Hoàng Lượng
Chính
trong cái chết, con người được hiệp thông với Đức Kitô. Người đến gặp gỡ con
người bằng một sự hiện diện vẫy gọi trong cái chết của người ấy. Nhờ đó, con người có thể cảm thấy hạnh phúc khi chết, vì trong đó người
ấy được Đấng Cứu Thế lôi kéo, được Người đón nhận.
Sống trong
thế giới thay đổi nhanh chóng như hiện nay, con người dường như đã lãng quên cái chết của chính mình. Tuy
nhiên, kể từ khi sa ngã, cái
chết, nói theo ngôn ngữ của Heidegger, đã là khả thể bất khả vượt qua của con
người. Sự tồn tại của con người luôn hướng về cái chết và rồi họ tự đảm nhận lấy cái chết của chính
mình. Cũng trong quan điểm của ông, cái chết là khả thể riêng tư nhất và bất
tương quan.[1]
Còn trong nhãn giới Kitô giáo, con người không còn phải chịu sự đơn độc trong
cái chết nữa, nhưng
họ được cùng chết với Đức
Kitô và cùng được sống lại với Người.
1.
Quan
điểm của Kitô Giáo về cái chết
1 1.1 Tội lỗi-nguyên nhân của cái
chết
Hội Thánh
dạy rằng, con người sa ngã và hậu quả là cái chết đã xâm nhập vào
trần gian. Nhưng ngay từ thuở ban đầu khi tạo dựng, ý định của Thiên
Chúa là muốn cho con người được sống và sống dồi dào mà không phải
chết.[2] Thánh
Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma cũng đã khẳng định: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây
nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã
phạm tội” (Rm
5,12). Vì thế, cái
chết như là án phạt của tội lỗi. Nó nằm trong con người, đè nặng trên con người
và làm liên lụy đến toàn vũ trụ (x. Rm 8,20).
Mặt khác,
khi phạm tội, con người từ chối Thiên Chúa và cái chết là hậu quả của sự chọn
lựa này. Vì mọi sự đều do Thiên Chúa mà có và tồn tại được nhờ Người (x. Rm
11,36), nên việc từ chối Người đồng nghĩa với cái chết. Trong sự tự do chọn lựa
chối bỏ Thiên Chúa, con người đã khuyết mất ánh sáng nên bóng tối xuất hiện,
khuyết mất sự thiện nên sự ác xuất hiện và khuyết mất sự sống nên cái chết xuất
hiện. Do đó, khi phạm tội, con người trốn tránh Thiên Chúa, làm nô lệ cho tội
lỗi và đồng thời quay lưng lại với sự sống của chính mình.
Tuy nhiên, chúng ta đã được giải
thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
Thư Do Thái viết rằng: “Còn Đức Kitô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội
cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời” (Dt 10,12). Nhờ đó, con người không còn bị phân tách ra khỏi Thiên Chúa là nguồn
sự sống nên không phải chết đời đời nhờ đức tin. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa
Giêsu khẳng định: “Ai tin
vào Người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào Người Con
thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy”
(Ga 3,36).
1 1.2 Cái
chết không còn là án phạt
Qua mầu nhiệm Chết
và Phục Sinh, Chúa Giêsu đã gánh lấy án phạt vì tội lỗi của chúng ta. Người đã
tiêu diệt sự chết, giải thoát chúng
ta khỏi quyền lực sự dữ, khỏi tội lỗi và làm cho con người vượt qua được sự chết
(x. 1Cr 15,26). Điều này đã được thánh Phaolô tông đồ quả quyết: “Vậy bây giờ án phạt không có nữa cho những
ai ở trong Đức Kitô Giêsu. Vì luật Thần khí ban cho sự sống trong Đức Kitô
Giêsu đã cho ngươi được tự do thoát luật của sự tội và sự chết” (Rm 8,1-2).
Vì thế, trong Đức Kitô, cái chết không còn là án phạt đè nặng
trên những người tin nữa,
nhưng cái chết trở nên ngưỡng cửa đưa họ vào sự hiệp thông
trọn vẹn với Thiên Chúa Hằng Sống.
Tự bản chất,
con người được dựng nên không phải để bị tiêu vong nhưng là để được sống muôn đời
trong tương quan tình nghĩa với Thiên Chúa. Cái chết không phải là ý định của
Thiên Chúa nhưng là hậu quả của tội.[3] Tội lỗi đã làm mất đi sự
thánh thiện nguyên thủy của con người và cắt đứt tương quan nghĩa thiết với
Thiên Chúa. Dẫu vậy, không bỏ mặc con người, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính
mình và tỏ cho con người biết thánh
ý của Người (x. Ep 1,9). Nhờ đó qua Đức Kitô-Ngôi Lời Nhập Thể và trong
Chúa Thánh Thần, con người có thể đến cùng Chúa Cha và được thông phần bản tính
của Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pl 1,4). Người mời gọi và đón nhận
con người đến hiệp nhất với Người.[4] Do đó, thay vì là án phạt,
cái chết giờ đây đã trở thành dịp để con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa và được thông phần bản tính với Người.
2.
Hiệp
thông trong cái chết
2.1 Hiệp thông với Đức Kitô
Chính trong cái chết, con người được
hiệp thông với Đức Kitô. Người đến gặp gỡ con người bằng một sự hiện diện vẫy gọi
trong cái chết của người ấy. Trong cái chết cá vị của một người, sự hiện diện của
Đức Kitô kêu gọi và lôi kéo người ấy về với Người. Đức Kitô đưa người ấy vượt qua cái chết.[5] Nhờ đó, con người có thể cảm
thấy hạnh phúc khi chết, vì trong đó người ấy được Đấng Cứu Thế lôi kéo, được
Người đón nhận.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu
Philípphê viết rằng: “Ao ước của tôi là
ra đi để được ở với Đức Kitô” (Pl 1,23). Với câu này, nhà thần học
Francois Xavier Durrwell cho thấy hai động từ “ra đi” và “ở với” trong bản gốc
bằng tiếng Hy Lạp đều diễn ra cùng một lúc. Nghĩa là, việc “ở với” không theo
sau cái chết nhưng là trong sự hiệp thông với Đức Kitô.[6] Nơi cái chết của mình, Đức
Kitô đã ôm lấy tất cả cái chết của con người và cho họ được cùng chết với Ngài.
Hơn nữa, khi được dìm vào nước thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, chúng ta đã được
dìm vào trong cái chết của Người (x. Rm 6,3). Như vậy, chúng ta sẽ được
hiệp thông trong cùng một cái chết với Đức Kitô và được cùng chết với Người (x.
2 Tm 2,11). Bên cạnh đó,
nhờ cái chết, người tín hữu được trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”
trong hành vi yêu mến và vâng phục trọn vẹn với Thiên Chúa (x. Pl 2,6-8;
Mt 17,33; Cv 20,14).[7]
2.2 Hiệp thông với Hội Thánh
Xét về mặt hữu
hình, cái chết là một sự đoạn tuyệt với mọi mối tương quan. Tuy nhiên, trong Đức
Kitô, cái chết là việc đi vào trong sự hiệp thông hoàn toàn không chỉ với Thiên
Chúa mà còn cả với người khác.[8] Vì khi hiệp nhất với Đức
Kitô trong cái chết, người ấy thoát khỏi điều ngăn cách chính mình với tha
nhân. Đức Kitô đã chết cái chết của mọi người khi bị treo trên Thập giá. Người đã chết cho mỗi cái chết trong cái chết của mình.[9]
Đối với Kitô hữu,
bí tích Thanh Tẩy giúp chúng ta được ở với Đức Kitô và được chết với Người (x. Rm
6,3). Cũng nhờ bí tích này, những người tin được liên kết thành Thân Mình Mầu
Nhiệm của Đức Kitô (x. Ep 1,23; Cl 1,18). Thân Mình ấy có Đức
Kitô là Đầu và các tín hữu là những chi thể có những chức năng khác nhau, như thánh Phaolô đã nói: “Anh
em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,27).
Vì là thân thể của Đức Kitô nên chúng ta có sự liên đới trọn vẹn với Người và với
nhau ngay cả trong cái chết.
3. Kết luận
Như vậy, đối với Kitô giáo, nhờ đức tin con người không còn bị phân tách ra
khỏi Thiên Chúa là nguồn sự sống. Cũng vậy, trong Đức Kitô, cái chết không còn
là một án phạt nữa nhưng là một cơ hội để các Kitô hữu có thể hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa-Đấng mà họ
yêu mến. Hơn nữa, chúng ta không còn phải chết trong đơn độc nhưng được cùng chết
với Đức Kitô trong sự hiệp thông với Hội Thánh. Điều này có nghĩa là chúng ta
đón nhận và tháp nhập vào cái chết của Đức Kitô để được thông phần sự sống của
Người (x. Rm 6,8).
[1] x. Martin Heidegger, Hữu thể và thời gian II, Trần Công Tiến chuyển ngữ (Sài Gòn: NXB. Quê Hương, 1973),
38.
[2] x. Sách giáo lý
của Hội
Thánh Công giáo, Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc
Hội đồng Giám mục Việt Nam chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2011), # 402.
[3] x. Vũ Chí Hỷ, “Cánh chung học –
Đạo lý về niềm hy vọng Kitô giáo,” Giáo trình (Chưa xuất bản), 190.
[4] x. CĐ. Vaticanô II, Hiến Chế Dei
Verbum, #2.
[5] x. F.X. Durrwell, Đức Kitô, con người và cái chết, Vân Thúy chuyển ngữ (Média Paul & Paulines), 45.
[6] x. F.X. Durrwell, Đức Kitô, con người và cái chết, 46.
[7] x. Vũ Chí Hỷ, “Cánh chung học –
Đạo lý về niềm hy vọng Kitô giáo,” 200.
[9] x. F.X. Durrwell, Đức Kitô,
con người và cái chết, 52.