Truyện ngắn: Trăn trở của Mẹ

 


Trần HT

Cậu gác tay lên trán, nhìn vào không gian vô định của màn đêm. Đen. Đặc quánh. Trong đầu cậu cứ chập chờn những hình ảnh đẹp đẽ khi bước vào giảng đường đại học để thực hiện ước mơ đi tu. Lần trong màn đêm, cậu đưa tay ấn vào nút đèn của chiếc đồng hồ Casino, cậu nheo mắt và thấy 11 giờ 27 phút. Cậu thôi không nghĩ nữa, nhưng cũng không tài nào ngủ yên cho được. Cậu bật dậy, suýt nữa đánh thức thằng Út. Cậu lặng lẽ bước ra ngoài giếng để uống nước. Suy nghĩ thôi mà miệng cậu đã khô ran cả lên. Khi bước đến phòng ngủ của ba mẹ, cậu thấy có ánh đèn nhỏ thập thò trong phòng. “Chắc bố mẹ đi làm về mệt quá nên quên tắt đèn”-cậu nghĩ. Cậu rón rén vào phòng để tắt, nhưng trước khi vào phòng, cậu nhìn qua khe cửa sổ để xem vị trí chiếc đèn. Cậu mò tới cửa, nhìn vào khe. Đó không phải là đèn ngủ và cũng chẳng phải một bóng đèn nào treo trong phòng. Ánh sáng dọi qua khe cửa là ánh sáng của chiếc đèn pin. Ba mẹ cậu vẫn chưa ngủ.

Cậu dán mắt vào khe cửa sổ. Ba mẹ cậu đang đếm tiền. Mà tại sao ba mẹ lại đếm tiền giữa đêm khuya thế này. Cậu cố nán lại để xem diễn biến của sự việc. Mắt cậu chớp lên chớp xuống, cậu rướn tai để cố gắng nghe lời thoại của ba mẹ. Cậu chắc chắn biết số tiền đó để làm gì. Hồi chiều, khi cậu báo tin cho ba mẹ thì ánh mắt của mẹ đã hiện lên tất cả. Ba ngồi đối diện với mẹ, ở giữa là cả một đống tiền lẻ, nhàu nhè, cũ kĩ. Phía trước là một con heo nhựa đã bị rạch làm đôi, phía đối diện là những chiếc túi đựng tiền cũ kĩ của mẹ. Tất cả được gom thành một đống trên tay ba. Mẹ hỏi ba: “Tổng cộng là được bao nhiêu anh?.” Ba đáp lại ngay: “Được 6 triệu 7 trăm 35 ngàn,” “Thế tiền nhập học của con là bao nhiêu?,” “Trên giấy báo có ghi là khi đi nhập học, nhớ đem theo 4 triệu để đóng các khoản chi phí đầu năm,” “Vậy còn 2 triệu 7 trăm 35 ngàn. Số tiền 7 trăm 35 ngàn sẽ dành cho nó chi phí đi xe và ăn uống. Còn lại hai triệu, nó sẽ lo mọi thứ trong tháng đầu tiên. Hy vọng đến tháng thứ hai nó kiếm được một công việc nho nhỏ. Anh nghĩ thế nào?,” “Thì cứ tính vậy đi đã. Bây giờ, 12 giờ kém rồi. Đi ngủ sớm để mai còn đi lễ nữa.” Ba tắt chiếc đèn pin và cả hai cùng nằm xuống. Khi cậu rời mắt đi thì thoáng nghe tiếng thổn thức của mẹ: “Không biết nhà mình còn có cái gì bán cho nó học không nữa. Thôi kệ, để Chúa lo. Hy vọng mọi điều tốt đẹp đến với nó.” Bà nói xong kèm theo một tiếng thở dài não nề.

Cậu lặng người, ngồi gục xuống đất, đầu dựa vào tường. Lần đầu tiên trong đời cậu cảm nhận rõ nét sự hy sinh vô điều kiện của các bậc sinh thành. Nghĩ đến khuôn mặt lam lũ của mẹ, đôi lưng còng của ba, nước mắt cậu chảy tự bao giờ không hay. Hình ảnh những tờ tiền nhăn nheo được mẹ xếp gọn gẽ như khiến trái tim cậu như vỡ nát. Cậu là gì mà ba mẹ phải hy sinh nhiều cho cậu như thế chứ? Đơn giản vì cậu là giọt máu, là tất cả của họ. Nhìn lại chính mình, cậu cảm thấy xấu hổ với ba mẹ, thẹn với lòng. Đáng lẽ, học lực kém như cậu giờ này phải kiếm lấy một nghề để nuôi sống và kiếm tiền phụ giúp ba mẹ trả nợ, chỉ vì cái ước muốn đi tu mà ba mẹ đã hy sinh tất cả để nuôi cậu tới giờ phút này. Cậu lặng người trong đêm và tự hứa với mình nhiều điều.

Hôm sau, khi đi lễ về, cậu nhai vội vài lát bánh chưng nóng hổi. Sau khi ăn xong, cậu ôm từng người thật chặt. Đó là giây phút thiêng liêng nhất mà cậu từng có. Từ nhỏ tới giờ, toàn bộ thời gian cậu có trong đời đều xoay quanh ngôi làng Rú Cựa. Cậu nhận ra, con người không thể sống mà không có nhau, mỗi người có những yếu điểm và những khả năng riêng để tài bồi cho nhau.

Đến lượt cậu ôm mẹ, tự nhiên mẹ òa khóc làm cậu cũng rớm nước mắt: “Con chỉ vào Sài Gòn học thôi mà mẹ. Tết con về mà. Thôi mẹ đừng khóc nữa.” Nghe cậu thủ thỉ, mẹ lấy tay quệt hàng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng. Nhìn khuôn mặt mẹ lúc đó, cậu không thể diễn tả thành lời cái nét đẹp ấy. Nó đọng mãi và cứ thế đọng mãi trong đời cậu.

Cậu với mẹ đang ôm nhau, ba không muốn chứng kiến cảnh này bèn cầm bộ đồ mưa dúi vào tay cậu: “Thôi con bận đồ đi, trễ giờ rồi. Ta ra nhanh kẻo nhà xe chờ,” ba thúc giục. Mẹ buông cậu ra và phụ giúp cậu mặc áo mưa. Ba lấy chiếc xe 81 cũ kĩ nhưng vẫn còn tốt lắm, chiếc xe được ba mua lại của người hàng xóm. Chỉ vài phút sau, chiếc xe chạy lạch bạch trên con đường đất sỏi, thải ra luồng khói lớn, đám khói hớn hở trong tiết mưa rơi.

Vừa ra bến, những anh lơ xe vội vã thúc giục cậu lên. Ngồi trên xe, cậu vẫy tay bảo ba về, nhưng ông vẫn cứ đứng giữa trời mưa nặng hạt. Ông nhìn đứa con như thể là nhìn lần cuối vậy. Cậu nhìn ông, thân hình gầy guộc, lưng hơi còng, dáng người đậm chất thôn quê. Lúc cậu ra đi, không có lý do gì để một người mạnh mẽ như ông khóc được cả, nhưng trong ánh mắt ông vẫn có nhiều ưu tư. Một ánh mắt buồn, không phải nỗi buồn vì cậu đi xa nên ở nhà không có ai giúp ông làm nông. Nỗi buồn mà cậu đọc được trong tâm khảm của ông. Ông buồn vì chưa chu toàn được trách nhiệm của một người làm cha, để giờ đây con ông ra thành phố học mà ông khó có thể lo nổi cho nó suốt bốn năm đại học tới. Hai bố con nhìn nhau trong thinh lặng. Và rồi, chiếc xe lăn bánh, cậu ngoái đầu lại nhìn ông, ông vẫn đứng đó. Bóng dáng ông nhỏ dần rồi vụt mất.

Nằm trên xe, cậu nhìn cảnh vật quê hương lướt qua trong ánh mắt. Từ nhỏ tới nay, đâu đã bao giờ cậu chiêm ngắm cảnh vật lấy một lần. Quả nhà thơ Chế Lan Viên nói chí phải: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.” Quê hương trong cậu giờ đây giống như một con người có sức sống vậy, cậu cảm nhận được sự chuyển động, tiếng nói nói, cười cười của quê hương. Bức tranh thiên nhiên trong cậu giờ đây thật có hồn. Nằm nghĩ ngợi lung tung, cậu lại nhớ câu nói của mẹ tối qua “không biết nhà mình còn có cái gì bán cho nó học không nữa,” lòng cậu quặn thắt lại nhưng đó cũng là một động lực để tiến về phía trước. Nhìn tương lai xa xăm, cậu tự hứa với mình biết bao điều.

Hôm nay, được khoác trên mình chiếc áo Dòng Chúa Cứu Thế, cậu chỉ biết tạ ơn Chúa về tất cả những gì Người đã ban cho cậu. Những gì cậu có được ngày hôm nay là sự kết dệt của biết bao nhiêu sự hy sinh thầm lặng của người khác dành cho cậu. Với chủ đề Canh tân vì sứ vụ của cuốn nội san năm nay, cậu muốn kể một khoảnh khắc nhỏ trong quá khứ; một câu nói của mẹ luôn nằm trong ký ức và luôn khiến cậu khắc khoải khi nghĩ về. Chính điều này giúp cậu canh tân mình mỗi ngày để từng giây phút sống, cậu cố gắng noi theo hình ảnh của Thầy Chí Thánh để ngang qua đời sống, mọi người nhận ra hình ảnh một Thiên Chúa Tình Yêu ở giữa lòng thế giới.

Truyện Ngắn: Trăn Trở Của Mẹ

Labels:
Học viện Thánh Anphongsô