Nghèo trong Chúa Cứu Thế

 

Giuse Vũ Tuấn Anh

Hiến pháp số 61 của DCCT ghi rằng: “Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế mang lấy sự nghèo khó của Đức Kitô.” Vậy, mỗi tu sĩ DCCT cũng không thể quên mục đích này, là chúng ta trở nên nghèo để làm cho tha nhân trở nên giàu có.

Thế giới luôn biến chuyển và đổi thay cách nhanh chóng. Nó đòi hỏi ta cũng phải đáp ứng và thích nghi cho phù hợp với hoàn cảnh thời đại. Đây là một đòi hỏi cực kỳ chính đáng và thiết yếu trong cuộc sống thường nhật cũng như trong chính đời tu. Chúng ta, với tư cách là tu sĩ DCCT, cũng không thể thoát khỏi nhu cầu khẩn thiết này. Chính sự cấp bách và khẩn thiết ấy đôi khi khiến chúng ta ngộp thở và chới với giữa những đổi thay. Ta bị cuốn vào vòng xoáy đó với những đam mê thay đổi, thay đổi và thay đổi. Đôi lúc, chúng ta chỉ ham đổi mới mà quên mất cái căn cốt của đời tu, cái căn tính của một tu sĩ DCCT. Vì thế, trong bài viết ngắn này, tác giả muốn đề cập một chút về cái nghèo-cái nghèo căn cốt làm nên căn tính của DCCT. Mong rằng, giữa những thích nghi của cuộc sống, mọi tu sĩ DCCT luôn giữ được cái hồn, cái nguồn làm nên đời tu trong Dòng Thánh này.

Hiến pháp số 61 của DCCT ghi rằng: “Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế mang lấy sự nghèo khó của Đức Kitô.”[1] Thật vậy, không một tu sĩ DCCT nào mà lại không biết đến câu này. Cái nghèo của Đức Kitô là cái nghèo “làm cho chúng ta giàu có” (2 Cr 8,9). Đó là cái nghèo tột cùng, nghèo trút hết đi tất cả những gì mình sở đắc. Từ một Thiên Chúa quyền năng và đầy vinh quang, Chúa đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” và chọn chết như một tên gian phi (x. Pl 2,6-8). Chính trong cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã bỏ đi hết những gì thuộc về mình, kể cả ý riêng-cái mong muốn khỏi uống chén đắng-để “ý Cha thể hiện.” Cái chết đó là lễ hy sinh vẹn tuyền dâng lên Chúa Cha. Từ đây, chúng ta không còn phải cố dâng lên những lễ vật trần gian nhằm thỏa lòng Đấng Tối Cao nhưng chính Đức Giêsu đã dâng lễ vật và cho chúng ta làm nghĩa tử. Nhờ đó, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, được cùng hưởng vinh quang với Người. Như vậy, cái nghèo của Đức Kitô là cái nghèo giúp cho mỗi người chúng ta trở nên giàu có. Giàu có bởi chúng ta được ân sủng lớn lao nhất: được làm con trong Con và chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa.

Vậy, mỗi tu sĩ DCCT cũng không thể quên mục đích này, là chúng ta trở nên nghèo để làm cho tha nhân trở nên giàu có. Giàu có không chỉ ở những giá trị trần gian, nhưng quan trọng hơn hết là những giá trị siêu việt: được nhận biết Chúa Giêsu Kitô, được tháp nhập vào Hội Thánh và trở nên những người con trong Con. Tất nhiên, chúng ta không nghèo để trở nên thiếu thốn cùng khổ-một sự dữ làm con người không sống đúng với phẩm giá của mình. Nghèo cũng không phải là thu tích công nghiệp hay khinh chê những giá trị trần thế vì Chúa tạo dựng mọi sự để phục vụ công trình cứu độ. Thật ra, cái nghèo của tu sĩ DCCT là để phục vụ Tin Mừng, phục vụ tha nhân (người nghèo) và phục vụ nhà Dòng.[2] Vì thế, tu sĩ DCCT không khinh chê của cải vật chất, nhưng sử dụng chúng như một phương tiện để mang lại “vinh quang cho Thiên Chúa và ơn cứu độ trần gian.”

Thế nhưng, theo thời gian, chúng ta dường như lờ đi hoặc quên mất cái nghèo bắt nguồn từ sự nghèo khó của Đức Kitô mà dần lấy mình làm quy chuẩn để đưa ra nhiều cái nghèo theo cách nghĩ của từng người. Chúng ta tạo nên những thước đo để so sánh, xét đoán người khác với ước mong họ sẽ sống nghèo theo ý mình. Đành rằng phương pháp tiếp cận cái nghèo phải luôn đổi mới cho phù hợp với hoàn cảnh thời đại, nhưng nếu quên mất đi cái GỐC, và chỉ còn nhớ cái TÔI, chúng ta sẽ trở nên những nhà làm luật đang “bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác” (Mt 23, 4). Còn bản thân chúng ta thì sao? Rốt cuộc là không giữ, hoặc chỉ giữ những gì mình cho là đúng.

Vậy nên, tu sĩ thừa sai DCCT được mời gọi để cho Lời Chúa dẫn lối và và giữ lấy Hiến Pháp khi bước trên con đường theo Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế trong Dòng Thánh. Chỉ khi con tim chúng ta dành cho Thiên Chúa, thì trong Chúa chúng ta mới dành cho nhau. Một khi sống cái nghèo của Đức Kitô, ta mới chia sẻ với tha nhân tất cả, không chỉ những gì dư thừa mà còn là những gì thiết yếu đối với chúng ta. Đó là nguyên tắc chia sẻ công bằng-không phải công bằng đổi chác nhưng là công bằng của lòng xót thương, trao ban chính cả con người và hết những gì mình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Chúng ta sẽ sống khó nghèo thực sự khi tài sản cuối cùng còn lại chỉ là: Thiên Chúa, anh em và người nghèo. Đó cũng là lúc chúng ta sống đức vâng phục và khiết tịnh cách trọn hảo.



[1] x. Hiến pháp và Quy luật DCCT, # 61.

[2] x. Hiến pháp và Quy luật DCCT, # 62.

Nghèo Trong Chúa Cứu Thế

Labels:
Học viện Thánh Anphongsô