Lời
mời gọi “canh tân vì sứ vụ” gửi đến “những thừa sai của hy vọng theo bước chân
Chúa Cứu Thế”[1] trong bối cảnh của “tiến
trình hiệp hành” đang diễn ra, đã thúc bách
người tu sĩ trẻ làm mới lại lối sống, làm mới lại tương quan tình huynh đệ
trong chính đời sống cộng đoàn. Bởi vì,
đời sống cộng đoàn như là một hồng ân,
là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, còn tình
huynh đệ được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng tình yêu Đức Kitô. Tình
huynh đệ trong cộng đoàn như là một điểm tựa để sứ vụ loan báo Tin Mừng được lớn
lên và sinh hoa kết quả.[2] Vì vậy, để có một tầm
nhìn và để hiện thực hoá tình huynh đệ
trong đời sống cộng đoàn theo năm tháng không phải là việc tầm
thường quen thuộc “hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh” như trong sách Khải Huyền chương
3 câu 6 nhưng là tình huynh đệ như men nồng rượu mới.
Tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn-một hình ảnh đẹp mang
tính ngôn sứ
Các
tu sĩ sống trong cộng đoàn tu trì là những người được Thiên Chúa gọi đích danh
và chính Thiên Chúa thánh hiến từng người một để
họ sống hiệp thông với chính Người và với anh em,
để chia sẻ cuộc sống và sứ vụ của Người (x. Mc 3,13-15). Thánh vịnh 132
là một trong những thánh vịnh đã diễn tả về tình
huynh đệ hiệp nhất yêu thương trong đời sống cộng đoàn cách sống động và mang đậm
tính Ngôn sứ: Ngọt ngào tốt
đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau, như dầu quý đổ trên đầu, xuống
râu xuống cổ áo chầu Aharon, như sương từ đỉnh Khécmôn, toả trên đồi núi Xion lan tràn, nơi đây ân huệ CHÚA ban, chính là sự sống chứa chan muôn đời. Các tu sĩ sống trong cộng đoàn với tinh thần hiệp nhất yêu
thương như thế là những chứng tá của niềm vui Tin Mừng. Trên hết, qua việc
tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, các tu sĩ thoát
khỏi những trở ngại để đạt tới đức ái nhiệt thành. Người tu
sĩ
sống chung với
nhau
cũng là dấu chỉ mang
tính ngôn sứ trong sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, Đấng mà họ phải yêu mến
trên hết mọi sự.
Hơn
nữa, qua kinh nghiệm hằng ngày của sự hiệp thông trong đời sống, trong cầu nguyện
và hoạt động tông đồ, đời sống cộng đoàn là
dấu chỉ của tình huynh đệ. Trong một thế giới bị tổn thương và thường bị chia rẽ
do xung đột, thì tình huynh đệ
trong đời sống cộng đoàn là chứng tá khi họ để chung của cải,
sống yêu thương nhau, sinh hoạt và học tập chung với nhau. Bởi vì khi đó họ
đã chấp nhận lời mời gọi đi theo sát Chúa Kitô cách triệt để hơn. Người là Ngôi
Lời đã được Chúa Cha sai đến. Do đó, với tư
cách là Trưởng Tử của một đàn em đông đúc, Người thiết lập một tình huynh đệ mới
trong ân huệ của Thánh Thần.[3]
Tình huynh đệ như men nồng rượu mới
Tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn được
xây dựng và phát triển như là điểm tựa để mỗi người “ra
đi” đến với các vùng “ngoại biên” hầu mang ánh
sáng Tin Mừng của Chúa đến với mọi người. Đồng thời tình huynh đệ này cũng góp phần làm men, muối cho sứ vụ
chứ không chỉ dừng lại ở những tiện nghi trong cộng đoàn.[4]
Tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn không chỉ bị giới hạn bởi những bức tường,
hay bởi những con người xác định cùng với những luật lệ để bảo vệ
và tạo nên những thói quen đóng khung thành biên giới an toàn, mà còn vượt ra
khỏi tất cả những điều đó để luôn được Tin Mừng biến đổi như men nồng rượu
mới. Tính mới mẻ này gây bất ổn cho những người quen lặp đi lặp lại một mô hình
đơn điệu, trong đó tất cả mọi thứ đã được dự tính và đóng khung. Chúng ta thấy cách thức mà Chúa Giêsu đã dùng
để thực thi sứ vụ loan báo Vương quốc Thiên Chúa là dựa
trên luật tự do (x. Gc 2,12)
cho phép Ngài đi vào tương quan với con người và với những tình huống cụ
thể một cách mới mẻ.[5]
Cách
thức này có cả màu sắc và hương vị của
một loại rượu mới mà các tu sĩ được mời
uống như là để thực thi sứ vụ cách mới hơn trong những thách đố đang phải đối diện
phía trước.
“Rượu mới phải được chứa đựng trong bầu da mới”-Đức
Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ tu sĩ sống tình huynh đệ trong cộng đoàn với niềm
vui và can đảm canh tân để đáp ứng với những thách đố mới, can đảm loại bỏ những
thói quen và truyền thống đã lỗi thời nhưng cũng không đánh mất đi giá trị của
đời sống thánh hiến:
Tin
Mừng mang lại cho chúng ta điều gì? Chính là niềm vui và sự mới mẻ. Cho sự mới
lạ, là sự mới mẻ; với rượu mới thì bầu da cũng phải mới. Đừng sợ thay đổi mọi
thứ theo luật Tin Mừng. Giáo hội yêu cầu chúng ta bỏ lại một bên các cơ cấu đã
lỗi thời: chúng không còn hữu ích nữa! Hãy đón nhận những bầu da mới, bầu da
Tin Mừng. Tin Mừng là sự mới mẻ. Người ta chỉ có thể sống Tin Mừng cách trọn vẹn
bằng một tâm hồn vui tươi và một con tim được đổi mới.[6]
Hơn nữa, trong bối cảnh xã hội bị xâu xé bởi những thế lực phân rẽ do đam mê và xung đột quyền lợi, con người khao khát sự hiệp nhất nhưng không biết đường nào để thực thi, thì sự hiện diện của cộng đoàn sống tình huynh đệ nơi những con người khác nhau về tuổi tác, ngôn ngữ, văn hóa, và vùng miền như là men nồng được vùi vào giữa lòng xã hội. Nhờ men nồng của tình huynh đệ này mà mọi người được biết đến các tu sĩ như là môn đệ của Đức Kitô, sống và làm chứng cho Người (x. Ga 13,35). Men nồng của tình huynh đệ cũng trở thành một sự nâng đỡ quý giá cho sự “bền chí đến cùng” trong đời tu sĩ. Nhờ thế, lòng thành tín của người bước theo Đức Kitô được trọn vẹn hơn.
Kết luận
Tình
huynh đệ như men nồng rượu mới đòi hỏi khả năng vượt ra khỏi khuôn mẫu được thừa
hưởng cách xơ cứng và can đảm đổi mới những gì không còn phù hợp với ánh sáng của Tin Mừng trước những thay đổi của
thời đại. Điều này giúp cho “những thừa sai của hy vọng theo bước chân Chúa Cứu
Thế” biết canh tân lại đời sống của chính mình, canh tân tương quan tình huynh
đệ trong đời sống cộng đoàn nhằm đáp ứng cho sứ vụ và những thách thức đang mở
ra, nhờ đó mà “Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Người” đến với mọi
dân nước.
Joseph
[1] Chủ đề Tổng Công hội XXVI của
Dòng Chúa Cứu Thế.
[2] Thánh Bộ các Hội dòng sống đời
thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ, Đời sống
huynh đệ trong
cộng đoàn (Rôma, 1994), #7, 14-15.
[3]
x. Thánh Bộ các Hội dòng sống đời
thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ, Đời sống
huynh đệ trong
cộng đoàn, #10,
19-20.
[4] x. ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii gaudium), # 49.
[5] x. Bộ các Hội dòng thánh hiến
và Tu đoàn tông đồ, Rượu mới bầu da mới
(Học viện Đa Minh, 2018), # 1,13.
[6] ĐGH. Phanxicô, “Rượu mới,
bầu da mới,” (Bài giảng, nhà nguyện thánh Mácta, Vatincan, 05-9-2014).