Ở lại trong Giêsu

 


J.B. Văn Bạo

Chỉ khi đón nhận Đức Giêsu vào cuộc đời, người ta mới nhận ra được Thiên Chúa yêu thương họ dường nào và tình yêu của Người vẫn luôn hiện diện trong mỗi biến cố của đời sống họ.

Thiên Chúa là ai? Chúng ta là ai? Chúng ta sống trên đời này để làm gì? Đó là những câu hỏi cơ bản về đời sống người Kitô hữu. Đi tìm ý nghĩa đích thực về cuộc sống cũng đồng nghĩa với việc đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tìm câu trả lời ở đâu. Người Kitô hữu chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng đã mặc khải cho ta tất cả những điều ấy. Trên hết, Người đã ban Con Một là Đức Giêsu Kitô cho loài người chúng ta để nói cho ta biết về Thiên Chúa và con người. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng trong thời sau hết này, Người phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Hr 1,1). Đức Giêsu chính là mặc khải tối hậu và trọn vẹn của Thiên Chúa. Ngài là chìa khóa để mở ra những cánh cửa đang che khuất con người khỏi sự hiểu biết về Thiên Chúa và nhân loại. Vì thế, việc ở lại trong Giêsu giúp ta có được câu trả lời cho những vấn đề cơ bản của con người. Vậy những câu trả lời ấy được thể hiện như thế nào nơi Đức Giêsu Kitô?

Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa

Thiên Chúa là ai? Thánh Gioan cho ta biết: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Vì thế, tình yêu là bản chất của Thiên Chúa. Đây cũng là chân lí được mặc khải từ đời đời. Nhưng nếu chỉ nói như vậy thôi thì cũng chưa thể hiện được điều gì bởi nó quá trừu tượng. ĐGH Phanxicô nói rằng: “Tình yêu Thiên Chúa không phải là một cái gì mơ hồ, chung chung. Tình yêu của Thiên Chúa có một danh từ và một khuôn mặt: Giêsu Kitô.”2 Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa cho ta biết thế nào là tình yêu. “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10). Có thể tóm gọn tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu bằng hai từ “đi xuống”3. Chúa Giêsu đã xuống để con người được đi lên. Điều này được thánh Phaolô diễn tả cách đầy đủ trong thư của ngài gửi tín hữu Philípphê (x. Pl 2,6-8). Từng bước, Thiên Chúa đã đến với con người để sống và chết cho họ. “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: “Này con xin đến!” (Tv 40,7-8) Đó là tâm tình của Đức Giêsu đối với Chúa Cha. Người sẵn sàng vâng thánh ý Cha để thực hiện công trình cứu độ con người. Công trình ấy khởi sự nơi mầu nhiệm Nhập Thể.

Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã trở nên một con người: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Thiên Chúa đã trở nên một con người bằng xương bằng thịt giống như bất kì một ai trên mặt đất này. Đó là một điều vượt quá sức tưởng tượng của con người. Thiên Chúa là Đấng muôn dân hằng kính sợ, là nguyên lí của toàn vũ trụ đã trở nên một con người, sống giữa con người. Sự xuất hiện của một Hài Nhi nhỏ bé đã trở nên một điểm nối kết giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa không còn là Đấng ở trên trời và làm cho người ta phải khiếp sợ nữa vì Người đã trở nên anh em của chúng ta. Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, người ta nhận ra một Thiên Chúa nhỏ bé, yếu ớt. Nhưng Người càng đơn sơ, nhỏ bé bao nhiêu thì ta càng nhận ra được tình yêu của Người to lớn bấy nhiêu. Ta có thể thốt lên rằng liệu Thiên Chúa có quá liều lĩnh khi để con mình phải chịu như vậy hay không? Tại sao Ngài dám làm như vậy? Vì yêu. Thiên Chúa yêu con người và có lẽ Ngài đã chẳng biết làm gì hơn nữa để có thể nói với con người rằng Ngài yêu họ. Khi nguyên tổ loài người sa ngã, Thiên Chúa đã đưa ra một quyết định quá chóng vánh. Suy gẫm điều này, người ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa sâu thẳm dường nào. Vì yêu mà Ngài không thể chờ đợi để tìm một cách nào khác: “Trái tim ta thổn thức, ruột gan ta bồi hồi” (Hs 11,8c). Vì yêu mà đến như Con Một, Ngài cũng chẳng tiếc (x. Rm 8,32). Thiên Chúa như đã tham gia vào một ván bài và đem tất cả mà đánh cược để có được sự sống cho con người. Quyết định ban Con Một của Thiên Chúa cho thấy Ngài yêu con người biết chừng nào. Không chỉ thế, Thiên Chúa còn thể hiện tình yêu trong cách mà Người sống giữa nhân loại. Chúa Giêsu Nhập Thể làm người đã mang lấy tất cả sự nghèo khó của nhân loại. Người đã không chọn lấy một chiếc giường xa hoa, sang trọng nhưng là một chiếc máng cỏ hôi hám, cũ nát giữa chốn đồng hoang. Người là Thiên Chúa nhưng đã sống một cuộc sống đơn sơ nghèo hèn dưới mái nhà ở Nadarét. Khi đi rao giảng, Người cũng cho ta biết Người không có chỗ tựa đầu (x. Lc 9,58). Đức Giêsu đã chấp nhận những điều đó để có thể nên một với con người. Nhờ đó, con người không còn phải sợ hãi trước Thiên Chúa nữa vì nay Người đang sống bên cạnh và là người anh em của họ. Món quà quý giá nhất của Thiên Chúa đã được gửi đến nhân loại nhưng như thế chưa đủ để Thiên Chúa nói hết về tình yêu của Ngài. Vì thế, Ngài muốn chinh phục trái tim con người bằng cái chết của Đức Giêsu, Con Một yêu dấu của Người. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Đức Giêsu đã trở nên hi tế đền tội cho nhân loại. Người là con chiên vẹn toàn, vô tì tích đã gánh tội trần gian (x. Ga 1,29). Con người đã phạm tội và lạ kì thay, người đền tội không phải là con người mà là chính Thiên Chúa. Điều này đi ngược lại lối suy nghĩ của các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo khi họ cho rằng, con người phải đền tội để thần linh không đánh phạt và rủ lòng thương xót.4 Còn đối với chúng ta thì việc đền tội lại dành cho Thiên Chúa. Việc đó trở thành một món quà để rồi việc của chúng ta là đón nhận món quà đó. Từ việc Thiên Chúa Nhập Thể làm người cho đến việc Đức Giêsu chịu chết trên thập giá, ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa đầy tính sáng tạo. Ngài luôn làm những điều vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta.

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là cách để Thiên Chúa nói với mỗi người rằng “Ta yêu con”. Cái chết ấy đã đưa tình yêu Thiên Chúa đối với con người lên tới đỉnh điểm. Thiên Chúa làm người trong thân phận nghèo hèn đã là một điều quá sức tưởng tượng của con người nhưng Thiên Chúa còn làm một điều lớn hơn nữa và làm tròn đầy ý nghĩa “làm người” của Đức Giêsu, đó là Người đã chết. Thêm vào đó, cái chết ấy còn thảm hại hơn nữa khi đó là cái chết như một người nô lệ, một tên phạm pháp. Chúa Giêsu đã đi xuống tận đáy của kiếp người. “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa. Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con” (Tv 129,1-2). Qua cái chết của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã chạm đến nỗi sợ hãi nhất của con người là sự cô đơn.5 Cái chết đưa người ta vào sự cô đơn. Đó là cánh cửa mà mỗi người chỉ có thể bước qua một mình, vì thế mà con người ta sợ chết. Khi để Người Con duy nhất bước qua cánh cửa sự chết, Thiên Chúa muốn nói với con người rằng họ không còn cô đơn nữa, vì có một Đấng là Thiên Chúa đang ở bên họ và cùng họ bước đi qua mọi vực thẳm tối tăm. Ta có thể nhận ra được điều này nơi những người có niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu Kitô. Cụ thể hơn cả là nơi các vị tử đạo. Họ không còn sợ chết nữa vì họ biết rằng Đức Giêsu luôn ở bên cạnh. Việc chết vì tin vào Đức Giêsu cho họ được chung phần vào cái chết của Ngài như Ngài đã chung phần với cái chết của nhân loại.

Đức Giêsu đã chết để đền tội cho nhân loại nhưng nếu chỉ dừng ở cái chết thôi thì đến một lúc nào đó, cái chết ấy cũng đi vào quên lãng. Điều này dẫn ta tới mầu nhiệm Phục Sinh, một khía cạnh trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Thánh Phaolô khẳng định: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin của chúng ta trống rỗng” (1Cr 15,14). Chẳng ai có thể tin rằng một người đến cứu con người khỏi cái chết cũng chết đi giống như con người. Vì thế, để chứng minh rằng Thiên Chúa làm chủ sự sống, Ngài đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, để từ nay những ai tin vào Người thì sẽ được sống: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thuVì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại” (1Cr 15,20-21).

Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu đã chết và đã sống lại để từ nay, trong Người, con người có được sự sống đời đời. Người đã được Chúa Cha siêu tôn và đặt bên hữu Ngài. Ngày nay, Chúa Giêsu không còn hiện diện với nhân loại cách hữu hình như xưa nữa nhưng tình yêu đã khiến Người ở lại với con người cách ẩn giấu trong Bí tích Thánh Thể. Đó là sáng kiến của Thiên Chúa để Ngài được gần gũi với người yêu của mình. Nếu như trong mầu nhiệm Nhập Thể, người ta nhìn thấy Thiên Chúa trong hình hài một trẻ nhỏ và trong mầu nhiệm Thập Giá, Thiên Chúa chết như một tên nô lệ, thì trong Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa chỉ còn là một tấm bánh. Người đã trao hiến hoàn toàn cho con người đến nỗi con người có quyền đối xử với Người như thế nào tùy ý họ.

“Bánh” không cưỡng lại bất kì ai hay lựa chọn cho mình một đối tượng nào. “Bánh” chỉ có một nhiệm vụ là để người ta bẻ ra và trở thành lương thực nuôi sống họ. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu dâng lễ tế mỗi ngày như năm xưa trên đồi Canvê và để cho con người lãnh lấy làm của ăn. Nhờ Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã trở nên một với con người. Người không còn ở bên ngoài hay bên cạnh nhưng đã đi vào bên trong và thấm nhập vào thân thể con người. Đó chẳng phải là khao khát của những người yêu nhau hay sao? Thiên Chúa muốn được ở với con người thật gần nên Người không thể rời xa họ. Trong tấm bánh đơn sơ hằng ngự nơi nhà tạm, Chúa Giêsu mời gọi con người đến với Ngài để Ngài được gặp gỡ họ. Ngài luôn sẵn sàng và chờ đợi con người đến để đáp lại tiếng gọi tình yêu của Ngài.

Chúa Giêsu nói về con người

Nơi Chúa Giêsu, con người nhận ra được rằng họ là thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa có tên và con người cũng có tên. Tên của họ là “được yêu thương”. Cái tên này như một định nghĩa phổ quát về con người. Nó không chỉ cho thấy tên, địa vị, nguồn gốc nhưng nói lên một căn tính toàn diện của con người. Căn tính ấy là “Con Thiên Chúa”.6 “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã nhận ta làm nghĩa tử” (Ep 1,5). Thiên Chúa đã dựng nên mỗi người và đặt họ vào trong mối tương quan gần gũi với Người. Ngôn ngữ con người mô tả mối tương quan ấy bằng tương quan cha – con. Nhưng mỗi người chỉ thực sự là con Thiên Chúa trong mối tương quan với người anh cả Giêsu. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã được sinh ra từ trước muôn đời như ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. “Đức Kitô là trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Trong Người, ta nhận ra căn tính bị lãng quên của mình bởi nó đang bị che khuất bởi tội lỗi. Sự sợ hãi của nguyên tổ loài người khi phạm tội khiến họ trốn tránh Thiên Chúa. Con người không còn dám tiến lại gần Thiên Chúa để kêu lên tiếng “Abba” mà họ đã đánh mất khi phạm tội. Trong Đức Giêsu, con người nhận ra mình là “loài thiên nga” xinh đẹp mà trước đó vì tội lỗi làm hoen ố mà họ lầm tưởng rằng họ là những “con vịt” xấu xí. Đức Giêsu, Người Con làm đẹp lòng Cha mọi đàng, luôn ở trong Cha và đem những đứa em của mình về với Cha là Đấng luôn yêu thương và chờ đợi.

Chúng ta phải sống như thế nào?

Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã cho ta biết Thiên Chúa là ai và con người là ai. Việc nhận biết này đưa ta tới việc sống hai nguyên lí có ý nghĩa thiết thực đối với mối tương quan của con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Đó là nguyên lí “lãnh nhận” và nguyên lí “cho”.7

Đối với Thiên Chúa, con người là đối tượng được yêu thương. Vì thế, việc chúng ta cần làm không gì khác ngoài việc đón nhận lấy nguồn tình yêu đang đổ tràn trên chúng ta. Thật vậy, tự chúng ta chẳng thể làm gì để có được sự sống đời đời bởi con người không thể tự công chính hóa. Thánh Phaolô nói: “Nếu miệng bạn tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa và Chúa Cha đã làm cho Người từ cõi chết sống lại thì bạn được cứu độ” (Rm 10,9). Như vậy, ơn cứu độ hệ tại ở việc đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, tức là tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng vì yêu mà đã đến trần gian để chết cho nhân loại. Về điều này, thánh Anphongsô cũng nói rằng: “Tất cả sự thánh thiện và sự trọn lành của một linh hồn hệ tại ở lòng yêu mến Đức Giêsu”.8 “Theo Kinh Thánh, chính sự hữu hạn của con người về đường công chính và về khả năng nói chung, là dấu chỉ cho thấy rằng họ cần đến hồng ân tình yêu nhưng không, một tình yêu khai phóng con người họ, bởi lẽ, nếu không có một tình yêu như thế, cũng có nghĩa là tiếp tục sống trong sự bất chính.”9 Đó cũng chính là cạm bẫy của nguyên tổ loài người năm xưa khi muốn được như Thiên Chúa mà trở nên bất tuân. Cám dỗ đó vẫn hằng bủa vây con người để tách rời họ ra khỏi mối thân tình với Chúa. Những lời này của Thánh Phaolô có lẽ là một lời nhắc nhở cho con người hãy ý thức về thân phận nghèo hèn của mình: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7) Đó là một lời chất vấn cho bất kì người nào trên trần gian này bởi từ hư vô, con người đã được Thiên Chúa cho hiện hữu và qua cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, họ đã được đưa lên tận cõi trời. Thế nhưng, trong tương quan tình yêu, Thiên Chúa cũng chờ đợi sự đáp trả nơi con người.

Thật vậy, Thiên Chúa yêu và Ngài cũng khao khát được yêu. Nói như thế không phải là Thiên Chúa vụ lợi giống như con người theo kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” nhưng việc con người yêu mến Thiên Chúa làm cho mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người nên trọn vẹn. “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Tình yêu luôn nằm trong một mối tương quan, mà tương quan thì không thể là một chiều vì như thế tự nó không đủ để diễn tả một mối tương quan. Do đó, tình yêu luôn đòi hỏi từ cả hai phía. Thiên Chúa yêu con người và muốn đưa họ vào trong mối tương quan với Người. Khi con người biết đáp trả lại tình yêu của Chúa, dù chỉ một chút thôi cũng làm cho Ngài cảm thấy vui sướng. Điều này cũng giống như câu nói “con yêu mẹ” của đứa con thơ ngây đối với mẹ của mình. Cho dẫu người mẹ đã hi sinh vất vả cho con mình và người con chẳng thể làm gì cho người mẹ nhưng chỉ bằng một lời nói như dấu chỉ lòng biết ơn của người con cũng đủ làm cho người mẹ vui sướng biết chừng nào. Thật vậy, cũng giống như việc ca tụng Thiên Chúa chẳng đem lại cho Người điều gì nhưng đem lại ơn cứu độ cho con người10 thì việc con người yêu mến Thiên Chúa cũng vậy.

Suy gẫm về tình yêu mà con người đã lãnh nhận, con người cảm thấy không thể ngồi yên để cho điều ấy ứ đọng trong họ. Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu trên con người. Những ai để cho mình đón nhận tình yêu ấy thì cũng sẽ làm lan tỏa tình yêu đến cho mọi người. Điều này thúc đẩy họ sống nguyên lí thứ hai là nguyên lí “cho”.

Tình yêu Thiên Chúa thôi thúc chúng ta thực hiện một cuộc xuất hành. Nghĩa là đi ra khỏi bản thân chúng ta để hướng về tha nhân. Sự quy hướng này là hình ảnh phản chiếu của thập giá Đức Giêsu, Đấng đã trao hiến thân mình làm của lễ đề tội cho nhân loại. Như Đức Kitô đã để cho cơ thể mình bị giãn ra đến nỗi như thể muốn nổ tung thì cuộc xuất hành của chúng ta cũng vậy. Chúng ta cũng hãy phá tan đi những gì là cũ kĩ đang giam hãm chúng ta khỏi việc trao hiến cho tha nhân. Nghĩa là như Đức Giêsu đã chịu đau khổ vì chúng ta thì chúng ta cũng phải chịu đau khổ vì nhau. Nói như thế không phải là chúng ta càng chịu nhiều đau khổ thì càng tốt vì nhìn trên bình diện tự nhiên, đau khổ là sự bất hạnh cho con người. Đau khổ chỉ có ý nghĩa khi nó xuất hiện đằng sau tình yêu. “Theo Đức Kitô, chúng ta được mời gọi trở thành những tôi tớ nhưng việc làm tôi tớ cách triệt để không phải là một công trình để ta cố gắng bao vây mình bằng càng nhiều khốn khổ càng tốt, nhưng là một lối sống vui tươi, trong đó mắt ta mở ra diện kiến tôn nhan Thiên Chúa đích thực, Đấng đã chọn con đường tôi tớ để mặc khải chính mình”.11

Việc xuất hành còn mang ý nghĩa chia sẻ với mọi người, đặc biệt là người nghèo. “Kitô hữu là người ý thức rằng tất cả đời sống mình, mọi nơi, mọi lúc, tiên vàn là hồng ân nhưng không và vì thế, công chính bây giờ có nghĩa là trở thành người biết cho đi, giống như người hành khất, bởi biết ơn những gì mình lãnh nhận nên cũng rộng lòng chia sẻ với tha nhân”.12 Mỗi chúng ta đã được lãnh nhận những nén bạc tùy theo ý định của Thiên Chúa và Người cũng đòi hỏi chúng ta về hoa trái của những nén bạc ấy. Thật đáng trách nếu ta không làm cho những ơn lành mà ta lãnh nhận sinh ích cho ta và cho mọi người. Nơi Đức Giêsu, nếu ta đã nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa giàu lòng thương xót qua việc đi xuống của Người, thì qua đó Người cũng muốn chúng ta thực thi lòng thương xót ấy đối với anh chị em. Xung quanh chúng ta có biết bao con người và những người cần đến chúng ta nhất vẫn là những người nghèo, những người bị bỏ rơi hơn cả (x. HP 4) mà cùng với Giêsu đang ở dưới đáy vực thẳm, họ vẫn đang kêu lên với mỗi người chúng ta. Qua hình ảnh của những người nghèo, chúng ta nhận ra được khuôn mặt của Đức Kitô, Đấng đã chịu đau khổ vì chúng ta. Người đã đồng hóa chính mình với họ để rồi những gì chúng ta làm cho họ cũng là làm cho chính Chúa.

Việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa có nhiều cách thể hiện khác nhau. Nhưng tất cả đều quy về việc đi ra khỏi chính mình để đến với tha nhân. Hay nói cách khác là việc hoán cải. Một người đã gặp được Chúa và đã được tình yêu của Người chạm đến thì ắt dẫn đến việc hoán cải. Ta có thể thấy được điều này cách rõ ràng qua những con người đã được chạm đến lòng thương xót của Chúa Giêsu như các tông đồ, các bệnh nhân, những người tội lỗi. Và cụ thể hơn là qua mỗi vị thánh của Giáo Hội chúng ta. Tất cả các ngài đều là những người đã được Thiên Chúa biến đổi và làm chứng với thế gian rằng các ngài đã gặp Chúa. Điều này cũng được thể hiện trong đời Tông đồ của DCCT. “Tu sĩ DCCT, trong hành trình bước theo Đức Kitô, luôn ý thức mình là những chứng nhân Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa, họ công bố trước hết vận mệnh cao cả của mỗi cá nhân và của toàn nhân loại. Họ biết rất rõ rằng, mọi người đều là tội nhân, nhưng họ cũng biết, ở một mức độ sâu hơn, tất cả đã được tuyển chọn, được cứu chuộc và được quy tụ trong Đức Kitô” (HP 7). Không những thế, “các tu sĩ DCCT cũng luôn lưu tâm đến việc mặc lấy con người mới, được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết, hầu thanh luyện các động cơ của mình trong việc phán đoán và hành động. Vì thế, việc hoán cải tâm hồn và canh tân lòng trí không ngừng phải là nét đặc thù của toàn bộ đời sống thường nhật của họ” (HP 41).

Chúa Giêsu là tâm điểm của đời sống Kitô hữu. Người là câu trả lời cho tất cả những khó khăn, những vấn nạn trong đời sống của họ. Vì thế, thật khó để hiểu và cảm nhận được cuộc sống của con người như một món quà của Thiên Chúa nếu ta chỉ nhìn thấy những điều bất hạnh xung quanh chúng ta. Chỉ khi quay trở về với Chúa Giêsu, người ta mới có khả năng để hiểu về những điều ấy. Trong Chúa Giêsu, con người mới biết được họ là con yêu dấu của Thiên Chúa. Ngài vẫn luôn tỏ lòng thương yêu đối với con người qua việc trao ban Con của Người là Đức Giêsu để sống, chết và ở lại với con người. Chỉ khi đón nhận Đức Giêsu vào cuộc đời, người ta mới nhận ra được Thiên Chúa yêu thương họ dường nào và tình yêu của Ngài vẫn luôn hiện diện trong mỗi biến cố của đời sống họ. Trong niềm hân hoan vui sướng vì được yêu, họ sẵn sàng chia sẻ niềm vui của họ cho những người xung quanh, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi nhất.

 

Người viết không có tham vọng trình bày vấn đề theo phương diện khoa học nhưng chỉ muốn khai triển những suy tư mà bản thân đã lãnh nhận được qua việc chiêm ngắm gương mặt Đức Giêsu Kitô.

Sophie de Moustier, Đứng dậy đi các bạn trẻ, Quỳnh Giao chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2016), 176.

3 x. Henri M. Nouwen, Lòng thương xót, Nguyễn Đức Thông chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2015), 39.

4 x. Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam chuyển ngữ (Hà Nội, NXB. Tôn giáo, 2009), 303.

x. Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, 321.

6 x. Henri M. Nouwen, Đồng hành thiêng liêng, Trần Thiện Thanh Trà chuyển ngữ (Đồng Nai: NXB. Đồng Nai, 2020), 58.

x. Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, 268, 284.

8 Thánh Anphongsô, Yêu mến Chúa Giêsu (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2004),

9 x. Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, 277.

10 x. Sách lễ Rôma, Kinh Tiền tụng chung IV.

11 x. Henri M. Nouwen, Lòng thương xót, 45.

12 Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, 278.

Ở lại trong Giêsu

Học viện Thánh Anphongsô