WHĐ (22.10.2023) – “Tham gia, trách nhiệm, và quyền bính: Đâu là những tiến trình, cấu trúc và cơ chế nào trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng?” là chủ đề của bài suy tư thần học do linh mục Dario Vitali, Điều phối viên của các chuyên gia thần học và cũng là Giáo sư Khoa Thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregorian trình bày trong phiên họp khoáng đại thứ XII giới thiệu phần B3 của Tài liệu Làm việc vào hôm thứ Tư ngày 18.10 vừa qua.
SUY TƯ THẦN HỌC CỦA CHA DARIO VITALI
TẠI PHIÊN HỌP KHOÁNG ĐẠI THỨ XII
THAM GIA,
TRÁCH NHIỆM, VÀ QUYỀN BÍNH: ĐÂU LÀ NHỮNG TIẾN TRÌNH, CẤU TRÚC VÀ CƠ CHẾ NÀO
TRONG MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH MANG TÍNH SỨ MẠNG?
1. “Trong
Đức Kitô, Giáo Hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự
hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất giữa loài người”
(LG 1).
Tôi lấy
trích dẫn này làm khuôn khổ để kết cấu suy tư thần học về điểm B.3, vốn tập
trung vào “Tham gia, trách nhiệm, và quyền bính”. Sự tham gia trước hết được
Công đồng Vatican II nhấn mạnh thực ra không phải là sự tham gia của các cá
nhân, mà là của toàn thể Giáo hội, được hiểu Dân Chúa trên hành trình hướng tới
việc hiện thực hóa Nước Chúa. Chưa bao giờ như hiện nay - tôi muốn ám chỉ những
ngày bi thảm này khi hòa bình dường như bị treo lơ lửng - nhân loại lại cần đến
chứng từ mạnh mẽ và thuyết phục của một Giáo hội vốn là dấu chỉ và khí cụ hòa
bình giữa các quốc gia. Như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, “một Giáo hội hiệp
hành giống như một biểu ngữ được giương cao giữa các dân nước (x. Is
11,12)... Là một Giáo hội ‘sánh bước’
cùng con người, tham gia vào những khó khăn của lịch sử, ấp ủ giấc mơ rằng việc
tái khám phá phẩm giá bất khả xâm phạm của con người và chức năng phục vụ của
quyền bính cũng có thể giúp xã hội dân sự tự xây dựng trong công lý và tình
huynh đệ, tạo ra một thế giới tươi đẹp hơn và xứng đáng hơn cho các thế hệ mai
sau”.
Một Giáo hội
hướng ra bên ngoài, một “bí tích cứu độ phổ quát” cho thế giới (LG 48), luôn được
mời gọi trở thành và nghĩ về chính mình trong nội tâm như “bí tích của sự hiệp
nhất cứu độ phổ quát này” (LG 9). Nhưng liệu phạm trù này, vốn giải thích chắc
chắn chiều kích mầu nhiệm của Giáo hội, có thể được áp dụng cho các chủ đề như
“sự tham gia, trách nhiệm, quyền bính” chăng? Chương I của Hiến chế Lumen
Gentium đã mở ra những chân trời quan trọng theo hướng này. Số 7 có nói rằng
“trong việc xây dựng nhiệm thể Đức Kitô có sự đa dạng về các thành viên và chức
năng”.
2. Nhưng chính trong Chương II của Hiến chế, các chủ đề về tham gia có một diện mạo cụ thể, khởi đi từ việc mô tả Giáo hội như là Dân Chúa, “giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, những người xưa chưa phải là một dân, nay đã là dân của Thiên Chúa” (LG 9).
Tất cả
chúng ta đều biết rằng chương về Dân Chúa tiêu biểu cho “cuộc cách mạng
Copernic” trong giáo hội học công đồng. Việc xen kẽ chương về Dân Chúa trước
chương về Phẩm trật đã phá vỡ kim tự tháp giáo hội được xây dựng qua nhiều thế
kỷ: đi trước các chức năng là phẩm giá của người đã lãnh phép Rửa; đi trước những
khác biệt vốn thiết lập các phẩm trật, là sự bình đẳng của con cái Thiên Chúa.
Danh hiệu lớn nhất của Giáo hội không phải là giáo hoàng, giám mục, linh mục,
hay người được thánh hiến, mà là con cái Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều là những
người con trong Chúa Con, được hiệp nhất bởi mối dây huyết thống đến từ Chúa
Thánh Thần. Khẳng định phẩm giá bình đẳng của mọi người không có nghĩa là phủ
nhận những khác biệt: Giáo hội là nhiệm thể của Đức Kitô, sống động và xinh đẹp
vì có nhiều hồng ân, đặc sủng, thừa tác vụ và ơn gọi khác nhau.
Nguyên tắc
quy định sự phong phú của các ân sủng, đặc sủng, và thừa tác vụ trong thân mình
giáo hội được Công đồng thể hiện trong mối tương quan giữa “chức tư tế cộng đồng
và chức tư tế thừa tác hoặc phẩm trật” là những hình thức tham gia riêng biệt
vào chức tư tế của Đức Kitô (LG 10). Điểm mới lạ của đoạn văn này mang tính đột
phá vì sự lựa chọn đảo ngược hai chủ thể đang diễn ra: đặt chức tư tế cộng đồng
trước chức tư tế thừa tác có nghĩa là phá vỡ mối tương quan bất đối xứng về quyền
bính-vâng phục đã cấu trúc nên Giáo hội kim tự tháp. Sau đó, việc khẳng định
hai hình thức tham gia vào chức tư tế của Đức Kitô được quy hướng về nhau có
nghĩa là nhìn nhận sự đa dạng bổ sung cho nhau của chức tư tế cộng đồng và chức
tư tế thừa tác, chứ cả hai không thể giản lược vào nhau.
Trong mối
tương quan này, một không gian rất rộng mở ra, mà các thừa tác viên chức thánh
không thể và không nên chiếm giữ. Nhưng các thừa tác viên chức thánh thì phục vụ
dân thánh của Thiên Chúa, những người sau cùng thì cũng trở thành chủ thể tích
cực của đời sống giáo hội.
3. Nhưng
nói Giáo hội là Dân Chúa không giải quyết được toàn bộ vấn đề, cũng không bảo đảm
một cuộc cải cách Giáo hội mà không đau đớn. Điều này được chứng minh bằng cuộc
tranh luận sôi nổi diễn ra trong giai đoạn ngay sau Công đồng về giáo hội học của
Vatican II, vốn đối đầu đặc sủng và thể chế, “Giáo hội từ bên dưới và Giáo hội
từ bên trên”, Dân Chúa và hàng giáo phẩm.
Giáo hội
xét như Dân Chúa một đàng giải thích sự nhấn mạnh nền giáo hội học hiệp thông,
chủ yếu tập trung vào khía cạnh hiệp thông mang tính phẩm trật, điều mà theo thời
gian đã tạo ra một “sự tập quyền” thực sự của Giáo hội; đàng khác, Giáo hội xét
như Dân Chúa dấy lên lo sợ rằng tính hiệp hành, được hiểu là “cuộc hành trình
cùng nhau” của Dân Chúa, sẽ tạo thành một sự thay thế cho nguyên tắc hiệp
thông. Thực ra, tính hiệp hành không gì khác hơn là sự hiệp thông của Giáo hội
với tư cách là Dân Thánh của Thiên Chúa. Tính hiệp hành và hiệp thông có thể được
xác định, với điều kiện là chúng ta hiểu Giáo hội là Dân Chúa đang trên hành
trình.
Chính trong
Giáo hội hiệp hành mà tất cả các chiều kích hiệp thông đều tìm thấy tư cách
công dân: hiệp thông Ba Ngôi, hiệp thông các tín hữu, hiệp thông các Giáo hội,
hiệp thông các thánh. Các Mục tử phục vụ Giáo hội này trong một sự hiệp thông
có tính phẩm trật được điều hành bởi sự phục vụ hiệp nhất của Giám mục Rôma,
người mà - theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô - "tự thân, không đứng trên
Giáo hội, mà ở bên trong Giáo hội như một người đã lãnh phép Rửa giữa những người
đã lãnh phép Rửa và ở bên trong giám mục đoàn như một giám mục giữa các giám mục,
đồng thời với tư cách đấng kế vị thánh Phêrô, ngài được gọi để hướng dẫn Giáo hội
tại Roma vốn chủ trì tất cả các Giáo hội trong tình yêu thương" (Diễn từ Kỷ
niệm 50 năm Thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục).
4. Với các
chủ đề của mình, Module B.3 chỉ ra cách thức để khởi động việc đổi mới các tiến
trình, cơ cấu, và thể chế trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng, với sự
tiếp nhận ngày càng sâu rộng khuôn khổ giáo hội học do Công đồng Vatican II thiết
kế. Chính trên mối tương quan chặt chẽ tồn tại giữa Dân Chúa, Giám mục đoàn, và
Giám mục Rôma mà mỗi người, với chức năng của mình, thiết lập Giáo hội hiệp
hành như là “Giáo hội lắng nghe”: “Các tín hữu, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma:
người này lắng nghe người kia; và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần, ‘Thần
Khí sự thật’ (Ga 14, 17), để biết Ngài ‘nói gì với các Giáo Hội’ (Kh 2, 7)”.
Ước muốn bảo
đảm các chức năng tương ứng của các chủ thể này đã dẫn đến việc biến Thượng Hội
đồng từ một sự kiện thành một tiến trình. Sự lựa chọn này không từ chối, nhưng
hội nhập vào một cơ quan hiệp nhất cao hơn do Đức Phaolô VI thiết lập, mà trong
đó Đức Thánh Cha có ý trao cho các giám mục “khả năng tham gia một cách rõ ràng
hơn và hiệu quả hơn vào chức vụ chăn dắt của Ta đối với Giáo hội hoàn vũ” (Tự sắc
AS). Phù hợp với tất cả nền giáo hội học của Công đồng, thì bước tiếp theo cần
thực hiện như đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố đó là: Làm thế nào “Thượng
Hội đồng Giám mục, đại diện của hàng giám mục Công giáo, trở nên sự diễn tả
tính hiệp đoàn giám mục bên trong một Giáo hội hiệp hành hoàn toàn?” (Diễn từ Kỷ
niệm 50 năm Thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục). Điều này chỉ có thể khả thi
khi nhìn nhận tất cả các chủ thể trong đó thân mình giáo hội được kết nối.
Trong tiến trình hiệp hành, Dân Chúa, Giám mục đoàn và Giám mục Rôma thực thi
các chức năng mang tính giáo hội cụ thể của mình, tạo nên tính hiệp hành, tính
hiệp đoàn, và tính tối thượng trong sự hiệp nhất năng động.
5. Tiến
trình Thượng Hội đồng này diễn ra thông qua một động lực kép, bổ sung cho nhau
trong chuyển động: kêu gọi và triệu tập.
Kêu gọi: Tiến
trình Thượng Hội đồng có thể diễn ra trong Giáo hội bởi vì Giám mục của Rôma gọi
tiến trình này tương đương với hoạt động hiệp hành. Hoạt động ban đầu này phù hợp
với đặc quyền của Giám mục Rôma, “nguyên tắc hữu hình và nền tảng của sự hiệp
nhất” của tất cả những người đã lãnh phép Rửa, của tất cả các giám mục, và của
tất cả các giáo hội. Chính vị Giám mục Rôma “bảo toàn quyền tối thượng
của ngai tòa Phêrô đứng đầu toàn thể cộng đoàn đức ái, bảo toàn
các dị biệt hợp pháp, đồng thời lưu tâm giữ gìn sao cho các dị biệt
ấy không làm phương hại, trái lại còn phục vụ cho sự hiệp nhất” (LG
13). Để phục vụ sự hiệp nhất của Giáo hội, ngài triệu tập, chủ trì và xác nhận
Thượng hội đồng, tương tự như cách ngài triệu tập, chủ trì và xác nhận công đồng
đại kết (x. LG 22). Giám mục Rôma là người thiết lập chủ đề của Thượng hội đồng,
khởi xướng tiến trình của Thượng hội đồng, đồng hành với tiến trình thông qua
Ban Thư ký Thượng hội đồng, và kết thúc tiến trình Thượng hội đồng.
Theo lời kêu gọi này, tiến trình triệu tập bắt đầu, với sự tham gia của toàn thể Giáo hội và mọi người trong Giáo hội, khởi đi từ các giáo hội địa phương. Điều này dựa trên nguyên tắc giáo hội học được Công đồng Vatican II tuyên bố, trong đó khẳng định rằng Giáo hội là “thân thể của các giáo hội”, chính nhờ và trong các giáo hội ấy mà có một Giáo Hội công giáo, duy nhất (LG 23).
Theo nguyên
tắc này, mỗi Giám mục, với tư cách là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp
nhất trên phần Dân Chúa (portio Populi Dei) được trao phó cho mình (x. LG
23), chịu trách nhiệm khai mở tiến trình hiệp hành trong Giáo hội của mình.
Chính vì được Giám mục triệu tập, nên việc thỉnh ý trong các giáo hội địa
phương là một cuộc thỉnh ý thực sự đối với Dân Chúa, chủ thể của cảm thức đức
tin. Đây là lý do tại sao trong giai đoạn đầu của tiến trình Thượng Hội đồng,
việc lắng nghe từng phần Dân Chúa xảy ra đồng thời với việc lắng nghe toàn thể
Dân Chúa đang sống và bước đi trong các giáo hội.
Sẽ không có
sự thỉnh ý Dân Chúa trong các giáo hội địa phương nếu vị Mục tử không khởi xướng
việc đó, vì thế, các giám mục thực sự tham gia ngay từ đầu và đóng một vai trò
cần thiết và không thể thay thế trong tiến trình hiệp hành. Do đó, điều hiển
nhiên là không có mâu thuẫn giữa chiều kích hiệp hành và chiều kích phẩm trật của
Giáo hội: cái này bảo đảm cho cái kia và ngược lại, với Giáo hội là một “‘bí
tích hiệp nhất’, một dân tộc được quy tụ và cai quản dưới sự hướng dẫn của các
giám mục” (SC 26).
6. Do đó,
tiến trình Thượng Hội đồng là một dịp đặc biệt để thực hành cả tính hiệp hành lẫn
tính hiệp đoàn, vì nó đảm bảo việc thực hành hiệu quả cảm thức đức tin của Dân
Chúa cũng như khả năng phân định của các Mục tử. Do hoạt động hiệp hành mà Giám
mục Rôma đã triệu tập toàn thể Giáo hội, các giám mục trên toàn thế giới cùng
nhau thực hiện chức năng phân định của mình ở các giai đoạn trung gian của tính
hiệp hành và hiệp đoàn. Sự phân định của các Hội đồng Giám mục và các hội đồng
công nghị, khi được áp dụng vào việc thể hiện cảm thức đức tin của Dân Chúa,
không phải là một hoạt động mục vụ thuần tuý mà còn là “một biểu hiện của tính
hiệp đoàn giám mục trong một Giáo hội hiệp hành” (Diễn từ Kỷ niệm 50 năm Thiết
lập Thượng Hội đồng Giám mục), trong phạm vi các giám mục thực sự thể hiện qua
những hành động này “sự hiệp thông với nhau và với Đấng kế vị thánh
Phêrô” trong việc thi hành chức năng phân định (LG 25).
7. Do đó,
chúng ta có thể kết luận bằng việc tái khẳng định rằng Thượng Hội đồng là “địa
điểm” và “không gian” đặc quyền để thực thi tính hiệp hành, vốn không nhấn mạnh
vai trò đơn phương của Dân Chúa hoặc của các Mục tử, mà đến vai trò của mọi chủ
thể - Dân Chúa, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma - thể hiện tính hiệp hành, tính hiệp
đoàn, và tính tối thượng trong sự hiệp nhất năng động. Với những đặc điểm độc
đáo này, tiến trình Thượng Hội đồng có thể được hiểu như là cách thực thi tính
hiệp hành cách tinh tế nhất trong Giáo hội Công giáo.
Đây là điểm
khởi đầu cho việc xem xét lại các thể chế giáo hội. Một công việc như đã được
giải thích trong Tông hiến Praedicate Evangelium, là cân nhắc lại việc phục vụ
Giáo hội của Giáo triều Rôma dựa trên giải pháp hiệp hành. Sự cân nhắc này đặt
nền trên mô tả của Công đồng về Giáo hội như là “thân thể của các giáo hội”,
“chính nhờ và trong các giáo hội ấy mà có một Giáo hội công giáo,
duy nhất” (EP 6); đây cũng là nguyên tắc chi phối toàn bộ tiến trình hiệp
hành, đó là thay vì đưa ra những cải cách riêng lẻ cần nêu ra các tiêu chí cải
cách.
Trước hết,
trên phương diện thần học: cần suy nghĩ lại về Giáo hội theo giải pháp hiệp
hành, để toàn bộ Giáo hội và mọi thứ trong Giáo hội – đời sống, các tiến trình,
các thể chế - được cân nhắc lại theo chiều kích hiệp hành.
Thứ đến,
trên phương diện thể chế: cần bảo đảm cho Giáo hội “không gian” để thực hành
tính hiệp hành. Theo ý kiến của diễn giả, điều này tương đương với việc bảo vệ
Thượng hội đồng như một cơ quan phục vụ một Giáo hội hiệp hành theo thể chế. Nếu
không có Thượng Hội đồng thì việc thực thi tính hiệp hành cuối cùng sẽ tan rã
thành hàng ngàn dòng suối và tạo ra một vũng lầy thực sự, làm chậm lại, nếu
không muốn nói là ngăn cản việc Dân Chúa “cùng nhau bước đi”. Người ta có thể
suy tư về hình thức thể chế của Thượng Hội đồng, nhưng đừng nghi ngờ gì rằng thể
chế này đảm bảo cho Giáo hội thực thi tính hiệp hành một cách chân thực, như tiến
trình Thượng Hội đồng hiện tại đã chứng minh rõ ràng.
Việc thực
thi tính hiệp hành một cách chân thực sẽ cho phép chúng ta có được những cân nhắc
thấu đáo - với sự kiên nhẫn và thận trọng - về những cải cách thể chế cần thiết,
về các tiến trình đưa ra quyết định có sự tham gia của mọi người, và về việc thực
thi quyền bính thực sự phù hợp với “sự lớn mạnh” của một Dân Chúa trưởng thành
và có sự tham gia.
Trong viễn ảnh
này, tôi lặp lại lời của vị Giám mục đã phong chức cho tôi nhiều năm trước, và
từ kinh nghiệm của ngài mà tôi học biết về tính hiệp hành. Trong sứ điệp gửi
Giáo hội của mình vào năm 1990, nhân dịp khai mạc công nghị giáo phận, ngài đã
viết những lời có tính ngôn sứ:
“Dân Chúa,
một dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện vô hình của Nước Trời, lắng nghe, đối thoại,
phục vụ Chúa của mình, trung tâm của vũ trụ và lịch sử. Một Dân chấp nhận lời mời
bước đi bên cạnh Thiên Chúa, nhân loại, thụ tạo. [... ] Công nghị là một lời
tuyên bố về tình yêu đối với mảnh đất, mảnh đất được chúc lành mà chúng ta đang
bước đi, đối với khoảng thời gian được chúc phúc vừa hấp dẫn vừa kịch tính này.
Công nghị thậm chí còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ hơn về tình yêu thương đối với
con người, đối với tất cả mọi người. Tình yêu ưu tiên đối với những người nghèo
nhất về mọi phương diện và mức độ. […] Chỉ có tình yêu mới có thể thuyết phục.
Chỉ có tình yêu mới làm cho lớn lên, mới tạo ra sự mới lạ. Chúng ta hãy tin chắc
rằng: Công nghị là thời gian của tình yêu. Từ Thiên Chúa đến với chúng ta, từ
chúng ta đến với Ngài, và từ mọi người giữa chúng ta".
(+ Dante
Bernini).
Nt. Anna Ngọc
Diệp, OP
Dòng Đa
Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ
từ: vaticannews.va (18.10.2023)