Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi

 

Giuse Văn Mạnh

Tình yêu nơi Chúa Giêsu luôn trung thành, đầy sáng kiến và đi bước trước, luôn quảng đại và đơn giản, luôn nhân từ và trắc ẩn, luôn hạ mình cúi xuống để phục vụ. Tình yêu đó nói cho con người biết rằng Thiên Chúa luôn yêu mến và chấp nhận con người vô điều kiện, bất chấp những yếu đuối và giới hạn của họ.

“Tôi sống nhưng không phải là tôi sống,
mà là Đức Kitô sống trong tôi”
 (Gl 2,20).

Kinh nghiệm của thánh Phaolô đã nói lên tất cả ý nghĩa đời sống của người Kitô hữu, những người đã dìm mình trong Bí tích Thánh Tẩy của Đức Kitô. Thật vậy, nhìn lại lịch sử của Hội Thánh, chúng ta tự hỏi điều gì đã khiến các Tông Đồ là những người thất học, quê mùa, nhát gan lại trở nên khôn ngoan, can đảm, nhiệt thành đến nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống để loan báo Tin Mừng. Cũng vậy, điều gì khiến các thánh tử đạo sẵn sàng đổ máu để giữ vững niềm tin vào một thứ giáo lý mà dân ngoại gọi là mê tín? Hay điều gì khiến các thánh ẩn tu từ bỏ mọi lợi lộc trần gian để ẩn mình trong bốn bức tường mà sống một cuộc đời khổ chế? Và điều gì khiến các nhà thừa sai, trong đó có thánh Anphongsô – Đấng sáng lập DCCT và các tu sĩ trong Dòng, sẵn sàng từ bỏ gia đình, quê hương, đất nước với một tương lai tốt đẹp để liều mình đến với những vùng ngoại biên, nơi có những con người nghèo khổ, bệnh tật để chia sẻ và phục vụ họ? Điều gì đã khiến các ngài trở thành những con người phi thường như vậy? Đó là các ngài đã kinh nghiệm và đụng chạm được tình yêu của Đấng đã chết và sống lại vì mọi người (x. 2Cr 5,15). Để từ đây các ngài xác tín và nói lên như kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5,14).

Thánh Augustinô đã từng nói: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Đó là kinh nghiệm của vị thánh tiến sĩ về sức mạnh của tình yêu. Đó cũng là lời mời gọi mọi người hãy yêu đi, hãy ở lại trong tình yêu để có thể cảm nếm được tất cả hương vị của tình yêu và hãy để cho sức mạnh của tình yêu hoạt động trên cuộc đời của mình. Tuy nhiên, làm sao yêu được nếu như không đáp trả? Làm sao đáp trả nếu không hiểu được tình yêu? Và làm sao hiểu được tình yêu nếu không nhận biết và chấp nhận chính mình?

Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi nhận biết và chấp nhận chính mình

Đã bao giờ, một cách thật lòng, chúng ta tự hỏi bản thân: Tôi là ai? Tôi là người như thế nào? Có thể, đã có những lúc chúng ta được nghe người khác đặt những câu hỏi về mình và đôi khi chúng ta chỉ trả lời cách bâng quơ, mơ hồ. Dường như chúng ta có thể biết được mọi thứ, chấp nhận mọi giá trị nhưng chính bản thân chúng ta lại né tránh hay làm ngơ. Chúng ta chưa bao giờ hiểu biết về bản thân một cách rõ ràng và chấp nhận nó như một phần của đời mình. Vì vậy, trong các mối tương quan, chúng ta luôn xây cho mình nhiều lớp mặt nạ. Điều gì đã thúc đẩy chúng ta thành những con người như vậy?

Thời gian này, chúng tôi lại bị đánh động bởi câu hỏi: Tôi là ai? Tôi là người như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng tôi được mời gọi trở về với những ngày đầu của công trình tạo dựng nơi con người đầu tiên xuất hiện và nhìn lại lịch sử đời mình. Thật vậy, từ những trang đầu trong Kinh Thánh, chúng ta biết được rằng vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người và ban cho họ quyền trên tất cả mọi sự ở trần gian (x. St 2,19). Ngài yêu thương con người đến nỗi đã dành trọn tình yêu và thời gian cho họ. Tuy nhiên, con người không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, cũng như không ý thức được thân phận xác phàm của mình nên họ đã muốn trở nên như Thiên Chúa. Điều đó dẫn con người tới hành vi phạm tội mà được gọi là tội nguyên tổ. Suy cho cùng, tội nguyên tổ đó chính là tội kiêu ngạo, tội không biết mình, không chấp nhận mình. Con người luôn cho mình là trung tâm của vũ trụ, là người tạo ra và có quyền trên tất cả mọi sự. Họ tự cho mình quyền sinh sát, quyền làm chủ và điều khiển người khác, quyền ban phát và cũng có quyền lấy đi. Con người không nhận ra rằng mọi sự họ có đều được nhận lãnh từ một Đấng có tình yêu vô hạn (x. 1Cr 4,7).

Để con người nhận ra chính mình và khiêm tốn thay đổi đời sống, Con Một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đã chấp nhận mang lấy xác phàm, trở nên giống như con người, ngoại trừ tội lỗi. Qua đời sống, qua lời rao giảng, đặc biệt là qua cái chết và sự phục sinh của Người, con người có thể nhận ra được tình thương của Thiên Chúa. Thật vậy, nơi Chúa Giêsu, tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện cách minh nhiên và trọn vẹn. Đó là một tình yêu luôn trung thành, đầy sáng kiến và đi bước trước, luôn quảng đại và đơn giản, luôn nhân từ và trắc ẩn, và luôn hạ mình cúi xuống để phục vụ. Tình yêu đó nói cho con người biết rằng Thiên Chúa luôn yêu mến và chấp nhận con người vô điều kiện bất chấp những yếu đuối và hạn chế của họ.

Hình ảnh của con người đầu tiên đó cũng là chính chúng tôi của hiện tại. Tình yêu của Thiên Chúa ngày đó cũng chính là tình yêu của Ngài bây giờ. Chúng tôi đã từng được học, được nghe, được biết và thậm chí được tình yêu đó đụng chạm. Nhưng như hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24,13-35), chúng tôi vẫn chậm tin và không nhận ra tình yêu đó cách rõ ràng và xác tín. Thế nhưng, theo tiếng gọi của tình yêu, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình để khám phá ra tình yêu đó thực sự là gì trên cuộc đời của mình. Trong thời gian mà chúng tôi gọi là năm hồng ân này, được sự hướng dẫn tận tình của vị Tập Sư, cũng như những chia sẻ huynh đệ đầy tình gia thất, đặc biệt là trong cầu nguyện, chúng tôi dần nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như tình yêu của Ngài trên cuộc đời mình. Với đời sống lấy Đức Kitô làm trung tâm (x. HP 23), chúng tôi đã quy tất cả cuộc đời của mình về Người, và từ nơi Người, chúng tôi quay trở lại với chính mình theo cái nhìn của Đức Kitô. Một cái nhìn của lòng chạnh thương, của sự tha thứ và quảng đại đón nhận tất cả. Từ đó, chúng tôi bắt đầu nhận ra con người thật của mình và trong tình yêu của Đức Kitô, chúng tôi chấp nhận nó như là một phần làm nên đời mình.

Thật vậy, nơi Đức Kitô, chúng tôi nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt. Điều đó được thể hiện qua việc Ngài luôn tha thứ sau những lần chúng tôi vấp ngã. Ngài quảng đại chấp nhận con người tội lỗi của chúng tôi, và Ngài vẫn không ngừng trao ban tình yêu bất chấp những hạn chế và yếu đuối ở nơi chúng tôi. Đồng thời trong Đức Kitô, chúng tôi cũng nhận ra được con người nghèo hèn của mình và chấp nhận nó như nó là. Như thế, ngang qua việc kinh nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trên cuộc đời mình, chúng tôi cũng được mời gọi trở thành những chứng nhân công bố tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương ta trước và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội chúng ta (x. HP 6); và nói cho mọi người biết rằng mặc dù tất cả đều là tội nhân nhưng trong mức độ sâu hơn, tất cả đều được tuyển chọn, được cứu chuộc và được quy tụ trong tình thương của Đức Kitô (x. HP 7).

Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi khám phá Tình yêu

Thánh Augustinô nói: “Vì Chúa đã tạo dựng chúng con, nên tâm hồn chúng con sẽ chẳng khi nào ngơi, mãi cho đến khi được an nghỉ trong Ngài”. Đó là kinh nghiệm của vị thánh tiến sĩ khi ngài nhận ra tình yêu của Thiên Chúa luôn dành cho mình. Từ khi nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, ngài luôn khắc khoải khám phá sự mới mẻ của tình yêu. Thật vậy, tình yêu của Thiên Chúa thì luôn luôn mới, những vẫn chỉ là một tình yêu và con người được mời gọi tiếp tục khám phá tình yêu đó. Vậy chúng ta có thể tìm kiếm và khám phá tình yêu Thiên Chúa ở đâu? Thưa là ở trong Kinh Thánh, trong Bí tích Thánh Thể, trong mọi mối tương quan, các biến cố, sự kiện hằng ngày. Nhưng rõ nhất, trọn vẹn và hoàn hảo nhất được thể hiện nơi Chúa Giêsu, trong các mầu nhiệm Nhập Thể - Thương Khó – Thánh Thể.

Nếu nói tình yêu Thiên Chúa được thể hiện trong công trình tạo dựng, thì trong mầu nhiệm Nhập Thể - Thương Khó – Thánh Thể, tình yêu Thiên Chúa được hoàn tất cách trọn vẹn và hoàn hảo. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã tự nguyện đi vào trong thế gian, chấp nhận mặc lấy thân phận xác phàm (x. Ga 1,14) để cùng chung chia kinh nghiệm với con người. Ngài đã đi vào trong thế gian như bao con người khác, là một trẻ thơ được sinh ra từ cung lòng của một người nữ cụ thể, trong một xã hội và dân tộc cụ thể. Ngài đã khiêm tốn khi chọn cho mình cách sinh ra và còn khiêm tốn hơn nữa khi chấp nhận được sinh ra nơi hang bò lừa hôi tanh, bẩn thỉu. Như vậy, ngay từ đầu, Ngài đã muốn đi sâu vào trong thân phận của con người, vào trong cảnh cùng cực, khốn khổ nhất của con người. Để từ đây, Ngài không chỉ muốn diễn tả tình yêu của mình bằng lời nói, nhưng là bằng cả con người, cả cuộc sống, cả một kinh nghiệm chung chia với sự nghèo, sự khổ cực của đời người. Thánh Anphongsô đã quả quyết cho chúng ta ý nghĩa và mục đích sâu xa nhất của mầu nhiệm Nhập Thể là diễn tả tình yêu của Thiên Chúa.[1] Thật vậy, nếu Đấng Cứu Thế phải đến để cứu chúng ta và để được tôn trọng và thậm chí để chúng ta sợ hãi Người nhằm giúp chúng ta tỉnh thức, sẵn sàng ngăn ngừa chúng ta khỏi sa ngã một lần nữa, thì Người có thể đến thế gian trong tư cách là một người trưởng thành hay trong thân phận của một người có uy quyền. Nhưng Người đã không làm như vậy. Người đã đến để xua tan nỗi sợ hãi mà theo thánh Anphongsô là sự đối nghịch hoàn toàn với tình yêu. Như thánh Gioan đã nói, sự đối nghịch với tình yêu là nỗi sợ. “Trong tình yêu không có sợ hãi, trái lại tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4,18). Thánh Anphongsô cũng đã giải thích rõ hơn về mầu nhiệm Nhập Thể như sau:

Bởi vì Người đến để dành lấy tình yêu của chúng ta, Người đã chọn đến và bày tỏ chính mình trong thân phận một trẻ thơ, một trẻ thơ nghèo hèn nhất, sinh ra giữa chuồng súc vật lạnh giá, được đặt trong máng cỏ, không tã bọc và không lửa sưởi ấm cho chân tay run rẩy. Thật vậy, Ngài được sinh ra là để được yêu thương chứ không phải để sợ hãi. Ôi Thiên Chúa của con! Ai đã kéo Ngài từ trời xuống sinh ra trong máng cỏ này? Đó là tình yêu, vì tình yêu mà Ngài đã hạ sinh cho con người. Ai đã đưa Ngài từ cánh tay phải của Thiên Chúa Cha nơi Ngài ngự và đặt Ngài nằm trong máng cỏ này? Ai đã đưa Ngài từ ngai vàng trên chốn trời cao và đặt Ngài nằm trong chút rơm nhỏ bé này? Ai đã thay đổi vị trí của Ngài ở giữa các thiên thần và đặt Ngài ở giữa những con thú này? Tất cả là do tình yêu, Ngài là Đấng thắp sáng các thiên thần, mà nay Ngài lại rùng mình trước giá lạnh. Ngài cai quản các tầng trời, vậy mà nay Ngài phải được chăm sóc bởi bàn tay một con người. Ngài nuôi dưỡng con người và các loài thú vật, vậy mà nay Ngài ao ước một chút sữa để giữ lấy sự sống. Ngài làm cho các thiên thần hạnh phúc, vậy mà giờ đây Ngài phải khóc lóc và than van. Ai đã làm cho Ngài lâm vào cảnh nghèo khổ thế này? Chính tình yêu làm điều ấy. Thật vậy, Ngài được sinh ra là để được yêu thương chứ không phải để sợ hãi.[2]

Tuy nhiên, Chúa Giêsu không duy trì tình yêu của Ngài trong tình trạng của một em bé. Nhưng Ngài lớn lên, thi hành sứ vụ vì mọi người và tất cả điều ấy cũng vì tình yêu.

Tình yêu của Thiên Chúa cũng được diễn tả qua mầu nhiệm Thương Khó của Chúa Giêsu. Cố nhạc sĩ Ngọc Linh dường như đã nhận ra trong cuộc Thương Khó, Thiên Chúa đã dùng chính cây thập giá để minh chứng tình yêu của Ngài đối với con người. Điều đó đã được ông thể hiện trong lời của bài hát “Thập giá minh chứng tình yêu”, với những lời ca rất hay và ý nghĩa: Thập giá là tiếng nói yêu thương vô cùng, là người bạn tín trung, là lương tâm nhân loại, là niềm tin lửa mến, là đỉnh cao của sự dâng hiến vinh quang. Thập giá của Chúa Giêsu là bằng chứng tình yêu, một tình yêu bất diệt và duy nhất.[3] Tuy nhiên, trước khi Chúa Giêsu diễn tả tình yêu cách trọn vẹn trên thập giá, thì ngay trong đời sống thường ngày, Người đã dành trọn tình yêu cho con người. Đó là khi Người chạnh lòng thương với những người nghèo và người đau khổ, những người ốm đau, bệnh tật, những người bị loại trừ, những người tội lỗi, những người bé mọn bị người khác lợi dụng như những con rối. Những hành động đó của Chúa Giêsu thể hiện một tình yêu mãnh liệt với thánh ý của Thiên Chúa, với một lòng khao khát khi Người nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Ngọn lửa mà Chúa Giêsu đem đến trần gian là ngọn lửa tình yêu và phải chi nó bùng lên và thiêu đốt tâm hồn mỗi người. Thế nhưng, 33 năm sống giữa thế gian, với biết bao hành động yêu thương, con người vẫn không nhận ra và đón nhận tình yêu của Người. Chỉ khi Người bị treo trên thập giá và trút hơi thở cuối cùng, thì khi đó con người mới đấm ngực ăn năn, mới công nhận Người là Con Thiên Chúa (x. Mc 15,39) và ngọn lửa tình yêu của Chúa Giêsu mới bắt đầu được nhúm lên trong tâm hồn con người. Quả thật, Chúa Giêsu bị đóng đinh và bị kết án đến chết chỉ vì Người đã trở nên đồng thân đồng phận với con người trong một thế gian tội lỗi. Nói cách sâu xa hơn là chính vì tội lỗi của con người mà Chúa đã chấp nhận cái chết nhục nhã và đau đớn thế đó. Nhưng suy cho cùng, ý nghĩa thực sự trong cái chết của Chúa Giêsu là vì tình yêu. Thánh Anphongsô đã nói không một hành động nào của Chúa ở trần gian lại không được thúc đẩy bởi tình yêu. Ngài giải thích thêm rằng, ý nghĩa của cái chết là vì tình yêu cũng giống như trong mầu nhiệm Nhập Thể vậy: “Chúa Giêsu chết trên cây thập giá! Đây là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa. Đây là lần xuất hiện của Ngôi Lời Nhập Thể trên trần gian. Lần đầu tiên trong máng cỏ, và lần cuối cùng trên thập giá. Cả hai lần biểu lộ tình yêu và lòng khoan dung vô hạn của Thiên Chúa dành cho con người”.[4] Thật vậy, suốt 33 năm sống nơi trần gian, Chúa Giêsu đã chịu nhiều khó khăn và gian khổ. Người đã chấp nhận trở thành tội nhân vì con người, bị đánh phạt như một tên nô lệ, bị sỉ nhục, chịu chết trên thập giá như thể Người là một tên vô lại vì con người. Sau cùng, Người đã trao ban giá máu và cuộc đời của Người vì sự cứu rỗi con người. Như thế, Người đã không giữ lại bất cứ điều gì, vì mọi việc Người làm là vì tình yêu và để làm cho con người yêu mến Người.

Tình yêu của Thiên Chúa cũng được thể hiện trong Bí tích Thánh Thể. Nơi thập giá, Chúa Giêsu đã dâng hiến mạng sống mình cho nhân loại. Và nay, trong Bí tích Thánh Thể, hy tế của Người được tiếp tục tái hiện lại mỗi ngày trên bàn thờ. Vì yêu con người mà Chúa Giêsu đã khiêm tốn chọn ở lại với con người trong hình bánh bé nhỏ và đơn sơ. Nơi đây, Thiên Chúa muốn tỏ cho con người thấy Người thật gần gũi và đơn giản và bất cứ ai cũng có thể đến với Người mọi lúc. Chúa Giêsu đã nói: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Thật vậy, nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu không chỉ thể hiện tình yêu bằng sự dâng hiến, hay bằng sự gần gũi đụng chạm, nhưng Người còn muốn thể hiện nó bằng sự trao ban chính mình Người. Nơi đây, dường như, Chúa Giêsu không chỉ muốn con người đến thờ lạy hay cầu xin, nhưng còn là đón nhận Người vào trong lòng để trở nên một với Người. Việc Chúa Giêsu ở lại với con người trong Bí tích Thánh Thể là vì tình yêu. Tình yêu đó khiến cho Người không thể rời xa con người, nhưng Người còn tìm mọi cách, mọi phương thế để ở lại và tiếp tục trao ban tình yêu cho con người.

Trong Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã thể hiện một tình yêu mãnh liệt và như điên dại cho con người. Như trong một bài giảng, thánh Anphongsô đã nói: Điều đủ cho ơn cứu độ thì lại không đủ cho tình yêu.[5] Quả thật, tình yêu đó khiến Chúa Giêsu chưa thấy đủ khi mặc lấy xác phàm, sống trong cảnh túng thiếu khổ cực, chết đau thương nhục nhã trên thập giá. Và hơn nữa, Người còn hạ mình ẩn dấu dưới hình bánh rượu, để trở nên máu huyết cho con người và để trở nên một với họ mỗi ngày.[6] Còn cách nào khác để cho Chúa diễn tả tình yêu của Người cho con người nữa chăng. Có lẽ đến đây, con người sẽ nhận ra được tất cả những gì Chúa muốn dành cho nhân loại, không gì khác là trao ban hết tình yêu của Ngài. Thật vậy, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu – Ngôi Lời Nhập Thể của Thiên Chúa, Đấng hiến dâng mạng sống cho con người trong cuộc thương khó, Đấng đã sống lại từ cõi chết, mang những vết thương của cuộc thương khó nơi thân thể Người, và bây giờ trao hiến hoàn toàn chính Người cho con người nơi Bí tích Thánh Thể. Tất cả là vì tình yêu.

Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi đáp trả Tình yêu

Tâm lý chung của mọi người là khi nhận ra một người nào đó dành tình thương cho mình, thì chúng ta sẽ mau mắn đáp lại bằng thái độ biết ơn và có thể được diễn tả bằng hành động tùy theo mức độ. Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương con người và điều đó đã được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, “Đấng đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,9). Bằng chứng đó làm cho chúng ta xác tín rằng tình yêu của Thiên Chúa đang ở nơi chúng ta. Vậy chúng ta phải đáp trả như thế nào cho xứng với tình yêu đó?

Theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã đáp lại tình yêu của Thiên Chúa là Cha, mà đi vào trần gian mặc lấy thân phận con người nghèo hèn. Chúa Giêsu đã đáp lại bằng tiếng xin vâng và phó thác cho ý định của Chúa Cha. Ngang qua cuộc đời của Người ở trần gian, Người luôn luôn đáp lại tình thương của Chúa Cha bằng việc ở lại, ở trong và nên một với Chúa Cha. Cũng vậy, Người luôn luôn lắng nghe ý Cha và đáp lại bằng cách thi hành cho đến chết. Đồng thời, Người cũng yêu thương con người bằng việc dâng hiến chính bản thân để làm của lễ đền thay tội lỗi cho họ. Và nay, Người vẫn tiếp tục yêu thương con người bằng cách ở lại, ở trong và nên một với họ dưới hình bánh rượu trong Bí tích Thánh Thể, hầu đem lại sự sống mới cho họ.

Thật vậy, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu đáp lại tình yêu của Thiên Chúa Cha, chúng tôi đã nhận ra được tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người. Và giờ đây, chính tình yêu đó đang thôi thúc chúng tôi đáp lại một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Nhưng đáp lại bằng cách nào để cho xứng với tình yêu đó? Để mọi người có thể đáp trả tình yêu Thiên Chúa, thánh Anphongsô đã không ngần ngại thảo ra một danh sách dài các nhân đức. Nhưng suy cho cùng, nhân đức quan trọng nhất và thực sự giúp mọi người đáp trả tình yêu Thiên Chúa cách trọn vẹn đó là yêu mến Chúa Giêsu, là đón nhận sự sống của Người, là để Thần Khí của Người hiện diện trong chúng ta, hay nói đúng hơn, là sẵn sàng để Ngài sống và hành động trong chúng ta.[7] Đây cũng là kinh nghiệm đáp trả của thánh Anphongsô ngang qua lời của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), và đó cũng là phương thế mà các thánh đã đáp lại tình yêu Thiên Chúa cách trọn hảo. Giờ đây, chúng tôi được mời gọi đáp trả tình yêu đó bằng việc khấn dòng (x. HP 56), nhờ đó chúng tôi hiến mình cách đặc biệt cho Thiên Chúa và cho việc loan báo Tin Mừng (x. HP 1)Để làm được điều đó, mỗi ngày chúng tôi phải đáp lại bằng việc hoán cải liên tục (x. HP 11), chọn Đức Kitô là trung tâm đời sống của mình (x. HP 23) và mặc lấy con người mới theo hình ảnh của Người hầu thanh luyện các động cơ trong phán đoán và hành động (x. HP 41). Mở lòng ra để đón nhận Chúa Thánh Thần, để nhờ Ngài thúc đẩy và hướng dẫn, làm cho chúng tôi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (x. HP 25). Nhưng trên hết, như thánh Anphongsô, yêu mến Chúa Giêsu phải được thể hiện qua đời sống cầu nguyện. Chúng tôi phải xây dựng cho mình một đời sống cầu nguyện, yêu mến đời sống cầu nguyện và dìm mình vào trong việc cầu nguyện mỗi ngày để có thể tạo nên một mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng tôi có thể lắng nghe được thánh ý Thiên Chúa và mau mắn đáp lại bằng sự vâng phục như Đức Kitô đã làm.

Như vậy, đáp lại tình yêu của Thiên Chúa là yêu mến Chúa Giêsu, là bước theo Chúa Giêsu, là đón nhận sự sống của Người và để Thần Khí của Người hoạt động trên chúng ta. Tình yêu đó vẫn đang nói với mỗi người: “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,17), vậy “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19). Một câu hỏi kéo theo một lời mời gọi; một câu trả lời sẽ dẫn đến một hành động, hay một hành động sẽ mang lại câu trả lời. Lời đó vẫn vang lên trên cuộc đời của mỗi người. Chúng ta sẽ đáp lại lời đó như thế nào?

Sự nhận biết bản thân ngang qua việc đọc lại lịch sử cuộc đời và cho chúng ta thấy có một tình yêu vượt xa thứ tình cảm con người đã đụng chạm vào cuộc đời mình. Kinh nghiệm về sự đụng chạm đó đã thúc đẩy chúng tôi khám phá tình yêu đó, một tình yêu đã xắn tay áo để lao vào cuộc đời của mỗi người, chung chia kinh nghiệm cuộc đời và sẵn sàng chết thay cho họ. Qua đó, chúng tôi đã thấy và đã tin vì tình yêu đó xuất phát từ một con người cụ thể là Đức Giêsu Kitô, là người thật và là Thiên Chúa thật. Giờ đây, chúng tôi đáp lại tình yêu đó bằng việc mặc lấy con người mới theo hình ảnh Đức Kitô chịu chết và sống lại từ cõi chết vì con người, hầu thanh luyện các động cơ thúc đẩy chúng tôi trong phán đoán và hành động. Nhờ đó, đời sống của chúng tôi mỗi ngày nên giống Đức Kitô hơn.

Giờ đây, chúng ta có thể xác tín được rằng không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (x. Ga 4,16). Phần chúng ta, chúng ta biết rằng tình yêu của Thiên Chúa ở nơi chúng ta chính là Đức Giêsu Kitô, là Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, là Con Thiên Chúa nhưng đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, là Thiên Chúa giờ đây đang khiêm tốn ẩn mình dưới hình bánh nhỏ trong Bí tích Thánh Thể. Tình yêu đó vẫn mời gọi mỗi người: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 5,9). Ở lại để nên một, ở lại để sinh hoa trái, ở lại để đi xa hơn, như Hiến pháp số 23 đã nói: Càng kết hợp mật thiết với Đức Kitô, càng ở sâu trong Người bao nhiêu thì chúng ta càng được thúc đẩy để vươn xa bấy nhiêu. Điều gì đã thúc đẩy chúng ta vươn xa đến như vậy? Đó là tình yêu của Đức Kitô, vì ai ở lại trong tình yêu của Đức Kitô, thì sẽ được tình yêu đó thôi thúc sống như Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì mọi người (x. 2Cr 5,15).



[1] x. Michael Brehl, Cầu nguyện theo tinh thần – truyền thống thánh Anphongsô, Nguyễn Văn Nam chuyển ngữ (Lưu hành nội bộ), 40.

[2] Ibid., 40.

[3] x. Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, Tuyển tập Thánh Ca Laudato Si’ (Đồng Nai: NXB. Đồng Nai, 2021), 566.

[4] Michael Brehl, Cầu nguyện theo tinh thần – truyền thống thánh Anphongsô, 83.

[5] x. Lưu Quang Bảo Vinh, Ơn Cứu Độ trong cảm thức thừa sai của thánh Anphongsô (kỳ III) (Lưu hành nội bộ)

[6] x. Ibid., 112.

[7] Ibid.

Tình Yêu Đức Kitô Thôi Thúc Chúng Tôi

Học viện Thánh Anphongsô