bị chết. Bác sĩ sẽ bị kết án là giết
người nếu ông ta làm cho bào thai chết để cứu người mẹ; nhưng ông sẽ không bị kết
án như thế, nếu cái chết xảy ra một cách tự nhiên. Ví dụ này quan trọng trong
việc đạo đức học luật tự nhiên sẵn sàng tìm cách lý luận để bảo vệ tính tuyệt đối
của các mệnh lệnh trong luật tự nhiên.
Khi phân tích vấn đề phá thai hay hủy
sự sống của một bào thai bị lỗi DNA (Deoxyribo Nucleic Acid), thì luật tự
nhiên cần phải xét về bản chất tự nhiên của những đối tác có liên hệ, cũng như
ý định và hệ quả của hành vi. Luật tự nhiên khẳng định có sự khác biệt chân thực
giữa các loài. Cho dù giết một con người và giết một con vật cũng là lấy đi mạng
sống của một sinh linh. Nhưng phá thai là lấy đi sự sống của một hữu thể có phẩm
giá tự nhiên của con người. Tiêu diệt một bào thai bị lỗi DNA hay có dị tật là
chấm dứt một tiến trình hoạt động vốn chưa đi qua ngưỡng cửa phân biệt sống và
chết. Thiếu hiệu năng hoạt động không có nghĩa là không có sự sống. Cho dù “con
người” có rất nhiều sự tương đồng về thể lý với loài linh trưởng, nhưng ở mức
độ DNA vẫn có sự khác biệt.
Không chỉ thế, tất cả mọi tế bào
trong cơ thể của cá nhân đều mang ký tự DNA đặc thù của riêng mình. Hiểu theo
ký tự DNA, ở bất cứ mức độ phát triển nào của một cá thể: từ vi hợp tử (zygote),
phôi thai (embryo), thai nhi (fetus) cho đến một em bé (baby), thì bản chất tự nhiên của người ấy
đều giống hệt như nhau, và đều có tiềm năng phát triển đến mức độ trưởng thành
với các điều kiện cho phép. Sai lỗi về DNA không thể loại bỏ tính “người,”
và đây là nền tảng phân biệt của luật tự nhiên. Cho dù được luật pháp biện hộ,
nhưng việc phá thai hay tiêu hủy một thai nhi với DNA bị lỗi cũng đều là hành
vi cố ý dùng phương tiện xấu (giết người)
để đạt đến hệ quả mà chúng ta muốn có. Nguyên tắc căn bản của luật tự nhiên là
cùng một loài thì phải được đối xử cho xứng đáng với bản tính tự nhiên của loài
đó. Thiếu khả năng thi hành những hoạt động không có nghĩa là chết, và biến đổi
con người thành phần tử của một loài khác tức là xúc phạm đến bản tính tự nhiên
và quyền sống tự nhiên của con người.[5]
Trong mọi hoàn cảnh, nguyên tắc
song hiệu có thể được dùng để giải quyết những vấn đề nan giải về sự sống. Cả bốn
điều kiện của nguyên tắc song hiệu cần phải được thỏa mãn trước khi thực hiện
hành vi.
Thứ nhất, hành vi sắp được thực hiện
phải là tốt tự chính nó, hoặc ít nhất là không gây tác hại. Phá thai là trực tiếp
lấy đi mạng sống của một con người vô tội và xem thường sự sống. Các trường hợp
phá thai khi bị hãm hiếp hay loạn luân, cũng như việc dùng phôi thai để nghiên
cứu tế bào gốc hay tạo bản sao con người (cloning) đều là trực tiếp xúc
phạm đến luật tự nhiên. Tuy nhiên, những trường hợp như hóa trị hay phẫu thuật
cắt bỏ tử cung bị ung thư có thể được phép với mục tiêu cứu mạng sống của người
mẹ, cho dù có thể gây nên cái chết không định ý của bào thai, miễn sao cả ba điều
kiện còn lại được thỏa mãn.
Thứ hai, hệ quả xấu không phải là cố
ý nhưng chỉ được phép xảy ra như là tác dụng phụ của việc thực hiện một hành vi
tốt. Điều này có nghĩa là cái chết của đứa trẻ chưa sinh ra không thể là ý định.
Mặt khác, trong trường hợp dùng hóa trị hay cắt bỏ tử cung bị ung thư, thì cái
chết của bào thai chỉ được phép như là tác dụng phụ của một hành vi tốt.
Thứ ba, hệ quả xấu không thể là
phương tiện để đạt đến hệ quả tốt. Cái chết của đứa trẻ không thể được
dùng như là một phương tiện cho mục tiêu hạn chế sinh sản, ngăn ngừa thai nhi
khuyết tật, công việc làm ăn, cho dù tất cả là lý do tốt.
Thứ tư, hệ quả tốt phải hơn nhiều
so với hệ quả xấu. Tốt hơn, hãy chọn cách nào khác để đạt đến hệ quả tốt mà
không gây nên hệ quả xấu. Các lý do như giữ sự cân đối cho thân thể người phụ nữ,
giới tính của đứa trẻ, hay tránh tiếng gièm pha của công chúng đều là những lý
do không xứng đáng để cho phép việc hủy mạng sống của một bào thai. Nếu liệu
pháp nào khác mà có thể tránh gây ra cái chết của bào thai thì chúng ta phải chọn
con đường đó.
QUYỀN SỐNG CỦA
PHÔI THAI?
Trong hoàn cảnh thụ tinh bình thường
của con người, khoảng 50% phôi thai sẽ được cấy vào màng tử cung, và hơn 90% của
các phôi thai này sẽ trở thành thai nhi và ra đời. Nếu việc cấy phôi không xảy
ra trước giai đoạn 14 ngày kể từ giây phút thụ tinh, thì đa số phôi thai sẽ
không phát triển đầy đủ để trở thành một cá thể đặc thù. Vấn đề là phôi thai
không có bộ genes phát triển đầy đủ thì quyền sống của nó có phải được bảo vệ
không? Nếu tất cả phôi thai đều có quyền sống, thì các cặp hôn nhân tạo nên các
phôi thai trong ống thí nghiệm đều phải có trách nhiệm tìm người mang thai hộ
cho các phôi thai mà chưa được cấy. Đây là một trách nhiệm quá lớn và không thể
đòi hỏi nơi các cặp hôn nhân đang muốn dùng phương pháp thụ thai nhân tạo. Đây
là một lưu tâm thực tế chứ không phải luân lý, nhưng nó đang được chấp nhận rộng
rãi và bởi đa số giữa những người tìm kiếm thụ thai nhân tạo.[6]
Mặt khác, có ý kiến cho rằng một
phôi thai không được cấy vào tử cung thì không khác gì một phôi thai được cấy.
Phôi thai không thể phát triển thành con người bên ngoài tử cung nhưng vẫn có
giá trị luân lý. Nếu khoa học có khả năng làm ra một tử cung nhân tạo thì việc
cấy phôi thai sẽ mất đi tính luân lý của nó. Một khi phôi được cấy vào tử cung
tự nhiên hay tử cung nhân tạo với đủ điều kiện, thì nó sẽ nhận được một hình thức
sự sống theo quỹ đạo bình thường qua các chất xúc tác vốn kích thích tiến trình
phát triển của một thai nhi. Trong lúc đó, phôi thai chưa được cấy vào tử cung
cũng mang một hình thức sự sống nhưng hình thức đó sẽ không mang đến kết quả của
trưởng thành và sinh nở. Do đó, để có việc cấy vào một tử cung thành công là cơ
hội cho sự triển thành một đứa trẻ.
Nếu phôi thai không được cấy thì
không có quyền sống, nhưng nó có quyền gì khác không? Quyền được sống là căn bản,
vì nếu không có quyền đó thì một thực thể cũng không có bất cứ gì hết. Tuy
nhiên, khi không có quyền sống thì quyền được đối xử cách tôn trọng vẫn còn đó.[7] Người tử
tù cho dù mất quyền sống và bản án tử hình phải được thi hành, nhưng không phải
vì thế mà chúng ta được phép tra tấn, lạm dụng hay nhục mạ người tử tù trong tiến
trình hành quyết. Các nghi thức cuối đời, như một điếu thuốc hay bữa ăn cuối
cùng cần phải được tôn trọng vì chúng phản ảnh phẩm giá của người tử tù. Thổ
dân sống nghề săn bắn ở Mỹ vẫn cầu nguyện và tạ ơn các con bò rừng đã cho họ thịt
và bộ lông sau khi giết chúng. Điều này trái ngược với cách các đại công ty Hoa
Kỳ tiêu diệt hàng ngàn con bò rừng để mở rộng các lộ trình hỏa xa hay trên danh
nghĩa phát triển kinh tế.
Do đó, nếu phôi thai không được cấy
vẫn có quyền được đối xử cách trân trọng thì ít nhất nó không nên bị tiêu hủy một
cách phí phạm hoặc xem như tài sản để buôn bán hay thí nghiệm. Các phôi thai bị
chết này đã được tạo nên trong tiến trình thụ thai trong ống thí nghiệm (invitro
fertilization), và sự sống của chúng đã giúp cho hành trình một đứa trẻ được
sinh ra. Vì thế, một phôi thai chết trong tiến trình lấy tế bào gốc để nghiên cứu
y khoa hay chữa bệnh, thì sự sống đó không bị phí phạm. Cho dù luật pháp Hoa Kỳ
cho phép hủy những phôi thai đông lạnh sau những cuộc ly hôn nhưng vẫn không
cho phép giao dịch hay đặt hàng phôi thai cho dù chúng không có quyền sống như
một con người.
NGHIÊN CỨU TẾ BÀO
GỐC
Tranh luận gần đây về chủ đề nghiên
cứu tế bào gốc đã mở rộng phạm vi áp dụng của luật tự nhiên. Nghiên cứu tế bào
gốc (stem cells),
hay những tế bào có khả năng phân chia liên tục để tạo ra các tế bào
khác trong cơ thể, đã tạo nên nhiều kỳ vọng.[8] Cho dù các
nghiên cứu này có đem lại hiệu quả thiết thực cho ngành y khoa trị liệu, nhưng
vấn đề vẫn còn đang tranh cãi là ở chỗ nguồn liệu của các tế bào gốc. Các tế
bào gốc lấy từ người trưởng thành để nghiên cứu thì không có ảnh hưởng gì đáng
kể đến sức khỏe của bệnh nhân. Vì người hiến tế bào gốc tự do chọn lựa ý muốn của
mình trong việc nghiên cứu khoa học và trị liệu, cho nên không liên quan gì đến
vấn đề luân lý. Việc thí nghiệm tế bào gốc lấy từ người trưởng thành thì thường
được cho phép. Một nguyên tắc hữu dụng từ luật tự nhiên cho rằng, nếu việc
nghiên cứu không mang lại lợi ích gì trên người đang được thí nghiệm mà chỉ
giúp tha nhân, thì ít nhất nó không được gây tổn hại đến người đang được thí
nghiệm.
Thế nhưng, khi thí nghiệm tế bào gốc
từ phôi thai, thì cần phải dùng một phần của phôi thai để chiết xuất cơ cấu DNA
- vốn là chữ ký riêng của một phôi thai và sẽ tiếp tục giữ mãi căn tính riêng
biệt suốt cả cuộc đời của người đó. Việc nghiên cứu này bao gồm việc sử dụng và
sau đó hủy bỏ một phôi thai trong tiến trình tạo ra tế bào gốc. Hơn nữa, khi
dùng DNA của một sự sống để thí nghiệm và phát triển chúng theo một đường hướng
nhằm phục vụ cho mục tiêu của sự sống khác, thì sẽ xúc phạm đến việc dùng thân
xác của một người vô tội như là phương tiện cho cứu cánh khác hơn là cho chính
người đó. Luật tự nhiên bảo vệ quyền căn tính và cứu cánh của con người, từ
giây phút thụ tinh cho đến lúc từ bỏ cuộc đời. Nếu những giá trị này không được
bảo đảm, thì chúng ta đang đối xử với mọi người không như cách họ đang mang bản
tính tự nhiên của “con người.” Mỗi một cá thể con người đều xứng đáng được
xã hội bảo vệ quyền sống tự nhiên này.
Nhiều hành vi đe dọa phẩm giá con
người có thể là luân lý hay không luân lý, và thường là hợp pháp vì chúng không
xúc phạm đến sự tự do của con người. Tuy nhiên, khi dùng tế bào gốc từ con người
để thí nghiệm, xã hội nên suy tư về cách bảo vệ phẩm giá của con người. Con người
có những quyền lợi và trách nhiệm, và xứng đáng được đối xử cách trân trọng với
phẩm giá vốn được thiết lập trên giá trị của trí hiểu biết, khả năng phán đoán
luân lý và thưởng thức nghệ thuật, ngôn ngữ, xã hội và tôn giáo. Sự tôn trọng
cho phẩm giá tự nhiên cần được thực thi ở mọi mức độ phát triển cho dù một thai
nhi hay đứa trẻ chưa có nhiều quyền lợi như một người lớn. Phẩm giá của con người
bắt đầu từ giây phút thụ thai, nhưng lại không có quyền sống cho đến khi phôi
thai được cấy vào tử cung. Một phôi thai trong “dĩa Petri” cũng có quyền
được tôn trọng cho dù không có quyền sống.[9]
Mọi hành vi xúc phạm và đe dọa phẩm giá của con người cho dù không phạm pháp
nhưng vẫn là sự vi phạm luân lý.
Chúng ta có thể xét phẩm giá con
người trong việc đặt hàng về các sản phẩm phôi thai hoặc tế bào gốc. Phôi thai
cho dù không được cấy vào tử cung thì cũng phải được tôn trọng và không xem như
là một món hàng có thể mua bán hay sắp đặt DNA theo ý muốn của khách hàng. Các
loại tế bào gốc có khả năng biến đổi và phát triển thành những tế bào khác thì
chưa phải là phôi thai. Các hợp tử tế bào gốc không có quyền gì cả, chúng được
dùng trong việc thí nghiệm, buôn bán hay đặt hàng để điều trị các bệnh nan y.
Khoa học còn đang tìm hiểu tính hiệu lực và những nguy hiểm đến mạng sống con
người trong việc điều trị bằng tế bào gốc với DNA được chế biến theo nhu cầu.
Công việc nghiên cứu tuy không xúc phạm đến phẩm giá con người, nhưng nhiều hậu
quả pháp lý chưa lường được hết trong tiến trình giao dịch, chế biến hay đặt
hàng tế bào gốc. Các cơ quan nghiên cứu tế bào gốc đang tìm sự hỗ trợ pháp lý
trong việc cấp giấy phép, công chứng, lưu trữ, chế biến, tạo tế bào gốc từ các
hợp tử.
VẤN ĐỀ AN TỬ &
TRỢ TỬ
Luật tự nhiên cũng có thể được áp dụng
trong trường hợp an tử (euthanasia) hay trợ tử (assisted suicide),
tức là có sự trợ giúp của bác sĩ cho những người cao tuổi, mang bệnh nan y, hay
bị tai nạn quá mức mà không thể hồi phục được. Tương tự như trường hợp phá thai
và hủy thai có DNA bị lỗi, luật tự nhiên đòi hỏi chúng ta phải bảo vệ quyền sống
tự nhiên của con người. Vấn đề an tử thì rất phức tạp, vì nó không chỉ liên
quan đến những người không thể nói lên ý muốn của họ, mà còn liên quan đến cả
những người bệnh nặng và rất đau đớn muốn bác sĩ giúp họ chấm dứt cuộc sống. Những
người dùng thuyết vị lợi thường có khuynh hướng cho phép an tử, cả trong trường
hợp có sự trợ giúp của bác sĩ, hay cho phép bệnh nhân chết theo chính sách của
cơ quan y tế khi họ không thể tự nói lên ý định của mình. Luật tự nhiên chống lại
cách lý luận này.
Một lý do thiết yếu là luật tự
nhiên khẳng định sự sống con người là bất khả xâm phạm, không được lấy đi và
cũng không được cho đi. Đối với trường hợp người lính ra chiến trường, cái chết
do mình gây nên hay phải chịu đựng xuất phát từ quyền tự vệ và làm chứng cho một
giá trị luân lý cao hơn (tử đạo). Cái chết gây ra do bảo vệ tổ quốc được
biện hộ bởi luật tự nhiên qua nguyên tắc song hiệu.
Luật tự nhiên “không đòi buộc”
phải dùng mọi “phương tiện ngoại lệ” để kéo dài sự sống, nhưng “cấm”
mọi ý định hay hành vi chấm dứt sự sống của người vô tội, cho dù bệnh nhân bày
tỏ ý muốn như thế. Tuy nhiên, nhu cầu giảm bớt sự đau đớn về thể xác cũng được
cân nhắc theo luật tự nhiên. Phương pháp “đắp chăn” (pallative care: áo khoát hay chăn đắp giữ ấm cơ thể) nhằm xoa dịu nổi
đau và tạo sự thoải mái cho bệnh nhân chứ không phải để trị liệu, vốn có thể được
áp dụng khi mọi phương án chữa bệnh không còn khả thi, hoặc bệnh nhân quyết định
ngưng việc điều trị. Mục tiêu của phương pháp này là nhằm giảm bớt đau đớn chứ
không phải làm cho chết sớm, cho nên có thể thỏa mãn các điều kiện của nguyên tắc
song hiệu. Một số thuốc giảm đau có tác dụng phụ làm cho cơ thể bệnh nhân yếu
đuối hơn trước cái chết, nhưng ý định và mục tiêu là giảm đau chứ không phải là
gây nên cái chết.
[1] Ethics,
Reproduction and Genetic Control, biên
soạn: Ruth F. Chadwick (Routledge, New
York, 1987).
[2] Phaolô VI, Thông điệp Sự Sống
Con Người (Humane Vitae - HV). https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/,
truy cập ngày 29/5/2023.
[3] Richard A. McCormick. “Who or What
is the Pre-embryo?” Trong đặc san Kennedy Institute of Ethics Journal 1
(1991): 1-15.
[4] https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2018/10/03/631892291/why-infanticide-is-a-problem-in-senegal,
truy cập ngày 19/7/2023.
[5] Ruth F. Chadwick, “The Perfect
Baby: Introduction.” Trong Ethics, Reproduction and Genetic Control,
biên soạn: Ruth F. Chadwick (Routledge Press, New York, 1987), tr. 93 -135.
[6] W. French Anderson, “Human Gene
Therapy: Scientific and Ethical Considerations.” Trong Ethics,
Reproduction and Genetic Control, biên soạn: Ruth F. Chadwick (Routledge
Press, New York, 1987), 147 -163.
[7] https://muse.jhu.edu/article/245596,
truy cập ngày 17/05/2023.
[8] Robert L. Sinsheimer, “The
Prospect of Designed Genetic Change.” Trong sách Ethics, Reproduction and
Genetic Control, biên soạn: Ruth F. Chadwick (Routledge Press, New York,
1987), 136 -146.
[9] https://en.wikipedia.org/wiki/Petri_dish,
truy cập ngày 17/5/2023.