Tiến bước trong linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế

 

Vincent Hoàng Văn Tài

Ngang qua 4 trụ cột linh đạo của Dòng Chúa Cứu Thế, các tu sĩ DCCT có thể khám phá và làm mới lại hình ảnh của Đức Kitô nơi họ. Nhờ đó, họ biết “chọn bản vị Đức Kitô làm trung tâm” (HP 23), để rồi không ngừng thanh luyện các động cơ trong việc phán đoán và hành động (x. HP 41), hầu trở nên những tôi tớ can trường trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó (x. HP 6).

Vâng! Lạy Chúa con đây,

con xin đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10,9)

Đó là lời đáp trả đầy tự do và hoàn toàn vâng phục của Chúa Giêsu với tiếng gọi tình yêu của Chúa Cha. Chính lời thưa “xin vâng” đầy yêu thương và khiêm nhượng đó của Chúa Giêsu, mà sự chết nơi nhân loại đã bị đập tan, để nhường chỗ cho ơn cứu độ khơi nguồn sự sống mới cho nhân loại. Như thế, có thể nói, sự sống nơi con người được khởi đi từ tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa. Đối với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, để có thể đáp trả tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa, không có gì khác là họ trung tín với đặc sủng và linh đạo của Hội Dòng. Khi tái khám phá và làm mới lại đời sống thánh hiến của bản thân bằng việc gắn kết và tiến bước trong linh đạo của Hội Dòng, các tu sĩ DCCT sẽ sống sung mãn và trở nên những dấu chỉ, chứng tá sống động cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở trần gian (x. HP 1).

Tiếng gọi tình yêu

Thiên Chúa gọi và chọn con người bằng tình yêu. Ngài yêu thương nên đã tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài. Thiên Chúa còn ưu ái khi cho con người quyền quản lý trên muôn loài, và hơn cả, là được sống trong vòng tay yêu thương của Ngài. Thế nhưng, vì sự kiêu ngạo và bất tuân mà con người đã phản bội lại tình yêu của Thiên Chúa, để rồi mang vào mình bao đau khổ và sự chết. Tuy vậy, “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16), Ngài hằng yêu thương và chưa một lần bỏ rơi con người. Vì vậy, Thiên Chúa tiếp tục mời gọi con người quay trở về để luôn được ở trong tình yêu của Ngài. Để thực hiện điều này, Thiên Chúa không lấy gì làm hơn ngoài việc sai Người Con Một là chính Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Chính sự vâng phục tuyệt đối và đầy tự do của Chúa Giêsu với tiếng gọi tình yêu của Chúa Cha đã khơi nguồn một kỷ nguyên mới cho nhân loại: kỷ nguyên của sự sống và ơn cứu chuộc chứa chan nơi chính Đức Giêsu Kitô (x. Tv 129,7).

Thật vậy, chính nơi Đức Giêsu Kitô mà một vị Thiên Chúa cao cả, toàn năng và quyền uy lại hoàn toàn hủy mình ra không (x. Pl 2,6-11), để rồi đến trong lịch sử và làm người, tất cả là bởi tình yêu[1]. Đỉnh cao cho lời mời gọi tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người chính là việc Đức Giêsu Kitô chịu chết trên thập giá làm giá chuộc muôn người. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã trở thành hy tế để Người cứu con người khỏi án chết. Người đã phục sinh, trao ban Thần Khí và nay Người luôn hiện diện cách sống động nơi Bí tích Thánh Thể để tiếp tục trở nên nguồn lương thực nuôi dưỡng con người. Thánh Anphongsô đã kinh nghiệm được tình yêu huyền nhiệm đó nơi cuộc đời của ngài. Do vậy, thánh nhân đã đáp trả lại tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa khi ngài từ bỏ tất cả tiền tài, danh vọng, địa vị để đi đến một quyết định dứt khoát cho cả cuộc đời là thành lập DCCT với sứ mạng: “Theo sát Đức Giêsu Kitô Cứu Thế bằng cách rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó” (x. HP 1).

Như Đấng Tổ Phụ, các tu sĩ DCCT cũng được mời gọi lắng nghe và mau mắn đáp trả lại tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa bằng chính cuộc đời của mình. Để làm được điều này, thánh Anphongsô đã chỉ ra cho các tu sĩ DCCT cách thức không gì khác là “yêu mến Chúa Giêsu”. Việc này đòi hỏi các tu sĩ phải có được một kinh nghiệm cá vị và thiết thân với Đức Giêsu. Nhờ những kinh nhiệm này, họ sẽ dùng chính cuộc đời của mình mà làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa Cha, “Đấng đã yêu thương ta trước và đã sai Con của Ngài làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10; x. HP 6). Muốn có được kinh nghiệm cá vị với Đức Giêsu Kitô, và khám phá tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa, các tu sĩ DCCT được mời gọi phải vun trồng đời sống cầu nguyện để khám phá và sống mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô (x. HP 29). Mầu nhiệm này đã được Đức Giêsu tỏ lộ trên con đường mà Người đã đi, đó là: Nhập Thể, Thập Giá, Thánh Thể và Sự đồng hành của Mẹ Maria.

Mầu nhiệm Nhập Thể

Thánh Gioan đã khẳng định: “Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1 Ga 4,10). Thật vậy, tình yêu Thiên Chúa là tài sản quý giá nhất mà nhân loại có được. Tài sản này đã được Thiên Chúa trao ban nơi Ngôi Lời Nhập Thể là Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã vì tình yêu trung tín của Thiên Chúa với nhân loại, mà trút bỏ mọi vinh quang, danh dự (x. Pl 2, 6-11), để rồi hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha xuống thế làm người nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria mà cứu độ nhân loại. Chính Người đã tự nguyện chọn thân phận nghèo hèn, chọn sống và cư ngụ giữa con người như một người bình thường, ngoại trừ tội lỗi, để rồi đi vào trong dòng lịch sử của nhân loại bằng sự thân mật, gần gũi và yêu thương: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14). Trong hang đá Bêlem năm xưa, nơi máng cỏ nghèo hèn, đơn sơ, một Thiên Chúa quyền năng, vô hình, cả vũ trụ không chứa nổi, nay lại trở nên hữu hình trong hình hài của một Hài Nhi bé bỏng, yếu ớt và cần đến sự che chở của con người. Sự hạ mình đến tột cùng như thế của Chúa Giêsu là minh chứng sống động và xác đáng nhất cho thấy một Thiên Chúa yêu con người đến độ trở nên đồng thân đồng phận mà ôm trọn lấy cái nghèo, cái xù xì, cái thô ráp của kiếp người lầm than, để cho dù con người có là ai và ở trong hoàn cảnh nào thì Thiên Chúa vẫn luôn ở cùng và ở giữa họ. Như thế, ngang qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã cho thấy Ngài yêu con người hết mực và vô điều kiện, sẵn sàng làm tất cả mọi sự chỉ vì con người.

Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu nơi mầu nhiệm Nhập Thể, các tu sĩ DCCT cũng được mời gọi hãy lắng nghe và đáp trả tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa, bằng cách tự buộc mình trở nên những tôi tớ khiêm tốn và can trường của Đức Kitô khi ở giữa người ta (x. HP 6). Họ trở nên những tông đồ trong mọi việc lành và bày tỏ bản chất phổ quát của ơn cứu độ (x. HP 19) cho hết thảy mọi người. Nhờ đó Tin Mừng sẽ được rao giảng cách trọn vẹn (x. HP 9).

Mầu nhiệm Thập Giá

Khi con người hờ hững và tiếp tục quay lưng với tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa, thì Ngài không nản lòng hay từ bỏ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi con người thiết tha hơn và yêu thương nhiều hơn bằng việc để cho Đức Giêsu Kitô tự nguyện chịu chết trên cây thập giá. Nơi thập giá, chính Chúa Giêsu vì tình yêu dành cho con người đã hoàn toàn xin vâng theo thánh ý của Chúa Cha để rồi chịu chết mà cứu chuộc nhân loại. Trên cây thập giá, máu, mồ hôi, nước mắt, những mũi đinh và cuối cùng là cả mạng sống của Chúa Giêsu đã hòa quyện, kết tinh và đổ ra từng giọt để rồi thấm nhuần vào trong từng vùng tối tăm của thực tại tội lỗi nơi con người. Nhờ đó, ánh sáng của ơn cứu độ được chiếu tỏa trên con người. Xưa kia, nhân loại giống như đoàn dân đang lần bước trong đêm đen của thế gian điên dại, của nhơ nhớp tội lỗi, của sự chết, thì nay nhờ cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã phá tan bóng tối của sự chết, của tội lỗi phủ vây nhân loại, và khai mở một sự sống mới vĩnh cửu nơi Thiên Chúa (x. Is 9,1). Như thế, với tình yêu của Chúa Cha và sự đáp trả tuyệt đối của Chúa Giêsu, cùng trao ban Thần Khí khi Chúa Giêsu trút hơi thở, thì nói như lời ĐGH Bênêđictô XVI: “Thập Giá không phải là hành vi làm hòa của nhân loại dâng lên cho Thiên Chúa đang cơn thịnh nộ, nhưng là sự diễn tả Tình Yêu như điên dại của Thiên Chúa, một Tình Yêu đến độ tự hiến, tự hạ để cứu con người. Thập Giá là hành vi của Thiên Chúa đến với chúng ta chứ không phải ngược lại.”[2]

Sự sừng sững của thập giá Đức Giêsu giữa đất trời vẫn luôn là tiếng gọi tình yêu đầy sống động mà Thiên Chúa mời gọi các tu sĩ DCCT hãy đáp trả trong từng ngày sống của họ. Tình yêu của Đức Kitô trên thập giá thúc bách các tu sĩ DCCT kinh nghiệm và đi vào trong sự đáp trả tình yêu ấy bằng cách “tham dự vào sự bỏ mình của Đấng chịu đóng đinh, sự tự do thanh khiết của trái tim Ngài và sự toàn tâm dâng hiến chính Ngài cho sự sống trần gian” (HP 51). Điều này đòi hỏi các tu sĩ phải là người thực sự kinh nghiệm được tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm Thập Giá. Có như thế, họ mới có thể can đảm để chọn bản vị Đức Kitô làm trung tâm cho cuộc sống mình (x. HP 23). Để rồi từ đó, người tu sĩ DCCT bước theo Đức Kitô Cứu Thế bằng việc “bỏ mình và luôn sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn” (HP 20). Họ hiến mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân (x. HP 1) đặc biệt nơi những con người nghèo khổ, tất bạt để nhờ đó, ơn cứu độ của Thiên Chúa được dẫy tràn xuống trên nhân loại.

Mầu nhiệm Thánh Thể

Mặc dù đã nhập thể làm người, chịu chết trên thập giá, phục sinh vinh hiển và trao ban Thần Khí để cứu độ con người, nhưng tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho con người lúc nào cũng như ngọn lửa bừng cháy trong tim, khiến Người không chịu ngồi yên mà tiếp tục hủy mình ra không nơi tấm bánh bé nhỏ, đơn sơ, hầu có thể ở lại với con người luôn mãi và mời gọi con người cũng hãy ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa (x. Mt 28,20).

Trong Bí tích Thánh Thể, tình yêu đã khiến Chúa Giêsu trao hiến chính mình Người cho nhân loại: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19). Người chấp nhận ẩn mình trong tấm bánh trắng tinh đơn sơ, bé nhỏ để sẵn sàng bẻ nhỏ thân mình ra làm của ăn nuôi sống linh hồn con người: “Tôi là Bánh Trường Sinh, ai đến với tôi không hề phải đói” (Ga 6,35). Để rồi, dù chúng ta có là ai, là người như thế nào, thì vẫn được Chúa bao bọc, nuôi dưỡng và bổ sức tâm linh, như lời ĐTC Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Đức Giêsu đã phô bày Thiên Chúa ra cho chúng ta nhìn ngắm và đụng chạm”[3]

Với các tu sĩ DCCT, Thánh Thể luôn là chóp đỉnh và nguồn mạch của toàn bộ đời sống tông đồ cũng như là dấu chỉ của tình liên đới thừa sai (x. HP 29). Do đó, để đáp lại tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa cách cụ thể và sống động, các tu sĩ DCCT được mời gọi thường xuyên đến với Bí tích Thánh Thể, để Thánh Thể trở nên nguồn sống nuôi dưỡng toàn bộ đời sống thiêng liêng của họ cách dồi dào, bền bỉ hơn (x. HP 31). Chính trong và qua Bí tích Thánh Thể, người tu sĩ DCCT gặp gỡ được một Đức Giêsu cách cá vị, thiết thân trong chính cuộc sống của họ. Nhờ đó, các tu sĩ DCCT kinh nghiệm được tình thương và ơn cứu độ của Chúa trên cuộc đời của họ (x. HP 27). Điều này sẽ làm cho lời rao giảng của họ trở nên có giá trị và là chứng tá sống động về ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho từng người (x. HP 27).

Từ đây có thể khẳng định, Thánh Thể chính là “con tim” của đời sống Hội Dòng. Chính khi ở lại và kết nối với Bí tích Thánh Thể, tu sĩ DCCT mới biết “lưu tâm đến việc mặc lấy con người mới, được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết, hầu thanh luyện các động cơ của bản thân trong việc phán đoán và hành động” (HP 41). Nhờ đó, họ có thể dễ dàng trong việc bẻ đời mình ra để đến với tha nhân, nhất là với những người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả, hầu trở nên “dấu chỉ và chứng tá về quyền năng phục sinh của Đức Kitô trước mặt người đời, khi loan báo sự sống mới và vĩnh cửu” (HP 51).

Sự đồng hành của Đức Maria

Đối với Đức Maria, Mẹ không chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu nhưng còn là người môn đệ trung tín luôn theo sát Đức Kitô Cứu Thế. Giống như Chúa Giêsu, Mẹ cũng luôn trung thành và mau mắn trong việc đáp trả lại tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa ở nơi cuộc đời của Mẹ.

Khi thưa lên hai tiếng “xin vâng” với lời truyền tin của sứ thần Gabriel (x. Lc 1,38), Mẹ hoàn toàn vâng phục và ngoan ngùy bỏ ngỏ cuộc đời của mình cho Thiên Chúa dẫn dắt. Mẹ Maria đã hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa một trật với việc hiến mình cho sứ mạng của Đức Kitô nơi công trình cứu chuộc. Mẹ đã xin vâng trong sự tin tưởng, phó thác để đón nhận Ngôi Hai nhập thể trong cung lòng của Mẹ. Mẹ xin vâng trong nghịch cảnh khi cùng con trốn sang Ai Cập, xin vâng trong âm thầm khi sống ẩn dật cùng Chúa Giêsu tại Nadarét. Mẹ còn xin vâng trong niềm cậy trông vào Con Mẹ tại tiệc cưới Cana và cuối cùng là xin vâng trong sự trung tín đến tột cùng khi đứng dưới chân thập tự trên đỉnh đồi Calvario năm xưa. Chính khi ở dưới chân thập giá, Mẹ Maria đã lãnh nhận sứ mạng mà Chúa Giêsu trao phó: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,26), để rồi từ đây, Mẹ trở thành Mẹ của nhân loại và chăm sóc cho Hội Thánh của Chúa ở trần gian. Như thế, Đức Maria là gương mẫu tuyệt vời về việc thánh hiến hoàn hảo, vì Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và hiến dâng trọn vẹn bản thân”.[4]

Như thánh Gioan năm xưa, các tu sĩ DCCT cũng được mời gọi: đón nhận Đức Trinh nữ Maria rất thánh về nhà mình (x. Ga 19,27).[5] Họ hãy “quảng đại trong việc hun đúc lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, nhất là lòng tôn sùng có tính phụng vụ” (HP 32). Để nhờ Mẹ và qua Mẹ, tu sĩ DCCT biết mạnh mẽ đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và mau mắn lên đường trên hành trình làm chứng cho Tin Mừng (x. HP 32).

Như vậy, ngang qua bốn trụ cột trong linh đạo của Dòng Chúa Cứu Thế: mầu nhiệm Nhập Thể, Thập Giá, Thánh Thể, và sự đồng hành của Mẹ Maria, cùng với sự ngoan ngùy để cho Thần Khí hướng dẫn (x. HP 25), các tu sĩ DCCT có thể khám phá và làm mới lại hình ảnh của Đức Kitô nơi họ. Nhờ đó, họ biết “chọn bản vị Đức Kitô làm trung tâm” (HP 23), để rồi không ngừng thanh luyện các động cơ trong việc phán đoán và hành động (x. HP 41), hầu trở nên những tôi tớ can trường trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó (x. HP 6).




[1] x. Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, 53.

[2] Ibid., 304.

[3] Ibid., 53.

[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống thánh hiến (Vita Consecrata), Phan Tấn Thành chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2015), 56.

[5] Ibid., 57.

Tiến bước trong linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế

Học viện Thánh Anphongsô