“Tội lỗi của chúng
ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết
với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương
mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2,24).
Thánh Gioan – người môn
đệ Đức Giêsu thương mến đã khẳng định: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga
4,16). Đối với những người Kitô hữu thì tình yêu chính là dấu chỉ để mọi người
nhận biết họ là môn đệ của Đức Giêsu Kitô (x. Ga 13,35). “Tình yêu là tính đặc thù của đời sống Kitô
giáo. Mức độ của nó vượt qua tất cả những gì con người có thể làm, vì nó được
đo bằng tình yêu mà chính Chúa Giêsu đã tỏ ra qua việc hiến tế cuộc đời Người để
trở nên phương dược chữa lành cho con người.”[1] Điều này được thể hiện qua công trình cứu
độ mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô ngang qua Mầu nhiệm Thập Giá. Có thể nói, mầu nhiệm Thập
Giá là phương dược tình yêu, để bất cứ ai
tin và đón nhận Đức Giêsu Kitô, sẽ được Người chữa lành những tổn thương tận sâu bên trong tâm hồn vốn do tội lỗi gây nên. Nhờ đó, mối tương quan đích
thực giữa con người với Thiên
Chúa, giữa con người với nhau và từng người với chính bản thân được phục hồi. Chúng
ta sẽ cùng nhau làm rõ hơn về ba mối tương quan này.
Tương quan giữa con
người với Thiên Chúa
Trước hết, khi nhìn theo phương thẳng đứng, thập
giá của Đức Giêsu Kitô là điểm nối kết, là phương thế nhằm tái lập lại mối tương quan tình yêu giữa
Thiên Chúa với con người. Chúng ta biết rằng mối tương này đã bị
phá hủy do chính con người làm dụng tự do khi bất tuân Thiên Chúa (x. St
3,16tt). Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, dường như con người chỉ muốn gạt
Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Thế nhưng, điều này chỉ dẫn họ đến những
bất hạnh, đau khổ và tuyệt vọng. Con người càng vùng vẫy thì càng lún sâu trong
sự tội và cuối cùng là sự chết. Tuy nhiên, Thiên Chúa không thể ngồi yên nhìn con người rơi vào hố sâu của tội lỗi.
Tình yêu mà Người dành cho loài thụ tạo tội nghiệp này đã khiến Người đi vào
trong lịch sử của nhân loại. Bằng nhiều cách thức khác nhau, Người đã mặc khải
cho con người biết ý định yêu thương của Người (x. Hr 1,1tt). Và đỉnh
cao của sự mạc khải nơi Người chính là việc Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, để
nói cho con người biết về tình yêu của Thiên Chúa Cha và rồi chịu chết đau thương trên Thập
giá hầu cứu con người khỏi án chết (x. Ga 3,16). Bằng lời thưa“Dạ, con đây, xin sai con
đi” (Is 6,8), Đức Giêsu đã từ bỏ tất cả vinh quang, danh dự của một vì Thiên Chúa toàn năng, cao
cả, chấp nhận hạ mình đến
tột cùng mà mang lấy thân phận con người (x. Pl 2,6-7) để đồng thân
đồng phận, cùng chung
chia và cảm thông với những
yếu đuối, đau khổ của kiếp người. Đỉnh cao của sự vâng phục Thánh ý Chúa Cha vì yêu thương nhân
loại của Đức Kitô chính là cái chết đầy ô nhục và đau đớn của Ngài trên thập giá. Chính nhờ sự
chết và phục sinh vinh hiển của Ngài mà con người được cứu chuộc, được phục hồi địa
vị làm con Thiên Chúa. Như Đức Thánh
Cha Bênêđictô XVI đã nói: “Thập Giá là sự biểu lộ của Tình Yêu đến mức tận
cùng, một Tình yêu tự hiến trọn vẹn.”[2] Điều
này có nghĩa, “thập giá tiên vàn là
vận hành theo hướng từ trên xuống. Thập giá không phải là hành vi làm hòa của
nhân loại dâng lên cho Thiên Chúa đang cơn thịnh nộ, nhưng là sự diễn tả tình
yêu như điên dại của Thiên Chúa, một tình yêu đến độ tự hiến, tự hạ để cứu độ
con người”.[3] Thật
vậy, “trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người.
Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa
giải” (2 Cr 5,19). “Thiên Chúa không chờ tội nhân đến để hòa giải với
mình, ngược lại, chính
Người đến với họ trước để họ được giao hòa với Người”.[4] Như
thế, thập giá theo đúng hướng của nó chính là sự tỏ lộ của một Thiên Chúa luôn
yêu con người và hết lòng vì con người.
Tương quan giữa con
người với con người
Thứ đến, khi nhìn theo phương ngang, thập giá của
Đức Giêsu Kitô chính là điểm nối kết, là sự tái lập lại mối tương quan giữa con người với con người. Theo
Thánh Kinh, sau khi nguyên tổ
phạm tội, con người không chỉ làm tổn thương đến mối tương quan với Thiên Chúa
mà còn làm rạn nứt mối tương quan giữa con người với nhau. “Aben em
ngươi đâu rồi?” (St 4,9) là câu hỏi mà Thiên Chúa đã hỏi Cain ngay sau
khi ông giết em mình. Như vậy, một trong những hậu quả nghiêm trọng
của tội nguyên thủy chính là sự bất hòa, anh em giết hại lẫn nhau. Có thể nói, khi không còn sống trong tình yêu của Thiên Chúa, con người đâm ra ích kỉ, ghen tương. Điều
này dẫn nhân loại đến
chỗ hận thù, oán ghét và
thậm chí là sát hại lẫn nhau cách không thương tiếc. Những xung đột gay gắt về sắc tộc,
màu da, tôn giáo; những cuộc chiến
tranh tàn bạo, khốc liệt; những mối hận thù dai dẳng... vẫn đang tàn phá con người từng ngày. Những điều
này là minh chứng cho việc vắng bóng tình yêu Thiên Chúa. Tuy
nhiên, hơn 2000 năm trước, Con Thiên Chúa đã đến trần gian để hàn gắn lại sự đổ
vỡ trong mối tương quan giữa con người với nhau. Thật vậy, một ý nghĩa quan trọng khác của việc Đức Giêsu Kitô chết trên thập giá, chính là để
cho nhân loại được giao hòa, nối
kết lại với nhau và được cùng
chung hưởng một nguồn ơn cứu độ. Bằng cái chết đau thương đó, Ngài
đã làm cho trọn ý nghĩa của việc yêu thương cho đến cùng. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu
của người dám thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Quả thật, đó là cách thức mà Chúa chúng ta đã
dùng để nói cho nhân loại biết về một tình yêu đích thực và trọn vẹn, một tình
yêu loại trừ mọi hận thù, chia rẽ và ích kỷ. Ngài lôi kéo và mời gọi con người cũng hãy biết
yêu thương và tha thứ như Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã
yêu thương anh em” (Ga 15,12). Tình yêu đó đã diễn tả cách
cụ thể qua việc Ngài tự ý hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại. Có thể nói, bằng
cái nhìn của đức tin, người Kitô hữu biết rằng chỉ trong và qua cái chết của Đức Giêsu Kitô, con
người mới có điểm quy chiếu để hòa giải với nhau, mới có thể xóa bỏ
mọi hận thù để sống giá trị tình thương mà nhờ đó, những tổn thương mà con người đã gây ra cho nhau mới được chữa lành. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã
khẳng định: “Chỉ những gì được yêu mới có thể được cứu. Chỉ những gì được ôm lấy
mới có thể được biến đổi. Tình yêu của Chúa thì lớn hơn tất cả những mâu thuẫn,
những yếu đuối và những nhỏ nhen của chúng ta”.[5]
Tương quan với chính
bản thân
Cuối cùng, khi đi từ ngoài vào trong, thì thập giá Đức Giêsu
Kitô chính là sự nối kết giúp chữa lành và làm hòa từng người với chính mình. Tác giả Michael Qouist trong cuốn Xây Dựng Con
Người Nhân Bản đã khẳng định: “Con người không phải đã được dựng nên
cho hoàn tất”.[6] Thật
thế, bởi vì bản chất con người là chưa hoàn thiện nên
tự nơi con người, luôn
có sự đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu. Sự mâu thuẫn giữa bên trong
và bên ngoài khiến con người dễ bực dọc hay thậm chí muốn nổi loạn với chính
mình. Điều này khiến
con người đôi khi muốn buông xuôi và đầu hàng với chính mình. Và để che lấp đi sự mâu
thuẫn này, nhiều người có xu hướng
tìm cho mình sự an toàn giả tạo nơi những đảm bảo về vật chất, danh
vọng hay quyền lực và phủ lên bản
thân nhiều lớp mặt nạ trong cuộc sống. Thế nhưng, điều đó chỉ làm
cho họ càng ngày càng trở nên thu rút, co cụm và đau khổ hơn. Đến đây, con người
dường như rơi vào bế tắc với chính mình. Chính ở điểm này mà Hội Thánh muốn nói
cho nhân loại biết một phương cách giúp họ làm hòa với chính mình. Đó chính là
Đức Giêsu Kitô. Ngài là tất cả cho niềm hy vọng của con người. Thật thế, chính
nhờ cái chết trên thập
giá mà Ngài đã đưa
con người đi vào trong chiều sâu của tâm hồn để nhận biết và hòa giải với chính
mình. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Những ai để mình được Thiên
Chúa cứu độ sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và
cô đơn”.[7] Nói
cách khác, chính khi ở lại
trong Đức Giêsu Kitô, con người mới nhận ra những tổn thương, đổ vỡ nơi mình, để
rồi trong niềm trông cậy nơi thập giá Đức Giêsu Kitô, con người mới có thể tha thứ cho chính
mình, biết mở ra và
lãnh nhận hồng ân chữa lành của Thiên Chúa.
Như vậy, vì tình yêu vô
điều kiện mà Chúa Cha – Đấng luôn yêu thương con người từ muôn thuở, đã sai Con
của Ngài đến thế gian để cứu chuộc con người. Qua chính
mầu nhiệm Thập giá được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, con người đã được
chữa lành và nối kết lại trong
những mối tương quan tình
yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người và từng người với chính bản
thân mình. Đó là dấu chỉ xác thực cho việc Thiên Chúa yêu thương con người.
Chúng ta tự hỏi, mỗi người
cần phải làm gì để chính Đức Kitô chữa lành các tổn thương trong những mối
tương quan này, cách đặc biệt là các tu sĩ thừa sai DCCT? Trước hết, đó là sự
hoán cải nội tâm nơi họ. Quả thế, với sự hoán cải tâm hồn không ngừng, đồng thời
qua việc bỏ mình, loại trừ tính ích kỷ, mở rộng con tim cho người khác và hiến
mình cho người khác vì Đức Kitô, các tu sĩ sẽ mặc lấy con người mới, được tạo dựng
theo hình ảnh của Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết, nhờ đó họ sẽ
đạt được sự tự do nội tâm, sự tự do đem lại sự hợp nhất và hài hòa cho đời sống
của họ (x. HP 41). Chính sự tự do nội tâm này, cùng với việc năng lãnh nhận Bí
tích Hòa Giải và đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các tu sĩ có
thể bước ra khỏi con người cũ của mình – con người bị tính xác thịt chi phối, để
trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, có được những tâm tư tình cảm, nên một
lòng một trí ý với Ngài và có thể vượt thắng được những giằng xé trong nội tâm
của mình (x. HP 25).
Tiếp đến, chính là tầm
quan trọng của việc sống tình thân hữu Tin Mừng. Điều này giúp mang lại sự sống
cho cộng đoàn tông đồ cũng như duy trì và đem lại sự triển nở cho đời sống cộng
đoàn của các tu sĩ thừa sai DCCT (x. HP 34). Hơn nữa, chính tình thân hữu Tin Mừng
này cũng là lời đáp trả của họ trước tình yêu của Thiên Chúa trong việc hàn gắn
mối tương quan giữa con người với nhau. Bởi lẽ, với tình thân hữu Tin Mừng, qua việc sống bình đẳng, đồng
trách nhiệm, các tu sĩ cùng nhau góp phần vào việc sống và thi hành sứ vụ mà
chính Đức Kitô đã trao cho họ (x. HP 35). Thêm vào đó, bằng việc quy tụ nhau
trong sự hiệp nhất về ý chí trong Đức Kitô và trong tinh thần tôn trọng lẫn
nhau (x. HP 38), cũng như qua việc rao giảng mầu nhiệm Đức Kitô cách minh nhiên
hay qua sự hiện diện huynh đệ âm thầm (x. HP 10), cách nào đó họ đang làm chứng
cho sự hiện hữu của Đức Kitô giữa nhân loại, cho việc Thiên Chúa yêu thương con
người, luôn tha thứ và mời gọi họ sống giới răn yêu thương mà Người đã ban qua
Đức Giêsu Kitô. Đây cũng là dấu chứng cho mọi người nhận ra lòng thương xót vô
biên của Thiên Chúa, một tình yêu tự hiến qua sự hiện diện biểu lộ trong Chúa
Giêsu: yêu thương và tha thứ mọi tội lỗi của con người cho đến chết.
Vậy còn mối tương quan
giữa con người với Thiên Chúa? Đối với các tu sĩ thừa sai DCCT, đó là đời sống
cầu nguyện kết hiệp với Người. Chính Cha thánh Anphongsô đã nói: “Ai cầu nguyện
chắc chắn được cứu vớt. Ai không cầu nguyện chắc chắn sẽ bị trầm luân”. Đối với
Cha thánh, phương thế phát triển tình yêu vô vị lợi dành cho Thiên Chúa, cho Đức
Kitô và tha nhân là lời cầu nguyện. Cầu nguyện là mở lòng mình cho Chúa, gặp gỡ
Ngài và cộng tác với Ngài. Cầu nguyện là phương thế cần thiết cho việc cứu rỗi.[8] Chính
các tu sĩ, một khi thấm nhuần tinh thần cầu nguyện của Cha thánh thì cũng sẽ diễn
tả tinh thần ấy qua chính đời sống của họ dưới mọi hình thức: cầu nguyện cá
nhân và cộng đoàn (x. HP 26) mà qua đó, họ khám phá và sống mầu nhiệm Đức Kitô
(x. HP 29).
Nói tóm lại, với sự hoán
cải nội tâm không ngừng, cùng với tình thân hữu Tin Mừng và đời sống cầu nguyện
theo linh đạo của Cha thánh Anphongsô, là một trong những phương thế giúp các
tu sĩ thừa sai DCCT luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, được thăng tiến và bền đỗ
trong tình yêu Chúa. Chính từ đó mà họ ra đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo
(x. HP 1) và giúp cho mọi người nhận ra “Ơn Cứu Chuộc chứa chan nơi Đức Kitô”.
Đó là lời đáp trả tình yêu của các tu sĩ thừa sai DCCT trước tình yêu nhưng
không – tình yêu chữa lành của Thiên Chúa.
Joseph Hoàng Việt
[1] Walter
Kasper, Lòng thương xót, Nguyễn Khương Duy chuyển ngữ (Hà Nội:
NXB. Tôn giáo, 2016), 157.
[2] Joseph
Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, 303.
[3] Ibid., 304.
[4] Ibid., 304.
[5] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Christus vivit, Hội đồng Giám mục Việt Nam chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2019), 75.
[6] Michael Quoist, Xây dựng con người nhân bản,
Nguyễn Thị Chung chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2000), 22.
[7] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Christus vivit, 75.
[8] Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2006), 129-131.