Chúa yêu thương và cần chúng ta

 


Benard Athid

Thiên Chúa cần sự cộng tác của nhân loại chúng ta, ấy không phải là điều gì khác ngoài việc mong muốn tất cả chúng ta liên kết, hiệp thông với Ngài.

Chúng ta không thể nào hiểu thấu về những thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa đối với nhân loại xác đất vật hèn như chúng ta, mặc dù Chúa là Thiên Chúa và là Đấng đầy quyền năng cao cả, hay nói cách khác, Ngài chính là Chúa các chúa và Vua các vua. Tất cả muôn loài muôn vật trên trời cao cũng như đất thấp đều do chính tay Ngài tạo thành. Thiên Chúa có thể làm tất cả mọi sự theo như ý Ngài mong muốn: “Vì Ngài đã dựng nên muôn vật và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên” (Kh 4,11b). Như thế, Chúa đã cho con người thấy chính Ngài là Đấng uy quyền và vinh quang danh dự là dường nào. “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không làm thể làm được” (Lc 1,37). Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng hết mực yêu thương nhân loại chúng ta. Hơn thế nữa, Ngài còn rất cần sự cộng tác của mỗi người trong chúng ta. Vậy Ngài là ai đối với ta? Ta tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại cần sự cộng tác của chúng ta? Chúng ta có thể làm được điều gì cho Ngài?

Đó chính là những câu hỏi mà chúng ta thắc mắc và nghi ngờ về một Thiên Chúa mà chúng ta chưa nhận biết Ngài. Nếu ta không tin và đón nhận Ngài vào trong cuộc đời của mình thì những câu hỏi trên đây sẽ chỉ là những câu hỏi vô nghĩa và chẳng bao giờ được mặc khải cho chúng ta để ta có thể nhận biết được điều ấy. Ngược lại, đối với những ai tin và đến với Ngài thì chính Ngài sẽ mặc khải cho họ biết nhận ra thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Từ đó, điều này có thể giúp cho người ấy tìm được câu trả lời cho những câu hỏi mà ta đã đặt ra ở phía trên và không còn làm cho chúng ta nghi ngờ hay thắc mắc điều gì trước tình yêu thương vô điều kiện mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta.

Thiên Chúa cần sự cộng tác của nhân loại chúng ta ấy không phải là điều gì khác ngoài việc mong muốn tất cả chúng ta liên kết, hiệp thông với Ngài. Chính sự hiệp thông này đã cho chúng ta thấy rằng khi tạo dựng con người nam nữ theo hình ảnh Người, Thiên Chúa đã để họ sống trong sự hiệp thông với Người. Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, đã mặc khải chính Ngài là Tình Yêu, là Ba Ngôi, là sự hiệp thông, đã mời gọi con người tham dự vào mối tương quan thẳm sâu với chính Ngài, vào mối hiệp thông trong tình huynh đệ đại đồng giữa người với người.[1] Chính vì nhờ tình yêu thương thân ái như thế, nhân loại chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi hiệp thông với Ngài trong công trình vĩ đại của Ơn Cứu Chuộc trần gian này, nghĩa là, thi hành thánh ý nhiệm mầu cùng với mệnh lệnh của Ngài để nhờ đó tất cả nhân loại được đón nhận sự sống mới và ơn cứu độ chứa chan nơi Ngài. Điều này chúng ta sẽ nhận thấy cách cụ thể hơn về một Thiên Chúa đã cần sự hiệp thông và sự cộng tác của con người cùng với Ngài như thế nào. Đặc biệt, ngang qua biến cố vĩ đại là biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở nên xác phàm, Thiên Chúa đã làm cho mỗi người chúng ta có thể nhận ra và hiểu rằng chính sự cộng tác của con người qua Đức Maria và thánh cả Giuse, nhờ lòng tín thác cùng với lòng mến của các ngài đối với lời hứa Giao Ước yêu thương của Thiên Chúa mà Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để đồng thân phận và sống ở giữa nhân loại chúng ta. “Ngôi Lời trong Ba Ngôi Thiên Chúa, qua Ngài tất cả được tạo thành, qua Ngài tất cả được hiện hữu và giờ đây, Ngôi Lời trở thành con người và cắm lều ở giữa chúng ta”.[2] Đây là điều rất quan trọng và là niềm hạnh phúc đối với nhân loại chúng ta, bởi vì được Thiên Chúa yêu mến và sống rất gần gũi với ta. Thật vậy, chính nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa và sự cộng tác của Đức Maria và thánh Giuse mà làm cho con đường thiên đàng đã mở ra và ơn cứu độ toàn diện đến với nhân loại tội lỗi chúng ta.

Thật vậy, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi, ý định cứu độ của Thiên Chúa là gì? Thưa “ý định cứu độ của Thiên Chúa là quyết ý đưa người ta vào bên trong tình nghĩa với Ngài, thông ban chính mình Ngài cho người ta và lôi kéo thụ tạo vào hiệp thông với Ngài”. Sự hiệp thông với Thiên Chúa ở đây đó chính là sự khát khao và hằng mong mỏi thánh ý nhiệm mầu của Ngài được thực hiện trong cuộc đời của mỗi chúng ta là trở nên những con người loan báo Tin Mừng yêu thương, bình an và ơn giải thoát muôn dân được thoát khỏi mọi sự thống trị, đau khổ và nô lệ của bóng tối mịt mù ở trần gian tối tăm này, ngõ hầu đưa con người đang sống trong tình trạng khủng hoảng và nguy hiểm, được sống trong sự thật và hạnh phúc đích thực của Thiên Chúa. Vì chính Chúa mới là con đường, là sự thật và là sự sống. Ai ở trong Ngài sẽ không bao giờ phải chết nhưng được sống và sống dồi dào (x. Ga 11,25-26). Hơn thế nữa, Thiên Chúa sẽ mặc khải cho người ấy nhận biết sự thật nơi Ngài là gì. Ngài là Thiên Chúa, là Cha, Đấng hằng trung thành, quan tâm yêu thương và quan phòng đối với chúng ta lớn lao là dường nào.

Mặc dù chúng ta chưa nhận biết Ngài là ai. Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng trung thành, vẫn yêu thương và rất cần chúng ta đi vào trong con tim tràn đầy tình yêu mến của Ngài. Tại sao Thiên Chúa lại yêu thương ta đến thế? Thưa bởi vì chúng ta là con cái riêng của Ngài được Ngài tạo dựng và được Ngài yêu thương từ muôn thuở muôn đời (x. Gr 31,3). Như thế, nếu chúng ta là con cái của Ngài thì cũng có nghĩa, Ngài là Thiên Chúa và là Cha cũng nhân loại trên khắp mặt đất này. Thật vậy, đây chính là sự thật và chân lý mà Thiên Chúa hằng mong mỏi và khao khát làm cho nhân loại nhận biết. Nhờ đó, họ có thể quay trở về với Ngài, và nhận được niềm hy vọng và nguồn sự sống đích thực. Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu của Ngài đối với chúng ta trong Đức Giêsu Kitô để biểu lộ cho thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Ngài. “Quả vậy, chính do ân sủng, nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ. Đây không phải bởi sức riêng anh em, để không ai có thể hãnh diện. Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,7-10).

Vậy, chúng ta tự hỏi bản thân mình rằng công trình tốt đẹp mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta là gì? Thật thế, công trình tốt đẹp mà Thiên Chúa hằng mong muốn và khao khát chúng ta thực hiện, đó chính là thi hành thánh ý nhiệm mầu của Ngài trên cuộc đời của mình, như chính Đức Giêsu Kitô là Con duy nhất của Ngài đã tự nguyện hy sinh mạng sống mình để thực thi sứ mạng mà Chúa Cha đã giao phó cho Ngài, bằng cách vâng phục theo thánh ý Cha hoàn toàn. Tất cả những điều mà Chúa Giêsu đã thực hiện nhằm mục đích là yêu thương và dẫn đưa chúng ta về với Cha trên trời, ngõ hầu làm cho ta nhận biết, yêu mến và làm đẹp lòng Ngài. Đồng thời, Ngài cũng giúp cho ta đi đến tới tận nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu chứa chan nơi Ngài. “Quả thế như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15,22).

Bởi vì sứ mạng của Đức Kitô rất quan trọng và cần thiết cho phần rỗi của tất cả nhân loại, do đó, Chúa Giêsu Kitô luôn sẵn sàng hủy mình ra không để đi đến với chúng ta (x. Pl 2,6tt). Chúa không phân biệt một ai, dù giàu có hay nghèo khổ, dù tội lỗi hay công chính. Ngài vẫn chọn và yêu thương tất cả. “Vì tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai” (Ga 6,39). Chính vì tình yêu thương một cách cá vị này mà Chúa Giêsu đã cất tiếng mời gọi chúng ta bước đi theo Ngài. Như trong các sách Phúc Âm đã cho ta thấy, Ngài đã mời gọi các môn đệ “anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những người lưới người như lưới cá” (Mt 18,22); “anh hãy theo tôi” (Mc 2,13-17); “hãy đến mà xem…” (Ga 1,35-41); “hãy dành riêng Banaba và Saolô cho ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm…” (Cv 13,2-4). Và còn những đoạn Tin Mừng khác nữa mà chúng ta có thể đề cập đến lời mời gọi của Thiên Chúa. Quả thật, những lời kêu mời ấy chính là tiếng mời gọi yêu thương và tha thiết mà Chúa đã dành cho nhân loại. Nhờ điều này, ta trở thành những môn đệ của Thầy Giêsu Chí Thánh để cùng với Ngài bước đi trên con đường thực thi sứ vụ của Chúa Cha. Hay nói cách khác, Chúa cũng rất cần sự cộng tác và hiệp thông của chúng ta trong việc tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng trên trần gian này, ngõ hầu mọi người được đón nhận ơn cứu độ và được nhận biết Thiên Chúa là Cha của họ. Vì sứ mạng của Đức Kitô đã được ủy thác cho Giáo Hội và Thánh Thần là Đấng được sai đến hướng dẫn và thánh hóa Hội Thánh, nhờ đó Hội Thánh thực thi sứ mạng cao cả này của Người. Chính Thần Khí làm năng động cách huyền nhiệm cuộc hành trình của muôn dân tiến về Nước Thiên Chúa. Được Thần Khí thánh hiến, Đức Giêsu đi khắp nơi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, hiến dâng sự sống mình trên thập giá cho mọi người và trỗi dậy từ kẻ chết (x. Lc 4,14tt; Lc 23,44tt). Nhờ cùng một Thần Khí, Đức Giêsu tiếp tục hiện diện và hành động trong Giáo Hội là thân mình Người và trong thế giới. Cũng do Thần Khí này là “luồng gió của Thiên Chúa, vận hành lịch sử các quốc gia và các dân tộc hướng về việc thành toàn dự phóng của Thiên Chúa Cha.”[3]

Thiên Chúa hằng mong mỏi, đợi chờ từng người một chúng ta tham gia và cộng tác với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô trong công trình mang ơn cứu độ đến với tất cả mọi người. Điều kiện là họ phải từ bỏ mọi sự và biết vác thập giá hằng ngày mà theo Ngài (x. Lc 9,23). Việc vác thập giá ấy chính là biết đón nhận những thử thách, khó khăn, đau khổ và bế tắc trong cuộc đời, thậm chí là những trái ngược với ý riêng của bản thân mình. Quả thế, trong đời sống thánh hiến, vấn đề không chỉ là theo Chúa Kitô với con tim, bằng cách yêu mến Ngài hơn cha mẹ mình, hơn con trai hay con gái mình (x. Mt 10,37), nhưng còn là sống và diễn tả điều đó bằng việc biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô bằng một cuộc gắn bó triệt để, báo trước sự hoàn thiện cánh chung[4], đặc biệt là việc tuân giữ ba lời khấn: vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo. Nhờ đó, chúng ta luôn thuộc về Chúa một cách trọn vẹn hơn. Thật vậy, chúng ta chọn sống trong lối sống như thế, bởi vì chính ơn kêu gọi cao quý ấy đến từ nơi Thiên Chúa chứ không phải đến từ nhân loại chúng ta. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).

Chúng ta biết rằng mỗi người chúng ta là những con cái yêu dấu của Thiên Chúa, được Ngài cứu chuộc bằng chính giá máu của Ngài. Nhưng tình yêu thương cao cả ấy không ngừng lại ở đó mà thôi, Chúa còn mời gọi từng người chúng ta “hãy đi theo Ngài”, hiệp thông và cộng tác với Ngài trong sứ mạng lớn lao mà Chúa Cha đã giao phó cho Ngài và cũng như trao phó cho mỗi người chúng ta là môn đệ của Ngài. Thật vậy, chúng ta sẽ thực hiện như thế nào để giúp cho chúng ta luôn trung thành trong ơn kêu gọi và để công trình ơn cứu độ được thực hiện và hoàn thành như lòng Chúa mong muốn? Quả thật, để hoàn thành sứ mạng của mình, một sứ mạng của đức ái, Đức Kitô “đã hủy mình ra không, lĩnh lấy thân phận tôi đòi” (Pl 2,7) và phó mình cho ý của Chúa Cha trong công trình cứu chuộc, một công trình Ngài hiến trọn đời để thi hành (x. HP 48). Nhờ sự kết hợp mật thiết và luôn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu như thế, có thể làm cho chúng ta trở thành tông đồ và môn đệ chân chính của Thầy Giêsu Chí Thánh. Đồng thời, chúng ta cần trở thành muối, men, ánh sáng và niềm hy vọng cho thế giới ngày hôm nay (x. Mt 5,13tt), ngõ hầu Tin Mừng cứu độ trở nên sống động hơn nơi cuộc đời mỗi chúng ta. Thêm vào đó, chúng ta cần sẵn sàng ra đi loan báo tình thương và ơn cứu độ vĩnh cửu của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ đó mọi người được đón nhận đức tin, được lắng nghe Lời Hằng Sống từ nơi Chúa. Hơn thế nữa, việc loan báo Tin Mừng này của chúng ta giữa những con người sống trong chân lý và sự thật biết sống trong tâm tình cảm tạ, chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa là Cha và cũng là Đấng cứu độ họ, thoát khỏi tay ác thần là chính sự chết và tuyệt vọng. Đây chính là mục đích mà Thiên Chúa yêu thương và cần sự cộng tác của mỗi người chúng ta trong công trình vĩ đại của ơn cứu chuộc trên trần gian này, để tất cả nhân loại luôn được sống trong tâm tình biết ơn đối với Đấng hằng quan tâm và yêu thương chúng ta, vì chính sự hiện diện của chúng ta trên đời này là một hồng ân sự sống mà Thiên Chúa đã ban tặng cho từng người chúng ta một cách nhưng không.

T.B. Xin hết lòng cảm tạ tri ân Chúa đến muôn thuở muôn đời vì sự hiện diện của con trong giây phút hiện tại. Đó là một câu trả lời cho chính bản thân con rằng: Chúa yêu thương con vô cùng.




[1] Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ, Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 9.

[2] Michael Brehl, Cầu nguyện trong tinh thần và truyền thống thánh Anphongsô, 37.

[3] x. José Cristo Rey García Paredes, Đời tu và sứ vụ, Đỗ Ngọc Bảo chuyển ngữ, 2008, 19.

[4] x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống thánh hiến, Phan Tấn Thành chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2015), 35.

Chúa Yêu Thương Và Cần Chúng Ta

Học viện Thánh Anphongsô